International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

08/04/2010 | RSS Feed

Cần Thơ sẵn sàng cho các ngày lễ lớn

người đăng admin | viết nhận xét

Tháng 4/2010, tại TP Cần Thơ diễn ra nhiều sự kiện lớn: Khánh thành cầu Cần Thơ, Festival Thủy sản Việt Nam 2010... Đây là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh TP Cần Thơ đến bạn bè trong cả nước và quốc tế. Trước những sự kiện này, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành hiện đã sẵn sàng phục vụ du khách.

Khách sạn, nhà hàng: nâng cao chất lượng phục vụ
Theo thông tin từ một số khách sạn lớn trên địa bàn TP Cần Thơ, trong đợt diễn ra khánh thành cầu Cần Thơ, Festival Thủy sản, và một số lễ hội khác, từ 22/4/2010 số lượng phòng nghỉ gần như đã được khách đặt kín chỗ. Số liệu thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 35 khách sạn đạt tiêu chuẩn được cấp sao, trong đó, 3 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao, 20 khách sạn 2 sao, 5 khách sạn 1 sao. Ngoài ra còn trên 100 khách sạn lớn, nhỏ với công suất phục vụ trên 3.000 phòng nghỉ, công suất đáp ứng khoảng từ 6.000 -8.000 khách.

Để tránh tình trạng giá cả tăng khi lượng khách tăng đột biến, vào trung tuần tháng 3/2010, UNBD TP Cần Thơ đã tổ chức buổi gặp mặt các đơn vị hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên địa bàn để bàn về việc đón tiếp, phục vụ khách trong dịp Festival Thủy sản và các ngày lễ lớn trong năm 2010. Theo chủ trương của lãnh đạo thành phố, đây là cơ hội lớn để kinh doanh và là dịp quảng bá thành phố đến với các bạn bè trong cả nước và quốc tế, nên ngoài việc lo chu đáo về chỗ ăn nghỉ thì giữ giá cả ổn định cũng là vấn đề cần quan tâm.

Ông Đặng Hoàng Kim, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Sở đã có công văn gởi đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch trên địa bàn thành phố về việc thực hiện các yêu cầu như giữ gìn vệ sinh môi trường, trang hoàng nội thất, nâng cao chất lượng và đặc biệt là phải giữ giá cả hợp lý trong những ngày cao điểm. Song song đó, chúng tôi sẽ có một đoàn công tác kiểm tra, đặc biệt là vấn đề niêm yết giá cả và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tránh tình trạng xấu đã từng xảy ra tại nhiều địa phương khác khi diễn ra lễ hội”.

Hưởng ứng theo tinh thần chung, hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn TP Cần Thơ đều nâng cao chất lượng dịch vụ và cam kết giữ ổn định giá cả để góp phần cho sự thành công chung của lễ hội. Ông Diệp Hoàng Tùng, đại diện khách sạn Golf Cần Thơ, cho biết: “Vào đợt phục vụ cao điểm này, các đơn vị cần hợp lực để việc phục vụ khách được tốt nhất. Riêng tại khách sạn Golf Cần Thơ, chúng tôi sẽ giữ nguyên mức giá phục vụ của ngày thường, kể cả trong những ngày phục vụ Festival cao điểm. Cách đây khoảng 1 tháng, phòng đã được khách đặt kín vào các ngày 23 và 24/4/2010”.

Khai thác du lịch tại chỗ

Không bỏ qua cơ hội khai thác tiềm năng du lịch tại chỗ trong những ngày lễ lớn tháng 4/2010, các công ty lữ hành du lịch trên địa bàn thành phố đang ráo riết chuẩn bị những tour tuyến đưa ra khai thác. “Đặc sản” du lịch của TP Cần Thơ là du lịch sinh thái miệt vườn. Khách đến TP Cần Thơ có thể tham gia vào các tour như đi du thuyền trên sông Hậu, tham quan các khu nhà cổ Nam bộ hoặc len lỏi vào những rạch nhỏ đến với những vườn trái cây đặc sản, cùng thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất Nam bộ.

Được xem là điểm du lịch sinh thái đặc trưng của TP Cần Thơ, hiện Công ty TNHH Sinh Thái Mỹ Khánh (Làng du lịch Mỹ Khánh), huyện Phong Điền đang hoàn tất các công trình trùng tu, trang trí để phục vụ du khách. Ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Lượng khách trong các ngày lễ tháng 4 năm nay sẽ tăng cao hơn mọi năm bởi TP Cần Thơ còn vinh dự được đăng cai tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I và đặc biệt là sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ. Mặc dù vật giá nhiều mặt hàng hiện nay tăng mạnh nhưng chúng tôi cố gắng giữ nguyên giá tất cả các dịch vụ của ngày thường. Hiện nay, nhiều tour đặt tham quan, phòng nghỉ cho các ngày lễ đã kín chỗ. Chúng tôi đang hoàn tất các khâu cuối cùng ở các hạng mục như: làm mới lại khu ẩm thực, các tiểu cảnh trong khuôn viên vườn... chuẩn bị đón khách”. Điểm du lịch này hiện đang áp dụng giá phòng nghỉ tại vườn với giá 300.000 đồng, 400.000 đồng, 500.000 đồng/phòng. Với dịch vụ ăn uống, khách có thể thưởng thức các đặc sản địa phương.

Trung tâm dịch vụ lữ hành thuộc Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ (Canthotourist) xây dựng tour sự kiện khá đặc sắc. Khách có thể tham gia tour “Bình minh trên sông Hậu” để chào đón ngày mới trên dòng sông Hậu hiền hòa, cùng chiêm ngưỡng cầu Cần Thơ, ngắm cảnh bình minh với sinh hoạt đời thường của người dân miệt vườn, hòa nhập vào cuộc sống người dân, tham quan chợ trên con đường làng... Ngoài ra, khách có thể tham gia tour “Đêm nhạc gặp gỡ thương hồ” để ngắm cảnh cầu Cần Thơ về đêm và cùng dạo quanh khu cồn Ấu và nghe điệu hò của khách thương hồ... với giá từ 72.000 -249.000 đồng/khách, tùy theo tour. Phục vụ cho Festival Thủy sản Việt Nam 2010, Canthotourist cũng xây dựng chương trình Tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản tại Thốt Nốt. Tại đây, khách có thể tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi cá bè trên sông, mô hình nuôi ao, mô hình sản xuất con giống và nghe giải thích về qui trình nuôi trồng thủy sản nước ngọt và tham quan nhà máy chế biến thủy sản. Ngoài ra, chương trình còn đưa khách tham quan điểm du lịch đặc sắc như: đình Bình Thủy và nhà cổ Bình Thủy... những di tích nổi tiếng của miền Tây.(Nguồn: Website Cần Thơ)




Đền thờ Hai Bà Trưng ở Vĩnh Phúc - Một di tích lớn của cả nước

người đăng admin | viết nhận xét

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43 ) là một cuộc “Tổng  khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi” đầu tiên của nhân dân ta cách đây gần 20 thế kỷ, đã lật nhào hoàn toàn ách thống trị kéo dài 219 năm của phong kiến phương Bắc trên đất đai Văn Lang - Âu Lạc xưa.


Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng làm rạng rỡ non sông Việt Nam, dân ta Việt Nam, làm vẻ vang phụ nữ Việt Nam, đem lại vinh dự tự hào cho Mê Linh xã - Vĩnh Phúc ngày nay, vùng đất anh hùng đã sinh ra người nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc và một thời tuy không dài là đất đế đô. Đó là Kinh đô Mê Linh thời Trưng Nữ Vương "

 

Để tưởng nhớ công đức của Hai Bà, nhân dấn Vĩnh Phúc đã lập đền thờ tại thôn Hạ Lôi , xã Mê linh, Huyện Mê Linh, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh vào ngày mùng Sáu tháng Giêng. Đền thờ Hai Bà toạ trên một khu đất cao thoáng đãng. Theo thuyết phong thuỷ: Đền toạ lạc trên thế đất "Trán con voi trắng" trong hình cao “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), đến tận bây giờ vẫn còn vết tích của những nơi như ao Mắt Voi, vòi voi và hồ Ao bàng, phía trước là đường kéo quân của Hai Bà Trưng xưa kia chạy vòng phía trước Đền. Sau đền là khu vực thành cổ gồm 2 lớp: trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là Thành Ống.

 

Đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay có các công trình: Tam quan, nhà tiền tế, nhà trung tế và hậu cung. Phía ngoài hậu cung có cây Lụa già, là hộp thư bí mật tại đây những năm 1943- 1944, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng làm một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945.

 

Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1980. (Nguồn: website Vĩnh Phúc)





Huyền bí động Nàng Tiên - Na Rỳ (Bắc Kạn)

người đăng admin | viết nhận xét

Từ Thủ đô Hà Nội ngược Quốc lộ 3 tới địa phận Thác Giềng (thị xã Bắc Kạn) rồi rẽ phải, băng qua dải đèo Áng Toòng quanh co uốn lượn, du khách sẽ đến với huyện vùng cao Na Rỳ của tỉnh Bắc Kạn. Thị trấn Yến Lạc nằm gọn trong một một thung lũng bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao. Nơi đây bốn mùa khí hậu ôn hòa. Dòng sông Bắc Giang tự ngàn xưa vẫn hiền hòa tuôn chảy tô điểm thêm cho nét đẹp yên bình của thị trấn vùng cao này.


Từ thị trấn Yến Lạc đi chừng 5km sẽ đến núi Phja Trạng (núi đá voi). Dưới chân núi, cách bờ một con suối mang tên Khuổi Hai (suối trăng) khoảng 150m có một khu động đá tự nhiên với vẻ đẹp kì thú, đầy huyền bí - động Nàng Tiên. Động Nàng Tiên ăn sâu vào lòng núi khoảng 60m, có độ cao từ 30 - 50m. Bước vào trong động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét đẹp đầy hấp dẫn của tự nhiên. Trong bóng tối, cả khu động lấp lánh những ánh lân tinh huyền ảo từ các nhũ đá, cột đá và măng đá. Tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây các cảnh đẹp hấp dẫn, lạ mắt trông giống như: Rồng bay, phượng múa, buồng tiên nữ, những thửa ruộng bậc thang có dòng nước trong mát chảy quanh gọi là ruộng tiên, suối tiên. Động còn thông với nhiều hang nhỏ xung quanh làm cho nơi đây thêm bí ẩn và đầy thơ mộng.

 

Từ xa xưa, động Nàng Tiên đã đi vào tâm linh của người dân vùng cao Na Rỳ Bắc Kạn. Tự bao đời đã lưu truyền một câu chuyện kể vể sự tích của khu động Nàng Tiên. Truyện kể rằng, thuở xưa, có bảy nàng tiên xuống tắm mát, vãn cảnh tại con suối dưới chân núi Phja Trạng. Mải mê hái hoa, bắt bướm, vui say cảnh đẹp nên trời tối lúc nào không biết, các nàng tiên không kịp bay về trời. Đêm đến, dưới ánh trăng có người trần thế đến mò cua, bắt ốc. Các nàng tiên vội vã lên bìa rừng ẩn nấp. Từ trên cao nhìn xuống, thương tình, Ông Trời đã đã tạo ra động này để các nàng tiên trú ngụ qua đêm. Dòng suối các nàng tiên xuống tắm được người trần thế gọi tên là Khuổi Hai (Suối Trăng), còn động nơi các nàng tiên nghỉ đêm gọi là Động Nàng Tiên. Câu chuyện đầy thần bí cùng với hai tên gọi đó đã được dân gian lưu truyền cho tới ngày nay. Ngoài câu chuyện về sự tích động Nàng Tiên, người dân xã Lương Hạ (huyện Na Rỳ) còn lưu truyền một câu chuyện khác gắn với động Nàng Tiên. Truyện kể rằng “khi bảy nàng tiên đang ở trong động, có một ông tổ họ Lý đã vác búa lên rừng tìm cây để làm bắp cày. Lúc đi qua động thấy các Nàng Tiên đang ngồi chơi cờ, phần vì ham mê cờ, phần do sự quyến rũ bởi sắc đẹp của các nàng tiên, ông họ Lý lấy cán búa ngồi xem các nàng tiên đánh cờ. Chắc xem đánh cờ thì ít mà ngắm các cô tiên thì nhiều nên trời tối mà không biết trở về nhà. Ở nhà mọi người đi tìm suốt ngày này qua tháng khác đều không thấy nên đã làm ma đưa tang. Còn ông tổ họ Lý sau khi xem hết ván cờ, vác búa ra về thì cán búa đã bị mối xông. Về đến nhà, thấy rất đông người, hỏi ra mới biết gia đình đã làm ma đưa tang ông vừa tròn ba năm, hôm ông về đúng ngày mãn tang”.

 

Động Nàng Tiên - Thắng cảnh thiên nhiên kì thú của huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn đã được người xưa thêu dệt nên những truyền thuyết đầy li kì, thần bí và hấp dẫn như thế. Người dân vùng cao Na Rỳ, Bắc Kạn tự hào và gắn bó biết bao với thắng cảnh tuyệt vời mà tạo hóa đã dành cho quê hương mình. Năm 1999, động Nàng Tiên đã được bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Hãy một lần đến với vùng cao Na Rỳ Bắc Kạn, đến thăm động Nàng Tiên với vẻ đẹp đầy huyền bí để thưởng thức trọn vẹn kiệt tác của tự nhiên ban tặng cho vùng đất này.(Nguồn: website Bắc Kạn)





Nét độc đáo đình làng Thổ Tang và chùa Tùng Vân (Vĩnh Phúc)

người đăng admin | viết nhận xét

Hình thành cách đây hơn 1.000 năm, làng Thổ Tang xưa và nay là thị trấn Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã nổi tiếng là vùng đất nhiều nghề, giỏi giao thương buôn bán, cũng là vùng đất học, nhiều người đỗ đạt cao qua các thời kỳ. Ðây còn là nơi có cụm di tích lâu đời, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và nhiều ý nghĩa lịch sử như đình làng Thổ Tang, chùa Tùng Vân, đang trở thành điểm đến của nhiều tour du lịch trong nước và ngoài nước.


Là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại hiện nay của Vĩnh Phúc, đình làng Thổ Tang, xã Thổ Tang huyện Vĩnh Tường xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 17 theo kiểu chữ đinh, quy mô khá bề thế, gồm phần hậu cung và một tòa năm gian hai dĩ. Ðình thờ Lân Hổ Ðô Thống Ðại Vương, vị tướng có công đánh giặc Nguyên Mông thời Trần. Di tích này là điển hình cho nghệ thuật kiến trúc đình làng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cũng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc dân gian. Ðình đã được Bộ Văn hóa trước đây (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ghi vào danh mục di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964 và năm 1990 được nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa. Trong đình hiện còn lưu giữ được 21 bức chạm khắc gỗ độc đáo và hết sức tinh tế trên các thành phần kiến trúc: thân kẻ, thân bẩy, thân rường. Ðây là những di sản vật thể, minh chứng cho sự tài hoa và phồn thịnh của vùng đất học, đất nghề, đất giao thương với trăm miền.

 

Hằng năm, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật trong nước và ngoài nước cùng các đoàn sinh viên chuyên ngành văn hóa và nghệ thuật tạo hình đã về đây khảo sát, tìm hiểu nét kiến trúc của đình làng và những tác phẩm chạm trổ nghệ thuật trang trí tại đây. Tiêu biểu là bức chạm: Ngày hội xuống đồng, ở ngay hè đình, cạnh cửa ra vào, dài 1,35m, rộng 0,7m, miêu tả ngày hội xuống đồng thuở trước với nhiều nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội thu nhỏ trong một ngôi làng mà trung tâm là người đang cày ruộng với trâu, cho thấy một không khí ngày hội xuống đồng đầu năm tưng bừng. Bên cạnh gian đình trong phía phải là bức chạm Bắn hổ, thể hiện sức mạnh, sự mưu trí của con người chinh phục và làm chủ tự nhiên, ngay cả với những loài thú dữ. Bức chạm Ðá cầu tả cảnh đá cầu, được đặt ở ngách cột cái gian cạnh hình vuông, mỗi chiều dài 0,4m, thể hiện hình ảnh hai người đá cầu khá đẹp cùng những động tác vô cùng sống động. Thu hút sự quan tâm của du khách khi đến thăm đình là bức chạm Múa có kích thước 1,05m x 0,7m với hai người đang trong động tác múa uyển chuyển, đầu chít khăn, tay cong xòe rộng; một người ngồi xem tay vuốt râu, dưới là một con rồng. Nhất là ba tầng chạm trổ tinh tế của cửa võng đình làng. Tầng trên chạm Cửu Long tranh châu. Tầng giữa chạm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên có hai phượng đang bay cùng nhiều đao mác vần mây. Tầng dưới chạm lục tiên, cửu trùng, gai dứa rất đẹp mắt và sống động. Trên cửa vọng treo bức hoành phi Hòa Vi Quý (Hòa là quý). Bên trái cửa võng gần hậu cung còn có bức chạm cảnh sinh hoạt của đời sống nông thôn Việt Nam dài 1,4m, rộng 0,75m, thể hiện cảnh một gia đình với trung tâm bức chạm là hình ảnh một đôi trai gái đang tình tự. Bốn góc bức chạm tả các sinh hoạt trong cuộc sống gia đình: từ cảnh chồng đèn sách, vợ chăm con... Có thể nói, những bức chạm này không chỉ đạt tới độ điêu luyện trong kỹ thuật điêu khắc gỗ dân gian, từ bố cục, tạo dáng, đục bong chạm thùng mà còn mang những nội dung và triết lý nhân sinh sâu sắc.

 

Chùa Tùng Vân nằm trên địa bàn thị trấn Thổ Tang là ngôi chùa cổ, lớn nhất trong khu vực huyện Vĩnh Tường, được xây dựng cách đây 327 năm vào thời vua Lê Huy Tông và  cũng được ghi vào danh mục di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964 như đình Thổ Tang, được nhận bằng Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Trải qua những thăng trầm, biến cố, chùa Tùng Vân đã nhiều lần được trùng tu và lần gần đây nhất là đợt khởi công tu bổ năm 2008. Trong chùa hiện vẫn lưu giữ nguyên vẹn nhiều bảo vật như chuông đồng, khánh đồng... và nhất là một số pho tượng bằng đất nung, trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có niên đại cách đây gần 300 năm. Khác với kiến trúc của nhiều ngôi chùa trong vùng, chùa Tùng Vân được xây dựng gồm bảy gian, hai dĩ với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ và đá.

 

Cùng với công cuộc trùng tu lại chùa, sắp tới, tại chùa sẽ khởi công chế tác pho tượng Ðức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni từ nguyên khối ngọc xanh nặng hơn 18 tấn, chiều cao 3,3 m, rộng 2,1 m, dày 1,2 m. Khối ngọc tạc tượng được cho là quý hiếm và lớn nhất trong các khối ngọc tìm thấy tại tỉnh Yên Bái và cũng là khối ngọc lớn nhất được tìm thấy tại nước ta đến thời điểm này. Ðại đức Thích Nguyên Cao, trụ trì chùa Tùng Vân cho biết: "Tượng Phật gồm pháp tòa và đài sen sẽ được tạc liền khối dựa theo nguyên mẫu của pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đất nung của chùa". Hiện tại, khối ngọc đã được vận chuyển về chùa Tùng Vân và một nhóm các nghệ nhân điêu khắc và chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực đá quý trong nước sẽ làm việc liên tục để hoàn thành pho tượng Phật đúng vào dịp cả nước kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 tới. Nhóm tạc tượng đã đưa ra nhiều phác thảo, điều chỉnh nhiều lần mô hình tượng nhằm thể hiện được hình mẫu Ðức Phật đẹp và uy nghiêm nhất trên nền khối ngọc xanh quý hiếm.

 

Trong các di tích ở thị trấn Thổ Tang còn có đền Trúc Lâm xây dựng trên vùng rừng trúc xưa (thuộc khu nam). Theo ngọc phả ghi lại, đền Trúc Lâm cũng có từ thời Hậu Lê, kiến trúc nhỏ, kiểu tứ trụ chồng bồn. Ðền là nơi thờ cúng Lân Hổ hầu đô thống Ðại vương và thân mẫu Phùng Thị Dong. Ðền Trúc Lâm đã qua sáu lần tu sửa, bên trong còn lưu nhiều cổ vật quý giá, trong đó có một bức hoành phi và tám bản sắc phong thời kỳ nhà Nguyễn. Cùng với đình làng Thổ Tang, chùa Tùng Vân, đền Trúc Lâm đã tạo thành một quần thể di tích độc đáo, một điểm đến của du lịch văn hóa, tâm linh của Vĩnh Phúc.(Nguồn: Báo Nhân Dân)






News for 07/04/2010


View all news for 07/04/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam