International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

26/10/2010 | RSS Feed

Di tích lịch sử Văn miếu Hưng Yên

người đăng admin | viết nhận xét

Văn Miếu Hưng Yên còn gọi là Văn miếu Xích Đằng (vì được xây dựng trên đất làng Xích Đằng), nguyên xưa là Văn Miếu của Trấn Sơn Nam (căn cứ vào Khánh, Chuông của di tích), nhưng đến năm 1831, tỉnh Hưng Yên được thành lập thì Văn miếu Hưng Yên thuộc hàng tỉnh.

 

Văn miếu Hưng Yên được khởi dựng từ thế kỷ XVII và được trùng tu, tôn tạo lớn vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839), đời vua Nguyễn Thánh Tổ (1820 - 1840), trên nền của chùa làng Xích Đằng, xã Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động xưa, nay là phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Dấu tích còn lại đến ngày nay là 2 tháp đá: Phương Trượng Tháp và Tịnh Mãn Tháp. Hiện tại Văn miếu đang thờ Đức Khổng Tử, người được suy tôn là "Vạn thế sư biểu", và các chư hiền của nho gia. Cùng thờ với Khổng Tử là Chu Văn An, người thầy giáo, người hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc Tử Giám. Năm 1992, Văn miếu Hưng Yên được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử.

Văn miếu có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu "Trùng thiềm điệp ốc". Mặt tiền Văn miếu quay hướng Nam, cổng Nghi môn được xây dựng đồ sộ, bề thế, mang dáng dấp cổng Văn miếu Hà Nội. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu. Khu nội tự gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung, kiến trúc giống nhau, được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn. Toàn bộ khu nội tự Văn miếu tỏa sáng bởi hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng và hệ thống kèo cột đều được sơn thếp phủ hoàn kim rất đẹp.

Hiện vật quý giá nhất của Văn miếu là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ 161 vị đỗ đại khoa ở Trấn Sơn Nam thượng ngày xưa (trong đó tỉnh Hưng Yên có 138 vị, tỉnh Thái Bình 23 vị) thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê đến Nguyễn. Học vị cao nhất là Trạng nguyên Tống Trân (người thôn An Cầu, huyện Phù Cừ) đời Trần; Trạng nguyên Nguyễn Kỳ (người xã Bình Dân, huyện Đông An) triều Mạc; Trạng nguyên Dương Phúc Tư (người xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm) triều Lê. Chức vụ cao nhất là tiến sĩ Lê Như Hổ, Quận công triều Mạc. Ngoài ra còn có một số dòng họ đỗ đạt cao như họ Dương ở Lạc Đạo (Văn Lâm); họ Vũ, họ Hoàng ở Ân Thi; họ Lê Hữu ở Liêu Xá (Yên Mỹ)...; một số huyện có nhiều nhà khoa bảng như: Văn Giang, Ân Thi, Yên Mỹ, Tiên Lữ, Kim Động... 

Văn miếu xưa kia có 2 mùa lễ hội, trọng hội là ngày 10/2 và ngày 10/8 hàng năm. Cứ vào các ngày trọng hội, các vị nho học và quan đầu tỉnh phải đến Văn miếu tế lễ để thể hiện nề nếp nho phong, tôn sư trọng đạo, làm gương cho con cháu, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ.

Ngày nay, hằng năm cứ vào ngày đầu xuân tại Văn miếu có tổ chức sinh hoạt văn hóa, đó là tổ chức tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù, từng bước khôi phục lại lễ hội xưa. Ngoài ra vào mùa thi, thanh thiếu niên, học sinh về Văn miếu tìm hiểu truyền thống hiếu học của cha ông và thắp nhang cầu mong cho sự học hành ngày càng phát triển. 

Để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của con người và cũng là hòa đồng với sự phát triển chung của xã hội. Văn miếu Hưng Yên đang được quy hoạch với quy mô khá hoàn thiện với tổng diện tích gần 6 ha. Năm 2004, tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình như vốn có của di tích, được phân thành các khu chức năng khác nhau, như: Văn hóa khuyến học, khu Đền Lạc Long Quân, khu văn hóa, khu Chùa Nguyệt Đường, khu Hồ Văn, Đầm Vạc. Các công trình dần được phục hồi và tôn tạo để Văn miếu Hưng Yên trong tương lai gần sẽ trở thành một trung tâm khuyến học và điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên.(Nguồn: website báo Hưng Yên)





Phú Ninh - vịnh Hạ Long thu nhỏ ở miền Trung

người đăng admin | viết nhận xét

Khu Du lịch sinh thái Phú Ninh nằm về phía Tây, cách thành phố Tam Kỳ 7 km, là vùng sinh thái đa dạng có tổng diện tích trên 23.000 ha. Trong đó, diện tích mặt hồ hơn 3.400 ha, có 30 đảo nhỏ và bán đảo xinh đẹp.

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, phong cảnh kỳ thú, độc đáo, không khí trong lành, mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đa dạng... là những nét hấp dẫn để Phú Ninh thu hút du khách và được ví như Hạ Long thu nhỏ ở miền Trung.

Công trình đại thủy nông Phú Ninh được hoàn thành vào năm 1986, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu ở thị xã Tam Kỳ và một số địa phương lân cận. Ngoài nguồn thủy năng của nhà máy thủy điện Phú Ninh, đạt hằng năm từ 1,5 triệu KWh đến 3 triệu KWh, mỗi năm tại nơi này, người ta còn thu hoạch hơn 80 tấn cá các loại. Đặc biệt, tại lòng hồ Phú Ninh, còn có mỏ nước khoáng nóng tự nhiên với nhiều nguyên tố vi lượng, giúp kích thích tiêu hóa, sảng khoái tinh thần, điều trị một số bệnh về cơ, khớp, gan, mật...

Chưa hết, Phú Ninh còn là nơi bảo tồn hàng trăm loài thực vật và dược liệu quý cùng hệ động vật phong phú, với nhiều loài thú quý hiếm như sói đỏ, khỉ mặt đỏ, gấu, sơn dương... Với một hệ động thực vật phong phú, đa dạng, quần thể rừng và hồ nước này đang được ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam làm hồ sơ xin công nhận là Khu Bảo tồn thiên nhiên.

Bao quanh lòng hồ là những núi non, phi lao, bạch đàn, thông caribê tươi tốt in bóng lung linh xuống mặt hồ. Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, không khí trong lành, non nước hữu tình giúp bạn quên đi bao căng thẳng, mệt mỏi và phiền muộn đời thường. Thấp thoáng trên những hòn đảo rợp bóng cây là những nhà nghỉ đẹp, hài hòa cùng cảnh trí thiên nhiên, với các loài chim lạ. Những chiếc du thuyền nhẹ lướt trên mặt hồ tĩnh lặng, đưa du khách đi thăm cảnh hồ, đảo, điểm nước khoáng nóng... Bạn có thể vừa đi dạo trên thuyền vừa nhìn ngắm đàn khỉ chuyền cành hay nghe chim hót trong những khu rừng cổ thụ.

Ngoài ra, bạn còn có dịp tham quan, tìm hiểu chiến thắng Đồi đá đen lừng lẫy trong kháng chiến chống Pháp, mô hình tổng thể toàn bộ khu sinh thái Phú Ninh.

Đảo Rùa, đảo Khỉ, hố Khế, hố Ba Trăng, bến Đợi Chờ... đều để lại ấn tượng khó quên cho du khách. Nếu có dịp ghé thăm đảo Su (do người Pháp trước đây có trồng cây cao su), bên những bậc đá rêu phong, rừng già nguyên sinh im ắng, những dây "huyết chó” cổ thụ uốn lượn như những con trăn khổng lồ, có thể "chở" được vài người đánh võng.

 

Một giấc ngủ say sau hành trình khám phá thiên nhiên, du khách thức dậy và tắm mình trong nước khoáng ấm áp hay trong làn nước hồ trong xanh. Khi ánh bình minh tỏa xuống lòng hồ, những chiếc thuyền máy của khu nhà nghỉ sẽ đưa bạn đi thăm nguồn nước khoáng Phú Ninh nổi tiếng, phun lên giữa lòng hồ, thăm đập nước, chùa cổ, miếu hoang với rêu phong cổ kính, u tịch, nằm chơ vơ bên bến sông.

 

Câu cá trên hồ Phú Ninh rất thú với các loại cá nuôi như rô phi, mè, trắm cùng với cá hoang dã như tràu, bống, trê... Khi màn đêm buông xuống, được ngủ đêm trên những con thuyền đầy đủ tiện nghi, chính là lúc bạn khám phá đêm trăng huyền ảo, lung linh trên sóng nước như dát vàng lồng trong bóng núi chập chùng.(Nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa)






Thăm chùa Ốc độc đáo ở Nha Trang

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm trên địa bàn thị xã Cam Ranh, cách trung tâm TP.Nha Trang 60 km, có một ngôi chùa độc đáo được xây dựng hoàn toàn từ vỏ ốc, vỏ sò. Đó là chùa Từ Vân hay còn gọi là chùa Ốc.

 

 Trong ngôi chùa này, ấn tượng nhất là tháp Bảo Tích. Tháp được xây dựng từ năm 1995, cao 39m, gồm 2 tầng, hoàn toàn bằng thủ công với chất liệu chính là đá san hô và được trang trí hoa văn từ vỏ sò, vỏ ốc. Tháp có 8 cửa gọi là cửa Bát Chánh đạo, xung quanh tháp lớn có 49 tháp nhỏ.

Ngoài tháp Bảo Tích, đến chùa Ốc, du khách còn được khám phá 18 tầng địa ngục được xây dựng với chiều dài 500m. Qua một chặng đường hầm dài tối đen, ẩm thấp, khúc khuỷu khách sẽ bước qua từng cửa ngục, chứng kiến những màn trừng phạt, tra tấn cho từng tội danh mà con người mắc phải khi đang còn sống. Đây cũng là một cách để nhắc nhở con người không phạm vào những việc làm sai trái ở đời.

 

 Hiện nay, nơi đây không chỉ là chốn tu hành thanh tịnh của các nhà sư, mà đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tìm đến thăm quan và chiêm ngưỡng.(Nguồn: website báo Tây Ninh)





Thác Sông Lẫm (Lào Cai) - vẻ đẹp hoang sơ

người đăng admin | viết nhận xét

 

Thác Sông Lẫm cựa mình trong lòng núi, xuyên qua các cánh rừng già mù sương rồi như lao vụt từ trên trời xuống tạo thành 3 tầng thác, 4 mùa tung bọt trắng xóa.


 

Trời chạng vạng tối, chúng tôi mới đến được thôn Sông Lẫm (xã Tả Củ Tỷ, Bắc Hà), chỉ có mấy nóc nhà nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi quanh năm mây phủ. Muốn lên đến được đỉnh thác Sông Lẫm phải có người dẫn đường vì đường lên rất nguy hiểm. Ông Lù Xuân Quang, 64 tuổi, dân tộc Nùng cho biết, ở thôn Sông Lẫm có 4 thác là Thác Nậm Khẳm, thác Sông Lẫm, thác Sáp ong và thác Con khỉ, trong đó đẹp và hùng vĩ nhất là thác Sông Lẫm này. Trước khi chúng tôi đến vài ngày, liên tiếp có mưa lớn, dòng thác no nước gầm lên vang trời. 

 

Truyền thuyết người Nùng kể rằng: ngày xưa người Nùng đi tìm miền đất mới, khu ở mới, đi mãi chỉ thấy thảo nguyên, núi cao không sống được. Một hôm đi đến gần vùng đất này (thôn Sông Lẫm) gặp trời mưa to, nghe một tiếng sấm nổ to trên đỉnh núi, mọi người nhìn lên thấy một thác nước lớn trên trời đổ xuống trắng xóa làm thụt cả một khu đồi, tạo thành một bãi khá bằng phẳng và còn lại một phần thác nước lớn vẫn còn chảy gọi là thác Sông Lẫm hiện nay.

Dưới chân thác có những phiến đá với nhiều hình thù kỳ lạ như các bức tượng điêu khắc, người dân bản trước đây cho rằng đó là các báu vật của trời ban tặng. Trong ánh hoàng hôn, chúng tôi đặt chân đến đỉnh thác Sông Lẫm. Ngọn thác thật hùng vĩ, đổ thẳng từ trên cao rồi hoà mình vào dòng dòng Nậm Khẳm hiền hoà, uốn lượn giữa đại ngàn. (Nguồn: Báo Lào Cai)





Huyền thoại hồ Hà Nội

người đăng admin | viết nhận xét

Hà Nội có hàng trăm hồ nước lớn nhỏ, được tạo nên từ những biến động địa chất hàng vạn năm của sông Hồng vùng hạ lưu. “Tụ thủy, tụ nhân”, đâu có hồ thì có người tụ họp. Cũng vì vậy mà Hà Nội được chọn là “đế đô muôn đời".


Đúng với cái tên “bên trong sông”, Hà Nội có "Nhĩ Hà nằm ở phía Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này", ngoài ra còn có các con sông cổ như Ngọc Hà, sông Tô và sông Nhuệ. Vùng đất bên trong các con sông, do phù sa bồi tụ không hoàn toàn, đã tạo nên nhiều vùng trũng và hình thành nhiều hồ, ao, chuôm.

 

Nổi tiếng nhất thuở xưa có 5 hồ, gọi là “ngũ hồ”, ứng với ngũ hành, gồm hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Ngọc Khánh, hồ Đồng Nhân.

Có lẽ trên cả nước, không có hồ nào kỳ lạ đến mức thiêng liêng như Hồ Gươm. Từng mang tên hồ Lục Thủy (nước xanh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (hướng về Phủ Chúa từ bên trái và bên phải), hồ Thủy Quân (nơi thao diễn quân đội), hồ Hoàn Kiếm (trả lại gươm thiêng)..., hồ Gươm thân thuộc với điển tích vua Lê Lợi trả gươm cho Long Quân sau khi chiến thắng quân Minh.

Nổi tiếng với nhiều huyền thoại, điển tích bậc nhất phải kể tới hồ Tây. Còn có tên gọi khác là Dâm Đàm, Hồ Tây là một hồ lớn, xưa ở phía Tây kinh thành, là dấu tích của sông Cái đổi dòng, nay nằm gọn trong lòng Hà Nội.

Một trong những huyền thoại gắn liền với Hồ Tây là thuyết trâu vàng. Tương truyền đời nhà Lý, ở nước ta có Nguyễn Minh Không sang Trung Quốc chữa bệnh cho con vua Tống. Để trả ơn, vua Tống cho phép Minh Không lựa vật báu theo ý thích và Minh Không chọn đồng đen (đồng đen được cho là “mẹ” của vàng).

Vua Lý sau đó đem đồng đen đúc thành chuông. Tiếng chuông vang xa ngàn trùng đến tận Trung Quốc. Nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng ở bên ấy lồng lên chạy đến khu rừng gần thành Thăng Long thì mất hướng đi, lồng lên đi tìm và giẫm nát cả một khu rừng, còn đất thì lún xuống thành hồ.

Một truyền thuyết khác kể rằng xưa kia ở núi đá Tản Viên, có hang cáo chín đuôi hay lên làm hại người dân. Thượng Đế liền sai Long Vương dâng nước phá hang cáo. Cáo chín đuôi bỏ chạy. Quân của Long Vương đuổi theo bắt cáo. Nơi cáo bị giết thịt trở thành cái đầm sâu gọi là đầm Xác Cáo mà ngày nay gọi là Hồ Tây.


Ngoài ra còn có huyền thoại về Bà Chúa Liễu Hạnh gặp gỡ và đàm luận văn thơ với trạng nguyên kỳ tài Phùng Khắc Khoan, do vậy đã để lại cho Hà Nội đời sau một phủ Tây Hồ linh thiêng, huyền ảo.  

Còn hồ Bảy Mẫu rộng mênh mông, nằm trong công viên Thống Nhất. Hồ này vốn rất lớn, đến đầu thế kỷ 20 làm đường mới cắt làm ba, sinh ra thêm hai hồ Thiền Quang (hồ Hale) và hồ Ba Mẫu.

Trong khi đó, hồ Ngọc Khánh xưa kia nghe nói là nơi luyện tập của thủy quân, còn hồ Đồng Nhân trước cửa đền Hai Bà Trưng khi xưa có hình bán nguyệt, nhưng nay đã bị phố xá lấn dần mặt hồ.

Ngoài ra, còn có hồ Linh Đàm (Đầm Mực) nằm ở ngoại thành Hà Nội. Tương truyền rằng đây là nơi trú ngụ của thần Lâm Đàm (thần Rồng), đã từng hóa thành cậu học trò theo học thầy Chu Văn An.

Gặp năm trời hạn hán, vì thương xót dân, thần hút mực trong các nghiên bút, phun lên trời cầu mưa, giúp người trừ hạn hán, làm cả mặt hồ đen ngòm như mực, do vậy bị Thiên Đình tức giận trị tội chết. Người dân nơi đây nhớ ơn, lập đền thờ Thần.

Hồ ban tặng cho Hà Nội một nét duyên riêng có. Người Hà Nội gắn bó với hồ, “bám” lấy hồ để rồi tạo nên cả một đời sống văn hóa ven hồ. 

Một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ hai cây số, với những Hàng Đào đầy vải, Hàng Đường ngọt ngào, hàng Tiện đầy quân cờ… Còn vòng quanh Hồ Tây có những 17 cây số, từng lưu giữ mấy làng trồng hoa và cây cảnh, mấy làng nuôi cá vàng và đánh cá đánh tôm, có cả chợ bán lưới (Võng Thị). 


Hà Nội bước sang tuổi 1.000, cuộc sống bên hồ vẫn thật dung dị, nhất là ven hồ Hoàn Kiếm. Người ta vẫn thấy thanh niên hẹn hò, học sinh vui chơi, người lớn tuổi tập thể dục, chơi cờ tướng…  như một nét duyên riêng có của đất Hà thành.(Nguồn: website NLD)





Những thác nước hùng vỹ của núi rừng Tây Nguyên (Gia Lai)

người đăng admin | viết nhận xét

Gia Lai có nhiều thác nước hùng vỹ. Tiêu biểu trong số này gồm có: Thác Phú Cường, thác Công Chúa, thác Ya Ma - Yang Yng, thác la Nhí, thác Lệ Kim, thác Bầu Cạn...

 

Thác Phú Cường

Thác thuộc xã Dun huyện Chư Sê, cách TP.Pleiku 45km về phía Tây Nam, thác có độ cao cột nước khoảng 45m, đã từ lâu thác Phú Cường được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên, thảm thực vật xanh tốt, nằm trên dòng chảy suối La Peet đổ ra sông Ayun về hạ nguồn xuống hồ Ayun Hạ. Khu vực thác Phú Cường đang được ngành du lịch lập quy hoạch chi tiết cho phát triển du lịch.

 

Thác Công Chúa

 

Thác thuộc xã la Mơ Nông huyện Chư Pah, cách TP.Pleiku 50km về phía Tây Bắc, đây là một thác nước tự nhiên tuy không cao, nhưng địa hình rất đẹp. Thác nước được dàn trải bởi nhiều tầng đá thấp theo chiều xuôi xuống, với những bậc lên xuống dễ dàng, nước chảy không dữ dội mà êm đềm. Với vẻ đẹp lãng mạng của mình, thác Công Chúa đúng như tên gọi của nó như một nàng Công Chúa giữa chốn rừng xanh.

 

Thác Ya Ma - Yang Yung

 

Cách thị trấn Kông Chro 3km, cách TP.Pleiku 120 km về phía Đông, đây là hai thác nước được tạo bởi khúc gấp của sông Ba đoạn ngang qua thị trấn kông Chro. Thác Ya Ma (còn gọi là thác nhỏ) nước chảy êm dịu, tạo thành những bậc đá nối tiếp nhau, đi bộ dọc chiều dàu dòng chảy của sông 3km ta gặp một thác nước khác có cột nước cao hơn, như được nứt ra từ giữa dòng sông, tạo thành hai vách đá dựng đứng hai bên, đó là thác Yan Yung (còn gọi là thác lớn).

 

Thác Lệ Kim

 

Thuộc địa bàn xã la Tô, là một thắng cảnh đẹp của huyện la Grai, cách trung tâm tâm huyện khoảng cách 15 km, cách Tp Pleiku 35km về phía Pô kô nằm ngay bên trục lộ 664 la Grai đi Đức Cơ, với cột nước cao gần 30m dội xuống một hồ nước rộng, đứng phía dưới nhìn lên, hơi nước bay ta có cảm tưởng như những làn sương mù bao phủ.

 

Thác la Nhí

Thác thuộc xã Nhơn Hòa huyện Chư Sê, cách TP.Pleiku 70km về phía Nam, được tạo bởi suối la Lốp, tuy không có độ cao bằng thác Phú Cường, so bề mặt của thác rộng, dòng chảy không dữ dội và êm dịu. Đây là điểm du lịch sinh thái dã ngoại hấp dẫn, Công ty Dịch vụ - Du lịch tỉnh đã chọn khu vực thác la Nhí để mở tour du lịch cưỡi voi dã ngoại trong rừng và nghỉ ngơi picnic tại thác.(Nguồn: website du lịch Gia Lai)





Khám phá sự hấp dẫn của Mũi Vi Rồng (Bình Định)

người đăng admin | viết nhận xét

Với đặc điểm tự nhiên có bãi biển đẹp, hoang sơ; những dãy núi hùng vĩ cùng một số di tích lịch sử nổi tiếng, huyện Phù Mỹ (Bình Định) có nhiều triển vọng thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án du lịch đang được triển khai tại đây hứa hẹn sẽ là những điểm đến hấp dẫn...


Nói đến huyện Phù Mỹ, người ta dễ dàng nhớ đến những địa danh lịch sử, thắng cảnh đẹp hay các món ăn đặc sản nổi tiếng, cùng với các lễ hội lớn diễn ra quanh năm…, trong đó điển hình là thắng cảnh Mũi Vi Rồng, thuộc thôn Long Phụng, xã Mỹ Thọ. Đến đây du khách sẽ thấy một ghềnh đá nhô ra biển chừng 20m, chính giữa hòn đá lớn nhô lên ngày đêm nước biển xô vào rồi lại trào ra miệng như rồng phun nước trắng xóa. Ngoài ra, khi  đến  đây  du  khách  sẽ được nhâm nhi chút rượu Mỹ Thọ (được xem là “danh tửu miền biển”) cùng với những món đặc sản mà không vùng nào có: cá chua Phù Mỹ, chình mun Châu Trúc… và nghe chính những người dân nơi đây kể về truyền thuyết Mũi Vi Rồng. Khi chiều xuống, với quần thể những bãi đá như Bãi Bàn, Đá Dựng lô xô kỳ thú, khu vực Mũi Vi Rồng - Tân Phụng trông như một con rồng kỳ vĩ đang cất mình ra biển lớn.

Và sau khi tắm biển thỏa thích, du khách có thể chinh phục ngọn hải đăng Vũng Mới (hay còn gọi là hải đăng Hòn Nước). Ngọn hải đăng này được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên vịnh Vũng Mới, với tháp đèn cao 16,2m được xây bằng đá có màu xám sẫm, độ cao của tâm sáng so với mực nước biển là 62,5m. Do địa thế ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa núi non và biển cả nên những tour du lịch dã ngoại kết hợp với những trò chơi tập thể, hòa mình với thiên nhiên hoang sơ kỳ bí sẽ làm cho du khách quên đi cái nóng oi bức trong những ngày hè, quên đi cái nhịp sống sôi động hối hả của thành thị để hòa mình vào đất trời, để khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn, kỳ vĩ của thiên nhiên.

Kết thúc hành trình du khách đừng quên mang về một chút hương vị của người dân xứ biển, đó là hương rượu Mỹ Thọ. Bởi vì đối với người dân nơi đây, thưởng thức rượu địa phương luôn đem lại cảm hứng đặc biệt, bởi lắng sâu trong từng giọt rượu là truyền thống văn hóa, là ân tình của đất và người nơi đây. “Về thăm thắng cảnh Vi Rồng/Uống rượu Mỹ Thọ thơm nồng tình quê”.(Nguồn: TTXTDL Bình Định

)






Đình Hương Canh (Vĩnh Phúc): Một công trình kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc độc đáo

người đăng admin | viết nhận xét

 

Nằm ở vị trí giữa làng, gần 300 năm nay đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, như khoe với thiên nhiên cỏ cây về bộ mái đồ sộ xinh duyên của mình. Lợp bằng ngói mũi hài, mái đình được các hiệp thợ ngoã Hương Canh xếp đặt theo kiểu “đóng óc vẩy rồng” rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc được đắp thẳng ke, hai đầu cong lên, các đầu đao cũng vút lên tương tự, toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ. Nhờ vậy mà đình Hương Canh trông toàn cảnh rất đồ sộ nhưng không nặng nề, to cao mà duyên dáng, không kém phần mềm mại, uyển chuyển.

Xưa kia, đình Hương Canh có 3 toà kiến trúc bố cục theo kiểu chữ “vương”, năm 1964 trong khi tu sửa đã dỡ đi toà cuối cùng, nay còn toà tiền tế và đại đình. Tiền tế đình Hương Canh gồm 3 gian, mái được làm kiểu 2 tầng 8 mái, toà đại đình 5 gian 2 dĩ, dài 26m, rộng 13,50m, 4 mái. Để chống đỡ bộ mái nặng hàng chục tấn ấy, các nhà thiết kế thời bấy giờ đã tạo ra cho đình một bộ khung rất chắc chắn. Riêng toà đại đình với 6 hàng chân - 48 cột gỗ tốt, đại khoa, cột cái có chu vi 2,40m, cao 6m; cột con chu vi 1,80m, cao 4m. Sự tài tình của người thợ ở đây là ngoài việc mộng sàm chặt khít, còn phải tính toán chính xác để phân phối lực đều cho toàn đình, từ đó tạo cho đình một thế cân bằng (nếu không thì đình sẽ bị lật đổ theo kiểu “nặng bồng nhẹ tếch”). Mỗi bộ phận cấu tạo nên đình đều chịu một lực nhất định tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang dọc giằng co với nhau, thu hút lực đưa về ngọn cột để cột chịu lực là chính. Làm được điều đó chắc phải tính toán, đo đạc kỹ lưỡng đến mức nào. ở xó đình bên phải có một đầu bẩy còn cả lỗ sẹo gỗ do người khai thác chặt bằng rìu để luồn dây kéo gỗ về, phần đó thường phải cắt đi nhưng ở đây vẫn được tận dụng hết. Việc làm ngẫu nhiên đó của người xưa nói lên sự tính toán chính xác của họ khi thi công đình này.

Không làm kiểu “chồng bồn tứ trụ” như một số đình khác mà kết cấu bộ vì đình Hương Canh làm kiểu “cột đội cảnh sẻ” rất khoẻ và giữ được nóc đình vững bền. Có thể nói, các bộ phận cấu tạo nên đình được bố trí rất hợp lý, từ các thành phần to đến chi tiết nhỏ đều có một tác dụng nhất định, chúng đều phải “làm việc” với hiệu xuất cao. Để nâng một góc đình với bộ đao khá nặng một số xó nhỏ thôi mà phải ăn mộng tiếp xúc với 6 đầu xà ngang dọc…

Trong ngôn ngữ của người Việt, sự đồ sộ hoành tráng của ngôi đình được dùng làm hình tượng so sánh, ví với những vật thể to lớn hay công việc trọng đại, như “việc tày đình”, “to bằng cột đình” hay:

Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

 

Đình Hương Canh quả là như vậy.
Như đã nói, đồ sộ nhưng không nặng nề, đình Hương Canh đã được các nghệ nhân giải quyết điều đó bằng kỹ thuật chạm trổ hết sức tinh vi, điêu luyện. Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra, các nghệ nhân đều biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật: Những con kìm được chạm lộng sâu hàng gang tay, những nét mác cong đều vút lên hùng dũng, những đầu hoành, đòn tay là chú voi mập mạp như đang đứng đó cùng nhau khiêng đội mái đình. Đặc biệt là các bức cốn, các bức chạm trên ván gió mới thật là tuyệt tác. Với 19 bức chạm tạo thành 6 mảng trang trí lớn khiến cho nội thất đình Hương Canh thêm uy nghi, sinh động. Tiêu biểu là các bức chạm: Đấu võ, đấu vật, bơi chải, bầu rượu túi thơ, đi săn về, người cưỡi rồng, táng mộ vào hàm rồng, bát tiên…Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, nó phản ánh được phần nào sinh hoạt của xã hội thời Lê Trung hưng.

Là công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, trong thời gian tới đình Hương Canh không chỉ giới hạn ở sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, mà còn là địa chỉ đỏ trong những chuyến hành hương tham quan thưởng ngoạn của du khách gần xa. Đình còn là nơi sinh hoạt và để lại kỷ niệm của nhiều thế hệ thợ thủ công .(Nguồn: website svhtt&dl-Vĩnh Phúc)





Di tích đồn Mường Tè – Lai Châu

người đăng admin | viết nhận xét

Di tích nằm trên đồi “Phụ độn” tức là núi đồn thuộc bản Nậm Củm - xã Mường Tè - huyện Mường Tè - tỉnh Lai Châu. Được xây dựng trên đỉnh của ngọn đồi khá cao và hiểm trở, nằm giữa ngã ba của suối Nậm Củm và sông Đà.


Mường Tè là một trong những xã vẫn giữ được nét riêng của mình. Qua cầu treo Nậm Củm chúng ta ven theo sườn núi với tiếng reo của suối, tiêng vi vu của núi đồi, đâu đó những khoảnh khắc, những âm vang của một thời “tự trị” vọng về. Cứ mỗi khi đến đây, khi chạm bước chân trên con đường dẫn vào Đồn chúng ta lại có cảm giác như lạc vào một khu rừng cổ tích, khí hậu trong lành, yên tĩnh, chỉ có gió từ Sông Đà đưa tới, lá rơi xào xạc, tiếng rì rầm của suối Nậm Củng. Thả những bước chân quanh bức tường rêu phong đầy lỗ đạn, sờ tay vào những bức tường lạnh lẽo một cảm giác thiêng liêng trỗi dậy một thời hào hùng, oanh liệt cũng là một thời đau khổ của nhân dân nơi đây dưới ách thống trị của thực dân pháp đã đi qua. Những minh chứng, những dấu tích vẫn còn lại chúng ta cần phát huy, gìn giữ tinh thần mà ông cha ta đã trải qua.(Nguồn: website du lịch Lai Châu)





Thác Mơ (Yên Bái) vẻ đẹp hùng vĩ của miền sơn cước

người đăng admin | viết nhận xét


Lên Mù Cang Chải, từ trên cao du khách sẽ nhìn thấy thác Mơ như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại trải dài khoảng 3.000 mét. Người ta nói, dải lụa ấy mềm mượt như suối tóc của thiếu nữ và trên mái tóc đó được gắn rất nhiều đá hoa cương.

 


 

Thác Mơ nằm giữa đỉnh Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải). Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Đi bộ khoảng 30 phút từ quốc lộ 32 vào đến chân thác, ngồi trên các bè mảng thả trôi, du khách sẽ cảm thấy như đang lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Với những dòng thác chảy dài trong suốt, bọt tung trắng xoá, phía dưới là dòng nước trong vắt, trên cao là khoảng trời xanh với muôn màu hoa rừng nở.

Ở đây du khách sẽ thấy thác Mơ đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, với màu trắng hồng của hoa mơ, hoa mận, màu đỏ tươi của hoa chuối rừng, màu xanh trong của nền trời Tây Bắc, màu trắng trong tinh khiết của nước thác đầu nguồn, tất cả sẽ làm bạn khó quên. Nghỉ ngơi một lát, du khách đi tiếp đến điểm thác một tầng, dòng nước chảy theo hình xoắn ốc - là điểm lý tưởng để thưởng thức dòng nước sạch trong mát và có thể dùng lực chảy của dòng nước để mát - xa đôi bàn chân sau một chặng đường dài đi bộ.

Để đến được điểm thác 4 tầng, du khách tiếp tục đi bộ ngược theo dòng thác Mơ. Tầng thứ nhất của điểm thác 4 tầng trải dài khoảng trên 30 mét, dòng nước đổ từ trên cao xuống như những dây kim cương chảy mãi khiến người ta bị mê hoặc bởi cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tầng thứ hai dàn trải như một hồ nước nhỏ bọt tung trắng xoá - đây là điểm lý tưởng nhất để du khách có cảm giác mạnh nếu có nhu cầu thả mình theo dòng thác để thư giãn. Tầng thứ 3 lại được thắt lại giống hình miệng phễu khiến cho khung cảnh thật huyền ảo, cuốn hút lòng người. Tầng thứ 4 như một rèm cửa trong cung điện nguy nga, đổ từ trên cao 5 mét xuống.

Điểm thác 4 tầng này là nơi ấn tượng nhất để du khách có thể lưu lại những hình ảnh đẹp có một không hai khi lên Mù Cang Chải. Dừng chân ở nơi đây có cảm giác như mưa xuân đang rơi nhè nhẹ: những giọt nước bay man mát trước mặt chính là do sự va đập của dòng thác từ trên cao vào những tảng đá, tạo cho du khách một cảm giác tuyệt vời, mọi mệt mỏi đều tan biến hết.

Trước khi đến với điểm thác 4 tầng đặc sắc, du khách sẽ được nghỉ ngơi trên những tảng đá to, vuông vắn trải rộng như những cái chiếu, nhẵn nhụi, trơn tru và sạch bóng. Thiên nhiên nơi đây như đã tạo sẵn chỗ nghỉ ngơi để du khách có thể dùng bữa ăn nhẹ trong chuyến du hành. Trong suốt chặng đường chinh phục thác Mơ, du khách sẽ gặp những hang đá nhỏ có thể tránh được ướt nếu gặp những cơn mưa vùng cao bất chợt.

 

 

Đến thác Mơ, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của miền sơn cước, không khí trong lành, tinh khiết mà man mác hương hoa rừng, tất cả sẽ là những giây phút khó quên để một lần đến rồi lại muốn nhiều lần đến nữa.(Nguồn: Báo Yên Bái)

 






Động Kim Quy – Hạ Long

người đăng admin | viết nhận xét

 


Động Kim Quy nằm trên hòn Dầm Nam, có đỉnh núi cao 187m. Phía trước là hòn Dầm Bắc, phía sau là đảo Soi Sim.

 

Động dài 100m, rộng từ 5 – 10m trải dài theo hướng Bắc Nam. Một con đường nhỏ dẫn lên phía trên cao, nơi đây bốn mùa nước chảy róc rách, những nhũ đá đang được hình thành trắng nõn và mềm mại từ trần động buông rủ xuống. Và kìa, phía ngăn động trong cùng, trận địa cọc Bạch Đằng xuất hiện, có đến hơn 30 chiếc cọc gỗ lim của Trần Hưng Đạo đã dùng cắm xuống dòng sông Bạch Đằng lại hiện hữu ở nơi đây, những thớ gỗ lim nứt nẻ màu nâu xám tưởng chừng như sắp đổ gẫy, nhưng kỳ thực chúng vô cùng vững chắc. Đó là những măng đá đấy, chúng được phân bố khắp nơi, dày đặc chi chít nhưng có hàng lối rõ ràng, chúng nhẵn bóng và cao chừng 30 – 40cm, trông hệt như bãi cọc bằng gỗ thật.

Động gắn liền với truyền thuyết về Rùa Vàng xưa. Chuyện kể rằng sau khi Rùa Vàng giúp vua Lê Lợi đánh tan quân giặc, Rùa Vàng lấy lại gươm và bơi về bể đông, khi đến Hạ Long này có nhiều yêu quái quấy nhiễu, Rùa Vàng xin với vua Thuỷ Tề ở Hạ Long diệt trừ yêu quái. Sau khi diệt xong yêu quái, Rùa Vàng cũng vì đó mà kiệt sức, đã tìm cho mình một động rồi hoá đá trong đó.

 

Ngày nay trong động Kim Quy, Rùa Vàng vẫn còn đó trong tư thế đang lim dim ngủ, với những vết thương cũ trên mình.(Nguồn: website du lịch Hạ Long)






News for 07/10/2010


View all news for 07/10/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao