International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

24/05/2010 | RSS Feed

Đền Bạch Mã (Hà Nội) - Nơi thờ Thành hoàng đất Việt

người đăng admin | viết nhận xét

Với hơn 1.000 năm tuổi, đền Bạch Mã là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt có giá trị, là một trong những chứng tích quan trọng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cũng như đời sống tinh thần của Hà Nội ngay trong lòng phố cổ với nhiều nét đặc sắc về lịch sử và triết học, về vị Thần được thờ.

Theo truyền thuyết, đền Bạch Mã được Cao Biền xây năm 866 thờ thần Long Đỗ Vương. Năm 1010, sau khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho sửa sang lại đền bởi ngôi đền và thần Bạch Mã gắn liền với truyền thuyết xây thành của vua Lý Thái Tổ.

Theo sử sách ghi lại, năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và bắt đầu công cuộc xây dựng thành nhưng đắp thành nhiều lần không được, ba lần xây thành nhưng cứ xây xong lại đổ. Vua cho người đi hỏi dân chúng, mới biết ở đất này có hiển linh từ trước, vua bèn sai biện lễ cầu đảo.

Đêm ấy vua nằm mộng gặp Thần Long Đỗ tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp, tất sẽ thành công. Bấy giờ vua thấy Ngựa trắng từ đền ra, đi một vòng từ đông sang tây rồi lại quay về đền biến mất. Hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất bèn sai người cứ theo đó mà xây thành đắp lũy, quả nhiên xây tới đâu được tới đấy.

Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua bèn cho tạc tượng Ngựa trắng để thờ, sắc phong thần Long Đỗ làm “Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương” và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là “Bạch Mã linh từ” (đền thiêng Ngựa trắng).

Trải qua các triều đại, ngôi đền còn được trùng tu nhiều lần sau đó. Đây là một ngôi đền lớn quy mô bề thế còn lưu giữ được những nét kiến trúc đặc sắc thời Lý, Trần, Nguyễn.

Ðền có kiến trúc đẹp mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật cổ, rất đa dạng, phong phú và hấp dẫn thông qua các hoa văn họa tiết chạm trổ tinh xảo tại các bộ vì, cột, kèo, xà ngang được làm bằng gỗ quý và các chân đá kê hình lục giác, hình tròn.

Ðền còn lưu giữ được 15 tấm bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, quy định tuổi lên lão, thể lệ đóng góp, tập tục ăn uống, việc chúa Trịnh cho phép được miễn sưu dịch, tiền thuế để trông nom, chăm sóc đền. Ngoài ra đền còn giữ được nhiều sắc phong của các triều vua từ thời Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn, cùng nhiều hiện vật, đồ thờ tự quý hiếm khác. Ðền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986.

Tương truyền, đền Bạch Mã nổi tiếng linh thiêng. Thời ấy, ở cửa Ðông có mở chợ buôn bán. Phố phường bị hỏa hoạn, gió thổi mạnh cháy rất nhiều, duy chỉ có đền là không bị lửa bén tới. Vua lại gia phong cho hưởng lộc, các buổi lễ nghinh xuân đều được cử hành tại đây. Ðời Trần, ba lần phố Cửa Ðông bị cháy, lửa lan đến phố Hàng Buồm nhưng đền vẫn nguyên vẹn.

Lễ hội đền Bạch Mã hàng năm được tổ chức vào ngày 13/2 âm lịch. Nhưng năm nay Lễ hội diễn ra trong hai ngày 27 và 28/3 - tức ngày 12 và 13 tháng hai âm lịch, góp phần tạo không khí ngày hội đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Nét mới của lễ hội năm nay là mô phỏng lễ tiến Xuân Ngưu (tiến trâu vào tiết Lập Xuân). Lễ tiến Xuân Ngưu gồm hai ý nghĩa là tống tiễn mùa đông và đón nhận mùa xuân, cầu mong cho mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc, đây là một phong tục vừa có tính nghi thức cung đình lại vừa có tính tín ngưỡng dân gian của kinh thành Thăng Long một thuở.(
Nguồn: website Vietnamplus)






Những điểm tham quan lưu dấu Bác Hồ

người đăng admin | viết nhận xét


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, từng sống và làm việc ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Những nơi đó ngày nay đã thành những điểm tham quan hấp dẫn, là nơi lý tưởng để giáo dục đạo đức cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các thế hệ mai sau.


Quê Bác

Đơn sơ, mộc mạc và thân thương là những gì du khách cảm nhận được khi về thăm quê Bác: làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Một mái nhà tranh bình dị, một vườn cây trái xanh um là nơi nuôi dưỡng những kỷ niệm thời thơ ấu của Người. Nhiều du khách đã không cầm được nước mắt khi biết, trong suốt cuộc đời bận rộn vì dân vì nước, Bác chỉ về thăm quê được 2 lần. Sau 50 năm bôn ba vì đất nước, lần đầu về thăm quê, Bác nói: “Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi, nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”.

 
 

 

Trường Quốc học Huế

 

Được xây dựng từ năm 1896, bên dòng sông Hương hiền hòa, Trường Quốc học Huế được cả nước biết đến không phải chỉ bởi vẻ đẹp và lịch sử lâu đời mà còn bởi ngôi trường này là nơi cậu học trò Nguyễn Tất Thành đã từng học tập và hoạt động. Nơi đây, Người được tiếp thu văn hóa phương Tây, hiểu rõ hơn bản chất chế độ thực dân để từ đó quyết định vào Nam tìm đường cứu nước. Đây còn là nơi nhiều nhà cách mạng ưu tú của Đảng, các nhà văn hóa xuất sắc từng học tập như các đồng chí Trần Phú, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu… 

 
 

 

Trường Dục Thanh

 

Được xây dựng từ năm 1907, tại số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết, Trường Dục Thanh là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dạy học năm 1910. Khu di tích Trường Dục Thanh hiện được phục dựng theo trí nhớ của các cụ học trò ngày xưa, gồm các công trình kiến trúc tiêu biểu như: phòng học, nhà Ngư - nơi nội trú của học sinh, Ngọa Du sào…  Nơi đây còn giữ nhiều hiện vật, kỷ vật quý giá từng gắn bó với Bác như: án thư, nghiên mực, bộ tràng kỷ… Ngày nay, khu di tích Trường Dục Thanh là điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến thăm Bình Thuận.

 
 

 

Bến Nhà Rồng

 

Bến Nhà Rồng là di tích nổi tiếng ghi dấu sự kiện trọng đại trong sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: tại bến cảng này, ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Trévilles ra đi tìm đường cứu nước. Nơi đây ngày nay còn trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác và sự phát triển của thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh. Hàng năm, Bến Nhà Rồng thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

 
 

 

Khu di tích Pắc Bó (Cao Bằng)

 

Sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác Hồ về nước, qua cột mốc số 108 tại huyện Hà Quảng - Cao Bằng, để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam. Bác chọn Pắc Bó là nơi bí mật để ở và hoạt động trong thời kỳ này. Nơi đây phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, quanh năm mây phủ. Non nước và tình người Cao Bằng đã chở che cho nhiều cán bộ cách mạng, đặc biệt là Bác Hồ. Đến với Pắc Bó, du khách được thăm hang Cốc Bó, hang Bo Ban, lán Khuổi Nậm, bãi Cò Rạc, núi Các Mác và suối Lê Nin, suối Nậm… Bài thơ nổi tiếng Tức cảnh Pắc Bó của Bác cũng ra đời nơi đây:

‘‘Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

 

Những kỉ vật gắn liền với quá trình hoạt động của Bác như chiếc máy đánh chữ, đôi dép cao su và các vật dụng sinh hoạt khác đang được lưu giữ trong nhà trưng bày tại khu di tích Pắc Bó. Ngày nay, Pắc Bó trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng, một địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn các đoàn khách trong và ngoài nước.

 
 

 

Thủ đô kháng chiến Tân Trào

 

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km, với diện tích chừng 6.633ha, khu di tích lịch sử Tân Trào tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ lâu đã được nhiều người biết đến. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tân Trào trở thành trung tâm đầu não của cách mạng Việt Nam, là thủ đô của kháng chiến. Nơi đây có một quần thể các di tích gắn liền với lịch sử cách mạng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945 như di tích đình Tân Trào, nơi Quốc dân Đại hội quyết định lệnh tổng khởi nghĩa và quy định Quốc kỳ, Quốc ca; lán Nà Lừa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6 đến 8/1945: cây đa Tân Trào nơi diễn ra lễ xuất quân của Quân giải phóng trong cuộc tổng khởi nghĩa do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy…

 
 

 

Cụm di tích: Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình

 

 

Đến thăm Hà Nội, hầu như không đoàn khách nào bỏ qua cụm di tích nằm liền kề nhau: Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình. Quảng trường Ba Đình là nơi Bác đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945; Phủ Chủ tịch là nơi Bác làm việc trong thời gian 15 năm (1954-1969), có vườn cây, nhà sàn, ao cá của Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh thể hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Và tại đây, tâm điểm hướng đến của mọi người con nước Việt chính là Lăng Bác, nơi vị cha già dân tộc như vẫn còn sống mãi với thời gian.

 

(Nguồn: website báo Phụ Nữ)





Nét đẹp chùa Khôsa Răngsây (Cần Thơ)

người đăng admin | viết nhận xét

Chùa Khôsa Răngsây, còn gọi là chùa Viễn Quang, tọa lạc tại số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đây là một địa điểm tín ngưỡng không chỉ của bà con Khmer, mà của cả người Việt quanh vùng.


Chùa có diện tích khá hẹp, chỉ khoảng 150m2. Bên trái là dãy Đông lang Sala (trai đường), một trệt một lầu, có diện tích sử dụng 200m2, phía sau là nhà khói 100m2. Bên phải là dãy Tây lang, cũng một trệt một lầu, còn phía trước là thất trụ trì, phía sau dùng làm nơi ở trọ của học sinh, sinh viên người Khmer ở các tỉnh lên trọ học.
Năm 2007, ngôi chánh điện được trùng tu, tôn lên thành một trệt, ba lầu và một tầng chóp tháp, diện tích sử dụng tăng lên đến 800m2. Bên ngoài chùa có trang trí nhiều hoa văn như rồng Angkor cách điệu uốn lượn ở các bao lam mặt trước chánh điện, đầu rồng Ăngkor - tiên nữ Keynor - chim Thần Krud nâng đỡ các đà và mái, phù điêu thần Chằn Ha-nu-man, nữ thần Tép-pa- nom, Phanhi lửa (lửa tam muội).
Hoa lá cách điệu được trang trí đắp nổi hợp lý ở các cột, bao lam, vách tường chung quanh chùa... Nhìn chung, cách trang trí vừa giữ được nét kiến trúc độc đáo đặc thù của bản sắc văn hóa Phật giáo Khmer, vừa hiện đại nhờ sự hòa điệu giữa những nét đặc thù của Ăngkor và Khmer Nam bộ.
Bên trong ngôi chánh điện, tầng trệt được sử dụng làm phòng hội họp, tiếp khách, để xe... Trên tầng một, từ cổng qua sân lên bậc tam cấp đi vào là hậu điện, nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống Chol Chnam Thmay, Đonta... Nơi đây, điện thờ tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 1,7 mét, ngồi trên bục cao 2 mét, bên dưới an trí một tượng Đức Phật nhập niết bàn dài 1,6 mét và bảy pho tượng Đức Phật khác (một tượng nằm, bốn tượng đi bát, có hai tượng bằng đá cẩm thạch) và hai tượng ngồi.
Tầng hai, cũng ở hậu điện, là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo Nam tông Khmer như lễ Phật đản, lễ Phật định... Điện thờ được tôn trí một tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng cao 1,6 mét, ngồi trên bục cao 2 mét được rước từ Thái Lan về. Bên dưới an trí thêm tám pho tượng Phật nhỏ, trong đó có một tượng ngồi và hai tượng đi bát bằng đá cẩm thạch (cả năm pho tượng bằng đá cẩm thạch và một tượng Phật nhập diệt đều được rước từ Campuchia về).
Tầng ba là chánh điện, nơi hành lễ thọ giới xuất gia, Sa di, Tỳ khưu, lễ Dâng y Kthina, dâng bông và các nghi lễ tăng sự..., đồng thời là nơi ngồi thiền của các vị chư tăng, phật tử. Điện thờ chính được tôn trí bằng ba bậc tam cấp. Bậc cao tôn tượng Đức Bổn Sư bằng đồng cao 2,5 mét, cũng được rước từ Thái Lan về. Hai bậc dưới an trí thêm nhiều tượng Phật nhập niết bàn, đi bát...
Cả ba tầng chùa Khôsa Răngsây có 12 bộ cửa sổ bằng gỗ, được các nghệ nhân chạm khắc thành 12 bức phù điêu tuyệt đẹp, mỗi bức mang một nội dung truyền thuyết dân gian, chẳng hạn sự tích Phật giáo, tích truyện Riêmkê, nữ thần Têpanom...
Các cột trụ trong chánh điện tầng một và tầng hai, phần chân và phần đầu đỡ sàng đều được đắp hoa văn Phanhi lửa, cột trụ tầng ba đắp nổi hoa văn Ăngkor toàn thân. Riêng ở tầng hai và tầng ba, chân tường hai bên đều gắn phù điêu nữ thần Têpanom - Phanhi tes cộng với Phanhi Phlơn.
Vách tường hai bên của tầng ba, trang trí bằng 16 bức tranh vẽ, minh họa cuộc đời của Đức Phật từ đản sanh đến nhập niết bàn. Vách ngoài tầng hai và tầng ba đều đắp nổi hoa văn Đos-chanh Ăngkor, trên đầu cửa đi và cửa sổ (còn gọi là Sum cửa) có hoa văn Ăngkor kết hợp với hoa văn Hiêl (tên người sáng tạo ra hoa văn này).
Chùa Khôsa Răngsây kể từ ngày khởi lập đến nay vừa tròn 62 năm, là nơi bảo tồn nét đẹp văn hóa Khmer truyền thống Nam bộ và cũng là nơi để khách thập phương đến đây viếng thăm, cúng bái.(Nguồn: Website Tuổi Trẻ)






Ngoạn cảnh động Vân Trình (Ninh Bình)

người đăng admin | viết nhận xét

Động Vân Trình là một động lớn có thể xếp vào loại đẹp nhất ở Ninh Bình. Động nằm trong núi Mõ thuộc xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan. Động đã được ngành Du lịch Ninh Bình đưa vào khai thác đón khách theo tour du lịch Kênh Gà – Vân Trình.

 


Động nằm trong một quả núi cao hơn trăm mét. Cửa vào động ở lưng chừng núi, cao khoảng 40 m so với mặt đất. Du khách theo tour du lịch vào thăm động sẽ đi bằng thuyền từ bến sông Hoàng Long. Từ thành phố Ninh Bình có thể đi đến động theo trục đường bê tông từ hồ Kỳ Lân đến khu du lịch Tràng An kéo dài.

Động Vân Trình được ví là Phong Nha – Kẻ Bàng thứ hai của Việt Nam. Với diện tích hơn 3.500m2 chia làm hai hang động là hang Cả và hang Hai nằm so le nhau, một cao một thấp, được ngăn cách bởi những tấm nhũ đá bình phong. Đến đây du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những tấm nhũ đá với hình thù kỳ lạ, những cột tháp đôi bằng nhũ đá vươn lên đến trần động mà du khách thường ví như những cột chống trời.

Ngay cửa động nhìn lên là một lỗ thủng nhỏ thông với không gian bên ngoài, đó là giếng trời. Nếu đến đây vào mùa hè đúng 12 giờ trưa, từ lỗ thủng đó sẽ chiếu ánh mặt trời xuống phiến đá trước cửa hang tạo ra ánh sáng huyền ảo trong vòng 10 đến 15 phút, cảm giác thật tuyệt vời như lạc vào một thế giới huyền bí nào đó. Sau mỗi bước đi du khách lại phát hiện ra những hình tượng mới lạ, đẹp mắt sau mỗi tấm nhũ đá.

Bước tiếp xuống hang Cả, không gian trong động cứ như mở ra với những bức tranh được tạo hoá sắp đặt đẹp đến ngỡ ngàng. Nổi bật nhất trong những bức tranh tiên cảnh ấy chính là bức “Anh hùng hội ngộ” cao 7m rộng hơn 1m với hình tượng bốn con linh thú: Long, Lân, Quy, Phụng. Ngược lên hang là tháp bút như hai cây nến lớn song song chiếu sáng cho cả nơi đây. Là một trong những nơi vẫn còn lưu giữ được nét đẹp sơ khai, hữu tình, động Vân Trình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng.(Nguồn: Website SGTT

)






Khám phá hang động Bo Cúng (Thanh Hóa)

người đăng admin | viết nhận xét

Từ khi được người dân địa phương phát hiện đến nay, mỗi năm hang động Bo Cúng ở bản Chanh, xã Sơn Thủy, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (cách TP Thanh Hóa gần 190km) thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đây là một trong những điểm đến du lịch sinh thái, khám phá hang động hấp dẫn nhất xứ Thanh hiện nay.


Một hang động kỳ vĩ

Theo người dân địa phương, năm 2008, bà con bản Chanh tình cờ phát hiện hang động Bo Cúng khi đi tìm một con dê lạc đàn trên núi. Nghe tiếng dê kêu trong hốc đá, những người đàn ông trong bản đốt đuốc chui vào thì thấy một hang động rất rộng với nhiều nhũ thạch hình thù sinh động và rất đẹp.

Càng đi sâu, hang càng dài hun hút, rộng mênh mông. Đặc biệt, trong hang có nhiều mó nước (vũng nước) trong vắt, tinh khiết và có cả tôm sinh sống. Vì vậy, đồng bào dân tộc Thái nơi đây đã đặt tên cho hang này là Bo Cúng (tiếng dân tộc Thái có nghĩa là mó tôm). Khách tham quan có thể dùng nước rửa mặt và uống.

Hang động Bo Cúng dài khoảng gần 1km, nhiều ngách hang chưa khám phá hết. Chiều rộng của hang động này dao động từ 20-50m. Trong hang có rất nhiều nhũ đá đủ màu sắc, kích thước và hình dạng khác nhau, nhiều cột nhũ giống tượng phật, cột chống trời, chim đại bàng; hay những chùm đèn trong các tòa lâu đài tráng lệ, suối tóc của cô gái uốn lượn ôm eo, dài đến gót...

Dọc lối đi trong hang, dưới nền đất còn có một bãi đá nhỏ, các viên đá tròn như những viên bi rải đều khắp nơi. Phía dưới bãi đá là các thửa có bờ, trông giống như những thửa ruộng bậc thang của đồng bào Thái.

 

 

Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch

Ngay sau khi người dân địa phương phát hiện hệ thống hang động Bo Cúng, UBND huyện Quan Sơn đã triển khai phương án bảo vệ nguyên trạng, cấm mọi hình thức xâm hại đến hang động này. Năm 2009, UBND huyện làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng công nhận hang động Bo Cúng ở bản Chanh là danh lam - thắng cảnh cấp tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Quan Sơn xây dựng khu hang động này trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn.

Bà Lương Thị Ngoan - phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: "Được sự đồng ý của các cơ quan chức năng cấp tỉnh, UBND huyện đã mở rộng cửa hang động Bo Cúng, đầu tư 100 triệu đồng lắp đặt máy thủy điện nhỏ ở suối Xia để đưa điện vào hang, cung cấp ánh sáng phục vụ du khách mỗi khi tham quan, khám phá được thuận lợi. Bên cạnh đó, đồng bào ở địa phương đã tình nguyện san lấp, mở rộng tuyến đường từ đường nối các huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa vào tận cửa hang Bo Cúng và làm chiếc cầu khỉ bằng gỗ bắc qua suối Xia để du khách đi lại thuận tiện, dễ dàng".

Hiện UBND huyện Quan Sơn cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, chào mời các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch tại khu vực hang động Bo Cúng, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách...

Với đường giao thông đi lại thuận tiện, hang động Bo Cúng chỉ cách quốc lộ 217 khoảng 6km, nằm trên tuyến đường nối các huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa mà Chính phủ đang đầu tư xây dựng hiện đại.

Dọc tuyến quốc lộ 217 ở Quan Sơn, ngoài điểm tham quan hang động Bo Cúng, du khách có thể tham quan danh thắng cầu Phà Lò - nơi dân quân địa phương bắn rơi máy bay Mỹ ngày 16-7-1966; thăm động Nang Non, cửa khẩu quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi; dâng hương tưởng niệm Tư Mã Hai Đào - vị tướng tài thế kỷ XVIII đã có công trấn giữ, bảo vệ vùng biên cương phía tây Thanh Hóa tại đền thờ ông ở bản Chanh (xã Sơn Thủy).

Ngoài ra, đến đây, du khách còn được thưởng thức những điệu múa, điệu khặp, khua luống, cồng chiêng và các món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng của đồng bào dân tộc Thái địa phương.(Nguồn: Website Tuổi Trẻ

)

 






Chùa Yên Đông - danh lam cổ tự Quảng Ninh

người đăng admin | viết nhận xét

 

Chùa Yên Đông, xã Yên Hải (Yên Hưng) vốn được biết đến là một trong số ít những ngôi chùa cổ tương đối nguyên vẹn ở Quảng Ninh. Chùa được xây dựng khá sớm, khoảng cuối thế kỷ 15.


Tấm bia "Yên Đông tự bi ký" khắc năm 1590 đã ca ngợi địa thế ở đây là được tứ khí chung đúc, sông, núi, gò, đồng bốn phía đủ cả thanh long, bạch hổ, huyền vũ, chu tước, là nơi đệ nhất danh thắng xứ Hải Đông... Tuy chỉ là ngôi chùa làng nhưng ngay từ khi mới xây dựng, chùa đã có toà thượng điện, hậu điện uy nghiêm, cảnh chùa không lúc nào vắng tiếng chuông ngân, phật tử quy y, tăng ni, trụ trì đều hướng thiện vào cõi Phật. Và càng ngày chùa Yên Đông càng trở nên đông đúc phật tử tới viếng thăm. Đặc biệt theo các tư liệu tìm thấy tại chùa đều khẳng định các sư trụ trì chùa đều là những người học rộng, hiểu sâu, dốc lòng quy Phật.

 

Trải qua gần 500 năm, chùa Yên Đông đã nhiều lần được trùng tu làm cho cảnh chùa thay đổi nhiều, song cốt cách, nét cổ kính, rêu phong của một ngôi chùa cổ thì vẫn được giữ lại. Kiến trúc chùa hiện tại gồm chùa chính kiểu chữ Đinh, 5 gian bái đường và 3 gian hậu cung, nhà tổ, nhà khách, nhà ni, tam quan, vườn tháp, sân chùa... đều nằm trong một khuôn viên rộng rãi.

 

Chùa Yên Đông không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc mà hệ thống hiện vật cổ với số lượng khá lớn cũng thực sự có giá trị. Hiện chùa vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn bộ tượng Phật, đồ thờ tự, bia đá quý, bao gồm tổng thể 110 hiện vật. Tượng Phật và đồ thờ tự ở đây được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, mềm mại mà vẫn khoẻ khoắn, dứt khoát. Đặc biệt các tượng thờ được tạo hình khá đa dạng, thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau, mang đậm bản sắc văn hoá Việt. 8 pho tượng gỗ mang dấu ấn điêu khắc gỗ thời Mạc, có thể nói là những hiện vật quý và tiêu biểu nhất của chùa Yên Đông, với hình dáng, bố cục cân đối, đường nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

 

2 tấm bia đá thời Mạc cũng là những tác phẩm điêu khắc độc đáo với hình tượng rồng uốn lượn, điểm xuyết vân xoắn, đao mác, hoa lá - một đặc trưng riêng của thời Mạc mà ít chùa có được. Ngoài ra chùa Yên Đông còn giữ được một bát hương sứ to từ thời Lê, 27 pho tượng gỗ thời Nguyễn, 1 cửa võng gỗ chạm trổ với nhiều hoạ tiết trang trí sinh động, 16 tấm bia đá, 1 toà cửu long bằng đồng và 1 chuông to đúc năm Minh Mệnh thứ 13, cùng nhiều đồ thờ tự thời Lê, thời Nguyễn rất đẹp.

 

Có thể nói với hệ thống các hiện vật còn lưu giữ được, chùa Yên Đông ngày nay góp phần đáng kể trong công tác nghiên cứu khoa học và bảo lưu nền điêu khắc cổ của dân tộc, làm phong phú thêm kho tàng tài sản hiện vật quý giá của vùng đất Hà Nam (Yên Hưng) nói riêng, Quảng Ninh nói chung.(Nguồn: Báo Quảng Ninh

)

 







News for 13/05/2010


View all news for 13/05/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao