International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

07/10/2010 | RSS Feed

Làng Cổ Triều Khúc (Hà Nội)

người đăng admin | viết nhận xét

Triều Khúc nằm cách Hà Nội 8 km trên đường Hà Nội đi Hòa Bình. Đây là một trong những làng cổ của thủ đô. Đến Triều Khúc, du khách được nghe những câu chuyện lịch sử và huyền sử vẫn còn được truyền tụng. Phong cảnh, di tích, phong tục văn hóa và sinh hoạt của các làng nghề nơi đây vẫn mang dấu ấn thời khai làng lập đất.

 

Làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội có khung cảnh cổ kính đặc trưng của những ngôi làng xưa Bắc Bộ. Trái tim của làng là chùa Vân Hương uy nghiêm, trầm mặc, rêu phong đặc trưng của đình chùa làng Việt còn giữ nguyên vẹn từ khi được xây dựng cách đây mấy thế kỷ. Ngay trước cổng chùa là một hồ nước rộng, trong xanh và nhà thủy tạ nổi bên hồ, khiến phong cảnh Triều Khúc càng thêm duyên. Tại Triều Khúc có hai ngôi đình cổ: đình Sắc để thờ các sắc phong mà các đời vua triều Nguyễn ban cho làng và đình Đại thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Cả hai ngôi đình đều được dựng từ thế kỷ XVII, kiến trúc khá bề thế. Người dân Triều Khúc rất tự hào, giữ gìn các ngôi đình vì tương truyền, vị trí của đình Đại ngày nay vào năm 791 là nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chọn làm đại bản doanh trên đường công thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), chống lại sự đô hộ của nhà Đường. Người ta nói rằng không gian bao quanh các ngôi đình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với những gốc đa cổ thụ tỏa rợp khoảng sân rộng và giếng nước đầu làng trong veo. Đường làng nay tuy đã tráng bê-tông, nhưng vẫn giữ nét mềm mại bởi những ngõ nhỏ, uốn khúc bao quanh những ngôi nhà gỗ lợp ngói cổ xưa nằm xen lẫn với những ngôi nhà mới được xây dựng, tạo nên một Triều Khúc vừa cổ kính vừa mang hơi thở cuộc sống thời đại.

Đến Triều Khúc, du khách còn được chứng kiến sự giao hòa giữa nếp sống xưa và nay qua những làng nghề. Trong làng, từ xóm Cầu, qua xóm Đình vào đến xóm Lẻ và xóm Án... đâu đâu cũng có những cơ sở sản xuất, không khí lao động nhộn nhịp, toát lên nhịp sống lạc quan, tích cực. Cuộc sống của làng nghề cổ vẫn còn giữ gìn đến nay. Từ cuôi thời Lê đầu Nguyễn, Triều Khúc nổi tiếng gần xa với nghề dệt. Đến nay, người Triều Khúc vẫn còn truyền nhau câu chuyện về tổ nghiệp của họ - ông Vũ Đức Úy, sống vào thế kỷ 18, được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, học nghề dệt thao sau đó dạy lại cho dân làng. Từ đó, Triều Khúc còn được gọi là làng Kẻ Thao bởi nghề dệt thao giúp chiếc nón quai thao trở nên mềm mại và duyên dáng hơn. Nghề dệt trong làng đã được “chuyên môn hóa” khá sâu, như dệt áo the, quạt the, dệt nái yếm, bao thắt lưng, nghề nhuộm... Theo nhu cầu đời sống, người làng còn kết hợp nghề thêu may với nghề dệt nhuộm, để làm thêm chân chỉ, tua bóng, tua cờ, lọng, tàn, trướng, y môn, tán tía, quả cù - những vật thờ và trang trí treo trong những ngày lễ tết, trong các đền, phủ và các buổi lễ hội. Từ những năm 1950, làng có thêm nghề dệt băng huân, huy chương. Đặc biệt, người Triều Khúc còn có tài thu gom vật liệu thô và phế liệu từ dệt lĩnh dệt lụa thải ra, để chuốt lại thành những con tơ, cuộn sợi nhuộm đủ màu - làm nguyên liệu cho nghề dệt vào những lúc khan hiếm nguyên liệu. Triều Khúc còn có thêm một cái tên dân gian khác là “làng ve chai lông vịt” bởi người Triều Khúc khéo léo kết hợp nghề dệt với những nghề thủ công khác, tạo nên những món hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo từ lông vịt, lông gà. Những nghề truyền thống này vẫn được giữ gìn và phát triển đến nay, giúp người dân Triều Khúc sống sung túc và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách.

Làng Triều Khúc đã được giới sử học công nhận làng cổ từ khi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ khảo cổ học với 140 hiện vật đá, gốm thuộc Văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay trên dưới 3.500 năm trên gò Cây Táo ở cánh đồng Miễu của làng. Đến với Triều Khúc, du khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện tuyệt vời giữa truyền thống và nhịp sống hiện đại.(Nguồn: website báo Cần Thơ)





Đình Đình Bảng (Bắc Ninh) - Một công trình kiến trúc tuyệt mỹ

người đăng admin | viết nhận xét

Cách Hà Nội 20km về phía Bắc, Đình làng Đình Bảng (Đình Bảng) thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh (xưa là Hương Cổ Pháp). Vùng địa linh này là quê hương Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ), người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010).
Đình Bảng có cả cụm di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử, có tầm cỡ quốc gia, đủ cả: Đình, Đền, Chùa, Lăng, Tẩm .... đặc trưng của văn hóa làng Việt Nam.

Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc, được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, do công đầu của quan Nguyễn Thạc Lượng, người Đình Bảng và bà vợ đảm đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng xây dựng, ngôi đình có thế trường tồn (Nay ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Thạc Lượng cho dựng thử trước khi cho dựng Đình Bảng vẫn còn và được gìn giữ bảo tồn).

Đình Bảng là nơi hội tụ văn hoá tín ngưỡng, nguyên trước Đình thờ 3 vị nhiên thần: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Trồng Trọt), đây là các vị thần được cư dân nông nghiệp tôn thờ, cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tươi tốt. Hàng năm vào tháng 12 âm lịch nhân dân lại mở hội cầu khẩn cho một năm mùa màng bội thu. Cũng tại đình làng nhân dân cũng thờ Lục Tổ (6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ XV. Sau này khi đền Lý Bát Đế bị thực dân pháp phá năm 1948, nhân dân đã tiếp nhận bài vị của tám vị vua triều Lý về thờ tại đình Đình Bảng.
Đình Đình Bảng là hình ảnh độc đáo của kiến trúc dân tộc, giữ được hình ảnh toàn vẹn kiểu thức nhà sàn dân tộc được áp dụng cho kiến trúc đình làng. Nhìn lại lịch sử từ buổi đầu dựng nước, hình ảnh ngôi nhà sàn còn in giữ trên các trống đồng Đông Sơn - Một sáng tạo của cha ông ta trong lĩnh vực kiến trúc nhà ở. Không thể đem ngôi đình đồ sộ sau mấy mươi thế kỷ đem so sánh với những nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn nhưng phải nhận thấy cả hai mẫu hình này có phong thái thống nhất, có sự kế thừa và phát triển truyền thống kiến trúc được xác lập từ buổi đầu dựng nước. Đình
Đình Bảng là một công trình kiến trúc quy mô, nguyên trước có cả tam quan, cửa giữa xây hai trụ gạch kiểu lồng đèn cao, hai bên có cửa cuốn tò vò giả mái, phía sau là khoảng sân rộng, hai bên là hai dãy tả vu và hữu vu. Cũng như mọi ngôi đình khác, công trình quan trọng nhất của Đình Đình Bảng về mặt kiến trúc nghệ thuật là toà Bái Đường (Đại Đình).
Bái Đường của đình có hình chữ nhật, dài 20m, rộng 14m chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có hai bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng chiếm 2/3 chiều cao tổng thể và 6 hàng, khoảng 60 cột lim lớn nhỏ có đường kính từ 0,55- 0,65 mét được đặt trên các tảng đá xanh vuông vức.
Khi bước vào lòng đình, quý khách được đón chào và bị cuốn hút bởi tất cả sự tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVIII. Sự cuốn hút đầu tiên với mọi du khách là bức cửa Võng lớn ở cung giữa thuộc gian ngoài. Bức Võng phủ kín một diện rộng, kéo dài từ Thượng lương xuống Hạ xà và mở ngang hết một gian. Cửa Võng được chạm lộng kết hợp chạm nổi tinh xảo trên cả 7 lớp, 9 ô các đề tài tứ linh, tứ quí.... phía trên bức cửa Võng là bức trần gỗ che kín mái gian giữa với hình trang trí là một con chim Phượng xoè rộng cánh tới các vầng vân mây quanh đó.
Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc khác rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng theo lối chồng giường "Thượng tam, hạ tứ". Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút: Bức "Bát mã quần phi" thể hiện sự sống động, thấy được sự phóng khoáng và nét thanh bình của mảnh đất này qua hình ảnh và tư thế của từng chú ngựa. Bức Lưỡng nghê phục chầu, con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên...từng bức, từng bức gợi tả bao điều.
Suốt hơn 200 năm kể từ khi khởi dựng, cho đến nay đình Đình Bảng đã đi vào đời sống tình cảm và là niềm tự hào của người xứ Bắc cũng như nhân dân cả nước:
"Thứ nhất là đình Đông Khang
Thứ nhì Đình Báng, vẻ vang đình Diềm"
Đình Đông Khang ngày nay không còn, cái mà hôm nay ta còn được chiêm ngưỡng lại là Đình làng Đình Bảng. Với vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật trang trí và cái quý giá hơn là đình Đình Bảng cho du khách một cái nhìn trọn vẹn của kiến trúc đình làng được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVIII, trong khi các ngôi đình khác không còn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn nữa.(Nguồn: website svhtt&dl-Bắc Ninh)






Chùa Kiến Sơ (Hà Nội) ngàn năm tuổi

người đăng admin | viết nhận xét

 

Chùa Kiến Sơ tọa lạc cạnh đền Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.  Chùa do Thiền sư Cảm Thành khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ IX.
Đặc biệt, chùa Kiến Sơ chính là chiếc nôi của dòng thiền Vô Ngôn Thông, một trong những dòng thiền Phật giáo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam. Chùa cũng là nơi tu hành đắc đạo của các bậc danh tăng thời trước như: Vô Ngôn Thông, Cảm Thành, Đa Bảo, ni sư Diệu Nhân...

Quần thể kiến trúc chùa Kiến Sơ ngày nay khá bề thế. Cổng tam quan 5 gian chồng diêm 2 tầng. Chùa chính theo kiểu nội công ngoại quốc như nhiều ngôi chùa cổ thường thấy ở Bắc bộ. Bước qua cổng tam quan là hồ sen lớn, bao quanh là lối đi dẫn vào chùa chính. Trước tiền đường về phía bên trái có một chiếc khánh đá cổ có niên đại gần 400 năm. Ấn tượng nhất đối với khách thập phương khi đến thăm chùa Kiến Sơ có lẽ là tòa Cửu Long (còn gọi là động Liên Hoàn) được tạo bằng đất thó, có tuổi thọ hơn 200 năm. Đây là tác phẩm nghệ thuật nhân tạo cổ xưa có kích thước lớn nhất Việt Nam: dài 8m, cao 3m, dày 2m. Tác phẩm chia thành 5 phần. 3 tòa chính diện có vòm mây, rồng xoắn bao quanh, ngự trên mây có rất nhiều tượng Phật, Bồ Tát, La Hán và các thần tướng nhà trời. Khác với các tòa Cửu Long thường gặp ở các chùa Bắc bộ, chính giữa tòa Cửu Long thường tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh, nhưng tòa Cửu Long ở chùa Kiến Sơ được biến thể với tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, tay cầm một chiếc hài; bên trái là tượng Maza trinh nữ, bên phải là Quán Thế Âm ngự trên đầu rồng. Hai bên hông tòa trung tâm là động tội tái hiện huyền tích tôn giả Mục Kiền Liên chứng kiến mẹ ngài bị hành hạ khắc nghiệt dưới địa ngục và động Tây du ký diễn tả thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Chùa Kiến Sơ có nhiều tượng Phật cổ phong phú. Nội điện tôn trí bảy hàng tượng. Lớp trên cùng là tòa điện chính, có bàn thờ xây cao áp vào vách, bên trên tôn trí bộ Tam Thế Phật, có niên đại thế kỷ XVII. Ba pho thể hiện ba đại kiếp của Như Lai (quá khứ, hiện tại, vị lai) được tạo tác khá giống nhau, tóc xoắn ốc, mặt tròn đầy phúc hậu ngồi trong tư thế tham thiền trên ba tòa sen. Bộ Tam thế được làm từ chất liệu đất thó, sơn son thiếp vàng. Sáu lớp thứ tự từ trên xuống dưới: hàng 1 là tượng A Di Đà, hàng 2 gồm năm pho tượng (tượng Di Lặc ở giữa), hàng thứ 3 là pho Quan Âm Nam Hải, Thích Ca niêm hoa tọa lạc ở hàng thứ tư, kế đến tượng Ngọc Hoàng, dưới cùng có tòa Cửu Long. Bên phải nội điện thờ năm vị Diêm vương. Ngoài ra, chùa còn thờ tượng thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng vua Lý Thái Tổ và mẹ của ông. Tượng Lý Thái Tổ tạc dáng một ông vua ngồi trên ghế, mình mặc áo long bào, đầu đội mũ miện, chân đi hài, hai tay nâng ngọc khuê (biểu tượng cho quyền lực) ngang ngực.
Chùa Kiến Sơn còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về vị vua khai sinh nhà Lý - Lý Công Uẩn. Tương truyền vào thời Tiền Lê, có câu sấm nói rằng một người họ Lý dưới chân có chữ vương sau này sẽ thay thế họ Lê, vua Lê Đại Hành bèn truy tìm người như vậy để giết đi. Bởi dưới chân Lý Công Uẩn có chữ Vương, nên ông phải tìm về chùa Kiến Sơn để lẩn trốn. Lúc bấy giờ, truyền thừa dòng Vô Ngôn Thông là thiền sư Đa Bảo đã giấu kín Lý Công Uẩn trong một cái hang bí mật dưới điện Phật. Lấy lý do người tu hành theo thiền phái này là phải câm lặng (vô ngôn) nên quan quân đến hỏi câu gì sư cũng không nói. Một đêm, Lý Công Uẩn đang ngủ say trong hầm thì mơ thấy một người xưng Thánh Gióng là thành hoàng của làng Phù Đổng. Thánh Gióng nói cho Lý Công Uẩn biết rằng sau này sẽ thành đại sự và Thánh đọc cho câu sấm: “Nhất bát công đức thủy / Tùy duyên hóa thế gian / Quang Quang trùng chúc chiếu/Một ảnh nhật đăng san” (về sau dân gian mới giải được nghĩa câu sấm, rằng nhà Lý truyền được 8 đời, và sẽ kết thúc vào thời một vị vua có chữ Nhật ở trên chữ Sơn (tức vua Lý Huệ Tông tên là Sảm). Do đó, ngay sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long, ngài đã cho trùng tu chùa Kiến Sơ và xây dựng đền Phù Đổng cạnh đó để tôn thờ Đức Thánh Gióng. Vua cũng nhiều lần đến thăm chùa, và mời thiền sư Đa Bảo về Thăng Long bàn luận.
Chùa Kiến Sơ chính là một danh lam thắng tích gắn liền với lịch sử hình thành triều đại nhà Lý. Chính vì vậy, chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1975.(Nguồn: dulichvn.org.vn)






Thiêng liêng Hồ Gươm (Hà Nội)

người đăng admin | viết nhận xét

Hà Nội là nơi có mật độ di tích, di sản văn hóa dày đặc và quý giá nhất cả nước. Quý giá, thân thuộc và có tính biểu trưng cao nhất chính là Hồ Gươm.

 

Hồ Gươm với mầu nước xanh biếc bốn mùa, với các huyền thoại, với các cụm di tích như Tháp Rùa, Ðền Ngọc Sơn, Ðài Nghiên, Tháp Bút, Tháp Hòa Phong, với những hàng cây, đường phố đẹp nhất Thủ đô, từng được ví là lẵng hoa giữa lòng thành phố, là con mắt, là tấm gương phản chiếu tâm hồn người Hà Nội...

Hồ Gươm xưa từng có tên là Tả Vọng, Lục Thủy. Ngày Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, thấy có hòn đảo hình tròn nổi giữa lòng hồ, đặt tên là núi Ngọc Tượng. Thời Trần gọi là Ngọc Sơn, chính là chỗ Ðền Ngọc Sơn hiện nay.

Chắc hẳn không người Việt Nam nào lại không biết ít nhiều về sự tích Hồ Hoàn Kiếm với câu chuyện Lê Lợi được trời đất trao gươm báu để đánh quân Minh. Ðến ngày chiến thắng, gươm báu được rùa thần đòi lại, cất giữ sâu trong lòng hồ. Ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này chính là, trong lòng đất nước ta luôn có một thanh gươm thần diệt giặc, không có kẻ thù nào xâm phạm bờ cõi, xâm lược nước ta lại không bị đánh bại bởi thanh gươm báu đó. Thanh gươm báu này chính là lòng yêu nước, là tinh thần đoàn kết, là tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã tổng kết. Sự thật ấy đã được chứng minh qua nhiều thời kỳ lịch sử, đã được khẳng định ngay từ mười thế kỷ trước bởi Lý Thường Kiệt và tinh thần Ðại Việt:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Ghi lại sự tích này, khẳng định chân lý này, một câu đối ở Ðền Ngọc Sơn ghi rõ:

Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

(Bảo kiếm ngàn vàng tàng thu thủy
Lòng trung một khối tại ngọc hồ)

Bên thanh kiếm báu, Hồ Gươm còn một ngọn bút viết thơ lên trời xanh, biểu tượng của một dân tộc văn hiến và yêu chuộng hòa bình.

Tháp Bút này được xây dựng bởi một người Hà Nội, một sĩ phu Bắc Hà, Phương Ðình Nguyễn Văn Siêu (1795- 1872). Vốn trên đảo núi Ngọc Sơn có một ngôi chùa cổ, vào năm Tự Ðức thứ 18 (1865) cụ Nguyễn Văn Siêu chủ trì tu sửa, tôn tạo lại to đẹp, đàng hoàng hơn. Lại cho dựng Ðài Nghiên (nghiên mực), Tháp Bút và bắc cầu Thê Húc (cầu đậu ánh nắng mai) như một cầu vồng dẫn vào đền. Thật là một cảnh đẹp vô song như đôi câu đối miêu tả:

Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn;
Lâu đương minh nguyệt tọa hồ tâm

(Cầu dẫn ánh hồng bờ đảo ngọc
Lầu soi trăng sáng giữa hồ trong)

Cũng như các đền chùa khác ở Việt Nam, Ðền Ngọc Sơn cũng có tính chất "hợp tự" là thờ thần, Phật, thờ các vị anh hùng dân tộc, mà tiêu biểu là Trần Hưng Ðạo. Trong đền có câu đối Nôm:

Vũ lược luyện hùng binh, Lục thủy nghìn thu ghi sử Việt

Văn tài mưu thượng tướng, Bạch Ðằng một trận phá quân Nguyên

Hồ Gươm là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất và lòng người. Ngày Tết và những dịp lễ trọng của Hà Nội, của đất nước, nhân dân bốn phương đều về Hồ Gươm để chào đón năm mới, tham gia các sự kiện lịch sử. Du khách nước ngoài đến Việt Nam, không ai không đến Hồ Gươm. Các thi nhân nhiều người có thơ về Hồ Gươm.

Có người từng nói: Ai được sống, làm việc ở đây, được ngày ngày nhìn thấy Hồ Gươm, đó là người hạnh phúc. Quả vậy. Khi lòng ta lo buồn, đến trước hồ xanh được bình tâm trở lại. Hồ xanh liễu biếc luôn khơi gợi lòng yêu đời, yêu người. Hồ Gươm, một tờ thơ mở, một trang sử thâm nghiêm. Nếu Thăng Long- Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm thì Hồ Gươm chính là nơi lắng hồn của Thăng Long - Hà Nội.

Hồ Gươm thiêng liêng. Hồ Gươm là nơi mỗi lòng dân Việt trân trọng, giữ gìn...(Nguồn: website báo Nhân dân)





Viếng thăm cõi vĩnh hằng của vua Khải Định ở Huế

người đăng admin | viết nhận xét

 

 

Trong nét chung của quần thể lăng tẩm ở Huế, lăng Khải Định nổi bật lên sự khác biệt bởi kiến trúc cách tân mạnh mẽ, phản ánh sự giao thoa đậm nét giữa kiến trúc Đông – Tây…

Từ trung tâm TP Huế, đi về phía Tây Nam qua những quả đồi thấp, đường sá khá chật hẹp. Khoảng 10 km là tới lăng vua Khải Định ở triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê). Tương truyền vua Khải Định lấy quả đồi trước mặt làm “tiền án”, lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn làm “Tả Thanh long” và “Hữu Bạch hổ”; khe Châu E làm “Thủy tụ” gọi là “Minh đường”... theo các yếu tố phong thủy: “Tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ”... Đến nay, dù chính quyền Huế đã làm con đường khá lớn trước cổng lăng, du khách tấp nập, nhưng “Cõi vĩnh hằng” của vị vua thứ 12 triều Nguyễn này vẫn gợi lên nét u tịch giữa một vùng núi non trùng điệp, xanh thẳm. Lăng hầu như giữ nguyên hiện trạng ban đầu, nổi bật mảng màu đen xám từ những cây cột trụ, những con rồng đắp bằng xi măng, bờ rào...

 

 

Khác với những lăng mộ các vua triều Nguyễn có không gian cây xanh rất rộng, ao, hồ, bể cạn..., thì nhìn tổng thể lăng Khải Định như một tòa lâu đài kiểu châu Âu, kiến trúc đồ sộ, kết cấu xi măng cốt thép. Lăng hình chữ nhật, diện tích 117 m x 48,5 m với 127 bậc cấp. Vật liệu xây dựng chủ yếu là sắt, thép và ngói Ardoise (mua từ Pháp), đồ sành, sứ và thủy tinh màu (mua từ Trung Quốc, Nhật Bản) trong khi những vật liệu truyền thống như gỗ, vôi, gạch... được sử dụng rất ít. Người ta cho rằng lăng Khải Định hòa lẫn kiến trúc Ấn Độ – những trụ cổng hình tháp; kiến trúc Phật giáo – trụ biểu nhọn dạng Stoupa; châu Âu – hàng rào như những cây thánh giá; kiến trúc Roman – cột bát giác và vòm cửa; nét Đông Á qua những tượng quan văn, võ, voi ngựa theo hầu trước sân chầu...

 

Điểm nhấn trong lăng Khải Định là cung Thiên Định – được xây ở vị trí cao nhất, là công trình chính của lăng gồm 5 phần: chính giữa là pho tượng nhà vua Khải Định ngự trên ngai, dưới là phần mộ, phía trước là điện Khải Thành, nơi có bàn thờ và chân dung vua, hai bên là Tả, Hữu trực phòng dành cho lính hộ lăng, trong cùng là khám thờ bài vị của vua. Phía sau mộ vua là mặt trời lặn, hình tượng nhà vua băng hà. Tượng vua Khải Định do người Pháp đúc theo ý tưởng của chính vua Khải Định: bằng đồng, có kích thước bằng người thật. Tương truyền vua Khải Định thích ăn mặc diêm dúa, đeo ngọc, hạt xoàn ông cũng lo chưa đủ “tỏa sáng” nên đeo thêm những chiếc... bóng điện quanh đai. Trên đầu vua là bửu tán, được trang hoàng lộng lẫy, nhẹ nhàng như làm bằng lụa, đung đưa rất sống động. Nhưng thực ra chiếc bửu tán này làm bằng một khối bê tông nặng hơn một tấn, được móc lên trần bằng một chiếc móc thép chắc chắn.

Trong cung Thiên Định toát lên là những gam màu vàng rực, huy hoàng, lộng lẫy, khác hẳn vẻ xám xịt ở các khu vực khác. Các mặt tường được tạo thành bởi nghệ thuật khảm kính, sứ rất tinh xảo, tái hiện cảnh từ sắc bốn mùa, danh lam thắng cảnh của đất nước, cảnh cung đình, dân gian sinh động đến những thứ rất hiện đại như: đồng hồ, huy chương... Những người yêu hội họa mê mẩn khi chiêm ngưỡng bức bích họa “Cửu long ẩn vân” trên trần cung Thiên Định do nghệ nhân người Quảng Nam Phan Văn Tánh thực hiện với những gam màu chủ đạo: xanh, đen, trắng hài hòa. Bức họa làm người xem có cảm giác mây và rồng hòa lẫn vào nhau, mây cũng là một phần của rồng, tạo ra một khung cảnh rất kỳ bí... Các họa sĩ hiện đại Việt Nam cho rằng bức bích họa này không chỉ hoành tráng mà còn đạt tới độ mỹ thuật cao nhất trong nền hội họa nước ta. Tương truyền khi vua Khải Định lên thăm thì tác giả chuyển từ vẽ bằng tay sang vẽ bằng chân để nhắc nhở vua về sự tốn kém khi xây lăng. Trong cung Thiên Định trang trí nhiều chữ “Phúc”, “Thọ” và “Vạn thọ” được cách điệu hóa thành nhiều hình thức phong phú, thể hiện quan niệm “sống gởi thác về” của các vua thời Nguyễn: lăng tẩm không chỉ là nơi giữ thi hài mà còn là ngôi nhà của vua ở cõi vĩnh hằng. Theo giới chuyên môn, nghệ thuật trang trí ở cung Thiên Định có giá trị thẩm mỹ cao nhất trong lăng Khải Định. (Nguồn: website báo Cần Thơ)





Vãn cảnh chùa Long Sơn – Nha Trang

người đăng admin | viết nhận xét

Chùa Long Sơn nằm ngay trong nội thành Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bên quốc lộ 1A, dưới chân Hòn Trại Thủy. Chùa được khai sơn vào cuối thế kỷ 19 và được xây dựng mới vào năm 1940 với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang đậm dấu ấn thời hiện đại.

 

Chùa được cất trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, gần kề ngay đường giao thông và khu phố đông đúc mà vẫn giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch, uy nghiêm, huyền bí, cao siêu nơi cửa Phật nhờ có sự phối hợp tuyệt vời giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên và những phần tạo dựng do con người.

Đây là một trong những ngôi chùa vào loại lớn nhất và cũng ở vào một địa thế trang nghiêm, đẹp nhất trong các ngôi chùa còn lại ở Khánh Hòa đến nay và cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang.(Nguồn: website dulichphuquoc)





Biển Hồ Tây Nguyên

người đăng admin | viết nhận xét

Biển Hồ nằm ở xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển Hồ nguyên là một miệng núi lửa ngừng hoạt động đã hàng trăm triệu năm. Hồ có hình bầu dục, diện tích 230ha. Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông xanh ngắt. Cuối con đường, leo lên các bậc tam cấp bằng đá, du khách sẽ đặt chân vào ngôi nhà lồng rất thơ mộng được xây trên một đồi cao ăn ra lòng hồ.

Nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội dưới nước. Hồ có độ sâu từ 20 đến 40m. Ðây là vựa cá, hàng năm cung cấp cho Pleiku hàng trăm tấn cá.

Phong cảnh xung quanh hồ thật ngoạn mục, từ những cây cối và các loài hoa khoe sắc ven hồ, ong bướm dập dìu tiếng hót của các loài chim lảnh lót mỗi buổi sớm mai. Kế đó là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng... Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt nước.

Giữa mùa nắng nóng oi nồng nhưng ở đây rất dễ chịu: Không khí trong lành và mát rượi. Biển Hồ đã hấp thụ những cơn gió nóng nực để đem đến cho vùng đất cao nguyên bao la những cơn gió mát lành. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước cho cây trồng và vật nuôi cho một vùng rộng lớn mà còn cung cấp cho dân trong vùng hàng trăm tấn cá, tôm…mỗi năm. Nguồn lợi tự nhiên mà biển hồ mang lại vô cùng to lớn và quan trọng, nhất là đối với vùng cao nguyên ở độ cao gần ngàn mét so với mặt biển và hiếm nước. biển hồ với nhiều góc độ nổi lên như một viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên.

Biển Hồ là tên do người Kinh đặt, còn tên thật của nó là Hồ TNưng, quanh năm ăm ắp nước và luôn luôn xanh ngăn ngắt, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Xung quanh nó có rất nhiều bí ẩn và huyền thoại khiến Biển Hồ lại càng lung linh kỳ ảo trong ký ức của con người, cả người sở tại và du khách.

Ngay cái tên Biển Hồ có lẽ cũng là do khát vọng của con người mà ra. Cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả nghìn mét. Theo nguyên tắc bình thông nhau thì chả có giọt nước nào tồn tại được trên những đỉnh núi cao này. Và vì thế mà con người khao khát nước, khao khát biển. Đối diện với Biển Hồ theo trục Bắc Nam khoảng chục cây số là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ. Rất đối xứng, một bên nhô lên, bên thụt xuống, lại cũng khiến một ông nhà thơ so sánh nó như Yo Ni và Lin Ga. Diện tích của Hàm Rồng và Biển Hồ cũng tương ứng nhau, hình dáng cũng tương tự nhau nếu nhìn từ máy bay, giống như kiểu bứng phần lõm của Biển Hồ đặt vào Hàm Rồng vậy, tức là nếu bê Hàm Rồng thả xuống Biển Hồ thì sẽ khít lịt, không còn dấu vết. Một cuộc tạo sơn vĩ đại nào đó đã làm việc này. Thời chưa có các phương tiện hiện đại, người ta đồn rằng Biển Hồ... không có đáy, nó thông xuống... biển Quy Nhơn. Nhưng có một thực tế là mực nước Biển Hồ hầu như không đổi nên nó vừa là thắng cảnh, vừa là nguồn nước sinh hoạt chính nuôi sống nhân dân thành phố Pleiku.

Biển Hồ là nơi ẩn náu của các loài chim, như sin sít, bói cá, cuốc đen... Chim kơ túc, kơ vông thường thấp thoáng trong các cụm hoa sen, hoa súng trên mắt hồ; le le, ngỗng trời thường lặn ngụp trong những bãi lau sậy; và trên trời, chim đrao, chim trắc la bay lượn.

Biển Hồ còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa... Ngoài ra còn có rùa, ba ba, lươn..., chình là những thuỷ sản sống lâu năm trong hồ.

Khách phương xa đến thành phố Pleiku có lẽ không quên đi thăm Biển Hồ. Tại đây, khách có thể dùng thuyền độc mộc dạo chơi trên mặt hồ. Đẹp nhất là vào những đêm trăng sáng, mặt hồ càng huyền ảo, lung linh. Nếu đến đây vào dịp lễ hội, du khách sẽ được bà con buôn làng mời tham dự vào cuộc múa hát, vui say bất tận rồi quên hẳn lối về.(Nguồn: Báo Thái Nguyên)





Di tích lịch sử Đình Bình Hòa - Bến Tre

người đăng admin | viết nhận xét

Đình nằm trên khu đất giồng ở ấp Bình Minh, làng Bình Hoà, nay thuộc thị trấn Giồng Trôm, nằm cạnh đường 885, cách thị xã Bến Tre 16km, có thể đến bằng đường bộ hoặc đường thủy.

 

Đình Bình Hòa được xếp trong danh mục 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh Bến Tre, là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo. Những tài liệu còn lưu giữ được đến nay cho biết đình được lập vào thập kỷ thứ 2, thế kỷ XIX, tính đến nay gần 200 năm. Ngôi đình có quy mô kiến trúc tương đối lớn còn giữ được đến ngày nay, không phải là dạng nguyên sơ của nó, mà đã được xây cất lại vào năm 1903. Từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn tất phải mất trên 10 năm(1903-1913), kể cả công trình kiến trúc bên ngoài và trang trí nội điện, đặc biệt là phần điêu khắc gỗ. Đó là kết quả lao động công phu của những nhóm thợ rước từ miền trung vào, có tay nghề và trình độ mỹ thuật cao. Đình được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 6 (1852).

Về mặt kiến trúc bên trong, chất liệu chính là gỗ tứ thiết và kết cấu bằng mộng, chốt, kết hợp chặt chẽ với nghệ thuật điêu khắc, mà chủ yếu là những nét tạc bằng đục của nghệ nhân ngay trên gỗ của những vì kèo, xuyên, trính, hoành phi…ở các gian chánh đường và thính đường. Qua thử thách của thời gian với nắng mưa và khí hậu ẩm thấp, đặc biệt tác động phá hoại trực tiếp của bom đanh trong suốt 30 năm, ngôi đình vẫn đứng vững. Điều đó nói lên trình độ kỹ thuật và ý thức trách nhiệm của đội ngũ thợ xây dựng.

Về trang trí bên trong cũng như những công trình nghệ thuật khác ở bên ngoài của đình, vẫn là sự kết hợp yếu tố nghệ thuật cung đình với nghệ thuật tôn giáo và được dân gian hóa ở mức độ nhất định. Đó là những đề tài lân, long, quy, phụng, chim muông, sen-cua, trúc-tước, nho-sóc, bần-cò v.v…

Đình Bình Hòa còn là chứng tích ghi nhớ những tội ác của đội quân UMDC của Léon Leroy và đặc biệt bọn “công an Ngô Quyền” trong những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” đẫm máu dưới thời Ngô Đình Nhiệm.

Hiện còn hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ tinh vi, sắc sảo, gồm những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án, đồ lễ bộ… được lưu giữ. Hằng năm vào rằm tháng giêng (âl) diễn ra lễ cúng đình lần thứ nhất và vào rằm tháng chạp (âl) lần thứ hai.

Đình Bình Hòa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 7/1/1993.(Nguồn: website Bến Tre)





Chùa Hoè Nhai (Hà Nội) mang dáng dấp cổ xưa

người đăng admin | viết nhận xét

 

Tọa lạc ở số nhà 19 phố Hàng Than (quận Ba Đình), chùa Hòe Nhai còn có tên là chùa Hồng Phúc. Đây là một trong những ngôi chùa lớn và cổ ở Hà Nội. Cửa chùa nhìn ra hướng tây, ngoài cùng là tam quan kiểu hoa biểu bốn trụ, điển hình của kiến trúc thời Nguyễn. Sân chùa có hai ngọn tháp cao ba tầng, bên cạnh dựng hai bia đá lớn trong tổng số 28 bia tại chùa. Bia có niên đại sớm hơn cả là tấm bia dựng năm Chính Hòa thứ 24 (1703) do tiến sỹ Hồ Tông Mục soạn. Bia ghi rõ chùa được xây dựng tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu. Nhờ có bia này mà giới sử học ngày nay xác định được Đông Bộ Đầu (bến Đông) là địa danh đã diễn ra trận đánh lịch sử đuổi quân Mông - Nguyên xâm lược ra khỏi kinh thành Thăng Long ngày 29/1/1258. Khu thờ chính của chùa gồm bốn tòa nhà xếp hình chữ Công. Phía trước là hai bái đường liền mái chạy song song, mỗi tòa nhà năm gian. Chính điện gồm ba gian nằm dọc, phía sau là nhà tổ bảy gian. Sát bên phải nhà thờ tổ, đối xứng với thượng điện là tòa kinh viện (nhà để các bộ kinh) gồm 13 gian. Thượng điện có 68 pho tượng Phật, đều được sơn son thếp vàng, bài trí làm sáu lớp. Đặc biệt ở bên trái thượng điện có pho tượng tạc Phật ngồi trên lưng ông vua đang phủ phục, thể hiện hình tượng sám hối.
Về pho tượng lạ này, có người đã giải thích: Vua Lê Hy Tông (1675 - 1705) thi hành chính sách chống Phật giáo rất hà khắc. Vì thế hòa thượng Chân Dung - vị sư tổ thứ hai của chùa Hòe Nhai - đã viết một bài biểu, bỏ vào một cái tráp, đem đến triều đình, dâng lên nhà vua và nói rằng: Trong hộp có ngọc minh châu. Nhà vua mở hộp ra xem không thấy ngọc mà chỉ thấy bài biểu, đại ý nói nhà Lê được trị vì lâu bền chính là nhờ sự độ trì của đức Phật. Sau đó vua Lê Hy Tông hạ chiếu sám hối, thay đổi thái độ đối với Phật giáo. Có lẽ xuất phát từ câu chuyện trên mà người đời sau tạc nên bức tượng một vị quốc vương trong tư thế phủ phục, để Phật ngồi trên lưng, đặt ở chùa. Trong thượng điện còn bảo lưu được nhiều bức cốn chạm lộng, chạm nổi hình tứ lính và hệ thống cửa võng sơn son thếp vàng lộng lẫy thể hiện các đề tài: Cúc, trúc, thọ, mai, hoa, điểu…

 

Các hiện vật trong chùa Hòe Nhai khá phong phú gồm: Chuông đồng có niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), khánh đồng lớn (cao 1m, rộng 1,5m) đúc năm Giáp Dần, niên hiệu Long Đức thứ ba (1734) đời vua Lê Thần Tông… Hệ thống tượng Phật cũng phong phú, làm bằng nhiều chất liệu khác nhau: Đồng hun, gỗ quý, đất nện… Các tượng đều chứa đựng giá trị nghệ thuật nhất định trong mỗi kiểu dáng thuần hậu. Các pho tượng tổ của chùa đều biểu hiện chân dung như thực, là những tượng đẹp, câu đối, mỗi vị biểu lộ một nét riêng, một cuộc đời riêng.

Năm 1963, chùa dựng thêm một tháp tên là Ấn Quang để tưởng nhớ hòa thượng Thích Quảng Đức, tên thật là Nguyễn Văn Khiết (1897 - 1963) đã tự thiêu ở Sài Gòn để phản đối Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Theo các tấm bia ở chùa thì chùa được xây dựng trước năm 1703 vàđã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào các năm 1812, 1899, 1920.Chùa Hòe Nhai hiện nay còn khá nguyên vẹn. Khuôn viên chùa còn nguyên dáng dấp cổ xưa. Di tích này thường xuyên được các tăng ni, phật tử chăm lo bảo vệ, hướng dẫn khách thập phương đến lễ bái, chiêm ngưỡng. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã đến tham quan, du lịch.(Nguồn: hanoinet)






News for 27/09/2010


View all news for 27/09/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam