International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

07/05/2010 | RSS Feed

Tháng 5 về với Điện Biên

người đăng admin | viết nhận xét

Vào những ngày tháng 5 lịch sử, mảnh đất Điện Biên lại là điểm đến của hàng nghìn du khách tham quan. Ai cũng muốn được một lần đến thăm lại nơi cách đây 56 năm quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới. Năm nay, mặc dù là năm lẻ, nhưng do có dịp nghỉ lễ 30/4 kéo dài ngày nên lượng khách tham quan đến Điện Biên vẫn tăng mạnh.


Đến với Điện Biên hôm nay, khách thăm quan đều có ấn tượng tốt với sự đổi thay trên mảnh đất lịch sử này. Dù là người mới đến lần đầu hay đã nhiều lần vẫn không khỏi xúc động khi thăm các điểm di tích

Mặc dù thời tiết ở tỉnh Điện Biên từ giữa tháng 4 đến nay, mưa, nắng thất thường, nhưng lượng khách đến tham quan tại tỉnh vẫn đông, nhất là trong mấy ngày nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, từ đầu tháng 4 đến nay, đã đón gần 5.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có gần 1.500 lượt khách quốc tế.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu khách tham quan, đơn vị đã chú trọng đến việc bổ sung thêm nội dung hồ sơ, hộ chiếu các hiện vật trong kho cơ sở, phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện bản đồ khoanh vùng bảo vệ và bản đồ đường đi hang Mường Tỉnh, tháp Chiềng Sơ, di tích Pú Nhung, nhằm tái hiện lại những chiến công vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, cuối tháng 4, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chính thức mở cửa trở lại công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ phục vụ du khách tham quan sau thời gian sửa chữa, hoàn thiện công trình. Đơn vị cũng chủ động bố trí thêm hướng dẫn viên, xây dựng thêm các tua tuyến du lịch để đón khách tham quan...

Bà Dương Thị Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: “Chuẩn bị cho kỷ niệm 56 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đơn vị đã tập trung vào công tác tuyên truyền phục vụ. Đơn vị đã huy động thêm cán bộ  nhân viên của đơn vị để đưa đón khách thăm quan và cũng đã xây dựng thêm các tua tuyến đi từ điểm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đến một số điểm di tích. Đối với những đoàn đi lẻ, đơn vị đã cắm chốt thuyết minh viên tại từng điểm để đón khách thăm quan".

Để chủ động đón khách, ngay từ đầu tháng 4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu của khách. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở kinh doanh và dịch vụ du lịch, gần 40 cơ sở lưu trú với trên 900 buồng. Đặc biệt tỉnh đã có 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 đến 2 sao, 80 nhà hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu ăn, uống cho từ 15.000 - 20.000 lượt khách/ngày.

Mặc dù dịp này lượng khách đông, nhưng nhờ chủ động công tác buồng, phòng, niêm yết, công bố công khai các dịch vụ du lịch nên không xảy ra tình trạng bắt chẹt khách. Hầu hết, các nhà nghỉ, khách sạn đều giữ mức giá bình thường từ 220.000 - 260.000 đồng/phòng; một số khách sạn lớn, phòng đặc biệt vẫn giữ giá 400.000 đồng/phòng/đêm.

Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Khách sạn ASEAN, một trong 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao của tỉnh cho biết, khách sạn hiện có 41 phòng, hệ thống trang bị luôn được duy tu, sửa chữa, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, khách sạn còn có thực đơn các món ăn tự chọn giới thiệu nét văn hoá đặc trưng của đồng bào các dân tộc Điện Biên với bạn bè trong nước và du khách quốc tế.

Cũng như mọi năm, mùa du lịch năm nay khách sạn vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Khách sạn cho biết: "Do khách sạn có nguồn khách ổn định và là bạn hàng lâu năm, nên việc tăng giá kiếm lời vào những dịp đông khách không phải là mục tiêu của khách sạn".

Đến với Điện Biên hôm nay, khách thăm quan đều có ấn tượng tốt với sự đổi thay trên mảnh đất lịch sử này. Dù là người đến lần đầu tiên hay đã đến lần thứ hai, thứ ba đều vẫn xúc động khi được đến thăm các điểm di tích: Nghĩa trang A1, Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng, Hầm De Castries, Đường kéo pháo...

Bác Nguyễn Văn Hưng, cán bộ hưu trí ở thành phố Hải Phòng cho biết: "Đây là lần thứ hai tôi lên Điện Biên. So với trước đây, Điện Biên Phủ ngày nay đã được mở rộng, có rất nhiều đổi mới, cuộc sống của đồng bào Điện Biên cũng đã đổi thay nhiều".

Kỷ niệm 56 năm ngày chiến thắng lịch sử (7/5/2010), một lần nữa chúng ta thêm tự hào về những hy sinh và cống hiến của những người đã nằm xuống để làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu. Điện Biên hôm nay đang tiếp tục phát huy những lợi thế về kinh tế-văn hoá-xã hội, trở thành điểm đến tự hào của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.(Nguồn: VOV

)

 






Bắc Kạn: Vùng đất thú vị nhiều điều để khám phá

người đăng admin | viết nhận xét

 

Bắc Kạn là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán khác nhau nhưng đan xen nhau tạo nên bản sắc chung của dân tộc Việt Bắc mà biểu trưng nhất là văn hóa Tày Nùng.


Nằm trong quần thể chiến khu Việt Bắc năm xưa “Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà”, Bắc Kạn đã đi vào sử sách dân tộc với các địa danh nổi tiếng: cụm di tích ATK - Chợ Đồn đã từng là nơi hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cấp cao Trung Ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan trung ương trong kháng chiến chống Pháp, núi PhjaBjóoc - nơi hoạt động của đội Việt nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), hầm bí mật Dốc Tiệm - nơi nguyên Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo cuốn sách “Trường kỳ kháng chiến”, Đèo Giàng, Phủ Thông, Chợ Rã... - nơi diễn ra các trận đánh lớn chống quân xâm lược. Đến nay các chứng tích lịch sử vẫn còn lưu lại, nhiều di tích đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia như di tích Bản Ca, Khau Mạ, Nà Tu, Nà Pậu...

 

Đến với Bắc Kạn, du khách không chỉ  về thăm chiến trường xưa, tìm về cội nguồn lịch sử mà du khách còn được đến với các thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và độc đáo với những hồ, thác, hang động và sông suối như động Nàng Tiên, Động Hua Mạ, động Puông, thác Đầu Đẳng, Nà Khoang, Nà Đăng, sông Cầu, sông Năng... Đặc biệt du khách sẽ được đến thăm khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể - “viên ngọc xanh giữa núi rừng Việt Bắc”, đến đây du khách sẽ được dạo chơi trên hồ bằng thuyền Độc Mộc, hít thở không khí trong lành của Vườn quốc gia - rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với nhiều loài động, thực vật đặc biệt quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

 

Nếu du khách muốn tìm hiểu đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Bắc xin mời hãy ghé thăm các phiên chợ vùng cao, đến với các lễ hội mùa xuân của từng bản làng, từng dân tộc như chợ Bản Tàu Ba Bể (4/9 âm lịch), chợ tình Xuân Dương Na Rì (25/3 âm lịch); các lễ hội như: hội Lồng Tồng, hội xuân Ba Bể, lễ hội đền Thắm, chùa Thạch Long... Bắc Kạn còn có nhiều đặc sản của núi rừng, rau quả, hoa trái mùa nào thức nấy, ở đây có hương vị ngọt ngào của hồng không hạt giữa mùa thu Bắc Kạn, lê Ngân Sơn, quýt Quang Thuận, tôm chua, rượu ngô Ba Bể, rau ngót rừng, rau Bồ Khai, bánh gio, bánh Coóc Mò, những ống nếp lam thơm dẻo... cho du khách dễ dàng lựa chọn một món quà mang đậm hương vị Việt Bắc về biếu gia đình và người thân của mình.(Nguồn: website Bắc Kạn)





Hà Tĩnh: Khai trương mùa du lịch biển Thiên Cầm

người đăng admin | viết nhận xét

Đêm 1/5/2010 tại bãi biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4), ngày Quốc tế Lao động (1/5) và khai trương mùa Du lịch biển. Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo các huyện thị, thành phố; thủ trưởng các ban ngành đoàn thể trong tỉnh và hàng vạn nhân dân quanh vùng cùng khách du lịch biển Thiên Cầm. 


Nhân dịp kỷ niệm lễ trọng đại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã khai trương mùa hoạt động mới bãi biển Thiên Cầm mở đầu cho mùa du lịch biển trong tỉnh. khu du lịch Thiên Cầm đã được phê duyệt thành khu du lịch Quốc gia.

Tục truyền xưa, vua Hùng trên đường xuống phương nam, đến đây nghe tiếng sóng vỗ vào hang núi vọng ra âm thanh như tiếng đàn bay lơ lửng trong không gian nên nhà vua đặt tên núi là Thiên Cầm (đàn trời).

 

Biển Thiên Cầm là một vùng thiên nhiên hoang sơ. Nơi đây chỉ có tiếng sóng dội vào hang núi khiến những chuông đá, khánh đá vọng vang trở thành khúc nhạc muôn điệu như những tiếng đàn trời có tự ngàn xưa.

Bãi biển Thiên Cầm như hình cánh cung trải dài gần 3km bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, để dòng suối trong vắt này uốn lượn rồi đổ ra biển.

Bờ cát trắng chạy dài thoai thoải hàng trăm mét ra biển, nước biển trong vắt và âm vang đàn trời đã làm nên sự hấp dẫn của vùng biển này.

 

Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cùng với việc đào tạo nhanh nguồn nhân lực, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, phải dồn sức đầu tư tập trung thành một số điểm du lịch trọng yếu như khu văn hoá-du lịch Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ gắn với bãi tắm Xuân Thành, tuyến du lịch văn hoá tâm linh Đền Chợ Củi-Chùa Hương-Ngã ba Đồng Lộc-khu di tích Trần Phú, tuyến du lịch dọc đường 8, đường Hồ Chí Minh gắn với quốc tế Của khẩu Cầu Treo, tuyến du lịch ven biên Chân Tiên-Chiêu Trưng-Quỳnh Viên-Thiên Cầm-Kỳ Ninh Đèo Con gắn với Hồ Kẻ Gỗ, khu di tích Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đền Chế Thắng phu nhân Bích Châu...(Nguồn: Website Dân Trí

)

 






Hấp dẫn sinh thái Phong Điền (Cần Thơ)

người đăng admin | viết nhận xét

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền / Anh có thương em thì cho bạc cho tiền / Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”; đó là câu hát thể hiện sự trù phú về ruộng đất của ba mảnh đất này vào một thời xưa. Nằm ở phía Nam trung tâm thành phố Cần Thơ, huyện Phong Điền được ví như lá phổi xanh. Hầu hết du khách đều muốn một lần về đây hưởng không khí trong lành của những khu vườn cây trái ven sông.


Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Phong Điền đất đai màu mỡ, vườn cây xum xuê, hoa trái ngọt lành suốt 2 mùa mưa nắng. Những năm qua, Phong Điền khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái của quê hương vốn giàu truyền thống Cách mạng với 6/6 xã anh hùng trong kháng chiến: Giai Xuân, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Mỹ Khánh, Trường Long..., địa danh nào cũng ghi dấu chiến công của quân và dân miền Tây trong kháng chiến chống Mỹ.

Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, đến đây, ta như lạc vào thế giới cổ tích trong những vườn dâu xanh mát một màu lá điểm những “chuỗi trắng ngà” của những trái dâu treo đầy cành nhánh. Dâu Hạ Châu có đặc điểm vượt trội là khi chín vỏ và ruột có màu trắng ngà đẹp mắt, trông rất giống trái bòn bon, có vị ngọt thanh và thơm nhẹ.

Theo nhiều người, dâu Hạ Châu có nguồn gốc ở “miền dưới”. Mà “miền dưới”, theo nhà văn Sơn Nam là Malaysia. Bên cạnh “dâu vàng” Hạ Châu, Phong Điền còn hấp dẫn du khách với bòn bon “dâu bạc”. Đến đây, du khách có thể thoải mái vào vườn, hái trái ăn khi nào ngán thì thôi, rồi nằm võng đu đưa hưởng ngọn gió trời luồn qua cành nhánh những hàng dâu trồng ven hai bên bờ mương vườn tràn trề nước bạc.

Mùa dâu, du khách cũng có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của nó tại vườn du lịch sinh thái Giáo Dương. Vườn nằm trong bóng mát của các tàng cây ăn trái lưu niên như bưởi, mít, xoài, sầu riêng; nhưng nhiều nhất và hấp dẫn nhất vẫn là măng cụt và dâu Hạ Châu.

Đi dọc giữa hai hàng cây vàng ươm những trái dâu chín, vói tay hái một trái cho vô miệng thưởng thức vị ngọt pha chút chua dễ chịu, ai chẳng ưa! Và người ta càng thích hơn khi đến đây, vào một trong 20 tum của vườn thưởng thức những con cá, con tôm đậm đà vị ngọt sông nước phù sa. Nếu có yêu cầu, khách sẽ được vườn cung cấp cần câu cùng mồi câu, thư thả buông cần. Cá câu được, đa số là tai tượng, chép, điêu hồng, sẽ được nhà bếp chế biến theo yêu cầu của khách, bằng không thì mang về nhà.

Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương còn có những sinh vật được nuôi trong những chiếc lồng, nào trăn, khỉ, nhím, cá sấu, kỳ nhông. Đặc biệt ta sẽ thú vị khi được tự tay bơi chiếc xuồng ba lá dài theo các kinh mương trong vườn rợp bóng cây xanh. Đến đây, nếu cần, khách có thể nghỉ đêm trong phòng trọ của vườn, thư thái lắng nghe cây trái xạc xào trong ngọn gió thanh vắng đồng bằng dịu mát.

Ăn "Cơm điền chủ"

Với diện tích hơn 8 héc ta, làng du lịch Mỹ Khánh là tâm điểm của du lịch sinh thái ở Phong Điền và thành phố Cần Thơ. Với ưu điểm “trên bến dưới thuyền”, Mỹ Khánh tổ chức những tua du lịch sông nước, bằng tàu hoặc du thuyền, khám phá sông nước miền Tây Nam bộ qua các kinh rạch ăm ắp nước ngọt phù sa cùng các làng nghề thủ công mang đậm nét đặc trưng của cư dân Nam bộ.

Các ngày lễ, tết... Mỹ Khánh lại nhộn nhịp trong không khí lễ hội dân gian nhiều màu sắc. Câu cá là chuyện ngày thường, quá quen thuộc, đặc biệt, du khách sẽ được tham dự một buổi tát mương hay dỡ chà bắt cá.

Hoài niệm một thời xưa, khách cùng gia đình sẽ có dịp "nhập vai" điền chủ sống trong ngôi nhà cổ 100 tuổi, giao du những hương chức hội tề của thời phong kiến xa xưa. Gia đình điền chủ sẽ được viên cai tổng cùng các tá điền, kẻ che dù người hướng dẫn, đưa đi tham quan làng nghề truyền thống, thưởng thức bánh tráng mới ra lò nóng hổi, thưởng thức những chén rượu nếp rặt vừa mới ra lò còn thơm mùi hèm.

“Cơm điền chủ” là một chương trình độc đáo, hấp dẫn. Du khách thưởng thức những món ngon Nam bộ những năm 1930-1945, thoải mái bên bàn ăn với người hầu kẻ quạt, tráng miệng trái cây, chè, bánh ngọt bên tách trà nóng thơm hương sen hương lài trong tiếng ca vọng cổ phát ra từ chiếc máy hát dĩa quay tay từ thời nửa đầu thế kỷ trước.

Gần kề khu du lịch Mỹ Khánh, chợ nổi Phong Điền nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17km về phía đông nam. Chợ nhóm vào lúc 4-5 giờ sáng khi mặt trời chưa mọc cho đến 7-8 giờ sáng, lúc mặt trời lên cao cỡ ngọn sào thì tan. Cuộc sống thương hồ với cảnh xuồng ghe trao đổi hàng hóa vô cùng nhộn nhịp khiến ta liên tưởng đến câu hát xưa:

                            “Phong Điền chợ nổi trên sông

                    Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều”.

Lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi và giàn gừa độc đáo

Phong Điền có một số di tích đáng lưu ý như lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi ở xã Nhơn Nghĩa. Năm 1985, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ Trung ương đã phát hiện di chỉ văn hóa Óc Eo ở lung Cột Cầu. Và những mẫu vật ấy hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ.

Theo một số người am hiểu về lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi thì nơi đây xưa kia là vùng đầm lầy, khi khai hoang, người ta bắt gặp rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 3-4 thước. Có thể là người ta nghĩ đó là những chiếc cột xây cầu, nên đặt tên lung Cột Cầu.

Riêng bưng Đá Nổi thì được gọi từ việc người ta phát hiện nhiều tảng đá xanh, hình khối chữ nhật đã được gia công “nổi” trong bưng. Đặc biệt, tại bưng còn một tảng đá “nổi” nằm ngay bên dưới một ngôi nhà thủy tạ.

Từ lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi đi thêm đoạn đường xanh rợp bóng cây là tới ấp Nhơn Khánh, cùng xã Nhơn Nghĩa. Tại đây, giữa mảnh đất ruộng xen lẫn vườn cây rậm rạp, xuất hiện bên đường một giàn gừa khổng lồ. Đó là một quần thể gừa khổng lồ khó tưởng tượng được. Ngọn, nhánh, rễ đan quyện vào nhau rất đẹp mắt, không biết cây nào với cây nào hay chỉ từ một cây phân ra nhiều cành nhánh um tùm. Giàn gừa cao khoảng 6 thước, chiếm một không gian đến 3.000 thước vuông.

Trong giàn gừa có miếu Bà, được xây dựng lại bằng gạch, tôn xi măng từ năm 1996. Hằng năm, vào ngày 27/2 âm lịch đều tổ chức lễ cúng, có cả tiết mục múa bóng rỗi, thu hút cả ngàn lượt người tham dự. Được biết, huyện Phong Điền đã có quy hoạch, sẽ xây dựng di tích Giàn Gừa thành điểm tham quan du lịch sinh thái, nhưng quan trọng nhất là bảo tồn giá trị di sản độc đáo này của địa phương.(Nguồn: Website Thời báo Kinh tế Sài Gòn

)

 






Bạc Liêu: Tổ chức lễ hội Quán âm Nam Hải

người đăng admin | viết nhận xét

 

Lễ hội Quán âm Nam Hải là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của người Bạc Liêu, diễn ra từ ngày 5-7/5/2010, ở khu Quán âm Phật đài tại thị xã Bạc Liêu. Từ nhiều ngày qua, hàng chục ngàn lượt phật tử, du khách, tăng ni và đông đảo người dân khắp nơi về  dự lễ hội Quán âm Nam Hải.

Lễ hội Quán âm Hải Nam với nhiều phần lễ như: lễ cầu an, cầu siêu, chúc phúc; phần hội gồm trưng bày triển lãm hình ảnh đất nước, con người Bạc Liêu xưa và nay, khu hội chợ, diễu hành lễ rước Quán âm Nam Hải...

Từ cuối tháng 4/2010 đến nay, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, lễ hội đã đón hàng ngàn lượt du khách mỗi ngày, tạo cho không khí những ngày cận kề lễ chính sinh động, nhộn nhịp.

Năm 2010, Ban trị sự Quán âm Phật đài, cùng với chính quyền địa phương di dời hơn 50 hộ buôn bán dọc theo đường vào khu Phật Bà; đồng thời nâng cấp mở rộng đường vào, đầu tư xây dựng mới khu giữ xe khách, khu buôn bán ăn uống, quà lưu niệm, bông hoa nhang đèn cúng lễ.

Đại đức Thích Minh Lành, Phó Trưởng Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo, Trưởng Ban Trị sự Quán âm Phật đài cho biết lượng phật tử, du khách về dự lễ năm 2010 khá đông, trung bình mỗi ngày đón khoảng 15.000 lượt du khách, ước tính lễ hội năm 2010 sẽ đón trên 50.000 lượt người, tăng gấp đôi so với năm 2009.(
Nguồn: Website Vietnamtourism

)

 






Thiên đường nghỉ dưỡng Mũi Né

người đăng admin | viết nhận xét

 

Mũi Né thuộc thành phố biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), cách TP.Hồ Chí Minh 200 km về phía Đông, cách TP.Nha Trang (Khánh Hòa) 250 km về phía Đông Nam và là một địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam lẫn thế giới.


Đến với Mũi Né bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh hữu tình tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng với những gam màu sống động, rực rỡ. Màu ngọc bích của trời, màu xanh trong của biển, màu vàng óng của cát. Hình ảnh Mũi Né - Phan Thiết hiện lên với một thảm cát vàng trải dài dưới chân du khách, với cái nắng của mặt trời mùa hè, với tiếng sóng biển hòa vói những làn gió mát sẽ mang đến cho du khách một mùa hè với đầy ắp những kỷ niệm khó quên về vùng đất hiền hòa và thân thương mang tên Mũi Né. Đặt chân đến vùng biển đầy thơ mộng này du khách trong và ngoài nước không thể bỏ qua một lần ghé chân qua đồi cát Mũi Né vào buổi sáng sớm lúc từng hạt cát vẫn còn xen lẫn với hơi sương của một đêm dài và đang ngậm từng sợi nắng vàng óng của buổi sớm mai. Và đồi cát bay vẫn mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà nhiếp ảnh, cát muôn hình, muôn vẻ cùng với những hoạt động, sinh sống của người dân trên cát góp phần cho ra những tác phẩm đẹp.


Không chỉ có không gian lung linh, Mũi Né còn đậm đà hương vị ngọt ngào của rất nhiều món ăn chế biến từ nguồn hải sản phong phú và nền ẩm thực xứ biển đa dạng vốn nổi tiếng bổ dưỡng và hợp khẩu vị. Cộng thêm con người miền biển hiền hòa, thân thiện hòa quyện với nhau tạo nên một nét văn hóa đặc trưng của điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn này.


Đến với Mũi Né bạn còn có dịp tham quan và tìm hiểu rất nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa giữa một nền văn hóa đa dạng, lâu đời và đầy bản sắc của nhiều dân tộc như Kinh, Chăm, Hoa. Cùng với các địa danh như Tháp Chăm PoSahInư, mộ Nguyễn Thông, trường Dục Thanh, Vạn Thủy Tú, Tháp Nước, Chùa Ông, Chùa Bà Thiên Hậu, bạn còn có thêm cơ hội tham gia và thưởng lãm nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như Nghinh Ông Quan Thánh, Cầu Ngư, Ka-tê, Trung Thu…Mũi Né còn thơ mộng với những nét đẹp và bản sắc thật riêng của những bãi tắm mịn màng ở khu trung tâm thành phố, khu dã ngoại Hòn Rơm, khu phố Tây Hàm Tiến, khu Phú Hài và khu Tiến Thành…thỏa sức chọn lựa cho tất cả du khách yêu biển và âm thanh muôn đời của tiếng sóng vỗ bờ.


Điểm đến Mũi Né hôm nay còn mời gọi bạn trải nghiệm và mạo hiểm cùng các môn thể thao biển độc đáo như chinh phục đồi cát bay thơ mộng; bay dưới cái nắng chói chang cùng dù lượn; hào hứng và quyết liệt với những cuộc đua thuyền buồm trên biển; thỏa thích lướt sóng cùng các môn lướt ván buồm, lướt ván diều; chinh phục độ cao với khinh khí cầu; hay khẳng định bản lĩnh của bản thân qua những đường golf tại sân golf Phan Thiết hoặc sân golf Sea Links thách thức nhất châu Á!. Đi đôi với những loại hình hoạt động giải trí, Mũi Né còn làm hài lòng bạn với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe như spa, tắm bùn khoáng nóng, massage dược liệu, dưỡng sinh, liệu pháp thiền, nghỉ dưỡng biển..


Thiên đường nghỉ dưỡng Mũi Né ngày nay đã được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam với hơn 100 khu nghỉ dưỡng sinh thái, resort, biệt thự biển lớn nhỏ được kết hợp với nhau bởi vẻ đẹp thiên nhiên trinh nguyên hòa quyện cùng lối kiến trúc hiện đại hướng về thiên nhiên xanh của biển, trời và hoa lá. Mũi Né hôm nay còn là nơi hội tụ của những dự án nhà nghỉ cao cấp, những khu vui chơi giải trí hiện đại, những công trình giải trí công cộng đa chức năng, những hạ tầng cở sở hoàn chỉnh…để luôn mang đến cho con người những cảm giác an toàn, thoải mái và vui tươi khi đến với Mũi Né-Việt Nam! Và chính từ những nét quyến rũ và thi vị của mình, hàng năm Mũi Né thu hút trên 2 triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, trong đó có trên 220.000 lượt khách quốc tế, đông nhất là đến từ Nga, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Mexico…


Mũi Né - Việt Nam, một điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn, đã và đang tiếp tục mở rộng vòng tay mời gọi và chào đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm nghiệm, nghỉ dưỡng, thư giãn và vui chơi! Hãy đến với Mũi Né, một thiên đường nghỉ dưỡng của đất nước Việt

Nam

xinh đẹp hôm nay!(Nguồn: Sở VH, TT & DL Bình Thuận

)

 






Độc đáo Xên bản Co Mỵ (Điện Biên Phủ)

người đăng admin | viết nhận xét


Ngày đầu tiên của tháng Năm, tiết trời tạnh ráo. Nhân ngày nghỉ lễ, trên khắp mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử, du khách thập phương nhộn nhịp từng đoàn, từng tốp tham quan những điểm di tích. Cũng thời điểm này, khu vực lòng chảo Mường Thanh diễn ra một sự kiện văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc Thái: Lễ Xên bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Xên bản là hoạt động tín ngưỡng truyền thống từ xa xưa của dân tộc Thái.


 

 

 

Cứ độ tháng 5 dương lịch, khi hoa phượng vĩ đỏ rực, lúa thóc đã đầy bồ, đồng bào Thái ở Mường Thanh lại tổ chức lễ Xên Mường (cúng Mường). Sau một thời gian bị lãng quên vì nhiều lý do, hoạt động tín ngưỡng này đã được phục dựng, tái hiện. Tuy không còn quy mô của một lễ Xên Mường nhưng vẫn còn những nghi thức của lễ Xên bản (cúng bản).

 

Từ sáng sớm ngày 1/5, những lễ vật cho lễ Xên đã được đội tế lễ bản Co Mỵ chuẩn bị. Các bậc cao niên của bản kính cẩn rước lễ vật đến gốc cây thiêng để thầy mo làm lễ cúng. Cây thiêng thường là cây cổ thụ ở giữa bản. Lễ vật là những con gà, vịt, lợn đã được lựa chọn từ nhiều ngày trước nhanh chóng được hóa kiếp để cúng tế thần linh.

 

Dưới gốc cây cổ thụ linh thiêng giữa bản, một không gian tâm linh được tạo nên bởi bóng cây mờ tối, ánh nến và lời khấn huyền bí của thầy mo. Hỡi các vị thần trên trời, các vị thần trong rừng, các vị thần trên đồng, các vị thần dưới nước! Hãy tiếp nhận lễ vật và phù hộ cho dân bản!

Phục dựng và tổ chức thường xuyên lễ Xên bản có ý nghĩa bảo tồn, phát huy một bản sắc văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc Thái nói riêng, nền văn hóa đa dạng, phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Không những thế, hoạt động tín ngưỡng này còn có ý nghĩa giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay về lễ giáo, phép tắc đối nhân xử thế trong cung cách ứng xử của đồng bào dân tộc Thái.

 

Sau phần lễ trang trọng và thành kính, phần hội của lễ Xên bản diễn ra tưng bừng. Đây cũng là phần thu hút sự tham gia cổ vũ, reo hò của đông đảo bà con dân bản và du khách thập phương. Mở đầu là màn trình diễn văn nghệ của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng địa phương. Đây là dịp để các nghệ nhân địa phương trổ tài với những nhạc cụ dân tộc, các điệu múa dân gian phong phú và đặc sắc, nhịp nhàng uyển chuyển.

 

Cùng với trình diễn văn nghệ, phần hội trong lễ Xên bản nhộn nhịp hơn với các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cầu bập bênh, bịt mắt bắt vịt, tó má lẹ... được đông đảo bà con reo hò cổ vũ. Nếu thi ném còn cần sự khéo léo, chính xác thì đi cầu bập bênh lại đòi hỏi người tham gia phải thực sự có bản lĩnh để kết hợp hoàn hảo giữa việc giữ thăng bằng và tốc độ di chuyển. Vui nhộn nhất là trò chơi bịt mắt bắt vịt. Sự mất phương hướng và những động tác khôi hài của người chơi liên tục đem lại những tràng cười sảng khoái cho người xem.

 

Đồng bào dân tộc Thái tổ chức lễ hội Xên bản - là hình thức cúng lễ của người đang sống cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì cho cuộc sống bình yên, cho con người sức khỏe, con cháu lớn khôn, trưởng thành. Ngoài yếu tố tâm linh của một hoạt động tín ngưỡng thì Xên bản cũng là một bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thu hút sự quan tâm, tìm hiểu khám phá của khách du lịch. Thế nên, Xên bản cần được bảo tồn, phát huy một cách đúng đắn, hiệu quả, vừa làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân vừa giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của một lễ hội tín ngưỡng dân gian.(Nguồn: Báo Điện Biên Phủ)

 





Một thoáng Sapa

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm ở độ cao từ 1.500 đến 1.800 m so với mặt nước biển, Sapa (Lào Cai) được nhiều du khách biết đến bởi dáng vẻ trầm mặc nhưng cũng không ít lãng mạn, thơ mộng. Bạn Sao Xanh chia sẻ hình ảnh.

Bình minh trên những dòng sông mây.
Những bản làng, thửa ruộng ẩn hiện trong mây.
Mây xà xuống ngập tràn thị trấn Sapa.
Những thửa ruộng bậc thang vào mùa đổ nước ánh lên nhiều màu sắc.
Lúa chín vàng trải dài trên những triền núi.
Trẩy hội.
Thác Tiên Sa.
Thác Bạc.

(Nguồn: vnexpress.net)





Làng nghề chạm gỗ La Xuyên - Nam Định

người đăng admin | viết nhận xét

 

Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên nằm bên quốc lộ 10, cách thành phố Nam Định 21 km về phía Tây Nam. Làng nghề được hình thành cách đây gần 10 thế kỷ.

Theo thần tích của làng thì ông tổ làng nghề mộc có tên là Ninh Hữu Hưng, quê ở xã Chi Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ông về đây lập ấp, truyền nghề cho địa phương. Từ nơi đây đã có rất nhiều nghệ nhân đến xây dựng cố đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, Đông Đô, kinh thành Huế và nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ,ở mọi miền đất nước, hiện nay làng nghề vẫn tồn tại và phát triển.

 

Truyền thống làng nghề cho đến nay còn hội tụ một phần ở ngôi đình làng. Những người thợ tài hoa đã thực sự đem trí tuệ, bàn tay điêu luyện của mình để dựng nên một công trình bề thế về kiến trúc, không gian được mở rộng với một quần thể bao gồm đình, đền, phủ, miếu và người nghệ nhân đã thổi vào đó sức sống làm cho nhiều mảng phù điêu, mảng chạm tồn tại mãi cùng thời gian. Hàng năm để tưởng nhớ công đức của vị tổ nghề, dân làng đã tổ chức lễ hội mùa xuân vào ngày 6/3 âm lịch hằng năm, nét đặc trưng của lễ hội là nghi thức kéo lửa để khai hội trai làng kéo lạt giang cọ vào thanh gỗ xoan ngâm tạo nhiệt, nhiệt truyền làm cháy bùi nhùi rơm khô một cụ cao niên lấy ngọn lửa thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương.

 

Đến với làng nghề du khách như lạc vào thế giới âm thanh rộn rã của tiếng cưa, đục, chạm, râm ran khắp làng. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và các thợ thủ công lành nghề nhiều sản phẩm nổi tiếng về độ bền, vẻ đẹp của các hoa văn những mảng khối, đường nét gợi chất thơ từ nhiều điển tích cổ Phương Đông. Du khách có thể mua những sản phẩm của làng nghề để kỷ niệm chuyến đi.(Nguồn: website dulịchnamdinh)





Đặc sắc "Lễ hội trên mây - Sa Pa"

người đăng admin | viết nhận xét

 

Diễn ra từ 30/4 đến 4/5/2010, Tuần lễ du lịch Sa Pa với tên gọi “Lễ hội trên mây - Sa Pa” nằm trong chương trình hợp tác Du lịch về cội nguồn giữa ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ.

Tổ chức tại thị trấn Sa Pa với những hoạt động văn hoá, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc vùng cao. Nét mới của Lễ hội năm nay là, du khách có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động của lễ hội như chính những người dân bản địa.

Tại Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa - một trong số ít những công ty do chính những người dân tộc ở Tả Phìn lập nên để phục vụ nhu cầu của du khách. Sau khi được ngâm mình trong những thùng thuốc tắm của đồng bào người Dao, nhiều du khách đến từ TP.HCM không khỏi ấn tượng với cách làm của người dân nơi đây.

Bên cạnh những hoạt động được tổ chức thường niên, nét đặc sắc của Lễ hội trên mây năm nay là chương trình “Một ngày làm nông dân” được tổ chức tại xã Tả Phìn. Tại đây, du khách sẽ được thăm quan một số mô hình nghỉ dưỡng tại nhà, lên rừng tìm lá thuốc tắm, học cách sử dụng thảo dược, học cách làm, dệt, thêu thổ cẩm cũng như chuẩn bị một bữa ăn truyền thống...

Tất cả các hoạt động "Lễ hội trên mây" 2010 đều dành thời lượng lớn hướng về du khách, lấy du khách làm trung tâm, khuyến khích họ trực tiếp tham gia và cảm nhận những nét mới, hấp dẫn của vùng đất và con người nơi đây.

Việc tổ chức Lễ hội trên mây 2010 với những nét mới, sẽ góp phần giúp cho du khách hiểu thêm về thiên nhiên hùng vĩ bởi khí hậu mát mẻ trong lành, con người cởi mở mến khách. Góp phần giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch của Sa Pa, phục vụ cho việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của huyện Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.(Nguồn: VTV

)

 






Lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)

người đăng admin | viết nhận xét

Ngày 3/5/2010 (tức ngày 20/3 âm lịch), đông đảo người dân theo tín ngưỡng thờ thần Thiên y Ana từ miền Trung đến miền Nam lại tập trung về TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để tham dự Lễ hội Tháp Bà Ponagar.


Sau các nghi lễ chính của lễ hội Ponagar như: Lễ tắm tượng, lễ thay xiêm y Thánh Mẫu, tối qua, hàng ngàn người dân và du khách đã tham gia lễ thả hoa đăng lần đầu tiên được tổ chức trên sông Cái. 22 đoàn đại diện cho hàng ngàn người dân theo tín ngưỡng thờ Thiên y Ana Thánh Mẫu đã tập trung ghe thuyền về cầu Xóm Bóng, thả hơn 7000 hoa đăng xuống dòng sông, tạo nên một không gian lung linh, độc đáo ngay bên cạnh di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang.

Theo Ban tổ chức lễ hội, lễ thả hoa đăng được tổ chức theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân để cầu siêu cho những liệt sĩ từng chiến đấu ở đây cũng như nhiều ngư dân vì mưu sinh đã nằm lại trên dòng sông này.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar là hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân các tỉnh miền Trung Tây nguyên và TP.HCM. Riêng năm nay, đã có hơn 100 đoàn từ khắp nơi đăng kí tham gia, gần gấp đôi so với những lễ hội trước. Lễ hội này từ lâu đã vượt lên trên một nghi thức tôn giáo, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa chung, đặc sắc của cả người Chăm và người Kinh, góp thêm một nét văn hoá độc đáo cho ngành du lịch Khánh Hoà.(Nguồn: VTV

)

 






Thiên Sơn - Suối Ngà, cảnh đẹp Tản Viên

người đăng admin | viết nhận xét

Khu vực Thiên Sơn phía Đông dãy núi Ba Vì, tỉnh Hà Tây có phong cảnh rất hữu tình nhờ có những thác nước trong vắt chảy từ trên núi Tản xuống, những khu rừng xanh biếc chạy dọc theo sườn núi ẩn hiện trong những lớp mây mù.

Nơi đây đã được đầu tư thành Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà. Cách Hà Nội chỉ khoảng một giờ chạy xe, khu du lịch này đã trở thành chốn nghỉ ngơi của nhiều người dân thủ đô vào cuối tuần từ nhiều năm nay.

Ngoạn Sơn thơ mộng

Vào những ngày trời quang, đứng từ thị xã Sơn Tây, người ta có thể nhìn thấy ở sườn Đông núi Ba Vì hai ngọn thác từ trời cao đổ xuống, trắng sáng như hai chiếc ngà voi, vì thế mà có cái tên suối Ngà. Nằm trong đường vành đai phòng hộ rừng quốc gia Ba Vì, Thiên Sơn - Suối Ngà được chia làm ba khu, mỗi khu cách nhau khoảng gần hai cây số.

Bắt đầu là Hạ Sơn có thác Tam Cấp, hồ Hạ Sơn chính là nơi gặp gỡ của hai ngọn thác. Du khách có thể ngồi ở Vọng Lâu hoặc đạp thuyền thiên nga để thưởng ngoạn cảnh hồ. Sau khi thỏa thích ngắm cảnh, tìm hiểu những loại thực vật quý hiếm của vườn quốc gia Ba Vì, du khách có thể nghỉ ngơi tại khu biệt thự trên cao hoặc thưởng thức các món ăn đặc sản của Sơn Tây như gà ri và bánh tế tại khu ẩm thực bên sườn núi.

Gà ri Sơn Tây thân nhỏ, chân ngắn, thịt dai và ngọt; luộc hay nấu cháo đều rất ngon. Bánh tế được làm bằng bột gạo, không có nhân, chỉ có bột và nấm mèo trộn với nhau. Người ta cuốn cái bánh dài khoảng 30cm trong lá chuối, túm lại ở hai đầu rồi đem luộc. Bánh có vị hơi giống bánh giò, nhưng dai và chắc hơn. Trong không khí se se lạnh vùng núi, món bánh bột ăn nóng với nước mắm ớt cũng khá hấp dẫn.

Để lên khu Trung Sơn, du khách đi theo con đường uốn lượn qua các hồ nước trong xanh. Đây là khu vui chơi dành cho mọi lứa tuổi. Từ đây, men theo con đường lát đá dưới tán lá cây rừng dày sum suê là tới thác Cổng Trời.

Cổng Trời là một trong những ngọn thác đẹp nhất trong khu vực rừng quốc gia Ba Vì, cao xấp xỉ 100m. Nước từ trên cao đổ xuống những tảng đá tung bọt trắng xóa, làm không gian tràn ngập hơi nước mát lạnh. Thấp thoáng dưới tán cây rừng là những mái nhà, những bộ bàn ghế dành cho khách nghỉ chân. Các tiện nghi phục vụ du khách được sắp đặt khá khéo léo dưới bóng cây rừng, vừa kín đáo, vừa gần gũi với cảnh quan thiên nhiên.

Ngoạn Sơn là khu vực thoáng đãng, từ đây có thể ngắm được toàn cảnh núi Ba Vì và còn là nơi câu cá lý tưởng. Những con đường dạo mát sát mép hồ nước, những cây cầu uốn lượn soi bóng xuống hồ nước trong xanh càng tô điểm cho cảnh quan nơi đây.

Sau một ngày leo núi, lội suối, tắm hồ, ngắm thác, câu cá và một đêm đắm mình giữa thiên nhiên hùng vĩ, ngày hôm sau, trên đường về Hà Nội, du khách có thể dừng chân tại thị xã Sơn Tây, tiếp tục tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng như thành cổ Sơn Tây, chùa Mía... Thành cổ Sơn Tây khá đẹp nhờ còn giữ nét xưa và được rất nhiều cây cổ thụ che phủ. Còn chùa Mía với vẻ tĩnh lặng, cổ kính cũng là một di tích mà du khách không thể bỏ qua.

Suối Ngà

Thành cổ Sơn Tây

Nhà nghỉ giữa lưng chừng núi

Theo THANH HẢI
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần





Bồng bềnh trên dòng Mekong

người đăng admin | viết nhận xét

Những ngày hè rực nắng nhiệt đới, bạn hãy thử làm một chuyến du lịch đường sông từ TP.HCM hoặc Mỹ Tho đến thủ đô Phnom Penh hoặc Siem Reap (Campuchia) để có trải nghiệm mới và những cảm giác khác với dòng Mekong.

Tham quan chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang - Ảnh: Nam Vinh

Từ TP.HCM, xe đón chúng tôi đi Mỹ Tho để lên tàu du lịch. Cảnh vật miền Tây sông nước trù phú và mát mắt. Những con tàu du lịch phần lớn bằng gỗ quý đóng theo lối thuộc địa nhưng trang thiết bị hiện đại và tiện nghi chạy êm ru trên sông. Mở ra trước mắt du khách là những cánh đồng xanh um, những bãi bồi cát trắng lấp lóa, lòa xòa rặng dừa nước, những căn nhà chi chít cọc mọc trên sông, trẻ nhỏ tung tăng bơi lội...

Chiều mát, chúng tôi nằm trên những chiếc ghế thư giãn trên boong tàu, cứ thế để cảnh vật từ từ trôi theo sóng nước.

Sông nước đồng bằng

Đêm đầu tiên của hành trình các tàu thường đỗ lại ở Cái Bè để hôm sau du khách có cơ hội hòa mình vào chợ nổi đặc trưng vùng sông nước. Nhà tàu chuẩn bị sẵn đội xuồng nhỏ với đầy đủ áo phao an toàn để khách Tây, ta yên tâm len lỏi giữa đám xuồng đang bận rộn trao đổi mua bán. Tùy theo lịch trình của từng hãng tàu, du khách có thể đi tiếp trên kênh rạch tham quan vườn cây trái, xưởng thủ công hay lên bờ đi xe đạp thong dong giữa đồng bằng ngút ngát sum suê.

Chuyến du ngoạn bằng ghe trên các kênh rạch ngoằn ngoèo lướt qua những đám dừa nước um tùm, nhận vô khối những cái vẫy tay, lời chào từ người dân, lũ trẻ hai bên bờ khiến khách nước ngoài phấn khích.

Vượt qua khúc sông Tiền rộng mênh mông, sóng đánh ì oạp vào thân ghe làm bắn tung bọt nước vào mọi người. Jörgen - khách du lịch đến từ Dresden (Đức) - khoái chí hát vang một khúc ca, trong đó có cả một đoạn: “Một chuyến du lịch trên sông thật là tuyệt làm sao, đi thuyền trên sông ta có thể nhìn thấy mọi người, đi thuyền trên sông cảnh vật ở ngay lan can”... Còn anh bạn Richter thì chụp ảnh cô hướng dẫn viên du lịch mặc áo dài xanh ở mọi góc nhìn.

Chiều tối, chiếc tàu đi tiếp theo dấu nữ văn sĩ Marguerite Duras trong tiểu thuyết nổi tiếng Người tình qua Long Xuyên, Sa Đéc để hướng đến Châu Đốc. Tàu RV Mekong

Pandaw của Hãng Pandaw thiết kế hẳn một tour tham quan thị xã Châu Đốc bằng xe xích lô. Chậm rãi và thong thả theo từng vòng quay, bạn sẽ có cái nhìn bao quát về thành phố biên giới với nước bạn Campuchia rất đỗi hiền hòa. Ngắm không chưa đủ, cuối hành trình nhiều khách du lịch nước ngoài hứng chí đòi "đổi vai" điều khiển xích lô, nhưng cuối cùng chỉ vài người thành công.

Tàu RV Mekong Pandaw trên dòng sông Mekong - Ảnh do Pandaw cung cấp

Những khúc quanh của dòng sông

Trở lại con tàu, ngay buổi chiều chúng tôi chuẩn bị tiến sát biên giới. Một nhóm khách du lịch người Đức mang theo thiết bị GPS cầm tay đang chụm đầu xem đường lượn con sông trên máy và reo lên: “Khoảng 30 phút nữa chúng ta sẽ rẽ phải đấy”! Họ luôn cẩn thận ghi lại đường đi của tàu vào máy mỗi ngày.

Sau hai giờ và qua một khúc quanh bên trái nữa, con tàu đến cửa khẩu Vĩnh Xương. Những hãng tàu khác đã có lịch trình đầy ắp tại Long Xuyên, Sa Đéc như thăm trại nuôi cá sấu, làng Hòa Hảo... thường bỏ qua Châu Đốc để tiến thẳng tới cửa khẩu Vĩnh Xương làm thủ tục xuất cảnh. Tàu neo lại trên sông để bộ phận xuất nhập cảnh của cả hai bên VN và Campuchia làm việc. Họ ngồi trong phòng ăn đóng dấu vào các quyển hộ chiếu do người nhà tàu mang lại, khách du lịch không cần trình diện.

Công việc quá quen thuộc với các nhân viên xuất nhập cảnh ở đây, nhưng cũng cần đến một giờ để đóng dấu hết vài chục quyển hộ chiếu.

Vẫn xuôi dòng Mekong sau khoảng bốn giờ chúng tôi đã tới thủ đô Phnom Penh. Khoảng thời gian dừng lại thăm thú ở đây hết sức thú vị. Thành phố với những nét kiến trúc đặc trưng của người Khmer, những khu phố Pháp và đời sống nhộn nhịp ven bờ sông Mekong khi chiều xuống làm dấy lên những xúc cảm say mê với cuộc sống bình dị.

Bạn có thể cưỡng nổi mùi thơm lừng từ những xe đẩy bán côn trùng chiên? Hoặc có thể không mỉm cười nhận những chuỗi vòng hoa nhài từ tay bọn trẻ bán dạo để đeo lên cổ, lồng vào tay bạn bè, người yêu mình?

Từ tháng 6 đến tháng 12 là mùa mưa, mực nước ở Tonle Sap đủ sâu cho tải trọng con tàu du lịch chạy tới thành phố của những ngôi đền Siem Reap. Angkor là một quần thể kiến trúc đồ sộ chiếm diện tích 200km2, nằm ở vùng tây bắc vương quốc Campuchia. Những ngôi đền với vẻ huy hoàng và tuyệt mỹ của nó đã khiến người ta phải kinh ngạc.

Vượt xa hơn nữa là triết lý về một tiểu vũ trụ bao hàm trong quần thể đền đài đồ sộ. Triết lý này hẳn là không phải bất cứ ai cũng nhận ra được, nhưng có thể thấy rõ vẻ đẹp rực rỡ của những ngôi đền đã chạm tới tâm tưởng của tất cả mọi người.

Chúng tôi đi theo chỉ dẫn của những ngọn tháp rêu phong lấp ló trong rừng già, lối đi đến khu tháp ngày nay đã rộng mở, không vất vả khó khăn như khi các nhà thám hiểm người Pháp khám phá ra Angkor đầu thế kỷ 20. Nhưng biết đâu vẫn còn những hoàng tử, những công chúa đang say ngủ chờ người đánh thức?

Một tuần trôi qua thật êm đềm. Những hoạt động trên tàu với bạn đồng hành bỗng trở nên gần gũi lạ. Các bữa ăn chung, những phút nâng ly thân ái tại quầy bar, buổi tập taichi hay ngồi thiền trên boong, lúc tán gẫu khi phơi nắng... đều trở thành những ký ức đẹp đẽ. Nguyễn Nam và Bích Vân, đôi vợ chồng trẻ mới cưới đến từ Hà Nội, rất hài lòng với lựa chọn hơi khác người của mình khi du lịch trăng mật bằng đường sông.

Một cuộc sống trên dòng Mekong thật khác lạ! (Nguồn: tuoitre.com)







News for 28/04/2010


View all news for 28/04/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam