International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

07/04/2010 | RSS Feed

Du khách Nhật Bản đánh giá cao hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng

người đăng admin | viết nhận xét

Sau khi thành phố Đà Nẵng khai thác đường bay trực tiếp phục vụ du khách quốc tế từ Osaka (Nhật Bản) đến Đà Nẵng, các công ty du lịch đã tổ chức cho du khách Nhật thăm quan các di sản thế giới tại Miền Trung, trong đó có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Nằm trên con đường di sản Miền Trung, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ thống rừng nguyên sinh và hơn 300 hang động nổi tiếng. Đặc biệt là hệ thống hang động Phong Nha, Hang Thiên Đường… đang thu hút nhiều du khách từ Osaka (Nhật Bản) đến tìm hiểu thăm quan và xúc tiến đầu tư du lịch. Và tại điểm du lịch này, nhiều du khách Nhật Bản đã đánh giá cao và ca ngợi vẻ đẹp độc đáo ngoại hạng của hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng.
Trong thời gian tới, Trung tâm du lịch Văn hóa và Sinh thái sẽ xúc tiến, liên kết để nối tour với các hãng du lịch quốc tế nhằm khai thác nguồn khách đến từ Nhật Bản. Được biết, Hãng truyền hình NHK cũng đã ghi hình về đẹp tiềm ẩn Phong Nha và phát sóng trên toàn nước Nhật.(

Nguồn: Website Quảng Bình)






Ba tháng đầu năm, hơn 90.000 lượt khách đến huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu)

người đăng admin | viết nhận xét

Ban quản lý (BQL) các khu du lịch huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện Đất Đỏ đón và phục vụ 91.345 lượt khách (trong đó có 1.065 khách quốc tế), tăng 12% so với cùng kỳ năm 2009; doanh thu đạt gần 7 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2009.

Vào những ngày cuối tuần và các ngày lễ, BQL các khu du lịch huyện Đất Đỏ phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bãi tắm tăng cường tuần tra, nhắc nhở du khách vui chơi, tắm biển trong khu vực an toàn nên không có tai nạn đáng tiếc xảy ra, tình hình an ninh trật tự được giữ vững; công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn được thực hiện nghiêm túc. Dự kiến trong quý II, lượng khách đến huyện Đất Đỏ sẽ tăng cao vào dịp các ngày lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4, và ngày Quốc tế lao động 1/5 đều rơi vào dịp cuối tuần. (Nguồn: Website Bà Rịa - Vũng Tàu)





Đà Nẵng: Tổ chức "Tuần lễ văn hoá, du lịch và kinh tế xứ Quảng"

người đăng admin | viết nhận xét

Từ ngày 29/4 - 3/5/2010, “Tuần lễ văn hoá, du lịch và kinh tế xứ Quảng” sẽ được Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm Quốc tế AFC và Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Tuần lễ văn hoá nhằm tôn vinh và phát huy những nét văn hoá tiêu biểu về truyền thống và bản sắc xứ Quảng, góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Nam – Đà Nẵng trên các lĩnh vực văn hoá, xã hội, du lịch, lịch sử. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Đây cũng là hoạt động hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Dự kiến, có khoảng 660 gian hàng của các đơn vị, địa phương tham gia triển lãm về hình ảnh đất nước, con người, thành tựu của xứ Quảng xưa và nay tham gia hội chợ.(Nguồn: website VOV)





Quảng Trị: Bắn pháo hoa tại “Lễ hội thống nhất non sông”

người đăng admin | viết nhận xét

Chiều 06/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức họp báo thông tin về “Lễ hội thống nhất non sông” nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

“Lễ hội thống nhất non sông” được tổ chức với quy mô quốc gia và gắn chặt với đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Lễ hội được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, dọc hai bên bờ sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Lễ hội gồm nhiều hoạt động: Lễ Thượng cờ vào sáng 30/4; đua thuyền, liên hoan truyền hình lưu động (tại một số huyện, thị trong tỉnh Quảng Trị từ tối 29/4 đến 1/5)… Điểm nhấn của “Lễ hội thống nhất non sông” là Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca thống nhất” được tổ chức vào tối ngày 30/4, có sự tham gia của 400 diễn viên quần chúng và 200 diễn viên chuyên nghiệp. Chương trình dài khoảng 75 phút, gồm 3 chương "Nỗi đau chia cắt", "Đường giải phóng", "Bài ca thống nhất". Đặc biệt trong chương trình này có lễ hòa nước nguồn Pác Bó cùng nước sông Cửu Long vào dòng sông Bến Hải tượng trưng cho sự thống nhất, đoàn kết, keo sơn gắn bó và khát vọng độc lập, thống nhất dân tộc của nhân dân đôi bờ sông Bến Hải cũng như nhân dân 2 miền Nam Bắc.

 

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định đồng ý cho UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp nhân dịp tổ chức Lễ hội vào tối 30/4/2010, tại Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương./.(Nguồn: Website Đảng CSVN)





Lễ hội Đền Hùng năm 2010: Tôn vinh văn hóa dân tộc

người đăng admin | viết nhận xét

Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn-nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.


Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

 

Giỗ Tổ Hùng Vương  - từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc; in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta.

 

Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, 50 người con theo cha xuống biển, một nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

 

Năm 2010, ngày giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng được tổ chức với một qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu của lễ hội lần này phải thể hiện được sự tôn vinh văn hoá dân tộc, khẳng định được vị trí và ý nghĩa to lớn của ngày giỗ Tổ Hùng Vương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đoàn kết các dân tộc. Chính phủ chủ trương 63 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức lễ dâng hương, có tổ chức các hoạt động văn hoá tuỳ theo từng tỉnh, nhưng không quá 2 ngày.

 

Tại Phú Thọ, ngày 14/4 (tức mùng 1/3 Âm lịch), Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tiến hành đồng thời với khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII với chủ đề Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương. Trọng tâm của Lễ hội Đền Hùng là Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra lúc 7h ngày 23/4 (10/3 âm lịch) tại Điện Kính Thiên với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ, triển lãm, thể thao, du lịch và các trò chơi dân gian tiêu biểu... sẽ diễn ra liên tục suốt 10 ngày của Lễ hội (từ ngày 14/4 - 23/4) tại thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

 

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, lễ hội năm nay có nhiều điểm mới. Đây là một trong những lễ hội lớn mở màn cho các hoạt động quan trọng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Vì thế, một trong những điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Chương trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với chủ đề: Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng. Chương trình sẽ được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 21/4 (8/3 âm lịch).

 

Dự kiến giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2010 sẽ thu hút khoảng 5,5 triệu lượt khách tham gia. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, đồng Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2010, tỉnh đã có phương án đảm bảo cảnh quang lễ hội sạch đẹp, tránh tình trạng hàng quán lộn xộn, các trò chơi cờ bạc trá hình và giữ an ninh trật tự. Công tác tiếp đón nhân dân từ khắp nơi đổ về cũng đã được lên phương án chu đáo.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Hải cho biết: “Phương án ăn, ngủ, nghỉ, bố trí các nhà hàng, khách sạn để phục vụ nhu cầu khách sẽ đáp ứng đến mức tối đa. Phú Thọ vinh dự thay mặt cho đồng bào cả nước, giữ gìn trông coi Thái miếu Tổ tiên để đón đồng bào cả nước, đón kiều bào ở nước ngoài mở một cuộc hành trình tâm linh về với tổ tiên, cội nguồn dân tộc”.

 

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương - ngày hội hướng về nguồn cội của dân tộc đang đến gần. Trong những ngày này, bên cạnh việc hành hương về đất Tổ, thiết nghĩ, điều thiết thực nhất mà chúng ta có thể làm, đó là thực hiện lời dạy của Tổ tiên rằng “Ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp, phồn vinh, phát triển”. (

Nguồn: VOV)





Văn hoá các dân tộc Xứ Lạng - Tiềm năng lớn để phát triển du lịch

người đăng admin | viết nhận xét

Ngày nay, trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch với loại hình du lịch văn hoá được chú ý hướng đến nhiều thì nền văn hoá các dân tộc Xứ Lạng đã thực sự trở thành một tài nguyên, tiềm năng lớn để Lạng Sơn phát triển du lịch một cách mạnh mẽ.

Thật vậy, văn hoá các dân tộc là một nội dung đặc sắc tạo nên sự thu hút, hấp dẫn và riêng có của nền văn hoá Xứ Lạng cũng như sự đa dạng của các loại hình du lịch văn hoá ở Lạng Sơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, qua một loạt các hoạt động văn hoá, du lịch trong một năm ở Lạng Sơn thì dường như yếu tố bản sắc văn hoá dân tộc là đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt.

Tiêu biểu phải kể đến trước nhất là những lễ hội mùa xuân. Trên  phông màu văn hoá dân tộc, các lễ hội nổi bật lên, tiêu biểu cho các lễ hội của cư dân vùng núi phía Bắc. Điều này được thể hiện rõ nét hơn qua những đặc điểm như, Lạng Sơn có đến 90% các lễ hội được tổ chức hàng năm mang tính chất là lễ hội Lồng Tồng - lễ hội cầu mùa, cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, “nhân khang, vật thịnh”,… Nhưng lễ hội ở mỗi địa phương khác nhau lại mang phong vị và sắc thái đặc trưng khác nhau không lẫn vào đâu được.

Trong các lễ hội này, bên cạnh phần nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc là hàng loạt các trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Xứ Lạng như: trò Sĩ – Nông – Công – Thương, đồng diễn múa Sư tử mèo, biểu diễn võ dân tộc với những bài quyền khoẻ khoắn thể hiện sức mạnh, ý chí và tinh thần thượng võ, quật cường của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất biên cương Xứ Lạng, những trò chơi thể hiện tình đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tinh thần lạc quan trong cuộc sống như: Kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, ném còn… Rồi những làn điệu dân ca đằm thắm, mượt mà tình yêu quê hương xứ xở, tình yêu đôi lứa như hát sli - lượn, hát then đàn tính, hát Xắng cọ… trong ngày vui, ngày tết và cả những dịp tụ họp sinh hoạt văn hoá tinh thần của bà con.


Song song với đó, còn phải kể đến sự góp mặt của các món ăn ẩm thực cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Xứ Lạng. Đặc biệt nhất là món thịt lợn quay lá mác mật. Khi ăn thịt lợn quay với các gia vị măng ớt – quả mác mật đặc trưng và chiêu thêm một ngụm rượu ấm nóng do bà con dân tộc tự chưng cất và vẫn dân dã gọi là “rượu làng” thì càng hấp dẫn và ngon miệng, đậm đà khó quên. Ở Lạng Sơn mùa này đang là mùa măng mọc.  Măng non xào với lá chanh hoặc lá mác mật non, với vị ngăng ngăng đắng sẽ làm cho món ăn thật lạ và ngon miệng với mỗi du khách miền xuôi có dịp thăm Xứ Lạng…

Không dừng lại ở đó, khi đến với mỗi làng quê của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng, du khách dễ dàng cảm nhận được tấm chân tình, mến khách của những người dân nơi đây. Một bát nước chè, một chén rượu tự nấu, một lát bánh khảo, một bát cháo ngô… được chủ nhà đem ra mời khách tuy đơn sơ nhưng chứa đựng và thể hiện biết bao tình cảm chân thành và mộc mạc trong ứng xử, giao tiếp, trong đãi khách. Nếu muốn, khách có thể cùng tham gia vào sản xuất, lao động với người dân, cùng chế biến các món ăn dân dã và thưởng thức nó trong phong vị làng quê. Phải nói rằng, bình minh ở các làng quê Xứ Lạng thật yên ả. Ai có thói quen thức dậy sớm càng dễ cảm nhận được sự yên lành đó. Không khí trong lành, mát mẻ của buổi ban mai như xua đi tất cả mệt mỏi của hành trình, nhiều xúc cảm dâng trào, mời gọi, đưa dẫn du khách tiếp tục đến những khám phá mới…


Vẫn còn rất nhiều điều đặc sắc của văn hoá Xứ Lạng, cũng như nhiều món ăn đặc sản, sản vật tiêu biểu của đồng bào các dân tộc nơi đây không thể kể hết. Song, tin chắc rằng, với tất cả những nét văn hoá đặc sắc, mang phong cách, phong vị của mỗi làng quê Xứ Lạng sẽ đem đến cho du khách mỗi lần có dịp đến tham quan là một lần trải nghiệm mới.


Nhận thức rõ những lợi ích, tiềm năng to lớn của nền văn hoá dân tộc Xứ Lạng trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn cũng đã có nhiều động thái tính cực để khơi dậy và phát huy vốn văn hoá đặc sắc trên như tích cực triển khai nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Lạng Sơn.

 

Trong đó, tiêu biểu phải kể đến việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xắng cọ của dân tộc Sán Chỉ ở Nhượng Bạn (Lộc Bình), khôi phục lễ hội Nà Cưởm, xã Tân Lang (Văn Lãng), tìm giải pháp phát triển du lịch tại cộng đồng, định kỳ hai năm lại tổ chức Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn với sự luân chuyển tổ chức tại các huyện, thành phố để tạo điểm nhấn, rồi tổ chức kết hợp giữa lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa của các xã, thị trấn với Đại hội TDTT ở cơ sở…  Qua đó, đã tiếp tục khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc trong đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách đến với địa phương một cách mạnh mẽ.


Vậy nên, để văn hoá các dân tộc Xứ Lạng, với các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu phát huy được tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển du lịch, cần thiết phải có những động thái tích cực, giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa từ phía các cấp, ngành hữu quan và đặc biệt là phải tìm cách khơi dậy được ý thức tự giác của mỗi người dân trong công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương.(
Nguồn: website Lang Sơn)





Ấn tượng không thể nào quên về cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFC 2010

người đăng admin | viết nhận xét

Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 với chủ đề "Huyền thoại sông Hàn" đã khép lại nhưng những ấn tượng trong lòng người xem còn mãi thăng hoa không chỉ bởi vẻ đẹp tuyệt vời của sắc màu pháo hoa lung linh cả đất trời Đà Nẵng mà còn là sự thân thiện, nồng hậu của đồng bào Đà Nẵng,  sự chu đáo và tài tình của Ban Tổ chức cuộc thi.  


 Hơn 100.000 người cùng nhiều phương tiện từ mọi miền đất nước và quốc tế đổ về TP. Đà Nẵng. Họ hân hoan, chờ đợi, háo hức giây phút phát hoả pháo hoa của các đội  tham dự: Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ và Pháp. Sông Hàn giờ đây không chỉ là huyền thoại để sáng tác nhạc, làm thơ mà bây giờ sông Hàn thao thức, sông Hàn rạo rực, sông Hàn toả sáng và sông Hàn vươn mình cường tráng, tự tin, lộng lẫy trong lãng mạn, quyến rũ và nặng nghĩa tình. Sông Hàn và thành phố hoà quyện giữa đất trời, biển cả, núi non, hội tụ bạn bè... với bao khát vọng hướng tới hạnh phúc và thịnh vượng.

Đêm khai mạc (27/3) 3 đội Bồ Đào Nha, Nhật Bản và chủ nhà Đà Nẵng, rồi đêm thứ 2 (28/3)  2 đội Mỹ và Pháp đã trình diễn những màn pháo hoa đẹp mắt, có bản sắc riêng, độc đáo, mới lạ, tuyệt vời, khó diễn tả hết bằng lời. Cả thành phố reo hò, sung sướng, tung hô... Không gian sông Hàn như một thiên đường của vũ trụ bao la..., đa dạng và có phần huyền bí. Pháo hoa có Rồng lượn Tiên sa; có Âu Cơ, Lạc Long Quân sinh sôi mở đất; có lửa và hoa; có những bản tình ca bất tận lúc nhẹ nhàng, bay bổng du dương êm đềm, lúc cuộn sóng sục sôi như dòng sông Hàn mang trong mình cả một huyền thoại, truyền thuyết, lịch sử, hiện tại và tương lai.  

 Ấn tượng nhất, xúc động nhất và đáng khâm phục nhất là hàng chục ngàn khán giả đội mưa đứng chật ních suốt đôi bờ sông Hàn, trên các toà nhà cao tầng từ cầu Thuận Phước đến cầu Tuyên Sơn, trên các du thuyền giữa dòng sông thơ mộng, trên đỉnh núi Sơn Trà... hướng về các đội bắn (bờ Tây sông Hàn) - nơi mặt đất, mặt nước và bầu trời đều thăng hoa, quyến rũ lạ thường.  Khán giả thưởng thức pháo hoa văn minh, ôn hoà, lịch sự như để thể hiện lòng biết ơn các đội bắn đã tặng cho mình món quà quý giá và chia sẻ với người dân Đà Nẵng về lòng mến khách, thân thiện, văn hoá và chu đáo.

 

 Thành phố Đà Nẵng đã thu hút một lượng khách lớn chưa từng có trong dịp bắn pháo hoa quốc tế 2010, trên 100.000 lượt khách. Các tour du lịch đều kết nối vào Đà Nẵng, trước, trong và sau sự kiện bắn pháo hoa này. Đó là thành công lớn, là mục tiêu thu hút khách của TP. Đà Nẵng đã thành hiện thực. Qua 3 lần tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC 2008, 2009 và 2010) thành phố Đà Nẵng đã tạo cho mình một thương hiệu mạnh về "du lịch xem pháo hoa". Những điểm du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng cũng dịp này mà tăng lượng khách đáng kể. Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ với hệ thống cáp treo hiện đại lập 2 kỷ lục thế giới; Bảo tàng điêu khắc Chămpa đang lưu giữ những tác phẩm có một không hai; bán đảo Sơn Trà với màu xanh đam mê và những bãi tắm hút hồn; các bãi biển nổi tiếng Mỹ Khê, Non Nước; khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn và làng đá mỹ nghệ Non Nước; hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân hiện đại; các món hải sản ngon, bổ dưỡng từ biển Đà Nẵng.v.v... là những điạ chỉ du khách đã, đang và sẽ khám phá.

 Tổ chức một sự kiện lớn không thể không có thiếu sót, tồn tại. Dẫu lác đác đâu đó vẫn còn có tổ chức, cá nhân tăng giá dịch vụ, ăn uống; chất lượng phục vụ chưa tốt, hay còn trở ngại khâu này khâu khác nhưng tựu chung đại số đông đều đồng tình rằng, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010 đã thành công rất tốt đẹp.  Sự kiện về  bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 không chỉ là tín hiệu đáng mừng và hứa hẹn mới về khả năng phát triển du lịch của Tp. Đà Nẵng mà còn để lại trong lòng du khách, bạn bè trong nước và quốc tế những ấn tượng đẹp, khó quên về một thành phố năng động, dám nghĩ dám làm, sáng tạo, an bình, đầy sức sống và  đang hướng tới  một tương lai tốt đẹp./. (Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch)





Festival Huế 2010 sẽ trình diễn tác phẩm ‘Hơi thở của nước’ trên một sân khấu ấn tượng

người đăng admin | viết nhận xét

Trên mặt nước, các tiết mục nghệ thuật cổ và hiện đại sẽ diễn ra huyền ảo, lãng mạn. Đây là sân khấu trên mặt nước lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam trong khuôn khổ các chương trình nghệ thuật Festival Huế.

 

Nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2010 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, điểm hẹn của các cố đô, và hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, một tác phẩm sân khấu hóa diễn xướng nghệ thuật truyền thống kết hợp với nghệ thuật đương đại mang tên “Hơi thở của nước” sẽ được trình diễn lần đầu trên một sân khấu chìm 3cm dưới nước. Vở diễn là một trong các chương trình nghệ thuật trọng tâm của Festival Huế 2010, do Công ty Cổ phần Truyền thông Vẻ Đẹp Việt, Ban tổ chức Festival Huế 2010 và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp thực hiện.

BTC cho biết, một sân khấu rộng hơn 1500m² (mặt sân khấu biểu diễn 900m²) được lắp đặt chìm 3cm dưới mặt nước hồ Tịnh Tâm (Huế). Mặt nước hồ Tịnh Tâm và toàn bộ không gian quanh hồ sẽ trở thành không gian nghệ thuật của vở diễn. “Hơi thở của nước” là một câu chuyện về tình yêu của một đôi nam nữ, nhưng phải chia ly vì cô gái bị tiến cung. Mặt nước hồ là chiếc gương soi ký ức, nơi hiện lên câu chuyện tình của họ. Trên nền câu chuyện tình, di sản âm nhạc truyền thống và nghệ thuật đương đại sẽ được tôn vinh. Các loại hình âm nhạc truyền thống được sử dụng trong vở diễn là những bộ môn nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bao gồm Nhã nhạc, Ca trù và Quan họ.

Các tác phẩm tuyệt đẹp và tràn đầy cảm xúc sẽ do các nghệ nhân thế hệ chân truyền của những nghệ nhân lão thành đã được tôn vinh tại chương trình Vẻ Đẹp Việt lần thứ I (trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2009) trình bày. Đặc biệt hơn, tinh túy của nghệ thuật sân khấu cổ truyền sẽ được kết hợp hài hòa với các loại hình nghệ thuật đương đại bao gồm: múa, world music, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt và pháo hoa do các nghệ sỹ đương đại hàng đầu thể hiện.

Điểm đặc biệt của “Hơi thở của nước” là các tiết mục nghệ thuật sẽ xuyên suốt và nói lên câu chuyện tình yêu của đôi nam nữ, nhưng đồng thời cũng tôn vinh các nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. “Hơi thở của nước” sẽ diễn ra trong ba đêm: mùng 6, 9, 11/6/2010. Vở diễn sẽ được truyền hình trực tiếp một đêm trên sóng VTV3. Mỗi đêm nghệ thuật “Hơi thở của nước” có thời lượng 75 phút với 250 diễn viễn quần chúng và 100 diễn viên, nghệ sỹ chuyên nghiệp. Được biết, do các nghệ sỹ trình diễn trong chương trình trên không gian nước nên trang phục sẽ được lựa chọn từ những chất liệu ít thấm nước nhất. Các trang phục sẽ do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện.(Nguồn: Website ĐCSVN)





Nhiều dịch vụ mới lạ, hấp dẫn tại khu du lịch Cồn Phụng

người đăng admin | viết nhận xét

Hiện nay, đến với khu du lịch Cồn Phụng (cù lao ông Đạo Dừa), chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng vì có nhiều thay đổi. Nơi đây đã đầu tư nâng cấp hệ thống: Nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vườn thú hoang dã, làng nghề truyền thống, trùng tu quần thể kiến trúc Đạo Dừa… với mong muốn phục vụ du khách trong nước, quốc tế tốt hơn và trở thành điểm đến hấp dẫn của miền châu thổ Cửu Long.


Hệ thống nhà hàng Cồn Phụng nằm ngay trên Đảo Đạo Dừa rộng rãi, thoáng mát. Nhà hàng có khả năng phục vụ 1000 khách cùng lúc phục vụ nhiều món đặc sản đồng bằng, món ăn Á, Âu... Nhà hàng Cồn Phụng lý tưởng để tổ chức các cuộc họp quan trọng; họp mặt bạn bè, gia đình, người thân; liên hoan, tiệc cưới, hỏi, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới…


Bên cạnh đó, khu du lịch Cồn Phụng còn nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn khác như: Mô tô nước, kéo phao, câu cá sấu (những trò chơi gây cảm giác mạnh lần đầu tiên có mặt tại miền Tây Nam bộ), câu cá giải trí, karaoke, tham quan và mua sắm tại gian hàng thủ công – mỹ nghệ, cơ sở sản xuất kẹo dừa, thưởng thức đàn ca tài tử...


Du lịch Cồn Phụng tổ chức các tour: Du lịch sinh thái, du lịch trên sông, dã ngoại… rất hấp dẫn dành cho các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, nhóm gia đình và thiết kế tour theo yêu cầu của khách.


Với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, hướng dẫn viên trẻ năng động, nhiệt tình, vui vẻ và phương tiện vận chuyển (thuyền) chất lượng cao, với phương châm: “Phục vụ chu đáo – Sản phẩm uy tín chất lượng – Giá cả hợp lý”, hy vọng du lịch Cồn Phụng sẽ mang đến sự hài lòng cho du khách.(

Nguồn: Website diemcuoituan)





Du lịch Cái Bè (Tiền Giang)

người đăng admin | viết nhận xét

Huyện Cái Bè có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho cả 2 tuyến giao thông thủy - bộ. Cái Bè vừa nằm cạnh bên bờ sông Tiền vừa có quốc lộ 1A chạy qua chia Cái Bè ra làm hai nửa, một nửa là diện tích trồng lúa, một nửa là diện tích trồng cây ăn trái chuyên canh với nhiều loại trái cây đặc sản có thương hiệu như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò.


Bên cạnh đó Cái Bè còn có nhiều di tích lịch sử, di tích kiên trúc văn hóa, nền văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị làng quê và cả tấm lòng đôn hậu, mến khách của người dân nơi đây. Tất cả như hòa quyện vào nhau tạo cho Cái Bè có một sắc thái riêng với những tiềm năng du lịch như mời gọi, chào đón du khách.

 

Du khách đến Cái Bè ngoài việc được sống giữa thiên nhiên không khí trong lành, thì du khách còn dược đến thăm các di tích lịch sử như khu Thiên Hộ Dương, chiến thắng Đập Ông Tải, chiến thắng Cổ Cò, Chùa Bà Cạn, thăm làng nghề truyền thống, Cồn Cổ Lịch đặc biệt là 2 ngôi nhà khổ nơi còn lưu lại nhiều nét kiến trúc và nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với vùng đất Cái Bè thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX. Chính hai ngôi nhà cổ nầy là điểm du lịch thu hút khách du lịch đến tham quan khá đông. Vì sao 2 ngôi nhà cổ nầy lại có sức thu hút khách đến vậy ? Mời các bạn cùng chúng tôi hãy thử làm một chuyến tham quan du lịch đến 2 ngôi nhà cổ này.

 

Từ thị trấn Cái Bè đi bằng tàu du lịch khoảng 15 phút bạn sẽ đến ngôi nhà thứ nhất tọa lạc ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1938 gồm hai gian, ba cháy, mang đậm truyền thống Á đông xen lẩn những nét kiến trúc mềm mại theo kiểu kiến trúc Pháp. Các đồ dùng trong nhà như tủ, bàn, ghế được trang trí rất gọn gàng, cân đối và đẹp mắt, các đồ dùng này đều có tuổi thọ từ 50 năm đến trên 100 năm, đặc biệt là 3 chiếc tủ thờ được cẩn ốc sà cừ rất tinh vi và độc đáo, cho thấy sự khéo léo, tinh vi và óc thẩm mỹ của các nghệ nhân thời trước, khách du lịch rất thích thú với nghệ thuật cẩn ốc sà cừ này nhất là qua các nội dung được cẩn với ý nghĩa giáo dục đạo đức rất sâu sắc.

 

Rời căn nhà thứ nhất đi đò khoảng 30 phút là đến ngôi nhà cổ thứ hai ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1860, vật liệu chủ yếu bằng gỗ. Theo ông Trần Quang Mẫn, chủ nhân thừa kế đời thứ năm của ngôi nhà thì gia phả ghi lại cho biết: ngôi nhà được các nghệ nhân tài hoa ở cố đô Huế vào thi công, đến năm 1923 ngôi nhà được sửa chữa lại một lần làm cho ngôi nhà bị biến đổi chút ít, từ kiến trúc theo kiểu cung đình Huế giờ có pha thêm những nét chấm phá theo kiểu kiến trúc Pháp, chủ yếu là mặt tiền của ngôi nhà còn phần bên trong vẫn được giữ gìn trọn vẹn với những nét cổ kính của nó. Đây là căn nhà của dòng họ Phạm thuộc tầng lớp quan lại của triều đình nhà Nguyễn, cho nên những đồ dùng trong gia đình thuộc tầng lớp phong kiến, giàu có của giai đoạn đó và đây cũng là gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho nên cũng có nhiều chuyện kể về gia đình giúp đỡ Việt Minh đánh Tây vào những năm 1930-1945.

 

Do chiến tranh nên một số cổ vật và đồ dùng trong gia đình bị thất lạc và bị mất, nhưng vẫn còn lại nhiều cổ vật và đồ dùng gia đình có thể giúp các bạn biết được đời sống văn hóa xã hội của vùng đất Cái Bè cách đây một hai thế kỷ. Đồ dùng trong gia đình được bài trí khá công phu, nhìn vào nơi bố trí bàn ghế chúng ta có thể biết được người ngồi ở đó thuộc vai vế nào trong dòng tộc.

 

Phát triển du lịch ngoài việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì du lịch còn tạo điều kiện để giao lưu văn hóa, giúp mọi người hiểu nhau hơn và gần nhau hơn. Với ý nghĩa đó Cái Bè một chấm nhỏ của du lịch Việt Nam sẽ phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình để thu hút khách du lịch đến với Cái Bè ngày một nhiều hơn.(

Nguồn: Tiền Giang(





Mùa lễ hội Hải Dương

người đăng admin | viết nhận xét

Nhắc đến lễ hội ở Hải Dương mọi người thường nghĩ ngay đến lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc; lễ hội chùa Bạch Hào ở xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà; lễ hội truyền thống làng tiến sĩ Mộ Trạch mồng 08/01 âm lịch (huyện Bình Giang)...


Mỗi khi mùa xuân đến, Hải Dương lại tưng bừng diễn ra những lễ hội mùa xuân đặc sắc, độc đáo. Nhắc đến lễ hội ở Hải Dương có lẽ không thể không kể đến lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng Giêng âm lịch. Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Khu di tích Côn Sơn còn lưu giữ được nhiều dấu tích văn hoá đời Trần và những giai đoạn lịch sử kế tiếp, tiêu biểu như chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc, Bàn Cờ Tiên, Ngũ Nhạc Linh Từ, Thạch Bàn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán. Chỉ một lần đến khu di tích Côn Sơn vào buổi sáng, dạo theo lối mòn từ đền Nguyễn Trãi đến đền Trần Nguyên Đán, toàn cảnh chùa Côn Sơn, hồ Côn Sơn và đền Nguyễn Trãi hiện ra thật mờ ảo, khuất sau những đám mây bảng lảng đầy hơi sương mát lạnh, bầu không khí mát lành trong vắt không chút bụi trần sẽ tạc vào lòng ta những ấn tượng khó quên. Đứng giữa cảnh non nước mây trời, bao nhiêu lo toan nhọc mệt của cuộc sống như tan biến, ta hoà mình với thiên nhiên, thưởng thức không khí trong lành, tâm hồn nhẹ nhõm, thư thái. Đầu năm, về Côn Sơn ta dâng hương niệm Phật, tưởng nhớ Ức Trai và ngoạn cảnh, tiêu dao. Để ở đó, con người được hưởng thụ khí trời trong mát, với hương rừng, gió núi và tiếng ca muôn thuở của suối chảy, thông reo; được đắm mình trong hồn thiêng sông núi, trong cổ tích ngàn năm còn rung động trái tim của muôn triệu con người. Cách khu di tích Côn Sơn 7 cây số, đền Kiếp Bạc là nơi đặc biệt thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Khu di tích lịch sử Kiếp Bạc có một di tích trung tâm, lớn nhất, linh thiêng nhất là ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Anh hùng dân tộc. Du khách về hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc để lễ Cha, để tham quan di tích lịch sử và để cầu mong một năm mới an lành.


Ngoài lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội chùa Bạch Hào ở xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà cũng rất thu hút du khách bởi không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn có những trò chơi dân gian cực kỳ phong phú. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 5, 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Từ sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng, tại sân các nhà văn hóa thôn đã chật cứng người. Các cụ già mặc áo the, khăn xếp, các bà đi chùa mặc áo nâu, thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống của lễ hội, ai nấy đều hân hoan, tham gia đám rước. Sau đó là các nghi lễ khác của lễ hội như dâng hương, tế tổ... được thực hiện ngay tại chùa. Nổi bật trong những trò chơi dân gian lễ hội chùa Hào là hội bơi thuyền truyền thống mà người dân quen gọi là bơi chải, đây là một nét đẹp văn hoá. Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng (ngày chính hội) kỷ niệm ngày vua Trần Nhân Tông trong lần kinh lý tại Hải Dương đã dừng lại thăm chùa. Hội thi bơi chải thường gắn liền với phần thi bắt vịt và nấu cơm trên sông. Những hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi này, cùng với hội bơi chải truyền thống đã làm nên nét văn hoá độc đáo cho lễ hội chùa Hào.


Quê hương Hải Dương còn rất nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân như lễ hội truyền thống làng tiến sĩ Mộ Trạch mồng 08/01 âm lịch (huyện Bình Giang), hội đền Yết Kiêu mồng 08/02 âm lịch (huyện Gia Lộc), hội chùa Thanh Mai từ 01 đến 03/3 âm lịch (xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh), hội chơi pháo đất từ 1 đến 29/3 âm lịch (xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ), hội Thượng Cốc 12/01 âm lịch (làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc), hội chùa Giám 14/2 âm lịch (xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng), lễ hội Đền Cao 22 đến 24/01 âm lịch… Lễ hội mùa xuân như níu kéo chúng ta, những con người hiện đại với truyền thống văn hoá dân tộc. Mọi  người tìm lại nét văn hoá xưa trong lễ rước trang nghiêm, trong trò chơi dân gian. Trở về sau ngày lễ hội, lòng du khách ngập tràn niềm vui và tin tưởng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cùng năm mới.(

Nguồn: Báo Hải Dương

)





News for 04/04/2010


View all news for 04/04/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam