International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

13/05/2010 | RSS Feed

Một thoáng thành Nam (Nam Định)

người đăng admin | viết nhận xét

Được nhà Trần thành lập năm 1262, Nam Định là một trong những thành thị lâu đời nhất Việt Nam. Trải qua gần tám thế kỷ tồn tại, nay chỉ còn rải rác một số di tích cũ, thành Nam - cách gọi trìu mến của người miền Bắc đối với thành phố này - vẫn gợi lên trong lòng du khách nhiều hoài niệm về một thời đã qua.


Ngay trung tâm thành phố là nhà thờ Khói Đồng. Ban đầu nhà thờ có tên là Khoái Đồng, nhưng nhiều năm nay người Nam Định vẫn gọi chệch “khoái” thành “khói”, không biết là do ngại phát âm hay vì cái tên Khói Đồng nghe thơ mộng hơn. Đây là một thánh đường lộng lẫy, có kiến trúc cầu kỳ, được xây dựng ngay bên bờ hồ Vị Xuyên xanh mát, rộng lớn.

Cùng với Trường Saint Thomas (Trường THPT Nguyễn Khuyến bây giờ), nhà thờ Khói Đồng là một trong những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc đẹp nhất tại TP. Nam Định. Tuy nhà thờ đã xuống cấp nhưng với nhiều người dân thành Nam, Khói Đồng vẫn là biểu tượng của thành phố quê hương. Từ đây đi bộ về phía phố cổ, du khách sẽ gặp những ngôi nhà xây từ đầu thế kỷ.

Ghé vào một hàng nước, chuyện trò với các cụ già, du khách sẽ biết những tên phố Nam Định ngày xưa, nào Bến Nứa, Hàng Cau, Hàng Dầu, nào Máy Chai, Vải Màn... Nay hầu hết tên phố đã thay đổi, chỉ còn đọng lại trong tâm trí người dân về thành phố dệt sầm uất một thời.

Vào thời nhà Trần, thành phố Nam Định là trung tâm đô thị lớn thứ hai của cả nước, chỉ sau Thăng Long. Nhiều công trình kiến trúc của hoàng tộc đã được xây dựng tại đây. Còn lại tương đối nguyên vẹn cho đến nay là chùa Phổ Minh, được nhà Trần xây dựng vào năm 1262, ở phía Tây cung Trùng Quang của các vua Trần (cách trung tâm thành phố Nam Định bốn cây số về hướng Bắc). Đã qua nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn còn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần.

Trong chùa có tượng vua Trần Nhân Tông khi nhập niết bàn và nhiều tượng Phật mang tính thẩm mỹ đặc sắc của người Việt cách đây gần mười thế kỷ. Nổi bật nhất trong chùa là tháp Phổ Minh - một kiến trúc tiêu biểu thời Trần, cũng còn khá nguyên vẹn.

Tháp được xây vào năm 1305, cao khoảng 17 mét, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ bốn cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái...

Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn năm thước. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch ở các tầng trên được trang trí hình rồng.

Ra khỏi chùa là nhìn thấy ruộng đồng xanh tươi, bát ngát của các làng quê ngoại thành. Đến bên sông Đào đang chầm chậm chảy qua thành Nam, du khách chợt cảm thấy nhịp sống của thành phố lâu đời bậc nhất Việt Nam sao mà êm đềm, phẳng lặng thế.(Nguồn: Website Tuổi Trẻ

)

 






Hoang sơ mẫu sơn (Lạng Sơn)

người đăng admin | viết nhận xét

Cách Hà Nội khoảng 180km theo quốc lộ 1A, Mẫu Sơn nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn. Vùng núi Mẫu Sơn được ví như “Sa Pa thứ hai của Việt Nam”.


Gần 100 năm trước, người Pháp đã phát hiện ra Mẫu Sơn như một viên ngọc được giấu kín giữa rừng già và biến đỉnh núi linh thiêng này thành khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng. Xuất phát từ thành phố Lạng Sơn đi 15km rẽ theo quốc lộ 4B hướng Lạng Sơn – Lộc Bình đến ngã ba Mẫu Sơn, từ đây du khách sẽ phải chinh phục đoạn đường lên núi dài 15km gian nan và khó khăn với những khúc cua lượn, gấp khúc liên tục, những tay lái cừ khôi nhất cũng chỉ dám đi với tốc độ 15 – 20 km/h.

Dọc hành trình với một bên là vách núi dựng đứng còn bên kia vực sâu thăm thẳm, tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Những người yêu cái đẹp sẽ không thể kìm lòng khi bắt gặp hoa rừng mơn man cùng gió trong ánh nắng vàng, những đám mây vờn núi… Đôi khi, xa xa dưới chân thung lũng ta lại bắt gặp những người dân tộc Dao đỏ đang cặm cụi cày cuốc trên thửa ruộng bậc thang.

Trên con đường quanh co, gập ghềnh là những nền biệt thự, nhà nghỉ cổ từ thời Pháp thuộc.

Càng lên gần tới đỉnh, mây xuất hiện càng nhiều. Leo được đến đỉnh núi, ai cũng cảm thấy mệt nhoài nhưng vẫn cố leo lên chỗ cao nhất trên đỉnh để mắt được chiêm ngưỡng toàn cảnh khu du lịch Mẫu Sơn, không những thế, còn có thể nhìn thấy cả thành phố Lạng Sơn và sông Kỳ Cùng uốn lượn. Tiếp đó, du khách có thể đi du lịch xuống các bản làng khám phá nền văn hoá thôn bản còn nguyên sơ của đồng bào dân tộc Dao, ngắm những rừng đào, rừng chè, những thửa ruộng bậc thang, phong cảnh của vùng núi cao trù phú và hoang sơ.

Trong khi đi tham quan các bản làng du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cây to trong rừng với vô vàn phong lan, rất nhiều loài nấm quý, những loài động, thực vật chỉ có ở Mẫu Sơn. Thích thú biết bao khi khám phá những dòng suối có làn nước chảy tràn trên những phiến đá phẳng lì rộng hàng chục mét hoặc chinh phục những con dốc, những ngọn thác nhỏ cao ngất giữa rừng đại ngàn.

Sau một ngày khám phá, du khách có thể thư giãn và ngâm mình trong bể tắm lá thuốc dân tộc của người Dao với 36 vị được lấy từ những cây cỏ trong vùng rừng rậm Mẫu Sơn. Sau đó, du khách sẽ được thưởng thức bữa tối với các món ăn đặc sản: heo quay, vịt quay Lạng Sơn, ếch hương, gà chín cựa, cơm lam... Rau rừng ở đây rất ngọt và tươi, có nhiều loại như su su, rau ngót rừng hoặc hoa chuối.

Kết thúc bữa tối du khách đừng quên uống trà San Tuyết – một loại trà chỉ sinh tồn ở trên vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Mua vài gánh củi của người dân tộc và đốt lên ngọn lửa trại ấm áp trên sườn núi. Giữa thiên nhiên hoang dại, gió núi lạnh buốt, nhấp ngụm rượu Mẫu Sơn được chưng cất từ nước suối trên núi với những vị thuốc gia truyền có giá chỉ từ 12 ngàn đồng một lít, bạn sẽ có những giây phút khó quên.(Nguồn: Website SGTT

)

 






Du ngoạn danh thắng Bát Cảnh Sơn ở Trấn Sơn Nam (Hà Nam)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Bát Cảnh Sơn là khu di tích nằm trên xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và một phần trên dãy Hương Tích, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), tạo thành thế núi hình sông kỳ thú. Với hình sông thế núi ấy cùng với hệ thống đền, chùa cổ kính uy nghiêm, nơi đây từ xưa được coi là một thắng cảnh của trấn Sơn Nam.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí (phần Dư địa chí) của Phan Huy Chú thì vào thế kỷ thứ 16, Nghị tổ Trịnh Doanh qua đây chiêm ngưỡng đã ví Bát cảnh sơn với Tiêu Tương bên Trung Quốc và cho lập hành cung để đi về thưởng ngoạn.

Xưa kia, ở Bát cảnh sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành, cũng từ đó cái tên Bát Cảnh Sơn đã được đặt cho nơi đây. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là do thời gian và chiến tranh tàn phá, thắng cảnh Bát Cảnh Sơn đã bị phá hoại đi rất nhiều. Trong số 8 ngôi chùa, miếu thờ chỉ còn lại 3 ngôi chùa còn nguyên vẹn, đó là đền tiên ông và chùa Tam Giáo, chùa Ông.

Xét theo tổng thể ở phạm vi rộng thì Bát cảnh sơn là một cụm du lịch của quần thể Hương Sơn bởi hai thắng cảnh này rất gần gũi, tiếp giáp với nhau liền mạch trong dãy núi đá vôi Hà Nam - Hà Tây cũ. Theo vị trí địa lý hành chính, Bát cảnh sơn là "tiểu thắng cảnh", là cửa ngõ Hương Sơn, nằm trong xã Tượng Linh, nơi ngã ba của 3 huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hoà (Hà Tây cũ).

Trong quần thể ấy, nổi bật là đền Tiên Ông nằm trên núi Tượng Lĩnh. Đi qua 150 bậc đá cao chừng 100 m, ngôi đền uy nghi, nằm sững sừng trên lưng chừng núi sẽ hiện ra trước mắt. Nhiều tao nhân mặc khách đến đây muốn giải thoát khỏi trần tục, để rồi yêu luôn chốn này. Nhiều bài thơ, tựa đề đã được khắc lên những cánh cửa ca tụng vẻ đẹp và cõi thiêng của đền. Trong khuôn viên của đền có nhiều thần phả, sắc phong quý hiếm cũng như những hoành phi, đại tự, câu đối có từ xa xưa. Ngôi đền được chia thành 5 gian nhà khách, 3 gian thờ tổ. Đứng trên đây có thể bao quát được toàn bộ xã Tượng Lĩnh đang từng ngày thay da đổi thịt, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay và hàng loạt ngôi nhà khang trang mọc lên san sát.

Ngay dưới chân của đền Tiên Ông là chùa Ông, trước kia chùa rất rộng nhưng đến nay đã bị thu hẹp đáng kể do thiên nhiên và chiến tranh. Phía trước chùa là một hồ rộng, mỗi khi hoàng hôn buông, nơi đây đẹp như tranh thủy mặc. Trong bức tranh đó có, núi, sông hòa quyện với con người.

Cách chùa Ông chừng 1 km, men theo sườn núi là đến chùa Tam Giáo. Chùa khi xưa có hàng trăm pho tượng phật uy nghi tráng lệ. Ở đây còn có một dòng nước từ trong núi chảy ra. Xung quanh chùa Tam Giáo có rất nhiều hang động đẹp, nhiều nhũ đá với các con vật khác nhau. Cho đến nay, trong quần thể Bát Cảnh Sơn, chùa Tam Giáo là địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất. Hàng ngày tiếng mõ vẫn vang lên, chốn uy nghiêm Tượng Lĩnh vì thế trở nên linh thiêng.

Một số ngôi miếu, chùa khác bị phá hủy phải kể đến như: Chùa kiêu, chùa bà, chùa dâu, chùa vân mộng, chùa bông. Trong đó chùa Kiêu đang trong quá trình xây dựng, chùa Kiêu nằm trên đỉnh núi phía nam xã Tượng Lĩnh, có độ cao chừng 200 m. Đường lên chùa Kiêu cây cỏ um tùm, nhưng con người sẽ tìm được cảm giác thanh thản, khi lên đến đỉnh chùa. Hiện ở đây đã lập am hương, tưởng nhớ các vị anh thần ngày xưa. Những vết tích còn lại của chùa Kiêu phải kể tới như, một nền móng và một động rộng 10 m2. Ngay trước động có ghi: Nhật Nguyệt Trường Quang, tục truyền ngày xưa cứ đêm trăng sáng, Tiên Ông cùng ngồi đánh cờ với các quan nhà trời ở đây.

Từ chùa Kiêu, vượt qua đường đèo và những sườn núi cheo leo là đến chùa Vân Mộng, tương truyền chùa Vân Mông là nơi mà Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng tu hành và trụ trì. Tục truyền, vua nhà Lý bị đau mắt không phương thuốc nào chữa được. Nhà Vua nghe tin tại chùa Vân Mộng có Quỷ Cốc tiên sinh thông tuệ thiên địa bèn đến cầu, quỷ cốc tiên sinh cho rằng nhà vua đau mắt là do động huyệt xoáy rồng ở khúc sông Hồng, cần có người hiến tế thì nhà vua mới khỏi bệnh. Sau có ông bà bán dầu Vũ Phục nhảy xuống sông, quả nhiên nhà vua lành mắt.  Ngôi chùa cũng đã đi vào sách vở với ghi chép của Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ. (Nguồn: Website Đất Việt

)

 






Thác Đầu Nhuần - Một thắng cảnh đẹp của Lào Cai

người đăng admin | viết nhận xét

Có thể khẳng định thác Đầu Nhuần (ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng) là một trong 10 thác nước đẹp nhất tỉnh Lào Cai và cả vùng Tây Bắc.

Từ thác Đầu Nhuần, du khách có thể ngắm gần như toàn cảnh khu công nghiệp Tằng Loỏng và trung tâm xã Phú Nhuận. Thế nhưng, đường đi đến thác Đầu Nhuần vẫn rất khó đi và vị trí đứng ngắm thác cực kỳ nguy hiểm (đá rất trơn, vực rất sâu), nếu sơ chân một chút dễ dẫn tới thương vong. Do đi bộ khá xa và phải leo dốc cao, nên phải là người khoẻ và có nghị lực mới leo lên được thác Đầu Nhuần. Đó là trở ngại lớn nhất đối với nhiều du khách muốn thăm thác nước đẹp này. (Nguồn: website báo Lào Cai

)

 






Tháp Chăm giữa rừng xanh Tây Nguyên

người đăng admin | viết nhận xét

Nói đến tháp Chăm (tháp Chàm), người ta thường mường tượng tới những ngọn tháp dựng trên những quả đồi cao in bóng giữa trời xanh của vùng duyên hải miền Trung quanh năm dạt dào sóng biển và lồng lộng nắng gió. Nhưng ở Tây nguyên cũng lại có tháp Chăm, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người làm công tác nghiên cứu văn hóa, khảo cổ. Đó là tháp Yang Prông nằm tại một khu rừng thuộc xã Ea Rôk, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk.

 

Từ thành phố Buôn Ma Thuột, theo tỉnh lộ 1, vượt qua chặng đường khoảng 100 km là tới trung tâm huyện Ea Súp. Lại đi tiếp ngót 20 km nữa. Gần đến cầu Ea Rôk, rẽ phải, qua vài xóm nhỏ nhà cửa thưa thớt, chúng tôi tới cánh rừng nơi có ngọn tháp Yang Prông huyền bí.

 

Quả là kỳ lạ, giữa khu rừng hoang sơ lại có một ngôi tháp cổ kính. Tháp nằm khuất dưới tán lá rừng lặng lẽ, trên một khoảnh đất bằng phẳng. Tháp có một cửa chính nhìn về phía đông. Ba mặt tháp còn lại đều là cửa giả, chắc là để trang trí (?). Tháp cao khoảng 9m. Phần đế cao 1m, mỗi cạnh dài khoảng 5m. Phần thân tháp là một khối trụ vuông cao chừng 4m. Phần đầu của tháp hơi phình ra rồi thu nhỏ, thon dần lại như củ hành.

 

Giống như những ngôi tháp Chăm khác, tháp Yang Prông được xây bằng vật liệu truyền thống là gạch nung và dùng chất kết dính đặc biệt mà người Chăm cổ vẫn dùng. Vì thế cũng không hề có dấu vết của những mạch vữa.

 

Một số tài liệu cho biết tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 để thờ thần Yang Prông. Yang Prông tiếng dân tộc có nghĩa là Thần Lớn (Yang: thần, Prông: Lớn). Cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là Vị thần vĩ đại. Theo người Chăm, Yang Prông là vị thần cai quản mùa màng (như Thần Nông của người Kinh vậy).

 

Trước kia, trong tháp có thờ một bộ linga - yoni bằng đá để cầu mong thần phù trợ cho hằng năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn loài sinh sôi nảy nở (linga và yoni là tượng vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm). Trải bao thăng trầm của lịch sử, bộ linga đó đã bị mất. Trong tháp giờ có một ban thờ chính và ba ban thờ nhỏ. Đây là những ban thờ do người đời sau lập nên.

 

Sau tháp, cách không đầy 50m là dòng suối Ea H’Leo (suối này từ Ea H’Leo chảy về nên có tên như thế.) Nằm giữa rừng xanh, sau lưng là suối, đây quả là điểm khác thường trong việc chọn vị trí xây tháp của người Chăm bởi thường các tháp Chăm đều được xây dựng trên đồi cao, thoáng đãng, không bị che khuất tầm nhìn.

 

Hằng năm, vào những dịp lễ tết, bà con các dân tộc trong vùng vẫn đến đây hương khói, cúng tiến... cầu mong mọi sự an lành. Ngày 3/8/1991, tháp Chăm Yang Prông đã được Bộ Văn hóa - thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Tháp còn là điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước thường xuyên thăm viếng.(Nguồn: Website Bình Dương

)

 






Thăm lăng Mạc Cửu đẹp nhất Hà Tiên – Kiên Giang

người đăng admin | viết nhận xét

Lăng và đền thờ Mạc Cửu được xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi... được coi là danh thắng đẹp nhất đất Hà Tiên (Kiên Giang).

 

Đền thờ họ Mạc còn gọi là Trung Nghĩa từ (người địa phương gọi là miễu Ông Lịnh) tọa lạc trên đường Mạc Cửu, dưới chân núi Bình San, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đền được khởi đầu từ Tổng trấn Mạc Cửu, người có công khai phá và xây dựng vùng đất Hà Tiên hơn 300 năm trước.

Khu di tích thắng cảnh núi Bình San, còn gọi là núi Lăng, vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh họ Mạc. Từ chân núi đi lên, du khách sẽ gặp cổng đền thờ có hai câu đối do nhà Nguyễn ban tặng: “Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng, Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ, Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu).

Bên trong cổng là một khoảng sân rộng, tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Đối diện cổng là đền thờ Mạc Cửu, cột vuông, có hoành phi và liễn đối. Tại chánh điện có một biển thờ đề bốn chữ “Khai trấn trụ quốc”, là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước công đức mở mang bờ cõi ở phía Nam của dòng họ Mạc. Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.

Lăng và đền thờ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác, bên phải là Đại Kim Dự. Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến 3m, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, mộ có hình dáng như một con trâu nằm (thế tọa ngưu).

Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tích (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích (cũng giống như mộ cha, nhưng bài trí khiêm nhường hơn). Đi vòng theo chân núi chừng 3 km, du khách sẽ bắt gặp một ngôi chùa do Mạc Thiên Tích xây cho thứ thiếp là Phù Cừ tu hành. Đó là chùa Phù Dung.

Lăng Mạc Cửu là một trong những cảnh đẹp của Hà Tiên. Du khách đến viếng thăm Lăng sẽ được nghe những câu chuyện về dòng họ Mạc, một dòng họ có nhiều công lao trong việc khai thác và trấn giữ đất Hà Tiên. Ngày 21/1/1989, núi Bình San được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh quốc gia. Và để ghi nhận công lao của Mạc Cửu trong việc khai phá vùng đất Hà Tiên, cũng như kỷ niệm 300 năm vùng đất này được thành lập, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu cao 10 m, vào ngày 7/9/2008 tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu - thị xã Hà Tiên.(Nguồn: website báo Đất việt)






News for 12/05/2010


View all news for 12/05/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao