International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

28/04/2010 | RSS Feed

Sông Hồng nằm trong top những cảnh đẹp thế giới

người đăng admin | viết nhận xét

Được đặt chân tới những vùng đất kỳ vĩ như hẻm núi lớn Grand Canyon ở Mỹ, hồ sâu nhất thế giới Baikal ở Nga và cả dòng sông Hồng của Việt Nam là điều nhiều du khách muốn trải nghiệm. Dưới đây là những cảnh đẹp do tờ Ria Novosti (Nga) lựa chọn:


Sông Hồng chảy qua nhiều tỉnh thành của Việt Nam, hẻm núi lớn Grand Canyon ở bang Arizona của Hoa Kỳ, thác Iguazu ở biên giới Argentina và Brazil, hồ Baikal (hồ sâu nhất thế giới), thung lũng Geyser (Nga nổi tiếng với mạch nước nóng), công viên hoang dã Livingstone ở Zambia là nơi ở của 1.300 loài động vật, quần đảo Kuril với hàng loạt núi lửa nằm giữa bán đảo Kamchatka (Nga) và đảo Hokkaido, công viên quốc gia Komodo có diện tích 603 km2 trên mặt đất và 1.214 km2 mặt biển. Loài vật nổi tiếng nhất ở đây là rồng Komodo, núi lửa là điểm thu hút nhất của bán đảo Kamchatka. Có hơn 160 núi lửa ở đây, 30 núi vẫn còn hoạt động, Nam Cực (quê hương của loài chim cánh cụt), công viên quốc gia Sequoia ở Mỹ nổi tiếng với những cây gỗ đỏ khổng lồ.(Nguồn: Website Ngôi Sao

)




Lý Sơn (Quảng Ngãi): Đảo du lịch lý tưởng

người đăng admin | viết nhận xét

Lý Sơn không chỉ là một “Bảo tàng sống” về Hoàng Sa, mà còn là một địa chỉ du lịch lý tưởng. Huyện đảo này mang trên mình một nền văn hóa Sa Huỳnh-Chăm Pa xa xưa, một hệ sinh thái biển đa dạng, chứa đựng những di sản quý giá, như một nàng tiên chưa thức giấc...


Nằm ở phía bắc đảo có 5 ngọn núi là: Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai, như 5 ngón tay khổng lồ chỉ lên trời xanh. Dưới chân núi là biển xanh bao bọc, nước biển trong xanh nhìn thấy tận đáy, có những rặng san hô nhiều màu sắc. Biển Lý Sơn có nhiều bãi cát trắng mịn trải dài, nằm kề bên những danh thắng, là bãi tắm lý tưởng... Đặc biệt Lý Sơn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, như những viên ngọc quý hiếm chưa được gọt giũa. Số lượng di tích dày đặc phân bổ rộng khắp, với một hệ thống đình, chùa, nhà thờ, dinh miếu, lăng cổ kính, cùng với những đồ thờ, hoành phi câu đối cổ.

Nằm rải rác trong những xóm làng trên đảo còn hàng chục ngôi nhà rường đắp đất cổ. Phó giáo sư Chu Văn Tần đã nhận xét rằng: “Nếu như Hội An có phố cổ như một bảo tàng sống về diện mạo thị cảng cổ, thì ở Lý Sơn có hệ thống nhà ở cổ truyền thống rất độc đáo của một làng nông chài, xứng đáng được bảo tồn và tôn tạo, phục vụ cho việc tìm hiểu một dạng văn hóa vật chất truyền thống của người Việt và giới thiệu rộng rãi cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước”.

Cùng với những di sản vật thể, Lý Sơn còn có những giá trị văn hóa phi vật thể, đấy là một hệ thống các lễ hội hết sức độc đáo như: Lễ hội trồng đu và chơi đu; Lễ hội dựng nêu và Tết Nguyên đán; Lễ hội động thổ tại đình làng; Lễ hội đua thuyền, đô vật và dồi bòng; Lễ hội cầu ngư đầu năm; Lễ hội hát bộ. Đặc biệt là lễ tế vong linh binh sĩ Hoàng Sa và Trường Sa, được gọi là Khao lề thế lính Hoàng Sa, mang đậm nét văn hóa chỉ riêng có ở Lý Sơn.

Tất cả những tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc trên đây làm cho Lý Sơn trở thành một địa chỉ du lịch lý tưởng, với nhiều loại hình khác nhau. Tuy nhiên như đã nói, Lý Sơn vẫn như nàng công chúa đang ngủ vùi, chưa được đánh thức. Tiềm năng hết sức to lớn này đang chờ đón những nhà đầu tư đến với Lý Sơn. Hy vọng không xa nữa, Lý Sơn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách.(Nguồn: website QĐND)





Tráng lệ cầu dây võng Thuận Phước (Đà Nẵng) về đêm

người đăng admin | viết nhận xét

Khi màn đêm buông xuống, bất cứ du khách nào cũng sững sờ trước vẻ đẹp lung linh huyền diệu của cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam – cầu Thuận Phước. Thật không ngoa khi có người ví cầu Thuận Phước về đêm giống hệt một con rồng lửa dũng mãnh, rực sáng vắt ngang hai bờ sông Hàn...

 

 

Về đêm, khi toàn bộ hệ thống đèn Led với dàn ánh sáng đa sắc tỏa sáng, chạy dọc trên 2 đoạn giữa đường dây võng tạo nên vẻ nguy nga tráng lệ đến ngỡ ngàng.

 

Có du khách lần đầu chiêm ngưỡng cầu Thuận Phước rực sáng trong trong đêm đã sững sờ thốt lên: "Tôi cảm giác như mình đang lạc bước ở San Francisco, trước cây cầu Cổng Vàng (Golden Gate) nổi tiếng thế giới...".(

Nguồn: website Giadinh.net.vn

)

 





Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Một vùng mây khói

người đăng admin | viết nhận xét

Vĩnh Phúc “đất đẹp người xinh”, nơi có khu danh thắng Tam Đảo đẹp nổi tiếng. Song không phải bao giờ cũng có điều kiện để đến với mảnh đất Tam Đảo thơ mộng  từng được ví như “Đà Lạt xứ Bắc” này.

Bỏ qua sự ồn ã, hối hả của chốn thị thành để bạn làm một cuộc hành trình đến với vùng đất mang đậm chất thi ca và những huyền thoại. Cũng là về một vùng đất có lịch sử lâu đời.

 Trên đường đến Tam Đảo bạn đưa tầm mắt sang hai bên đường ta như có một cảm giác khác lạ ùa vào mắt. Đó là những hàng thông thẳng tắp vươn mình trước gió như tạo ra bản nhạc du dương của thiên nhiên núi rừng nơi đây. Vượt qua đoạn đường ngoằn ngoèo nhưng mát rượi, bạn đã đến được với khu danh thắng Tam Đảo thường được mệnh danh “cỗ máy điều hòa khổng lồ”.

Đứng giữa đất trời Tam Đảo đưa tầm mắt vút ra xa ta như ngỡ ngàng nhận thấy những lớp mây trắng như bông đang bao bọc, giao hòa vào ba ngọn núi cao vút là Phù Nghĩa, Thạch Bàn và Thiên Thị. Ba ngọn núi nhìn từ xa trông như ba hòn đảo nổi bồng bềnh giữa những lớp đá sóng trập trùng của mây trời miền Bắc, như mang “ linh khí núi sông đất Việt”. Mây Tam Đảo luôn quanh quất lưng chừng núi, bao bọc thị trấn nhỏ bé này. Mây trắng quyện vào núi, vào cây, vào từng ngôi nhà xinh xắn  thắt ẩn, thoắt hiện như một trò ú tìm vậy. Bởi thế, có người còn cho rằng “Tam Đảo là miền biển mây”.

Tạm quên đi những bận rộn hàng ngày để thực sự đắm mình vào cảnh trí nơi đây. Một ngày trên núi Tam Đảo bạn sẽ ngỡ mình như được sống trong nhiều khoảnh khắc của bốn mùa trong năm. Sáng thức giấc, vừa bước ra khỏi  phòng, cái xe lạnh của mùa xuân như ùa tới mơn man cây cỏ và con người. Lặng mình lại để lắng nghe những loài chim rừng đua nhau cất vang tiếng hót của mình, xua tay ra ta như đón bắt những lớp sương mờ mờ và tưởng như thấy mình đang lạc vào chốn bồng lai. Khi cái xe lạnh qua đi, cũng là lúc mặt trời bắt đầu xuất hiện, những tia nắng ban mai trong trẻo đầu tiên chiếu dọi xuống chùm hoa Hải Đường làm cho sắc màu hồng hào như tươi tắn hơn. Buổi trưa thiên nhiên ở đây lại đem cho người ta cảm giác của mùa hạ. Song mùa hạ trên đỉnh Thạch Bàn không oi nồng, gay gắt mà ấm áp và chỉ đủ để làm cho người ta khoan khoái. Đây cũng là khí hậu lí tưởng để ta tắm mình bên dòng Thác Bạc hay bất kỳ con suối  mát trong nào đó. Khi trời về chiều, ta lại miên man trong những làn gió nhẹ của tiết trời mùa thu với chiếc lá vàng rơi xoay nghiêng gợi ra bao thi tứ. Đêm buông xuống thị trấn nhỏ này cái lạnh như len lỏi và thấm vào vạn vật, con người. Ngồi bên bếp lửa của đêm lửa trại tưng bừng dường như xua tan đi cái vắng vẻ của một trị trấn nhỏ bé và xinh đẹp này.

Tam Đảo không ồn ã, náo nhiệt mà trầm lặng mang nét gì đó rất đỗi thân thương. Một phút thảnh thơi để thả mình vào núi,vào cây, vào mây trời Tam Đảo tâm hồn ta như nhẹ nhõm, lâng lâng suy ngẫm về những miền kí ức xa xăm sẽ không bao giờ trở lại trong đời người cũng như những dự định và hoài bão trong biển đời mênh mông. Đang miên man trong dòng suy tưởng ta như ngỡ ngàng bởi mùi hương hoa rừng thoang thoảng để đưa ta trở lại với Tam Đảo trùng mây. Đứng từ trên cao mà nhìn xuống, mây Tam Đảo như một dải lụa trắng mền mại thướt tha.

Một ngày trên Tam Đảo để rồi phải xa, ta như vấn vương, ngậm ngùi như có một chút gì tiếc nuối bởi vẻ đẹp diệu kỳ mà thiên nhiên ban tặng cho thị trấn nhỏ xinh này. Tạm biệt Tam Đảo, tạm biệt một vùng trời mây, một vùng sương khói, một “nàng tiên vừa thức giấc”.(Nguồn: website Vĩnh Phúc)





Khám phá du lịch Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh

người đăng admin | viết nhận xét

Có thể nói, Cần Giờ là nơi duy nhất gần thành phố vừa có biển vừa có rừng ngập mặn với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Điều thú vị nhất là vào dịp cuối tuần, bạn chỉ cần đón xe buýt tuyến Cần Giờ là đã có một chuyến du lịch đầy sảng khoái.
Trong 2 ngày nghỉ ngơi tại khu Cần Giờ resort, bạn sẽ có dịp tham quan hết cảnh đẹp Cần Giờ, tận hưởng bầu không khí trong lành nơi đây. Bắt đầu cuộc hành trình, địa điểm bạn nên ghé là khu Lâm viên Cần Giờ.
Chuyến du lịch vòng quanh nơi đây sẽ đưa bạn đi thăm Bảo tàng Cần Giờ, đảo khỉ, khu bảo tồn cá sấu Hoa Cà và những loài động thực vật quý hiếm của rừng ngập mặn.

Với những khách thích khám phá, một chuyến tham quan rừng ngập mặn bằng ca nô, len lỏi dưới những tán rừng già, ngắm Cần Giờ với vẻ đẹp nguyên sơ sẽ là một điều hết sức thú vị. Rồi lại quay về với biển xanh nắng ấm, tận hưởng bầu không khí trong lành, thưởng thức những món ngon tại nhà hàng Carrot trong khu resort.

Sau một đêm nghỉ ngơi thoải mái tại resort, hành trình của bạn lại tiếp tục với chuyến khám phá khu du lịch Vàm Sát, khu Đầm Dơi, trèo lên tháp Tang Bồng cao 25m để ngắm toàn cảnh rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia những trò giải trí hấp dẫn như câu cá sấu, câu cua...

Nếu mệt mỏi với những lo toan tất bật trong cuộc sống thường nhật, sao bạn không thử một ngày cuối tuần hoặc dịp lễ 30/4 này, đón một chuyến xe buýt đến Cần Giờ? (chỉ tốn 7.000 đồng). Để khi về lại thành phố, bạn lại tràn đầy năng lượng cho một ngày mới...(Nguồn: website NLD)

 





Đi chơi thác Prenn

người đăng admin | viết nhận xét

Mùa hè lên cao nguyên trốn nóng là sự chọn lựa lý tưởng của nhiều du khách. Năm nay, Đà Lạt vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Trong số các điểm đến của thành phố cao nguyên này, đi chơi thác Prenn sẽ làm người ta quên đi cái nóng oi bức của mùa hè.


Thác Prenn còn được gọi là Thác Tiên Sa, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km, nằm ven quốc lộ 20 (cây số 222). Đây là một thác nước nằm dưới chân đèo Prenn cửa ngõ của thành phố Đà Lạt.

 

Theo truyền thuyết do các già làng K’ho kể lại thì tên gốc của thác Prenn là “Prềnh” (có nghĩa là Cà đắng), sau dân gian đọc trại thành Prenn. Ngày nay ở khu vực thượng nguồn của thác vẫn còn rất nhiều cây cà đắng mọc hoang. Loại cà này giống như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng. Một truyền thuyết khác thì cho rằng Prenn - tiếng Chăm xưa có nghĩa là “vùng xâm chiếm”. Tên gọi này xuất phát từ cuộc chiến tranh của các bộ tộc người thiểu số sống trên vùng cao nguyên chống lại người Chăm ở Panduranga (Ninh Thuận) vào thế kỷ 17.


Thác Prenn như một màn nước đổ nhẹ từ độ cao 10m xuống một vực nhỏ, xung quanh là rừng cổ thụ nguyên sinh. Dòng suối từ đây xuôi chảy rì rào len giữa đồi thông bạt ngàn gió reo vi vu, hai bên bờ hoa rừng nở với những sắc màu hoang dã, lãng mạn. Hiện nay, du khách có thể thuê thuyền cao su bơi dọc theo suối hoặc đi xe ngựa vòng quanh khu du lịch hay cưỡi voi băng qua đồi thông rất thú vị. Rải rác dài theo suối Prenn là những chòi trại cất theo kiểu nhà người dân tộc, có bán nước giải khát, thức ăn đặc sản miền cao nguyên. Khu du lịch thác Prenn còn có nhà hàng ẩm thực đủ phục vụ 200 khách.

 

Để vào cận thác, du khách phải đi qua một chiếc cầu vồng nhỏ, ngắn bắc ngang suối. Con đường xuống thác nghiêng theo triền đồi có nhiều loài hoa đẹp như Anh thảo, Thiết mộc lan, Xác pháo, Mi - mô- sa, Dã quỳ, Pơ-lang... Bỏ ra 25.000 đồng mua vé, du khách có thể đi ngang qua dòng thác bằng cáp treo để ngắm khói sương nghi ngút, nước chảy rì rầm, hoa cỏ xinh tươi và nếu giàu tưởng tượng nghĩ rằng mình lạc vào chốn đào nguyên, tiên cảnh.

 

Về đêm, khách có thể tham gia tour dã ngoại đốt lửa trại. Trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng chiêng thôi thúc, du khách sẽ được thưởng thức những vũ điệu núi rừng của người dân tộc bản xứ. Các cô gái Chil, K’ho, Lạch uyển chuyển, khỏe khoắn trong điệu múa mừng lúa mới, tạ ơn Giàng, cầu mùa màng tươi tốt, du khách sẽ thấy dào dạt những cảm xúc khó quên! Ở khu du lịch thác Prenn, du khách còn có dịp khám phá giếng Sữa Mẹ Âu Cơ, hồ Long Mạch, đàn đá, chiêng đá, bàn Cô Tiên, miếu thờ Thần Lúa...

 

Trên ngọn núi thấp cạnh thác Prenn có đền thờ Âu Lạc. Đường lên đền thờ Âu Lạc được đổ bê tông thành những bậc tam cấp. Đền Âu Lạc mô phỏng theo cấu trúc đền Hùng ở Phú Thọ gồm có Đền Thượng và Đền Hạ. Ngay trước Đền Thượng có biểu tượng Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với 100 quả trứng là 100 hòn đá cuội lớn được đem từ Ninh Thuận lên. Tại Đền Hạ thuộc Khu tưởng niệm vua Hùng (thác Prenn) có trưng bày hơn 90 trong số 150 hiện vật do UNESCO hiến tặng bao gồm nhạc khí, vũ khí, trang sức, công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt... thời các vua Hùng.

 

Dòng thác Prenn từ lâu đời đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng. Năm 1998, thác Prenn được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia. Đến với thác Prenn, du khách sẽ thấy thanh thản giữa khung cảnh núi rừng hoang dã, khám phá được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên. Từ thác Prenn, du khách có thể đi chơi thác Datanla, thác Voi, thác Cam Ly, thác Hang Cọp... nằm trong bán kính cách thành phố Đà Lạt chừng 15km trở lại.(Nguồn: Báo Cần Thơ)

 





Đi chợ Cao Tả Tùng

người đăng admin | viết nhận xét

Cao Tả Tùng là phiên chợ vùng cao của ba xã: Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài thuộc huyện Quản Bạ, Hà Giang. Đây là 3 xã vùng sâu vùng xa nằm trên khu vực sát với biên giới Trung Quốc, nơi các tuyến đường giao thông còn chưa phát triển nên việc tiếp cận không hề đơn giản.

Chợ Cao Tả Tùng họp vào thứ sáu hàng tuần, là phiên chợ quan trọng nhất về thương mại cũng như văn hóa tinh thần của bà con dân tộc ít người quanh vùng.

Từ thị trấn Tam Sơn Quản Bạ đi về phía tây chừng 20km, có lẽ ít người hình dung được ở phía sau những dãy núi đá nhấp nhô trùng điệp ấy lại có nhiều hình ảnh và câu chuyện thú vị đến vậy. Những con đường cheo leo vắt vẻo giữa bao mỏm đá tai mèo, những bản làng nằm chênh vênh vách núi. Những cuộc sống bình lặng và giản dị. Và một phiên chợ vùng cao sắc màu.

Cũng giống như nhiều phiên chợ khác, chợ phiên Cao Tả Tùng (được gọi bằng cách ghép 3 từ đầu của 3 xã lại với nhau) luôn là điểm nhấn sắc màu nhất trên biên giới. Chợ họp hàng tuần mang ý nghĩa thông thường là nơi trao đổi và mua bán hàng hóa, từ những sản vật nông nghiệp đơn giản nhất như rau, củ quả, lá thuốc, các loại động vật nuôi trong nhà như chim chóc, gia cầm, chó, mèo, lợn, bò, ngựa cho đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như quần áo, vải vóc, nồi niêu, xoong chảo, công cụ, dụng cụ lao động.

Chợ phiên Cao Tả Tùng nằm giữa một lòng thung lũng trũng sâu, xung quanh núi đá giăng thành bốn bề che kín như lòng chảo. Thường bà con dân tộc từ 3 xã nói trên ra đến chợ cũng phải mất vài giờ đồng hồ đi bộ.

Cao Tả Tùng không quá ồn ào và náo nhiệt, ở chốn biệt lập này người đi chợ còn không nhiều, nói gì đến khách lãng du, một năm may ra có vài người lạc bước. Chợ cũng được chính quyền kiên cố hóa bằng vài dãy nhà bêtông cốt thép lợp mái tôn đỏ rực, nhưng bà con vẫn giữ thói quen họp chợ trên đường và trên những khoảng đất trống.

Con đường chính vào chợ là nơi cánh đàn ông trong màu áo đen cài khuy chín nút hoa chè, mũ nồi đội hững hờ trên đầu hay đứng tụ tập. Có vài gian hàng bán đồ ăn sáng và có bao câu chuyện để những người đàn ông ấy rủ rỉ với nhau bên chén rượu khề khà. Có chú chim không tên khoác bộ lông rực rỡ đứng co ro trên cành cây bị chằng vào chiếc xe máy. Có lẽ người chủ của chú chim đã say khướt ở một góc chợ nào.

Bên kia đường là người đàn ông đang thu gom cây thuốc, một người thu mua nhưng có tới 5-7 người tới bán, đếm từng gốc, từng cây. Khi tôi hỏi cây này để làm gì, họ chỉ có thể trả lời đơn giản là... cây thuốc(!) và lại chăm chú đếm không nói thêm điều gì. Cần mẫn và lặng lẽ, một chút tò mò dành cho vị khách đường xa tan đi ngay, như thể tôi cũng giống những cái cây đang đứng ở trên rừng mà thôi.

Cheo leo đường vào Cao Tả Tùng

Thử váy

Xem giày

Chợ Cao Tả Tùng không quá lớn, đi dăm phút đã quay về chốn cũ. Đâu đâu cũng thấy hình ảnh những người phụ nữ đang say sưa mua sắm và bán hàng. Cánh phụ nữ người Dao cười thích thú khi được chụp ảnh, khúc khích khi tranh nhau cùng ngó vào màn hình, nói rất nhiều bằng thứ tiếng bản địa, trong khi nụ cười luôn rạng rỡ trên môi khoe ra những chiếc răng bịt vàng lóng lánh.

Những cô gái Mông tung tẩy đi chọn đồ, mua váy mới, giày mới, khăn quàng mới, náo nức rộn ràng tươi vui từng góc chợ.

Tôi tò mò đi theo một đám mấy cô gái trẻ đến một hiệu ảnh ở cuối chợ. Có lẽ họ đã chụp ảnh từ phiên chợ trước, và phiên chợ này quay lại hiệu ảnh để được trả ảnh. Cô gái nào cũng cười khúc khích, ngắm nghía say mê những tấm hình, thầm thì to nhỏ. Những niềm vui nhẹ nhàng và giản dị khiến tôi thấy lòng mình như chùng lại.

Đi bán lợn con

Nụ cười người Dao

Những cô gái ở hiệu ảnh Cao Tả Tùng

Sau này, khi trở về Hà Nội và xem lại những tấm hình đã chụp, tôi đã không hề bất ngờ khi cả một chuỗi những bức ảnh tôi đã bấm đều là câu chuyện và hình ảnh về những người phụ nữ ở phiên chợ Cao Tả Tùng.

Nên tôi sẽ chia sẻ với bạn về những gì tôi đã nhìn và ghi nhận được ở phiên chợ ấy, phiên chợ niềm vui của những người phụ nữ rẻo cao…(nguồn: tuoitre.com.vn)





Tháng 4, đi thăm đảo Yến

người đăng admin | viết nhận xét

Tháng 4 hằng năm là lúc thời tiết thuận lợi để bắt đầu khai thác tour du lịch đảo Yến - hòn Nội, và du khách đến với Nha Trang lại có dịp ghé khu du lịch ngoài khơi này cho đến hết tháng 9, trước khi mùa mưa về.

Bãi tắm hai mặt giáp biển ở hòn Nội nhìn từ đỉnh Du Hạ, xa xa là đền thờ tổ nghề yến - Ảnh: Quý Anh

Để từ đất liền ra quần thể đảo hòn Nội, tuyến điểm chính của tour du lịch đảo Yến (*), chúng tôi trải qua hành trình bằng tàu gỗ trên biển chừng hơn một giờ, thỏa thuê hít căng phổi khí biển trong lành, no nê ngắm trời biển mênh mông rồi tất cả đều reo lên khi nhìn thấy từ phía chân trời những hòn đảo lớn nhỏ hiện ra sau những đợt sóng trắng xóa.

Rời khỏi con thuyền tròng trành, chúng tôi men theo chiếc cầu gỗ hẹp, dài ngoằn ngoèo, đặt chân lên lãnh địa của loài chim yến. Nhưng không chỉ có chim yến, trên đảo đầy ắp những cánh hải âu nâu và trắng chao liệng ở khắp nơi, chốc chốc lại quăng mình xuống biển tóm gọn mấy chú cá xấu số. Khác với thói bay nhảy của đám hải âu, chim yến lại lập nên một kỳ công là xây những chiếc tổ vắt vẻo trên vách đá cheo leo trong các hang núi.

Để quan sát được tổ yến, chúng tôi được các công nhân chăm sóc và bảo vệ hang yến hướng dẫn từng người bước lên các bậc đá từng bước một thật chậm rãi và khi đến me mé cửa hang thì dừng lại, vươn cổ ra mà quan sát. Những chiếc tổ yến quý giá màu trắng đục thấp thoáng giữa các khe núi dài và hẹp. Thi thoảng khách phải né người tránh các chủ nhân phóng nhanh từ trong hang ra hay kiếm ăn từ đâu liệng về.

Sau khi quan sát hang yến, chúng tôi đi dạo một vòng quanh quần thể đảo bằng tàu đáy kính, say sưa ngắm nhìn vẻ lung linh, huyền ảo của các rạn san hô. Biển Nha Trang nổi tiếng với những bờ cát dài trắng mịn, nhưng đảo Yến lại có một bãi tắm độc đáo với hai mặt tiếp giáp biển. Người thích đương đầu cùng sóng gió thì chọn mặt biển phía đông hướng ra hòn Ngoại, còn những ai chuộng sự mơn trớn vỗ về nhè nhẹ, như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi thì mặt biển phía tây thật lý tưởng.

Vẫy vùng dưới làn nước trong xanh đầy khoáng chất đến mệt nhoài, chúng tôi lên vọng hải đài trên đỉnh ngọn Du Hạ, trải rộng tầm mắt ngắm biển bao la và trùng điệp đảo ngoài khơi xa. Ở đây có những giậu mồng tơi xanh ngăn ngắt, những mảnh vườn ớt đỏ rực khoe sắc mà những công nhân, người gác đảo đã chăm bón để có thêm chất tươi hầu đãi khách phương xa. Cũng tại đỉnh Du Hạ có những chòi canh vắt vẻo nơi vách núi mà chỉ cần một luồng gió xoáy đủ khiến thót tim những ai yếu bóng vía. Trên các chòi canh luôn lồng lộng ngọn cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc.

Tour tham quan đảo Yến có từ năm 2001 nhưng lịch sử phát hiện, khai thác tổ yến và bảo vệ làng nghề thì đã hơn 600 năm, bắt đầu từ năm 1328 khi thuyền của đề đốc Lê Văn Đạt (nhà Trần) bị bão dạt vào hòn Tre, sau đó ngài lập ra thôn Bích Đầm, tìm thấy các đảo có chim yến và từ đó nghề yến sào Khánh Hòa ra đời... Thế nên sẽ thiếu sót nếu du khách không đến thăm đình thờ tổ nghiệp, chiêm bái tượng nữ đại đô đốc thủy quân Tây Sơn Lê Thị Huyền Trâm, hậu duệ của đề đốc Lê Văn Đạt và cũng là người được nhân dân địa phương xưng tụng “Bảo Yến đảo chủ”.

Hòn Ngoại (hình kim tự tháp) và hòn Sam nhìn từ đỉnh Du Hạ

Những chòi canh cheo leo trên vách núi đỉnh Du Hạ - Ảnh: Quý Anh

Chụp ảnh hải âu trên hòn Sam

Tham quan hang yến - Ảnh: Quý Anh

(Nguồn: tuoitre.com.vn)





Tháp Chăm giữa rừng xanh

người đăng admin | viết nhận xét

Nói đến tháp Chăm (tháp Chàm), người ta thường mường tượng tới những ngọn tháp dựng trên những quả đồi cao in bóng giữa trời xanh của vùng duyên hải miền Trung quanh năm dạt dào sóng biển và lồng lộng nắng gió.

Du khách tham quan tháp

Nhưng ở Tây nguyên cũng lại có tháp Chăm, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người làm công tác nghiên cứu văn hóa, khảo cổ. Đó là tháp Yang Prông nằm tại một khu rừng thuộc xã Ea Rôk, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk.

Từ thành phố Buôn Ma Thuột, theo tỉnh lộ 1, vượt qua chặng đường khoảng 100 km là tới trung tâm huyện Ea Súp. Lại đi tiếp ngót 20 km nữa. Gần đến cầu Ea Rôk, rẽ phải, qua vài xóm nhỏ nhà cửa thưa thớt, chúng tôi tới cánh rừng nơi có ngọn tháp Yang Prông huyền bí.

Quả là kỳ lạ, giữa khu rừng hoang sơ lại có một ngôi tháp cổ kính. Tháp nằm khuất dưới tán lá rừng lặng lẽ, trên một khoảnh đất bằng phẳng. Tháp có một cửa chính nhìn về phía đông. Ba mặt tháp còn lại đều là cửa giả, chắc là để trang trí (?). Tháp cao khoảng 9m. Phần đế cao 1m, mỗi cạnh dài khoảng 5m. Phần thân tháp là một khối trụ vuông cao chừng 4m. Phần đầu của tháp hơi phình ra rồi thu nhỏ, thon dần lại như củ hành.

Phía sau tháp là dòng suối Ea H'leo
Các mặt bên của tháp

Giống như những ngôi tháp Chăm khác, tháp Yang Prông được xây bằng vật liệu truyền thống là gạch nung và dùng chất kết dính đặc biệt mà người Chăm cổ vẫn dùng. Vì thế cũng không hề có dấu vết của những mạch vữa.

Một số tài liệu cho biết tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 để thờ thần Yang Prông. Yang Prông tiếng dân tộc có nghĩa là Thần Lớn (Yang: thần, Prông: Lớn). Cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là Vị thần vĩ đại. Theo người Chăm, Yang Prông là vị thần cai quản mùa màng (như Thần Nông của người Kinh vậy).

Trước kia, trong tháp có thờ một bộ linga - yoni bằng đá để cầu mong thần phù trợ cho hằng năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn loài sinh sôi nảy nở (linga và yoni là tượng vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm). Trải bao thăng trầm của lịch sử, bộ linga đó đã bị mất. Trong tháp giờ có một ban thờ chính và ba ban thờ nhỏ. Đây là những ban thờ do người đời sau lập nên.

Sau tháp, cách không đầy 50m là dòng suối Ea H’Leo (suối này từ Ea H’Leo chảy về nên có tên như thế.) Nằm giữa rừng xanh, sau lưng là suối, đây quả là điểm khác thường trong việc chọn vị trí xây tháp của người Chăm bởi thường các tháp Chăm đều được xây dựng trên đồi cao, thoáng đãng, không bị che khuất tầm nhìn.

Hằng năm, vào những dịp lễ tết, bà con các dân tộc trong vùng vẫn đến đây hương khói, cúng tiến... cầu mong mọi sự an lành. Ngày 3-8-1991, tháp Chăm Yang Prông đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Tháp còn là điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước thường xuyên thăm viếng.(Nguồn: tuoitre.com.vn)





Lênh đênh trên vịnh Hạ Long

người đăng admin | viết nhận xét

Sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự giao hòa giữa trời và đất, núi và nước luôn hấp dẫn du khách đến vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Những con tàu như những tòa lâu đài trên biển tấp nập vào ra. Để nghỉ đêm trên tàu vào dịp lễ, du khách phải đặt từ nhiều tháng trước.
Khoảng 12h trưa tàu sẽ khởi hành. Với giá khuyến mãi 110 USD một khách vào mùa hè, từ trên tầng 4 của tàu, du khách có thể ngồi ghế uống cà phê, thư giãn. Giá vé đã bao gồm 3 bữa ăn chính và một bữa sáng buffer, vé tham quan, đò chèo tay thăm làng chài, thuyền kayak...
Từ trên tàu nhìn ra, Hạ Long như một bức tranh thủy mặc. Những chiếc canô xé mình trong dòng nước tĩnh lặng, tung bọt trắng xóa giữa làn nước biển trong xanh.
Theo hành trình, buổi chiều, tàu sẽ đưa du khách qua những rặng núi nhấp nhô, đến thăm hang Sửng Sốt.
Sửng Sốt là một hang động rộng và đẹp vào bậc nhất của vịnh Hạ Long. Đường lên hang luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo. Hang, động được chia làm 3 ngăn chính. Hang như một nhà hát lớn rộng thênh thang, trần hang có vô số những "chùm đèn treo" bằng nhũ đá.
Hoàng hôn dần buông trên vịnh Hạ Long, biển lấp lánh như những dát vàng tạo thành vẻ đẹp huyền bí và thơ mộng. Du khách có thể chèo thuyền kayak đến đảo Titop tắm biển hay dạo quanh những hòn đá núi nhấp nhô.
Trên những chiếc tàu du lịch 4 sao, du khách ngồi ăn trong một không gian rộng rãi, thưởng thức những món ăn đặc sản từ biển.
Ban đêm, con tàu Emotion Hạ Long cao 4 tầng rực rỡ ánh đèn, lộng lẫy giữa biển trời mênh mông. Tàu cao 4 tầng, với 28 cabin được thiết kế trang nhã, ốp gỗ và tre, mỗi cabin đều có điều hòa, nhà vệ sinh riêng... Từ trong cabin, du khách đều có thể ngắm nhìn ra biển.

(Nguồn: vnexpress.net)






Sả Pả - lối đi ở lưng chừng trời

người đăng admin | viết nhận xét

Một cung đường đầy thách thức. Một sự chinh phục đáng tự hào trên cao nguyên đá Hà Giang để đến Sả Pả bằng con đường ngang lưng chừng trời.

Thung lũng Sả Pả nhìn từ trên đỉnh núi - Ảnh: Nguyen

Nhịp điệu Sả Pả

Trên bản đồ đường bộ Hà Giang, hai điểm Tráng Kìm - Đường Thượng dài xấp xỉ 40km được nối bằng ký hiệu tỉnh lộ liền nét màu vàng, một lối đi trông có vẻ khá dễ dàng với dân phượt. Xã Tráng Kìm thuộc huyện Quản Bạ, xã Đường Thượng lại thuộc huyện Yên Minh.

Hai thị trấn tương ứng là Sẻo Lủng (Tráng Kìm) và Sả Pả (Đường Thượng) - cái tên sau vừa lạ vừa quen, cái âm điệu gần giống với vùng du lịch Sa Pa nổi tiếng của Tây Bắc đã làm tăng thêm khá nhiều lửa chinh phục trong lòng khách lãng du. Tôi gấp cuốn bản đồ rồi vùi đầu vào chăn ấm trong một nhà nghỉ vắng vẻ ở Tam Sơn - Quản Bạ, nhủ thầm mai sẽ lên Đồng Văn bằng con đường này thay vì tuyến đường 4C quen thuộc.

Trải nghiệm nhớ đời

Tôi dự kiến từ cổng trời Quản Bạ sẽ đi tới cầu Cán Tỷ và rẽ vào làng văn hóa Lùng Tám theo lối Tráng Kìm - Đường Thượng để ra Mậu Duệ, từ đây đường qua Lũng Phìn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng về Đồng Văn ôtô khách vẫn chạy mỗi ngày nên không đáng ngại, cung đường chỉ khoảng 120km nên tha hồ thong dong, cứ tối ngủ ở Đồng Văn là coi như kế hoạch hoàn thành.

Rời Quản Bạ khoảng 10g sáng, còn đang thả hồn theo những cung đèo đã thấy xã Cán Tỷ bé nhỏ và lặng lẽ vài nóc nhà quần tụ giữa thung lũng, nép mình giữa hai dãy núi giăng thành xám xịt, bên dòng Nậm Điêng nước xanh ngằn ngặt.

Trên cây cầu cũ hỏng, tôi ngắm nhìn cô gái người Mông đang giặt đồ trên bến sông, cạnh đó là đám trẻ con đang vầy nước đùa nghịch. Bên kia cầu là con đường rẽ phải vào Tráng Kìm - Đường Thượng. Xe chạy men theo bờ phải sông Nậm Điêng. Mặt đường khá tốt, tôi có thể chạy với tốc độ chừng 50km/giờ, hít căng lồng ngực gió trời và sương núi.

Thật khoan khoái khi chạy xe dưới chân một vách núi hùng vĩ và không gian thì quá đỗi bình yên. Chạy được khoảng 20 phút, tôi dừng xe trên một đỉnh cao ngắm bản làng, núi đèo, sông suối, ruộng đồng..., thầm nghĩ tới mùa lúa chín bạt ngàn thung lũng hẳn nơi đây sẽ là một chốn sơn thủy hữu tình, một cung đường đáng giá cho dân phượt lang thang.

Con đường bắt đầu gập ghềnh. Không còn là con đường trải nhựa mỏng ở đoạn đầu, cũng không phải là con đường đất nện hơi gồ lên sau đó mà là những rãnh nước bị xói mòn, những sống lưng ngựa trồi lên vắt ngang vắt dọc. Lao xe qua một cái ngầm nhỏ nằm khuất sau đám lá cây rậm rạp, tôi sững lại trước một ngã ba đường.

Thật may, phía trước độ vài chục mét có một chiếc lán nhỏ sát bên lề đường, ở đó tôi gặp một cô gái theo chồng làm giáo viên điểm trường ở xã Tráng Kìm. Cô không biết con đường tôi đang đi sẽ dẫn về đâu nhưng nói hướng ngược lại là UBND xã. Sau một hồi cân nhắc về tình trạng con đường trước mặt rồi đong đo quyết tâm, tôi quyết định không bỏ cuộc. Con “chiến mã” bắt đầu gồng mình vượt qua những đoạn dốc cao lộc ngộc đá hộc lớn, đá hộc bé. Còn có đá hộc tức là đường đã có người qua, tôi nhủ thầm với lòng.

Tôi không biết mình đã đi được bao lâu, qua bao nhiêu vách núi, hết lên rồi lại xuống. Bất chợt trước mặt là một đoạn thung lũng nhỏ có đồng ruộng, thấp thoáng dáng một người đàn ông. Mừng rỡ như cất đi được cả tảng đá lớn đang đè trong lồng ngực, tôi vội vã nhào tới hỏi đường nhưng lập tức không thể cười hết nụ vì người đàn ông Mông không nói được tiếng Kinh. Hỏi Đường Thượng thì anh chỉ biết chỉ tay vu vơ về phía núi, gật lắc đầu một cách vô thức, khuôn mặt hiền lành ngơ ngác.

Chạy xe thêm được vài trăm mét thì phía trước là cả một trảng cỏ dại xanh um, núi giăng thành, con đường đá trở thành lối mòn chỉ dành cho người đi bộ. Ở tít phía bên trái, vào độ hơn nửa cây số có vài mái nhà nằm cheo leo lưng núi, một lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới cao hơn cả những ngọn cây.

Đó là một điểm trường của Sẻo Lủng. Những mái nhà trình tường, mái gỗ xộc xệch, củi chất đầy quanh sân vườn. Có ba cô giáo trẻ và một đám học sinh đủ các lứa tuổi đang chơi trong sân. Đám trẻ rụt rè nấp vào lưng nhau, nấp sau ô cửa, tò mò nhìn vị khách lạ đang lôi trong balô ra bánh kẹo và cả cà phê.

Bánh kẹo dành cho bọn trẻ, cà phê làm quà cho các cô giáo. Hỏi chuyện các cô giáo xa nhà đem cái chữ đến cho dân bản vùng sâu vùng xa, thấm thía cái khó nhọc và trầm buồn của cuộc sống nơi rẻo cao nhưng cũng thấy an lòng bởi những cặp mắt trẻ thơ trong veo và tiếng cười tan nhanh trong gió của ba cô giáo trẻ.

Tạm biệt họ, tôi quay xe ra chỗ con đường biến thành lối mòn lẫn trong đám cây dại cao vượt đầu người, đi bộ vài mét để đánh giá tình hình. Thật sự tôi không biết nên gọi lối đi dưới chân mình là gì. Nếu đi bộ thì cũng bước thấp bước cao nói gì đến đi xe máy.

Nhưng có điều gì đó thôi thúc tôi, có thể là cảm giác muốn được trải nghiệm cung đường mới, muốn chứng tỏ bản thân sẽ vượt qua được mọi khó khăn, muốn được phiêu lưu và mạo hiểm, muốn được... hành xác để nhận ra giá trị của hạnh phúc. Tôi tiếp tục hành trình với nỗi lo canh cánh: hết xăng!

Cứ thế tôi dắt xe, bê xe, đẩy xe, chạy xe trên con đường có đoạn hẹp chỉ đặt vừa bánh xe máy, có đoạn rộng thênh thang như quốc lộ nhưng trải một lớp đá cuội to tướng, có đoạn ướt đẫm vì nước suối chảy ra từ lòng núi, có đoạn nằm ngạo nghễ trên sườn núi, có đoạn chìm nghỉm trong rừng cây. Chiếc xe gào lên, gầm đập liên hồi vào đá, tay lái không ngừng va quệt vào đám cây bụi hai bên lối đi.

Nhọc nhằn đường đến Sả Pả

Sả Pả là đây!

Rồi tôi gặp một nhóm người dân tộc đi chợ phiên Đường Thượng về nghỉ ăn trưa ngay sát nơi có thể coi như ranh giới của Tráng Kìm và Đường Thượng. Từ đây đã nhìn thấy Sả Pả nằm cuối con đường ngoằn ngoèo chạy giữa lòng thung lũng, xung quanh núi đá tầng tầng lớp lớp bao bọc như răng cưa. Nhưng càng đi tôi càng hoang mang như thể đã đi vào một mê cung. Sả Pả nằm ở ngay trước mắt mà sao tôi đi mãi vẫn thấy mình đang ở trên lưng chừng trời, lối mòn vẫn đi xuống theo hình ziczăc và tuyệt nhiên không một bóng người.

Chiều dần xuống. Không khí trên núi bắt đầu lạnh hơn và lặng hơn. Sau khoảng ba giờ vật lộn cô độc với lối mòn lưng chừng trời thì nó biến thành một lòng suối đá rộng lớn chạy dọc theo một kênh dẫn nước. Niềm vui khi thấy sự tồn tại của con người khiến bao vất vả, nhọc nhằn trong tôi như tan biến, tan cả cơn đau vì đã phải ghì xe, nhấc xe và cả ngã xe. Đã thấy từ xa thấp thoáng những ngôi nhà. Không còn nỗi lo hết xăng, lạc đường và ngủ đêm trong rừng, không còn những nhọc nhằn gian khổ. Tất cả đã lùi lại, đã ở lại phía sau lưng, ở lại với một buổi chiều chinh phục.

Sả Pả là đây. Những mái nhà tranh vách đất chợt bừng lên trong nắng quái chiều hôm. Như một phần thưởng dành cho tôi, cả thung lũng đang được nhuộm vàng óng bởi tơ trời. Những em bé địu nước tất tả dọc con đường. Hai cha con hối hả địu thân ngô từ ruộng trở về nhà. Đám trẻ nô đùa trong sân đất bụi. Một khoảnh ruộng đông vui những đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ. Người luôn tay gặt thoăn thoắt, người đập lúa rộn ràng, bọn nhóc tíu tít vác lúa đi lại trên cánh đồng, nói cười hỉ hả.

Cuộc sống sao thật bình yên. Tôi nằm xoài mình trên những gốc rạ, ngửa mặt nhìn trời xanh, mây trắng, nắng vàng, bật cười khi nhớ lại người đàn bà đầu tiên mình gặp khi đặt chân vào đất Sả Pả. Chị bảo từ sau khi con đường Tráng Kìm - Đường Thượng bị lũ phá đến nay, đã hơn một năm rồi mới thấy có người đi xuống từ lối này bằng xe máy!

Phút nghỉ chân trên núi cao

Hai cô bé đang địu nước về nhà

(Nguồn: tuoitre.com.vn)






News for 19/04/2010


View all news for 19/04/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao