International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

27/09/2010 | RSS Feed

Thiên - địa - nhân trong kiến trúc nhà sàn người Thái cổ Tây Bắc

người đăng admin | viết nhận xét

Nhà sàn của người Thái cổ Tây Bắc là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng giữa các yếu tố: Thiên - Địa - Nhân, thể hiện một trình độ phát triển cao nhận thức về vũ trụ, về cuộc sống và trình độ thẩm mỹ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Các bản mường của người Thái vùng Tây Bắc thường tập trung bên suối, chân đồi, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình mà mỗi ngôi nhà là một điểm nhấn và là trung tâm của mọi hoạt động.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái cổ Tây Bắc quan niệm vũ trụ ba tầng thông tỏ và giao cảm, mọi hoạt động nếu thuận theo các yếu tố đó sẽ có hiệu quả cao, mà kiến trúc nhà sàn không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Thiên: bao gồm quan niệm về vũ trụ, về các thế lực siêu nhiên chi phối mọi hoạt động của con người, cùng với điều kiện sống và phong tục tập quán. Nhà sàn của người Thái cổ Tây Bắc thường có hai đầu hồi khum khum như mai rùa gọi là "Tụp cống", gắn với truyền thuyết thuở khai thiên lập địa, thần rùa đã dạy cho người Thái biết cách làm nhà. Kết cấu kiểu mái này còn làm tăng vẻ đẹp và sự bền vững của ngôi nhà trước thời tiết khắc nghiệt của Tây Bắc. Trên đòn nóc ở hai đầu hồi có trang trí hai thanh gỗ đóng chéo nhau hình chữ X, gọi là "Khau cút". Tùy theo hoàn cảnh gia đình và địa vị xã hội mà "khau cút" có cách trang trí riêng từ đơn giản tới phức tạp. Trên "khau cút" trang trí nhiều hoa văn, họa tiết hình trăng khuyết, hoa sen, búp cây guột... và đều có hoa đực và hoa cái tượng trưng cho âm dương và khát vọng sinh sôi phát triển.

Trong ngôi nhà sàn bao giờ cũng có cột thiêng "sau hẹ". Trên cột thiêng có lồng một giỏ tre tượng trưng cho bầu trời được gọi là "chóp nguôm", trên đó treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa, ba bông thì là, gói hạt rau cải và linh vật của nam, nữ đẽo bằng gỗ, cùng thanh gươm... Cột thiêng như cầu nối đất với trời, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Trên đầu kèo và bậu cửa sổ được trang trí nhiều hình kỷ hà, hoa văn họa tiết mô phỏng cỏ, cây, hoa, lá, chim thú với từng cặp đối xứng theo nguyên lý âm - dương hài hòa. Đặc biệt có chạm đôi thuồng luồng chầu nhau, đây là linh vật chủ của sông suối và là biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc.

Trên nhà sàn người Thái cổ Tây Bắc còn có hai bếp lửa, một bếp dành riêng cho nam giới, một bếp dành cho nữ giới. Bếp lửa như trái tim hồng của ngôi nhà, ấm cúng giữa điệp trùng non ngàn Tây Bắc.

Địa: bao gồm vật liệu và thế đất. Nhà sàn của người Thái cổ Tây Bắc được làm bằng gỗ tốt, tre, hóp, lợp gianh tạo nên một vẻ thân thiện, hòa đồng với thiên nhiên. Nhà thường dựa lưng vào đồi núi, quay mặt ra sông suối hoặc cánh đồng. Khi dựng nhà, yếu tố phong thủy rất được chú trọng, nhằm mục đích cao nhất là khắc phục nhược điểm của thế đất và tuổi tác của gia chủ, phát huy được những lợi thế vốn có. Người dân tộc Thái có câu: "Làm ăn có tháng/ Làm nhà có ngày", đã phần nào nói lên tầm quan trọng của việc tính toán để phát huy cao nhất thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Nhân: đây là yếu tố con người với vai trò trung tâm của xã hội. Cấu trúc nhà sàn Thái cổ Tây Bắc thể hiện rất rõ vai trò và vị trí của mỗi thành viên trong gia đình.

Nhà sàn người Thái cổ Tây Bắc bao giờ cũng có hai cầu thang, "tang chan" và "tang quản". Cầu thang phía "chan" dành cho nữ giới, thường có chín bậc ứng với chín vía. Cầu thang phía "quản" dành cho nam giới, thường có bảy bậc ứng với bảy vía. Trên nhà sàn, từ bếp lửa bên "quản" đến hết "tang quản" là nơi dành cho đàn ông và thờ cúng.

Cấu trúc bản mường người Thái Tây Bắc theo vòng tròn đồng tâm: gia đình - bản - mường nhỏ - mường lớn tạo nên một sắc thái văn hóa rất riêng.(Nguồn: website báo Yên Bái)





Khám phá vẻ đẹp Cù Lao Câu (Bình Thuận)

người đăng admin | viết nhận xét

Chuyến hành trình thứ hai trong chuyến khảo sát khám phá huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là đến thăm đảo Cù Lao Câu, nơi không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được ví như một vương quốc đá với các khối đá nhiều hình dạng: rùa, hải cẩu, gấu, chim….

 

Ra đảo 

Hơn 7 giờ sáng, đoàn khởi hành đến địa phận xã Phước Thể, một làng chài với cơ man thuyền thúng lớn nhỏ. Nhìn từ bờ ra, Cù Lao Câu sừng sững như hàng không mẫu hạm đang neo đậu giữa biển khơi. Nằm cách đất liền 7km đường biển, thuộc địa phận xã Phước Thể, Cù Lao Câu có chiều dài 1.500m, chiều rộng lớn nhất 800m, nhỏ nhất 300m. Để ra đảo, phải đi bằng thuyền mất hơn 30 phút.

Thời gian ra đảo không lâu nhưng lại mất nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị, nhất là việc di chuyển từ bờ lên tàu. Do chưa có bến, tàu ra đảo đa phần lại là tàu đánh cá của ngư dân nên buộc khách phải lên thuyền thúng để đi từ bờ ra. Một chiếc thuyền thúng chở được 5 hành khách mặc áo phao, chưa tính người điều khiển thúng. Để tiện cho việc điều khiển thúng, hiện các tàu đều sử dụng dây luồn qua thúng và... kéo. Cách này nhanh hơn việc chèo thúng truyền thống. Tất cả thành viên trong đoàn đều phải cẩn thận sử dụng bọc nilon để bảo vệ điện thoại di động, máy chụp hình… - những thiết bị dễ hỏng hóc nếu bị thấm nước.

Đứng trên bờ mà ngắm thì không thể hiểu hết cảm giác thú vị của người ngồi trên thúng. Nó bồng bềnh, dập dềnh và xoay tròn, chỉ một cơn sóng vỗ vào là nước có thể ào vào theo. Thế mà, đa phần ngư dân đều sử dụng thúng để lặn biển, câu cá, câu mực, di chuyển vào bờ… và nhiều việc không tên khác.

Tàu nổ máy, ra khơi. Đi được hơn 10 phút là đến khu vực các ngư dân sử dụng thuyền thúng để lặn, bắt cá, câu cá. Mỗi người một thúng, ngư dân mặc đồ bơi và dụng cụ rồi lặn xuống biển. Một vài người vẫy tay chào khi tàu chúng tôi chạy ngang qua. Cù Lao Câu ở ngay trước mặt, ngày một rõ hơn. Biển đổi màu, từ xanh dương chuyển sang xanh lá cây. Đảo hiện ra rất gần, biển lại có màu xanh ngọc bích, một màu thật đẹp, thật trong và cũng thật lạ. 

Vương quốc đá

Theo yêu cầu của đoàn, chủ tàu lái tàu đi một vòng quanh đảo. Chúng tôi được dịp chiêm ngưỡng vô vàn đá với đủ hình dạng. Ai đó thốt lên “Hệt như vương quốc đá”. Đúng vậy, đá bạt ngàn, những lùm cây xanh chen vào đá, pha sắc xanh vào màu nâu bóng thời gian của đá. Để lên được đảo, chúng tôi lại phải xuống thúng di chuyển vào bờ. Một bãi cát trắng mịn màng chạy dài uốn cong bao bọc đảo, làn nước trong xanh có thể nhìn tận đáy biển, nơi từng đàn cá tung tăng bơi lội…

Đảo còn nguyên dáng vẻ hoang sơ với thảm thực vật phong phú, đa dạng; khí hậu trong lành, mát mẻ. Nhìn qua làn nước, những viên đá cuội, sỏi, vỏ ốc ẩn hiện đầy bí ẩn. Di chuyển một đoạn là đến nhà nghỉ của các ngư dân từ trong đất liền ra đảo lập quán để buôn bán. Trong nhà nghỉ tạm có võng và nhiều loại bánh, nước uống. Bố trí xong chỗ đặt ba lô, nhiều thành viên đã chạy vội ra bãi biển tận hưởng làn nước mát lạnh.

Theo chân các chiến sĩ hải quân trên đảo, đoàn bắt đầu chuyến khám phá. Dọc hai bên con đường mòn là cỏ và hoa dại đẹp mắt. Loài hoa màu trắng muốt, hương thơm ngây ngất nở đầy trên đảo. Bao quanh đảo là hàng vạn khối đá nhiều màu sắc và hình thù, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ.... Do vẫn còn hoang sơ, nên nhiều khu vực trên đảo chưa có tên gọi. Ngoài quần thể đá đủ hình dáng từ chim se sẻ đến rùa, gấu…, đảo còn có những hang, khe thiên tạo dáng rất lạ. Theo địa thế của từng khu, nhiều cái tên mới ra đời như hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt… Trên đảo còn có cái giếng được trân trọng gọi là giếng Tiên - là nơi cung cấp nước cho cả đảo.

Ngoài cảnh đẹp, đảo còn có rất nhiều loại ốc, hải sản đặc biệt. Theo lời người hướng dẫn, trên đảo thỉnh thoảng vẫn bắt được dông (một đặc sản của đất Bình Thuận) và nếu muốn, khách có thể thưởng thức ốc đủ loại ở nhà nghỉ trên đảo. Về đêm, nếu trời sáng trăng, đi dạo dọc theo bờ biển trong ánh trăng dìu dịu sẽ mang đến cho du khách một cảm giác thật khó quên.

Hoang sơ, đầy bí ẩn và thú vị là ấn tượng mà Cù Lao Câu mang đến cho những ai đã từng một lần đến đảo. Đây là nơi thích hợp cho những người thích khám phá vẻ đẹp của biển, yêu cảm giác mạo hiểm, hứng thú với các hoạt động như đi câu mực đêm, đánh cá, ngắm san hô…(Nguồn: Bình Thuận)





Danh thắng Núi đôi Quản Bạ, Hà Giang

người đăng admin | viết nhận xét

Nói đến Núi Đôi, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh ngọn Núi Đôi nổi tiếng trong bài thơ Núi Đôi thuộc Sóc Sơn Hà Nội của nhà thơ Vũ Cao. Thế nhưng trên mảnh đất địa đầu tổ quốc Hà Giang cũng có ngọn núi đôi tuyệt đẹp mới được xếp hạng di tích quốc gia đầu năm 2010.

Danh thắng Núi Đôi nằm ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ- Hà Giang), tên nhân dân thường gọi là Núi Đôi hoặc Núi Cô Tiên; được hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất. Chu vi của hai ngọn núi gần 1.000m², 2 ngọn núi tròn đều với diện tích xấp xỉ 3,6 ha. Tên Núi đôi gắn với tên địa danh thung lũng Tam Sơn (tức ba ngọn núi), không biết có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có tên làng, tên xã là núi đã có tên.

Núi đôi được gắn với truyền thuyết về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên nơi đây. Núi đôi Quản Bạ được ví như bộ ngực căng tròn người con gái và đã lưu truyền mãi trong nhân gian từ đời này qua đời khác, Núi đôi và ba ngọn núi ở thị trấn Tam sơn được nhân dân gìn giữ, nhiều câu truyền thuyết gắn với những gì thiên nhiên ban tặng được gửi gắm vào câu chuyện những ước muốn của dân tộc thiểu số nơi vùng cao về việc cải tạo, chế ngự thiên nhiên phục vụ sản xuất, mà ở đây là mong ước có nguồn nước tưới tiêu phục vụ đời sống con người, để có cuộc sống no đủ, cũng trong truyền thuyết muốn tôn vinh sự chung thuỷ, tôn vinh tình yêu đôi lứa.

Núi đôi là một biểu tượng đẹp của Cao nguyên Đồng Văn, đó là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Với giá trị đó, Núi đôi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận danh thắng cấp Quốc gia, đây là niềm tự hào cũng là điểm nhấn để Cao nguyên đá Đồng Văn thêm sinh động, hấp dẫn với khách du lịch. Du khách phương xa đến Hà Giang không thể không chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của Núi Đôi, món quà độc đáo thiên nhiên ban tặng cho Hà Gang.(Nguồn: Báo Thái Nguyên)





Sông Hinh - Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Phú Yên

người đăng admin | viết nhận xét

Huyện Sông Hinh là một trong những địa điểm được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Phú Yên chọn tổ chức hội thảo về phát triển ngành du lịch trong thời gian tới. Địa phương này có khá nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác đúng mức.

Sông Hinh có thế mạnh về du lịch, được hưởng nguồn nước của ba con sông lớn là sông Ba, sông Hinh và sông Krông Năng. Đây là địa điểm lý tưởng cho các tour du lịch sinh thái, giúp ngành Du lịch của tỉnh nhà cũng như khu vực phát triển.

Trước hết, Sông Hinh có vị trí thuận lợi về giao thông, là trung điểm của các khu du lịch nổi tiếng giúp du khách có thể đi qua và rút ngắn được nhiều thời gian. Đặc biệt tuyến đường Đông Trường Sơn vừa được khởi công trong tháng 8/2010 tại xã Ea Bar, dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Khi đó, từ Sông Hinh đi đến Đà Lạt chỉ còn 120km, đi thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) khoảng 350km. Cùng với  tuyến đường ĐT649 trục dọc miền tây Phú Yên, ĐT645 và kết hợp với các tuyến đường khác nữa, từ Sông Hinh đi các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Nha Trang hay Nhà thờ Bác Hồ (huyện Sơn Hòa), khu di tích kháng chiến huyện Đồng Xuân và các điểm du lịch khác trong tỉnh rất thuận tiện.

Sông Hinh hiện có ba nhà máy thủy điện là Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’năng. Đặc biệt, Thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện lớn nhất nằm sát trung tâm thị trấn Hai Riêng. Ngoài núi non hiểm trở, Sông Hinh còn có nhiều khu rừng với các con sông, dòng suối kỳ vĩ. Đặc biệt, khu vực bãi đá phía nam khu vực giáp giữa Phú Yên và Khánh Hòa, khu vực Hòn Cồ, Hòn Đen có lẽ chưa nhiều người đặt chân đến vì đường vào còn khó khăn, hiểm trở. Ngay tại trung tâm thị trấn Hai Riêng thuộc khu vực buôn Suối Mây cũ có suối nước nóng, lúc trước nhiệt độ lên đến 70oC, do những người làm vàng phá cửa phun nước nên nay nhiệt độ chỉ còn 50-60oC. Theo nhiều người dân địa phương, người bị ghẻ lở, ra suối nước nóng này tắm chỉ 2 lần là khỏi. Dòng suối nước nóng quý hiếm này nếu được khai thác đầu tư thì đây sẽ là nơi thu hút khá đông khách du lịch về nghỉ dưỡng. Hiện nó đã bị ngập trong nước Thủy điện Sông Ba Hạ, chỉ đến mùa khô, cạn nước thì mới ló ra. Nếu được đầu tư khai thác, địa điểm này sẽ có hiệu quả kinh doanh cao.

Nhiều người dân địa phương như các anh: Đinh Văn Phụng, Tạ Quang Dũng, Vi Văn Thuấn và Nguyễn Đức Thịnh rất tâm huyết với dự án nước nóng Suối Mây này. Các anh ao ước: “Giá như nơi này được đầu tư thành khu tắm nước nóng bài bản thì khách du lịch đã đổ về Sông Hinh không ít”. Sông Hinh hiện có nhiều tác phẩm sinh vật cảnh, gốc cây, gỗ lũa và đá nghệ thuật độc đáo, thuộc loại quý hiếm đã thu hút không ít du khách đến thưởng lãm. Tại thị trấn Hai Riêng, hồ Trung tâm với cây cầu bắc ngang qua, du khách thuận tiện đi vào làng “du lịch” ở buôn Lê Diêm.

Địa bàn huyện Sông Hinh hiện có 17 dân tộc anh em sinh sống nên bản sắc văn hóa các dân tộc khá đa dạng. Bên cạnh đó, địa phương cũng có nhiều dân “nhập cư” từ các vùng miền khác đến, thành lập nhiều hội đồng hương của các địa phương khác đang sinh sống tại Sông Hinh. Trong đó, nổi bật nhất là Hội đồng hương của tỉnh Phú Thọ, với hơn 100 hộ dân từ đất Vua Hùng vào định cư tại đây. Vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng ba âm lịch hàng năm, con cháu, dâu rể của người Phú Thọ lại tập trung về nhà ông hội trưởng để tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là nét đẹp truyền thống rất đáng trân trọng của những người con đất Phong châu khi đi xa làm ăn, họ luôn bái vọng về tổ tiên ông cha mình.

Nguyện vọng tha thiết nhất của hội đồng hương Phú Thọ là mong có một Đền thờ các vua Hùng trên đất Sông Hinh, để người dân có nơi bái vọng về quê cha đất tổ. Đây là một ý tưởng hay, có nhiều ý nghĩa, nhất là việc giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta cho thế hệ con cháu noi theo. Nếu ý tưởng này thành hiện thực, nó sẽ tạo ra điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến tham quan. Đồng thời, kết hợp với dự án suối nước nóng nghỉ dưỡng thì Sông Hinh sẽ là điểm du lịch có sức lan tỏa, kết nối các tour du lịch của Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.(Nguồn: Báo Phú Yên)





Điểm du lịch sinh thái Cổng Trời (Tuyên Quang)

người đăng admin | viết nhận xét

Cổng Trời thuộc xóm 16 xã Tràng Đà nối liền với dãy núi Dùm phường Nông Tiến (thành phố Tuyên Quang).

 

Điểm du lịch sinh thái Cổng Trời rộng hơn 2.000 ha. Trên núi có nhiều suối, thác nước, hang động đẹp như hang Bà Cún, hang Dơi, hang Ngà Voi, dốc Ông, dốc Bà... cùng nhiều thác nước như Đát Tư Khang, thác Cấm, thác Cổng Trời... Hang Dơi là hang động đẹp nhất trong khu vực Cổng Trời. Trong hang có nhiều động nhỏ, có sức chứa vài trăm người. Hang có một nhánh chính và nhiều nhánh phụ tỏa ra nhiều hướng. Những ai mới vào hang lần đầu mà không có người dẫn đường thì sẽ không ra được vì ở giữa hang có một khu có nhiều động nhỏ giống hệt nhau như lạc vào mê cung. Đến đây du khách vừa được ngắm những nhũ đá long lanh thành hình các con vật, được thấy từng đàn dơi bay lượn quanh các phiến đá. Uốn quanh thung lũng là dòng suối bắt nguồn từ núi Dốc Ông và đát Tư Khang đổ xuống núi Cấm, vắt qua các sườn đá tạo thành dòng thác 11 tầng đẹp và thơ mộng. Dưới chân khu vực núi Cổng Trời có 3 ngôi đền linh thiêng, cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 18 là đền Mẫu Thượng, đền Cấm, đền Ghềnh Quýt.

 

Đền Mẫu Thượng được xây dựng năm 1801, thờ công chúa Ngọc Hân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa). Đền Cấm ngự trên lưng núi Cấm, kiến trúc độc đáo thờ Mẫu Thượng Ngàn. Đây là ngôi đền linh thiêng được du khách trong cả nước biết đến. Xung quanh đền có một con suối nhỏ chảy quanh năm, nước trong và ngọt dân làng ở đây thường lấy đun nước uống. Đền Ghềnh Quýt, nằm trên thế đất cao bên dòng sông Lô hiền hòa, đền thờ thần sông, thần núi. Ba ngôi đền vừa là nơi du khách đến lễ cầu may, vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp.

 

Với phong cảnh hữu tình, non xanh, nước biếc, điểm du lịch sinh thái Cổng Trời  đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.(Nguồn: Báo Tuyên Quang)






Phố tên “Hàng” - Nét độc đáo của phố cổ Hà Nội

người đăng admin | viết nhận xét

Trong cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm có ghi lại ca dao về 36 sáu phố ở Hà Nội như sau:

“Rủ nhau đi khắp Long Thành

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai

 

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay...”.


Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc tới Hà Nội bên cạnh những “Đông Đô, Hồng Hà, Hồ Tây”, thường người ta sẽ nhớ ngay tới khu phố cổ, với những con phố tên “Hàng” “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” như một đặc trưng gần gũi mà riêng biệt của Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội được biết đến với diện tích gần 100 ha nằm trong quận Hoàn Kiếm - trung tâm thành phố. Khu vực này được bao quanh bởi đường Hàng Đậu ở phía Bắc, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ về phía Nam, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải phía tây và Phùng Hưng phía Đông với những ngôi nhà ống hẹp, sâu được xây dựng vào các thế kỷ XVIII và XIX - một điển hình của kiến trúc đô thị cổ, gợi lên một nét văn hóa tinh thần về nếp sống gia đình quây quần nhiều thế hệ. Không chỉ có vậy, phố cổ Hà Nội còn có một đặc trưng nổi tiếng là các phố nghề với tên phố được bắt đầu bằng chữ “Hàng” và những sản phẩm thủ công tinh xảo nức tiếng xa gần, vốn là niềm tự hào sâu sắc của người Hà Nội xưa.

Phố tên “Hàng” ở Hà Nội có lịch sử hình thành từ rất lâu đời. Theo nhiều ghi chép trong sách sử, dưới thời Lý - Trần, Hà Nội có tới 71 phố tên “Hàng”, đến thời Lê thì phố “Hàng” chỉ còn 36 phố. Khi người Pháp quy hoạch lại Hà Nội đã chính thức hoá phần lớn các tên gọi này.

Điều thú vị ở chỗ những tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại các khu phố đó. Xưa, thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. “Hàng” đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng. “Hàng” trở thành một cách định danh, tên đặc trưng các sản phẩm được bày bán chủ yếu trong khu phố ấy. Vì vậy nên, chỉ cần nghe cái tên thôi, người ta đã có hình dung đôi chút về sản phẩm đặc trưng của con phố đó và cái không khí tấp nập của chốn Kinh kỳ xưa. Hà Nội xưa có phố Hàng Gai chuyên bán lưới đánh cá làm bằng sợi gai, có phố Hàng Thiếc luôn sáng bóng màu kim loại, có phố Hàng Mã chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, phố Hàng Đường chuyên bán bánh kẹo, lại có phố Hàng Bông là nơi buôn tơ, bán vải vóc… Người Hà Nội có lẽ cũng vì thế mà trong thời gian dài đã hình thành thói quen cần gì thì đến phố ấy để mua sắm.

Dạo một vòng quanh phố cổ mới thấy những con phố này nằm ngang dọc, đan xen, giăng mắc vào nhau tạo nên một không gian đô thị khá đặc biệt. Cả phố cổ giống như một cửa hàng bách hóa tổng hợp khổng lồ với nhịp sống ồn ào, sôi động. Và vì đều bắt đầu bằng chữ “Hàng” với những cái tên na ná nên dễ gây sự lúng túng và cảm giác khó phân biệt cho những ai lạc chân bước vào khu phố này. Nhưng đôi khi, đi lạc cũng có cái hay của nó. Chút lo lắng ban đầu sẽ nhanh chóng tan đi, thay vào đó là những bất ngờ đầy thú vị sau khi đã khám phá. Đây cũng chính là một trong những điểm nhấn làm cho Hà Nội trở nên khác lạ và đặc sắc so với nhiều thủ đô khác trên thế giới.

Những con phố tên “Hàng” vẫn là một phần di sản của Hà Nội, tạo những màu sắc và sự đa dạng của phố cổ cũng như truyền tải một ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Qua những tên phố đó, thấy lại được lịch sử và có ít nhiều hình dung về một nét văn hóa xưa của Hà Nội.(Nguồn: website báo BR-VT)





Chùa Quán Sứ- danh thắng của Thủ đô ngàn năm văn hiến

người đăng admin | viết nhận xét

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương; ngày nay là phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội.
Nguyên xưa ở phường này chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống.
Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại.
Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở trung ương. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt.
Nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tất cả tinh hoa các đại già lam miền Bắc. Chùa Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Phải chăng vì ngôi chùa được xây dựng lại vào giữa thế kỷ XX và vì chùa đã trở thành trụ sở trung tâm của Tổng hội Phật giáo Bắc Việt, nay là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngôi Quốc tự chung của các thiện nam tín nữ trên đất Việt.
Tam quan chùa có ba tầng mái, ở giữa là lầu chuông. Đi qua một sân gạch nhỏ, bước lên 11 bậc thềm là tới chánh điện. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy.
Phía trong cùng thờ ba vị Tam Thế Phật trên bậc cao nhất. Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ Phật Thích-ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp.
Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đứng giữa tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình.
Các nhà chính và nhà phụ chùa Quán Sứ đều rộng rãi. Nơi đây từng là trụ sở báo Đuốc Tuệ và văn phòng Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hiện nay chùa có giảng đường, thư viện, là nơi đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam).
Nửa thế kỷ nay, chùa Quán Sứ đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong cả nước và sự hòa nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới.
Chính nơi đây vào ngày 13/5/1951 (mồng 8/4 năm Tân Mão) lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng tọa Tố Liên mang về từ Colombo đã xuất hiện trên bầu trời Hà Nội./.(Nguồn: dulichorg.vn.org)






Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ - Nét văn hóa đặc trưng của người dân ven biển

người đăng admin | viết nhận xét

 

Lễ hội Nghinh Ông là một nét văn hóa đặc trưng của người dân ven biển và đây cũng là dịp để các địa phương thu hút du khách trong và ngoài nước góp phần nâng cao doanh thu cho ngành du lịch.

Tùy theo từng địa phương mà lễ hội Nghinh Ông sẽ diễn ra vào một thời điểm nhất định trong năm với nhiều nghi thức long trọng được đông đảo người dân ủng hộ. Tại Khánh Hòa lễ hội sẽ được tổ chức vào ngày 15/12 âm lịch hàng năm, cộng đồng người Hoa ở Bình Thuận lại tổ chức lễ Nghinh Ông vào rằm tháng 7 âm lịch, tại Cà Mau vào ngày 14-16/2 âm lịch… còn tại Cần Giờ - TP.HCM tổ chức hàng năm từ 14-17/8 âm lịch (năm nay là 21-24/9 dương lịch). Vào những ngày này, ngư dân vùng ven biển Cần Giờ và các tỉnh, thành giáp ranh như, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng du khách lại đổ về Cần Giờ để dự Lễ hội truyền thống ngư dân vùng biển Cần Giờ.

 

 

Dù ở địa phương nào thì hầu như việc tổ chức lễ hội Nghinh Ông đều diễn ra với các trình tự như: Phần lễ với các nghi thức Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển; Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy tướng; Phần hội các ngư dân mời thỉnh lẫn nhau, kể cả khách từ nơi xa đến cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình…

 

Tại Cần Giờ, lễ hội Nghinh Ông năm 2010 này có các hoạt động chính trong phần lễ như: Viếng và thắp hương Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác, Bia tưởng niệm trận đánh Đồn Cần Giờ, Nhà bia ghi danh thị trấn Cần Thạnh và lễ thượng đại kỳ; Mừng công ngư dân Cần Giờ; Cúng tiền hiền, hậu hiền và bạn cũ lái xưa; Biểu diễn Đoàn thuyền hoa đăng, thả 1.000 đèn hoa đăng trải dài trên 3km tại bờ biển Chợ và công viên Cần Thạnh khi con nước lớn vào lúc 23 giờ đêm 15/8 âm lịch và lễ Nghinh Ông trên biển, đón đoàn Nghinh về tại Lăng Ông Thủy tướng; Cúng đại lễ cổ truyền lúc 10 giờ sáng ngày 16/8 âm lịch tại Lăng Ông Cần Thạnh. Cùng thời điểm rước Nghinh Ông về, tại bến đò cơ khí sẽ diễn ra các trò chơi dân gian thả vịt chạy, bắt vịt, trói cua, quăng chài, vá lưới trên bờ biển. Ngoài ra sẽ có 3 chiếc tàu khách trên biển bán vé phục vụ du khách xem đoàn tàu tham gia rước Nghinh Ông… Đây là nét đẹp văn hóa đã được chính quyền thành phố và người dân địa phương chung tay gìn giữ.

 

Chính quyền TP.HCM đã xác định việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng và mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển của địa phương. Đây không chỉ là hoạt động nhằm góp phần phát triển du lịch của thành phố mà còn làm nền tảng cho việc quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố trong tương lai.

 

Cùng với nhiều hoạt động phát triển du lịch khác, trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM sẽ phối hợp với nhiều đơn vị chức năng và chính quyền thành phố lên kế hoạch nâng cấp Lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ thành lễ hội cấp thành phố. Đồng thời, là điểm đến du lịch biển, du lịch tâm linh của TP.HCM, góp phần quảng bá du lịch cho du khách trong và ngoài nước tham quan tìm hiểu và thưởng lãm những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc truyền thống Việt Nam.(Nguồn: dulichorg.vn.org)





Đám cưới của người Dao quần trắng (Yên Bái)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Vào lễ cưới, trước khi sang nhà gái, nhà trai cử một đoàn đi đón dâu với số lượng bắt buộc là 11 người trong đó có trưởng đoàn, chủ hôn, chú rể, phù rể và các nam thanh niên trẻ, khỏe có tài hát đối đáp.

Lễ cưới (theo tiếng Dao gọi là "áy cón") truyền thống của người Dao quần trắng được diễn ra trong 3 ngày 2 đêm. Trước khi lễ cưới được tổ chức thì cả nhà trai và nhà gái sẽ phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ lễ và ông mờ, bà mờ… Ngày mai mới chính thức là ngày cưới của chú rể Thành Chung và cô dâu Hương Sen nhưng từ chiều nay nhà trai đã cử người mang đồ lễ sang bên nhà gái. Lễ vật mang sang gồm có một con lợn và một con gà. Đến ngày hôm sau là ngày cưới chính thức ở bên nhà gái.

Chiều nay mới là cỗ chính mời khách nhưng ngay từ sáng sớm mọi người trong làng đã đến giúp và chung vui cùng với gia đình. Để có được ngày này, hai bên gia đình cũng đã phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ truyền thống của dân tộc như xem số, dạm ngõ, thách cưới và hẹn ngày tổ chức hôn lễ. Để làm lễ ăn hỏi (lễ “Nại nhan”), nhà trai phải mang đồ lễ gồm một đôi gà thiến, một con lợn 30 kg, 10 lít rượu, một đồng bạc trắng và 50.000 đồng tiền mặt sang nhà gái và chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới.

Vào lễ cưới, trước khi sang nhà gái, nhà trai cử một đoàn đi đón dâu với số lượng bắt buộc là 11 người trong đó có trưởng đoàn, chủ hôn, chú rể, phù rể và các nam thanh niên trẻ, khỏe có tài hát đối đáp, tất cả đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Lúc này, chú rể phải làm thủ tục bái tổ tiên trước khi sang nhà cô dâu và kế ngay đó, bạn chú rể đứng hát xin tổ tiên phù hộ cho một đám cưới suôn sẻ, gặp nhiều may mắn.

Đến giờ đẹp, 11h đoàn đi đón dâu bắt đầu xuất phát. Theo phong tục của người Dao quần trắng thì chú rể khi ra khỏi nhà phải đội một chiếc nón mới mang ý nghĩa là sẽ che chở, bảo vệ cho chú rể trong suốt chặng đường đi và khi đến nơi, đoàn nhà trai không được vào nhà gái ngay mà phải vào nghỉ tại nhà ông đi hỏi cho đến 5h chiều (theo người Dao thì đó là giờ đẹp) thì nhà trai mới bắt đầu đi từ nhà ông hỏi sang nhà gái.

Lễ vật cưới mang sang nhà gái gồm một vòng tay bằng bạc, trầu cau, muối, chè, bánh dày, hai bó miến, rượu, 8 con cá được cắt bằng giấy với ý nghĩa sau này 2 vợ chồng có đông con cháu và 1 ống nhỏ bên trong có 24 tờ lá rong được đổ gio bếp vào với ý nghĩa tượng trưng cho 2 vợ chồng trong 12 tháng sẽ luôn gặp may mắn, hạnh phúc, mọi điều xấu sẽ luôn lùi xa.

Khi đoàn đón dâu đến chân cầu thang nhà gái thì đoàn nhà trai vẫn chưa được mời vào nhà ngay mà sẽ có các cô gái là bạn bè của cô dâu chặn lối để hát đối đáp, ý của nhà gái nói với đoàn nhà trai là muốn lên nhà thì phải bước qua con dao (mang ý nghĩa là vượt qua mọi chông gai) và uống một ít rượu. Đây là lúc các chàng phù rể phải tìm được những câu hát thật hay để các cô gái mời lên nhà. Rồi trên cầu thang nhà gái có sẵn một mâm lễ vật gồm một khăn mặt, một chiếc cân và 2 bát nước.  

Lúc này, chú rể được chùm lên đầu chiếc áo vàng (Guý vằng) để tượng trưng cho những cánh long, cánh phượng che chở cho chú rể. Sau khi đã xong thủ tục thì đoàn nhà trai mới được lên nhà. Khi bước qua cửa thì chú rể sẽ phải bước chân trái đầu tiên và thầy cúng làm phép rửa chân cho chú rể.

Sau đó chú rể đi thẳng vào buồng cô dâu và đêm hôm đó sẽ ngủ lại một đêm tại buồng, còn cô dâu lại được giấu tạm đi nơi khác. Trong khi đó, ở bên ngoài vẫn diễn ra mọi thủ tục, nghi lễ giữa trưởng đoàn, ông mối với người đại diện bên nhà gái và cuộc hát đối đáp giữa nam nữ thanh niên của hai họ. Rồi sau đó dân làng cùng đến chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ.

Đến giờ đẹp (khoảng 10h đêm) là lễ kết tóc se tơ cho cô dâu chú rể. Người cầm bó đuốc sẽ đi trước với ý nghĩa là xua tà, đuổi cái ác, soi đường chỉ lối cho cô dâu.(Nguồn: Báo Yên Bái)






Thác Đambri – Danh thắng hùng vĩ của Lâm Đồng

người đăng admin | viết nhận xét

Thác Đambri nằm cách trung tâm thị xã Bảo Lộc khoảng 18km. Đây là ngọn thác lớn ở Lâm Đồng, nằm giữa khung cảnh rừng nguyên sinh hoang sơ và hùng vĩ.

Từ thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng qua những đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát, du khách sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đambri để được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh nam Tây Nguyên.

 

Thác Đambri có độ cao khoảng 60m. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài kilômét còn nghe thấy tiếng. Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ chưa mấy người khám phá với diện tích gần 300ha cùng đủ loài chim. Nhiều cây cổ  thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi... gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt ở đây. Đường vào trung tâm khu du lịch có một cầu ximăng dài hơn 20m bắc ngang suối, gần đỉnh thác. Đứng trên cầu, khách du lịch có thể thưởng thức cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác xuống. Khách muốn xuống chân thác có thể đi bằng hai đường: thang máy hoặc đường bộ. Nhưng hầu hết du khách đều chọn đường bộ men theo sườn núi, đã được bêtông hoá nên đi lại thuận tiện để được thưởng ngoạn phong cảnh.Theo lối mòn ven suối đi về phía thượng lưu, muốn sang bờ bên kia khách sẽ được một lần thử độ khéo léo và lòng dũng cảm khi chênh vênh đi trên chiếc cầu dây theo kiểu của đồng bào dân tộc ở địa phương vẫn làm. Cầu được bện từ những thứ dây leo rất sẵn ở rừng như song, mây, giang, lồ ô... Vào buôn của người dân tộc Châu Mạ - một trong những làng văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên, khách sẽ được thưởng thức những lễ hội cồng chiêng, khám phá tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cũng có thể tự mang lều trại để tổ chức sinh hoạt dã ngoại. Thật rất nhiều điều thú vị.

Để những chuyến tham quan của du khách thêm sinh động, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đambri còn khoanh một khu vực nuôi các loài thú. Đảo khỉ tại đây có hàng trăm con, hươu nai được nuôi thả tự do khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi bắt gặp. Cũng có cả những khu nuôi gấu, ba ba, rùa. Đặc biệt, có những chú voi đã được thuần dưỡng và ngoan ngoãn tuân theo sự chỉ dẫn của quản tượng. Du khách có thể ngồi trên lưng voi để chụp ảnh lưu niệm. Đi một vòng quanh khu du lịch rộng lớn, du khách có thể nghỉ chân bên hồ nước Đambri rộng hàng nghìn mét vuông, thuê một chiếc thuyền để hưởng thú câu cá trên hồ.(Nguồn: website báo Cần Thơ)





Cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của đảo yến Quy Nhơn, Bình Định

người đăng admin | viết nhận xét

Từ thành phố biển Quy Nhơn, phóng tầm mắt về phía Đông, một dãy núi như một con khủng long sừng sững án ngữ và che chắn sóng to, gió lớn - đó là bán đảo Phương Mai.

Thiên nhiên nơi đây không chỉ tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp mà còn ban tặng cho con người một kho báu ít nơi nào có được, đó là yến sào - một đặc sản vô cùng quý giá được cả thế giới ưa chuộng.
Đảo yến trước đây thuộc hai thôn Xương Lý, Hương Mai; nay thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Theo sử sách, những người sinh cơ lập nghiệp đầu tiên ở Xương Lý thuộc dòng họ Nguyễn, quê gốc ở Nghệ An, đến nay đã trải qua trên 10 đời. Thôn Hương Mai xưa kia bây giờ chính là bốn thôn Hải Cảng, Hải Đông, Hải Nam và Hải Minh đều thuộc xã Nhơn Hải. Xã Nhơn Lý và Nhơn Hải trước thuộc Tổng Trung An (huyện Phù Cát), sau năm 1955 cắt về huyện Tuy Phước, nay là thành phố Quy Nhơn - Bình Định.
Kho báu “trời ban”
Lên thuyền xuất phát từ mũi Tấn, phường Hải Cảng (Quy Nhơn), sau hành trình hơn hai tiếng đồng hồ, được chứng kiến một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động đã có từ hàng vạn năm, những vòm đá cao đến trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo và là nơi thích hợp cho loài chim yến làm tổ.
Ông Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Ban quản lý và khai thác yến sào Bình Định cho biết, đảo yến có khoảng 30 hang lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở xã Nhơn Hải và hang Nhơn Lý. Ở những hang nhỏ như Rừng Cao, Dơi, Ba Nghé, Cạn và Hầm xe, hàng năm có thể thu được từ 100-300 tổ yến. Còn những hang lớn như hang Cả, Đôi Trong, Đôi Ngoài, Luông, Khô, có cửa quay ra hướng Đông hoặc Đông Nam, thoáng mát, trần hang có nguồn nước nước ngọt rịn nhỏ xuống qua khe đá, bên dưới là sóng biển dập dềnh là nơi ưa thích làm tổ của chim yến, có thể thu hoạch được từ 14.000-15.000 tổ yến/năm.
Đến đảo yến vào mùa Xuân sẽ được tận mắt chứng kiến từng đàn chim yến bay rợp trời và gọi nhau ríu rít. Loài chim này có đặc điểm sống thành bầy đàn nhưng cũng thường sống từng đôi với nhau.
Để lấy được tổ yến trên vách và trần hang đá cheo leo, người ta phải bắc dàn giáo bằng tre liên kết với nhau. Những cột dọc được nối từ 4-5 cây tre mới lên đến đỉnh, có những hang cao phải dùng đến 300 cây tre mới đủ.
Mùa thu hoạch tổ yến bắt đầu từ tháng Tư âm lịch, bởi mùa làm tổ của chim yến bắt đầu vào tháng Giêng và tháng Hai. Và vụ thứ hai phải chờ đến khi chim yến con cứng cáp biết bay, đi kiếm mồi thì mới thu hoạch. Vụ thứ ba khai thác ít hơn, chủ yếu dưỡng cho đàn yến có điều kiện tăng bầy, đàn.
Hướng bảo tồn, phát triển đàn yến phục vụ du lịch
Trải qua nhiều năm khai thác, sản lượng yến sào thu hoạch hàng năm cũng giảm dần từ 600-700kg xuống còn 400-450kg, chất lượng yến sào cũng giảm hơn so với trước.
Giám đốc Nguyễn Hồng Vân cho biết những năm gần đây, ban quản lý đã lập kế hoạch và quy hoạch cụ thể lịch trình khai thác yến sào, chỉ khai thác ở những hang động yến lớn và lâu năm còn những hang nhỏ và số lượng làm tổ chưa nhiều thì bảo vệ, tránh va chạm để yến tiếp tục xây tổ, phát triển bầy đàn.
Ban quản lý yến sào Bình Định đang thực hiện thí điểm nuôi chim yến tại nhà ở một số hộ dân ở khu vực xung quanh đảo yến. Kết quả bước đầu cho thấy chim yến rất thân thiện với con người, đã vào ở và làm tổ. Công tác bảo vệ và tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân cũng được tăng cường.
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển đàn yến, tỉnh Bình Định đang xem xét giao cho doanh nghiệp quản lý, đầu tư khai thác chính. Nếu làm tốt, đây là nguồn lợi không nhỏ cho việc phát triển tham quan du lịch biển và đảo yến.
Đến với đảo yến, du khách không chỉ được khám phá về một loài chim đem lại nguồn lợi quý giá mà còn được chứng kiến nhiều di tích lịch sử văn hóa thời Chăm Pa, đến triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này như di tích chùa Phật lồi, nơi có pho tượng Chàm huyền bí.
Núi Tam Tòa với những di tích lịch sử triều Lý và chiến binh Tây Sơn thế kỷ 18; pháo đài Hổ Ky với những lỗ đặt súng thần công là công trình phòng thủ bờ biển do các bậc tiền nhân để lại... như một bức tranh nghệ thuật hoàn mỹ với những dáng vẻ thiên nhiên vừa hư vừa thực. Vì vậy đảo yến là nơi du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến Quy Nhơn, Bình Định.(Nguồn: dulichorg.vn.org)






News for 17/09/2010


View all news for 17/09/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao