International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

04/08/2010 | RSS Feed

Khai thác hiệu quả du lịch biển - đảo Phú Quốc

người đăng admin | viết nhận xét

Không ngừng đầu tư, nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vu đạt chuẩn cao cấp, chủ động liên kết trong kinh doanh, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch và tham gia hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng sản phẩm phục vụ du khách, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), trong đó có Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc đã và đang khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch của "hòn đảo ngọc" theo hướng phát triển bền vững.

Cách đây mười năm, du khách nước ngoài chủ yếu từ Thái-lan đến Phú Quốc nhờ vào những chuyến cập bến thứ bảy hằng tuần của du thuyền năm sao Star Cruise. Một nguồn khách lưu trú khác thì dựa vào hai chuyến tàu gỗ từ đất liền ra đảo mỗi ngày, vận chuyển khoảng 50 khách kèm theo hàng hóa. Ðường hàng không thì mới chỉ có ba chuyến bay và vận chuyển được 180 lượt khách/tuần. Từ "sự nguyên sơ" ban đầu ấy, nhưng "hòn đảo ngọc" - như cách gọi của nhiều du khách, vẫn có một sức hút đối với họ bởi vẻ đẹp lôi cuốn của thiên nhiên, bởi các giá trị văn hóa, lịch sử và bởi sự chân chất, thân thiện của những người dân, cũng như của những sản phẩm đặc sản mà họ từng nghe, từng biết đến như nước mắm, hồ tiêu, chó xoáy, bò biển (Dongu) nổi danh.  

 

Dù còn nhiều việc phải làm, phải đầu tư, nhưng Phú Quốc đã được khách du lịch trong nước hoặc "một phần" thế giới biết đến với tư cách là một điểm du lịch hấp dẫn. Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc (SG-PQ) là một trong số doanh nghiệp hàng đầu đã góp phần xây dựng hình ảnh của đảo Phú Quốc,  một điểm đến được yêu thích. Mười năm qua, doanh nghiệp đã cùng 30 đơn vị lưu trú và lữ hành tại Phú Quốc kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy du lịch toàn đảo phát triển nhanh. Từ năm 2001 đến năm 2006, nguồn khách du lịch đến Phú Quốc tăng bình quân 60%/năm, trong đó 20% là khách quốc tế. Hiện đã có 14 chuyến bay hàng không mỗi ngày, cùng với sáu chuyến tàu cao tốc đi và về đảo Phú Quốc. Du lịch cuối tuần đã khơi dậy tiềm năng. Sài Gòn-Phú Quốc luôn luôn đi đầu trong việc khai thác du lịch sinh thái bền vững, khuyến khích người dân trên đảo tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, từng bước tạo nên sự đổi thay và phát triển. Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mua sắm, giải trí, thư giãn đến du lịch thể thao lên rừng xuống biển, du lịch làng quê, xóm chài, thăm xưởng chế biến mắm, đóng tàu, câu cá thẻ mực đã được SG-PQ bắt tay vào làm cùng người dân địa phương như:  bơi lặn bằng bình hơi, đón giao thừa cùng cư dân trên đảo, cưỡi ngựa đi chợ, rồi câu cá, thẻ mực, kỷ niệm ngày cưới trên biển và tuần trăng mật nơi đảo hoang.

 

Ðể phát triển du lịch,  SG-PQ không ngừng tìm cách tăng thêm nguồn khách, đồng thời bao tiêu vé cho chuyến bay cuối tuần để ngành hàng không Việt Nam yên tâm tăng chuyến bay từ ba lên bảy rồi 21 chuyến bay hằng tuần từ năm 2004. Cùng với đó, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Ðề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" thật sự là đòn bẩy cho du lịch Phú Quốc, giúp thu hút mạnh đầu tư vào cơ sở  hạ tầng và các tuyến vận chuyển bằng tàu cao tốc ra đảo.

 

Bên cạnh tạo dựng các sản phẩm, quy hoạch phát triển du lịch, một yếu tố quan trọng là hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá. Từ năm 2000, Khu nghỉ dưỡng SG-PQ đã tự chi gần hai tỷ đồng hằng năm để tiếp thị điểm đến Phú Quốc ra nước ngoài. Những bước đi ban đầu khá thủ công như ghi tên đảo du lịch-Phú Quốc lên các cuốn sách Guide Book của thế giới (nhất là của Nhà xuất bản Lonely Planet, được phát hành 24 thứ tiếng) và các chương trình du lịch của các hãng lữ hành tại nước ngoài, lập năm trang thông tin điện tử được đầu tư công đoạn truy cập để luôn ở nhóm hàng đầu tại các công cụ dò tìm tên miền trên in-tơ-nét. Ðến nay, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang công nghệ bán hàng trực tuyến qua điện thoại di động, tham gia các kênh thương mại điện tử toàn cầu chuyên ngành du lịch: World Hotels, Hi-Tek, Generes và tăng cường các công cụ thanh toán trực tuyến: Hi-tech, One-pay, E-pay, đạt tỷ lệ doanh thu trên mạng hơn 20%/năm....

 

 Năm 2003, khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn-Phú Quốc bắt đầu thuê gian hàng để có mặt tại các hội chợ du lịch của thế giới, tổ chức gian hàng giới thiệu, mở các road show/work shop tại nhiều nước ở châu Âu, châu Á, đưa hình ảnh đảo du lịch Phú Quốc đến với du khách ở các thị trường trọng điểm và áp dụng các hình thức bán hàng ở những thị trường này. Mỗi phân khúc được chọn làm thị trường mục tiêu, doanh nghiệp đều áp dụng biện pháp tiếp thị hỗn hợp để tiếp cận và bằng cách này duy trì được bốn thị trường hàng đầu là: Nga, Ðức, Pháp, Mỹ, góp phần giúp du lịch Phú Quốc luôn luôn đạt tỷ lệ sử dụng buồng- phòng khá cao, kể cả trong một số thời điểm ngành du lịch gặp khó khăn, khủng hoảng. Ðối với thị trường nội địa, Sài Gòn - Phú Quốc đã liên kết các hãng lữ hành trong cả nước quảng bá điểm đến, đồng thời áp dụng chiến lược thị trường "đa phân khúc".  Trước hết  là tiếp cận đối tượng tiểu thương hoặc các nhóm khách có thu nhập trung bình nhưng đông đảo; từng bước thu hút tầng lớp có thu nhập cao hơn, và bàn giao phân khúc khách có mức chi trả trung bình cho khách sạn khác. Cách làm này đã góp phần tăng nhanh lượng du khách đến đảo. 

 

Hiện tại, Khu du lịch nghỉ dưỡng SG-PQ đang tập trung vào nhiệm vụ "tiếp thị thương hiệu, hội nhập và chất lượng", nâng cấp sản phẩm và chất lượng phục vụ theo tiêu chuẩn năm sao; ứng dụng tiêu dùng xanh; thể nghiệm năng lượng xanh. Doanh nghiệp cũng đang cùng người dân làm lưu trú qua việc tư vấn về tiêu chuẩn ăn, ngủ, vệ sinh, có xác nhận chất lượng và giới thiệu  du khách du lịch. Ðồng thời tham gia đào tạo họ về kỹ năng ngoại ngữ giao tiếp và ứng xử với khách nước ngoài, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và động vật hoang dã quý hiếm. Ðó cũng là mục tiêu của loại hình du lịch có trách nhiệm, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cư dân và nâng cao sự phồn thịnh của cộng đồng.





UAE mong muốn tăng cường hợp tác du lịch với Việt Nam

người đăng admin | viết nhận xét

Vừa qua, tại thủ đô Abu Dhabi của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với công ty du lịch Sharaf Travel Agency, Hãng hàng không Etihad Airways và Vietnam Airlines tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Khám phá các tiềm năng du lịch Việt Nam”.

Tới dự có đại diện của hơn 20 hãng du lịch nổi tiếng của Tiểu vương quốc Abu Dhabi và Dubai. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ nước ta Nguyễn Quang Khai đã điểm lại lịch sử phát triển của ngành du lịch Việt Nam, ý nghĩa đối với nền kinh tế nước nhà; những thành tựu to lớn mà ngành du lịch đạt được trong những năm gần đây và mục tiêu kế hoạch đề ra trong những năm tới.

Đại sứ nêu rõ, mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành du lịch Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng ngoạn mục. 6 tháng đầu năm 2010, số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã đạt 2,6 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nay đến cuối năm, với các hoạt động lớn nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và 65 năm Quốc khánh Việt Nam, ngành du lịch rất tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu thu hút 6,2 - 6,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Với những kết quả này, du lịch Việt Nam đang đóng góp khoảng 4,5 - 5 tỷ USD, tức khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam đang ra sức phấn đấu để năm 2012 trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực và năm 2015 được đưa vào top 10 nước có ngành du lịch phát triến nhất thế giới.

Đại sứ khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi sẽ tạo mọi điều kiện dễ dàng cho các công dân của các UAE, cũng như các nước vùng Vịnh và Trung Đông khác đi du lịch tới Việt Nam.

Những người tham dự Hội thảo đều mong muốn được hợp tác với các công ty của ta để đưa khách du lịch vào Việt Nam. Tới đây, các công ty lữ hành của UAE sẽ tổ chức các đoàn tới Việt Nam tìm hiểu các khả năng hợp tác giữa 2 nước.

Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Quang Khai đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Travel Talk Trung Đông và báo Khaleej Time của UAE về tình hình Việt Nam và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE. - (Theo TCDL)




Hà Giang: Phấn đấu năm 2010 doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt gần 300 tỷ đồng

người đăng admin | viết nhận xét

Với mục tiêu “Phát triển mạnh du lịch, từng bước đưa Hà Giang trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực”, thời gian qua, tỉnh đã và đang phát huy thế mạnh các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch văn hóa.


 

Các điểm du lịch của tỉnh đang thu hút nhiều du khách là Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn), Phố cổ (Đồng Văn), Cổng trời (Quản Bạ), Lễ hội chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc)... Đặc biệt, du khách đến với Hà Giang đều thích thăm quan, tìm hiểu văn hóa các dân tộc và ăn, nghỉ tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng - đây chính là lợi thế để tỉnh ta thu hút khách và phát triển ngành du lịch.


Theo đồng chí Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, trong những tháng cuối năm 2010, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút khách du lịch như: Giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch dưới nhiều hình thức; chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo vệ thành công Dự án “Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn”. Ngành tiếp tục phối hợp với các đơn vị lữ hành du lịch triển khai có hiệu quả các tour, tuyến du lịch; đầu tư phát triển hạ tầng các làng văn hóa du lịch, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và phát triển các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ. Cùng đó, phối hợp với các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn tổ chức chuỗi sự kiện hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh với chủ đề “Qua những miền di sản”... phấn đấu năm 2010 doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt gần 300 tỷ đồng.


Hiện nay tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn nhân lực cho các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 29 làng văn hóa du lịch cộng đồng tại 11 huyện, thị trong tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã định hướng xây dựng mỗi dân tộc một làng văn hóa đặc trưng như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày ở TXHG; làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô hoa ở Lũng Cẩm, Sủng Là (Đồng Văn), Lô Lô đen ở Sủng Pả (Mèo Vạc); làng văn hóa du lịch cộng đồng người Dao ở huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần; làng văn hóa du lịch cộng đồng người Mông ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... Những làng văn hóa du lịch cộng đồng này đã được quan tâm đầu tư phát triển thuận tiện đón khách, có đủ cơ sở phục vụ tốt cho ăn, ngủ, nghỉ và sản phẩm du lịch cộng đồng phong phú. Chính vì vậy, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh ta đã có trên 164,3 ngàn lượt người, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế khoảng 52,2 lượt người, khách du lịch nội địa 112,1 ngàn lượt người, doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt 157 tỷ đồng. (Theo TCDL)




Du lịch làng nghề Bến Tre: Một tiềm năng chờ đánh thức

người đăng admin | viết nhận xét

Không gian văn hóa ĐBSCL là một tiểu vùng văn hóa quan trọng của Việt Nam với đầy đủ bản sắc thiên nhiên, đa dạng các sản phẩm vật chất lẫn tinh thần, trong đó phải kể đến có hàng trăm làng nghề truyền thống. Những làng nghề ấy đã đang nóng lòng muốn bước ra khỏi... cổng làng, hội nhập và phát triển vào dòng chảy của ngành công nghiệp không khói.


Theo dòng lịch sử trên 300 năm, ĐBSCL là vùng giao thoa văn hóa của 4 dân tộc Việt – Chăm – Hoa – Khơme. Đặc thù trên đã tạo nên bức chân dung sống động, bình dị nhưng vô cùng đặc sắc qua phong tục, đời sống văn hóa, kiến trúc nhà ở, nghệ thuật (cải lương, tài tử, thơ, ca, hò vè, hát ru), tế lễ, thờ cúng, ẩm thực, sản xuất, trong đó phải kể đến có hàng trăm làng nghề truyền thống dẫu trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn hiện hữu như nghề kim hoàn, chạm khắc, làm trống, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, từ lục bình, làm ghe, lu, gốm sứ, dệt chiếu, đan đát, bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, bánh pía...


Với xứ dừa Bến Tre, làng nghề hiện hữu ở đây rất đa dạng và phong phú: Sản xuất bánh tráng, bánh phồng, đan đát, dệt chiếu, kết thảm, sản xuất kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, sản xuất chỉ xơ dừa, than thiêu kết, sản xuất rượu nếp đặc sản như rượu Phú Lễ, Bình Phú...kềm kéo Mỹ Thạnh. Hoạt động của làng nghề chủ yếu hướng vào việc sử dụng lao động và phù hợp với sự khéo léo của người dân sở tại. Các làng nghề góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn lao động tại địa phương, là bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

 

Việc khuếch trương thương hiệu cũng đã được các nhà sản xuất tại tỉnh quan tâm, bắt đầu đầu tư lớn cho quảng bá thương hiệu. Những năm gần đây, vừa qua phà Rạch Miễu để vào thị xã Bến Tre, những bản hiệu và sản phẩm kẹo dừa, bánh phồng Thanh Long, Thiên Long, Quế Hương... có mặt san sát hai bên quốc lộ 60 chào mời du khách. Tương tự thế, trên đường tỉnh 885 từ thị xã Bến Tre đến huyện Ba Tri, ngoài kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc cũng đã ra sức tiếp thị dòng du khách đến tham quan khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Phan Thanh Giản, mộ nhà giáo Võ Trường Toản....

Năm 2005, chỉ riêng mặt hàng kẹo dừa, Bến Tre sản xuất trên 10.000 tấn, trong đó xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc 6.800 tấn, bánh tráng, bánh phồng trên 2.000 tấn, doanh thu hàng thủ công mỹ nghệ và tiểu thủ công nghiệp đạt trên 25 tỷ đồng... Nhìn về tương lai, các sản phẩm trên vẫn còn điều kiện phát triển mạnh. Tuy nhiên, hạn chế của các làng nghề tại Bến Tre là chưa có một hệ thống chính sách hỗ trợ cho các làng nghề tiếp cận thị trường. Ngoài ngành sản xuất kẹo dừa, chỉ xơ dừa những năm gần đây đã cải tiến thiết bị sản xuất, nhiều ngành nghề khác thiết bị còn thô sơ, chậm được đổi mới. Đa phần các làng nghề trong tỉnh chưa hình thành được một đơn vị đầu mối đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm chung cho làng nghề....

Bánh pía-lạp xưỡng – một đặc sản của Sóc Trăng sau thời gian dài kín kẽ nay đã vươn vai tiếp thị mạnh mẽ. Hình ảnh tiếp thị bánh pía-lạp xưỡng Sóc Trăng bắt mắt ngay với du khách khi họ vừa đến ngã ba Trà Men dẫn vào thị xã Sóc Trăng (dài trên 1 km) hay tại huyện Mỹ Tú, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất bánh pía-lạp xưỡng.

Với không gian sinh thái đa dạng phong phú của vùng sông nước ĐBSCL, ngành du lịch dã ngoại đang hấp dẫn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ lợi thế trên, đưa sản phẩm – đặc sản văn hóa của các làng nghề ĐBSCL vào thị trường du lịch là hướng tiếp thị khả thi, đồng thời sẽ tạo hiệu quả kép vừa phát triển du lịch vừa bán được sản phẩm làng nghề. Để làm được điều trên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng trước mắt phải nhanh chóng chấn hưng làng nghề, xây dựng các thiết chế về du lịch làng nghề, mở tour du lịch làng nghề, phát triển các Showroom du lịch làng nghề. Kêu gọi đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các đề án như: Hệ thống quản lý Showroom sản phẩm làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch.

Phát triển các công ty du lịch tư nhân phục vụ du lịch làng nghề (các showroom là điểm dừng du lịch). Thành lập trung tâm du lịch làng nghề Việt Nam có hệ thống điều hành, quảng bá trên cả nước với 3 trung tâm lớn tại Hà Nội, Huế, TPHCM, các chi nhánh quan trọng như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt và Cần Thơ. Và đặc biệt là cần củng cố, mở rộng tổ chức Hiệp hội Làng nghề Việt Nam từ trung ương đến cơ sở, qua đó xây dựng hệ thống mạng lưới Showroom du lịch làng nghề từ khu vực đến các tỉnh....
 
Trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, các làng nghề không chỉ sản xuất, kinh doanh, mà còn là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, mang sắc thái văn hóa riêng biệt, có đặc trưng của từng làng theo ngành nghề truyền thống lâu đời, là nét độc đáo góp phần mở rộng phát triển các loại hình du lịch ở nước ta. Cho nên, đánh thức và phát triển du lịch làng nghề là hướng đi hữu hiệu nhằm đưa sản phẩm làng nghề vào thị trường, nâng cao thu nhập đời sống cho các nghệ nhân tâm huyết với nghề. (Theo TCDL)






News for 29/07/2010


View all news for 29/07/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam