International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

19/04/2010 | RSS Feed

Lượng du khách đổ về Đền Hùng tăng đột biến

người đăng admin | viết nhận xét

Thông tin từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, từ ngày 14-18/4 (tức ngày 1-5/3 âm lịch) có khoảng 1,5 triệu lượt người về Đền Hùng, trong đó hai ngày 17 và 18/4 (thứ bảy và chủ nhật), lượng khách lên đến hàng vạn lượt người, đông hơn những năm trước khoảng 30%.

Đường Hùng Vương, trục đường chính nối thành phố Việt Trì với Đền Hùng, từ sáng sớm ngày 18/4, ôtô, xe máy nối nhau chạy về hướng Đền Hùng.

Tại các ngã tư, cảnh sát giao thông phải hướng dẫn cho xe đi qua khi có tín hiệu đèn đỏ để tránh ùn tắc cục bộ.

Các tuyến đường từ các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái về Phú Thọ cũng rất đông du khách về thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Tại khu vực Đền Hùng, mặc dù lượng khách về đông nhưng chưa có tình trạng tắc đường. Các điểm ngã ba, ngã tư và khu vực gần Đền Hùng đều có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn phương tiện vào các điểm gửi xe, do vậy đã hạn chế được tình trạng lộn xộn.

Trong khu vực lễ hội, các nơi thờ tự đã được tôn tạo, tu bổ; hạ tầng nâng cấp đã tạo cho khu di tích khang trang, bề thế hơn giúp cho du khách về hành hương được thuận lợi, an toàn.

Năm nay, các hàng quán đã được khu di tích sắp xếp ở khu vực quy định nên quang cảnh được gọn gàng; rác thải đã ít hơn.(
Nguồn: TTXVN)

 






Chùa Ông ở Đồng Nai: Được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia

người đăng admin | viết nhận xét

Ngày 17/4/2010, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai và cộng động người Hoa đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho Thất phủ cổ miếu (hay còn gọi là Chùa Ông) ở xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa.
Tỉnh cũng tổ chức lễ khánh thành trùng tu tôn tạo Chùa Ông sau hai năm sửa chữa với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng.

Chùa Ông được xây dựng vào năm 1684, là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất và là trung tâm văn hóa cổ của cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ.
Ngôi chùa ngoài giá trị văn hóa, tín ngưỡng còn mang giá trị lịch sử gắn liền với sự phồn thịnh một thời của thương cảng Cù lao phố và sự phát triển của vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai hơn 300 năm trước đây.
Việc khánh thành trùng tu Chùa Ông có ý nghĩa đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị hiện có của ngôi chùa, bởi Chùa Ông đã trở thành nơi tín ngưỡng dân gian của đông đảo cư dân ở thành phố Biên Hòa và các vùng phụ cận.(
Nguồn: website Vietnamplus)





TP Hạ Long: Tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới

người đăng admin | viết nhận xét

Theo hình thức luân phiên, năm nay, hội nghị Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới được tổ chức tại Việt Nam, với địa điểm cụ thể là TP Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 29/4 đến 2/5/2010 với nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới được thành lập vào năm 1997, có 30 thành viên chính thức. Hội nghị 2010, sẽ kết nạp thêm 4 thành viên mới. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long là 1 trong 3 thành viên sáng lập câu lạc bộ này.

Một điều hết sức thú vị và ý nghĩa là thời điểm tổ chức hội nghị Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới trùng với dịp Quảng Ninh tổ chức Lễ hội Du lịch Hạ Long 2010. Như vậy ngoài việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với lễ hội, Quảng Ninh còn vinh dự được đón các đoàn khách của các quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới. Đây là cơ hội tốt, hiếm có để chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho Vịnh Hạ Long - một đề cử sáng giá của kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Việc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới đang ở giai đoạn cuối. Trong đó Vịnh Hạ Long của Việt Nam thường xuyên xếp ở top đầu trong số 28 ứng cử viên lọt vào vòng chung kết. Điều này cho thấy rất nhiều người yêu mến và đánh giá cao các giá trị ngoại hạng của di sản thế giới này và đã bỏ phiếu bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Vịnh Hạ Long tới các thành viên của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới chắc chắn sẽ tạo ra sự lan toả rộng lớn tới đối tượng người nước ngoài để tranh thủ được các phiếu bầu của họ. Vì vậy việc tận dụng, khai thác tốt cơ hội này để tăng số phiếu bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là điều rất cần thiết...(

Nguồn: Website Quảng Ninh

)





Thưởng ngoạn cảnh đẹp Phú Yên

người đăng admin | viết nhận xét

Phú Yên được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh thắng nổi tiếng với những vũng, vịnh, đầm, hồ nằm sát đường Quốc lộ có vẻ đẹp thơ mộng làm xao lòng bao thi nhân du khách như: Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Đầm Ô Loan, Vũng Lắm, ...

Dọc quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, qua đèo Cù Mông là đến Phú Yên, du khách sẽ nhìn thấy đầm Cù Mông. Đầm Cù Mông có mặt nước yên lặng, có nhiều đặc sản biển rất ngon, quanh Đầm có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Du khách đã đặt chân đến huyện Sông Cầu, ở đây có những bãi tắm biển đẹp đến lạ lùng như bãi Nồm, bãi Ôm, bãi Rạng, bãi Từ Nham, bãi Tràm, .... Sông Cầu còn được du khách biết đến bởi những món ăn hải sản tươi sống: cá mú, cá hồng, ghẹ, tôm hùm, tôm sú, sò điệp, hàu, ốc nhảy, ...

Đến huyện Tuy An, từ đèo Quán Cau du khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy bình minh ló dạng trên đầm Ô Loan, nơi đây còn nổi tiếng có loại Sò Huyết rất ngon, là đặc sản khó tìm. Không những thế Ô Loan còn là nơi có lễ hội truyền thống Đua thuyền vào dịp lễ tết. Đến cửa ngõ phía Nam thành phố Tuy Hoà, du khách sẽ nhìn thấy Núi Nhạn sừng sững, nơi đây còn lại di tích Tháp Chàm đã có từ nhiều thế kỷ nay.

Từ thành phố Tuy Hòa đi gần 30km về phía Nam du khách sẽ đến Đèo Cả. Tại đây là nơi du lịch sinh thái và thể thao leo núi lý tưởng. Núi Đá Bia cao 706m nằm sát chân đèo. Từ trên núi Đá Bia du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng đồng bằng châu thổ của Phú Yên, ngắm nhìn bờ biển Phú Yên với những eo, vịnh, đảo mà không chán mắt. Không xa nơi đây là khu du lịch và di tích Vũng Rô với những cảnh đẹp kỳ thú, nơi có cảng biển nước sâu, nơi từng là điểm tập kết của những chuyến tàu không số trong chiến tranh chống Mỹ. Từ đây với khoảng 30 phút trên Cano du khách có thể tới mũi Điện, điểm cực đông trên đất liền của Việt Nam, tại đây có ngọn Hải đăng đã xây dựng năm 1890. Đến những điểm du lịch biển ở Phú Yên nếu du khách chưa một lần đến chiêm ngưỡng và trèo lên gành Đá Đĩa thì quả thật là thiệt thòi. Đây là một kỳ quan mà không nơi nào ở Việt Nam có được

Phía Tây Bắc của Phú Yên, nằm trên địa phận huyện Đồng Xuân du khách có thể thưởng ngoạn hồ Phú Xuân và các suối nước nóng Triêm Đức và Trà Ô. Tại đây có các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, tắm nước khoáng nóng. Theo quốc lộ 25 từ thành phố Tuy Hòa lên miền núi phía Tây du khách sẽ đến Khu bảo tồn thiên nhiên Krông -Trai thuộc huyện Sơn Hòa. Theo đường ĐT645 từ Tuy Hòa đi Sông Hinh, du khách sẽ đến Hồ thủy điện Sông Hinh cùng nhiều điểm du lịch sinh thái nằm trong huyện Sông Hinh là nơi du lịch nhiều thú vị trong những ngày đi du lịch trên đất Phú Yên của quý du khách.(Nguồn: website Phú Yên

)




Bình yên chèo kayak suối Nước Moọc (Quảng Bình)

người đăng admin | viết nhận xét

Quảng Bình không chỉ có đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ hay di sản thiên nhiên thế giới động Phong Nha, giờ đây du khách ưa thích tìm tòi, khám phá có thêm một địa danh hấp dẫn: suối Nước Moọc.


Từ thành phố Ðồng Hới tỉnh Quảng Bình, đi theo nhánh đông đường Hồ Chí Minh về phía bắc khoảng 60km, du khách sẽ gặp ngã ba Khe Gát. Rẽ tiếp theo nhánh tây, đi thêm khoảng 5km, du khách sẽ đến với suối Nước Moọc

 

Suối Nước Moọc thuộc địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Nếu đi bằng đường bộ, du khách sẽ xuất phát từ Chày Lập, ngang qua trạm kiểm lâm để vào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng theo con đường ôm vòng quanh chân núi. Cũng có thể xuống bến sông đi bằng thuyền kayak. Sông Chày là một trong những phụ lưu của sông Son, có chiều dài khoảng hơn 10 km, là một trong năm tiểu khu hệ cá quan trọng nhất của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Hẳn có người nghĩ: kayak chủ yếu chỉ dành cho lữ khách ưa mạo hiểm, nhất là những người trẻ tuổi. Nhưng thật ra, kayak rất dễ tập luyện và sử dụng. Chèo thuyền kayak trên đoạn sông Chày thú vị này, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng, tiếp xúc thật gần với khung cảnh thiên nhiên đa dạng, phóng khoáng, nhiều biến đổi - như nhìn qua thấu kính vạn hoa, mỗi góc xoay lại có thêm những chi tiết mới lạ, hấp dẫn.

 

Giữa chặng hành trình, du khách có thể ghé thăm hang Tối. Cửa vào hang là một vòm cao, bên dưới chảy ngầm một động nước dài gần 6km với những phiến đá chất chồng ngổn ngang. Nước ở khoảng sông phía trước hang có màu biếc xanh thăm thẳm, sắc xanh đặc trưng của các loại khoáng chất hòa tan với nồng độ cao. 

 

Con suối trải dài, uốn khúc quanh co, lúc ẩn lúc hiện, chảy xuyên qua khu rừng đá vôi rậm rạp. Đây là rừng nguyên sinh nhiệt đới đặc trưng hoang dã với vẻ sống động của các loài chim, màu sắc sặc sỡ của côn trùng và một quần thể thực vật đa tầng, rất nhiều giống cổ thụ, phong lan, dương xỉ, dây leo. Tuyến du lịch này cũng là chương trình du lịch sinh thái đầu tiên tại Quảng Bình, kết hợp du lịch với giáo dục môi trường, trong thế giới của hàng trăm loài động vật, thực vật trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thật thú vị khi cùng nhau háo hức, len lỏi qua những tán rừng nguyên sinh, lắng nghe tiếng chim kêu vượn hú rộn ràng. Ngày đẹp trời, có thể quan sát giống voọc Hà Tĩnh giữa môi trường tự nhiên, hay đắm mình trong dòng nước mát, là nơi hợp lưu giữa suối Nước Moọc và sông Chày.

 

 Suối Nước Moọc bao gồm nhiều dòng nước lớn nhỏ đan xen, nối kết vào nhau như mạng lưới. Hàng hàng lớp lớp những tảng cuội lớn bám rêu xanh, khuất dưới tàng cây la đà. Các nhà nghiên cứu phán đoán, suối Moọc chính là khởi nguồn cho dòng sông ngầm vĩ đại trong lòng động Phong Nha, vì lần theo từng nhánh nhỏ, bạn sẽ phát hiện chúng nhập với nhau thành ba dòng suối lớn rồi chui vào núi đá, mất dấu.

 

Đi ngược lên trên cao, những con nước xiết có vẻ dịu dàng hơn. Nơi thượng nguồn, nước ngưng tụ như mặt hồ lớn với nhiều phiến đá ẩn chìm, bờ cây xanh vây phủ xung quanh, núi lam mờ ở phía xa. Cuối cùng, du khách cũng sẽ tìm thấy câu trả lời cho thắc mắc về cái tên của suối. Thì ra, đây chính là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú: những cột nước thấp ùn ùn phun lên từ lòng đất, tuôn chảy miên man mãi không ngưng. Nước trào lên hay "nước mọc" từ đá, người địa phương đọc trại thành "Nước Moọc", gọi quen mà thành cái tên...(Nguồn: website báo Phụ Nữ)





Bắc Ninh: Tôn tạo khu di tích Đền Đô

người đăng admin | viết nhận xét

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2226/VPCP-KGVX, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long về việc tôn tạo khu di tích Đền Đô tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

 

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo việc lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định hiện hành. Trước khi phê duyệt, Dự án phải được Bộ VH,TT&DL thẩm định về chuyên môn. UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc xây dựng, tôn tạo Khu di tích thực hiện đúng dự án được phê duyệt.

Đền Đô (còn gọi là Đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý. Đền thờ tám vị vua nhà Lý, đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224).

Đền Đô được khởi dựng từ thế kỷ XI trên đất làng Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) - nơi phát tích nhà Lý, rồi được liên tục tôn tạo, mở rộng vào nhiều thế kỷ sau. Đền Đô rộng 31.250m², gồm hơn 20 hạng mục công trình với trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị thờ tám vị vua nhà Lý; xung quanh có nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà phương đình, nhà bia, nhà để kiệu thờ, cửa rồng... Tất cả đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc tinh xảo, tài nghệ.

Đền Đô được xây dựng rất quy mô và bề thế. Nội thất gồm nhà hậu cung đặt ngai thờ và bài vị tám vị vua nhà Lý, kiến trúc theo kiểu nhà chuyển bồng đao cong mềm mại thanh thoát, bao quanh nội thất là tường gạch. Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diềm tám mái, đao cong gồm: nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền thờ thân mẫu Lý Công Uẩn. Từ cửa đi thẳng tới sát bờ hồ bán nguyệt là nhà rối (thủy đình); phía ngoài cùng, bên hồ bán nguyệt là nhà bia, hai bên là nhà văn chỉ và võ chỉ.

Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1009). Đây là ngày hội lớn thu hút nhiều khách hành hương, thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn của người dân Việt đối với các vua Lý.

Với vị thế, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt và in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đền Đô đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 25/01/1991.(Nguồn: Cinet)





Di tích lịch sử - Văn hóa Tây Sơn Thượng đạo ở Gia Lai

người đăng admin | viết nhận xét

Cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại do anh em họ Nguyễn lãnh đạo bùng nổ năm 1771. Vùng núi rừng An Khê của Gia Lai trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa.

 

Chính từ căn cứ Tây Sơn Thượng đạo ở An Khê, đại quân của cuộc khởi nghĩa đã tràn xuống đồng bằng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Đống Đa lẫy lừng, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giành lại độc lập cho tổ quốc. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc Gia Lai.

Các anh em nhà Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã lập được mối quan hệ anh em giữa người Kinh và người Thượng, tập hợp được các dân tộc Bắc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn Thượng đạo như người Bahnar, Jrai vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ngày 14/6/1991 quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa, quần thể gồm 6 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ: An Khê Đình, Gò Chợ, hòn đá Ông Bình, hòa đá Ông Nhạc, Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu, kho tiền - nền nhà ông Nhạc. (Nguồn: website Gia Lai )





Làng cổ Thổ Hà (Bắc Giang)

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm cách Hà Nội khoảng 48 km, làng cổ Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) trải dài theo dòng sông Cầu thơ mộng. Nơi đây được coi là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", nổi tiếng trong cả nước với làng gốm, làng bánh tráng và làng quan họ cổ...

Qua bến đò Thổ Hà phía bờ hữu ngạn sông Cầu, từ trên mặt sông đã cảm nhận được vẻ hiền hòa của dòng nước, lũy tre xanh và bờ tường ghép đầy mảnh gốm đen bóng. Những cây đa, cây si gần bến nước rủ từng chùm rễ in bóng xuống mặt sông. Ngoài ra, Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men, đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

 

Ngôi đình Thổ Hà được khởi dựng cách đây hơn 300 năm. Ðình thờ thành hoàng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Ðào Trí Tiến. Ðình Thổ Hà là ngôi đình cổ thứ hai ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh là ngôi đình cổ được tạo dựng năm 1576), đình được xây dựng vào thời Lê Chính Hòa (1686). Ðình có quy mô lớn, kết cấu kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Các mảng chạm khắc trên kiến trúc thể hiện phong cách thời Lê rõ nét, độc đáo. Ðề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là "tứ linh, tứ quý" hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng vờn thiếu nữ... Ngoài các cấu kiện kiến trúc cổ, hiện đình còn lưu giữ được chín tấm bia cổ, qua những thư tịch cổ, bia đá cổ đã là những minh chứng cho sự cổ kính của ngôi đình. Bởi vậy, không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại xem đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Năm 1962, đình Thổ Hà đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa.

 

Mỗi khi đi vào các đường làng, ngõ xóm ở Thổ Hà mới thấy độc đáo của làng cổ với những ngả đường hình xương cá, những tuyến đường, trục đường dải hình bàn cờ cổ xưa nối tiếp gắn mạch nhau. Vẻ đẹp cổ kính nơi đây có nhiều nét giống làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội). Ði vào trong làng, kỳ thú nhất là những ngõ nhỏ. Một mầu đỏ của thứ gạch cũ kỹ đã mòn vẹt, trơ ra thần thái của dấu ấn thời gian, ngõ nhỏ heo hút, tường xếp chằn chặn một thứ sành nâu đen bóng. Khách đến nơi đây thường có ấn tượng đặc biệt với vẻ cổ kính, hoài niệm mà lại dân dã, lắng đọng. Cái đặc biệt trong lối ăn ở của con người làng gốm cổ là sử dụng chính những đồ gốm, mảnh gốm bỏ đi để xây nhà, xây tường. Những bức tường ấy cũng không trát vôi vữa, mặc kệ gió mưa mà tạo thành khối gắn kết độc đáo.

 

Thổ Hà đẹp và hấp dẫn du khách không chỉ ở những bí quyết và đặc sản làng nghề mà còn thu hút khách du lịch ở sự cổ kính với hệ thống cổng làng, cổng nhà đậm cổ. Cổng lớn nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi, đây là những nét rất đặc trưng mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cùng với những vòm cổng, những khu miếu thờ, từ chỉ, đình, chùa... Ngoài ra, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm ở nơi đây vẫn còn hiện hữu, hằn in dấu vết thời gian. Một trong những ngôi nhà cổ còn được lưu giữ khá nguyên vẹn là ngôi nhà của anh Trịnh Quang Thanh. Hiện gia đình anh vẫn sinh sống trong ngôi nhà ấy nhưng gian thờ chính giữa được dùng làm nhà thờ tổ họ (từ đường họ Trịnh Quang đời thứ sáu). Ngôi nhà có bình đồ kiến trúc hình chữ nhị, gian thờ tự được làm theo kết cấu kiến trúc kiểu "chồng rường giá chiêng, con tiện", gồm năm gian, hai chái, gian ngoài làm theo kiểu "tiền kẻ, hậu bẩy", đường ra vào với hệ thống cửa bức bàn, tường ốp gỗ mít, chung quanh vỉa gạch hoặc trang trí bằng những bức khảm trai gỗ với các đề tài "tứ linh, tứ quý" và các điển tích cổ.

 

Khi ánh nắng vàng soi nghiêng, những vòm cổng, ngôi nhà, mái đình cổ kính cùng những bức tường được xây đắp bằng gốm nung bỗng toát lên vẻ đẹp rất lạ với ánh vàng, đỏ in dấu vết của thời gian. Vẻ đẹp cổ kính ở những khu kiến trúc cổ, làng cổ cùng với những nghề thủ công truyền thống in đậm hồn quê Thổ Hà đã và đang tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan.(

Nguồn: Website Nhân Dân

)




Di tích danh thắng đầm Ô Loan – Phú Yên

người đăng admin | viết nhận xét

Đầm Ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hoà  22km. Đây là một địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên.

Đầm Ô Loan rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay.

Phía tây đầm Ô Loan là những quả đồi nhỏ nằm san sát nhau. Phía đông là mả Cao Biền. Dân gian cho rằng trên đường đi ếm hại nhân tài nước Nam , Cao Biền đã bị trời chôn tại đây.

Cao Biền chết tại Đồng Môn

Trên Sơn dưới Thủy, trời chôn Cao Biền.

Thật ra, đây không phải là mả mà là một cồn cát. Tuy nằm sát biển, sóng gió vô chừng nhưng nhờ có một luồng gió xoáy mang cát bồi đắp, nên không khi nào mả bị sụp xuống thấp.

Ô Loan là một đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền, có món đặc sản là sò huyết.

Dưới thời phong kiến, các quan lại khi về Phú Yên thường ra đầm Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức món sò huyết.

Món đặc sản khác ở Ô Loan là hàu. Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) nhà thơ nổi tiếng sành ăn đã từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: “Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”.

Hàu sống dựa vào các tảng đá ngập mặn, có cạnh rất sắc. Hàu dùng để nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng ngon và hấp dẫn nhất là món hàu tái hoặc hàu trộn với đậu phụng và cà chua.

Món ngon vật lạ ở Ô Loan còn có cua đế, còn gọi là huỳnh đế hay hoàng đế. Mai cua hoàng đế màu đỏ hoặc vàng đậm, ngay khi cua còn sống ở dưới nước, đằng sau có một chùm lông vàng, ngắn. Đặc biệt, loài cua này không bò ngang mà bò tới, vì càng và que đều mọc ở đằng trước đầu. Ngoài ra, Ô Loan còn có tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp.

Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.

Phong cảnh non xanh nước biếc của Ô Loan là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sĩ sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Mỹ viết:

Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp

Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.

Thi sĩ Xuân Diệu đã viết bài thơ đầm Ô Loan:

Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan.

Nước trời cùng với mây liên hoàn

Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở

Khí mát lan bay sắc đẹp tràn

Cao thấp đồi quanh gấm dựng lên

Lục thêu cùng biếc với xanh lam

Sắn khoai sức tốt phây phây lượn

Mía bắp trông xa một sắc liền....

Hàng năm đến ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng đầm Ô Loan được tổ chức. Hàng vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là một nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống Phú Yên.

Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia. (Nguồn: website Phú Yên)





Di tích lịch sử, văn hóa đền Hóa Cuông (Yên Bái)

người đăng admin | viết nhận xét

Đền Hoá Cuông thuộc xã Hoà Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1780 và trùng tu lớn vào năm 1802. Đền do bà con nhân dân trong vùng khởi dựng thờ Đức Cao Sơn Thượng Đẳng Thần - người có công khai khẩn đất đai, lập làng bản, dạy dân cày cấy.


 

Dâng lễ trong lễ hội đền Hóa Cuông.

Tương truyền rằng ngài là Lạc tướng thời Hùng Vương, có công giúp vua dựng nước, đánh giặc giữ yên bờ cõi. Các triều vua sau đã phong sắc Thượng Đẳng Thần bảo Quốc hộ Dân. Trong đền còn tôn tượng và rước chân nhang thờ Mẫu Hoá Cuông, theo truyền thuyết là sự hoá thân của tiên thiên Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mẫu nghi thiên hạ (Mẹ của muôn dân) và tôn thờ tam toà Thánh Mẫu theo truyền thống thờ đạo Mẫu của người Việt. Cùng với việc thờ thần, thờ mẫu, đền còn thờ Đức Phật Tổ Như Lai Thích Ca Mâu Ni, Đức vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Tam phủ ông Hoàng, Ngũ vị tôn ông và Trần triều Hưng Đạo Đại vương Quốc công tiết chế...

Tương truyền rằng đền được tiền nhân xây dựng bằng vật liệu gỗ, mái lợp cọ, nằm bên thượng nguồn suối Hoà Cuông. Trong một đêm mưa to, gió lớn, nước suối dâng cao, đã chuyển dịch ngôi đền đứng trên dải sa bồi. Người xưa thấy lạ, thấy linh ứng đã tôn cao dần lên và chính là ngôi đền Hoá Cuông ngày nay. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đền đã nhiều lần được nhân dân gìn giữ, tôn tạo. Tuy khiêm nhường về vật chất nhưng ngôi đền được toạ lạc trên khoảng đất đẹp, lưng dựa vào dải đồi uốn lượn dáng rồng thiêng, tiền môn được ba cây xanh cổ thụ tán lá xum xuê che phủ sân đền.

Đền hướng về phía đông nam. Ngòi Hoá Cuông như dải lụa xanh ôm ấp, uốn lượn chín khúc rồng bay ngày đêm tưới mát cho gần hai ha đất canh tác. Xa xa, hai bên tả hữu được hai ngọn đồi tạo thế “tả thanh long, hữu bạch hổ” về chầu. Trong lòng đất nơi đây còn ẩn chứa địa tầng văn hoá ngàn năm gắn với nền văn hoá sông Hồng rực rỡ của thời đại vua Hùng và Thục Phán An Dương Vương dựng nước Văn Lang, Âu Lạc. Cây cầu bắc sang đền, dưới là dòng nước trong xanh, một địa thế độc nhất vô nhị ở vùng sơn cước Trấn Yên này.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đền Hoá Cuông là nơi họp bàn của Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Mễ Lâm (huyện Trấn Yên). Tại đây, nhiều quyết định quan trọng xây dựng phương hướng, lãnh đạo nhân kháng chiến chống lập tề và khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã được đưa ra. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược, đền là nơi sơ tán mở lớp học vỡ lòng cho bà con các dân tộc trong vùng.

Trải qua gần 400 năm, đền Hoá Cuông đã được các triều đại phong kiến Việt Nam phong ba đạo sắc và giao cho nhân dân đời đời hương khói phụng thờ. Đến tháng 11 năm 2005, đền được UBND tỉnh công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh và giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hoà Cuông giữ gìn, tôn tạo. Qua thăng trầm của thời gian, đến nay đền Hoá Cuông đã bị xuống cấp nhiều, cần được trùng tu tôn tạo trong thời gian tới đây.

Ngày nay, lễ hội đền Hoá Cuông được mở vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng đến tham quan và chiêm bái. Trong lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh đu, leo cầu khỉ... với sự tham gia, cổ vũ sôi nổi của dân trong vùng và du khách thập phương. Đây cũng là dịp  gìn giữ bản sắc văn hoá của nhân dân các dân tộc trong vùng.(Nguồn: Báo Yên Bái)





Thắng cảnh Hang Tiên – Lào Cai

người đăng admin | viết nhận xét

Ngược dòng sông Chảy khoảng 6 km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Hai bên là cánh rừng nguyên sinh, phủ lên cảnh quan một miền khí hậu trong lành mát mẻ. Những dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống như dải lụa, mở ảo, lất phất như mưa bay. Dòng nước như người thợ điêu khắc, lành nghề đục vào vách đá tạo nên những đài sen nổi, những nhũ đá muôn hình vạn dạng. Kia là chú voi đang cúi đầu uống nước, đây là con đại bàng cất cánh bay lên… và hội tụ lại thành bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây chính là suối Tiên.


Qua suối Tiên 200 m là gặp hang lớn có sức chứa cả trăm người, cảm giác như một mê cung kỳ vỹ do thiên nhiên ban tặng, đã xếp thành tầng, thành lớp, tạo những rào luỹ tự nhiên. Ngược lên khoảng 500m là dòng nước nhỏ tí tách tạo thành nhũ đã như những tháp cổ to nhỏ với ánh sáng hiếm hoi hắt vào lấp lánh như ánh lân tinh. Nhiều khi phải đeo mình vào bờ đá, bám vào các rễ cây mới tới đường lên trời, du khách thấy mình thực sự được trải qua cuộc thăm viếng động Tiên. Sau thời gian du ngoạn, ta được tắm mình trong ánh nắng nơi đảo hoa, một hòn đảo nhỏ đầy hoa thơm cỏ lạ, sóng nước vỗ về dập dình bên bờ đá.

Hang Tiên gắn liền với huyền thoại ba nàng tiên, truyền khẩu rằng xưa kia có ba nàng tiên được vua cha cho đi thăm thú cõi trần gian, thây nơi đây sơn thuỷ hữu tình, các nàng không muốn trở về. Đã hết hạn, không thấy con về, ngọc hoàng nổi giận sai thiên lôi xuống trị tội. Ba nàng chốn trong hang cao hơn mặt nước khoảng 200m ngự trên vách thành do không chấp hành chiếu chỉ, thiên lôi nổi giận giẫm sạt một góc núi nơi ba nàng tiên trú ngụ. Biết không thoát khỏi trừng phạt, ba nàng đã gieo mình tự vẫn. Xác ngược dòng nước dìu xuống hạ lưu nơi trung tâm xã Bảo Nai hiện nay được dân làng vớt lên làm miếu thờ mang tên miếu Ba Cô. Tục truyền rất thiêng.

Truyện kể từ xa xưa có một nàng người Nùng tới hang Tiên, thấy nơi đây có ba chén tiên không biết ai đó đặt thờ. Nhiều du khách viếng thăm, vãn cảnh tắm suối Tiên đắm mình trong ánh ban mai bên đảo hoa và đều cầu mong các nàng ban phúc cho sắc đẹp, sức dai và phú quý. Nơi đây thực sự là một vịnh Hạ Long thu nhỏ, thắng cảnh hang tiên đang chờ đón du khách.(Nguồn: website Lào Cai)






News for 08/04/2010


View all news for 08/04/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam