International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

12/06/2010 | RSS Feed

Festival Huế 2010: Sôi nổi các hoạt động nghệ thuật

người đăng admin | viết nhận xét

Đêm ngày 6/6 tại thành phố Huế, mặc dù trời có mưa nhỏ nhưng hoạt động nghệ thuật trong khuôn khổ Festival Huế 2010 vẫn diễn ra sôi động thu hút khách đến xem.


Trong các sân khấu khu vực Đại Nội như sân khấu Đông, Tây Điện Thái Hòa, nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Cung Môn, Cung Diên Thọ diễn ra các hoạt động nghệ thuật của Đoàn múa đương đại, đoàn ca múa nhạc Nga, Ban nhạc Jazz của Hoa Kỳ, múa Odissi của Ấn Độ, nghệ thuật truyền thống của đoàn Vân Nam (Trung Quốc), và Okinawa (Nhật Bản). Đặc biệt đêm nhạc Trịnh Công Sơn chủ đề “lời thiên thu gọi” tại vườn Cơ Hạ thu hút đông đảo du khách thưởng thức.

Điểm nhấn của các hoạt động nghệ thuật đêm qua là Chương trình nghệ thuật “Hơi thở của nước” diễn ra tại hồ Tịnh Tâm. “Hơi thở của nước” dựa trên cốt truyện chính là tình yêu của đôi trai tài gái sắc. Cô gái Kinh Bắc duyên dáng, xinh đẹp được tuyển vào làm cung nữ trong cung vua, trên thuyền tới kinh thành trong tâm trạng cô đơn, cô gái đã nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp bên người mình yêu dấu. Mặt hồ Tịnh Tâm chính là chiếc gương soi ký ức của cô gái… Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh di sản, chương trình còn tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, trong không gian lung linh huyền ảo của hồ Tịnh Tâm.

Đặc biệt, ba loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới là Nhã nhạc Huế, Ca trù, Quan họ, cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: chèo, ngâm thơ cổ, dân ca cùng hội tụ trong chương trình “Hơi thở của nước”, càng làm đậm bản sắc văn hóa Việt.(Nguồn: VOV)





Di tích nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh, Nam Định

người đăng admin | viết nhận xét

 

Di tích nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Đây là quê hương, nơi sinh trưởng của đồng chí Trường Chinh người học trò suất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương Nam Định.

Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh trước đây là ngôi nhà được Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng xây dựng năm Nhâm Dần niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1902), cho người con trai của cụ là ông Đặng Xuân Viện ( Bốn Đễ). Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện được sinh ra và lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ngày 9/2/1907, trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ông nội đồng chí là Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1827- 1910) một sĩ phu yêu nước, thân phụ là Đặng Xuân Viện một người có trình độ học vấn cao và luôn say mê nghiên cứu. Chính tại ngôi nhà lưu niệm này, ông nội cùng thân phụ đồng chí Trường Chinh đã viết và để lại nhiều tác phẩm có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: lịch sử, văn học, triết học, địa lý, xã hội học…

Ngôi nhà lưu niệm là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh suốt từ năm 1928 đến thời kỳ chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954). Nơi đây có thời kỳ đã từng là cơ sở in tài liệu, sách báo, tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.

Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh được làm bằng gỗ lim quay về hướng nam trên một khu đất rộng 531m2. Ngôi nhà có 5 gian, bộ vì kèo làm kiểu thượng chồng rường hạ bẩy kẻ, mái lợp ngói nam và hệ thống tường hồi, tường hậu được xây gạch thất. Trong số 5 gian nhà, 2 gian buồng phía đông và phía tây có bức vách thuận ngăn cách với 3 gian phòng khách ở giữa. Trước đây bức thuận có ngưỡng cao, lắp cánh cửa ô, từ năm 1944 được thay thế bằng cánh cửa quân bài và hệ thống ngưỡng cũng được hạ thấp tạo nên không gian rộng rãi.

Đặc biệt sau những năm đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà cách mạng, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng bộ và nhân dân Nam Định phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn, bằng những việc làm thiết thực đã ra sức tôn tạo, giữ gìn khu nhà lưu niệm ngày một khang trang hơn.

Hiện nay khu nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh có các hạng mục sau: Nhà lưu niệm ( nhà thờ), nhà khách, nhà lợp bổi được phân bổ theo tòa ngang dãy dọc có sân vườn, cây lưu niên, ao nước nhỏ được bao bọc trong tường xây dậu trúc khép kín mạng đậm phong cách truyền thống.(Nguồn: website Du lịch Nam Đinh)





Chùa Trông (Hải Dương) - Di tích lịch sử thời Lý

người đăng admin | viết nhận xét

 

Chùa Trông ở xã Hưng Long (Ninh Giang) là một di tích lịch sử có quy mô lớn mang tính quần thể, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo nhân dân trong vùng và có những hoạt động lễ hội độc đáo.

Theo sử sách ghi lại, chùa Trông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, dưới  thời vua Lý Nhân Tông (1010-1225) và được trung tu tôn tạo vào thời Hậu Lê (Thế kỷ 17-18). Ngôi chùa nằm trên khu đất rộng gần 8.000m2.

Được xây dựng theo kiến trúc “Nội công, ngoại quốc” gồm nhiều hạng mục khác nhau: Ao rối, rộng hơn 800m2; cổng tam quan, cao 19m, được cấu tạo gồm 2 cổng lớn (cổng đông và cổng tây). Nối giữa 2 cổng là một tắc môn, liền sau tam quan là một khoảng sân rộng; tiếp đến là Tuần Tranh, nhà mẫu, nhà tổ, nhà tăng và đền thờ Minh Không Thiền sư Nguyễn Chí Thành, một cao tăng thời Lý có công lớn trong việc chữa khỏi bệnh cho vua và được nhà vua phong tặng là “Lý triều Quốc Sư”. Do có công lao lớn với đất nước và Phật giáo, sau khi Minh Không Thiền Sư qua đời, triều đình đã xuống chiếu cho lập đền thờ gọi là chùa Trông ngày nay.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và thời gian, song đến nay chùa Trông vẫn giữ được đường nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tinh tế, từ cổng tam quan, nhà mẫu, nhà tăng đến đền thờ Minh Không Thiền sư, các bức tượng phật, các hoa tiết, trang trí, bia ký đều do bàn tay những nghệ nhân tài giỏi qua nhiều thế hệ tạo dựng. Trải qua nhiều thế kỷ, những hiện vật trong di tích vẫn rất sống động với nghệ thuật điêu khắc tinh tế. Với giá trị nghệ thuật và lịch sử, chùa Trông là một ngôi chùa lớn có ảnh hưởng tới tâm linh phật giáo trong vùng.

Tại chùa Trông sau ngày giành được chính quyền tháng 8/1945, đã phát động phong trào ủng hộ kháng chiến trong giới nhà sư, tăng ni, Phật tử. Chùa Trông còn là nơi tổng bộ Việt Minh đóng trụ sở, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, hội họp của nhiều đoàn thể kháng chiến trong xã, trong huyện.
Để lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hoá của chùa, hàng năm, nhân dân địa phương luôn quan tâm tu bổ. Vào ngày tuần, rằm, lễ tết, nhân dân địa phương và khách thập phương thường đến thắp hương cầu cho quốc thái dân an, cuộc sống người dân no ấm, hạnh phúc. Đặc biệt, hàng năm vào các ngày từ 15 đến 30 tháng 3 âm lịch, địa phương tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều khoá lễ khác nhau như: Lễ rước nước 15/3; Lễ xuất đông, nhập tây 20/3; Lễ tế thánh về trời 26/3. Trong phần lễ, ngoài việc tổ chức lễ rước thành hoang, lễ dâng hương, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nhiều trò diễn dân gian như: Rối nước, đấu vật, hát chèo, múa hoa đăng, đu quay, cầu kiều, trọi gà, cờ tướng...

Lễ hội chùa Trông xã Hưng Long mang đậm nét văn hoá cổ truyền của làng quê Việt Nam, là dịp để cho mỗi người dân giao lưu học hỏi, đoàn kết cộng đồng cùng nhau xây dựng đời sống văn hoá. Với những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, chùa Trông xã Hưng Long đã được xếp loại di tích lịch sử cần được bảo tồn theo quy định của “Luật di sản văn hoá” vào tháng 07/2001.(Nguồn: Báo Hải Dương)





Uy nghi Ngọ Môn, Huế

người đăng admin | viết nhận xét

Vừa là cổng chính, vừa là bộ mặt Ðại Nội, được xây dựng vào năm 1833 khi Minh Mạng cho quy hoạch lại mặt bằng và hoàn chỉnh hóa tổng thể kiến trúc trong Ðại Nội.

 

Ngọ Môn là một tổng thế kiến trúc đa dạng, phía trên là lầu Ngũ Phụng với chức năng như một lễ đài, dùng để tổ chức một số lễ nghi trọng thể như duyệt binh, lễ xướng tên những người thi đỗ tiến sĩ, lễ ban sóc hàng năm và đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Ðại - vị vua cuối cùng của Việt Nam vào ngày 30/8/1945.

Theo kinh dịch thì các vị vua bao giờ cũng quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ, cho nên ngay từ thời Gia Long (1802-1819), khi xây dựng kinh đô Huế, các nhà kiến trúc đã cho hệ thống thành quách và cung điện ở vào vị thế  tọa càn hướng tốn   (Tây Bắc - Ðông Nam) cũng có nghĩa là hướng Bắc - Nam, thuộc Ngọ trên trục Tý - Ngọ, do đó Minh Mạng đã đặt tên cho chiếc cổng mới xây ở chính giữa mặt trước hoàng thành là Ngọ Môn, thay cho tên cũ là Nam Khuyết đài.

Hệ thống nền đài cao gần 5m, xây trên mặt bằng chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m và cánh 27,06m. Ở phần giữa của nền đài trổ ba lối đi. Ngọ Môn dành cho vua đi, Tả và Hữu Giáp Môn dành cho các quan văn võ theo hầu trong đoàn ngự đạo. Tả và Hữu Dịch môn nằm ở hai cánh của nền đài, dành cho lính tráng và voi ngựa đi.

Hệ thống lầu ngũ phụng có hai tầng, lầu gồm chín bộ mái lợp ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly, lầu dựng trên nền cao 1,14m xây trên nền đài. Ở tầng trên, mái lầu chia ra thành 9 bộ khác nhau.

Tổng thể Ngọ Môn nhìn từ xa như một tòa lâu đài đồ sộ nguy nga, nhưng khi tiếp cận, nó trở thành một công trình kiến trúc xinh xắn, đáng yêu, gần gũi với phong cảnh thiên nhiên và tâm hồn, tình cảm của con người xứ Huế.(Nguồn: website Huefestival )





Vườn cò giữa phố Sài Gòn

người đăng admin | viết nhận xét

Vườn cò Thủ Đức tọa lạc tại Ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20km. Điều kỳ lạ là bên cạnh phố thị luôn nhộn nhịp, sầm uất như vậy lại có một điểm du lịch sinh thái rất yên tĩnh, trong lành.


Từ ngã tư Thủ Đức đi về phía Tăng Nhơn Phú, rẽ phải theo đường Nguyễn Văn Tăng đến ngã ba Gò Công, tiếp tục rẽ phải, băng qua cầu, cặp theo con đường đất nhỏ khoảng 800m sẽ đến vườn cò của bác Tư Đê. Vườn cò của bác Tư Đê cách ngã tư Thủ Đức chừng 7km bằng đường bộ.

Không có những trò chơi giải trí vui nhộn, những hang động kỳ bí đem đến cảm giác mạnh cho du khách như khu du lịch Suối Tiên hay Sài Gòn Water Park.... song Vườn Cò Thủ đức (nay là Quận 9) TP.Hồ Chí Minh lại mang đến cho du khách những cảm giác không kém phần thú vị. đó là cảnh vật tĩnh lặng của đồng quê, là không khí trong lành của đồng nội, có sông nước mênh mông, có những con đò nhỏ... Hấp dẫn nhất vẫn là hình ảnh những đàn cò trắng cứ mỗi buổi hoàng hôn lại kéo nhau về. ở nơi đây không phải có vài con mà hàng chục ngàn con, chúng tranh nhau tìm chỗ ngủ, kêu táo tác, đậu trắng vườn dừa. Bỏ sau lưng xa lộ Sài Gòn đầy nắng, bụi, đường Võ Văn Ngân đông đúc người qua lại, bạn sẽ rẽ vào con đường đất đỏ rộng thênh thang nằm xuyên qua những ruộng lúa ngút ngàn.
Và chiều đến khi mặt trời khuất dần sau rặm tre bên kia sông là lúc từng đàn cò trắng đi kiếm ăn bay về tổ. Chúng bay thẳng hàng, con này nối con kia, đôi khi chúng vô tình xếp hình thành con chữ A, V... trông rất ngộ nghĩnh. đây có thể là khoảng khắc tuyệt vời đối với du khách. Những cánh cò chấp chới trên nền trời chiều chợt làm cho bức tranh quê tĩnh lặng sống động hẳn lên. Tiếng kêu khàn đục phát ra từ cổ họng của những chú cò cũng đủ khiến du khách nao lòng. Khi những con cò cuối cùng bay về tổ, thì đàn cò mới ngừng hẳn tiếng kêu, chúng bắt đầu giờ ngủ đêm sau một ngày lặn ngụp ngoài đồng. Lúc này là lúc du khách kết thúc chuyến tham quan. Và dù cho bạn có rời Vườn Cò về với đô thị ồn ào náo nhiệt hay ở nơi nào đó, vẫn tin chắc rằng cảnh vật nơi này, cánh cò, con sông, mùi hương nồng nàn của đồng nội sẽ vương vấn trong tâm hồn bạn, thôi thúc bạn một ngày nào đó lại đến Vườn Cò.(
Nguồn: Website TP.HCM

)

 






Chùa Angkorajaborey (Chùa Âng) – Trà Vinh

người đăng admin | viết nhận xét

Chùa Âng tọa lạc tại ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, cách thị xã Trà Vinh hơn 5km về hướng Tây Nam. Chùa nằm trong quần thể di tích Chùa Âng - Ao Bà Om - Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh.


Kiến trúc chùa mang đậm phong cách kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ. Cổng chùa được xây dựng khá đồ sộ, với ba ngọn tháp ở trên. Hai bên được đúc hình chằn Yeak hung tợn và gương mặt Rea Hu ở giữa hai tay cầm mặt trăng (mặt trời) nuốt vào. Hai bên trụ cổng là hình tiên nữ Ken Nar và một Krud có hình dáng kết hợp giữa người và chim - một biểu dạng của chim thần Garuda.

Ngôi chính viện Vihia là công trình kiến trúc chính yếu nhất trong khuôn viên ngôi chùa, quay hướng Đông. Mái của chính điện được cấu tạo gồm ba cấp, hai mái trên cùng thì dốc và cao hơn mái còn lại. Trong chính điện, tượng Phật Thích Ca chính có kích thước rất lớn, với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu nổi bật lên giữa các tượng Phật Thích Ca khác được tạc từ nhiều chất liệu khác nhau. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Angkorajaborey không chỉ là nơi tu hành mà còn là một trung tâm văn hóa. Sau giờ làm việc hoặc trong những ngày lễ tết, nhân dân quanh vùng thường đến chùa nghỉ ngơi, khai hội vui chơi. Chùa là nơi bảo tồn, lưu trữ và phổ biến những kinh điển, giáo lý, sách báo, tác phẩm văn học nghệ thuật và đồng thời cũng là trường dạy chữ Khmer cho con em và sư sãi trong vùng. Chùa còn là nơi tập trung các công trình kiến trúc mỹ thuật, điêu khắc độc đáo, là nơi thanh niên Khmer đến tu học để trở thành những người có trí thức và đức hạnh.(Nguồn: Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh

)

 






Di tích hang Đá Đen (Tuyên Quang)

người đăng admin | viết nhận xét


Hang Đá Đen, thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) nằm trong dãy núi đá vôi gồm 5 quả núi liên tiếp chạy theo hướng Đông Nam dài khoảng 500-700m, hình thành cách đây ít nhất hàng chục triệu năm. Hang cách Quốc lộ 2 khoảng 300 m về phía Đông, nằm đối diện với Động Tiên. Bề mặt hang có diện tích khoảng hơn 20m2, trần hang thấp. Hang bị trầm tích bao phủ lấp kín cửa hang.

Tháng 9/2005, Viện khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khai quật di tích hang Đá Đen. Đoàn khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh đã tiến hành chia tọa độ nền và vách hang, đục một số trầm tích trên vách, toàn bộ khối trầm tích được đánh số theo từng ô nhỏ để tìm hiểu mối liên hệ giữa các di vật, phá vỡ những khối trầm tích đã bị người dân đem ra cửa hang để thu thập các hoá thạch động vật. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật xương răng hoá thạch của các loài động vật: Răng homoSapiens, răng đười ươi, răng khỉ, xương tai động vật, xương răng nhím, xương răng động vật ăn thịt, răng voi, răng trâu bò, răng hươu nai, xương răng lợn, răng tê giác, răng kỳ đà.

Trên cơ sở các xương răng tìm thấy, Viện khảo cổ học đã chia chúng làm 6 bộ: Bộ linh trưởng (họ người, họ vượn, họ đười ươi), bộ guốc ngón lẻ (họ tê giác), bộ guốc ngón chẵn (họ lợn, họ hươu, họ trâu bò), bộ có vòi (họ voi), bộ ăn thịt (họ gấu), bộ gặm nhấm (họ nhím, dúi, chuột). Ngoài xương răng (cơ sở quan trọng để phân loại họ), các nhà khảo cổ học còn dựa trên kết cấu răng (kết cấu mảng hay khối), dựa trên mấu trên mặt răng và dựa trên hình dáng răng.

Sự tồn tại của các loại xương răng hoá thạch trên đã chứng tỏ một hệ sinh thái đa dạng và đông đúc vào thời kỳ Cánh Tân. Để tìm hiểu tính chất, niên đại các hoá thạch Pleistocene muộn hơn ở hang Đá Đen, các nhà khảo cổ học đã so sánh quần thể động vật hang Đá Đen với một số quần thể động vật ở Bắc Việt Nam và Đông Nam Á. Cụ thể các nhà khoa học đã dùng phương pháp so sánh giữa các hoá thạch trong Đá Đen với các hoá thạch được sưu tập tại hang Hùm, Khe Thắm (Yên Bái). Kết quả đối sánh cho thấy những hoá thạch mà các nhà khoa học tìm thấy ở quần thể hang Đá Đen có hình thái và kích thước hoàn toàn tương đồng với nhau. Từ đó có thể đoán định rằng, quần thể động vật ở hang Đá Đen có niên đại tương đương với quần thể động vật ở trong khu vực Đông Nam Á.

Việc phát hiện những hoá thạch xương răng động vật và thực vật tại hang Đá Đen là cơ sở để nắm rõ hơn diễn biến, sự thay đổi vận động của khí hậu, thời tiết dẫn đến những biến đổi lớn của môi trường trái đất cách đây hàng chục vạn năm. Đặc biệt trong số xương răng hoá thạch tại đây đã phát hiện được một số loài răng hoá thạch Homosapiens. Đây là giống người khôn ngoan đã hoàn thiện trong quá trình tiến hoá của loài người, là giống gần nhất với người hiện đại, chứng minh thêm nguồn gốc của loài người trên nước ta.

 

 

Di tích hang Đá Đen là di tích khảo cổ học thuộc loại hình di chỉ cổ sinh học có niên đại cách ngày nay khoảng 12-15 vạn năm, thuộc giai đoạn hậu kỳ Cánh Tân. Hiện nay, hang Đá Đen đã được đánh dấu “Địa điểm khai quật khảo cổ học hang Đá Đen năm 2005” trên vách đá. Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ khoa học di tích, khoanh vùng bảo vệ khu di tích, làm cơ sở pháp lý cho di tích. Qua đó gìn giữ nguyên hiện trạng của hang nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học cũng như phát triển du lịch. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử, tham quan du lịch, Bảo tàng tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định xếp hạng di tích hang Đá Đen là di tích cấp quốc gia.(
Nguồn: Báo Tuyên Quang

)






Bắc Môn (Hà Nội): Dấu tích của một thời oanh liệt

người đăng admin | viết nhận xét

Bên đường Phan Đình Phùng rợp bóng cây xanh, Bắc Môn, một trong số ít phần còn lại của thành xưa quách cũ Thăng Long, vẫn sừng sững, uy nghi, trầm mặc với hai vết đạn thần công Pháp ghi dấu một thời Hoàng thành chìm trong lửa đạn quân xâm lăng.

Bắc Môn (Cửa Bắc) được nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu - phần lầu ở trên còn phần thành ở dưới, cao 8,71 m, rộng 17,08 m, tường dày 2,48 m. Phần lầu được dựng bằng khung gỗ theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn hướng. Nước mưa trên vọng lâu được dẫn thoát xuống dưới qua hai ống máng bằng đá.

Đứng trên cổng thành, quan quân có thể phóng tầm mắt bao quát khắp trong ngoài thành, dễ dàng quan sát di - biến  trong đội hình quân địch. Do đó, khi chiếm được thành Hà Nội, quân đội Pháp vẫn sử dụng lầu trên Bắc Môn làm chòi canh gác.

Hiện nay, lầu trên cổng thành mới được phục dựng một phần và được dành làm nơi thờ hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội - Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu - đã tuẫn tiết vì không giữ được thành trước sức công phá của quân đội Pháp.

Nhiều người dân vẫn thường xuyên lên vọng lâu Bắc Môn để thắp nhang tưởng nhớ hai vị anh hùng lẫm liệt - những người được hậu thế kính cẩn đặt tên cho hai con đường hiện đại chạy hai bên tả hữu vòng thành cổ năm xưa.

Phần thành được xây dựng hết sức kiên cố bằng đá và gạch, chân kè bằng đá, cổng thành cũng được cuốn vòm bằng gạch theo lối xếp một viên gạch ngang xen một viên đặt dọc. Gạch xây thành có kích thước 35,5 cm x 10 cm x 12 cm. Đá kê có kích thước dài từ 38 đến 86 cm.

Mép cửa kè đá hình chữ nhật, diềm trên bằng đá trang trí hoa sen. Hai cánh cổng thành bằng gỗ đã được trùng tu có tổng diện tích 24 m2, trọng lượng khoảng 16 tấn, chạy trên bánh xe bằng đồng trọng lượng khoảng 80kg. Phía ngoài bên trên cổng thành còn ba chữ Hán khắc trên đá: “Chính Bắc Môn”, diềm biển trang trí hoa dây.

Theo cứ liệu lịch sử và những bức ảnh tư liệu chụp từ thời thành Hà Nội chưa bị phá, hai bên Bắc Môn phía trong tường thành có lối dẫn lên vọng lâu được xây bằng gạch theo hình tam giác.

Trước Bắc Môn là chiếc cầu gạch bắc qua con hào rộng khoảng 20 m bao quanh thành. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy, vị trí con hào phía trước Bắc Môn hiện nay chính là bãi cỏ, vỉa hè và một phần lòng đường phố Phan Đình Phùng.

Có ý kiến cho rằng, chiếc cầu bắc qua hào vào Bắc Môn là cầu gạch kiên cố, không phải cầu treo nên con hào không mang tính phòng thủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, dù cầu vào thành không phải là cầu treo, nhưng mục tiêu phòng thủ của con hào bao quanh thành cổ là chính yếu - nó giúp hạn chế giặc tiếp cận chân thành.

Dù Bắc Môn là công trình do nhà Nguyễn xây dựng, nhưng dưới chân cổng thành sừng sững này là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách từ các triều đại trước đó, khẳng định sự liên tục trong lịch sử ngàn năm của Hoàng thành.

Năm 1998, tại khu vực Bắc Môn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết kiến trúc ở độ sâu 1,66m và 2,2m, trong đó có vết tích của những đoạn tường thành xây bằng đá và gạch vồ thời Lê.

Ngày nay, Bắc Môn trở thành điểm tham quan thú vị đối với du khách trong và ngoài nước. Du khách có thể dễ dàng nhận thấy phía ngoài Bắc Môn vẫn còn lưu dấu 2 vết đạn thần công của Pháp khi chúng dùng chiến thuyền tấn công thành Hà Nội từ phía bờ sông Hồng năm 1882.

Thành cửa Bắc không chỉ là một di tích còn sót lại của khu thành cổ Hà Nội mà còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội.(Nguồn: website báo Đất Việt

)

 






Một số di tích tiêu biểu của thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

người đăng admin | viết nhận xét

 

Thành phố Vĩnh Yên là nơi có truyền thống văn hoá từ rất sớm, có nhiều danh thắng tiêu biểu. Truyền thống văn hoá đó được ghi lại trong các hương ước cổ, trong các kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, trong các lễ hội, trong các sinh hoạt văn hoá… đặc biệt truyền thống văn hoá được đánh dấu đậm nét ở hệ thống các di tích. Chỉ với diện tích toàn thành phố trên 50 km2, song trên địa bàn thành phố có tới gần 100 di tích, gồm các đình, chùa, miếu…

Nhân dân Vĩnh Yên từ xưa đã luôn chăm lo đến việc xây dựng các công trình phục vụ đời sống văn hoá tinh thần cho cộng đồng. Tôn vinh những người có công với quê hương đất nước, ghi nhớ công lao của những người đã khai phá, xây dựng nên mảnh đất này.

Mỗi di tích ở Thành phố Vĩnh Yên đền mang những dấu ấn riêng về nghệ thuật kiến trúc, có những nét khác nhau về quy mô, song du khách đến với di tích ở Vĩnh Yên chúng ta đều thấy có sự gắn bó khăng khít giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, giữa văn hoá di tích và đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây. Trong đó phải kể đến một số di tích điển hình như: 

1. Chùa Phú: hay còn gọi là Phú Cung Tự, thuộc địa bàn phường Khai Quang – TP Vĩnh Yên. Ngôi chùa này đã được nhà nước xếp hạng công nhận “ Di tích lịch sử – Văn hoá” vào năm 1995. Chùa Phú khi xưa được biết đến với tên gọi là Đền Quốc tế, chùa được xây dựng vào thời hậu Lê, nơi đây các vua quan phong kiến khi đi kinh lý về đây làm lễ.  Chùa Phú được du khách thập phương biết đến nhiều bởi hàng năm nơi đây thường tổ chức các hoạt động lễ hội dân gian. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống của cư dân lúa nước đó là lễ hội Múa Mo. Trong lễ hội này được người dân chuẩn bị chu đáo, mang đậm tính lịch sử – văn hoá. Những người tham gia chính gồm bốn thành phần chủ yếu của xã hội: sĩ, nông, công, thương ở phường Khai Quang.

 

Lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng giêng âm lịch. Đầu xuân tại phường Khai Quang diễn ra hội làng, mọi người dân cùng nhau múa hát, vui hội. Cầu mong cho con cái học hành đỗ đạt, ngô lúa bội thu, buôn bán phát tài, đời sống ấm no hạnh phúc.

2. Đền Đậu: thuộc làng Dẫu, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên. Đây là ngôi đền có tổng thể kiến trúc khá đẹp, nơi đây thờ bà Năng Thị Tiêu – một nhân vật trong truyền thuyết lịch sử thời Hùng Vương dựng nước đã có công đánh đuổi giặc Thục xâm lăng, bảo vệ đất nước. Công tích của bà được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nhân dân nơi đây lập đền thờ nhằm đề cao hình tượng Năng Thị Tiêu – vị nữ tướng tiên phong của Vua Hùng đã anh dũng xông pha nơi chiến trận bảo vệ đất nước, bảo vệ ấm no cho nhân dân.

Đền Đậu được làm vào thời Nguyễn (Thế kỷ XIX) trên một địa thế đẹp, kiến trúc nhỏ gọn. Trang trí kiến trúc có sự chọn lọc về nội dung và bố cục từng bức chạm một cách hợp lý, kỹ thuật đục chạm tinh vi điêu luyện, sơn vẽ tô màu hài hoà, cùng với việc bài trí các đồ thờ cần thiết tạo nên không gian uy linh, ấm cúng của nơi thờ tự.

Đền Đậu là nơi hội tụ của du khách thập phương về đây dâng hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội đầu xuân (15 tháng 2 âm lịch).

3. Đình Cả: thuộc thôn Vĩnh Ninh xưa, nay là phố Đồng Thái, phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên. Đây là ngôi đình lớn được xây dựng đầu thế kỷ XIX, kiến trúc bề thế, uy nghiêm trên một thế đất đẹp, thoáng đãng. Đình Cả là nơi thờ ba vị tướng quân trong Thất Vị Đại Vương đó là: Lỗ Văn Cường, Lỗ Văn Dũng,và Lỗ Văn Mẫn.

Theo lịch sử để lại, Vĩnh Yên xưa kia có 5 làng cổ đó là: Làng Đậu – Dẫu, Làng Khâu, Làng Tiếc, Làng Hạ, Làng Sậu, nhân dân thường gọi là 5 làng Tích Sơn. Nơi đây có quần thể các di tích, và là nơi thờ chính của Thất Vị Đại Vương Lỗ Đinh Sơn đã có công giúp nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII. Tại đây hàng năm diễn ra lễ hội của người dân Tích Sơn. Đó là một lễ hội độc đáo, trang nghiêm, diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt mà ít nơi có như: Làm lễ vào ban đêm, khẩn trương vội vã, lễ vật đếu là món sống, thịt lợn không cạo lông, gà vặt lông nhôm nhoam, cơm trong dân nấu đầy nồi… Thực chất đây là mô phỏng tích truyện về cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống giặc Nguyên Mông dưới sự lãnh đạo của bảy anh em họ Lỗ.

4. Quán Tiên: thuộc địa phận phường Hội Hợp – TP Vĩnh Yên. Tục truyền rằng, Vĩnh Yên có địa thế tựa sơn, đạp thuỷ, rừng núi hiểm trở là nơi tụ nghĩa quân nông dân. Để tập hợp lực lượng nhanh chóng và gây thanh thế, Nguyễn Danh Phương (hay còn gọi là Quận Hẻo) đã huy động lực lượng chỉ trong một đêm xây dựng xong ba gian nhà có ban thờ, hương khói uy linh làm nơi chiêu mộ binh sỹ. Ba gian nhà được xây dựng nhanh như vậy là do trời phật giúp đỡ, cuộc khởi nghĩa của ông là hợp với ý trời chống lại triều đình phong kiến Lê – Trịnh thối nát. Để ghi nhớ công lao của ông nhân dân đã gìn giữ, tôn tạo ba gian nhà gọi là “Quán Tiên” nơi Ông đã tập hợp nghĩa quân nông dân tại đây. 

Thành Phố Vĩnh Yên hiện nay có gần 100 di tích, danh thắng. Có nhiều di tích được công nhận xếp hạng “ Di tích Lịch sử – Văn hoá” cấp tỉnh và cấp quốc gia, có nhiều vốn văn hoá phi vật thể đã được đưa vào danh sách bảo tồn cấp Nhà nước. Các di tích và danh thắng của Thành phố Vĩnh Yên chắc chắn sẽ rất hấp dẫn khách thập phương khi tới đây thăm quan.(Nguồn: website Vĩnh Phúc)





Mỹ Lệ (Bình Phước) - Khu du lịch sinh thái thanh bình

người đăng admin | viết nhận xét

 
Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ tọa lạc tại xã Long Hưng, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh nếu đi bằng ôtô thì sẽ mất khoảng gần ba giờ để đến đây. Tổng thể khu du lịch có diện tích hơn 60 ha, được chủ nhân của nó xây dựng theo một phong cách kiến trúc đẹp, kết hợp hài hòa giữa đất, trời và cỏ cây xanh tươi của vùng đất Phước Long.
 

Toàn bộ khu du lịch được bao bọc bởi những rừng cao su và rừng điều đan xen trĩu quả. Nhìn ra phía xa, bạn còn được chiêm ngưỡng cả một vườn chè Ô Long xanh mướt. Tất cả cùng hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh rất đỗi thanh bình.
Khu vực trung tâm của khu du lịch là một vườn cây trái Nam Bộ trĩu quả với chôm chôm, sầu riêng, xoài, bưởi... mà bạn có thể tự hái rồi nằm đong đưa trên những chiếc võng thưởng thức hương vị thanh ngọt của chúng. Đến đây bạn còn được hòa mình vào những hoạt động giải trí vui tươi như đi xe đạp dôi, xe bò, câu cá, bơi thuyền, đi phao đung hay ra rẫy đào khoai mì...

Bên cạnh đó, bạn còn có thể kết hợp đi tham quan cảnh sắc thiên nhiên bằng cách xuống đò đi dạo trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ với cảnh núi rừng hùng vĩ và dòng nước trong xanh bao quanh. Buổi chiều tà về khung cảnh nên đây thoáng đãng đến lạ, bạn cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản tại nhà hàng của khu du lịch như xôi hạt điều, gỏi đọt măng, canh măng Bà Rá hay tận hưởng hương vị trà Ô Long hoặc trà sâm Mỹ Lệ...(Nguồn: Website Bình Phước

)

 






Hòn Lao Câu (Bình Thuận)

người đăng admin | viết nhận xét


Không điện, chỉ xài điện mặt trời. Gần như không có nước, chỉ xài nước mưa hứng xuống để dành. Không dân cư, chỉ có trung đội bộ đội biên phòng trấn giữ. Các sinh vật khác trên đảo là mấy chú chó được bộ đội nuôi và chim én…


Chưa bao giờ mình đặt chân lên một hòn đảo như thế và chính vì những điều này càng khiến Hòn Lao Câu trở nên hấp dẫn hơn vì những thứ không đụng hàng của nó. Hòn đảo thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận này nhỏ lắm, chỉ dài 1500m và cách bờ 9 km. Đi tàu từ đất liền ra hết khoảng 1 tiếng rưỡi, cứ thấy xa xa, một hòn đảo nhỏ vàng lên trong nắng vì màu đá nắm lẻ loi giữa biển trời xanh, là tới. Nếu bạn rời đảo về vào cuôí buổi chiều, là bạn đang thử thách sự deo dai cuả sức khoẻ bạn đấy. Khi cứ phải lắc lư liên tục trên con tàu đang trồi lên thụp xuống qua từng con sóng. (Buổi chiều thường sóng lớn hơn). Nhưng có lẽ, chuyện này không thành vấn đề, nếu bạn là ngừơi quen thử thách và thích phiêu du.

 

Ở cái xứ thường xuyên khô hạn này thì đảo Hòn Lao Câu cũng không là ngoại lệ, nên cây trên đảo rất ít, bù lại, đá nhiều vô kể với đủ loại hình thù lớn bé. Nước biển quanh đảo xanh và trong vắt, nhìn rõ thấy đáy. Sóng nhẹ lắm, nhưng sợ làm ồn thêm cái không khí yên tĩnh và hoang sơ. Một cái không khí không phaỉ lúc nào cũng dễ kiếm ra được ở các điểm đến du lịch bây giờ. Và vì thế, nó không phải là nơi dành cho những ai thích du lịch salon.

 

Bạn tha hồ sục sạo quanh đảo, cứ thoaỉ mái hỏI thăm tất cả những câu chuyện thú vị liên quan đến đảo từ những ngừơi lình thân thiện, hiếu khách ở đây. Nếm cái cảm giác lần đầu tiên được đi hết một vòng quanh đảo. Leo lên hang én để xem loài chim tượng trưng cho mùa xuân này làm tổ như thế nào. Rôì ngồi trong bóng râm, giữa những khối đá to ngoài hang mà đón gió biển lồng lộng mát dù trời đang hực nắng. Hoặc đợi thêm chút nữa, đợi chiều đi, nhạt nắng, đằm mình trong làn nước trong veo ngắm mặt trời đang chìm dần trên biển, sẽ thấy lòng thanh thản, an vui giữa trời mây nước yên bình.(Nguồn: Diemcuoituan.com

)

 






Di tích lịch sử Đồng Man - Lũng Tẩu (Tuyên Quang)

người đăng admin | viết nhận xét

Đồng Man - Lũng Tẩu thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Địa điểm di tích ở tả ngạn suối Lũng Tẩu nằm dưới tán rừng nguyên sinh với nhiều loại cây bản địa như: Phách (mí), sấu, trám, de, dổi... Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành rời thủ đô Hà Nội trở lại Tân Trào để lãnh đạo nhân dân ta trường kỳ kháng chiến.

Từ ngày 12/9 đến ngày 16/12/1948, Bác Hồ đến ở, làm việc tại Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) và từ 10/01 đến ngày 06/4/1949, Bác về Lũng Tẩu lần thứ hai. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương, đường lối và sắc lệnh quan trọng chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân và dân ta giành thắng lợi.

Mừng Xuân năm Kỷ Sửu 1949, tại Lũng Tẩu Bác đã viết bài thơ Chúc Tết, nhằm khích lệ phong trào thi đua của quân và dân ta:

“Kháng chiến lại thêm một năm mới

Thi đua ái quốc thêm tiến tới

Động viên lực lượng và tinh thần

Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi

Ngành ngành thi đua

Ngày ngày thi đua

Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua”.

Trong thời gian ở và làm việc tại Lũng Tẩu, mặc dù bận rộn công việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian luyện tập thể thao, đánh bóng chuyền... Bác làm việc trong một căn lán nhỏ được làm 2 gian theo kiểu nhà sàn, cột làm bằng gỗ rừng, xung quanh thưng phên nứa đan nong đôi, mái lợp lá cọ, dầm sàn là các thanh gỗ, nứa xếp dầy, trên cùng trải phên nứa đan. Đường từ lán xuống suối làm thành từng bậc rải sỏi, cách lán 5 mét là giếng nước; cách giếng nước 5 mét về hướng tây nam là sân bóng chuyền.

Di tích Đồng Man – Lũng Tẩu nằm trong quần thể các di tích lịch sử cách mạng quan trọng thuộc Khu di tích lịch sử Tân Trào – ATK. Trong tháng 4/2010, Tuyên Quang sẽ khởi công phục hồi, tôn tạo di tích quan trọng này, với quy mô: Xây nhà bia 2 tầng mái, diện tích 36 m², đặt bia đá liền khối: Đá granit cao 1,8 m, rộng 1,2 m; xây dựng các bia ghi sự kiện: Lán ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bác Tôn Đức Thắng; lán Văn phòng Tổng Bí thư Trường-Chinh, Tổng bộ Việt Minh,... làm hệ thống đường nội bộ nối liền các địa điểm di tích trong khu vực.

Việc phục hồi di tích Đồng Man - Lũng Tẩu có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Nơi đây cũng là điểm du lịch lịch sử - sinh thái hấp dẫn.(Nguồn: Báo Tuyên Quang)





Ma Thiên lãnh (Tây Ninh) - Một cao nguyên thơ mộng giữa đồng bằng

người đăng admin | viết nhận xét

Từ chân núi, men theo con đường nhựa trải dài uốn lượn trên một sườn đồi thơ mộng một bên là núi và một bên là cheo leo vực thẳm, văng vẳng bên tai đâu đó là tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng suối róc rách giữa đại ngàn bao la cùng một bầu không khí trong lành đến tuyệt vời. Đó là buổi hoàng hôn của một Ma Thiên Lãnh hoang sơ nằm ẩn mình ở độ cao trên 50m giữa đồng bằng rộng lớn.


 

Nằm cách thị xã Tây Ninh chưa đầy 30 phút ôtô, được che mình bởi núi Lớn (hay còn gọi là núi Bà), núi Phụng và núi Heo, Ma Thiên Lãnh hiện ra như  một quần thể địa danh được kiến tạo bởi hang Ông Hổ, suối vàng, hầm đá... Bắt đầu từ chân núi vào, ngồi trên xe bạn có thể thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt vời như của Đà Lạt bởi hai bên là sườn đồi và thung lũng. Dừng xe ở cuối con đường, du khách men theo những bậc đá quanh co cạnh con suối vàng thơ mộng để bước tiếp lên hang Ông Hổ. Mặc dù có nhiều truyền thuyết tương truyền về sự ra đời của chiếc hang này nhưng là gì đi nữa, nơi đây cũng ghi nhận sự thành kính của nhiều người dân địa phương tin vào một đức tin thần bí. Từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể dễ dàng nhận ra ngay cây đại thụ bồ đề đang mọc lên từ trên những phiến đá to nhẵn nhụi, Cách đấy không xa, trong một ngày gần đây, đường dây cáp treo sẽ được đưa vào hoạt động, góp phần đưa du khách chinh phục đỉnh Bà Đen mà không cần tốn sức. Từ trên đỉnh cao nhất của ngọn núi cao nhất đồng bằng, chúng ta có thể phóng tầm mắt quan sát khắp các vùng lận cận. Băng qua hố Bảy Ngày sâu hun hút và khi đã vượt qua những con dốc dựng đứng, cùng rừng tre già, một làn hơi nước mát lạnh từ trong các hốc đá sẽ làm chúng ta cảm thấy sảng khoái vô cùng, lên cao đến đỉnh là những sương là đà trông thật huyền ảo và lãng mạn cứ như một Sapa vậy. Buổi chiều đến, nếu như những ai vẫn còn quyến luyến vẻ hoang sơ và tĩnh lặng của nơi này, xin chớ có vội quay về mà hãy nghỉ lại ban đêm ở những dãy nhà trọ cao cấp được dựng lên trong quần thể Ma Thiên Lãnh. Còn gì bằng nếu bạn tận tay bắt từng con ốc núi để rồi trổ tài đầu bếp của mình. Trở lại con đường vào chân núi, một khu vực trường bắn hiện đại và tầm cỡ sẽ được mở ra để giúp chúng ta tha hồ giải trí với trò săn bắn. Con đường hình vòng cung cũng sẽ giúp du khách dễ dàng qua phía bên kia cửa núi, tiếp tục cuộc hành trình chinh phục từ chân núi phía đông lên đỉnh Điện Bà và quần thể chùa, am, điện. 
Ma Thiên Lãnh là thế đấy, bằng những ưu đãi mà thiên nhiên đã ban tặng từ điều kiện khí hậu đến sinh thái, chính quyền và người dân Tây Ninh đang bắt nhịp đầu tư, quyết biến nơi đây thành một khu du lịch có sức hút riêng và mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng và sản phẩm ngành du lịch.(Nguồn: Website Cinet

)

 







News for 01/06/2010


View all news for 01/06/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao