International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

01/06/2010 | RSS Feed

Tham quan điện Tây Sơn - Bình Định

người đăng admin | viết nhận xét

Di tích điện thờ Tây Sơn thuộc khối 1, thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 40km về hướng Tây Bắc, là nơi thờ 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, trải qua bao bể dâu  vẫn luôn được giữ gìn tôn tạo, thể hiện tấm lòng tự hào, tôn kính,  son sắt thủy chung của dân đối với 3 anh em Tây Sơn.

 

Điện Tây Sơn tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Trước sân rộng có tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chính điện gồm 3 gian, gian giữa thờ Quang Trung – Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ.

Điện Tây Sơn được xây dựng trên nền nhà cũ của ba thủ lĩnh Tây Sơn – và cũng chính là từ đường thờ ông bà Hồ Phi Phúc – Nguyễn Thị Đồng, những người đã sinh ra 3 anh em Tây Sơn, là nơi 3 anh em Tây Sơn cất tiếng khóc chào đời, đã cùng đi qua tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, rồi phất cờ khởi nghĩa trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của nông dân và dân tộc vào cuối thế kỷ XVIII. Hiện nay, trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn, sát bên cạnh điện thờ Tây Sơn vẫn còn lại 2 di tích cực kỳ quý giá, là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời ông Hồ Phi Phúc.(Nguồn: website Bình Định)





Đình làng Đức Thắng (Bình Thuận): Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia

người đăng admin | viết nhận xét

Đình làng Đức Thắng khi mới khởi dựng nằm trung  tâm xã Đức Thắng thuộc phủ Hàm thuận nay là phường Đức Thắng thành phố Phan Thiết.

 

Đình làng Đức Thắng được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX lúc đó chỉ là nhà tranh vách đất để làm nơi thờ Thành Hoàng làng và nơi hội họp của hội đồng kỳ mục.Mãi đến năm 1841 khi chuẩn bị đầy đủ vật liệu và tiền bạc mới xây dựng kiên cố và bế thế, năm Ðình Mùi 1811 khởi công nhưng vì đây là ngôi đình có quy mô lớn nhất lúc bấy giờ ở Phan Thiét nên mãi đến năm 1847 mới hoàn chỉnh, kể cả các công trình phụ. Tài liệu ở đình Ðức Thắng ghi việc xây dựng đình làng Ðức Thắng từ Tân Sửu chí Ðinh Mùi.

Ðình Ðức Thắng xây dựng theo lối kiến trúc dân gian Tứ trụ tức là dùng bốn cây cột đình lớn làm cột chính, từ đây toả ra và liên kết với hết thảy các kết cấu kiến trúc bằng gõ khác. Các công trình của đình chính, nhà võ ca, nhà thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền hợp thành một tổng thể kiến trúc rộng lớn và liên kết chặt chẽ với nhau.

Ngoại thất đình đều được trang trí nghệ thuật bằng kỹ thuật đắp nổi và ghép mảnh sành tạo nên nhiều tác phẩm chạm khắc đẹp phù hợp với tín ngưỡng dân gian ở đình. Riêng phần cổ lầu trên đình chính là nơi tập trung các tác phẩm trang trí nghệ thuật, đắp nổi những bức tranh dân gian,cảnh thiên nhiên muông thú và các điển tích xưa.

Nội thất đình bài trí nhiều khám thờ, hai bên treo các câu liễn, bên trên đặt những tấm hoành, dọc theo khám thờ nhiều bao lam gỗ được nghệ nhân xưa dùng kỹ thuật chạm lộng để thể hiện đề tài, tạo nên nhiều hình thức tượng, phong cảnh thiên nhiên sinh động. Những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ này phần lớn có niên đại từ thời các vua Triều Nguyễn, trong đó một só có từ thời Tự Ðức.

Ðình làng Ðức Thắng hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong do các vua Triều Nguyễn ban tặng, đến nay còn rất tốt.

Xét về tổng thể kiến trúc, đình làng Ðức Thắng là ngôi đình có quy mô đồ sộ vào loại nhất ở phủ Hàm Thuận thời bấy giờ và cả khu vực Phan Thiết ngày nay. Là một trong những ngôi đình có tên trong danh sách những ngôi đình cổ của Việt Nam. Từ xưa đến nay đình làng Ðức Thắng vẫn tổ chức đều đặn các nghi lễ tế Xuân vào ngày 15-16 tháng 2 âm lịch và tế Thu vào ngày 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Ðình làng Ðức Thắng đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1991.(Nguồn: website Bình Thuận)






Độc đáo đình Tân Lân (Đồng Nai)

người đăng admin | viết nhận xét

Đình Tân Lân nằm trên địa phận phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), được xây dựng từ thời Minh Mạng. Trong đình thờ Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, một trong những người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai- Gia Định. Ông đã nhiều lần cầm binh, giữ an bờ cõi phía Nam và góp phần mở rộng biên cương nước Việt. Đình có kiến trúc cầu kỳ, độc đáo phản ánh giá trị lịch sử và truyền thống kính trọng nhân tài của dân tộc.

Đình Tân Lân tọa lạc trên khuôn viên đẹp, hướng ra sông Đồng Nai, rộng khoảng 3.000m2, lát gạch bông, lợp ngói âm dương sắc nét. Kiến trúc đình theo kiểu chữ tam, gồm ba gian: Tiền đình, chánh điện và hậu cung nối tiếp nhau..

Phần mái tiền đình là cả một công trình nghệ thuật tài tình, đặc sắc với những mảng tranh gốm sứ, hàng trăm tượng người và vật thể hiện các điển tích sinh động như: Bát tiên quá hải, thiếu nữ giao cầu, vinh quy bái tổ… Bên trong tiền đình, trên các xà ngang được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn. Chánh điện được bài trí các ban thờ, hoành phi, câu đối; các hàng cột bằng gỗ lim lớn được chạm khắc tinh tế, có giá trị nghệ thuật cao. Trên nóc chính điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng. Hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ... Giữa chính điện thờ tượng Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng. Nơi đây có những hàng cột gỗ lim to, những cặp chim trĩ, loan, phượng bằng đồng đứng chầu, cùng bộ bát bửu đặt thẳng hai bên trước bàn thờ thần làm tăng thêm sự trang nghiêm, thành kính. Đặc biệt, tại chính điện còn  lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên ban cho Trần Thượng Xuyên. Hậu cung được chia thành ba gian, chính giữa thờ Tiên Sư, hai bên thờ Tiền Thứ Việt Nam và Tiền Thứ Trung Hoa. Ngoài ra, đình còn có tổ hợp thờ thần rất phong phú: Thờ bà Thiên Hậu, thờ Quan Công, tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền…

Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên nguyên là Tổng lãnh binh dưới triều Minh (Trung Quốc). Do không chịu khuất phục nhà Mãn Thanh nên đã dấy cờ "bài Mãn phục Minh" nhưng bất thành liền cùng tùy tùng, gia quyến hơn 3.000 người, trên 50 chiến thuyền vào cửa biển Đà Nẵng xin chúa Nguyễn cho tị nạn trên đất Việt. Thấy họ lâm vào thế cùng lực tận, chúa Nguyễn Phúc Tần đã chấp thuận cho phép họ nhập cư, đặt yến tiệc khoản đãi, an ủi, khen ngợi, phong thêm quan tước mới, rồi phái vào ở đất Đông Phố để mở mang điền thổ (xứ Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay). Tại đây, Trần Thượng Xuyên chiêu tập thương nhân người Hoa kiến thiết phố xá, tạo lập các cơ sở thương mại trở thành thương cảng phồn thịnh bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ. Cả thế và lực đều mạnh nên ông trấn thủ vững chắc bờ cõi phương Nam, nhân dân được hưởng ấm no, yên bình, sung túc.

Trần Thượng Xuyên mất ngày 23/10 năm Canh Tý (1720). Để ghi nhớ công lao của ông, nhà Nguyễn ban phong danh hiệu cao quý "Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt" (nghĩa là: Họ Nguyễn làm vua, họ Trần làm tướng, công khanh đời đời không dứt). Vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong "Thượng đẳng thần". Hằng năm, nhân dân lấy ngày Trần Thượng Xuyên mất làm ngày giỗ trọng và tổ chức lễ hội Kỳ yên.

Với giá trị lịch sử, độc đáo đình Tân Lân đã được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991. Đây là một trong những địa chỉ tham quan, du lịch hấp dẫn của nhân dân tỉnh Đồng Nai và các địa phương lân cận vào những dịp lễ, Tết hay ngày nghỉ cuối tuần.(Nguồn: QĐND)





Chiến thắng Giồng Dứa (Tiền Giang): Di tích lịch sử cách mạng

người đăng admin | viết nhận xét

Giồng Dứa nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) 10km về phía Tây, tại đoạn km 1974 + 250 quốc lộ I, thuộc ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Chiến thắng Giồng Dứa là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta trong giai đoạn 1945-1954.

Chính tại nơi đây trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Mỹ Tho (Tiền Giang) dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Trà Khu Bộ trưởng Khu 8,  đánh tiêu diệt  đoàn xe Công voa và đoàn xe của chính phủ  bù nhìn Nam Kỳ tự trị ngày 25 tháng 04 năm 1947.   

Quân ta đã phá huỷ 14 xe, diệt 80 tên trong đó có tên Trocard-đại tá chỉ huy tình báo, bắt sống 07 tên có kỷ sư Lefouse, tên đốc phủ Bích và Trương Vĩnh Khánh-Bộ trưởng của chính phủ Nam Kỳ tự trị. Ta hy sinh 01 đồng chí Nguyễn Doãn Bảy-đại đội trưởng. Cảm xúc trước chiến thắng này, hoạ sĩ Diệp Minh Châu tự lấy máu tay mình vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu trên mãnh lụa để tặng Người.

Chiến thắng Giồng Dứa đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang ta nói chung cả về trình độ nghệ thuật tác chiến, chỉ huy, sử dụng lực lượng, bố trí thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân. Đồng thời khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng mưu trí của cán bộ chiến sĩ địa phương sẵn sàng vùng lên bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Hồ Chủ Tịch”.

Năm 1985 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây 01 tượng đài chiến thắng gồm: tượng tròn và phù điêu mô tả trận đánh do hai nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Phạm Mười tạo mẫu, đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà làm cố vấn tượng đài mô tả lại cảnh chiến đấu đốt xe địch của quân ta bằng 3 thứ quân, với   nhân vật được thể hiện: nữ dân quân, vệ quốc quân và một nông dân thổi tù và.

Năm 2000 do nhu cầu mở rộng quốc lộ I, tượng đài đã được quy hoạch tôn tạo lại và di dời vào trong 40m, xây dựng trong một khuôn viên gần 1 ha (8826m2) với các hạng mục công trình như: công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu chất liệu bêtông cốt thép cao 7m dài 24 m.

Di tích Giồng Dứa được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm  2003.(Nguồn: website Tiền Giang)





Tham quan mộ anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân ở Tiền Giang

người đăng admin | viết nhận xét

Sau khi Thủ Khoa Huân mất, để tỏ lòng tôn kính nhân dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm 100m, ngay Trường Tiểu học Mỹ Tịnh An. Năm 1995 được sự đồng ý của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tiền Giang Đền thờ Thủ Khoa Huân được dời về cạnh mộ của ông ở ấp Hoà Quới, xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo. Từ đó có tên gọi Đền thờ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân.

 

Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân, ông sinh năm Canh Dần tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông bỏ chức Giáo thụ (chức quan ngành Giáo dục) từ biệt gia đình tham gia kháng chiến, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc, ngược hẳn với chiến lược hoà mà thực chất là đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn.

Năm 1875, trong một trận giao tranh với giặc bị bất lợi, ông cùng tuỳ tùng Đốc Binh Hương trở về Chợ Gạo dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện. Đốc Binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân về bắt Nguyễn Hữu Huân ở Chợ Gạo ngày 15 tháng 05 năm 1875, đem giam tại Mỹ Tho (lần bị bắt thứ ba).

Do áp lực của thực dân Pháp, tháng 7 năm 1864, quan Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận đã hèn nhát bắt ông giao nộp cho quân giặc. Một tháng sau ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân và bị đày tận đảo "Bòn Bon" tức Réunion (Trung Mỹ). Suốt 15 năm hoạt động 03 lần bị bắt-03 lần khởi nghĩa, trên chiến trường, trong tù ngục và ngay khi bị xử trảm Thủ Khoa Huân không nao núng tinh thần cho đến phút cuối cùng luôn nêu tấm gương "Tận trung báo quốc" và "Đạo cương thường" vì nước vì dân.

Ngày 19 tháng 05 năm 1875 chúng cho tàu chở ông theo dòng sông Bảo Định về quê Mỹ Tịnh An để hành quyết, nhằm lúc 12 giờ trưa ngày rằm tháng tư năm Ất Hợi. Năm ấy ông được 45 tuổi.

Mộ Thủ Khoa Huân thuộc loại hình di tích lịch sử dân tộc. Lúc đầu mộ được lắp bằng đất, đến năm 1927 con cháu của ông và nhân dân địa phương xây lại bằng đá xanh. Mộ gồm 02 phần: núm mộ và bia mộ.

Mộ có giá trị lịch sử dân tộc, đây là nơi chôn cất Phó đề đốc, nhà thơ, nhà trí thức yêu nước Thủ Khoa - Nguyễn Hữu Huân. Khu di tích Đền thờ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân với diện diện tích 3.500m2. Hiện nay, tại đây đã thành lập Ban bảo vệ Đền thờ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, hằng ngày có người bảo vệ, chăm sóc khu di tích và đón tiếp khách tham quan.

Ngoài ra, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Thành uỷ Mỹ Tho đã cho xây dựng tượng Thủ Khoa Huân tại vườn hoa Lạc Hồng ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho nay là công viên Thủ Khoa Huân.

Di tích Mộ Thủ Khoa Huân được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.(Nguồn: website Tiền Giang)





Làng cổ Hoàng Mai – Hà Nội

người đăng admin | viết nhận xét

Làng Hoàng Mai nằm trong vùng gồm 4 làng có tên Nôm là Kẻ Mơ, song tên cụ thể được gọi bằng nghề nghiệp. Làng Hoàng Mai có nghề nấu rượu nên gọi là Mơ Rượu, để phân biệt với các làng Mơ khác là Mơ Thịt (làng Hồng Mai hay Bạch Mai), Mơ Cơm (làng Tương Mai) và Mơ Táo (làng Mai Động).


Xưa, nơi đây là một vùng bao la xóm làng và đồng ruộng, sông ngòi và hồ ao. Theo lệnh chúa đất là Trần tướng quân, nhiều người sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả gọi là quả mơ, cứ mùa đông thì hoa mai nở trắng ngần, khiến một vùng đất biến thành một trời mây trắng ngần. Ðó là các giống mai vàng, mai trắng, mai hồng mà tên chữ là hoàng mai, bạch mai và hồng mai.

Ðến những năm 80 của thế kỷ 20, làng Ðông Mỹ tức làng Ðông Phù Liệt còn có một cụ Mai Lâm động chủ, tên cúng cơm là cụ Mài có một vườn mai mọc trên ngọn gò nho nhỏ, trồng toàn giống song mai, hoa trắng muốt, mỗi chùm hai bông hoa nở ra hai quả mơ, quả to bằng quả trứng gà con so, mầu vàng tươi, để chín nục, bóp cho mềm rồi hút nước mơ, nó sẽ là một thứ nước cam lồ vừa chua vừa ngọt, vừa thơm vừa bổ, khó quên. Tiếc là sang thế kỷ 21, vườn mai thoái hóa, chết dần sau khi cụ Mài, chủ nhân qua đời.

Rượu làng Mơ (Hoàng Mai) ngon nổi tiếng trong vùng, nên có câu: “Rượu làng Mơ/Cờ Mộ Trạch” (làng Mộ Trạch ở huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương có nhiều ông Trạng cờ rất giỏi); hay “Rượu làng Mơ/Thơ Kẻ Lủ (làng Lủ tức Kim Lũ, quận Hoàng Mai có nhiều người tiến sĩ, hương cống - cử nhân, giỏi thơ ca). Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã nhắc đến thứ rượu này.(Nguồn: website báo Đất Việt)





Hấp dẫn với Kayak trên sông Cái, Nha Trang

người đăng admin | viết nhận xét

Kayak trên sông là loại hình du lịch giải trí, đồng thời cũng là môn thể thao tăng cường sức khỏe, được các nước như Mỹ, Pháp, Úc ưa thích nhưng ở Việt Nam chưa được biết đến nhiều.


Đối với Nha Trang, Khánh Hòa là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, hàng năm đón trên 1,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế khá đông. Vì vậy Công ty MaiSon đã đưa hàng chục chiếc Kayak đi vào hoạt động tại phường Ngọc Hiệp, Nha Trang góp phần tô điểm thêm cho dòng sông Cái vốn rất xinh đẹp được nhiều du khách biết đến.

Chỉ trong vòng 15 phút được hướng dẫn, du khách có thể làm chủ được tay lái, rồi tự do thỏa thích tung hoành trên sông nước bằng những chiếc Kayak, đón những làn gió mát từ dòng sông và chiêm ngưỡng những ngôi làng ven sông.

Anh Mai Anh Sơn - Huấn luyện viên Kayak Công ty TNHH một thành viên MaiSon chia sẻ:  “Khi khách đến đây chúng tôi hướng dẫn và bảo đảm an toàn, khi có yêu cầu của người chèo Kayak  trên sông chúng tôi tiếp ứng ngay. Chèo Kayak trên thế giới nhiều người biết, nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa biết nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ người nước ngoài chơi được thì người dân Việt Nam chúng ta cũng chơi được”.

Việc Công ty TNHH một thành viên MaiSon đầu tư sản phẩm Kayak trên sông không những làm phong phú các sản phẩm du lịch mà còn góp phần giữ chân du khách khi đến với Nha Trang, Khánh Hòa. Ngay sau khi đưa vào hoạt động, một số công ty lữ hành đã có kế hoạch đưa sản phẩm này vào tour của mình bởi địa điểm Kayak nằm cạnh Trung tâm du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà, rất thuận lợi cho du khách sử dụng dịch vụ tắm bùn và vận động thể thao trên sông.(Nguồn: VTV)





Khám phá vẻ đẹp của Huế

người đăng admin | viết nhận xét

Nhắc đến Huế, nhiều người chỉ nói hai chữ mộng mơ. Bên dòng sông Hương nước lững lờ trôi, không gian trầm mặc của đền đài, cung điện tạo một nét trầm, gây bao cảm xúc đối với du khách...


Huế như một nàng con gái khuê các. Càng khám phá, người ta càng thấy thích thú và bị hấp dẫn bởi nét cổ kính, trầm mặc. Khi tiết trời có sương mù, Huế bị che phủ sau làn sương mong manh gợi bao cảm xúc cho các thi -nhạc sĩ. Vì vậy, những bài hát, câu thơ về Huế đều bàng bạc nét buồn nhưng tình tứ. Huế không ồn ào, vội vã nên giữ chân được bao người khi một lần đặt chân đến đây. Với nhiều người, du lịch đến đất Thần Kinh là để trải nghiệm “sống chậm”, đi giữa những con đường thơ. Vẫn đền đài cung điện của hàng trăm năm nay có phần hoang tàn, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khó tả...

 

Quần thể di tích Huế là một tài sản vô giá của Việt Nam, được sánh ngang với các công trình, kiến trúc cổ vĩ đại của thế giới. Theo ghi nhận, quần thể này có đến 1.200 công trình, nay chỉ còn 480 công trình. Vào kinh thành Huế, không gian của trăm năm trước vẫn hiện hữu. Công trình này được xây dựng trong thời gian gần 3 thập kỷ (1803-1832), tạo nên một kiến trúc độc đáo, đậm nét Đông phương. Theo các tài liệu của BQL di tích, thành lũy bao quanh Đại nội cao 6,6m, dày 21m, với chu vi gần 9.000m. Trên mặt thành ngày xưa có tới 24 pháo đài. Bên ngoài, dọc theo bờ thành có hào sâu bảo vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: Chính Đông, Chính Tây, Chính Nam, Chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam. Triết lý âm dương và ngũ hành phương Đông thể hiện rất rõ tại đây. Nhìn tổng thể, dãy núi Ngự là tiền án, che chở cho toàn kinh thành. Dòng sông Hương trước mặt được xem là Minh Đường. Trên sông này, có 2 cồn cát được xem là “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” chầu phục vương triều. Hệ thống hào lớn và sâu bao quanh xuyên suốt kinh thành được xem là Hộ thành. Chính vị thế này, các triều đại phong kiến giữ vững ngai vàng và trị vì đất nước trong suốt gần 400 năm, từ năm 1558-1945.

 

Đi trong không gian của kinh thành, khách như bị mê hoặc bởi nét cổ kính và lối kiến trúc độc đáo với những hoa văn tinh xảo. Trong lòng kinh thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được gọi chung là Đại Nội. Hoàng Thành dùng để bảo vệ khu vực các cơ quan lễ nghi, chính trị quan trọng nhất của triều đình và các điện thờ. Tử Cấm Thành bảo vệ nơi làm việc, ăn ở và sinh hoạt hàng ngày của nhà vua và gia đình... Đại Nội chia thành nhiều khu vực khác nhau: Từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa làm nơi cử hành các lễ lớn của triều đình; Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu và Điện Phụng Tiên... là nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn; Cung Diên Thọ và Cung Trường Sanh là nơi ở của Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu; Phủ Nội Vụ là nhà kho tàng trữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia, vườn Cơ Hạ và Điện Khâm Văn là nơi các Hoàng tử học tập và chơi đùa...

 

Du lịch đến Huế, khách tham quan kinh thành chỉ trong vài giờ nhưng có những người dành thời gian 1-2 ngày để vừa tham quan vừa tìm hiểu cặn kẽ cho thỏa chí. Đó là chưa kể đến hệ thống các lăng tẩm của các vị vua Triều Nguyễn. Mỗi lăng tẩm được xây dựng theo lối kiến trúc riêng, mang dấu ấn về lối sống, tư duy của từng vị. Lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng, bao quanh là núi rừng. Lăng Minh Mạng uy nghi với thiết kế không gian cân đối thể hiện sự hùng tâm đại trí của một viên chính trạng thao lược tài giỏi. Trong khi đó, lăng Thiệu Trị lại thâm nghiêm, lăng Tự Đức lại thơ mộng... Riêng lăng Khải Định là sự pha trộn cầu kỳ giữa Đông và Tây, Kim và Cổ gắn với tư duy của một vị vua giữa lúc giao thời và ảnh hưởng của thời cuộc khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam...

 

Đến đây vào tháng 6, khách có dịp sống trong không gian lễ hội gắn với văn hóa của trăm năm trước. Festival Huế sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 13/6 là lễ hội được nhiều người chờ đợi. Ban tổ chức cho biết: nét mới của Festival Huế 2010 là sự góp mặt đoàn nghệ thuật của hơn 40 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật của hơn 30 quốc gia tham dự, như: Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Italia, Nga, Trung Quốc... Bên cạnh các chương trình nghệ thuật đặc sắc của nước chủ nhà và các quốc gia, Đêm Hoàng Cung được xem là sản phẩm du lịch hấp dẫn khi tái hiện được văn hóa, lối sống của vương triều để giới thiệu đến du khách. Trong số các festival được tổ chức trong cả nước, Festival Huế được đánh giá cao vì đã để lại nhiều ấn tượng cho bạn bè quốc tế với những chương trình phong phú, hấp dẫn.(Nguồn: website báo Hậu Giang

)

 






Về Quảng Nam vãn cảnh chùa Phú Sơn

người đăng admin | viết nhận xét

Từ quốc lộ 1A, cách thị trấn Núi Thành về phía nam khoảng 3km, rẽ phải theo đường liên xã về phía tây là đến được chùa Phú Sơn (thuộc thôn Phú Quý, xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành).

Không khí chùa Phú Sơn trang nghiêm, trầm mặc nhưng không u tịch. Vãn cảnh chùa Phú Sơn ngay trong mùa hè oi bức, người ta như đi lạc vào một vùng sinh thái khác, tươi tắn, mát mẻ bởi những hàng cau ken dày trên các lối đi, những gốc si, bồ đề đủ sức che mát khoảng không gian rộng lớn. Chùa không cách biệt với xóm làng, chỉ cách cổng chùa vài bước là ruộng đồng. Ngày xưa, vị tổ khai sơn của chùa đã từng cấy cày với bà con… vừa để lấy hoa lợi làm sinh kế, vừa dễ gieo nhân lành, gần gũi với đời để giác ngộ nhân sinh. Thoảng trong mùi rơm rạ, khói đồng mỗi chiều có hương sen thoang thoảng dịu nhẹ từ một ao sen lớn nằm về phía đông bắc của chùa. 

Vãn cảnh chùa trong ngày Phật đản năm nay càng khiến tục khách giũ bỏ bớt những vướng bận đời thường...(Nguồn: website báo Quảng Nam)





Huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) - Khu du lịch hoang sơ, độc đáo

người đăng admin | viết nhận xét

Từ lâu nhiều người đã biết đến huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh không chỉ bởi nơi đây từng tồn tại một thương cảng cổ có gần 800 năm tuổi với những di chỉ khảo cổ, di tích văn hóa đặc sắc mà còn vì nơi đây có nhiều bãi tắm đẹp, hang động kì vĩ, Vườn Quốc gia Bái Tử Long với nhiều loài động vật quý hiếm.


Chính những lợi thế tiềm năng sẵn có trên của huyện đảo đã trở thành thế mạnh để Vân Đồn có thể phát triển thành một khu du lịch độc đáo ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc.


Ông Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Đồn cho biết, với mục tiêu sớm đưa Vân Đồn trở thành một trong bốn trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Ninh, huyện cũng đã xây dựng những chương trình cụ thể về phát triển du lịch, đồng thời hướng dẫn các cơ sở kinh doanh lưu trú dịch vụ du lịch trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ. Do đó, du lịch trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ nét, các hoạt động kinh doanh ngày càng phong phú và chất lượng các dịch vụ được cải thiện rõ rệt.


Hiện nay, trên địa bàn huyện có 63 cơ sở lưu trú với gần 800 phòng nghỉ, trong đó có 761 phòng đạt chuẩn. Nhiều cơ sở phòng nghỉ được trang bị hiện đại với trang thiết bị tiện nghi đã đáp ứng được nhu cầu nghỉ qua đêm của du khách.


Trong năm 2009, lượng khách đến huyện ước đạt trên 350.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 3.487 lượt tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch thuộc các xã Minh Châu, Quan Lạn, Hạ Long, Đông Xá. Tuy nhiên, vào mùa du lịch, các ngày lễ, số lượng du khách có nhu cầu đi tắm biển, tham quan tại các đảo và tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương tăng đột biến lên đến hàng nghìn lượt người.


Các cơ sở hạ tầng, các bến cập tàu, các tuyến đường ra xã đảo, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ nhu cầu dân sinh và khách du lịch cũng đã được chú trọng đầu tư.


Nhằm phục vụ tốt các hoạt động luân chuyển hành khách, hàng hoá bằng đường bộ, đường thuỷ trên địa bàn huyện, các phương tiện vận chuyển khách đã không ngừng được nâng cao về số lượng và chất lượng, phong phú về loại hình.


Đến nay, đã có 5 hãng taxi phục vụ việc đi lại trong nội thị, đặc biệt năm 2009 đã mở được 6 tuyến tàu cao tốc đi các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, phục vụ cho 20 chuyến đi-về với lượng khách bình quân 40 khách/tàu. Do đó đã góp phần giảm đáng kể số thời gian đi lại của người dân và du khách.


Các dịch vụ ăn uống phục vụ du lịch cũng được từng bước cải thiện, các món ăn của các nhà bè và các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tuy còn đơn giản nhưng bước đầu đã giới thiệu được với du khách những đặc sản của địa phương.


Các mô hình nuôi thủy hải sản như nuôi tu hài, hải sâm, bào ngư, sá sùng, ốc nhảy da vàng, ngán, trai ngọc, cá song, hàu… kết hợp với du lịch đang dần được hình thành tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho du lịch vùng biển đảo.


Thực tế cho thấy, dịch vụ du lịch đã và đang khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của huyện đảo Vân Đồn.


Trong những năm qua, huyện đảo Vân Đồn đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các khu du lịch, các sản phẩm dịch vụ. Hiện nay có 17 dự án quy mô lớn đang triển khai, trong đó tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Mai Quyền, Việt Mỹ, Vân Hải... đã đi vào hoạt động và vẫn không ngừng đầu tư, mở rộng, nâng cấp các dịch vụ mới thu hút du khách .

Gần đây bằng nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa, huyện đảo đã có thêm nhiều công trình mới tại khu du lịch bãi Dài, xây dựng và đưa vào hoạt động như khu lưu niệm Bác Hồ tại xã Ngọc Vừng, chùa Cái Bầu-Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, tu bổ di tích nghe thờ Trần Khánh Dư... đã tạo thêm nhiều điểm du lịch hấp dẫn.


Cùng với những huyền tích về Vịnh Bái Tử Long và những giá trị về thắng cảnh, văn hóa, lịch sử không thể phủ nhận, chắc chắn trong tương lai không xa huyện đảo Vân Đồn sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của các du khách trong và ngoài nước./.(
Nguồn: Báo TTXVN)






News for 24/05/2010


View all news for 24/05/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao