International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

21/01/2010 | RSS Feed

Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Sa Pa

người đăng admin | viết nhận xét

Năm 2009 doanh thu từ khu vực du lịch - dịch vụ đạt 245 tỷ đồng bằng 111% kế hoạch, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của huyện và dần trở thành ngành kinh tế chủ lực của Sa Pa.

Tiềm năng du lịch đa dạng

 

Ông Hoàng Mạnh Dũng, trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Sa Pa cho biết: Trước đây Sa Pa mới chỉ được biết đến là nơi có khí hậu mát mẻ trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Ngày nay tiềm năng du lịch của Sa Pa đã được phát hiện và khai thác khá đa dạng, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng đến du lịch hội thảo - hội nghị. Ngoài thị trấn Sa Pa còn có 6 xã có tiềm năng phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng là Tả Phìn, San Xả Hồ, Tả Van, Bản Hồ, Nậm Cang, Nậm Sài. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa mà rất nhiều du khách có nhu cầu khám phá, nếu biết khai thác sẽ là nguồn lợi không nhỏ đối với Sa Pa. Sa Pa được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm quốc gia, nằm trong không gian tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc.

 

Những cách làm năng động, sáng tạo...

 

Để phát triển du lịch bền vững, Đảng bộ và chính quyền huyện đã thảo luận và thông qua chương trình phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2006 – 2010 với nhiều dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, năm 2009 Phòng Văn hoá và Thông tin Du lịch huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện nhiều nội dung hoạt động lớn nhằm thu hút khách đến với Sa Pa như: Tổ chức “Chương trình du lịch về cội nguồn 2009”, “Tuần văn hoá du lịch Sa Pa 2009”, “Chương trình khám phá Fanxipăng”, “Triển lãm ảnh Sa Pa – Văn hoá ruộng bậc thang”.

 

Trong những ngày đầu năm 2009, từ huyện đến xã đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, vừa động viên bà con các dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa thu hút khách thập phương đến với Sa Pa, như: Hội xòe của dân tộc Tày tại xã Thanh Phú; Hội hát Then tại xã Bản Hồ; Hội hát giao duyên của dân tộc Dao tại xã Tả Phìn; Hội Gầu Táo của dân tộc Mông tại xã San Xả Hồ; Hội xuống đồng của dân tộc Dáy tại xã Tả Van…

 

Để tạo điều kiện thuận lợi và thu hút khách tham quan du lịch, huyện đã hoàn thiện các biển thông tin chỉ dẫn tuyến, điểm du lịch trên địa bàn toàn huyện; nâng cấp điểm du lịch Thác Bạc, hang động Tả Phìn, chợ văn hóa Tả Phìn; tổ chức hội nghị các nhà đầu tư du lịch trên địa bàn; triển khai Thông tư số 88, 89 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kinh doanh lưu trú và lữ hành; tổ chức hội thảo về quản lý tuyến, tua du lịch, tổ chức chợ đêm trên địa bàn thị trấn Sa Pa và chợ văn hoá du lịch Tả Phìn; tổ chức hội thảo phát triển du lịch; hướng dẫn 2 ban quản lý du lịch cộng đồng tại xã Tả Van và xã Bản Hồ, nâng cao năng lực du lịch cộng đồng tại xã Nậm Sài; mở 2 lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho người dân tộc thiểu số tại thị trấn Sa Pa và xã Nậm Cang; khuyến khích tổ chức và cá nhân xây dựng cơ sở lưu trú cả chuyên nghiệp và tại gia đình cư dân.

 

...để đưa du lịch xứng với tiềm năng

 

Với những việc làm thiết thực đó, trong những năm qua, ngành kinh tế du lịch của Sa Pa tăng trưởng không ngừng. Năm 2000, Sa Pa mới có 42 cơ sở lưu trú (khách sạn và nhà nghỉ), đến hết 2009 đã có 141 cơ sở lưu trú với 2.128 phòng, 3.988 giường, ngoài ra còn có 83 cơ sở lưu trú tại gia đình cư dân ở các xã Bản Hồ, Tả Van, Thanh Phú, San Xả Hồ, Tả Phìn… trong đó có hàng chục khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 - 4 sao tại thị trấn Sa Pa.

 

Phương tiện vận chuyển hành khách đến Sa Pa tăng nhanh. Năm 2000 có khoảng 10 đầu xe thì nay có hàng trăm xe tắc xi, xe con chở khách 7 – 24 chỗ ngồi đến xe cao cấp có giường nằm chạy tuyến Sa Pa – Hà Nội và ngược lại, rất thuận tiện cho khách đến với Sa Pa.

 

Huyện quan tâm đúng mức việc thành lập các công ty, chi nhánh du lịch để tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch có hiệu quả. Năm 2000 Công ty du lịch tỉnh quản lý trực tiếp các hoạt động du lịch của Sa Pa thì nay đã có 18 công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, trong đó có một đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 17 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Đã có 240 hướng dẫn viên, trong đó 95 hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nghiệp vụ.

 

Số lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú tăng nhanh, năm 2001 có 364 người, năm 2005 là 700 người, năm 2009 có hàng nghìn người, những người lao động trong các cơ sở lưu trú du du lịch đều có thu nhập khá.

 

Năm 2009 đã có 405.000 lượt khách đến Sa Pa, tăng 21% so với 2008, bằng 90% kế hoạch đề ra; khách đi thăm quan ở các làng bản có 10.408 đoàn với 50.629 lượt khách. Đây là một kênh tạo ra việc làm và thu nhập cho nông dân ở các xã phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng.


Năm 2010 được dự báo là năm phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới. Đây cũng là cơ hội để Sa Pa tiếp tục đẩy mạnh, khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch. Nắm bắt cơ hội, huyện đã đề ra những giải pháp lớn như: Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; chú trọng phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng; mở hội thảo phát triển du lịch bền vững tại huyện, mở lớp đào tạo du lịch cộng đồng cho cơ sở…

Hy vọng 2010 sẽ là năm gặt hái những thành công lớn đối với du lịch Sa Pa.

 

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website





Du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp

người đăng admin | viết nhận xét

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần châu thổ sông Mêkong, rộng lớn và trù phú, gồm 13 tỉnh thành phố ( An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long) với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số gần 17 triệu người chiếm gần ¼ dân số cả nước.  ĐBSCL là vùng kinh tế, văn hoá, chính trị đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam, nằm liền kề với Tp. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ thuận tiện với các nước Đông Nam Á. Sông nước ĐBSCL như một thảm tranh tuyệt đẹp, khí hậu ôn hoà, con người thân thiện và nồng hậu.

 

Tiềm năng du lịch:

ĐBSCL là khu vực có tiềm năng về du lịch, độc đáo, không giống với vùng miền nào của cả nước. Nơi đây, cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình và quyến rũ, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường trong lành, tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm; với  nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo và “tính cách con người Phương Nam” luôn thể hiện sự “hiền hòa, hiếu khách, phóng khoáng và hòa hiệp”  là những sản du lịch thật sự thú vị.

 

Dòng sông Mêkong bồi đắp phù sa màu mỡ cho ĐBSCL, với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng,  tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ, chứa bao điều kỳ thú mời gọi du khách gần xa. Đó là: rừng dừa Bến Tre màu xanh đam mê cho trái xum xuê với nhiều sản phẩm từ dừa; tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng; chợ nổi Cần Thơ- Tiền Giang với hàng ngàn loại trái cây; biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng trăm đảo nhấp nhô giữa biển khơi gió lộng; phong cảnh Thất sơn Bảy núi (An Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau đã đi vào lịch sử như một huyền thoại; v.v... Đặc biệt là những cánh đồng lúa vàng mênh mông như thảm lụa, những xóm thôn ấm áp bên các dòng kênh dài như vô tận, ... hoà quyện với một không gian sông nước ngút ngàn, thơ mộng… cuốn hút và hấp dẫn du khách.

 

Tiềm năng du lịch ĐBSCL là rất lớn và khả năng phát triển đa dạng, phong phú. ĐBSCL đang chú trọng khảo sát, tìm hiểu, quy hoạch phát triển du lịch; từng bước đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho ngành du lịch; tạo các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng sông nước đồng bằng và biển đảo, nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết vùng, tour tuyến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng. Thời gian qua, ĐBSCL đã tổ chức thành công các sự kiện du lịch, lễ hội Văn hoá - Thể thao và Du lịch mang tầm khu vực và quốc gia, như: Liên hoan Du lịch ĐBSCL, Năm Du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long 2008, lễ hội Nguyễn Trung Trực, Lễ hội vía bà Chúa Xứ, lễ hội Okombok và đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi, “Những ngày văn hoá Mêkong-Nhật Bản”, các hội thảo, hội chợ, triễn lãm và các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp.

 

Thực trạng du lịch ĐBSCL

Phát triển du lịch ĐBSCL đang ở giai đoạn đầu, mang tính tự phát, chưa có khảo sát, quy hoạch một cách hệ thống. Những năm qua (2001-2009), lượng khách du lịch đến ĐBSCL chỉ gia tăng với tốc độ 12,5% /năm, thu nhập từ du lịch còn thấp chỉ chiếm khoảng 3% so với cả nưốc. Năm 2008, toàn vùng chỉ đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế chiếm 9,4% tổng lượng khách quốc tế cả nước và 8 triệu lượt khách nội địa chiếm khoảng 14% tổng lượng khách cả nước. Lượng khách đến ĐBSCL còn thấp so với nhiều vùng miền khác. Một số tỉnh thành lượng khách có tăng hàng năm đáng khích lệ như Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp...nhưng còn quá ít.                                                      

 

 Những năm qua, du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế so sánh của vùng do một số nguyên nhân chính sau đây:

- Nhận thức xã hội về du lịch  còn hạn chế;

- Chưa có điều tra, khảo sát và lập quy hoạch phát triển du lịch vùng ĐBSCL và từng tỉnh, thiếu thông tin về nhiều điểm đến du lịch  ở ĐBSCL;

- Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa ổn định và thiếu sự quan tâm từ nhiều cấp.

- Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu tính độc đáo, thường trùng lắp giữa các địa phương trong vùng, gây cảm giác nhàm chán từ du khách;

- Các công ty lữ hành ở khu vực ĐBSCL còn nhỏ về quy mô, yếu về nghiệp vụ, thường làm dịch vụ cho các Công ty du lịch ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn trong nước, chưa đủ mạnh và đủ tầm;

- Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ, rất hạn chế. Nhiều điểm du lịch rất hấp dẫn nhưng cơ sở hạ tầng và dịch vụ quá sơ sài và nghèo nàn.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch vùng ĐBSCL chưa được chú trọng đúng mức, còn bị động;

-  Thiếu sự liên kết, hợp tác trong quản lý và hoạt động du lịch giữa các tỉnh thành trong khu vực và cả vùng với các tỉnh thành trong cả nước;

-  Kinh phí đầu tư cho du lịch ĐBSCL chưa được lãnh đạo các địa phương và TW quan tâm thích đáng.

 

Định hướng phát triển du lịch ĐBSCL và các giải pháp

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch ĐBSCL - vùng đất đang sở hữu những tiềm năng du lịch lớn và có tính đặc thù so với cả nước.

 

- Tổ chức triển khai điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp… tiềm năng du lịch của từng tỉnh, cả khu vực ĐBSCL về văn hóa, lịch sử, con người Tây Nam Bộ, lễ hội truyền thống, danh thắng, các điểm đến, tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù và nổi trội.v.v…trong đó chú trọng phát triển du lịch vùng đồng bằng và biển đảo. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL và từng tỉnh, thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của vùng.

 

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho vùng ĐBSCL cả về cán bộ quản lý và lao động trực tiếp bằng nhiều hình thức, chương trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu về các nghiệp vụ trong ngành du lịch, không ngừng nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp cao.

 

- Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức thu hút cao, ấn tượng, đa dạng, phong phú ở từng địa phương và liên kết cả vùng, không trùng lắp. Không ngừng nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm du lịch.

 

 - Nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch ở các điểm đến, tour, tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi mua sắm... tạo hình ảnh tốt cho du khách.


 - Xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, khoa học trong từng địa phương và liên tỉnh vùng ĐBSCL với lộ trình hợp lý, hài hoà, ấn tượng. Chú trọng các tuyến đi tham quan biển đảo.                                             .              

 -  Đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, cơ sở phục vụ du lịch, các khu du lịch miệt vườn, các đảo, làng nghề truyền thống gắn liền với bản sắc văn hoá và thế mạnh của tưng tỉnh, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt và môi trường du lịch an toàn, thân thiện và bền vững.

 

 - Xây dựng và phát triển các công ty du lịch ngang tầm với quy mô và tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL, có thương hiệu mạnh và uy tín lớn, có mạng lưới phục vụ du lịch rộng khắp vùng và hiệu quả cao.

 

 - Chủ động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cho toàn vùng và từng địa phương bằng nhiều hình thức và phương tiện thông tin: TV, báo, đài, website, sách, tờ gấp, bản đồ, CD, Lễ hội, hội thảo, hội chợ, triễn lãm... cả trong nước và nước ngoài nhằm thu hút du khách.

 

- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa các công ty du lịch, các trung tâm du lịch cả nước, các nước Đông Nam Á với  ĐBSCL nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng sông nước Cửu Long.                                               

- Nhà nước cần có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ cần thiết  nhằm khuyến khích phát triển du lịch ĐBSCL.

 

Du lịch ĐBSCL với tiềm năng lớn, định hướng tốt và nhiều giải pháp đồng bộ hy vọng sẽ phát triển nhanh, bền vững, góp phấn xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

 

                                                        Bài và ảnh:  Phan Thanh Quyên

                                                    Trung tâm Thông tin du lịch - TCDL





Những điều nên biết khi du lịch Malaysia

người đăng admin | viết nhận xét

Đối với người Việt Nam du lịch đến Sabah (Malaysia) điều khó khăn nhất là tìm cà phê, vì người dân ở đây dường như không uống cà phê.

Ngày càng có nhiều người Việt Nam du ngoạn Malaysia, nhất là du lịch sinh thái tại bang Sabah. Tìm hiểu trước về phong tục tập quán người Malaysia giúp chuyến đi thêm ý nghĩa.   

Đa số người Malaysia không ăn thịt lợn, không uống rượu. Họ chỉ dùng thức ăn nấu theo nguyên tắc của đạo Hồi (những món phù hợp tín ngưỡng gọi là Halal, còn không hợp gọi là Haram). Họ luôn rửa tay trước khi vào bàn ăn, dùng tay phải để bốc thức ăn (vì tay trái bị xem là không sạch). Khi ở nhà dân (homestay), khách có thể được thưởng thức đặc sản rừng, bánh truyền thống, thịt gà, thịt bò nấu theo kiểu Hồi giáo...

Du khách nên mặc quần áo gọn gàng, không hở hang, cởi giày trước khi vào nhà hoặc nơi cầu nguyện. Đừng đưa tay ra bắt tay phụ nữ theo đạo Hồi trừ khi họ chủ động. Xoa lưng, vỗ vai người khác cũng là điều không nên làm. Nếu có ý định ở trải nghiệm homestay, nên mang một chút quà từ quê hương để tặng gia chủ. Khi ra về, du khách cùng chủ nhà trồng cây hương liệu để in dấu kỷ niệm.

 

Du khách nên kiểm tra tỷ giá trên Internet hoặc báo chí có sẵn trên máy bay trước khi quyết định đổi tiền tại sân bay, khách sạn hoặc ngân hàng. Ngân hàng mở cửa từ 9h30 đến 15h. Các khách sạn thường cộng 10% phí dịch vụ và 5% thuế trong hóa đơn nên không cần boa cho nhân viên. Cả khách sạn và nhà dân sử dụng phích cắm có ba chấu (hai chấu ngang và một chấu dọc).

Người Việt Nam đi du lịch Malaysia trong vòng 30 ngày không cần visa. Dù có đường bay đến nhiều thành phố tại châu Á nhưng từ bang Sabad chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam, vì vậy du khách thường quá cảnh tại Thủ đô Kuala Lumpur.

Sabah có khoảng 2 triệu dân thuộc 30 dân tộc với 80 ngôn ngữ. Thời tiết quanh năm là mùa hè với nhiệt độ ban ngày 21 - 33 độ C. Từ thủ phủ Kota Kinabanu (thường gọi là KK), sau hai giờ xe là đến khu vực rừng nhiệt đới, nơi có công viên quốc gia Kinabalu - công viên đầu tiên của Malaysia được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Du khách có thể leo lên ngọn Kinabalu cao 4.095 m so với mặt nước biển, ngâm mình trong suối nước nóng trong lòng rừng già. Người Nhật Bản phát hiện và khai thác suối nước nóng trong thời chiến và khi tiếp quản, người Malaysia vẫn giữ phong cách Nhật Bản để phục vụ du khách.

Sabah có đường bờ biển dài hơn 1.400 km. Từ KK đi thuyền mất khoảng 45 phút mới đến đảo đầu tiên, và từ đảo này qua đảo khác cũng mất 45 phút. Sabah có nhiều hòn đảo đẹp, được quy hoạch phục vụ du lịch và bảo tồn động thực vật quý hiếm. Tại khu công viên đảo Tunku, Abdul Rahman, khách đội mũ thợ lặn nặng gần chục cân rồi lặn sâu khoảng 6 m để đi bộ dưới lòng biển ngắm cá đủ màu. Sẽ có người chụp hình kỷ niệm tặng khách kèm giấy chứng nhận tham gia khóa thám hiểm trước khi rời đảo. Du khách không nên bẻ san hô vì có thể bị phạt tới 2.000 ringgit. 

Sabah có 31 mô  hình homestay để du khách trải nghiệm hoạt động trồng trọt, thu hoạch, làm bánh, nấu nướng, tham dự lễ tết, cưới hỏi, nhảy múa, vui chơi... của người dân địa phương. Những thành viên trong gia đình rất nhiệt tình làm hướng dẫn viên với phí không quá 80 ringgit (khoảng 400.000 đồng) mỗi ngày. Du khách có thể lái xe leo dốc đồi núi, nhưng nhớ là phải đi bên trái đường.

Đối với người Việt Nam du lịch đến Sabah, điều khó khăn nhất là tìm cà phê. Người dân ở đây dường như không uống cà phê. Một số khách sạn tại KK có sẵn cà phê gói và cà phê Starbuck kiểu Mỹ.

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website





Bà Rịa – Vũng Tàu: Tích cực chuẩn bị Khai hội thần công Bình Giã

người đăng admin | viết nhận xét

Ngày 20/1/2010, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có buổi làm việc với đại diện các sở, ngành, UBND huyện Châu Đức, Hiệp hội Du lịch tỉnh về kịch bản chương trình Khai hội thần công Bình Giã.

Chương trình Khai hội thần công Bình Giã sẽ diễn ra vào tối 18/2/2010 (mùng 5 Tết Canh Dần) nhằm kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Bình Giã, hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dự kiến chương trình tổ chức tại khu đất trống thuộc xã Kim Long, huyện Châu Đức. Trong chương trình sẽ bắn 3 loạt súng thần công, mỗi loạt 3 phát.

Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nên tạo ra điểm mới cho chương trình bằng cách lồng các loạt súng thần công vào chương trình sân khấu hóa, văn nghệ chứ không nên bắn cùng lúc 3 loạt, để tạo sức hấp dẫn với khán giả.

Chương trình gồm các phần: bắn súng thần công, nghi thức khai mạc, chương trình sân khấu hóa và chương trình ca múa nhạc với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình đặc biệt nhấn mạnh chủ đề ca ngợi chiến thắng Bình Giã và quê hương Châu Đức.

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website





Tiền Giang kỷ niệm 225 năm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

người đăng admin | viết nhận xét

Tối ngày 19/1/2010 tại Khu Di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã tổ chức trọng thể Lễ mít tinh kỷ niệm 225 năm (20/1/1785 – 20/1/2010) chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.

Tại buổi mít tinh trọng thể này, mở màn cho buổi lễ là lễ đặt tràng hoa tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ của các Đoàn cán bộ đại điện cho các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi lễ, ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang xúc động nói: “Kỷ niệm 225 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là sự kiện văn hóa nhiều ý nghĩa và là niềm tự hào về quê hương Tiền Giang – quê hương có một quá khứ vinh quang, làm hành trang cho cuộc hành trình về tương lai xán lạn của mình”.

Cũng trong khuôn khổ của Lễ kỷ niệm, từ ngày 18-20/1/2010, tỉnh Tiền Giang còn tổ chức nhiều hoạt động như đua thuyền, thả diều nghệ thuật, triển lãm hình ảnh về chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, hội thi hoa lan, trưng bày hoa kiểng – bon sai, chưng mâm ngũ quả...

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website





Phú Yên xúc tiến dự án khu sinh thái Rừng dương - Thành Lầu

người đăng admin | viết nhận xét

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hòa Bình - Phú Yên đang triển khai dự án khu du lịch sinh thái Rừng dương - Thành Lầu và khu ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An); trong đó dự án khu du lịch sinh thái Rừng dương - Thành Lầu đã được tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hòa Bình - Phú Yên, khu Rừng dương - Thành Lầu sẽ được đầu tư trên cơ sở giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ điểm thêm các công trình cần thiết để nơi đây đẹp hơn.

 

Khu du lịch sinh thái Rừng dương - Thành Lầu có 5 khu với các khách sạn, nhà hàng hải sản, hồ bơi, bãi đậu xe, khu thể dục thể thao, các bungalow; khu đón tiếp phục vụ, nhà hàng vui chơi giải trí, biệt thự, nhà điều hành, rừng phòng hộ, mặt nước phục vụ các hoạt động du lịch... Dự kiến, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 784 tỉ đồng, trong đó vốn cho giai đoạn 1 khoảng hơn 351 tỉ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hòa Bình - Phú Yên cho biết công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực triển khai dự án đang được tiến hành nhằm có thể triển khai xây dựng nhà hàng hải sản ở khu A vào quý 1/2010.

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website





Triển lãm "Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam"

người đăng admin | viết nhận xét

Thông tin từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, triển lãm "Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam" sẽ diễn ra từ ngày 29-1đến ngày 3-2-2010 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.

Theo ông Từ Mạnh Lương, Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức, đây là hoạt động trưng bày đầu tiên có quy mô về nhạc cụ truyền thống ở nước ta. Triển lãm sẽ giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, tôn vinh nét văn hóa truyền thống, khuyến khích hoạt động bảo tồn, phát huy nhạc cụ truyền thống trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Người xem có thể thấy ở đây một cái nhìn khá đầy đủ về văn hóa, âm nhạc của các tộc người ở Việt Nam; đồng thời có cơ hội xem, thưởng thức các tiết mục biểu diễn bằng nhạc cụ truyền thống, giao lưu với các nghệ nhân đến từ năm vùng văn hóa chủ yếu như đồng bằng trung du Bắc Bộ, miền núi phía bắc, duyên hải miền trung, Trường Sơn - Tây Nguyên, Nam Bộ.

Triển lãm cũng dành một không gian đặc biệt cho các nhạc cụ sử dụng trong bốn loại hình nghệ thuật (văn hóa cồng chiêng, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Quan họ) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Bảy địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Quảng Nam, Đác Lắc và Sóc Trăng cũng có khu trưng bày riêng để làm nổi bật đặc trưng văn hóa âm nhạc của khu vực.

Chương trình do Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia, Viện Âm nhạc và Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp thực hiện. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930- 3-2-2010) và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Các hoạt động bên lề triển lãm còn có cuộc thi nhạc cụ truyền thống dành cho thiếu niên diễn ra trong hai ngày 30 và 31-1; Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Hồn Nhạc Việt” diễn ra tối ngày 1-2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Giao lưu học sinh, sinh viên tiêu biểu các trường VHNT, thể thao và du lịch khu vực phía bắc vào ngày 2-2.

NGÂN ANH

Nguồn: nhandan.com.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website





Đất Mũi Cà Mau: Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

người đăng admin | viết nhận xét

Một cuộc hành trình ngắn từ Cà Mau theo Quốc lộ 1 đưa ta đến Năm Căn. Từ đây, du khách lên tàu nhỏ ra Đất Mũi.

 

Nếu muốn thử cảm giác mạnh, du khách có thể dùng xuồng máy tư nhân hoặc canô mui trần, lướt như bay trên sóng nước, qua 55 km, để đến Đất Mũi - điểm tận cùng Tổ quốc. Các làng chài rải dọc đôi bờ. Thỉnh thoảng có những ghe xuồng chở hàng hoặc trẻ em đến trường học.

 

Đất Mũi là đất lộc của Đất nước vì hàng năm tiếp tục “nở” ra biển thêm 80-100m2. Chả thế mà cột mốc cực Nam của lãnh thổ nước ta sau chục năm đã lùi xa phía sau.

 

Những con đường nhỏ bê tông vượt trên sình lầy đưa ta tới các căn nhà gỗ ẩn hiện giữa rừng đước Ca Mau bạt ngàn, nay là Khu sinh thái quốc gia. Nghe nói, tại rừng U Minh cách Cà Mau 30 km, du khách còn có thể câu cá. Ở Đất Mũi này, sau một buổi rong ruổi trên các nẻo đường, hơi thấm mệt, du khách đến Quán Thuỷ Tạ, thưởng thức mấy món đặc sản Đất Mũi.

 

Khai vị bằng đĩa tôm khô Đất Mũi. Loại tôm này phơi mấy nắng teo lại, bỏ vào bao, đập vỏ. Tôm nõn nhỏ sạch bong, tươi roi rói, thơm tho mùi biển, dùng với bia thì khỏi phải chê. Bán tại chỗ, giá 320 ngàn đồng/ký, cũng đáng đồn tiền. Loại tôm này đưa về thành phố làm quà còn có thể dùng với rượu mạnh hoặc sang hơn nữa là với vang trắng.

 

Món lẩu cá Bóp thịt mềm, cùng các loại rau, bông súng, thòi lòi (xem ảnh) sôi sùng sục, toả mùi thơm tinh khiết. Cá Ngác kho tộ, mực Đất Mũi xào bồn bồn dùng với cơm hoặc bún. Đất Mũi có món Dọp nướng (xem ảnh). Dọp họ nhà nghêu, sống dưới bùn phù sa, ruột không có cát, mặn ngọt vị biển, quả là độc nhất vô nhị.

 

Giữa trời biển mênh mang, khi chúng tôi đang thưởng thức hương vị các món nhậu Đất Mũi, một dọng hát trong trẻo chợt vang lên. Ca sĩ là cô tiếp viên của cửa hàng Thủy Tạ. Có mấy câu vọng cổ  bài “Áo mới Cà Mau” kết thúc như vầy:

 

Cà Mau là nhạc là thơ

Có đôi trai gái đợi chờ thương nhau

Mai này vùng đất Cà Mau

Mặc thêm áo mới vui nào vui hơn.

 

Nếu bạn chậm về Đất Mũi, sẽ chẳng còn dịp vượt qua Phà Đầm Cùng tại huyện Cái Nước, còn gọi là “Phà lùi”, vì khi tới bờ bên kia, ô tô phải đi lùi để lên bến. Đây là bến phà cuối cùng của nước Việt ta trên con đường hiện đại hoá, tiến dần về phương Nam. Cũng là bến phà tận cùng đất nước. Cuối năm nay, một chiếc cầu hiện đại sẽ vượt qua con sông này và bạn sẽ lỡ một dịp hiếm có để cảm nhận được sự phóng khoáng hoang sơ của đất phương Nam qua lời NS Trần Tiến: “Đêm phương Nam nằm nghe đường xa vó ngựa/ Nghe từ thuở hồng hoang ngựa qua bến sông”…/.

 

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website






News for 20/01/2010


View all news for 20/01/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao