International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

23/06/2010 | RSS Feed

Hàng Quạt - Phố nghề xưa của đất Thăng Long

người đăng admin | viết nhận xét

 

Phố Hàng Quạt dài khoảng 200m, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Đông-Tây, nối từ phố Lương Văn Can đến phố Hàng Nón.

Nguồn gốc phố Hàng Quạt

Phố được xây dựng trên nền đất xưa thuộc hai thôn Tố Tịch và Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Thời Pháp thuộc, phố được gọi là Hàng Quạt (Rue des éventails) và tên này được chính thức hóa từ Sau Cách mạng tháng Tám đến nay.

Phố được gọi là Hàng Quạt vì ở đây có nhiều cửa hàng vừa tự sản xuất và vừa thu mua quạt từ những nơi khác đem về bán.

Nghề làm quạt ở đây do một số người dân làng Đào Xá (còn gọi là làng Đầu Quạt), huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên mang đến. Họ đến đây sinh cơ, lập nghiệp và dựng lên một ngôi đình thờ ông tổ nghề quạt ở nhà số 4, gọi là đình Xuân Phiến Thị, tức là “Chợ quạt mùa Xuân."

Quạt bày bán ở phố này có nguồn gốc từ nhiều nơi như quạt Lủ do làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, làm ra. Quạt Lủ gồm nhiều loạt: quạt phất giấy, quạt phất bằng lượt mỏng (một loại lụa thưa, nhuộm màu), quạt có nan bằng xương, quạt có nan bằng ngà...

Quạt Hới của làng Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, làm ra. Quạt có nan làm bằng trúc; quạt Vác do làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội, làm ra. Quạt được châm bằng kim rất khéo, khi xòe ra và soi lên ánh sáng như là quạt phất bằng lụa.

Quạt của làng Vẽ, Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, có nan làm bằng tre, nứa đan theo nhiều hình như lá vả, hình thang…; quạt thóc của làng Vo, Gia Lâm, Hà Nội; quạt lông ngỗng của làng Đơ Đình, quận Hà Đông, Hà Nội.

Ngày nay, phố Hàng Quạt không còn bán quạt và đàn nữa. Những cửa hàng trên phố chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác như bàn thờ lớn nhỏ; tranh thêu; chữ, đối, trướng dùng vào việc hiếu, hỷ, chúc thọ, khen thưởng thi đua.

Trước đây, phố Hàng Quạt gồm ba phố Hàng Quạt, Hàng Đàn và Mã Vĩ.

 

Phố Hàng Đàn

Phố được gọi là Hàng Đàn vì ở đây có nhiều cửa hàng làm và bán các loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ...

 

 

 

Đến đầu thế kỷ 20, nhiều cửa hàng trên phố Hàng Đàn chuyển sang làm những loại đồ gỗ chạm như long đình, bát bửu, đòn đầu rồng, kiệu bát cống, khám thờ, ngai thờ, bài vị.

 

 Thời gian sau, một số cửa hàng trên phố này lại chuyển sang làm các đồ gỗ thông thường như bàn ghế, tủ, chạn, bàn thờ.

Phố Mã Vĩ

Phố nằm ở phía Tây, đoạn cuối giáp với phố Hàng Nón.

Phố được gọi là Mã Vĩ vì ở đây có nhiều nhà làm và bán các loại trang phục tuồng, chèo, lễ hội; thêu và bán các mặt hàng thêu như cờ, phướn, trướng, lọng và một số đạo cụ sân khấu làm bằng lông đuôi ngựa nên gọi là Mã Vĩ (nghĩa là “đuôi ngựa”).

Về di tích lịch sử

Đền Dâu còn gọi là đền Thuận Mỹ, hiện ở số nhà 64. Nơi đây xưa kia có bãi trồng dâu rất lớn nên nhân dân quen gọi là đền Dâu.Đình làng thờ Thành hoàng Bản Cảnh, hiện ở số nhà 74

Trường giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, hiện ở số nhà 43. Đây nguyên là một trường tư thục mở sớm nhất ở Hà Nội có tên là trường Trí Tri.

Nhà số 21 là của doanh nhân kiêm nghệ sĩ nổi tiếng Nghiêm Xuân Huyến. Ông từng là chủ nhà in Rạng Đông, đồng thời là chủ bút của hai tờ báo Bắc Kỳ Thể thao (năm 1930) và Con o­ng (năm 1936) - một tờ báo trào phúng đả kích thực dân và tay sai. Ông còn là người đỡ đầu và là nhạc phụ của cố nhạc sĩ Văn Cao./.(Nguồn: TTXVN)





Kê Gà (Bình Thuận): Ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam

người đăng admin | viết nhận xét

Hải đăng Kê Gà là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam, nằm trên một hòn đảo thuộc xã Thuận Quý, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết 30 km về hướng Tây Nam.

 

Có nhiều giải thích về tên gọi Kê Gà hay còn gọi là Khe Gà. Cách giải thích phổ biến nhất là vì mũi đất này có khe giống đầu mỏ của một con gà. Một cách giải thích khác cho rằng ngày xưa ở đây có nhiều gà rừng sinh sống. Thời Pháp thuộc, khi vẽ bản đồ hành chính người ta ghi là Kéga, theo cách phát âm của người Pháp, về sau quen gọi là Kê Gà.

Nhìn từ đất liền qua những bãi đá, đảo hải đăng vô cùng quyến rũ. Mỗi khi bình minh hay hoàng hôn, hải đăng Kê Gà trở nên đẹp tuyệt vời bởi sự phản chiếu của ánh sáng với bãi đá vàng tạo nên những khung cảnh huyền hoặc. Gần các phiến đá lớn nước sâu, có rất nhiều loại cá và du khách vẫn có thể câu được cá lớn tại đây.

Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, mũi Kê Gà xưa kia được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Vào các thế kỷ trước, đã có nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm. Chính vì thế, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà.

Cuối năm 1898 hải đăng Kê Gà, do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế, được hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 1900. Như vậy tính đến nay ngọn hải đăng này đã 110 tuổi, được xem là ngọn hải đăng "già" nhất Việt Nam.

Hòn đảo, nơi xây dựng ngọn hải đăng, có diện tích khoảng 5 ha. Trên đảo có hàng ngàn hòn đá hoa cương vàng màu sắc tuyệt đẹp, thiên hình vạn trạng và cả trăm cây sứ đại thụ to lớn. Ngọn tháp hải đăng hình bát giác, xây trên đỉnh cao nhất của đảo. Tháp đèn xây bằng đá cao 35 m, độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 m (tương đương với tòa nhà cao 12 tầng). Kích thước cạnh của tháp rộng 3 m, đỉnh rộng 2,5 m, chiều dày tường tháp từ chân tháp đến độ cao 6m là 1,6m, càng lên cao độ dày càng giảm từ 1,5m và mỏng nhất ở đỉnh tháp là 1m. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2.000W, có bán kính quét sáng 22 hải lý (tương đương 40 km).

Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoắn ốc bằng thép cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Chiếc cầu thang xoáy ốc này thực sự là một tác phẩm tuyệt đẹp mà không một nhiếp ảnh gia chuyên hay không chuyên nào đến đây có thể bỏ qua. Trên tháp có một balcon rộng, từ đây, khách tham quan có thể nhìn toàn cảnh cả vùng trong gió biển lồng lộng. Đứng nơi đây nhìn ra, choáng ngợp bởi mênh mông biển trời và gió, bạn sẽ vừa nhận ra sự nhỏ bé của mình, vừa ý thức được sức mạnh con người trước thiên nhiên.(Nguồn: website báo Phụ Nữ)





Dấu ấn làng cổ Long Tuyền (Cần Thơ)

người đăng admin | viết nhận xét

 
Cách TP Cần Thơ chừng 5 km, làng cổ Long Tuyền được coi là nơi hội tụ phong khí văn hóa, tượng trưng cho vẻ đẹp sông nước miệt vườn. Một quần thể di tích từ đình Bình Thuỷ, các chùa Hội Linh, Nam Nhã, Long Quang, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tới trụ sở An Nam Cộng sản Đảng, căn cứ Vườn mận, vườn cây trái dọc lộ Vòng cung sẽ nối liền với chợ nổi Phong Điền, mộ cử nhân Phan Văn Trị, vườn Mỹ Khánh, chợ nổi Cái Răng… tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn.

Xưa kia, đây là đất “lục ấp’’ (6 thôn) rồi trở thành làng Bình Hưng (1844 đời Thiệu Trị thứ 13). Đến năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt thoát hiểm ngay trên sông Bình Thủy, nên đổi là làng Bình Thủy. Đầu thế kỷ 20, dân làng đổi lại Long Tuyền mang ý nghĩa rất lý thú: “Sông Bình Thủy nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, miệng rộng và vàm sông Bình Thủy há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh án ngữ vàm sông. Các chi lưu của 4 rạch tỏa ra như 4 chân rồng. Đoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng. Nước sông quanh năm lăn tăn gợn sóng tựa hồ muôn vảy rồng lấp lánh ẩn hiện giữa những vườn cây trái xum xuê’’. Địa hình Long Tuyền như biểu tượng thu nhỏ của vùng đồng bằng sông nước bao la, tạo nên nền “văn minh sông nước miệt vườn” như bức tranh cực đẹp, xóm làng trù phú oằn sai cây trái với những nếp nhà bình dị dọc 2 bờ sông Bình Thủy. Làng cổ Long Tuyền là địa linh nhân kiệt, là đất học lâu đời, đã sản sinh ra danh sĩ yêu nước Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807- 1872). Sự nghiệp thi ca Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa chứa chan lòng yêu xứ sở và chí khí chống ngoại xâm, độc đáo hơn hết là sự cống hiến quý giá của ông đã cải biên nghệ thuật tuồng cung đình đương thời thành tuồng của dân gian, của dân miệt vườn lam lũ, giàu tình nghĩa, khẳng khái đấu tranh cho chính nghĩa. Nhờ đó, tên tuổi Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa lên hàng nhà văn hóa tiêu biểu đất phương Nam. Chính vở tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” của ông được liệt hàng các vở tuồng cổ nhất nước ta, hấp dẫn bao thế hệ cả nước và cũng là vở tuồng đầu tiên dịch ra tiếng Pháp. Nhiều nhà nghiên cứu tuồng đã khẳng định: Ở Trung Bộ có Đào Tấn, còn Nam Bộ có Bùi Hữu Nghĩa.

Làng cổ Long Tuyền, ngoài cảnh sông nước hữu tình, còn có đến 6 di tích cấp quốc gia. Đình Bình Thủy (tức Long Tuyền cổ miếu) được dựng từ năm 1844 chiếm diện tích 4.00m2 phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Nam Bộ, còn là nơi gìn giữ giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Chùa Nam Nhã từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Để và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự. Hội Linh cổ tự Long Quang cổ tự, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trụ sở An Nam Cộng sản Đảng... độc đáo hơn hết là ngôi nhà cổ Bình Thủy, tiêu biểu nhất của miệt vườn sông nước. Ngôi nhà hoành tráng và bề thế có hàng hiên, sân rộng, vườn lan, cây kiểng quý thu hút khách tham quan trong khi phố xá toàn nhà cao tầng thiếu màu xanh và không gian thoáng đãng. Đó là nét đặc biệt, lôi cuốn khách du lịch muôn phương.

 

Cảnh quan miệt vườn sinh thái, chưa bị tốc độ văn minh cơ khí lấn át, di sản di tích trở thành thế mạnh kinh tế của làng cổ Long Tuyền. Nơi đây có thể thành lập làng du lịch sinh thái văn hóa về nguồn để thu hút khách tham quan đến đây như đến vùng sông nước đồng bằng Nam Bộ được thu hẹp, khỏi mất thời gian đi nhiều, đỡ tốn kém chi phí, lại có hiệu quả, bởi làng cổ Long Tuyền xứng đáng tiêu biểu cho cả đồng bằng phương Nam.

Tuy ảnh hưởng ít nhiều nền văn hóa Khmer, Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ... nhưng làng cổ Long Tuyền vẫn giữ được bản sắc văn minh miệt vườn sông nước Nam Bộ. Đó chính là sự chắt lọc độc đáo, tạo điều kiện cho làng Long Tuyền vững mạnh trên vùng đất đầy biến động của nhiều sắc tộc.

Đến Long Tuyền dù chỉ một lần, du khách sẽ khó quên về miền sông nước nên thơ đầy quyến rũ. (Nguồn: Website Vĩnh Long

)

 





Khám phá Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu)

người đăng admin | viết nhận xét

Côn Đảo là một quần thể tiền tiêu nằm ở Đông Nam nước ta, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ. Hành trình khám phá các hòn đảo này để lại nhiều dư âm thú vị. Hòn Cau là một điểm dừng chân lý thú. Hòn Cau còn có tên gọi khác rất mỹ miều là hòn Phú Lệ.


Khi đặt chân đến Côn Đảo, bao giờ du khách cũng được các hướng dẫn viên kể về sự tích Hòn Cau. Đây là một câu chuyện tình éo le, đau khổ gần giống như mô típ của Hòn Vọng Phu ở chỗ anh em cùng yêu nhau.

Truyện kể rằng, vào khoảng thế kỷ 18 tại làng Cỏ Ống có một gia đình nọ sống bằng nghề chài lưới và làm vườn. Ông làm chức Hương Câu. Hai vợ chồng sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Trúc Văn Cau. Lớn lên, cậu con trai nổi tiếng là thông minh, tài hoa nhất làng. Lúc đó, trong làng cũng có cô Mai Thị Trầu là con gái duy nhất của ông Đinh và bà Bèo. Trầu là một thiếu nữ mặn mà, duyên dáng, theo nghiệp bút nghiên, văn thơ hay chẳng kém chàng Cau.

Một hôm nàng Trầu mang giỏ lên rừng bẻ măng, bỗng gặp chàng Cau đi thăm bẫy gà rừng, bên cạnh bờ suối ông Tạ. Vốn nghe tiếng nhau, nay được gặp mặt tình yêu nảy nở. Một hôm chàng Cau ngỏ lời với cha xin cưới nàng Trầu về làm vợ. Ông Hương Câu biến sắc và nói thật với con: "Nàng Trầu tiếng bên ngoài là con ông Đinh nhưng nó là máu thịt của cha, tức là em ruột cùng cha khác mẹ với con. Trước khi về với ông Đinh, bà Bèo đã có thai với cha".

Nghe qua như sét đánh ngang tai, Cau âm thầm bỏ xứ ra đi, thả bè trôi qua hòn đảo nhỏ cách làng Cỏ Ống có hơn mươi dặm. Đó là Hòn Cau ngày nay. Còn nàng Trầu, sau khi câu chuyện cha và mẹ nàng bị phát giác, đau khổ vì Cau bỏ đi, nàng đã trầm mình tự tử. Nơi nàng tuyệt mạng có bãi nước gần bãi biển, ngày nay có tên là Bãi Đầm Trầu.

Hiện nay Hòn Cau là một trong những điểm quan trọng bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Đến với hòn Cau, du khách có thể tìm hiểu nhiều hệ sinh thái kỳ thú và tận hưởng phong cảnh đẹp hoang sơ và một môi trường trong lành. Mọi người cũng có thể nghỉ qua đêm để xem rùa biển lên bãi đẻ trứng hoặc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng…(Nguồn: Website Cà Mau

)




Độc đáo nhà sàn của người Thái đen ở Mường Lò (Yên Bái)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Người Thái Đen có nguồn gốc cư trú từ lâu đời tại Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) và có một nền văn hoá phong phú với đời sống tinh thần và tập quán truyền thống luôn được đề cao và phát huy. Trong đó nhà sàn là một nét văn hoá độc đáo và thú vị, là một chỉnh thể thống nhất giữa tính khoa học, hợp lý và mỹ quan.


Qua quan sát ta có thể nhận thấy, nhà sàn truyền thống của người Thái đen Mường Lò có cấu tạo khum khum hình tròn giống mai rùa, hai bên nóc hồi có khắc hình gỗ trang trí gọi là "khau cút". Điều đặc biệt, trong nếp nhà sàn truyền thống là mặc dù được cấu trúc từ các loại cây gỗ và cây có dóng, lợp bằng cỏ tranh hay ván thông, nhưng không hề dùng đến một mẩu sắt nhỏ nào trong thiết kế xây dựng. Tất cả các hệ thống dây chằng buộc, thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt tre, giàn mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng trong rừng. Tuy đơn sơ, mộc mạc, nhưng nhà sàn rất chắc chắn và bền với mưa rừng, gió núi và khí hậu ẩm ướt quanh năm.

Nhà sàn là một tổng thể kiến trúc thống nhất. Nếu phân đôi không gian nhà sàn ra chiều dọc nóc thì một bên đồng bào dùng làm chỗ ngủ, gian thờ cúng và một bên làm nơi tiếp khách và sinh hoạt văn hoá khác trong gia đình. Còn nếu bổ phân đôi, bổ ngang theo chiều quá giang thì một bên là "quản" và một bên là "chan". Nhà sàn truyền thống xưa thường có hai cầu thang bắc ở hai đầu hồi của ngôi nhà. Một cầu thang dẫn lên cửa chính bên hồi để vào nội thất, gian đầu tiên là gian thờ tổ tiên. Đó là buồng có vách ngăn được gọi là "hóng", tiếp đến là buồng ngủ của chủ nhà thường được đặt thêm một bếp lửa để cả gia đình cùng sum họp sưởi ấm, chuyện trò trước khi ngủ. Nửa này tính từ giữa nhà để về lan can đầu hồi gọi là bên "quán", bên này chủ yếu dành cho sinh hoạt của đàn ông. Còn một bên là cầu thang lên bên nhà có sân phơi và nơi đặt nước, sàn phơi là nơi để thanh niên, thiếu nữ ngồi kéo sợi, làm vải và những đêm trăng sáng thơ mộng tâm tình cùng bạn trai. Qua cửa là vào gian nấu ăn hàng ngày, nửa này tính từ gian nhà đổ về phía sân phơi gọi là bên "chan", bên này chủ yếu dành cho sinh hoạt của đàn bà gắn với công việc nội trợ.

 

 

Trong nhà sàn Thái có hai cột rất quan trọng, chứa đựng văn hoá tâm linh của đồng bào, đó là cột "sau chảu sửa" và "sau kẹk". Cột "sau chảu sửa" (cột chủ áo) là một cái cột dựng góc đầu cách gian "hoóng" (gian thờ tổ tiên) với gian ngủ của ông bà chủ. "Chủ áo" là chủ hồn, người Thái quan niệm rằng chiếc áo mặc là vật chứa đựng linh hồn người và người ta thường treo thanh gươm thiêng của dòng tộc hoặc khẩu súng kíp, túi đựng thuốc súng, đạn dược và chỉ có chủ nhà (đàn ông) mới được treo áo của mình lên đó.

 

 

Cột "sau kẹk" có thể là cột chống cùng quá giang với cột chủ áo hoặc một cái cột nào đó tuỳ thuộc vào đặc điểm của dòng họ và các thế hệ cùng chung sống trong ngôi nhà. Nhưng "sau kẹk" nhất thiết phải là cột phía dưới bên quản. "Sau kẹk" được đánh dấu bởi một cái phên tre đan úp lên đầu cột chỗ có khắc chuôi xuyên chống quá giang, bên trong phên tre đan đó buộc vào chiếc cột một gói thuốc và một gói hạt giống cây trồng.

 

 

Ngày nay, trong những nếp nhà sàn đã có một số thay đổi, nhưng vẫn có sự chọn lọc, kế thừa để phù hợp với các điều kiện xã hội và nhu cầu ngày càng cao của con người, đồng thời vẫn giữ được những nét văn hoá đặc sắc và tiêu biểu của dân tộc.(Nguồn: Yên Bái)






Hà Giang - vẻ đẹp miền đất cổ

người đăng admin | viết nhận xét

Hà Giang vốn được coi là miền đất cổ, một trong những vùng văn hoá sớm nhất Việt Nam. Nằm trên độ cao nhất của cực bắc Việt Nam, nơi có chấm son cột cờ Lũng Cú ngày đêm tung bay giữa gió ngàn cao nguyên đá. Đến Hà Giang, du khách sẽ thấy ở vùng núi cao nguyên này thiên nhiên đã ban tặng một tiềm năng du lịch mà ít nơi nào sánh kịp, đó là sự hùng vĩ, nguyên sơ đầy sắc màu văn hoá.


Được ví như là đệ nhất hùng quan bậc nhất của đất nước, không chỉ là kỳ quan thiên nhiên, Mã Pì Lèng còn được xem là tượng đài của lòng quả cảm, ý chí vượt khó của con người vùng đất cao nguyên đá này. Đứng trên đỉnh cao nhất Mã Pì Lèng thu vào tầm mắt mình là sự kỳ vĩ của thiên nhiên, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi những khối đá khổng lồ, ngút ngàn, xa xa dưới độ sâu hun hút gần ngàn thước là dòng sông Nho Quế mỏng mảnh như dải lụa ẩn hiện, lặng lẽ trôi như bất chấp sự khắc nghiệt của không gian và thời gian.

Từ lâu lắm rồi, cao nguyên đá Đồng Văn - Quản Bạ được coi là vùng đá khắc nghiệt, nhưng cũng là vẻ đẹp kỳ diệu của miền đá cổng trời. Những hình thù kỳ lạ, những sắc màu kỳ ảo khi hừng đông lên, khi hoàng hôn xuống. Người dân Hà Giang nói rằng, đến Đồng Văn nếu du khách chưa đặt chân lên đỉnh Lũng Cú thì coi như chưa tới Đồng Văn, đơn giản bởi Lũng Cú được coi là "nóc nhà" của Việt Nam, nơi mà "cúi mặt sát đất, ngửng mặt đụng trời". Từ đỉnh Lũng Cú, qua những khúc cua tay áo, vắt vẻo trên những sườn núi là tới khu di tích kiến trúc nghệ thuật dinh nhà Vương. Khu di tích này thuộc xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn. Dinh nhà Vương được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc cổ Trung Hoa (đời Mãn Thanh) với những đường cong nét lượn, chạm trổ tinh xảo.

Đến thủ phủ của huyện Đồng Văn, dưới vách núi đá sừng sững, khu phố cổ Đồng Văn có hình cánh cung kéo dài hàng cây số về phía chân núi, cổ kính và thâm trầm. Khu phố này đã tồn tại hơn 100 năm, với lối kiến trúc đặc biệt của vùng sơn cước nền lát đá, tường trình đất, mái lợp ngói âm dương. Đây là khu kiến trúc cổ vùng cao quý hiếm đang được bảo vệ và là một địa chỉ đến cho những du khách ưa thích khám phá.

Ngược qua Cán Chúa Phìn (đỉnh Lũng Cú) xuống huyện lỵ Mèo Vạc, rồi rẽ hơn 20 km đường núi là khu chợ tình Khau Vai nổi tiếng mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Tại Hà Giang, ngoài nét văn hoá của Chợ tình Khau Vai, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn cũng là nét văn hoá độc đáo thu hút du khách.(Nguồn: Hagiangtravel)





Khám phá Phong Nha - Kẻ Bàng

người đăng admin | viết nhận xét

Những năm gần đây, Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn luôn thu hút rất đông du khách đến từ khắp mọi miền đất nước.


Lên thuyền vào thăm động nước Phong Nha, du khách được thả hồn theo con sông Son thơ mộng. Dòng sông nhỏ nước xanh ngăn ngắt, nhiều nơi nhìn thấu đáy. Người lái thuyền kể rằng sông Son vào mùa mưa, nước sông chợt thẫm đỏ như son. Tên của dòng sông nhỏ cũng nhuốm màu huyền thoại. Chuyện kể lại rằng dòng Son là tên gọi để tỏ lòng biết ơn của dân cư quanh vùng với một vị Tiên sư Đại pháp, người đã cả gan phạm giới luật của thiên đình để cứu giúp dân lành. Ghi nhớ tấm lòng và công lao của vị Tiên, cư dân trong vùng đã lập đền thờ bên cửa động gọi là Tiên Sư Tự. Hằng năm, vào tiết lập Hạ cư dân ven sông tổ chức lễ hội "Xin nước Tiên" để tỏ lòng thành kính và cầu cho mưa thuận, gió hòa bốn mùa cây trái tốt tươi…

 

Bước chân vào động, cảm giác như lọt vào cõi tiên bởi không khí mát lạnh và nhũ đá muôn màu khoe sắc. Hệ thống hang động ở đây được hình thành do những kiến tạo địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng,tạo nên sự đa dạng kỳ thú về hang động và đặc biệt là vẻ đẹp của thạch nhũ. Sự hình thành thạch nhũ cũng muôn hình, muôn vẻ, đa dạng và phong phú. Thiên nhiên đã tạo nên những bức tranh vô cùng sinh động thỏa trí tưởng tượng của mỗi người. Đó là những phong cảnh làng quê, bến nước, cây đa, ngôi đình thật gần gũi. Rồi những bức tranh hoành tráng về một lối kiến trúc phương Tây với những hàng cột bằng nhũ đá óng ánh như được giát kim cương mà theo tính toán khoa học phải trải qua hàng triệu năm mới tạo nên được. Một hình tượng Đức Chúa. Một bàn tay Đức Phật. Một mái tóc dài thiếu nữ duyên dáng. Hay một tượng Nhân sư uy dũng… Tất cả đều hiển hiện như những kiệt tác mà chỉ có sức mạnh của thiên nhiên mới tạo nên được. Những cái tên động Bi Ký, động Tiên, động Cung đình, hang Bộ đội, hang Hội trường trong động nước Phong Nha hay động Tiên Sơn vẫn được coi là lâu đài thạch nhũ. Mỗi nơi mỗi dáng vẻ hoặc lộng lẫy, duyên dáng, hoặc trang nghiêm của riêng mình với những truyền thuyếtthấm đẫm văn hóa Việt.

 

Phong Nha- Kẻ Bàng là một vùng khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm trung bình chỉ 20 – 240C do được bao bọc bởi 41.132 hec ta rừng nguyên sinh nhiệt đới. Hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm đang tồn tại, trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ, chính là nguồn cảm hứng cho du khách và các nhà khoa học về đây khám phá.

 

Cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp được tạo hóa ban tặng, Phong Nha- Kẻ Bàng còn mang trên mình một đoạn tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Bến phà Xuân Sơn, một địa danh nổi tiếng thời chiến tranh nơi có nhiệm vụ đưa người và xe qua sông đảm bảo huyết mạch giao thông cho chiến trường miền Nam. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, bộ đội ta đã mưu trí chọn động Phong Nha làm nơi cất giấu cầu phà, ca nô và các khí tài quân dụng. Khẩu hiệu của đơn vị đưa ra trong thời kỳ chiến tranh tại đây là "Động là nhà, bến phà là trận địa". Hàng ngày cứ vào khoảng 17 giờ, những chiếc phà, ca nô từ trong lòng động Phong Nha lao ra làm nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế đôi bờ. Rạng sáng, ca nô, phà, cầu phao lại được tháo ra đưa vào dấu trong động Phong Nha. Vào thời kỳ chiến tranh ác liệt, Phong Nha- Xuân Sơn từng được coi là túi đựng bom của không lực Mỹ. Vết bom đạn dày đặc cày xới, hai bên bến phà tan hoang cỏ cây xơ xác. Những cái tên hang Bộ đội, hang Hội trường trong động nước Phong Nha được ra đời từ giai đoạn này.

 

Năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo. Hiện nay, Phong Nha - Kẻ Bàng đang hướng tới mục tiêu được công nhận lần thứ hai là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học. Các nhà khoa học đã thám hiểm được 44,5km động Phong Nha, còn với du khách mới chỉ đi vào được 1,5 km. Phong Nha - Kẻ Bàng còn rất nhiều điều kỳ thú đang mời gọi được khám phá!(Nguồn: Kinh tế & Đô thị

)






Di tích lịch sử văn hóa đền Dọc (Hải Dương)

người đăng admin | viết nhận xét

Đền Dọc thuộc thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) là một ngôi đền cổ thờ bà Vũ Thị Đức, người đã có công giúp vua Lê đánh giặc. Đền đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá từ năm 2005.


Theo cuốn Thần tích do Nguyễn Bính phụng soạn vào mùa xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và các tài liệu còn lưu giữ tại chùa, đền Dọc được xây dựng vào thời Hậu Lê, thờ thánh mẫu Vũ Thị Đức, người có công nuôi 2 con "tâm nhân mình xà", hiệu là Hắc Long Quân và Bạch Long Quân, tương truyền đã hiển linh phù vua Lê đánh giặc cuối thế kỷ 15.

Trong kháng chiến chống Pháp, đền Dọc là nơi trú quân của du kích và bộ đội địa phương đánh giặc trên đường 391, điển hình là trận đánh ngày 10/12/1948 đã gây cho địch nhiều tổn thất. Để ngăn chặn lực lượng du kích và bộ đội của ta, địch đã đốt và san phẳng ngôi đền. Suốt một thời gian dài đền trở thành khu hoang tàn, nhân dân không nơi thờ cúng. Hầu hết các sắc phong của Thánh Mẫu đều bị thất lạc, chỉ còn lưu giữ được 3 sắc phong của triều đại Lê - Nguyễn, đó là: năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), Duy Tân năm thứ 3 (1090), Khải Định năm thứ 9 (1924).  Đến năm 1989, nhân dân trong thôn đã quyên góp tiền của, vật liệu dựng được 3 gian hậu cung, 5 gian tiền tế, 5 gian nhà khách. Mặt bằng đền có kiến trúc hình chữ Đinh (T); mái tiền tế bao gồm hệ thống hoành, rui bằng gỗ lim chắc chắn, lợp ngói mũi truyền thống, bờ nóc, bờ cánh mềm mại; trên mái đắp lưỡng long trầu nguyệt và lạc long; xung quanh khu di tích vẫn giữ được 2 ao như xưa kia, có cây xanh, cảnh quan khá đẹp.

Tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Mẫu, hằng năm nhân dân trong thôn thường tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng (âm lịch). Trong đó, ngày 11 rước kiệu Đức Thánh Mẫu, Đức Thánh Ông và hai Đức Thánh Tử từ đền về đình làng, ngày 13 rước ngược trở lại. Trong lễ hội, thôn còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian.

Với bề dày lịch sử, năm 2005, đền Dọc được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá.

Những năm gần đây, cán bộ và nhân dân trong thôn Lạc Dục luôn quan tâm đến việc bảo tồn đền Dọc. Nhân dân trong thôn đã công đức trên 1,3 tỷ đồng xây dựng và tu bổ đền Dọc với kết cấu nhà tiền bái 5 gian, 8 mái và hậu cung. Tòan bộ công trình đền Dọc đã được khánh thành vào cuối  năm 2009, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ và nhân dân.
(Nguồn: Báo Hải Dương)





Lăng Minh Mạng (Huế): Một quần thể kiến trúc độc đáo

người đăng admin | viết nhận xét

Ðược khởi công xây dựng từ năm 1840. Ông đổi tên núi Cẩm Kê thành núi Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Tháng 1/1841 Minh Mạng băng hà trong khi lăng vẫn chưa hoàn thành. Vua Thiệu Trị lên ngôi, một tháng sau đã ra lệnh cho binh lính tiếp tục xây dựng theo đúng họa đồ của vua cha.

 

Ngày 20/8/1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây lăng mãi đến đầu năm 1843 mới hoàn tất.

Trong khoảng diện tích được giới hạn bởi vòng La thành dài 1.750m là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m, bắt đầu từ Ðại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua, xen giữa những công trình kiến trúc là hồ nước ngát hương sen và những quả đồi phủ mượt bóng thông.

Hiển  Ðức  môn  mở đầu cho khu vực tẩm điện. Ðiện Sùng Ân nằm ở giữa được xem là trung tâm, chung quanh có Tả, Hữu Phối Ðiện và Tả, Hữu Tùng Phòng như những vệ tinh xung quanh, Hoằng Trạch Môn là công trình kiến trúc khu vực tẩm điện.

Sự uy nghiêm, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên, hoa cỏ thể hiện tính cách nghiêm khắc, tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua.(Nguồn: website huefestival)





Đảo Tuần Châu – Một điểm nhấn của quần thể du lịch Hạ Long

người đăng admin | viết nhận xét

Vịnh Hạ Long đã hai lần được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới bởi sự phong phú và kỹ vĩ của 1969 hòn đảo. Trong tổng số gần 2.000 hòn đảo của Vịnh Hạ Long, Tuần Châu là hòn đảo đất duy nhất, đẹp nhất và duy nhất có dân cư sinh sống.


 

 

Đảo Tuần Châu được nối với đất liền bằng một tuyến đường bộ dài hơn 2km chạy trên biển. Toàn bộ diện tích của đảo là 710ha, bao gồm bãi biển cát trắng dài 6km, hệ thống đảo đá kỳ diệu biến hóa khôn lường theo góc độ ánh sáng. Tuần Châu năm nay đã có nhiều đổi mới, các khu nghỉ dưỡng đã được chỉnh trang, nâng cấp, bãi biển được mở rộng.

Du khách có thể lơ lửng trên không trung bằng những chiếc dù khổng lồ để quan sát vẻ đẹp của biển và vịnh từ trên cao. Du khách cũng có thể đùa giỡn với sóng biển trên những chiếc xe máy nước, hay trên những con rồng với sức chở hàng chục người. Thử cảm giác mạnh là sự lựa chọn của những du khách ưa mạo hiểm.

Đã có biết bao du khách nước ngoài tới đảo Tuần Châu rồi lại quay lại nơi đây như một sự nghỉ dưỡng ấn định cho những tour du lịch hàng năm. Vẻ đẹp hoang sơ cùng bàn tay sáng tạo của con người đã điểm tô cho Tuần Châu như một trong những điểm đến ấn tượng phía Bắc 

Tuần Châu năm nay với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như bến phà Tuần Châu - Cát Bà, tân trang bãi biển, cải thiện chất lượng các trò chơi giải trí... hứa hẹn sẽ thu hút đông hơn nữa du khách tham quan.(Nguồn: VTV)






News for 12/06/2010


View all news for 12/06/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam