International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

12/05/2010 | RSS Feed

Sắc màu Châu Phong - An Giang

người đăng admin | viết nhận xét

 

Nằm phía bên kia sông Hậu, đối diện thị xã Châu Đốc, làng Chăm Châu Phong (thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) ngày càng hấp dẫn du khách, bởi đây là làng Chăm cổ và còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm ở vùng châu thổ Cửu Long. Đến Châu Phong, du khách như lạc vào thế giới của sắc màu thổ cẩm truyền thống được dệt bởi những cô gái Chăm xinh xắn…

Nói đến Tân Châu, người ta nhắc đến quê hương của lụa là, gấm vóc đẹp nhất vùng châu thổ Cửu Long. Hình ảnh của những cô gái dệt lụa ở gần thị xã Tân Châu hay những cô gái Chăm ở Châu Phong ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm soi bóng dưới dòng kinh sẽ làm các bạn khó quên”.

Làng Chăm Châu Phong nằm dọc theo hai bên bờ kênh Vĩnh An hiền hòa. Ca nô cập vào bậc tam cấp để khách lên bờ, cũng là đặt chân lên làng Chăm Phũm Soài (ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong). Ấn tượng đầu tiên con đường làng sạch đẹp, hai bên là nhà sàn được làm bằng gỗ với kiến trúc truyền thống của người Chăm vùng Nam Bộ khá đẹp. Người dân ở đây ai cũng chất phác, hiền lành và hiếu khách. Đặc biệt, những thánh đường trang nghiêm, thanh thoát với mái vòm mang đặc trưng của thánh đường Hồi giáo. Du khách dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu viết bằng chữ Chăm càng làm cho làng thêm “đậm đặc” văn hóa Chăm.

Ở Châu Phong hiện nay có gần 500 hộ đồng bào Chăm, trong đó ấp Phũm Soài có khoảng 300 hộ và phân nửa trong số này làm nghề dệt thổ cẩm. Ở Châu Phong còn có cả một hợp tác xã mang tên Châu Giang tập trung nhiều xã viên dệt thổ cẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm dệt ra chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ – đội đầu, khăn trải bàn, các mặt hàng lưu niệm như: bóp, ví, túi xách, móc khóa…

Màu của thổ cẩm ở đây được nhuộm bằng mủ, vỏ và trái mặc nưa (loại trái này ở vùng Tân Châu người ta cũng dùng để dệt nên lụa Lãnh Mỹ A – Tân Châu trứ danh) nên sắc màu đẹp và lâu phai. Có người so sánh rằng, màu của thổ cẩm ở Châu Phong tươi và sống động hơn sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Một vị cao niên ở đây cho biết, sở dĩ nghề dệt thổ cẩm ở Châu Phong còn lưu giữ đến hôm nay là do tục “cấm cung”, tức con gái lớn lên không được ra ngoài, chỉ ở trong nhà dệt vải hay thêu thùa. Mặc dù tục “cấm cung” hiện nay không còn nữa nhưng sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ Chăm Châu Phong vẫn không mất đi.

Nhờ những nét hấp dẫn và độc đáo ấy nên làng Châu Phong được ngành du lịch An Giang chọn làm làng du lịch cộng đồng. Ở đây đã thành lập Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong có nhiệm vụ quảng bá làng du lịch cộng đồng, làng dệt Châu Phong, giới thiệu cho du khách nét văn hóa và sản phẩm của người Chăm.

Đặc biệt, trung tâm này còn tổ chức nhiều tour cho du khách trong và ngoài nước tham quan Châu Phong, trong đó có tour homestay (ở nhà người dân bản địa) với chương trình “Trở thành một người Chăm” (1 ngày 1 đêm). Du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà người Chăm, cùng sinh hoạt với họ, thưởng thức chương trình âm nhạc Chăm, tập vài thao tác dệt thổ cẩm hay vài điệu múa Chăm… Đặc biệt, khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm như: Cà ri bò, lạp xưởng bò, gỏi sầu đâu, bánh Chăm (bánh tổ chim, bánh lỗ…). (Nguồn: website SGGP)





Đắk Nông: Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc M’Nông

người đăng admin | viết nhận xét


Ngành văn hóa Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người dân bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào MNông.
 
Với nguồn kinh phí hơn 17 tỷ đồng, từ năm 2005 đến 2010, ngành đã trang bị 71 bộ chiêng, 120 bộ trang phục truyền thống và 180 loại nhạc cụ dân tộc cho các nhà văn hóa cộng đồng vùng đồng bào M’Nông.

Ngành tổ chức 58 lớp truyền dạy cồng chiêng với hàng ngàn học viên là thanh niên dân tộc, 7 lớp chế tác nhạc cụ, tập huấn năng cao năng lực cho 50 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, khôi phục 38 lễ hội văn hóa dân tộc M’Nông.
Trong thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Đắk Nông tiếp tục mua cấp 75 bộ cồng chiêng cho 75 nhà văn hóa cộng đồng, 25 bộ goong rung trang bị cho nhà văn hóa huyện, thị, tổ chức 17 đội văn nghệ dân gian và câu lạc bộ cồng chiêng, mở 25 lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hát dân ca, trang trí cây nêu cột lễ hội.
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc M’Nông nhằm tạo ra một lớp nghệ nhân trẻ, khôi phục môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống kết hợp với các hoạt động văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của văn hóa truyền thống dân tộc M’Nông, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tộc thiểu số địa phương.(
Nguồn: website Vietnamplus)





Mèo Vạc (Hà Giang) sẵn sàng cho Lễ hội Chợ tình Khau Vai 2010

người đăng admin | viết nhận xét

 

Đã thành thông lệ, đến dịp 27/3 âm lịch, mọi ngả đường trên Cao nguyên đá lại hướng về Khau Vai (Mèo Vạc), nơi có một phiên chợ phong lưu đầy lãng mạn và giường như là phiên chợ tình duy nhất trên vùng Đông Bắc của đất nước.

Để sự kiện này diễn ra thành công, tạo ấn tượng trong lòng du khách, năm nay công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã được huyện Mèo Vạc tiến hành chu đáo. Đến thời điểm này, mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày khai hội.

Với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các cấp, ngành trong tỉnh, nhiều năm qua, Chợ tình Khau Vai đã được tổ chức thành Lễ hội lớn, với ý nghĩa là một hoạt động văn hóa, nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, khơi dậy bản sắc văn hoá và tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Trên tinh thần đó, theo kế hoạch của huyện Mèo Vạc, Lễ hội Chợ tình Khau Vai năm nay được tổ chức trong 3 ngày từ 8 – 10/5, (tức từ ngày 25 – 27/3 âm lịch). Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào lúc 17h ngày 26.3 âm lịch tại xã Khau Vai. Không gian tổ chức Lễ hội bao gồm toàn bộ khu vực thị trấn Mèo Vạc, ngoài ra còn có các điểm tham quan, du lịch gồm các xã Sủng Máng, Sủng Trà, Tả Lủng, Tát Ngà, Cán Chu Phìn, Lũng Pù và điểm dừng chân Mã Pì Lèng…

Không khí Lễ hội trong những ngày này đã được thể hiện rõ trên các trục đường từ phố núi Mèo Vạc cho đến nhiều địa phương trong huyện. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Lễ hội với phương châm trang trọng, sôi nổi nhằm tạo sức cuốn hút đối với du khách, đồng thời cũng phải được tổ chức một cách an toàn, chu đáo, lành mạnh, tiết kiệm. Qua đó, trên các trục đường vào huyện, trong huyện và đường vào xã Khau Vai, hệ thống băng zôn gồm cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh với các nội dung chào mừng du khách đến Lễ hội đã được treo cùng với những khẩu hiệu về phát huy, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc và chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Tại nhiều địa điểm trung tâm huyện, xã Khau Vai…, đã được treo các cụm pa nô bạt thông báo các nội dung, chương trình tổ chức Lễ hội và giới thiệu sơ đồ một số điểm văn hoá du lịch của huyện. Để tăng thêm không khí Lễ hội, Ban tổ chức Lễ hội huyện Mèo Vạc cũng đã thông báo đến nhiều huyện của tỉnh, một số huyện ngoài tỉnh như Bảo Lâm, Bảo Lạc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đến tham gia các gian hàng lưu niệm, dịch vụ tại khu vực tổ chức Lễ hội tại Khau Vai và tuyên truyền về Lễ hội đặc sắc này.

Ngoài các hoạt động biểu diễn văn hoá, văn nghệ và các nghi thức truyền thống, nét mới trong Lễ hội năm nay là hoạt động văn nghệ chợ và đặc biệt là chương trình văn nghệ dân gian và trình diễn vẻ đẹp các dân tộc của huyện Mèo Vạc được tổ chức tại khu vực UBND xã Khau Vai. Cùng với đó, 6 xã tiêu biểu trong huyện sẽ tham gia tổ chức các gian hàng ẩm thực, giới thiệu các món ăn truyền thống của các dân tộc trong huyện…

Để tổ chức tốt các hoạt động của Lễ hội, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí trên địa bàn thị trấn và trong xã Khau Vai trước và trong thời gian diễn ra Lễ hội. Rà soát, thống kê và bổ sung một số điểm du lịch vào bản đồ của huyện, làm mới một số bản đồ du lịch để đặt tại những địa điểm quan sát thuận lợi trong huyện. Chuẩn bị các tờ rơi, thông báo nội dung chương trình Lễ hội. Yêu cầu niêm yết giá cả công khai tại các điểm bán hàng trong khu vực Lễ hội. Phương án đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo các vấn đề về an toàn giao thông, an toàn tài sản, phương tiện cho du khách đã được xây dựng và chuẩn bị kỹ. Vấn đề vệ sinh môi trường cũng đã được tính tới với việc tổ chức phun thuốc khử trùng, phòng trừ dịch bệnh tại khu vực xã Khau Vai cũng như việc tổ chức các đoàn thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thị trấn và khu Lễ hội. Với một lượng khách đông đảo sẽ đến với Mèo Vạc vào dịp Lễ hội năm nay, ngoài việc rà soát, chuẩn bị và huy động các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn tham gia phục vụ Lễ hội, huyện đã vận động người dân, các làng văn hoá du lịch trong huyện tổ chức dịch vụ lưu trú cộng đồng để đáp ứng nhu cầu du khách đến với Lễ hội.

Từ sự chuẩn bị chu đáo, đến thời điểm này, huyện Mèo Vạc đã sẵn sàng cho ngày khai hội Chợ tình Khau Vai 2010. Chắc chắn các ngả đường về phiên chợ sẽ lại nhộn nhịp, không chỉ bởi mỗi năm chỉ chợ chỉ có một lần mà hơn cả, với mọi người, câu chuyện về tình yêu đôi lứa, về một chốn hẹn hò phong lưu vẫn luôn là đề tài đầy hấp dẫn.(Nguồn: Báo Hà Giang

)

 





Thác Đầu Nhuần - Một thắng cảnh đẹp của Lào Cai

người đăng admin | viết nhận xét

Có thể khẳng định thác Đầu Nhuần (ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng) là một trong 10 thác nước đẹp nhất tỉnh Lào Cai và cả vùng Tây Bắc.

Từ thác Đầu Nhuần, du khách có thể ngắm gần như toàn cảnh khu công nghiệp Tằng Loỏng và trung tâm xã Phú Nhuận. Thế nhưng, đường đi đến thác Đầu Nhuần vẫn rất khó đi và vị trí đứng ngắm thác cực kỳ nguy hiểm (đá rất trơn, vực rất sâu), nếu sơ chân một chút dễ dẫn tới thương vong. Do đi bộ khá xa và phải leo dốc cao, nên phải là người khoẻ và có nghị lực mới leo lên được thác Đầu Nhuần. Đó là trở ngại lớn nhất đối với nhiều du khách muốn thăm thác nước đẹp này. (Nguồn: website báo Lào Cai)






Lễ rước Thánh Trần độc đáo ở Ninh Bình

người đăng admin | viết nhận xét


Ngày 01/5 (18/3 âm lịch) 500 chiếc đò chở hàng nghìn người dân vào đền Trần (đền Nội Lâm) thuộc khu Du lịch tâm linh Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) dự lễ hội truyền thống Đức Thánh Quý Minh Đại Vương.

 

 

Mở đầu lễ hội là màn đánh trống trên thuyền. 500 chiếc đò chở người khiêng kiệu, rước bài vị, tham gia đoàn lễ tế cùng cả nghìn người về dự hội. Lễ hội được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương, người có công trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà.

Theo truyền thuyết, Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là một trong 3 anh em - 3 vị tướng đã được phong Thánh (Đức Thánh Tản Viên, Đức Thánh Cao Sơn và Đức Thánh Quý Minh) - người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18).

 

 

Sau khi lênh đênh trên nước gần một tiếng...đoàn rước sẽ chia làm đôi, một nửa tiếp tục hành trình dưới sông, nửa còn lại vượt 3 quả núi để cùng lên đền Trần. Đồ cúng lễ là lợn quay, xôi trắng...

 

 

Đền Trần - nơi thờ Đức Thánh Quý Minh Đại Vương - từ lâu đã trở thành ngôi đền nổi tiếng linh thiêng. Đền được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X với mong muốn mượn uy danh của Thánh để trấn trạch theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Sau khi dẹp giặc Mông xâm lược (1258), vua Trần Thái Tông đã vào đây tu hành.

 
Ngôi đền cũ bằng gỗ do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng đã đổ nát và được nhà Trần xây dựng lại bằng các cột đá nên vẫn còn lại nguyên vẹn cho tới nay.

 

Đền Trần nằm giữa vùng sơn thủy hữu tình ở khu Du lịch sinh thái Tràng An. Trong suốt hành trình rước kiệu, tiến về đền Trần tham dự lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh vật của một “Vịnh Hạ Long trên cạn” với những thung nước trong xanh, hang động có nhũ đá lung linh...(Nguồn: VnExpress)

 






Lặn biển khám phá Hòn Mun

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm trong vịnh Nha Trang, Hòn Mun là khu bảo tồn biển đầu tiên của nước ta. Sau gần mười năm dày công bảo vệ và phát triển môi trường mang tính bền vững, hòn đảo này đã trở thành điểm đến cho khách du lịch thích lặn biển, tận mắt khám phá đời sống các loài động thực vật biển muôn màu muôn sắc, đẹp rực rỡ.

Rất đông du khách trong và ngoài nước đến Hòn Mun lặn biển - Ảnh: H.Luận

8g sáng, tàu du lịch bắt đầu làm thủ tục rời bến Cầu Đá (TP Nha Trang) tiến thẳng ra đảo trong lúc các huấn luyện viên, hướng dẫn viên hướng dẫn các động tác bơi, lặn. Sáu du khách nước ngoài do đã có bằng lặn nên được tự do khám phá dưới đáy biển với độ sâu 10-30m, đến 1-2 giờ liền. Số còn lại mới lần đầu tham gia được các huấn luyện viên, hướng dẫn viên đi kèm trợ giúp mọi thao tác kỹ thuật và chỉ được lặn ở các rạn san hô, cỏ biển ở mức nước tối đa 6m.

Để tận mắt chứng kiến, quan sát và chụp ảnh dưới đáy biển Hòn Mun, chúng tôi đã được các huấn luyện viên Công ty Rùa Lặn Đại Dương giúp đỡ các thiết bị lặn, thỏa sức luồn sâu từng ngõ ngách các hang đá và rạn san hô, làm bạn với cá, tôm... trong khung cảnh đẹp như tranh vẽ.

Chính vì vẻ đẹp tự nhiên dưới đáy biển Hòn Mun, ngày càng có nhiều khách đến lặn khám phá, trong đó có rất nhiều người nước ngoài vì mê nên trở lại nhiều lần. “Trước chỉ có khách Tây lặn biển là chủ yếu. Những năm gần đây khách Việt cũng bắt đầu thích mô hình này. Nhiều người đến lần sau đã đặt chỗ cho cả gia đình cùng đi” - ông Nguyễn Tấn Thành, huấn luyện viên lặn, nói.

Hằng ngày có hàng trăm khách du lịch đến Hòn Mun bơi lặn sẽ thải xuống đáy biển nhiều chất thải. Huấn luyện viên, hướng dẫn viên thợ lặn thường xuyên lặn nhặt hết chất thải đưa vào bờ - Ảnh: H.Luận

Rùa biển dưới đáy Hòn Mun - Ảnh: T.Thành

Nếu như không có hai chú cá làm “bằng chứng”, chắc nhiều bạn đọc sẽ không tin có một bình hoa tuyệt đẹp nằm dưới đáy biển - Ảnh: Tấn Thành

(Nguon: tuoitre.vn)





Thiên Sơn - Suối Ngà, cảnh đẹp Tản Viên

người đăng admin | viết nhận xét

Khu vực Thiên Sơn phía Đông dãy núi Ba Vì, Hà Tây (Hà Nội) có phong cảnh rất hữu tình nhờ có những thác nước trong vắt chảy từ trên núi Tản xuống, những khu rừng xanh biếc chạy dọc theo sườn núi ẩn hiện trong những lớp mây mù.

Nơi đây đã được đầu tư thành Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà. Cách Hà Nội chỉ khoảng một giờ chạy xe, khu du lịch này đã trở thành chốn nghỉ ngơi của nhiều người dân thủ đô vào cuối tuần từ nhiều năm nay.

Ngoạn Sơn thơ mộng

Vào những ngày trời quang, đứng từ thị xã Sơn Tây, người ta có thể nhìn thấy ở sườn Đông núi Ba Vì hai ngọn thác từ trời cao đổ xuống, trắng sáng như hai chiếc ngà voi, vì thế mà có cái tên suối Ngà. Nằm trong đường vành đai phòng hộ rừng quốc gia Ba Vì, Thiên Sơn - Suối Ngà được chia làm ba khu, mỗi khu cách nhau khoảng gần hai cây số.

Bắt đầu là Hạ Sơn có thác Tam Cấp, hồ Hạ Sơn chính là nơi gặp gỡ của hai ngọn thác. Du khách có thể ngồi ở Vọng Lâu hoặc đạp thuyền thiên nga để thưởng ngoạn cảnh hồ. Sau khi thỏa thích ngắm cảnh, tìm hiểu những loại thực vật quý hiếm của vườn quốc gia Ba Vì, du khách có thể nghỉ ngơi tại khu biệt thự trên cao hoặc thưởng thức các món ăn đặc sản của Sơn Tây như gà ri và bánh tế tại khu ẩm thực bên sườn núi.

Gà ri Sơn Tây thân nhỏ, chân ngắn, thịt dai và ngọt; luộc hay nấu cháo đều rất ngon. Bánh tế được làm bằng bột gạo, không có nhân, chỉ có bột và nấm mèo trộn với nhau. Người ta cuốn cái bánh dài khoảng 30cm trong lá chuối, túm lại ở hai đầu rồi đem luộc. Bánh có vị hơi giống bánh giò, nhưng dai và chắc hơn. Trong không khí se se lạnh vùng núi, món bánh bột ăn nóng với nước mắm ớt cũng khá hấp dẫn.

Để lên khu Trung Sơn, du khách đi theo con đường uốn lượn qua các hồ nước trong xanh. Đây là khu vui chơi dành cho mọi lứa tuổi. Từ đây, men theo con đường lát đá dưới tán lá cây rừng dày sum suê là tới thác Cổng Trời.

Cổng Trời là một trong những ngọn thác đẹp nhất trong khu vực rừng quốc gia Ba Vì, cao xấp xỉ 100m. Nước từ trên cao đổ xuống những tảng đá tung bọt trắng xóa, làm không gian tràn ngập hơi nước mát lạnh. Thấp thoáng dưới tán cây rừng là những mái nhà, những bộ bàn ghế dành cho khách nghỉ chân. Các tiện nghi phục vụ du khách được sắp đặt khá khéo léo dưới bóng cây rừng, vừa kín đáo, vừa gần gũi với cảnh quan thiên nhiên.

Ngoạn Sơn là khu vực thoáng đãng, từ đây có thể ngắm được toàn cảnh núi Ba Vì và còn là nơi câu cá lý tưởng. Những con đường dạo mát sát mép hồ nước, những cây cầu uốn lượn soi bóng xuống hồ nước trong xanh càng tô điểm cho cảnh quan nơi đây.

Sau một ngày leo núi, lội suối, tắm hồ, ngắm thác, câu cá và một đêm đắm mình giữa thiên nhiên hùng vĩ, ngày hôm sau, trên đường về Hà Nội, du khách có thể dừng chân tại thị xã Sơn Tây, tiếp tục tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng như thành cổ Sơn Tây, chùa Mía... Thành cổ Sơn Tây khá đẹp nhờ còn giữ nét xưa và được rất nhiều cây cổ thụ che phủ. Còn chùa Mía với vẻ tĩnh lặng, cổ kính cũng là một di tích mà du khách không thể bỏ qua.

Suối Ngà

Thành cổ Sơn Tây

Nhà nghỉ giữa lưng chừng núi

Theo THANH HẢI
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần






News for 10/05/2010


View all news for 10/05/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam