International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

02/12/2010 | RSS Feed

Chùa Thanh Mai (Hải Dương) - Di tích kiến trúc độc đáo

người đăng admin | viết nhận xét

Chùa Thanh Mai gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ. Trải qua sự vần vũ của thời gian, biến thiên của lịch sử, ngôi chùa hầu như đã đổ nát, bị lãng quên giữa núi rừng. Với sự nỗ lực của Nhà nước, các cấp chính quyền và những người tu hành, đến nay ngôi chùa đã cơ bản được phục dựng, trở thành một trong những danh thắng kỳ thú của thị xã Chí Linh nói riêng, tỉnh Đông nói chung.

Từ quốc lộ 18, vượt qua hơn chục cây số len lỏi giữa các xóm thôn yên bình, chúng tôi tìm đến chùa Thanh Mai. Đứng dưới chân núi nhìn lên không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp kỳ vĩ của núi non, với sắc đỏ của rừng phong mùa thay lá. Ngôi chùa mang tên đất nằm ẩn mình giữa bạt ngàn cây lá, bảng lảng khói sương. Con đường từ chân núi lên chùa lần lượt mở ra những điều kỳ thú. Chùa Thanh Mai vốn được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo, cao khoảng 200m thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh). Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Sau khi được xây dựng chùa là nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả, một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam.Trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi chùa cổ đã sụp đổ, các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế bị lãng quên.
Với mong muốn phục dựng và bảo tồn một di tích lịch sử quan trọng, năm 1980, chùa đã được đầu tư khôi phục dần dần theo từng hạng mục. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhưng quy mô nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút, đường sá đi lại khó khăn, chùa Thanh Mai vẫn bị chìm trong quên lãng. Sư thầy Thích Chí Trung trụ trì chùa Thanh Mai cho biết: Năm 1994, ông được cử về trụ trì tại chùa. Khi đó thực trạng ngôi chùa rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Trăn trở trước nguy cơ biến mất của di tích, sư thầy đã vận động đóng góp công đức trùng tu, khôi phục lại chùa. Trải qua biết bao khó khăn gian khổ, trong 6 năm, từ năm 1994-2000, sư thầy đã bỏ 500 triệu đồng khôi phục hệ thống tượng Phật trong chùa. Đáng chú ý là các pho tượng đều được thếp vàng và 2 pho tượng hộ pháp uy nghi cao 3m được tạc hoàn toàn bằng gỗ mít. Trong cùng thời gian trên, với sự hỗ trợ của Sở Giao thông - Vận tải và Công ty Điện lực Hải Dương, 2 km đường lên chùa được mở, 1km đường điện chiếu sáng được mắc, tháp Viên Thông được phục dựng. Không dừng lại đó, năm 2002 sư thầy tiếp tục vận động các phật tử quyên góp xây dựng 10 gian nhà tổ theo kiểu chữ "nhị" rộng 130 m2 trị giá 300 triệu và năm 2010 xây toàn bộ khu nhà bếp, công trình phụ cho nhà chùa trị giá 400 triệu đồng.
Để quy hoạch tổng thể di tích, trả lại giá trị lịch sử, đồng thời xây dựng chùa Thanh Mai trở thành một danh thắng mang tầm quốc gia, năm 2005, ngôi chùa được Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 10 gian chính điện rộng 180 m² với kiến trúc kiểu chữ "đinh", tiền đường chồng diêm 8 mái. Cho đến năm 2007, chùa tiếp tục được đầu tư 10 tỷ đồng hoàn thiện các hạng mục như tam quan, 2 gian nhà bia, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà tăng. Đến nay các hạng mục còn lại như sân, bờ kè, đường lên chùa đang được khẩn trương hoàn thiện.
Cùng với các hạng mục kiến trúc bề thế, hiện nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia có giá trị như một bảo vật quốc gia, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm. Tấm bia cũng cho thấy tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tôn, Pháp Loa và Huyền Quang. Có thể nói, mỗi di vật ở chùa đều mang trong mình những câu chuyện, chứng tích lịch sử khiến ta phải ngỡ ngàng. Đến với Thanh Mai không chỉ là tìm về chốn Phật mà còn tìm về với cây cỏ thiên nhiên. Không ngạc nhiên khi bắt gặp ai đó chắp tay kính cẩn hồi lâu trước ngọn Viên Thông Bảo Tháp hay đứng lặng hàng giờ chiêm bái, lần đọc văn bia. Cũng không ngạc nhiên khi có vị du khách suốt buổi náu mình dưới tán cây bên suối nghe tiếng nước róc rách. Hoặc một ngày kia ta chợt bắt gặp cả cánh rừng bừng lên sắc trắng của hoa dẻ hay bị nhuộm đỏ bởi lá phong. Theo đánh giá Thanh Mai là một trong những vùng còn giữ được diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh với hai loại cây trám và dẻ cùng nhiều loại gỗ quý như lim, sến, lát…
Từ một phế tích, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay, chùa Thanh Mai đã có một cơ ngơi khang trang bề thế, quy mô kiến trúc độc đáo, trở thành nơi có sức cuốn hút du khách. Không chỉ vào ngày hội chùa (mồng 1 đến mồng 3-3 âm lịch) mà kể cả ngày thường, chùa Thanh Mai không khi nào vắng khách tham quan. Với giá trị lịch sử lâu đời, với nhiều nghi lễ tôn nghiêm trong ngày hội như: giảng kinh, mộc dục, chay đàn... cùng thiên nhiên kỳ vĩ, chùa Thanh Mai cùng với các di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc đang góp phần làm giàu có thêm vốn văn hóa xứ Đông.(
Nguồn: Báo Hải Dương)





Đền Hỏa Thần, một nét tâm linh người Hà Nội

người đăng admin | viết nhận xét

 

Để chống chọi lại hỏa hoạn, ngoài việc chủ động phòng cháy, chữa cháy, người Thăng Long xưa còn sử dụng cả yếu tố tâm linh thông qua việc phụng thờ Thần Hỏa để đem lại sự an lạc về tinh thần.

Từ xa xưa,ông cha ta đã tổng kết và phân hạng bốn yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của con người là: thuỷ, hoả, đạo, tặc (nước, lửa, trộm cướp và giặc giã). Đến tận ngày nay, “hỏa tai” vẫn gây ra những tác hại khôn lường. Thần Lửa đã đi vào huyền thoại của nhiều dân tộc. Ở nước ta, đền Hỏa Thần được coi là nơi thờ Ông Tổ nghề “phòng cháy, chữa cháy”, thể hiện một nét tâm linh, phản ánh một phần kinh tế xã hội và đời sống tâm linh của người Hà Nội xưa và nay.

Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Đó là câu ca được lưu truyền để nói về sự phồn hoa, đô hội bậc nhất của kinh đô Thăng Long. Sự đô hội ấy, cùng với quy hoạch và đặc điểm kiến trúc đô thị của Hà Nội xưa: nhà cửa liền sát nhau, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, tranh, nứa, lá, Thăng Long thường xuyên phải hứng chịu những tàn phá khốc liệt của hỏa hoạn. Nguyên nhân có nhiều: giặc ngoại xâm đốt phá, nội chiến giữa các thế lực phong kiến, khí hậu khô hanh, cùng với sự bất cẩn của người dân khi sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt.

Để chống chọi lại hỏa hoạn, ngoài việc chủ động phòng cháy, chữa cháy, người Thăng Long xưa còn sử dụng cả yếu tố tâm linh thông qua việc phụng thờ Thần Hỏa để đem lại sự an lạc về tinh thần. Khi Lý Công Uẩn định đô, thần Bạch Mã vốn là Thành hoàng Long Đỗ của thành cũ Đại La được nâng cấp là Thành hoàng của Kinh đô, của cả nước (Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương). Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã ca ngợi sự linh thiêng bền vững của Thần trong việc trừ hỏa tai, bảo vệ kinh thành Thăng Long:

Hỏa tụ tam khu phần bất cập
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh

Nghĩa là:

Lửa nổi ba khu không cháy được
Phong trần một trận chẳng hề nghiêng

 

Hai tác giả sách “Đường phố Hà Nội” là Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá đã cho biết: “Trước đây, đền Hoả Thần có một quả chuông to, bằng đồng, hễ có hoả hoạn thì thỉnh chuông lên, Hoả thần nghe thấy sẽ về trừ hoả hoạn”.

Đền Hoả Thần được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Tấm bia “Hoả Thần miếu bi ký” dựng vào ngày tốt tháng 7 đời vua Thiệu Trị tại đền Hoả Thần cho biết, đền được xây dựng ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội, lúc đầu bằng tranh nứa sơ sài. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu với nguyên vật liệu bền vững, quy mô rộng rãi hơn. Năm 1848 lại xây thêm phương đình và tiền tế. Niên đại này còn để lại trên câu đầu của kiến trúc.

Đền Hỏa Thần hiện nay tọa lạc tại số 30 phố Hàng Điếu, trên diện tích gần 500 m2. So với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hoả Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công” gồm tiền tế, phương đình và cung cấm, trong đó, kiến trúc phương đình được chạm khắc trang trí đậm đặc nhất. Các con rường được chạm nổi văn mây lá lật. Mỗi đấu kê đều trang trí cánh sen. Mỗi đầu dư đều thể hiện hình đầu rồng. Các bức ván trong giá chiêng chạm nổi đề tại phương trong tư thế đang bay. Và bốn bức tượng nghê dưới câu đầu được thể hiện giống với nhau với hình thức cách điệu cao, rất gần gũi với các tượng nghê trên kiến trúc phương đình đền Bạch Mã và đền Thanh Hà thuộc khu phố cổ Hà Nội. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trung của phong cách kiến trúc, mỹ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu XX, có sự kế thừa của các thế kỷ trước.

Thực dân Pháp đánh chiếm miền Hà Nội, khu phố Tây được thành lập, khu xóm chợ Cửa Đông cũng được đô thị hóa mạnh mẽ, đền Hỏa Thần cũng bị thu hẹp nằm lọt giữa khu phố xá đông đúc. Thời kỳ này, nhân dân cũng xây thêm một điện thờ chư vị Thánh Mẫu trong khuôn viên của đền, thiết ban thờ Phật ở gian phương đình, đền Hỏa Thần là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi lễ Phật ,Thánh ban phúctrừ tai của nhân dân kinh thành. Những thập niên gần đây, đền bị xâm lấn, đổ nát hư hỏng nhiều, chính quyền và nhân dân đã tu bổ lại đền khá khang trang. Năm 1997, chính quyền, Ban Quản lý di tích và nhân dân địa phương đón nhận “Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Hỏa Thần”. Năm 2000, UBND phường và nhân dân rước ban thờ Thánh Mẫu vào trong phương đình, trên vị trí ban thờ cũ dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ phường, tạo một nét văn hóa, tâm linh mới.

Nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chính quyền và nhân dân địa phương cùng Đại đức trụ trì đền đã tiến hành một đợt trùng tu tôn tạo Đền Hoả Thần. Đại đức Thích Minh Sơn chia sẻ: Thời gian tới, mong rằng đền Hỏa Thần cần phải được tiếp tục được tu tạo để xứng đáng với một di tích cấp quốc gia, đồng thời gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cư dân khu phố cổ, tạo thêm nét phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô và cả nước.(Nguồn: dulichvn.org.vn)




Làng cổ miệt vườn - Cần Thơ

người đăng admin | viết nhận xét

Làng cổ Long Tuyền ở tây nam TP.Cần Thơ là nơi "đất lành", nhiều nhà văn hóa có tiếng đất Nam Bộ đã sinh ra ở đây. Ngày nay, Long Tuyền thu hút du khách nhờ vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ cùng vườn cây trái xum xuê.


Làng cổ Long Tuyền nằm ở phía tây nam vàm sông Cần Thơ, nay gồm các phường Bình Thủy, An Thới cùng hai xã Long Tuyền, Long Hòa thuộc thành phố Cần Thơ. Qua quá trình vận động phát triển hàng trăm năm, Long Tuyền cổ kính còn có vinh dự góp phần tạo nên thành phố trung tâm cả vùng châu thổ Nam Bộ hôm nay.

Trước khi có "tỉnh Cần Thơ" trên bản đồ hành chính (1876) vùng đất này thuộc "lục ấp" rồi dần trở thành làng Bình Hưng (1844, đời Thiệu Trị thứ 13). Ðến năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Ðạt thoát hiểm ngay trên sông Bình Thủy thuộc làng, nên cái tên Bình Thủy ra đời. Bình Thủy đã đẹp sao phải đổi lại là Long Tuyền (1908)? Các bậc tiền nhân đã lý giải và bình thật hay: "Rạch này (ý nói sông Bình Thủy) nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, miệng rộng và vàm sông Bình Thủy há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh án ngang vàm sông. Các chi lưu của bốn rạch tủa ra như bốn chân rồng. Ðoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng như muôn triệu vẩy rồng lấp la lấp lánh, ẩn hiện giữa những vườn cây trái xum xuê...".

Ðịa hình Long Tuyền như biểu tượng thu nhỏ của vùng đồng bằng sông nước mênh mang này. Sông Bình Thủy dài 15 km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra trên 30 con kênh rạch lớn nhỏ tự nhiên hoặc nhân tạo đan xen chằng chịt với những tên gọi rất bình dị như điệu hò nơi đây vậy. Bà Ðồ, Bà Chủ Kiểu, Ông Ðội, Ông Quới, rạch Cam, rạch Chanh... Cả một nền "văn hóa ghe xuồng" hiển hiện trên sông rạch kế tiếp vườn cây, xanh ngắt, ngút ngàn.

Ðã đến Cần Thơ, du khách thường tìm đến Long Tuyền bởi nơi đây ngoài cảnh sông nước hữu tình, còn có đến sáu di tích cấp quốc gia, chiếm gần một phần ba số di tích quốc gia cả tỉnh Cần Thơ. Ðình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu, được dựng lên từ thuở "khai sinh lập địa" (1844) có quy mô diện tích vào loại lớn (trên 4.000 m2) trong các đình làng Cần Thơ, phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Long Tuyền. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng chạp) đều có lễ rước sắc thần, không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều. Ðây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang).

Rồi chùa Nam Nhã (nơi từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Ðể và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự), Hội Linh cổ tự, Long Quang cổ tự, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trụ sở An Nam Cộng sản Ðảng... Và cũng không thể bỏ qua thắng cảnh vườn lan, nhà cổ Bình Thủy (26/1A đường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), nơi được coi là điểm sáng văn hóa về nguồn của đất phương Nam. Hình như ở vùng đồng bằng sông nước này chưa có chủ nhân ngôi nhà nào lại có dịp tiếp xúc, tạo tình quyến luyến với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như chủ nhân nhà cổ Bình Thủy: nhà thơ Xuân Diệu, Xuân Thủy, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa lão thành Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Sơn Nam, nhà viết kịch Học Phi, v.v. Ðây cũng là ngôi nhà có duyên với "nghệ thuật thứ bảy" nhất bởi đã lọt vào khuôn hình của hàng chục bộ phim (Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Cây tre trăm đốt, Tây Ðô và ban mai, Xương rồng Cần Thơ...),v.v. Ðặc biệt bộ phim nổi tiếng "Người tình" của đạo diễn người Pháp Annand cũng được quay hơn một tuần ở đây.

Phong khí văn hóa Long Tuyền là sự hòa quyện của đất, nước và con người nơi đây; là sự nở hoa của quá khứ trong lòng hiện tại; là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Long Tuyền tuy tiếp xúc với nhiều nền văn hóa (Hoa, Khmer, Pháp, Nhật, Mỹ...) nhưng vẫn tạo ra, giữ gìn được bản sắc "văn minh miệt vườn sông nước" rất riêng, rất độc đáo và đó chính là nội lực, là cội nguồn sức mạnh giúp Long Tuyền đứng vững, phát triển trên vùng đất mới đầy biến động.(Nguồn: dulichvn.org.vn)





Hoang sơ Đầm Bấy – Nha Trang

người đăng admin | viết nhận xét

Đầm Bấy là một vịnh hoang sơ nằm khép mình ở phía Đông Nam đảo Hòn Tre (Nha Trang). Ở đây có bãi tắm đẹp và quanh năm hầu như không bị sóng gió. Để đến được điểm tham quan này chỉ mất 15 phút đi bằng tàu cao tốc và 45 phút đi bằng tàu gỗ du lịch.

 

Đầm Bấy được Công ty Cổ phần Đại Hòa - Thế Giới Biển đưa vào khai thác phục vụ du khách từ tháng 1/2004. Trung bình mỗi ngày, Đầm Bấy đón tiếp 200 khách, đặc biệt trong những ngày cao điểm lượng khách lên đến 500 người. Phần lớn khách đến Đầm Bấy đều được Công ty tổ chức đi theo tour khép kín, có chọn lọc và lượng khách luôn giới hạn để phục vụ tốt và chu đáo hơn với giá 195.000 đồng/người, khách được hưởng tất cả mọi dịch vụ có trên khu du lịch như ghế nằm, lều, phao bơi, tắm nước ngọt, xuồng chèo, các trò chơi… và một bữa ăn trưa với những món hải sản tươi sống thơm ngon mà không phải trả thêm một khoản tiền nào.

Đầm Bấy là một điểm du lịch mới mẻ và khá hoang sơ nên khi đến đây du khách sẽ có được cảm giác thanh bình. Du khách cũng sẽ thấy vô cùng thích thú với bãi cát trắng mịn và làn nước biển trong vắt nhìn thấu tận đáy. Tắm biển nơi đây rất an toàn vì Đầm Bấy nằm trong một vịnh khép kín, bốn bề là núi, nên rất ít sóng gió. Có thể nói, đây thật sự là nơi thích hợp cho những du khách thích du lịch theo kiểu: “Robinson trên hoang đảo”. Du khách sẽ có cơ hội tận dụng trọn ngày nghỉ của mình để lặn ngắm san hô, bơi thuyền kayak… Ngoài ra, nếu bạn là người thích nghe nhạc và khiêu vũ thì sẽ có một quầy bar sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bạn với những giai điệu sôi nổi, trẻ trung. (Nguồn: dulichvn.org.vn)





Đình Chu Quyến: Công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc xứ Đoài

người đăng admin | viết nhận xét


Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ thành Hoàng làng là Nhã Lang Vương, con của Hậu Lý Nam Đế Phật tử. Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được lưu giữ, đáng chú ý nhất là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong phần cho Nhã Lang Vương. Mặt khác đình Chu Quyến còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc sống đối với người dân trong làng cũng như các làng xung quanh, bởi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp bàn việc làng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội của cộng đồng làng xã cùng với các trò chơi dân gian đánh cờ, đấu vật thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng tham gia. Với những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, từ năm 1962 đình Chu Quyến đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là một trong những di tích lịch sử văn hóa quan trọng của quốc gia.

 

Tuy nhiên trải qua hơn 400 năm tồn tại, cùng với sự thăng trầm của lịch sử, sự tác động của thiên nhiên và của cả con người, đình Chu Quyến đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đứng trước thực trạng đó từ năm 2007, Bộ VHTTDL đã phê duyệt dự án: “Thực nghiệm tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến” do Viện Bảo tồn di tích đệ trình, triển khai, thực hiện, với tổng kinh phí dự án được phê duyệt 17 tỷ đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ thực hiện dự án, cán bộ, nhân viên của Viện đã lập hồ sơ, thiết kế một cách bài bản trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện kỹ lưỡng về di tích và ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học để thực hiện bảo tồn, trùng tu một di tích kiến trúc gỗ tiêu biểu để từ đó xây dựng các chuẩn mực về quy trình kỹ thuật, công nghệ trong tu bổ kiến trúc gỗ Việt Nam, dự án được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Đình được trùng tu trên cơ sở kỹ thuật công nghệ truyền thống cùng với việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành với phương châm bảo tồn tối đa những yếu tố gốc và những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, bảo đảm độ bền vững lâu dài của di tích”. Đángchú ý trong quá trình trùng tu, cán bộ của Viện đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, khảo sát di tích một cách toàn diện để hiểu biết di tích một cách đầy đủ nhất và các tác nhân gây hại cho di tích. Kết quả khảo sát cho thấy nổi bật nhất là 48 cột của ngôi đình đều bị tiêu tâm và hư hỏng ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên chỉ có hai cột được thay thế do không thể cứu vãn được, số còn lại đã được bảo tồn, tu bổ đảm bảo tính ổn định và vững chắc mà vẫn giữ nguyên được dấu ấn thời gian của nó, trong đó có một cột cái bị mục ruỗng đến 90%, trước đây được đổ bê tông trong lõi nay được gia cố lại bằng lõi gỗ, đảm bảo tính vững chắc lâu dài mà vẫn giữ nguyên trạng phần vỏ bên ngoài. Bên cạnh đó, hiện trạng mái có đến 51 loại ngói khác nhau, những viên ngói còn tốt và phù hợp được giữ lại, ngói thay thế được sản xuất bằng phương pháp truyền thống: đúng chất đất, nung bằng rơm tương đồng với ngói cũ. Ngoài ra kết quả khảo sát cũng phân lập, phát hiện được 17 loài nấm gây hại bề mặt các cấu kiện gỗ, tất cả đã được xử lý loại bỏ để bảo quản kết cấu gỗ. Bên cạnh đó trong quá trình trùng tu đã sử dụng vữa truyền thống: vôi và giấy cùng một số chất liệu mềm mại, diệt nấm mốc bằng công nghệ vi sinh để đảm bảo tính nguyên gốc.

Chính từ việc khảo sát cẩn trọng, quá trình trùng tu trên cơ sở sử dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc với phương châm giữ nguyên trạng những thành phần gốc của di tích, sau 3 năm triển khai, toàn bộ việc trùng tu đình Chu Quyến đã hoàn thành và vẫn giữ được nét đẹp của một ngôi đình cổ xưa. Qua thực tế cho thấy với kết quả trong việc trùng tu, tôn tạo đình Chu Quyến do Viện Bảo tồn di tích triển khai, thực hiện là những bài học, kinh nghiệm hết sức có giá trị trong việc xây dựng những chuẩn mực trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc của Việt Nam.(Nguồn: Báo Du lịch

)

 





Độc đáo kiến trúc nhà Vương (Hà Giang)

người đăng admin | viết nhận xét

Tìm về lịch sử của người Mông ở Hà Giang gần một trăm năm trước, có dòng họ Vương mà đứng đầu là Vương Chính Đức, tài trí hơn người đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng vương, người Mông vẫn thường gọi là vua Mèo. Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, vua Mèo đã cho xây dựng một khu tư dinh theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ bao gồm hàng trăm tòa ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác làm nổi bật lên nét vương giả giữa vùng cao nguyên.

Phải mất 8 năm và 150.000 đồng bạc trắng để có khu di tích quý giá này. Nhà Vương được vua Mèo Vương Chính Đức cho mời những người thợ giỏi nhất ở vùng Vân Nam (Trung Quốc) về xây dựng, nên mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Trung Hoa. Tuy nhiên, đối với Việt Nam và ở miền cao nguyên đá này thì đây là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo và đặc sắc.

Vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương… kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”.

Nhà Vương được kết cấu gồm 64 gian phòng khác nhau gồm nhà khách, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, phòng bếp đặc biệt có một kho riêng để chứa thuốc phiện…

Tường thành được xây cao xung quanh, có quân lính bảo vệ. Cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Phía sau nhà có một bể chứa nước lớn được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở Sà Phìn. Nội thất bên trong nhà Vương hiện còn lưu giữ được khá nhiều như đồ dùng sinh hoạt, tư trang cá nhân… Ngoài ra, Bảo tảng tỉnh Hà Giang còn trưng bày thêm các hiện vật tiêu biểu phản ánh đời sống văn hóa và lao động sản xuất của dân tộc Mông vùng cao nguyên đá. Khuôn viên khu dinh thự rộng rãi và thoáng đoãng, được họ Vương trồng các loại cây ăn quả như lê, đào, mận…

 


Ngày nay, khu tư dinh của vua Mèo xưa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia nên không có ai ở đó mà chủ yếu để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Các hậu duệ của họ Vương đều sinh sống quanh khu vực lân cận.(Nguồn: Báo Du lịch

)

 






Thăm thác Bạc giữa bản người Dao ở Bảo Yên (Lào Cai)

người đăng admin | viết nhận xét


 

Từ thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên), vượt qua căn cứ cách mạng Nghĩa Đô, men theo con đường rải cấp phối quanh co bên những sườn đồi, chúng tôi đến thác Tân Tiến vào một ngày cuối thu. Người địa phương thường gọi thác này là "thác Bạc".


Cảnh sắc ở đây thật tuyệt, những đám sương đêm quyện vào nhau đặc quánh bồng bềnh vắt ngang qua những thung lũng. Sương ào vào kính xe, khiến chiếc cần gạt nước cứ phải làm việc liên tục. Từ trên cao, chiếc xe từ từ trườn xuống dốc, ánh nắng mặt trời xiên vào cửa xe, phía trước chúng tôi hiện ra một cánh đồng lúa đang vào kỳ phơi hạt, trải dài một màu vàng suộm.

Thác Bạc bắt nguồn từ "cao nguyên trắng" Bắc Hà, chảy qua nhiều thung lũng rồi đổ vào địa phận xã Tân Tiến. Mùa mưa cũng như mùa khô, nguồn nước lúc nào cũng đầy ắp. Những dòng thác tầng tầng, lớp lớp nối đuôi nhau tung bọt trắng xóa.

 

Vào những ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nhất là vào dịp hè, rất nhiều du khách đến du ngoạn Tân Tiến, thăm thác Bạc, say sưa ngắm cảnh và câu cá suối bên dòng thác Bạc. Nhiều du khách còn thốt lên: Thác Bạc ở Tân Tiến chẳng thua kém gì thác Bạc ở Sa Pa. Chỉ tiếc rằng con đường vào Tân Tiến và đến với Thác Bạc còn gập ghềnh. Nếu được quan tâm đầu tư xây dựng tuyến giao thông êm thuận, chắc chắn thác Bạc ở Tân Tiến sẽ thu hút đông khách du lịch đến tham quan.(Nguồn: Báo Lào Cai)

 






10 chùa Khmer được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia

người đăng admin | viết nhận xét

Trong số này có 1 chùa là di tích lịch sử cách mạng, 4 chùa  di tích lịch sử  văn hóa, 2 chùa là di tích lịch sử - văn hóa và 2 chùa di tích kiến trúc nghệ thuật

Theo thống kê của Vụ địa phương 3 - Ủy ban dân tộc của Chính phủ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 12 chùa Khmer tại 5 tỉnh được công nhận di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và di tích kiến trúc văn hóa cấp quốc gia.

Hiện nay, các chùa cùng với chính quyền địa phương đang lập kế hoạch đề nghị Bộ VH – TT&DL phân bổ kinh phí tu bổ và trùng tu các chùa này để gìn giữ và phát huy đúng giá trị các di tích cấp quốc gia được công nhận.

Hòa thượng Thạch Oai, sư cả chùa Ông Mẹt tỉnh Trà Vinh cho biết,  đây là niềm phấn khởi nhất đối với đồng bào dân tộc Khmer nói chung và chùa Ông Mẹt nói riêng. Đây là công trình cấp quốc gia, Nhà chùa sẽ giữ gìn và bảo tồn kiến trúc nghệ thuật này không chỉ là riêng của chùa mà còn của các ngành đoàn thể./.(Nguồn: dulichvn.org.vn)





Thắng cảnh hồ Bàu Tró, Đồng Hới, Quảng Bình

người đăng admin | viết nhận xét

Khách du lịch đến thành phố Đồng Hới, Quảng Bình thường nghĩ đến một dải bờ biển thơ mộng, nơi có bãi tắm Nhật Lệ đẹp nổi tiếng. Không mấy ai biết rằng Đồng Hới có một hồ nước ngọt nằm ngay cạnh biển Nhật Lệ, chỉ cách có hơn 100 mét, đó là hồ Bàu Tró. Đây là một thắng cảnh, vừa là một vùng di tích với những di chỉ khảo cổ học của người Việt cổ để lại.

Đứng trên đồi cát thuộc phường Hải Thành nhìn xuống, thấy biển và hồ chỉ cách nhau vài gang tay. Những ngày biển nổi sóng lớn cứ tưởng như biển sẽ hoà nhập vào với hồ. Lạ thay, dù chỉ cách nhau gần như vậy nhưng nước hồ lại ngọt như là nước suối trên rừng. Người dân thành phố Đồng Hới trước đây thường ra hồ lấy nước về giặt quần áo cho trắng. Nước hồ chủ yếu rịn ra từ cát nên rất trong mát và sắc, có thể tẩy được áo quần. Đây là nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân thành phố vốn bị nhiễm mặn từ bao đời nay.

 

Bao xung quanh hồ là những dải rừng cây phi lao xanh tươi nổi lên ngăn ngắt trên một vùng cát trắng chang chang. Vài năm gần đây do môi trường sinh thái hồ được cải thiện nên có rất nhiều đàn chim bay về cư trú trong rừng cây. Du khách tới thăm hồ, vãn cảnh thật không có gì thú bằng mắc võng dưới rừng cây nằm nghe tiếng sóng biển rì rào lẫn trong tiếng chim ríu ran đưa ta vào giấc ngủ êm đềm.

 

 

Vào mùa hè, khi mực nước trong hồ cạn xuống khoảng một phần ba, trông hồ giống như một dấu bàn chân trái khổng lồ. Người dân địa phương vẫn đang kể lại nhiều câu chuyện huyền thoại về cái hồ này. Rằng là hồ sâu đến nỗi không có đáy. Trước đây từ xa xưa, có người đã ném một quả bưởi xuống hồ, sau đó thấy quả bưởi nổi lên ở hồ Sen thuộc huyện... Lệ Thuỷ. Có lẽ những câu chuyện huyền thoại này chỉ là để nói lên nguồn nước của hồ không bao giờ cạn, cho dù là trong mùa hè nắng nóng giai giẳng hàng tháng trời.(Nguồn: dulichvn.org.vn)






Bí ẩn thác Voi ở Cao nguyên Lâm Đồng

người đăng admin | viết nhận xét

 

Dòng thác trắng xóa và bầy voi phục hóa đá làm khách phải tìm đến. Chinh phục cung đường để tiếp cận đến chân thác, khách có cảm giác như đang đi trong rừng già, thám hiểm một vùng đất lạ. Thác Voi ở Lâm Đồng là một điểm du lịch như thế...

Thác Voi được dịch nghĩa từ tên gọi Liêng Rơwoa của người K’Ho bản địa. Đứng trên đỉnh thác nhìn xuống chân thác, khách nhìn thấy những tảng đá hình khối trông giống như những con voi đang quỳ. Cư dân bản địa cho rằng đó là bầy voi hóa đá trong câu chuyện “Hòn Vọng Phu” của cao nguyên Lâm Đồng.

 

 

Người K’Ho hiện vẫn truyền miệng nhau câu chuyện về sự tích của dòng thác này. Ngày xưa, già làng có một cô con gái nhan sắc. Khi nàng cất tiếng hát, gió phải ngừng thổi, chim phải ngừng hót, thú dữ phải dừng chân... để nghe tiếng hát của nàng. Người yêu của nàng là một chàng trai vạm vỡ. Hai người hẹn sẽ kết duyên khi chàng đánh giặc trở về. Nhưng chàng đã ra đi mà không trở về. Nàng buồn nên chạy ra phía núi, nơi hai người hẹn hò để cất tiếng hát cho đỡ nhớ chàng. Loài chim B’ling vốn là loài chim đẹp, hót rất hay từng chứng kiến những cuộc hẹn hò của sơn nữ nên đã bay đi khắp bốn phương trời dò la tin tức chàng để báo cho nàng hay. Nhưng nàng không chấp nhận nỗi thương tâm đó và quyết lên đường đi tìm chàng. Nàng vừa đi vừa hát để mong tiếng hát có thể bay xa, đến tai chàng... Nhưng nàng sơn nữ “vọng phu” đã không đến nơi được vì đã khóc thương và hát đến ngã gục bên sườn núi. Rồi một tiếng nổ lớn làm gãy đôi sườn núi tạo một dòng thác tuôn trào. Bầy voi quỳ nghe nàng hát cũng đã hóa đá từ lâu. Người đời đã xúc động trước mối tình này, đã đặt tên thác là Liêng Rơwoa hay còn gọi là thác Voi.

 

 

Thác Voi là điểm du lịch khá mới lạ đối với khách Việt Nam, nhưng từ lâu đó là điểm đến của khách Tây khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Trước đây, khách xuất phát từ Đà Lạt phải trở xuống đèo Prenn rồi theo hướng Liên Khương đi Ban Mê Thuột, đến thị trấn Nam Bang (huyện Lâm Hà, Đà Lạt) thì rẽ vào con đường nhỏ để đến thác Voi. Đoạn đường này dài khoảng 60km. Hiện nay, Đà Lạt đã làm xong đường Tà Nung, khách đi theo đường thác Cam Ly rẽ lên Tà Nung, đến Nam Bang với khoảng cách được rút ngắn hơn một nửa. Điều lý thú khi đến thác Voi là khách không phải chinh phục đỉnh thác mà là chinh phục... chân thác! Vừa dừng xe, tiếng nước đổ từ độ cao 30m vang vọng, làm kích thích đôi chân du khách như muốn chạy ngay đến với dòng thác này. Tuy nhiên, đường đi không dễ dàng dù đã được xây dựng hệ thống bậc thang, cầu bắc qua những khe đá. Trước đây, qua đoạn này, khách phải đu dây rừng, phóng, nhảy từ tảng đá này qua tảng đá kia... Dù đã được đầu tư xây dựng nhưng đường xuống thác hiện vẫn chút “nguy hiểm” vốn có. Khách vừa đi vừa leo trèo. Có khi phải leo đến chót vót của một khối đá lớn rồi đổ xuống phía sâu thẳm bên kia tảng đá. Tay bám vào những thứ gì vớ được trên đường để làm điểm tựa. Vì thế, cung đường này không dành cho người lớn tuổi và người nhát gan. Càng sâu vào trong, không khí càng mát mẻ. Nguy hiểm, cực nhọc nhưng nghe tiếng thác reo - tiếng nàng sơn nữ “vọng phu” hát, khách quên hết tất cả. Hơi nước đọng lại trên những tán cây lớn tạo “mưa rừng” suốt cả quanh năm. Cung đường giữ nguyên vẻ nguyên sinh, khách có cảm giác như đang thám hiểm một vùng đất lạ. Càng đi, càng thấy bí ẩn bởi không gian tịch mịch, bốn bề là rừng và đá núi, vang vọng từ xa là tiếng nước đổ...

 

 

Khi đứng trước ngọn thác cao khoảng 30m, rộng khoảng 15m, khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp trinh nguyên của nó. Dòng thác quá hùng vĩ. Chân thác là lô nhô những khối đá tạo những hang động. Có hang sâu đến 50m, nhiều hang là nơi trú ngụ của những đàn dơi lớn. Nước tuôn thành dòng chảy xiết qua các ngóc ngách, tạo thành dòng sông dài như đến vô tận, như tiếng hát cao vút và ngân vang của nàng sơn nữ ngày xưa...(Nguồn: Báo Hậu Giang)

 






News for 30/11/2010


View all news for 30/11/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam