International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

07/12/2010 | RSS Feed

Chùa Phước Minh Cung (Trà Vinh): Di tích kiến trúc nghệ thuật cổ của người Hoa

Người đăng admin | Viết nhận xét

Trà Vinh - một thị xã xanh và cổ kính vào loại bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành là thành phố trực thuộc tỉnh. Ở Trà Vinh không chỉ có các danh thắng đẹp như Ao Bà Om, Biển Ba Động, những con đường rợp mát bóng cây sao, dầu, me cổ thụ hàng trăm năm tuổi mà còn có nhiều công trình kiến trúc cổ mang đậm nét văn hóa của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sống chan hòa cùng nhau từ thuở “khai đất lập làng”.

Trong số 14 di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng, chùa Phước Minh Cung là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo - một “biểu tượng” văn hóa đáng tự hào của hơn 10 vạn đồng bào Hoa đang sinh sống tại địa phương.

Từ cửa ngõ TP. Trà Vinh đi vào trung tâm nội ô khoảng 3 km, chùa Phước Minh Cung nằm uy nghi bên đường Điện Biên Phủ, vươn mái cong vút rực sắc đỏ, vàng. Hiện nay, không còn tư liệu nào ghi chép về lịch sử ngôi chùa. Tuy nhiên, trong chùa vẫn còn lưu giữ 2 bia ký, một bằng đá và một bằng gỗ có khắc chữ Hán: “Phước Minh Cung – Phước Kiến toàn thể kiến thiết nhất ngũ lục niên”. Theo bia ký này thì ngôi chùa có thể được tạo lập vào năm Bính Thìn 1556. Những năm đầu thế kỷ 20, Phước Minh Cung đã được cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Trà Vinh biết đến là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Người dân trong tỉnh quen gọi Phước Minh Cung với cái tên là chùa Ông. Bởi Phước Minh Cung cũng giống như nhiều ngôi chùa của người Hoa thờ tự vị thần chính là Quan Công. Quan Công có tên thật là Quan Vũ tự Quan Vân Trường và còn gọi là Quan Đế, Vũ Đế, Xích Đế. Ông sinh năm 162, ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc và mất năm 219. Quan Công là nhân vật nổi tiếng thời Tam quốc hậu Hán, hội đủ các đức tính trung dũng, nghĩa tình độ lượng và công minh chính trực.

Phước Minh Cung được kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Chùa gồm 3 tòa nhà nằm ngang song song với nhau gồm Tiền điện, Trung điện và Chính điện. Dọc hai bên ngôi chùa là hai dãy Tả điện, Hữu điện hướng vào 3 tòa nhà tạo thành một công trình khép kín hình chữ Khẩu. Mái chùa được thiết kế theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” lợp ngói âm dương, diềm mái bằng ngói táng tráng men màu xanh ngọc. Trên các gờ mái, mặt dựng đầu hồi được trang trí Lưỡng long tranh châu, Bát tiên, tứ linh, muông thú... Khung sườn chịu lực đỡ lấy ngôi chùa là những cột tròn và vuông bằng loại gỗ quý. Chân các cột được kê bởi những tảng đá hình cánh sen, bát giác. Tiền diện của Phước Minh Cung có thể nói là đặc sắc về tính mỹ thuật với 3 cửa ra vào: Chính môn, Tả môn, Hữu môn. Cửa chính hơi lùi vào trong được thiết kế theo kiểu ô hộc, phía trong 2 bên có 2 cửa phụ tạo thành “Ngũ môn kín”. Cửa chính được làm bằng gỗ với 4 cánh được trang trí hình tượng hai vị môn thần Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung. Hai bên vách là 2 bức phù điêu Thanh long, Bạch hổ. Ở giữa bên trên là biển đại tự Phước Minh Cung cùng các mảng phù điêu với đề tài Song tiền; Kết nghĩa đào viên của ba huynh đệ Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi; Tứ dân (sĩ, nông, công, thương); điển tích cổ Trung Quốc cùng bao lam Lưỡng phụng tranh châu. Trên các rường cột đều được chạm trổ sắc sảo họa tiết Long, Lân, hoa lá và tiểu tượng Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa là 2 vị tiên trong Bát tiên.

Ngôi Chính điện là nơi quan trọng nhất về sự tín ngưỡng gồm có ba gian thờ: Quan Thánh Đế Quân, Mẹ Thai Sanh và Phước Đức Chính Thần. Các gian thờ này đều được chạm khắc đẹp, tỉ mỉ và bày trí thật hài hòa, toát ra vẻ uy nghiêm. Gian giữa thờ Quan Thánh Đế Quân, khánh thờ được sơn phết, chạm khắc rất tinh xảo. Kỹ thuật chạm khắc được sử dụng chạm thủng, chạm bông, chạm nổi với mảng đề tài Lưỡng long tranh châu, Long vân, Hoa điểu... Ở gian trái là nơi thờ Mẹ Thai Sanh hay Chúa Sinh Nương Nương hoặc Kim Huê Thánh Mẫu. Khánh thờ ở đây được chạm hình Lượng long tranh châu cùng câu đối:

“Chúa chí đào hoa kết thành kim phượng vũ

Sinh hương tự triện thổ xuất ngọc long phi”

Riêng ở gian phải là nơi thờ Phước Đức Chính Thần hay còn gọi là Thần Tài. Khánh thờ có bốn chữ Hán là Phước Đức Chính Thần và câu đối:

“Phước đức bảo ngã tử tôn an thả kiết

Thần đàn vi dân phụ mẫu thọ nhi khang”.

 

Nội thất ngôi chính điện được bố trí ba dãy gồm bàn thờ, tượng thờ, bàn thờ ngũ sự, bàn thờ hoa quả cùng hai bộ nghi trượng. Đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chạm trỗ thật độc đáo, rất hiếm thấy hiện nay. Nói chung, Phước Minh Cung là công trình kiến trúc còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Hoa rất đáng được gìn giữ và chiêm ngưỡng.

 

Tháng 11/2005, Phước Minh Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật. Nhiều năm nay, Phước Minh Cung đã đón khá nhiều khách đến tham quan cúng bái, nhất là vào dịp lễ, hội của đồng bào Hoa, Tết Nguyên đán.(Nguồn: website báo Cần Thơ

)







Các tin khác


Xem tất cả các tin




Tin trong ngày


Xem tất cả các tin




Tin mới nhất




Tin đã đăng

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam