International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

10/05/2010 | RSS Feed

Hoàng Su Phì, từng bước quan tâm, đầu tư phát triển hoạt động du lịch

người đăng admin | viết nhận xét

 

Với sự nổi bật về những nương ruộng bậc thang thơ mộng, hình ảnh về những cây chè cổ thụ và những thiếu nữ Dao duyên dáng, đã tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất Hoàng Su Phì. Đó là những lời khen tấm tắc của không ít du khách đã từng một lần đến với huyện phía Tây, được thả hồn vào ánh nắng chiều trong tiếng rừng thông gieo vi vu.


Miền đất phía Tây nghe có vẻ trầm lặng, nhưng lại chứa đựng trong mình không ít những giá trị, tiềm năng du lịch đã và đang được địa phương xây dựng, khai thác để tạo nên lợi thế cho sự phát triển KT – XH nơi đây.


Đến với Hoàng Su Phì, vùng đất của12 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời. Với những điều kiện thiên nhiên, khí hậu đặc trưng, vùng đất này còn lưu giữ được rất nhiều những cánh rừng nguyên sinh và vẻ đẹp hoang sơ hiếm nơi nào có được. Xác định những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, từ năm 2007, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 20 về phát triển du lịch giai đoạn 2007 – 2010. Qua đó, huyện đã từng bước quy hoạch, hoàn chỉnh phát triển hệ thống du lịch, xây dựng các tua, tuyến, các điểm dừng chân. Thành lập tổ du lịch, cùng với việc triển khai bảo tồn và khai thác các giá trị văn hoá dân gian các dân tộc trên địa bàn và đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch…


Trên cơ sở đó, một việc làm được đánh giá cao, đó là huyện đã xây dựng biểu trưng của địa phương với hình ảnh ruộng bậc thang và cây chè cổ thụ. Có thể thấy rằng, do địa hình đặc trưng, cùng với truyền thống canh tác lâu đời, từ đó đã tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên cho Hoàng Su Phì với những hình ảnh ruộng bậc thang được coi là đẹp nhất nhì khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Đến nay huyện đã bước đầu xúc tiến việc khảo sát, lập đề án bảo tồn và giới thiệu hình ảnh ruộng bậc thang rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các tua du lịch đến những địa phương có ruộng bậc thang đẹp. Vì thế, nói đến Hoàng Su Phì, du khách trong và ngoài tỉnh sẽ nhắc ngay đến hình ảnh ruộng bậc thang. Đó cũng là lí do khiến cho nhiều du khách lựa chọn những chuyến du lịch đến với vùng đất phía Tây này.


Với sự quan tâm, đầu tư cùng với sự khuyến khích phát triển du lịch của các cấp, ngành chức năng nên từ năm 2007 đến nay, việc xây dựng và phát triển hệ thống làng văn hoá du lịch đã được quan tâm đầu tư. Trên cơ sở đó, làng văn hoá cộng đồng tại 4 thôn của xã Thông Nguyên do Công ty TNHH khám phá Khánh Hoà xây dựng đã ra đời với giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng. Cùng với đó là các làng văn hoá du lịch tại các xã như Hồ Thầu, Bản Péo, Nậm Ty, Nam Sơn và thị trấn Vinh Quang đã tạo ra một hệ thống tua du lịch văn hoá cộng đồng hấp dẫn trong huyện. Để khai thác có hiệu quả và bền vững, vấn đề môi trường đã được các địa phương quan tâm, chú trọng. Tại các làng văn hoá du lịch trên, đã có 148 gia đình được đầu tư làm nhà vệ sinh và nhà tắm, 3 thôn, bản được đầu tư làm nhà sàn cộng đồng và là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, nghỉ ngơi cho du khách. Các làng nghề truyền thống bước đầu được khôi phục như nghề rèn, dệt thổ cẩm, may và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm phục vụ du lịch… Thông qua việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phát huy các giá trị truyền thống, đến nay toàn huyện đã ra mắt được nhiều đội văn nghệ dân gian, khôi phục nhiều lễ hội, các giá trị văn hoá, văn nghệ, trò chơi, các món ăn độc đáo.


Từ việc tạo điều kiện, cơ chế cho phát triển du lịch, đến nay Nhà nước và nhân dân cũng đã đầu tư gần 600 triệu cho cho hoạt động phát triển dịch vụ du lịch. Hệ thống giao thông trong huyện cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch… Với việc tăng cường quảng bá, giới thiệu về hình ảnh địa phương, nên lượng khách đến với Hoàng Su Phì trong những năm qua đã tăng lên đáng kể.


Tính trong năm 2009, đã có trên 1.500 lượt khách đến với huyện. Phải nói rằng, với sự hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên nên Hoàng Su Phì đã và đang trở thành điểm đến của khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch có khả năng thanh toán lớn đến từ các nước châu Âu. Năm 2009, đã có trên 720 lượt khách nước ngoài đến với huyện. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2009 ước đạt trên 3,5 tỷ đồng…


Những kết quả đạt được bước đầu tuy chưa nhiều, nhưng có thể thấy được sự quan tâm, nhìn nhận và đề ra chủ trương đúng hướng của cấp uỷ, chính quyền huyện về việc phát triển du lịch. Từ đó, từng bước đầu tư, xây dựng và phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn, là cầu nối, đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển KT – XH trên địa bàn. Để có thể thúc đẩy phát triển du lịch những năm tới, ngoài sự đầu tư của các cấp, các ngành chức năng thì với huyện cần chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động này. Cần tăng cường hơn nữa việc xúc tiến, quảng bá các hoạt động du lịch, phát huy lợi thế của một địa phương nằm trên tuyến du lịch Lào Cai – Hà Giang và Cao Bằng.
(Nguồn: Báo Hà Giang)





Cửu thác Tú Sơn - Danh thắng đất Mường

người đăng admin | viết nhận xét

 Cửu Thác Tú Sơn hay còn gọi là khu thác 9 tầng nằm trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi rộng 120 ha ở trên độ cao 1.300 m so với mực nước biển, có thiên nhiên hùng vĩ mây nước và nên thơ gắn liền với những sự tích đậm chất văn hóa dân tộc thực sự là danh thắng đất Mường làm ngân ngơ, quyến luyến lòng người. Cửu Thác thượng ngàn mơ không thấy

Long cung giếng Ngọc mấy ai hay

Đến rồi lòng ngẩn ngơ say

Bồng lai tiên cảnh đây rồi Tú Sơn

Người xưa kể lại rằng: Xóm Củ ruộng đồng khô cằn không có một giọt nước, người dân phải rời bỏ bản làn tìm cuộc sống mới để vơi bớt sự vất vả quanh năm. Khi ấy, một người mẹ mang thai đã dũng cảm vượt qua 9 ngọn núi tới đỉnh cao nhất dùng con dao bạc cắm xuống đất, rồi có một mạch nước tuôn trào lên thành hồ nước Đầm Ba Đạng. Một dòng chảy về cháy quan khu rừng già Kim Tiến thành nguồn cát vàng, dòng khác chảy về Mường Thàng- Cao Phong. Còn một nhánh lớn nhất vượt 9 ngọn núi chảy về Tú Sơn tạo thành 9 dòng thác hùng vĩ, lấp lánh bạc 5 mùa, làm nên khí hậu mát mẻ do bụi nước bay lên tỏa từ trên cao chùm xuống hiếm có. Nguồn suối chảy ngày đêm đem lại cuộc sống bình yên, mùa màng tốt tơi cho dân bản, nhiều người đã quay trở về xây dựng cuộc sống mới. Dòng suối Tú Sơn còn gắn liền với câu chuyện tình yêu trắc trở của Nàng Út Lót vừa thông minh,vừa xinh đẹp với chàng Hồ Liêu không lấy được nhau mà hóa thành đôi bướm trắng dập rờn đùa vui bên dòng suối.

 

Cửu Thác Tú Sơn nằm giữa không gian của núi rừng hùng vĩ với các địa điểm như Thác Bạc, Thác Trượng Phu, Thác Hồ Âu Cơ, Suối Kim Ngân, hồ câu cá Thiên Nga tận hưởng không khí trong lành, ăn uống nghỉ dưõng, đốt lửa trại, ngắm những đàn hươu sao, khí, gà rừng nhởn nhơ nô đùa, hay thưởng thức các món ăn độc đáo mang đầy bản sắc văn hóa xứ Mường. mà bất cứ ai một lần đến cũng phải đắm say đến ngơ ngẩn.

Các danh thắng Cửu Thác Tú Sơn gắn liền với những sự tích đẹp như trong mộng. Thượng Ngàn Cửu Thác Tú Sơn ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, có núi non, thác nước hùng vĩ, vẫn còn dấu tích để lại là một quả trứng Âu Cơ khủng lồ hóa đá, hiện lên như một bà mẹ ôm bọc trăm trứng với vẻ mặt bâng khuâng nhìn về phía chồng con xuôi về miền biển. Thác nước tuôn chảy ngày đêm qua tháng năm đã tạo thành hồ nước Lạc Long Quân để người đời sau tắm gội trong tình yêu của đại gia đình các dân tộc. Thác trải chiến Quan Lang trải đều như chiều dài cái chiếu, ngày đêm rì rào vang vọng âm thanh nhẹ nhàng mà da riết. Về mùa khô thác ít nước, có thể ngồi tự tình trên những phiếu đá to cỡ mặt chiếu, trong bóng mát cây xanh, nhìn suối chảy hiền hòa trong vắt cá đớp lao xao.

 

Đến Cửu Thác Tú Sơn, dã ngoại thăm động Long Cung huyền ảo, tí tách những giọt nước thánh cảu sự tích người mẹ tìm ra nguồn nước đã sinh con và hóa rồng, lên cổng trời Thiên Sơn, qua cầu gió vi vui dưới khe suối chảy róc rách vượt tới khu vườn Thượng Uyển du khách như được tìm về cội nguồn, được tận hưởng sự giao hòa của giữa đất và trời  mà lòng nhẹ nhàng thư thái.

 

Khu vườn Thượng Uyển ở độ cao 1.000m, khí hậu mát lành, nhiệt độ luôn thấp hơn nhiệt độ bình thường tới 2-3 0C, ngước nhìn lên cao là rừng già nguyên sinh, xanh thẳm mờ sương, đây đó nở trắng hoa rừng, rứu ran chim hót. Nắng lên từng đàn chim mít hót râm ran, những con chim đực đỏ au vờn lượn sóng đôi cùng chim cái vàng óng, cạnh đó là hàng đàn chào mào, chim cắt chao nghiêng vun đùa cùng suối nước. Ở ven suối là những nhà sàn mi ni với đàn voi đá tranh nhau tắm ngụp, dưới dòng suối trong xanh. Bên sườn núi đá uy nghiêm là những mái ngoi tươi màu mận chín, nơi tâm linh thượng ngàn soi bóng bên hồ Ngọc ngàn năm tuổi. Dưới làn nước suối trong xanh có thể nhìn rõ từng viên đá cuội lăn đùa cùng bước chân du khách, xen lẫn những hồ tắm tự nhiên làm cho bất cứ ai cũng như quên mất thời gian.

 

Khu du lịch Cửu Thác Tú Sơn có một hệ thống lầu son gác tía chót vót trên đỉnh thác mang đậm chất dân tộc xứ Mường. Hai bên phía dưới là 2 dòng nước tuôn trào lấp lánh như nâng lầu Vọng cảnh trên mây trời nhìn xuống. Đứng trên lầu Vọng Cảnh như  được đứng ở lưng trời tay có thể vờn mây mà để tâm hồn bay bỏng trên cõi thiên đường. Từ khu vường Thượng Uyển lên hồ Tiên Sa rộng 300m 2 , các nam thanh, tú nữ có thể thoả thuê ngụp lặn dưới chân Thác nước Trượng Phu- dòng thác như từ trên trời nối xuống hồ Tiên Sa. Trên hồ Tiên Sa là một giếng Ngọc như rót bạc xuống ngày đêm không cạn, ví như tình người cha công lao như Núi Thái Sơn như  khí chất như bậc Anh hùng Trượng Phu.

 

Dưới chân Khu thác Duôi ( Thác Thiên Ngọc Thạch) nhìn lên trời cao thấy một hòn đá khủng lồ, tròn vo màu xanh ngọc xung quanh, có ánh vàng phía dưới ngậm giữa hai vách ngọn núi chơi với xen kẽ ánh sáng không gian như treo trên trời buông xuống. Đứng dưới nhìn lên như sắp trôi xuống chốn Thủy Cung. Dưới chân thác lại là một không gian rộng mênh mông, huyền ảo trong làn sương nước mát lạnh trùm lên hòn ngọc xanh tráng lệ giữa động Thủy Cung, xung quanh là muôn vàn loài hoa khe sắc màu rực rỡ đùa vui với lòng người. Ngước lên như thấy Thác Ngọc Thạch như xếp trời trên đá “ Người xưa có ai đội đá, vá trời, đá Thần, đá Thánh không rơi trên đầu lơ lửng chơi vơi giữa trời”.

 

Đến Cửu Thác Tú sơn được tận hưởng thiên nhiêm mây nước, được thưởng thức các chương trình văn nghệ đặc sắc như đốt lửa trại, múa sạp, đắm mình trong âm vang cồng chiêng của núi rừng, lâng lâng  trong men rượu cần say đắm, ánh mắt trao duyên nhẹ nhàng mà tình tứ.(

Nguồn: Báo Hòa Bình

)





Thăm đền Đầm Hồng và đền Bách Thần (Tuyên Quang)

người đăng admin | viết nhận xét

Đền Đầm Hồng, xã Ngọc Hội, được xây dựng cách đây khoảng 200 năm. Năm 2007, đền được khôi phục lại trên cơ sở kiến trúc cũ. Đền thờ Địa tiên Thánh Mẫu. Đền được xây theo thuyết phong thuỷ “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, là nơi thuỷ tụ phúc, thể hiện khát vọng làm ăn phát đạt, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Đền ở thế đất cao, cây cối tươi tốt, là nơi đất lành, linh thiêng mà các đấng thần linh ngự trị. Đền Đầm Hồng là sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp thiên nhiên và tài năng kiến trúc của con người. Đền tổ chức lễ chính vào ngày rằm tháng Giêng gồm lễ Sơn Trang và lễ Thượng Nguyên. Vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch hằng tháng nhân dân các dân tộc trong vùng đến dâng hương, hoa quả cúng bái. Hiện đền Đầm Hồng còn lưu giữ được 4 bức đại tự cổ, trong đó bức cổ nhất là bức Cao Thanh Túc, cách đây gần 200 năm. Các hoành phi, câu đối liên quan đến đền Đầm Hồng đang tiếp tục được nghiên cứu khôi phục lại.
Đền Bách Thần, thuộc tổ 11/9, thị trấn Vĩnh Lộc, được xây dựng trên sườn núi Bách Thần. Đền thờ các thiên thần, địa thần, nhân thần, anh hùng dân tộc... Theo các cụ cao niên huyện Chiêm Hoá thì đền Bách Thần còn được gọi là Phúc Thần, tức vị thần ban phúc cho nhân dân. Trước năm 1945, đền được xây dựng tại khu vực chợ thị trấn Vĩnh Lộc bên cạnh một cây đa to. Hướng của đền thờ vọng sang núi Bách Thần, tả ngạn sông Gâm, phía đông thị trấn.
Hằng năm vào ngày chính lễ của đền cùng ngày Hội Lồng tông mồng 8 tháng Giêng âm lịch, nhân dân các xã trong vùng mang lễ vật đến đền tế lễ cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ... Nhờ đó, đền có vai trò rất lớn trong đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh của người dân Chiêm Hoá. Nay đền được phục dựng xây trên vị trí mới, với hướng và địa thế đẹp. Từ đền Bách Thần trên núi Bách Thần, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và quang cảnh thị trấn Vĩnh Lộc bên dòng Gâm thơ mộng. (
Nguồn: Báo Tuyên Quang)





Phước Tường - Ngôi chùa nên thơ và cổ kính ở Thành phố Hồ Chí Minh

người đăng admin | viết nhận xét


Phước Tường là ngôi chùa cổ của TP. Hồ Chí Minh. Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, đến nay chùa Phước Tường đã trải qua 11 đời trụ trì. Người sáng lập ngôi chùa này là hòa thượng Linh Quang Phật Chiếu. Đây là ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Phước Tường tọa lạc tại khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) trên một khu đất rộng gần 3ha. Cổng chùa được xây dựng theo kiểu tam quan. Kiến trúc chùa được xây dựng theo hình chữ L ngược, là kiểu công trình kiến trúc tôn giáo phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh vào thế kỷ XVIII, XIX. Chùa nép mình dưới những tán cây cổ thụ rậm.

Tiền điện chùa có bố trí tượng Hộ Pháp, Kim Cang và các bao lan được chạm theo đề tài tùng hạc. Tác phẩm điêu khắc độc đáo có giá trị lịch sử là bức hoành phi treo ở tiền điện mang dòng chữ Phước Tường tự có niên đại từ đời vua Minh Mạng 1834. Tiếp nối tiền điện là chánh điện. Đây là khu vực thờ cúng chủ yếu và được trưng bày khá nhiều tượng Phật cổ. Trước chánh điện có hàng cột chạm khắc thân hình rồng vàng uốn lượn theo những câu đối sơn son thiếp vàng. Sát với chánh điện là Tổ đường. Nơi đây có đặt bàn thờ Tổ sư Đạt Ma và bài vị các vị sư trụ trì của chùa. Nơi tiếp khách và học tập của các thầy trong chùa là giảng đường. Tiếp nối giảng đường là sân thiên tỉnh. Đây là nơi dùng để hứng nắng, gió, nước mưa, tạo không gian mát mẻ, thông thoáng cho chùa. Phần cuối của trục chính là trai đường, nơi các tu sĩ nghỉ ngơi.

Có thể nói quang cảnh chùa Phước Tường rất thoáng mát, yên tĩnh với nhiều loại cây xanh, thảm cỏ. Cảnh quan kiến trúc của chùa được thiết kế hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên, vừa nên thơ vừa cổ kính. Tại chùa còn bảo tồn nhiều tượng cổ, câu đối, hoành phi là những hiện vật vô giá, thể hiện bề dày lịch sử văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc. Chùa Phước Tường đã cùng đất nước trải qua nhiều thăng trầm, là nơi che dấu bộ đội trong những ngày binh biến khói lửa.

Hiện chùa Phước Tường do đại đức Thích Nhựt An trụ trì. Ông đang cùng các chư tôn đức chung tay, góp sức xây dựng chùa trở thành địa chỉ tôn giáo, tín ngưỡng, lấy việc hành đạo, giúp đời, xây dựng cuộc sống ấm no làm lẽ sống.(Nguồn: KTNT)





Chùa Phúc Lâm (Tuyên Quang) và những nét kiến trúc cổ xưa

người đăng admin | viết nhận xét

Chùa Phúc Lâm thuộc xã Thượng Lâm (Nà Hang). Chùa có tên đầy đủ là “Phúc Lâm Tự”. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao, rộng và bằng phẳng, quay theo hướng Tây Nam nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông. Phía xa hơn nữa là những dãy núi Thượng Lâm trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm.

Tương truyền rằng, những dãy núi kia là “đàn Phượng Hoàng lửa đi tìm đất làm kinh đô” xưa hoá thành. Ngọn núi ở phía sau chùa Phúc Lâm cao sừng sững, người dân trong vùng vẫn quen gọi là ngọn núi cổ Rùa gắn với sự tích “Chiếc cầu da” ở nơi “Sơn kỳ, thuỷ tú” càng làm cho quần thể ngôi chùa và thung lũng Thượng Lâm thêm màu huyền thoại.


Cũng giống như hàng vạn vật chất khác chịu ảnh hưởng của thời gian và sự tàn khắc của thiên nhiên, nên ngôi chùa xưa đã biến mất chỉ để lại những dấu tích đượm vẻ kỳ bí. Theo một vài nghiên cứu, toàn bộ khuôn viên của phế tích kiến trúc chùa Phúc Lâm xưa tọa lạc trên một gò đất rộng khoảng 600m2. Các hiện vật còn được lưu giữ tại chùa như: Tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến  trúc của ngôi chùa, các mảng tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ… đã chứng minh chùa Phúc Lâm ra đời trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XIII và XIV (dưới thời Trần) theo những phế tích còn lại cho thấy: Toà tiền đường có kích thước là 15m x 6m, đây là nơi để nhân dân địa phương tới hành lễ vào các ngày rằm và mùng một hàng tháng, hai bên là hai pho tượng thờ được đặt ở vị trí sát vách, trên hai tảng kê chân cột bằng đá xanh.


Tượng được làm bằng gỗ, để mộc không sơn son thiếp vàng. Tượng có khuôn mặt nữ, đầu búi tóc trên đỉnh, phía dưới của tượng đã bị hư hại nhiều. Giữa gian tiền đường là nơi đặt hương án, phía sau nhang án là phật điện (Toà Tam bảo). Toà Tam bảo của chùa Phúc Lâm có bốn lớp tượng phật, bệ được làm theo kiểu giật cấp, các pho tượng đều được làm bằng gỗ, để mộc ở tư thế ngồi thiền trên toà sen; các pho tượng mang nhiều nét văn hoá của cư dân vùng cao; tượng không được chạm khắc trau chuốt, các đường nét không mềm mại nhưng rất có hồn, dáng vẻ tự nhiên (giống như tượng tạc ở nhà mồ của các đồng bào Tây Nguyên). Đặc biệt trên nền của ngôi chùa xưa đã phát hiện được 14 tảng kê chân cột bằng đá xanh hình vuông, có một số tảng kê chân cột vẫn còn đặt ở vị trí khởi nguyên của nó. Theo nghiên cứu, ngôi chùa cổ được làm chủ yếu bằng gỗ, khá phổ biến ở những ngôi chùa làng vùng Trung du Bắc bộ.


Hiện nay, trên nền của ngôi chùa cũ, nhân dân đã dựng lên một ngôi chùa nhỏ bằng gỗ mái lợp lá cọ, theo bình đồ kiến trúc hình chữ Nhất với chiều dài khoảng 8m, chiều rộng khoảng 4m và chiều cao khoảng 3m, kết cấu kiến trúc đơn giản theo kiểu “Kèo cầu kẻ suốt, vì nóc giả chiêng” một phong cách cổ truyền của nền kiến trúc cổ Việt Nam để thờ Phật và các vị thần bản địa. Hàng năm, cứ vào các dịp lễ, tết (nhất là lúc tổ chức lễ hội Lồng tông) người dân và du khách đến Thượng Lâm đều hướng về ngôi chùa với tấm lòng thành kính và cùng cầu chúc cho “mưa thuận gió hoà, vạn vật tốt tươi, nhà nhà no đủ...”.(
Nguồn: Báo Tuyên Quang

)

 






Chày Lập (Quảng Bình) - Một điểm du lịch làng quê

người đăng admin | viết nhận xét

Du lịch làng quê Chày Lập (Rustic Chay Lap) là một sản phẩm du lịch đặc biệt thuộc địa bàn thôn Chày Lập (Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) mở cửa đón khách đầu năm 2009. Ðiểm du lịch làng quê dân giã đầu tiên ở Quảng Bình đang thu hút rất đông du khách. Ðến với Chày Lập, bạn đã ở ngưỡng cửa của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.


Từ thành phố Ðồng Hới, theo nhánh đông đường Hồ Chí Minh về phía bắc chừng 60 km, du khách sẽ gặp ngã ba Khe Gát - nơi đường Hồ Chí Minh phân thành hai nhánh trước khi vào nam. Rẽ theo nhánh tây của tuyến đường lịch sử này khoảng 5 km, bạn sẽ đến với khu du lịch Chày Lập.

Tại khu du lịch dân dã này, bạn sẽ được người dân đón tiếp chu đáo và nồng hậu; được nghỉ trong những ngôi nhà gỗ truyền thống dựng giữa vườn cây trái. Kiểu nhà cổ có nhiều cột được dựng trên một nền đất nhỏ; rường, cột được làm bằng gỗ, chúng có thể tháo ra và dựng lại ở nơi khác. Những ngôi nhà truyền thống này được gắn thêm các tiện nghi hiện đại đã đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của khách. Những ngôi nhà rường cổ trở thành biểu tượng cho lối sống mộc mạc và giản dị.

Ở Chày Lập, có nhiều tuyến đường để khám phá vẻ đẹp của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nếu đi bằng xe đạp leo núi, bạn xuất phát từ Chày Lập đi qua trạm kiểm lâm để vào Vườn quốc gia theo con đường thoai thoải cho đến khi gặp suối Nước Moọc. Nước chảy ra (moọc ra) từ một hố trũng lớn trong lòng đất xanh ngăn ngắt và mát lạnh. Từ bao đời nay nước vẫn cứ thế moọc ra và chưa bao giờ cạn. Tiếp đó, đi chừng bảy đến tám ki-lô-mét nữa, bạn sẽ đến ngã tư Trạ Ang - trọng điểm đánh phá ác liệt trên nhánh tây đường Hồ Chi Minh những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và từ đó rẽ phải theo tuyến đường 20 Quyết thắng. Tại đây, sau bữa trưa bằng cơm nắm mang theo, bạn sẽ đi một vòng trên con đường 20 để tận hưởng cảm giác khi đi qua những khúc cua tay áo. Tiếp tục hành trình, đèo dốc Táu thẳng đứng như một nét nghiêng tạo thành chữ "Z", từ đó nhìn qua thung lũng chúng ta sẽ thấy "khuôn mặt đá" to lớn khác thường. Theo người dân địa phương, trong chiến tranh một mảng núi lớn bị bom giội đã tạo thành "khuôn mặt" lớn này. Qua dốc Táu một quãng là những cánh đồng bát ngát, rồi đến bãi cát bên sông, tại đây du khách đón thuyền quay trở lại Chày Lập.

Nếu đi bằng thuyền Kayak, rời thôn quê Chày Lập, theo sông Chày là đến hang Tối, thuyền lướt nhẹ trên sông trong lòng Di sản, chúng ta sẽ gặp loài Voọc đuôi dài sinh sống trên những vách núi đá vôi cheo leo. Những rặng đá kỳ thú nối tiếp nhau sẽ khiến cho du khách phải mê đắm cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.

Ngoài sự kỳ thú của cảnh sắc thiên nhiên, những tuyến đường độc đáo trong hành trình khám phá vẻ đẹp Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, điều làm du khách bất ngờ đó là những hướng dẫn viên - nông dân thực thụ và họ cũng chính là chủ nhân của điểm du lịch thôn quê Chày Lập.

Ông Võ Xuân Thái, trưởng thôn Chày Lập kiêm Phó Ban quản lý du lịch cộng đồng Phúc Trạch cho biết, khi khách đến, ban quản lý đón vào nhà chờ để làm các thủ tục cần thiết, rồi hướng dẫn khách về nghỉ trong từng gia đình, ở đó có người phục vụ các nhu cầu cần thiết của bạn.

Cũng tại những ngôi nhà này, khách sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản của địa phương, dân dã mà hấp dẫn. Không chỉ cùng sinh hoạt với người dân mà tới đây du khách sẽ được cùng trồng cây, hái quả, thậm chí mò cua, bắt ốc... với dân bản địa; được cưỡi xe trâu kéo lộc cộc trên đường làng.

Ðến với Chày Lập không chỉ có khách trong nước, nhiều du khách quốc tế đắm mình trước khung cảnh yên tĩnh với những cảnh sắc độc đáo của thiên nhiên nơi đây.(
Nguồn: Website Quảng Bình

)

 






Kỳ thú bãi đá Hòn Chồng, núi Cô Tiên ở Nha Trang

người đăng admin | viết nhận xét

Nắng vàng, biển xanh cát trắng là những gì du khách cảm nhận khi ghé thăm thành phố biển Nha Trang. Bên cạnh việc được thiên nhiên ban tặng cho một bãi biển tuyệt đẹp, Nha Trang còn có nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn du khách như bãi đá Hòn Chồng - núi Cô Tiên.

Quần thể bài đá Hòn Chồng, bao gồm những tảng đá lớn nằm chồng lên nhau tự bao đời nay. Từ lâu, bãi đá này trở thành một địa điểm khá hút khách của thành phố Nha Trang. Tới đây du khách có thể cảm nhận bãi đá Hòn Chồng như là nơi giao nhau giữa núi và biển. Bởi chỉ vài bước chân du khách có thể chạm đến mặt biển hoặc ngay chân đồi. Đến đây du khách còn được nghe nhiều câu chuyện kỳ thú về sự tích bãi đá này giữa một phong cảnh thiên nhiên hữu tình.

Chỉ bằng mấy phút đi chạy xe từ khu bãi biển trung tâm tên đường Trần Phú về hướng Đông Bắc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng làn nước biển trong xanh hiền hòa, bãi biển thoai thoải với cát trắng mịn. Khu vực bãi đá Hòn Chồng khá yên tĩnh. Tại đây du khách có thể tận hưởng không khí yên bình với gió biển, hay nằm buông câu trên đá.

Người dân xứ biển thườnng truyền nhau câu chuyện về sự tích Hòn Chồng - Hòn Vợ rằng, xưa kia có một chàng trai làm nghề đánh cá. Một hôm, đang buông lưới trên biển bỗng gặp một bầy tiên nữ đang nô đúa trên bãi biển chàng trai bèn lấp vào tảng đá phía sau rình xem. Bị các tiên nữ phát hiện, chàng trai rơi xuống biển. Trên một phiến đá to còn có một hình thù giống hình bàn tay, tương truyền là dấu vết bàn tay của chàng trai bám vào lúc rơi xuống. Người dân nơi đây còn kể rằng, trên bải đá có hòn đá giống hình thù một người đang ngồi nhìn về hướng núi Cô Tiên. Tương truyền đó là nàng Tiên Út còn vương vấn cảnh đẹp nơi trần gian mà chưa muốn quay về thiên giới nên đã hóa thành ngọn núi. Những dãy núi này ngày nay được phát triển du lịch với tên gọi Bãi Tiên.

Có nhiều dị bản gắn với bãi đá và dấu vết trên phiến đá. Song đó dường như là điều kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.

Khu vực bãi đá Hòn Chồng mang nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng mới chỉ được đưa vào khai thác gần đây. Quần thể bãi đá Hòn Chồng núi Cô Tiên trở thành địa điểm du lịch giàu tính nhân văn của thành phố biển Nha Trang.(
Nguồn: Báo Đất Việt)





Hoang sơ Mũi Điện - Kê Gà

người đăng admin | viết nhận xét

Vùng biển Mũi Điện - Kê Gà (Bình Thuận) còn hoang sơ nên bãi cát rất sạch, nước biển trong xanh khiến cho con người cảm giác biển và trời hòa vào làm một... Hình ảnh được bạn Trần Thị My chia sẻ.

Đã đến đây rồi thì chúng ta hãy lên thuyền để ra đảo và trèo lên ngọn hải đăng.
Sóng biển dập dờn vỗ từng đợt theo cơn gió cộng thêm cái nắng gay gắt mằn mặn của miền biển... khiến cho du khách quên ngay mọi mệt mỏi.
Nhấp nhô những hòn đá do thiên nhiên ban tặng.
Từ trên đỉnh của ngọn hải đăng nhìn xuống, du khách có thể trải tầm nhìn ra xa, những mỏm đá thiên nhiên tạo nên vươn mình mạnh mẽ trên biển.
Những chiếc thuyền xa xa nhìn bé tẹo teo như một đàn kiến tha mồi...
Ngọn hải đăng Kê Gà.
Từng chú chim yến chao lượn, gió biển lồng lộng, nắng của buổi trưa hắt những tia nắng lóng lánh trên mặt đại dương xanh biếc... Mọi thứ tạo nên một khung cảnh tuyệt vời, điều mà khiến cho bất cứ du khách nào từng đến đây nhớ mãi và lưu luyến khi tạm biệt mong sớm đến một ngày trở lại.

(Nguồn: vnexpress.net)





Cảm xúc chuyến đi Côn Đảo

người đăng admin | viết nhận xét

"Vịnh Đầm Trầu được xem là một trong 20 bãi tắm 5 sao tại Côn Đảo với mặt nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài, những vạt rừng nguyên sinh, những rạn san hô", bạn Tạ Việt Thắng.

Khởi hành từ Vũng Tàu, sau 12 giờ lênh đênh trên tàu biển, ngắm nhìn hoàng hôn trên biển, những con sóng và những con tàu trong đêm bao la, sáng hôm sau, tàu chúng tôi bắt đầu cập cảng Côn Đảo.

Đập vào mắt mọi người là một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý, Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích 76 km2. Khí hậu mát mẻ, hòn đảo có 200 km bờ biển với hàng chục bãi tắm đẹp và hoang sơ.

Đến Côn Đảo, hai bên đường là rừng, là núi và một bên là biển. Một màu xanh ngất ngây. Chúng tôi ấn tượng với những khẩu hiệu rất mạnh mẽ cho thấy được ý thức của người dân ở đây: “Bảo vệ môi trường xung quanh xanh, sạch, đẹp, chính là bảo vệ sự sống của chúng ta”, “Trước khi chặt một cây hãy trồng một cánh rừng”…

Mỗi người đến đây như tìm lại được thuở hoang sơ của trời đất, cảm thấy tâm hồn mình như trong sáng hơn, cơ thể mình khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, an ninh ở đây cũng được ca ngợi là an toàn tới mức “cửa không phải cài then”.

Đá bóng trên bãi biển. Ảnh: Tạ Việt Thắng.

Đoàn chúng tôi chia làm hai đội để cùng chinh phục núi Thánh Giá cao nhất đảo (577 m so với mặt biển), thường được mây bao phủ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Lên đến đỉnh, toàn cảnh trời biển Côn Đảo bao la đón chào.

Buổi tối, hòn đảo thật yên bình, chúng tôi lang thang trên biển với đèn pin trên tay tham gia bắt còng, dù cả ngày đã mỏi bởi những chương trình, nhưng tham gia vào trò đuổi bắt này cũng làm mọi người như trẻ lại. Kết quả cũng thật bất ngờ, còng ở Côn Đảo quả là nhiều.

Hôm sau, mọi người cùng lên tàu và ra hòn Bảy Cạnh vốn được xem như là người hoa tiêu dẫn đường cho các con tàu qua lại, nhờ vào ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1884 trên đỉnh núi. Người ta nói có thể tổ chức cắm trại qua đêm tại nơi hoang dã này để được chia sẻ cảm giác hồi hộp khi chờ đàn vích đẻ trứng trên bãi cát giữa đêm khuya...

Vịnh Đầm Trầu được xem là một trong 20 bãi tắm 5 sao tại Côn Đảo với mặt nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài, những vạt rừng nguyên sinh, những rạn san hô… Ở những bãi tắm này, bạn không chỉ được vẫy vùng trong sóng biển, tắm nắng, mà còn được ngắm hoàng hôn, khám phá thế giới kỳ ảo dưới lòng đại dương.

Buổi chiều, đoàn ghé thăm trại tù, nhà tù Côn Đảo với hệ thống trại giam được mệnh danh “Địa ngục trần gian” từ năm 1862 đến 1975. Chính nơi đây, những câu chuyện anh hùng đã trở thành huyền thoại như Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… Mọi người vào đây ai cũng có cảm giác cảm động xen lẫn với chút hãi hùng, vì được chứng kiến nghịch cảnh giữa thiên đường xinh đẹp và địa ngục khổ đau của tù nhân đảo.

Trekking trên đảo. Ảnh: Tạ Việt Thắng.

Tới thăm nghĩa trang Hàng Dương, cô hướng dẫn viên kể cho đoàn nghe rất nhiều câu chuyện thú vị. Lịch sử trở nên sống động và khắc sâu vào lòng người nhiều cảm giác, với những mẩu chuyện về chị Võ Thị Sáu và một thế hệ anh hùng của cha ông. Mọi người thắp hương trên mộ chị Sáu, trên những ngôi mộ tập thể và tìm hiểu điều kỳ lạ, mộ chị Sáu lúc nào cũng nở hoa, những bông hoa dại đẹp và lạ…

Trên đường về, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc Côn Đảo với dãy biệt thự cổ kính nằm ở bãi trước, mặt hướng ra biển. Không quá rộng, không quá cao, nhìn từ hướng vịnh vào, dãy biệt thự như đường viền duyên dáng điểm tô sắc trời Côn Đảo. Những mái ngói đỏ trầm mặc, những bức tường vôi nép mình bên tán bàng, gốc phượng lao xao.

Mọi người tranh thủ mua quà cho người thân trước khi rời đảo. Ở đây đặc biệt có đặc sản Hột Bàng, hải sản và các đồ mỹ nghệ từ biển. Sau đó cả đoàn chúng tôi lên xe ra tàu trở về đất liền với nhiều tâm trạng và cảm xúc.(Nguồn: vnexpress.net)






News for 07/05/2010


View all news for 07/05/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam