International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

27/08/2010 | RSS Feed

Đến với khu du lịch sinh thái vùng hạ lưu sông Hậu tỉnh Sóc Trăng

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm giữa sông Hậu mênh mông, dãy cù lao ven sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng có không khí trong lành, mát mẻ, đất đai màu mỡ, thích hợp cho nhiều loại cây ăn trái.

Từ bao đời nay, người dân cù lao đã tạo nên những vườn cây ăn trái sum suê, xây dựng xóm làng ngày càng trù phú, sung túc. Thăm vùng cù lao này, du khách còn thấy thật thú vị với đời sống dân dã: hiền hòa, chân chất mà phóng khoáng. Ðặc biệt nhất phải kể đến cồn Mỹ Phước, hàng năm cứ đến ngày 5 tháng 5, người dân xứ Cồn lại đón tiếp khách tứ xứ về "ăn mùng năm"; ai đó đã nói rằng ngày mồng 5 tháng 5 là ngày hội của cồn Mỹ Phước, thật không ngoa chút nào! Và đây, Cù lao Dung! Tên gọi thân thiết biết bao của những người con Long Phú. "Ai về Cù lao Dung, nhớ ghé viếng Rạch Già, nhớ về An Thạnh Nhất." lời nhắn nhủ mới chân thành và tự hào làm sao! Người dân Cù lao Dung cũng rất tự hào về di tích đền thờ Bác Hồ tại An Thạnh Nhì - Một dấu son chứng minh tấm lòng thủy chung với cách mạng của đồng bào Sóc Trăng trong những ngày đấu tranh giành chính quyền.

Bên dòng Cửu Long giang bốn mùa hoa thơm trái ngọt, Cù lao Dung luôn chân tình đón chào du khách đến thăm như đón người thân về nhà.(Nguồn: website Du lịch Sóc Trăng)






Một ngày với tuyến du lịch sinh thái đầm phá Bắc Tam Giang (Huế)

người đăng admin | viết nhận xét

Tuyến du lịch sinh thái phía Bắc Tam Giang (Quảng Điền) do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh) tổ chức.

 

Từ Huế, đoàn ghé thăm đình Thủ Lễ, một di tích văn hóa Quốc gia với Đại lễ Cô Đàn, hay truyền thuyết về Phật lồi, với 400 trang địa bạ từ năm 1601, 62 sắc phong còn lưu giữ của các đời vua nhà Nguyễn đã sắc phong cho các họ, đình làng, am miếu thờ cho làng Thủ Lễ … Khách lại rong ruổi về với thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi) để biết thêm về phát triển cộng đồng ngư nghiệp, những mẫu vật ngư lưới cụ và các loài thủy hải sản đầm phá do chính người dân nghiên cứu và trưng bày.

Sau khi tham gia chăm sóc vườn rau màu, tham gia đan lát tại thôn Ngư Mỹ Thạnh và Thủy Lập, khách tham quan tiếp tục những trải nghiệm thú vị bằng chuyến đi thuyền trên phá, hoà mình cùng đời sống của người dân sông nước bằng những hoạt động đánh bắt cá, tôm, đổ nò sáo, đạp trìa… ngoài việc ngắm biển và tắm biển, du khách có thể thưởng thức vũ điệu múa Náp truyền thống của địa phương và tìm hiểu các hoạt động cộng đồng. Kết thúc chuyến hành trình, trên đường trở về Huế, du khách có thể ghé tham quan và mua sản phẩm từ làng nghề truyền thống đan lát Bao La.(Nguồn: website Huế)





Đào Nhật Tân, nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô nghìn năm tuổi

người đăng admin | viết nhận xét

Đào Nhật Tân là một nét văn hoá cổ truyền  đáng quý của người Hà Nội, đã hình thành và tồn tại đến mấy trăm năm. Nhắc đến Hà Nội, người ta không thể không nói tới làng đào Nhật Tân.

 

Huyền thoại lịch sử kể rằng trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, sau khi phá tan 20 vạn quân Thanh chỉ trong vòng 6 ngày, vua Quang Trung dẫn đại binh vào Thăng Long giữa tiếng reo hò chào đón của hàng hàng lớp lớp người dân chen chúc đứng hai bên đường. Vào bên trong thành, vua vắn tắt chỉ thị tướng sĩ rồi cùng tùy tùng phóng ngựa đến vùng Nhật Tân ở ngoại thành, tự tay chọn một cành bích đào cho ngựa trạm mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa để báo tin chiến thắng. Lúc bấy giờ, áo bào nhà vua vẫn còn vương gió bụi và phảng phất mùi thuốc súng.

Trong hàng trăm năm qua, người dân vùng trồng đào nổi tiếng Nhật Tân vẫn hãnh diện nhắc đến câu chuyện nêu trên, như một huyền thoại vừa kiêu hùng vừa lãng mạn với khách phương xa. Phải chăng, đối với nhà vua, cành đào Nhật Tân mảnh mai ấy gói ghém được hơi thở mùa Xuân và linh hồn đất Bắc, khiến người vợ yêu phần nào nguôi ngoai nỗi day dứt nhớ quê cha đất tổ mỗi độ Xuân về.

Bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân đã ghi lại hoa đào trong chợ hoa Hà Nội trong những năm chống Mỹ cứu nước, rút trong tập “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”: “Nhưng tôi khó mà quên được cái không khí chợ hoa Tết Hà Nội năm sơ tán đó, quảng trường chợ Hàng Da đúng là một cái ngã sáu của các đào. Đào Tết vẫn khoanh vùng nhưng đào ngồi, đào đứng, đào đi, đào vẫn cứ lấn dần sang đất vành đai cả khu hoa sơ tán. Đào ngồi nhờ sang cả cuối phố Hàng Nón. Đào tràn sang cả Hàng Gai. Ngồi ghé nhấp nhổm chỗ đầu Hàng Gai bờ hồ, hoa được thể còn cứ nhích nhích mãi vào đầu Hàng Đào!”.

Những chi tiết này thú vị biết mấy, bởi, ngay những năm chống Mỹ, đào (và phần lớn là đào Nhật Tân) vẫn được mùa! Và chợ hoa Hà Nội vô cùng tấp nập. Trong chiến tranh ác liệt người Hà Nội vẫn đầy chất hào hoa, cả người trồng đào lẫn người chơi đào! Đó chính là nét đặt trưng chỉ đất ngàn năm văn hiến mới có được.

Khi Tết đến Xuân về những cành đào gốc biếc đào phai vẫn đông hoa, đông nụ. Gốc đẹp, tán đẹp, hoa đẹp, đôi cái lộc lá nhú xanh điểm xuyết trong tán hoa lại càng đẹp. Đào bích Nhật Tân cánh dày, 12 cánh to và đều chồng khít bên nhau, vì thế, nhìn thấy thương hiệu của hợp tác xã đào Nhật Tân là khách đã tìm đến ngay mà chẳng cần nhìn đến thương hiệu bản quyền, cứ dạo qua những cành đào, những chậu đào, cứ nhìn cái sắc biếc đào thắm, những bông hoa to, sắc sảo mà nhuần nhị, thì cũng nhận ra thứ đào nổi tiếng hàng trăm năm nay rồi!(Nguồn: Báo Thái Nguyên

)




Đến Suối Voi (Thừa Thiên Huế) khám phá sự mạo hiểm

người đăng admin | viết nhận xét

Suối Voi nằm trên địa phận Thừa Thiên - Huế, tên địa phương gọi thân mật là suối Mệ. Theo cách gọi dân gian, mệ có nghĩa là con voi khổng lồ.

 

Từ thành phố Huế chạy về phía Nam 60 km, hay Đà Nẵng chạy ra 40 km, rồi thêm 3 km chạy lên phía tây, ngang địa phận Thừa Lưu, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, men theo con đường nhỏ được phủ lớp bê tông, du khách sẽ đến suối Voi, một con suối thật nhiều nước với nhiều ngọn thác lớn tuôn ra dưới một cánh rừng nguyên sinh khá dày thảm thực vật.

Vào mùa xuân tiết trời ấm áp, mát mẻ, các “mệ” từ đỉnh Bạch Mã, hàng trăm con kéo thành từng đoàn đến đây ăn củ sắn dây rừng, duy nhất vùng này mới có, nhưng sau đó đàn voi đã biến mất hút vào rừng, chỉ còn lại những vũng nước lớn và con suối chảy qua hàng trăm khối đá khổng lồ.

Tại điểm được đặt tên Suối Voi, có một tảng đá hình y hệt một con voi thật đang thả vòi uống nước dưới chân thác, nơi có một hồ nước được đặt tên là Đầm Voi. Đây là một hồ tắm thiên nhiên tuyệt vời rộng chừng 30 m2, sâu trên 2 m, nằm giữa hai ngọn thác. Hồ nước mát lạnh trong xanh có thể nhìn tận đáy.

Từ đây ngược lên khoảng trên 1 km là suối Đá Bàng, hay còn gọi là Hang Nai, nằm dưới chân một rặng núi cao trong dãy Trường Sơn. Đây là một con đường kỳ thú với nhiều hồ thác lách qua những vách đá đủ hình dạng trải dài bên một khu rừng nguyên sinh.

Tại đỉnh đầu của thác Đá Bàng, du khách tha hồ thoả chí “tang bồng” bằng những dự định cùng bạn bè thích mạo hiểm, hoặc vui thú với gia đình, tự mình khám phá thiên nhiên, rồi sau đó đi bắt cá nia, hái lá giang để nấu món canh chua, hay luộc rau tàu bay chấm với nước cá bóng thệ cùng với mọi người.

Ở phía thượng nguồn, du khách sẽ có điều kiện chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của khu rừng nguyên sinh. Đây là tài sản vô giá của suối Voi, nơi còn giữ lại những cây sến cổ thụ và quần tụ những loài chim thú quý hiếm như vượn quàng, sơn dương, nai, hoẵng, heo rừng, khướu, sáo, trĩ sao.

Từ khi hình thành du lịch sinh thái Suối Voi (1994), chỉ hoạt động vào mùa nắng, nhưng khu du lịch này đã giải quyết việc làm cho nhiều hộ là người dân địa phương trong thời gian nông nhàn.(Nguồn: dulichvn.org.vn)





Hải Minh- làng biển hoang sơ của Bình Định

người đăng admin | viết nhận xét

Hải Minh là một làng biển nhỏ nằm trên bán đảo Phương Mai thuộc thành phố Quy Nhơn. Đến với Hải Minh bạn sẽ lên thăm tượng Trần Hưng Đạo và biển hiện ra như bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

 

Từ nội thành đi đò máy từ bến Hàm Tử với thời gian chưa đầy 10 phút là bạn đã đặt chân lên làng biển Hải Minh. Đầu tiên, bạn sẽ viếng thăm tượng đài Trần Hưng Đạo. Tượng được xây dựng từ những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Ở chân tượng, bốn mặt đều trang trí phù điêu về cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng. Theo một cầu thang nhỏ, thẳng đứng ở phía tây tượng đài bạn sẽ lên trên phần bệ tượng. Từ đây, giữa bốn bề lộng gió, bạn có thể thoả thích phóng tầm mắt về bốn phương trời. Xa xa về phía đông là đảo Cù Lao Xanh, quay nhìn thành phố Quy Nhơn như một dải lụa nằm vắt ngang giữa nước và trời. Và bên kia là đầm Thị Nại một màu xanh ngắt… Ở đây còn có ngọn Hải Đăng hướng dẫn tàu bè ra vào cảng Quy Nhơn. Theo cứ liệu lịch sử, dưới thời Tây Sơn, khu vực Hải Minh được xây dựng hệ thống đồn luỹ, pháo đài án ngữ cửa biển Thị Nại, nay vẫn còn vài dấu tích…
Theo con đường mòn trên núi về phía bãi cát dọc biển, bạn sẽ đến Hang Dơi. Theo người dân địa phương, trước kia hang này là lối vào của một con đường dẫn đến tận dưới khu tượng đài Trần Hưng Đạo, sau này sóng biển đẩy cát lấp dần mất lối đi(!?). Bên trái hang, cách một ghềnh đá nhỏ là bãi Rạng, một bãi biển nhỏ còn hoang sơ và đẹp. Leo qua các đồi khác dọc triền núi, bạn sẽ đến các bãi khác mà dân đảo vẫn gọi là bãi Rạng 2, bãi Rạng 3… Nơi đây, cát trắng, biển trong xanh, sóng nhẹ nhàng, e ấp… bạn có thể hoà mình vào sóng nước. Với công trình văn hoá, thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú…sao bạn không thử một lần khám phá Hải Minh?(Nguồn: Báo Bình Định)






Những dòng thác xinh đẹp của thành phồ Đà Lạt

người đăng admin | viết nhận xét

Đà Lạt đã từng được ví như Sapa thứ 2, khí hậu mát mẻ quanh năm. Khi đến Đà Lạt chúng ta không những bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của các loài hoa, dâu Tây, Atiso và đặc biệt hương vị tuyệt vời của vang đỏ Đà Lạt mà ta còn bị cuốn hút hơn nhiều trước những vẻ đẹp hùng vĩ của các dòng thác dưới đây.

Thác Cam Ly

Thác Cam Ly nằm trên dòng suối Cẩm Lệ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 2km về phía tây.
Dưới chân thác là một vườn hoa nhỏ. Phong cảnh chung quanh thác không còn hoang vu như ngày xưa. Trong khu vực tháp có lăng Nguyễn Hữu Hào với nhiều kiến trúc độc đáo. Người Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng.

 

 

 

Thác Đatanla

Đatanla hay Datanla là một ngọn thác lớn nằm trong khu du lịch Đatanla – cách thác Prenn 2km và thành phố Đà Lạt 5km và là điểm tham quan, phiêu lưu mạo hiểm. Đatanla hay Đatania do các từ KHo ghép lại: "Đà-Tàm-Nha" có nghĩa là "nước dưới lá" - liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm- Lạch - Chil thế kỷ XV - XVII.

Thác Datanla có lượng nước dồi dào do thượng nguồn là nguồn nước ổn định. Thác Datanla không ồn ào do chảy qua nhiều thềm đá. Thác đổ từ ghềnh cao 20m, nước suối phần dưới tạo thành khu vực nước rất trong nên gọi là Suối Tiên, phần sâu hun hút phía trên có một vực sâu gọi là Vực Tử Thần. Theo truyền thuyết, do thác có vực sâu nằm lọt thỏm giữa một vùng đồi núi nên đã từng là nơi lánh nạn của một cánh quân của người dân tộc bản địa trong các cuộc chiến tranh với người Chăm từ cách đây hàng trăm năm trở về trước. Nhờ có ngọn thác này nên một cánh quân đã trụ lại và bảo toàn được lực lượng.


Thác Prenn

Thác Prenn là một thác nước đẹp thuộc tỉnh Lâm Đồng. Thác mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10 m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu. Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km, nằm ven quốc lộ 20.

Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời xa xăm vào khoảng thế kỷ XV – XVII, khi vùng núi rừng nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là "vùng xâm chiếm", còn các tộc dân bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là "người Prenn".

Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh.

Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với sự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên...

 

 

Thác Pongour

Thác Pongour hay còn gọi là thác Bảy tầng là một ngọn thác tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, nằm cách Đà Lạt 50 km về hướng Nam. Thác đổ từ độ cao gần 40 mét, trải rộng hơn 100 mét, qua hệ thống đá bậc thang bảy tầng. Bao quanh là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5 ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Pongour là tên do người Pháp phiên âm từ tiếng bản địa K’Ho: Pon-gou có nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng. Theo một số tài liệu địa chất của người Pháp, vùng đất này có nhiều kaolin.

Pongour là thác nước duy nhất có ngày hội. Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng âm lịch, từ khắp nơi các nam thanh nữ tú không phân biệt dân tộc đổ về đây trẩy hội mùa Xuân. Đây là dịp mà mọi người sống cởi mở, chân tình, tự do tìm hiểu và yêu mến nhau.


 

 

(Nguồn: website du lịch Đà Lạt)






Đình làng Thủ lễ: Một di tích kiến trúc nghệ thuật của Thừa Thiên Huế

người đăng admin | viết nhận xét

 

Ở Thừa Thiên Huế có 2 ngôi đình gắn liền với lễ hội vật ngày xuân đó là đình làng Lại Ân gắn với vật Sình và đình Thủ Lễ gắn với vật Sịa. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng, tiếng trống khai hội vật Thủ Lễ lại thúc giục những làng quê náo nức vào hội. Sân đình làng Thủ Lễ cũng là sới vật ngày xuân để các chàng trai khoẻ mạnh cùng đua sức, đua tài trong hội vật.
Làng Thủ Lễ- thị trấn Sịa- huyện Quảng Điền là một làng cổ vùng đồng bằng gần với phá Tam Giang. Lịch sử của làng Thủ Lễ gắn liền với lịch sử ra đời của vùng Sịa. Cũng như bao làng quê khác, cùng với sự hình thành của làng, hệ thống kiến trúc đình- chùa ra đời. Các công trình này dù lớn hay nhỏ cũng đều là sản phẩm của sự đóng góp chung trong cộng đồng dân cư từ những buổi đầu lập ấp dựng làng. Đến nay chưa có tài liệu nào nói rõ năm tháng hình thành làng Thủ Lễ cũng như thời gian xây dựng và kiểu dáng của Đình Thủ Lễ. Chỉ biết rằng Đình Thủ Lễ đã trải qua 3 lần trùng tu, lần trùng tu thứ 3 là vào năm 1893 tức năm Thành Thái thứ 2.  

Đình làng Thủ Lễ nằm ở trung tâm của làng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng kiến trúc của ngôi đình này vẫn còn như nguyên vẹn gồm 5 gian, 2 chái, hai phía tả hữu của khuôn viên đình là 2 nhà tăng. Trước đình là khoảng sân rộng, với bức bình phong, hồ sen và tứ trụ biểu nhìn ra cánh đồng trước mặt. Ngôi dình làng Thủ Lễ là biểu tượng sức mạnh của một làng quê giàu truyền thống văn vật, là ngôi nhà chung của một cộng đồng làng. Nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết của mọi người dân trong làng đã được giữ gìn như một nếp sống truyền thống của dân làng Thủ Lễ. Cũng như bao làng quê khác, người dân làng Thủ Lễ đã sống trong phong cảnh hài hoà của ngôi Đình, cây đa bến nước, luỹ tre làng… Đó cũng là chứng tích  hồn thiêng của một làng quê, là di sản văn hoá truyền thống của dân tộc trên một vùng đất cụ thể mà biết bao thế hệ đã cống hiến máu xương và công sức để vun đắp nên.     
Đình làng Thủ Lễ là một di tích kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu ở Huế, có niên đại xây dựng tương đối sớm với nhiều giá trị đặc sắc. Đây là một nguồn sử liệu vật chất trực tiếp, một dấu ấn văn hoá sâu đậm góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống thế kỷ 19. Mang phong cách nhà rường Huế, với kiểu dáng quy mô, kỹ năng mỹ thuật, các đồ án trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. Những đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của đình làng Thủ Lễ với những nét sáng tạo, cách tân, giàu tính nhân văn nói lên nguyện vọng thiết thân của cư dân nông nghiệp cầu mưa thuận gió hoà, vật lực phồn thịnh, nước nhà yên ổn… Hiện nay, tại ngôi đình này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý  đó là: một khánh đá dùng để làm hiệu lệnh tập họp dân làng, phiến đá bùa dùng để yểm các loại ôn dịch  cầu mong cho dân làng bình an, làm ăn phát đạt, 57 sắc phong của các vua nhà Nguyễn từ thời Minh Mạng đến thời Bảo Đại…  
Với trên 200 năm tồn tại, đình làng Thủ Lễ vẫn còn lưu giữ hệ thống kiến trúc cùng với những văn bản, hiện vật quý hiếm phản ánh mối quan hệ mật thiết trong tổng thể các công trình kiến trúc triều Nguyễn. Đình làng Thủ Lễ với những giá trị lịch sử của mình còn là chiếc cầu nối để giữ gìn một hành lang đô thị cổ: Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, thị trấn Sịa… góp phần tô đậm thêm truyền thống văn hoá lịch sử của một huyện lỵ Quảng Điền.(
Nguồn: website Huế)





Huyền bí thác “Tác Tình” - Lai Châu

người đăng admin | viết nhận xét

“Tác Tình” từ xưa đến nay vẫn được người dân gọi bằng cái tên thân thương như vậy, nó gắn liền với đời sống vật chất cũng như văn hoá bản địa thường ngày của đồng bào. “Tác Tình” không chỉ đơn giản là tên một con thác mà còn là một truyền thuyết mang âm hưởng tình ca của một đôi trai gái yêu nhau.

Không biết từ bao giờ tên gọi “Tác Tình” đã hình thành và tồn tại trong tiềm thức của từng cư dân người Dao nói riêng và tất cả mọi người dân nơi đây nói chung.

Theo tiếng Dao:
Tác: có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống mỏm đã nhô ra từ vách núi thẳng đứng (vách núi này có độ cao từ 50m trở lên so với mặt đất).
Tình: có nghĩa là nước từ trên thác đổ xuống tạo thành một vũng nước trên mặt đất (giống như một hồ nhỏ).
Theo truyền thuyết kể rằng: “Lâu lắm rồi, trải qua không biết bao nhiêu mùa lúa chín, không biết bao nhiêu mùa ngô tại bản người Dao nọ dưới chân thác có nàng Lở Lan xinh đẹp như đoá lan rừng, yêu một chàng trai khoẻ mạnh trong bản nhưng tình yêu của họ gặp trắc trở do bị kẻ gian ác hãm hại chia cách, không được nên vợ nên chồng. Vì lời hẹn ước cô gái đã trẫm mình xuống dòng thác để giữ trọn thuỷ chung vì vậy người dân nơi đây gọi thác bằng cái tên rất lạ: Thác Tác Tình”.
Với cái tên đầy ý nghĩa và sự huyền bí cùng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thanh khiết với huyền thoại tình yêu thuỷ chung, tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái đã tạo nên ngọn thác hùng vĩ giữa núi rừng Tây Bắc, thác Tác Tình đã làm say đắm lòng người, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng sự trường tồn của thời gian “Tác Tình” hàng ngày vẫn đưa những dòng nước trong lành nuôi sống đồng bào nơi đây, đêm đêm tiếng “thắc thỏm” của dòng thác vẫn vọng về, vẫn luôn sống và tồn tại trong tâm niệm của từng cư dân nơi đây nói riêng và của tất cả chúng ta nói chung.
Trải qua sự thay đổi của thời gian vì cuộc sống mưu sinh cái nôi văn hoá của người Dao, cư dân sống lâu năm đã hoà quyện cùng nhiều thành phần văn hoá khác nhau nên “Tắc Tình” cũng bị một số đồng bào gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như: : “Tắc Tình”, “Thác Tình”.(
Nguồn: website Du lịch Lai Châu)





Cụm di tích chiến thắng La Gà, Đồng Nai

người đăng admin | viết nhận xét

Cụm di tích chiến thắng La Ngà được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích, lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 235/VH- QĐ ngày 12 tháng 12 năm 1986. Cụm di tích chiến thắng La Ngà trải dài trên 9 km đoạn quốc lộ 20  từ km 104 đến 113 qua các xã Phú Ngọc, Ngọc Định và Phú Hiệp, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Đây là đoạn đường quanh co khúc khuỷu men bên sườn núi, có chổ là vực sâu. Hai bên đường đều là rừng già, không có dân cư  sinh sống. Quốc lộ 20 khi thực dân Pháp xây dựng chỉ là con đường trải nhựa (khoảng 5-6 m).

 

Ngày nay, Quốc lộ 20 được mở rộng nâng cấp những cánh rừng nguyên sinh không còn nữa, thay vào đó là những khu dân cư đông  vui tấp nập. Bên tả ngạn sông La Ngà, trên đỉnh đồi, là khu công viên tượng đài “Chiến thắng La Ngà” hoành tráng sừng sững giữa bầu trời xanh lộng gió, soi bóng xuống dòng sông.

Cụm di tích chiến thắng La Ngà nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân miền Đông Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã tiêu diệt đoàn xe quân sự Pháp gồm 59 chiếc, 150 tên địch (có 25 sĩ quan) trong đó có hai đại tá: Đờxêrinhê (Desérigné) chỉ huy  lữ đoàn Lê Dương thứ 13 (13 eDBLB) và Patơrúyt (Patruite) phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất của quân đội Pháp ở miền Nam Đông Dương.

Chiến thắng La Ngà đã gây tiếng vang lớn ở Sài Gòn, trong nước và chấn động cả nước Pháp. Quốc hội Pháp phải chất vấn chính phủ về trận La Ngà. Viên đại tá Tlét (Thalès) chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai thượng bị giáng chức nên đã tự tử.

Chiến thắng La Ngà đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang miền Đông, cả về chiến lược và chiến thuật. Hơn 55 năm trôi qua vết tích về một trận đánh giao thông táo bạo, hùng tráng gần như không còn, nhưng âm vang chiến thắng La Ngà vẫn còn đó. Tượng đài La Ngà như một biểu tượng tình cảm thiêng liêng của đất nước khắc ghi công lao to lớn của chiến sĩ đồng bào đã hy sinh góp phần làm nên chiến công vang dội “Chiến thắng La Ngà”. Một mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh dân tộc.(Nguồn: website SVHTT&DL-Đồng Nai)






News for 24/08/2010


View all news for 24/08/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam