International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

09/11/2010 | RSS Feed

Địch Lộng - Danh thắng bậc nhất của Ninh Bình

người đăng admin | viết nhận xét

Địch Lộng (nghĩa thường là tiếng sáo thổi), nơi đây đã được vua Minh Mệnh ban tặng 5 chữ “Nam thiên đệ tam động”, tức động đẹp thứ ba ở trời Nam, sau Hương Tích và Bích Động.

Chỉ 2 tiếng từ Hà Nội theo quốc lộ 1A, chúng ta sẽ đặt chân đến quần thể chùa - động Địch Lộng của xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Không ồn ào, náo nhiệt như Hà Nội, nhịp sống nơi đây thanh bình và yên ả với dòng sông, cánh đồng và những ngôi nhà ngói san sát thấp thoáng dưới hàng tre.

Ấn tượng nhất là quần thể chùa - động Địch Lộng tọa lạc dưới một chân núi cao, phía trước là con sông Đáy chảy hiền hòa. Nhìn từ xa, lữ khách đã có thể cảm nhận về sự nguyên sơ, kỳ bí nơi này.

 

Dạo quanh một vòng kiến trúc chùa Địch Lộng, cứ ngỡ như đang lạc vào chốn thiền tịnh, an lành cửa Phật. Đầu tiên là khu vườn tháp cổ ngập tràn sắc xanh của cây cối, thoang thoảng mùi hương hoa, kế đó là chùa Hạ liền với dãy nhà tiền đường uy nghi, tựa sát vào chân núi như con rồng canh giữ toàn bộ di tích.

Bước chân lên những bậc đá lấm tấm phủ rêu, nhìn xuống là những mái ngói mũi hài xếp cong cong uốn lượn như sóng gợn… Ấn tượng hơn cả là ngôi đình 5 gian sừng sững được gọi là đình Đá với tất cả cột, xà đều bằng đá.
 

Đình có 16 cột bằng đá xanh nguyên khối, tròn, to và cao hơn 4m chạm nổi hình rồng uốn lượn trong mây. Tất cả 16 cột đá này đều được đặt trên những tảng đá cao 0,6m. Những tảng đá xanh nguyên khối chạm khắc tinh xảo cho thấy sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc đá cố đô Hoa Lư xưa.

Từ chùa Hạ qua phủ Đức Ông, đi thêm 105 bậc đá thì đến cửa động. Cửa động có đề 6 chữ: Nham Sơn động, Cổ Am tự, là tên gọi xưa của Địch Lộng. Hai bên cửa động là hai tượng hộ pháp, bên trong là các ban thờ Phật bằng đá xanh. Phần vòm mái hang đá còn treo quả chuông nặng gần một tấn đúc từ thời Nguyễn.
Theo sự chỉ dẫn của người quản lý di tích, chúng ta sẽ men theo hang sáng và hang tối trong động. Bước vào hang sáng, nhiều du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những hình tượng Phật, voi quỳ, ngựa phục… do nhũ đá tạo thành. Đặc biệt, ở đây còn có “cổng trời” dài khoảng 50m, gió luôn thốc nhẹ vào hang nghe vi vu như tiếng sáo thổi.

Hang tối dài và rộng hơn hang sáng, được chia thành 3 ngăn. Nhũ đá ở đây muôn hình muôn vẻ như hình voi uống nước chum, hùm uống nước vại, khỉ cõng con, bà lão bán thuốc, cây tiền, cây vàng, cây bạc… và đặc biệt chúng luôn thay đổi màu sắc theo ánh sáng gợi cảm giác huyền ảo, nửa hư nửa thực. Khi thử gõ vào vách hang, ghé sát tai sẽ nghe thấy những âm thanh như tiếng chuông, tiếng đàn lảnh lót... 
 

 

 

Trong hang tối còn có những bài thơ của các vua chúa, quan lại và các bậc tiền nhân từng du ngoạn qua đây như Lê Quý Đôn với bài thơ Vô đề, Bùi Văn Quế với Danh sơn đề bạt, Phạm Văn Nghị với bài ký Núi Địch Lộng…

Trong cảnh tranh sáng tranh tối hòa không khí man mác của hang động, chúng ta thử ngắm nghiền mắt lại, lắng nghe tiếng vi vu của gió, tiếng chin chít của đàn dơi trong động thấy như bao mệt nhọc đều tan biến, tâm hồn trở nên thanh tịnh.(Nguồn: website Thị trường VN)






Cổ kính đình La Xuyên – Nam Định

người đăng admin | viết nhận xét


 

Từ Nam Định đi theo đường 10 khoảng 15 km đến ga Cát Đằng rẽ trái khoảng 300m là đến đình La Xuyên thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên. Cùng với Ninh Xá và một số thôn khác thuộc xã yên Ninh, vùng đất La Xuyên do Tướng quân Ninh Hữu Hưng lập ra vào thế kỷ X- XI.

 

Toàn bộ khu di tích này nằm quay về hướng tây quanh là cánh đồng lúa.Các công trình phụ trợ ở đây như hồ nước, hệ thống nghi môn, vườn cây đều được bố trí hài hòa, phù hợp cảnh quan. Bao quanh khu di tích là hệ thống tường gạch, tạo nên một không gian hoàn chỉnh, khép kín.

 

Đình La Xuyên được xây dựng theo hình chữ Đinh. Tòa tiền đường gồm 3 gian, cao 8m, được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Hệ thống vì tại tiền đường được thiết kế theo phong cách chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ các bộ vì là 4 hàng cột lim to khỏe, có đường kính 50 cm. Tại đây các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại. Tất cả kết hợp cùng những nét cổ kính, uy nghiêm.

Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm. Cũng giống như tiền đường, hai tòa này cũng được hoàn toàn bằng gỗ lim. Tại đây chính là nơi thể hiện rõ nét tay nghề tài hoa của các nghệ nhân La Xuyên. Các hình tượng con rồng, tứ quý, tứ linh… trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét.

Nằm về phía bắc của đình La Xuyên là ngôi phủ thờ mẫu Liễu Hạnh được thiết kế theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh. Hệ thống vì gỗ lim tại công trình này cũng được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc các đề tài tứ quý, tứ linh, lá lật… với nhiều kiểu dáng, đường nét khác nhau thể hiện tính sáng tạo, trình độ điêu luyện của một làng nghề truyền thống.

Đình phủ La Xuyên không chỉ là nơi lưu giữ, thể hiện nét tài hoa của những nghệ nhân nơi đây mà còn lưu giữ, phát huy những nét truyền thống văn hóa làng nghề được thể hiện qua mỗi kỳ lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 10 đến 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội không chỉ là dịp vui xuân, thưởng thức các trò chơi dân gian mà còn là cơ hội để những người con xa quê hương hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục quê hương, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, trong lễ hội dân gian làng thường tổ chức các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ làm từ chính những người thợ trong làng. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống, đúng như câu ca mà nhân dân lưu truyền:

 

Giai nhân con cháu Cái Nành

 

Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân

(Nguồn: website du lịch Nam Định)





Lăng Vân Cẩm: Di tích kiến trúc nghệ thuật đá độc đáo ở Bắc Giang

người đăng admin | viết nhận xét

 

Toạ lạc ngoài cánh đồng làng Vân Cẩm - xã Đông Lỗ (Hiệp Hoà) có một công trình kiến trúc lăng đá được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu đá ong cổ kính. Nhìn từ xa giống như một viên ngọc nổi trên một bàn thạch ở giữa cánh đồng. Đó là lăng Vân Cẩm, nơi thờ phụng ông Nguyễn Hạnh Thông, một vị quan lớn từng giữ chức Thượng tướng quân, Thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng Thái giám dưới triều vua Lê chúa Trịnh.

Theo tư liệu ghi chép của dòng họ Nguyễn ở Vân Cẩm và các tư liệu Hán Nôm trên văn bia ở khu lăng, Nguyễn Hạnh Thông người làng Vân Cẩm (Hiệp Hoà). Ông sinh vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, làm quan dưới triều vua Lê - chúa Trịnh (những năm 1720 đến 1771), thọ gần 70 tuổi, khi mất được mai táng tại lăng Vân Cẩm. Hiện dòng họ Nguyễn làng Vân Cẩm vẫn cúng giỗ ông vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm. Nguyễn Hạnh Thông vốn là người có tiếng thơm ở trong triều đình, công danh vinh hiển. Ông luôn lấy sự nhân nhượng để tiếp đãi với người, lấy ơn huệ để ban cho đời, trừ diệt điều ác, thương xót những người cô quả, làm nhiều điều thiện nên mọi người ai cũng kính nể tôn ông làm hậu Thần. Sinh thời, ông đã lấy tiền ruộng của mình ban cho dân làm ruộng hậu, ruộng thờ cúng nên ông được dân thờ phụng mãi mãi. Khi làm quan tới tuổi già, ông xin về hưu trí ở thôn Vân Cẩm, ông cho thợ đẽo đá, làm lăng bên bờ sông Nhị, quay hướng đông bắc - lăng lấy tên là "Nguyễn Tộc Từ". Tấm bia đá tròn ở lăng Vân Cẩm ghi rõ năm 1771 xây dựng Từ vũ (lăng đá).

Toàn bộ khu lăng Vân Cẩm được xây dựng trên một khu đất hình chữ nhật dài 31m, rộng 28,7m, cao 0,5m so với mặt ruộng. Bao quanh khu vực lăng có bốn bên quây đá ong nâu trầm cổ kính. Tường đá ong cao 2,25m, những khối đá ong hình chữ nhật xếp chồng lên nhau được gắn kết bằng loại vữa truyền thống trong vật liệu gắn kết xây dựng các công trình kiến trúc cổ. Tường vây đá ong dầy khoảng 30-35 cm. Theo thứ tự từ ngoài vào trong, tổ hợp kiến trúc công trình gồm cổng lăng, xây hình mái vòm gồm một cổng chính đóng cánh cửa gỗ. Cổng lăng cao 4,5m, phần mái vòm cao 1,8m, rộng 1,3m chiều sâu 2,7m. Tường bờ mái phía trước phần trên mái vòm tạo hình chữ nhật xây đá ong trong đặt đại tự chữ Hán chạm trên đá xanh: "Nguyễn Công Từ" - đền Nguyễn Công (ông Nguyễn Hạnh Thông khi mất có tên thuỵ là Nguyễn Công Thực). Mặt mái phía sau cũng đặt biển đá xanh chạm chữ Hán: "Đô Đốc Phủ". Qua cổng lăng là đến phần sân và từ đường. Xưa từ đường có ba gian gỗ lim kiến trúc gỗ chạm khắc theo lối cổ truyền thống của thời hậu Lê, rất tiếc toà từ đường đã bị tháo dỡ làm công trình phúc lợi xã hội năm 1962. Hiện chỉ còn phần tường hồi, nền móng toà từ đường xây bằng đá ong chắc chắn, ở giữa từ đường còn một án thư đá, mỗi bên tường hồi có hai tượng quan võ, đứng hầu, tay cầm kiếm, đầu đội mũ tròn có vành nhỏ chóp nhọn… Hồi bên trái có một tấm bia đá hình tròn dựng năm 1771. Bia có nội dung ghi về số ruộng, tiền, ngày cúng giỗ, sự lệ của địa phương và năm xây dựng Từ vũ (lăng). Đây là tấm bia hình tròn, đẹp, độc đáo ít thấy ở tỉnh, thân bia hình tròn, chân bia và chán bia được chạm những gờ chỉ chạy bo quanh rất sắc sảo. Phía sau Từ đường là phần lăng mộ của ông Nguyễn Hạnh Thông, xây thành hình chữ nhật tạo mái vòm cao 3,2m, tường đá ong.

Có thể nói lăng Vân Cẩm là công trình kiến trúc lăng đá độc đáo, đẹp về quy mô kiến trúc tổng thể theo lối kiến trúc cổ truyền thống. Các hiện vật từ hương án, bia đá, con giống đến tượng người trong lăng được bố trí một cách cân đối, hài hoà dọc theo trục đối xứng từ ngoài vào trong. Cổng lăng và tường vây bốn mặt hoàn toàn bằng đá ong, tôn lên vẻ đẹp cổ kính và độc đáo cho di tích. Đứng từ làng Vân Cẩm, nhìn ra cánh đồng, lăng Vân Cẩm giống như một bảo tàng đá ngoài trời.

Lăng Vân Cẩm cùng với nhiều di tích lăng đá khác ở Hiệp Hoà như lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương, lăng họ Trần, lăng Nội Dinh… đã làm nên vẻ đẹp độc đáo, khẳng định bản sắc văn hoá truyền thống ở miền quê thuộc xứ Bắc Hà vốn nhiều lăng tẩm.(Nguồn: website Bắc Giang)





Tham quan ngôi chùa cổ Hồ Sơn ở Tuy Hòa (Phú Yên)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Phú Yên có rất nhiều chùa chiền, trong đó có một ngôi chùa cổ nằm trong lòng TP Tuy Hòa được đông đảo khách thập phương biết đến, đó là Hồ Sơn cổ tự.

 

 

chua-Ho-Son101031.jpg

Chùa Hồ Sơn

Hồ Sơn cổ tự tọa lạc trên một khu đất cao giữa lòng TP Tuy Hòa được bao quanh bởi làng mạc, ruộng vườn, rợp bóng cây xanh. Nói là giữa lòng thành phố, nhưng Hồ Sơn cổ tự khá tách biệt với cái ồn ào của đô thị. Chùa có một vườn chim rộng hơn 1 mẫu đất với nhiều loài chim như bồ câu Pan, gà tây, gà ri, gà sao, trĩ đỏ công... và xung quanh là một vườn cây ăn trái, cây xanh rợp bóng quanh năm.

Theo sử sách, chùa Hồ Sơn được tạo lập cách đây khoảng hơn 300 năm. Năm 1975, chùa được trùng tu theo kiến trúc cổ lầu. Quy mô chùa bề thế trên vùng đất có phong cảnh hữu tình, có Quan âm các, hồ sen soi bóng… khung cảnh vừa an lạc, thâm nghiêm và tĩnh mịch. Hồ Sơn cổ tự được xếp vào hàng danh lam ở Phú Yên và cả nước. Điều đặc biệt, khách thập phương khi đến vãng chùa Hồ Sơn, ngoài ngưỡng vọng đức phật, tĩnh tâm, chiêm nghiệm cuộc sống, còn được ngắm vườn chim quý và những loài chuối lạ.

Hòa thượng Thích Nguyên Đức, trụ trì chùa Hồ Sơn cho biết, nhờ môi trường gần gũi với thiên nhiên đã dần dần kéo nhiều loại chim về cư trú và trở thành vườn chim từ sau năm 1975. Từ đó, nhà chùa xây dựng vườn chim, trong đó có những loài trong sách đỏ Việt Nam như trĩ, sao, chim công quý phái. Những loài động vật này được nhà chùa nuôi dưỡng, nhân giống thành công làm cho vườn chim thêm phong phú.

Ngoài ra, ở vườn nhà chùa còn có nhiều loại cây trái lạ như chuối nà quạ (tá quạ), chuối tím (cơm lửa), chuối sáp, chuối búp sen…(Nguồn: Báo Phú Yên)





Thiên Ấn Niêm Hà –“Đệ nhất phong cảnh” của Quảng Ngãi

người đăng admin | viết nhận xét


Núi cao 101m so với mặt biển, trên đỉnh bằng phẳng ước rộng gần 5 mẫu tây, bốn mặt gần như vuông phẳng, giống như một quả ấn kiềm úp sấp nên mới có tên gọi như thế. Núi Thiên Ấn cùng với dòng sông trở thành biểu tượng cho sự vĩnh hằng của vùng đất này, như hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê: “Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc/ Một dải sông Trà chảy sậm xanh”.

Núi Thiên Ấn xưa có thể chất thiên nhiên đá son có thể dùng mài thành mực chấm sách vở chữ Hán. Chân núi về phía Nam có gò nhỏ gọi là hòn Triệu, phía Bắc có núi La Vọng, phía Tây giáp núi Long Đầu và phía Đông giáp núi Tam Thai. Niên hiệu Minh Mạng 11 (1830) có chạm hình núi vào Di đỉnh. Niên hiệu Tự Đức 3 (1850) được chọn vào hạng danh sơn và ghi vào điển tịch. Đường lên Thiên Ấn tự được mở rộng vào năm 1930, xoay hình như khu ốc. Quanh sườn đồi lên tận đỉnh có những hàng dương liễu vi vu, có tàng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm che tháp các vị Tổ… Đối diện với cánh cửa tam quan Thiên Ấn tự không xa khoảng hơn 20m về hướng Tây Nam là mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Đứng trên đỉnh Thiên Ấn, du khách có thể nhìn bao quát được những cảnh đẹp của Quảng Ngãi từ Cổ Lũy Cô Thôn, Long Đầu Hí Thủy, mũi Ba Làng An… cho đến Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn), Thiên Bút Phê Vân… Ngắm nhìn cảnh đẹp Thiên Ấn, du khách nghe lòng lâng lâng và tai bỗng nghe tiếng chuông vang từ trên đỉnh cao xuống, âm thanh ngân dài theo dòng Trà Giang, xuôi mấy vạn thủy trình.

Trước tổ đình Thiên Ấn hiện nay có dựng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng Kao Lanh trắng do Phật tử Quảng Ngãi từ miền Nam cúng dường. Lòng mộ đạo, du khách sẽ đến viếng ngôi Tổ Đình được trùng tu năm 1961 trên khuôn viên nền Tổ Đình xưa “Thiên Ấn tự” sắc tứ đời vua Lê Dụ Tông. Ngoài giếng Phật sâu 21m, nước trong vắt và ngọt lịm thì trước chùa có gác treo đỉnh chuông Thần đúc ở làng Chú Tượng (Mộ Đức) từ năm 1845. Chuyện rằng khi xây dựng chùa, có đêm nằm ngủ, sư trụ trì được báo mộng phải vào làng đúc đồng Chú Tượng rước chuông về. Khi ấy dân làng Chú Tượng cũng góp tiền cho các nghệ nhân đúc một chiếc chuông lớn nhưng đúc xong, đánh mãi không kêu. Thấy có các vị sư chùa Thiên Ấn vào kể điềm báo mộng, họ liền cho vời chuông về. Chuông về núi Thiên Ấn, treo vào gác chuông, đánh lên một tiếng là ngân vàng khắp vùng. Bởi thế người đời gọi đấy là chuông Thần. Chuông cao gần 2m, đường kính miệng chuông 0,7m, xung quanh có trang trí hoa văn rất đẹp và duyên dáng. Hàng năm, tổ đình Thiên Ấn có cử hành 2 ngày lễ lớn là Lễ Phật Đản (15/4 ÂL) và Lễ Vu Lan (14/7 ÂL).

Thiên Ấn Niêm Hà không chỉ nổi tiếng là “Đệ nhất phong cảnh”, là núi thiêng của Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là BVHTTDL) xếp hạng thắng tích vào đầu năm 1990 mà còn là nơi hội ngộ, đàm đạo, xướng họa thơ ca của nhiều thế hệ thi sĩ nổi tiếng: Cao Bá Quát, Nguyễn Thông, Lê Kỉnh, Bích Khê, Nguyễn Viết Lãm… Những thiền sư Hoa, Việt nổi tiếng như: Pháp Hóa, Bảo Ăn, Giác Tính, Khánh Vân, Hoằng Phúc, Diệu Quang… Đặc biệt là hai nhà khoa bảng: Nguyễn Cư Trinh (Hương cống khoa Canh Thìn (1740)) và Phạm Trinh (Thủ khoa Mậu Ngọ (1918)) cũng đã có thơ vịnh Thiên Ấn Niêm Hà... “Phong cảnh ta đây thật rất xinh/ Niêm Hà có ấn của trời xanh/ Xem kia dấu tích còn vuông vức/ Nhận lại con sông rõ dạng hình/ Cách thức còn in đồ cổ tự/ Cỏ cây nào phụ tiếng chung linh/ Châu Sa để dưới chân chờ mãi/ Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành” (Nguyễn Cư Trinh).(Nguồn: Báo du lịch)




Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Minh Cầm (Tuyên Quang)

người đăng admin | viết nhận xét

Đình làng Minh Cầm thuộc thôn Hòa Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn). Minh Cầm là tên gọi của trang Minh Cầm xưa, thuộc phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Theo truyền thuyết, hai vị tướng là Cao Sơn và Quý Minh (thời Hùng Vương thứ 18), sau khi dẹp loạn đã về mở yến tiệc khao quân tại đây. Để tưởng nhớ công ơn của hai vị tướng tài, nhà vua cho phép nhân dân ở trang Minh Cầm lập đền thờ hai ông, đó là Đền Thượng. Hiện nay không còn dấu tích của Đền Thượng, hai vị tướng được nhân dân thờ tại đình Minh Cầm.

Đình Minh Cầm có phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thể kỷ XX. Đình được dựng trên khu đất bằng phẳng, phía Đông giáp núi Đền thuộc thôn Chiến Thắng, phía Tây giáp thôn Dân Chủ, phía Nam giáp thôn Cầu Chéo, phía Bắc giáp thôn Tân Thành. Trải qua thời gian, ngôi đình cổ không còn nữa, đình Minh Cầm hiện nay được nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 1935, trên địa điểm ngôi đình cũ. Đình có hướng nhìn về phía Tây. Theo quan niệm của người xưa thì đó là hướng của thần linh. Ngôi đình có 3 gian, 2 chái, lợp lá cọ, dài 15 mét, rộng 8 mét. Trên gác là gian thờ, để bài vị của hai vị tướng, gian trong cùng là nơi để các đồ vật cúng, gian thứ 2 và gian thứ 3 là nơi để dân làng thực hiện các nghi lễ. Phía bên trái cạnh đình có cây đa cổ thụ, dưới gốc đa thờ thần Thổ địa. Phía Đông Nam ngôi đình có Miếu Ông (thờ ông Quan Lãnh là người Cao Lan cai quản trang Minh Cầm). Xung quanh phía xa ngôi đình còn có 3 chiếc giếng, là Giếng Thánh, Giếng Đình và Giếng Làng. Đình Minh Cầm hiện nay còn lưu lại 6 đạo sắc phong các triều vua ban
.

 
 
Lễ hội đình Minh Cầm tổ chức từ mùng 4 đến 10 tháng Giêng, thu hút hàng nghìn khách thập phương.

Đình Minh Cầm chiếm vị trí quan trọng trong tín ngưỡng của người dân, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Hàng năm, Lễ Hội khai xuân được tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng. Đây là lễ tưởng nhớ ngày sinh của các vị thần. Trong ngày này, dân làng tổ chức lễ rước kiệu và các trò chơi dân gian như chọi trâu, tung còn, đánh đu, đi cà kheo, hát sình ca… Có năm, hội kéo dài từ mùng 4 đến hết mùng 10 tháng Giêng. Lễ Hạ điền được tổ chức vào tháng 4 âm lịch, các trò chơi thể hiện những công việc lao động như cày, bừa, cấy lúa…, với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Lễ Thượng điền tổ chức vào ngày 12 tháng 7 âm lịch, thời điểm mùa vụ vừa cấy xong, cầu cho nắng hạn qua đi, lúa được xanh tốt, mùa màng bội thu. Lễ Mừng cơm mới được tổ chức vào ngày 12 tháng 10 âm lịch. Cơm được nấu từ vụ lúa mới dâng lên Thành hoàng làng, báo cáo đã thu hoạch xong một mùa vụ mới. Lễ thòng mạ tổ chức vào ngày 25 tháng 12, nghi lễ chấm dứt công việc đồng áng trong năm.

Đình Minh Cầm đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Các lễ hội diễn ra tại đình Minh Cầm có tính cộng đồng cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của nhân dân địa phương, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của con người trong mối quan hệ ứng xử với lịch sử, thiên nhiên.(
Nguồn: Báo Tuyên Quang)





Ngôi nhà có cổng lạ mắt ở Hà Tiên (Kiên Giang)

người đăng admin | viết nhận xét


“Núi Mộng”, “gương Hồ” là cách gọi ví von cho đôi tài tử giai nhân Mộng Tuyết - Đông Hồ một thời làm rạng rỡ nền văn học đất Phương Thành xưa, nay là thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Những ai yêu thơ văn, đến Hà Tiên cũng phải ghé lại “ngôi nhà thơ” bên dòng Đông Hồ thơ mộng...


Đi dọc theo bờ sông Đông Hồ, du khách sẽ thấy một ngôi nhà có chiếc cổng lạ mắt. Cánh cửa luôn khép hờ. Bên trong là khu vườn nhỏ trồng các loài hoa. Có cây liễu rủ mơ màng, che khuất tầm từ cổng vào nhà. Nhiều người gọi đó là “ngôi nhà thơ” - hiện là nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ-Huỳnh Tấn Phác, ở số 46 đường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên. Ngôi nhà được xây dựng trên nền của Trường Trí Đức học xá ngày xưa.

Trí Đức học xá là ngôi trường do ông Huỳnh Tấn Phác (Đông Hồ) xây dựng vào những năm 1926-1934 để dạy chữ và truyền đạt lòng yêu nước cho trẻ em ở địa phương. Ông còn là một thi sĩ, nhà văn có tiếng ở Nam Kỳ trên văn đàn thời bấy giờ, với nhiều bút hiệu: Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu tiên sinh... và là tác giả nhiều bài báo trên nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn thời đó, như: Nam Phong, Phụ Nữ tân thời, Việt dân, Tri Ân, Văn hóa nguyệt san... Đông Hồ được xem là một trong những người khởi xướng viết thư pháp bằng tiếng Việt hiện nay phổ biến trong giới trẻ và những người yêu tiếng Việt. Đời sau ghi nhận ông không chỉ là một nhà thơ, nhà văn trên văn đàn một thời mà còn ghi nhận tấm gương một người thầy tận tụy. Ông đã chết khi đang đứng trên bục giảng vào năm 1969. Và ngôi nhà lưu niệm này là do vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết dựng nên trên nền ngôi trường đó để tưởng nhớ đến ông. Bà mất năm 2007 và ngôi nhà được người thân trông coi, phục vụ khách làng thơ, những người yêu mến đôi tài tử giai nhân được mệnh danh là núi Mộng-gương Hồ.

Du khách đến “ngôi nhà thơ” được thỏa lòng tìm hiểu về cuộc đời, thân thế của đôi trai tài-gái sắc đất Phương Thành xưa. Du khách có thể ngồi trò chuyện, đọc sách suốt cả ngày, thậm chí vài ngày tại ngôi nhà này. Cô Hoa, cháu của nữ sĩ Mộng Tuyết, người trông giữ ngôi nhà này - vốn là một giáo viên dạy Văn đã về hưu- có thể tiếp chuyện với du khách bất cứ lúc nào. Cô nói: “Bà mất đi, ngôi nhà trống vắng lắm. Những lúc có khách viếng thăm, ngôi nhà như cũng đang có sự hiện diện của ông bà...”. Có những đoàn vài chục người từ nhiều nơi đến thăm chỉ để nhìn lại gian phòng nơi nữ sĩ Mộng Tuyết thường ngồi bên cạnh bàn thờ của thi sĩ Đông Hồ. Đó là một gian phòng nhỏ, trưng bày các bút tích, di ảnh, tác phẩm của đôi thi sĩ. Thơ văn của ông bà gắn với vùng đất quê hương của tao đàn Chiêu Anh Các nên rất hấp dẫn du khách yêu thích thơ. Lúc sinh thời, Mộng Tuyết-Thất Tiểu Muội thường tiếp khách yêu văn thơ tại đây. Nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Vũ Hạnh, Hoàng Trung Thông... thỉnh thoảng lại đến thăm “bà già thơ” rồi trò chuyện, tranh luận... Nhà lưu niệm hiện còn lưu giữ nhiều quyển sách quý, có những quyển xuất bản ở Pháp... phục vụ cho khách đến đọc, nghiên cứu tại chỗ.

Trước nhà là dòng sông Đông Hồ thơ mộng chảy từ biển đổ vào đầm Đông Hồ - ngày trước đã từng đi vào thơ trong “Hà Tiên Thập Cảnh vịnh” với bài “Đông Hồ ấn nguyệt”. Đêm trăng, Đông Hồ càng thêm thơ mộng, lãng mạn. Có những lúc, mặt hồ phẳng lặng, bóng trăng in xuống dòng nước trong vắt, gợi bao cảm hứng cho khách yêu thơ suốt hàng thế kỷ. Đến bây giờ, dòng sông ấy, mặt hồ ấy vẫn là niềm cảm hứng dồi dào cho thi nhân mặc khách. Bên kia sông là ngọn Tô Châu không cao lắm nhưng là điểm nhấn của phong cảnh đất Hà Tiên. Buổi chiều tà, Tô Châu in bóng Đông Hồ với những chuyến đò muộn gợi cảm giác như bức tranh thủy mặc. Đất Hà Tiên vẫn còn lưu câu chuyện truyền miệng về những nàng tiên từ trời cao xuống tắm trên dòng nước này.

Hà Tiên hiện nay là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ. Chỉ riêng Hà Tiên thập cảnh, ngành du lịch đã khai thác thành sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách. Thạch Động, Đá Dựng, Mũi Nai... là những điểm đến lý thú không chỉ về cảnh quan mà còn có giá trị văn hóa phong phú. Các điểm tham quan tại Hà Tiên chỉ gói gọn trong bán kính 3-5 km là một không gian không lớn nhưng đủ níu chân khách trở lại lần sau. (Nguồn: website báo Cần Thơ)





Hùng vĩ đèo Ô Quy Hồ - Tây Bắc

người đăng admin | viết nhận xét

 

Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, tuy nhiên du khách đến Tây Bắc Việt Nam thường biết đến đèo dưới tên Ô Quy Hồ. Tương truyền ở vùng núi này, trước đây thường hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000m này.

Đèo Ô Quy Hồ có cung đường đèo dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2 phần ba quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu, 1 phần 3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là "vua đèo vùng Tây Bắc".

Khách bộ hành trên đường từ Sa Pa đi thăm Thác Bạc với cung đường khoảng 12km, vượt qua cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn với điểm kiểm lâm Trạm Tôn, một trong những xuất phát điểm của tuyến chinh phục đỉnh Fanxipan ở độ cao 1940m, khoảng vài km là đã lên đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ ở độ cao gần 2000m. Đỉnh đèo Ô Quy Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời.

Con đèo Ô Quy Hồ trước kia khi chưa được làm đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại mang trong nó nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình, trong đó có chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại. Tuy nhiên hiện nay tuyến đường được nâng cấp nhiều, trở thành một cung đường xe cộ đi lại nườm nượp. Để đi từ Hà Nội đến Lai Châu, nhiều người chọn cách đáp tàu hỏa lên Lào Cai rồi đi xe khách vượt đèo Ô Quy Hồ. Một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại thường là vách đá dựng đứng, đèo Ô Quy Hồ là một thử thách đối với các tài xế đường dài.

Độ cao của dãy núi Hoàng Liên Sơn cũng khiến cho khí hậu hai nửa của đèo được phân định tại Cổng Trời trở nên khác biệt. Mùa đông, trong khi bên phía Tam Đường trời vẫn ấm áp thì bên Sa Pa có những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt, cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2m và núi rừng chìm ngập trong mây.

Vào mùa hè, nếu bên đèo Sa Pa khí hậu mát mẻ trong lành thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh sẽ thiêu đốt mặt đất, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh mắt trời.(Nguồn: website nội thất)





Thác Bopla: Thắng cảnh đẹp của Lâm Đồng

người đăng admin | viết nhận xét

 

Thác Bopla nằm cách thành phố Đà Lạt hơn 8km và cách thị xã Bảo Lộc 25km, người dân bản xứ hay gọi là Thác Ngà Voi. Nằm cách đường quốc lộ 20 chỉ khoảng 300m đường vòng, nên ngay từ xa đã có thể nghe tiếng thác vọng cả núi rừng, thác Bopla đọc theo tiếng K’ho là Pố Pla -nghĩa là đầu ngà voi.

Theo lời kể của đồng bào dân tộc bản xứ thì vào thời xa xưa, khi người Chàm cai trị Di Linh ngày nay, họ bắt người dân bản xứ phải đóng thuế bằng những sản vật của núi rừng như da thú, sừng tê giác, hươu nai và đặc biệt là ngà voi. Với ngà voi thì phải chọn cái to và người tù trưởng của bộ tộc nơi con thác đã tìm được một cặp ngà voi cao quá đầu người, ngựa phi qua cũng không được. Từ đó, vua Chàm thích quá nên đặt cho nơi này là Pố Pla và dòng thác cũng mang tên là Pố Pla.

 

 

Khi chỉ còn cách thác vài chục mét, bạn sẽ nghe thấy tiếng thác đổ và càng tiến lại gần thác bạn càng cảm nhận được vẻ hoang sơ của nó. Ấn tượng đầu tiên khiến bạn phải ngỡ ngàng là dòng thác cao 50m như một dải lụa trắng tinh đổ sầm sập xuống lòng hồ, tung bọt trắng xoá. Thiên nhiên ở đây đẹp như tranh vẽ, thác nước nằm gọn trong khu rừng nguyên sinh còn lưu giữ nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hai bên thác là vách đá cao phủ rong rêu, rễ cây cổ thụ buông xuống, dòng suối chảy lặng lờ, len trong những tảng đá, hai bên bờ cây cỏ, hoa dại nở quanh năm chạy tít tắp về phía buôn làng, hơi sương bay khắp một vùng trời. Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa nguyên sơ, vừa huyền hoặc của núi rừng cao nguyên Di Linh.

Dưới thác là một cái hồ nhỏ do nước chảy lâu ngày tạo thành, cạnh hồ có những tảng đá lớn trông như những bàn đá của trời và có những cây cổ thụ cao to che mát cả một khoảng không. Đây là một thác nước đẹp, hùng vĩ vừa được tôn tạo thành khu du lịch sinh thái mới, là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước, trên lộ trình hoặc trong những tour du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt. Đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất này đã xem thác Bobla là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của cư dân miền sơn cước, quê hương của chàng Liang Dăm, người đã có công đánh đuổi quân Chăm từng kéo lên quấy nhiễu buôn làng.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Ea Púk (Đắk Lắk): Dòng suối hiền hòa

người đăng admin | viết nhận xét

 

Ea Púk có nghĩa là Suối Tóc, nằm cách Buôn Ma Thuột chừng 70km về phía Đông Bắc, suối có nhiều thác nước nối nhau, chảy dài êm đềm như tóc của các cô gái và đó chính là lí do cho tên gọi Ea Púk. Suối nằm trong khu rừng cùng tên, hoang vu, rậm rạp và còn nhiều loài động vật quý hiếm được bảo tồn, là điểm du lịch sinh thái hoang dã rất lý tưởng cho những người thích khám phá.

Vào mùa khô, suối Ea Púk không nhiều nước và vì thế càng trở nên hiền hoà dịu dàng. Lòng suối là nền đá khá bằng phẳng, rộng rãi, hai bờ đầy những tảng đá hình vuông, hình chữ nhật xếp chồng lên nhau. Dưới chân mỗi ngọn thác là đầm nước trong xanh, sâu vừa đủ, mát lạnh, thật phù hợp cho người thích bơi lội, hoặc đi thuyền cao su khua mái chèo giỡn cùng sóng nước.

Đặc biệt là suối, chỉ trong một đoạn chừng 200m nhưng đã có tới 5 con thác nước chảy rất đẹp mắt. Có những thác nước rộng đến 30m, có 3 bậc, nước dội qua từng bậc và tung xoè lên như đuôi công đang múa, lại có thác có tới 7 tầng, chảy uốn lượn mềm mại qua từng tầng, như mái tóc dài lượn sóng. Phải chăng vì vậy nên người dân địa phương đặt tên là Suối Tóc và ngọn thác 7 tầng là thác Thuỷ Tiên.

Lại có một ngọn thác không hiểu vì sao ong bướm cứ tụ về đây bay đầy trên mặt thác, như là từ ngọn thác toả ra một mùi hương đặc biệt nào đó mà chỉ có khứu giác đặc biệt của chúng mới nhận ra và tụ về đây để cùng thưởng thức, đùa giỡn, hội hè.

Ngoài cảnh thiên nhiên đẹp, ở đây còn là nơi sinh sống của nhiều tộc người như Ê Đê, Tày, Mường, Dao, Mông. Vì thế, đến Ea Púk, du khách sẽ được thưởng thức những sản phẩm văn hóa của người bản địa, đặc biệt là cồng chiêng của người Ê Đê, nghe người Tày chơi đàn tính, người Mông thổi Khèn.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Hùng vĩ thác Xung Khoeng – Gia Lai

người đăng admin | viết nhận xét

 

Nằm cách thị xã Pleiku 30 km về phía Tây Nam là thác Xung Khoeng hùng tráng, từ xa đã nghe thấy tiếng ầm ì, nước đổ từ trên cao 40m xuống như một dải lụa trắng ngần. Mặt thác lớn, trải rộng, tương đối bằng phẳng, hai bên bờ thác cây cối mọc um tùm và đôi chỗ gồ cao các tán cây gỗ lớn.

Phía sau thác là nền trời xanh thẳm cao lồng lộng, nước đổ xuống uốn cong theo triền đá mềm mại, đập vào các tảng đá nổi lên trên mặt nước tung bọt trắng xoá. Những buổi sáng nắng đẹp, từng đám mây trắng như bông từ từ bay lên cao từ trên mặt thác gây cho cảm giác như mặt nước đang bốc khói.

Nước chảy len lỏi trong các khe đá, trên thảm cỏ xanh làm thành một vùng hồ nước trong vắt, sát với các vách đá xung quanh. Ngồi trên các tảng đá rêu phong phủ kín, ngửng nhìn lên cao, da trời xanh ngắt lồng lộng, gió thổi mát rượi, không gian tràn đầy hơi nước mơn man làn da, mắt nhìn dòng chảy và tai nghe tiếng trầm hùng đều đặn của nước xô vào vách đá. Âm thanh tưởng như không bao giờ dứt, như tiếng chuông, tiếng cồng, tiếng trống ở các bản làng đang vào ngày hội.

Thác Xung Khoeng là nơi nghỉ ngơi thú vị, ở đây bạn vừa được ngắm vẻ hùng tráng của thiên nhiên, vừa hít thở không khí trong lành khiến cho tâm hồn thư thái, tĩnh lặng.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Xẻo Quýt (Đồng Tháp)- từ căn cứ cách mạng đến điểm du lịch sinh thái

người đăng admin | viết nhận xét

 

Đồng Tháp có khá nhiều di tích lịch sử mà Xẻo Quýt là một trong những điểm du lịch về nguồn độc đáo, để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong lòng du khách.

Khu căn cứ Xẻo Quýt rộng khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, cách thành phố Cao Lãnh hơn 30 km. Để đến Xẻo Quýt bạn có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy. Thông thường, du khách đi qua ngã ba An Hữu thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang) đến cầu Long Hiệp, rồi từ đó đón đò đi Xẻo Quýt, hoặc có thể đi đường bộ từ quốc lộ 1 rồi rẽ vào quốc lộ 30, đến thẳng Xẻo Quýt.

 

Đến đây bạn sẽ cảm nhận ngay một môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, gió mát trong lành nằm giữa vùng đất trũng với nhiều loại cây : tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng v.v.. Khi xưa, nơi này hoang vu cỏ dại, kênh rạch chằng chịt, lau sậy mịt mùng nên từ năm 1960 - 1975 đã được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

 

Thăm Xẻo Quýt vào mùa khô, bạn sẽ len lỏi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo dưới tán tràm mát rượi, nếu mỏi chân có thể mắc võng, ngả lưng ngắm nhìn cây lá. Mùa nước lên, trên chiếc xuồng ba lá, những cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo đưa bạn luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông. Tiếng nước róc rách, cá quẫy và chim hót trên những hàng cây cao vút, xanh rì, bao phủ bởi lớp dây leo mềm mại đem lại những giây phút thư thái, bình yên cho khách tham quan.

 

Ngoài ra, môi trường sinh thái ở đây hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp v.v.. Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ cũng không sai.

 

Không những vậy, bạn còn được sống lại khung cảnh của chiến khu xưa khi chứng kiến những công sự, hầm tránh bom, hầm bí mật v.v. được phục chế nguyên vẹn như trước. Thời kì chống Mĩ, xung quanh đây có trên 10 đồn bót địch tạo thành một vòng tròn khép kín. Thế nhưng nhờ sự chở che, đùm bọc cuả nhân dân nên dù bị càn quét dữ dội, biết bao lần bị B.52 ném bom rải thảm, căn cứ vẫn hiên ngang đứng vững cho đến ngày toàn thắng. Vì thế mà Xẻo Quýt được gọi là “Căn cứ của lòng dân”.

 

Đến với Xẻo Quýt anh hùng và kì thú, bạn sẽ được tận mắt quan sát thế trận của quân và dân ta, đó là những công sự chiến đấu cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z được đào đắp bằng đất và tràm dùng để chiến đấu chống càn từ bãi đỗ trực thăng của địch…

 

Ngoài ra, còn có những “bãi ngù – tử địa” có gài lựu đạn chống trực thăng và xe tăng bộ binh, nhà đón khách Tỉnh ủy, các nơi hội họp, làm việc và sinh hoạt của cán bộ, bộ đội trong suốt thời kì chiến đấu ác liệt.  Điều đặc biệt của khu căn cứ này là không có bê tông, không có tường vôi, gạch đá mà hầu hết các công trình đều được phục chế bằng gỗ, tre, tràm, đưng, lá dừa nước v.v. rất tài tình. Thật khó có thể hình dung được bằng cách nào xây dựng nên một căn cứ cách mạng vững chãi như thế giữa nơi đồng hoang ngập nước nếu không nhờ vào tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khổ của quân dân ta.

Hiện nay, phần lớn các công ty du lịch đều có chương trình đi Xẻo Quýt kết hợp thăm thành phố Cao Lãnh và viếng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cảnh quan hấp dẫn, không khí trong lành của đồng ruộng đã khiến Xẻo Quýt trở thành điểm sáng du lịch lý tưởng trênn quê hương “Đất Tháp anh hùng”.(Nguồn: Đồng Tháp

)






Chùa Thầy - Công trình kiến trúc cổ có giá trị độc đáo

người đăng admin | viết nhận xét

Chùa Thầy nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 20 km. Chùa có tên chữ là "Thiên Phúc Tự", nằm gối vào sườn núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy. Chùa thờ Từ Đào Hạnh - một vị thiền sư nổi tiếng gắn với những truyền thuyết kỳ bí, là ông Tổ của nghệ thuật Rối Nước của Việt Nam. Chính vì thế, giữa hồ Long Chiểu có Thủy đình, là nơi diễn các trò rối dân gian mỗi khi lễ hội.

 

Chùa Thầy - Thiên Phúc Tự

 

Chùa Thầy ban đầu chỉ là một cái am nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Sau này, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm có chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi, chùa Dưới (Thiên Phúc Tự), chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng, chùa quay mặt về hướng nam, phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu. Chùa được Nhà nước xếp loại di tích lịch sử cấp I của quốc gia, một di tích cách mạng và là công trình kiến trúc cổ có giá trị độc đáo.

Chùa Thầy có ba tòa nằm song song với nhau. Toà ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Toà giữa là trung điện hay chùa Trung, toà trong cùng là thượng điện, thờ các hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả ba "kiếp" của Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật và Đế vương. Phía sau chùa có lầu chuông, lầu trống.

Nhật Tiên Kiều

Trong chùa có 3 pho tượng diễn tả 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh, ngoài ra còn có tượng cha mẹ thiền sư. Hai bên chùa là hành lang thờ 18 vị La Hán. Nơi đây cũng lưu giữ được nhiều tượng cổ, quý, được làm từ những chất liệu đặc biệt.

Một góc chùa Thầy

Dành chút thời gian đến vãn cảnh, chùa Thầy còn nhiều điểm dừng chân không nên bỏ qua như chùa Cao, hang Cắc Cớ, đền Thượng, hang Bụt Mọc, chùa Bối Am…

Thuỷ Đình

Tọa lạc trong khung cảnh núi non hùng vĩ của Sài Sơn, chùa Thầy yên tĩnh, thanh bình, linh thiêng. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa Thầy vẫn là một công trình kiến trúc đẹp, luôn thu hút đông phật tử và du khách bốn phương tìm về. (Nguồn: dulichvn.org.vn)





Thác Jráiblian (Lâm Đồng): Hoang sơ và kỳ bí

người đăng admin | viết nhận xét

Ẩn mình giữa núi rừng Tà In thanh vắng là một thác nước cao hùng vĩ. Thác có một vẻ đẹp vừa huyền bí vừa mơ màng. Ai đã một lần đi qua chắc khó quên những ấn tượng về dòng thác cũng như vẻ đẹp hoang dã của nó giữa núi rừng hùng vĩ.

Từ vách đá cao chừng 70m, một dòng nước lớn chia làm ba nhánh đổ thẳng xuống lòng suối sâu, những tia nước đuổi nhau, phóng nhanh như tên bắn, bụi nước bốc mù mịt cả một vùng thật là huyền ảo. Ở xa chừng hai, ba cây số ta cũng đã nghe thấy tiếng nước reo ì ầm. Trải dài dưới chân thác là một bãi đá rộng, có nhiều tảng đá lớn gợi nên sự tưởng tượng lý thú cho du khách khi có dịp "dừng chân lãng du". Tương truyền thì đó chính là xác của các loài cầm thú, chim muông và có cả con người bị chết hóa đá khi tụ tập ở đây để nghe âm thanh huyền diệu phát ra từ lưỡi con cá sấu. Tương phản với sự mạnh mẽ của dòng thác, cảnh vật ven bờ rất nên thơ. Bên phải thác, trên vách đá cheo leo một cây si già buông những cánh tay dài xuống thác như thể đang đùa vui với dòng nước. Rồi những cành cây, dây leo mềm mại bò trên vách đá. Đây đó, thỉnh thoảng xuất hiện những chùm phong lan trắng muốt từ các cành cây rũ xuống điểm trang Bên trái thác, men theo con đường mòn nhỏ, ta sẽ gặp một hang đá có vách dựng gần như một giao thông hào đi sâu vào lòng thác gợi cho khách lòng ham muốn khám phá Bên trái thác, men theo con đường mòn nhỏ, ta sẽ gặp một hang đá có vách dựng gần như một giao thông hào đi sâu vào lòng thác gợi cho khách lòng ham muốn khám phá Jráiblian - đó là cái tên quen thuộc mà đồng bào Churu trong vùng vẫn thường gọi dòng thác hùng vĩ này. Jráiblian - có nghĩa là thác đá cao. Nhưng về sau thác còn có tên gọi là thác Bảo Đại. Vì trong những năm tháng làm vua, Bảo Đại thường đi săn qua vùng này. Thác Jráiblian là điểm được ông chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày đi săn. Ngày nay, đồng bào Churu trong vùng vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết lý giải về sự xuất hiện của thác Jráiblian Chuyện kể rằng: ngày xưa ở vùng Ktun có hai cậu cháu, người cậu tên là Zuwar, người cháu là Stak. Hai cậu cháu thường rủ nhau đi bắt cá. Một hôm nọ ra suối suốt cả ngày mà vẫn không bắt được một con cá nào. Chiều đến, đói rã cả người, hai cậu cháu vẫn chưa tìm được gì để lót dạ. Và khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì hai người cùng nhìn thấy một quả trứng lớn nằm trong hốc đá. Cậu Zuwar định lượm nhưng Stak ngăn không cho; một lát sau Stak cũng muốn lượm nhưng Zuwar lại can ngăn vì sợ... Hai người giằng co nhau mãi và đến cuối cùng thì họ quyết mang luộc. Khi trứng được luộc chín, hai cậu cháu lại dành nhau về chuyện ăn thử. Zuwar thì nói mình già rồi, có chết cũng không sao nên đòi ăn trước. Stak cũng không chịu, sợ cậu chết nên cố đòi ăn trước. Cuối cùng cháu Stak ăn được trước. Ăn xong, thấy ngứa hết cả mình mẩy, bèn nhờ cậu gãi giùm nhưng vẫn không hết. Càng gãi càng ngứa, hoảng quá Stak nhảy xuống suối ngâm mình trong nước. Một lúc sau người lớn bằng con bê và đến sáng đã lớn bằng con trâu. Zuwar buồn quá đành để cháu lại chạy về báo với người trong nhà. Khi mọi người trong gia đình chạy ra thì Stak vẫn sống mà một phần chân tay đã có vẩy như cá sấu, phần dưới mọc một cái đuôi dài. Stak ngẩng đầu lên nói với cha mẹ rằng: mình sẽ không sống làm gì nữa khi biến thành cá sấu, nên xin cha mẹ trước khi chết được ăn đủ trâu, bò, gà, vịt mỗi thứ 7 con. Người nhà liền làm theo. Nhưng Stak vẫn không chết, mà lúc này người đã lớn bằng cái nhà dài. Trong họ hàng nhà Stak bắt đầu có sự bàn cãi, giằng co nhau, có nên để cho nó sống nữa hay không. Cuối cùng họ cắt một miếng mâm sắc nung đỏ và mang tới nói là một miếng thịt đỏ rồi ném cho Stak, lúc này đã là một con cá sấu khổng lồ. Nuốt xong, nó nằm vật ngửa ra chết, xác nằm chắn ngang giữa suối. Lưỡi nó thè ra, nước tràn qua lưỡi tạo nên âm thanh hay hơn cả tiếng đàn. Hay đến nổi trứng gà trong tổ cũng lăn tới bờ suối để nghe. Tất cả các loài muôn thú và dân trong vùng đều bị mê hoặc bởi âm thanh kỳ lạ đó, bỏ cả công ăn việc làm tới nghe đến nỗi phải chết đói. Vua Chàm liền sai 100 người buộc dây kéo cái lưỡi ra. Nhưng kỳ lạ thay, cái lưỡi cứ dài ra rồi lại co rút lại làm cho cả đoàn người lăn tõm xuống vực sâu mà chết. Thưong hại con người, "Giàng" liền sai một con chim đen xuống mách bảo: phải lấy da ông già làm dây mới kéo được. Mừng quá, vua Chàm liền sai người rao tìm người già tình nguyện chết để cứu dân làng. Vừa lúc đó có một cụ già chống gậy tới xem, biết chuyện ông liền bước tới trước vua Chàm xin được chết. Vua Chàm mừng rỡ sai người mổ trâu bò làm tiệc thết đãi ông già, sau đó mổ lấy da bện thành dây thừng để kéo. Quả nhiên cái lưỡi bị gãy văng ra khắp nơi, dính cả vào cây lồ ô, cây tre bên cạnh. Nhưng cái lưỡi vẫn còn ba phần lớn. Một thành thác Jráiblian, một phần văng tới vùng Tu Tra (thuộc huyện Đơn Dương bây giờ) và một phần ở Ma Bó thành suối. Cũng vì vậy mà ngày nay tre và lồ ô là những loại cây có khả năng phát ra âm thanh nên được sử dụng làm các loại nhạc cụ. Jráiblian hay thác Bảo Đại là một trong những thắng cảnh còn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang dã của Lâm Đồng, hứa hẹn một tiềm năng du lịch đầy triển vọng.(Nguồn: dulichvn.org.vn)





Thác Xuân Sơn (Vũng Tàu): Êm đềm nơi hoang dã

người đăng admin | viết nhận xét

 

Thác Sông Ray còn Có tên gọi là thác Xuân Sơn hay thác Hoà Bình nằm trên địa phận huyện Châu Đức nhưng tiếp giáp với huyện Xuyên Mộc, là một điểm du lịch tiềm năng đang được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái với lợi thế địa hình tự nhiên như: đối, núi, hồ, suối, thác, rừng cây xanh.

Để đến thác Xuân Sơn, nếu theo đường từ Vũng Tàu qua Bà Rịa đi Long Khánh đến Ngãi Giao, khi gặp Ngã tư đường Đẹp Việt Nam thì rẽ về tay phải, đi tiếp một đoạn sẽ có bảng chỉ đường về thác Xuân Sơn. Nếu đi từ hướng trung tâm huyện Xuyên Mộc tới lối rẽ đi thị trấn Phước Bửu thì rẽ tay trái sẽ đến thác. Thác Xuân Sơn vào mùa khô nước trong veo, róc rách theo những ghềnh đá. Lác đác từng lùm si mát rượi cũng làm duyên soi bóng giữa dòng. Hai bên bờ, những gốc si cổ thụ quây quần, rễ dài đan thành võng phủ quanh những tảng đá lớn tạo thành những cái "lều", "tổ" xanh mát. Đường vào thác có độ dốc sâu, chập chùng đồi bãi như vào thung lũng của Đà Lạt. Những ruộng lúa, bãi ngô, nương sắn liền nhau phủ xanh một vùng, những quả đồi thấp có hình dáng như những chú voi phục quay đầu về thác. Tất cả tạo nên một tổng thể thiên nhiên nên thơ, thanh bình nơi miền thôn dã.(Nguồn: website báo Nội Thất)

 

 





Di tích Thái Bình Lâu thành phố Huế

người đăng admin | viết nhận xét

 

Thái Bình Lâu là một tòa nhà hai tầng bằng gỗ nằm giữa một khuôn viên hình chữ nhật rộng 32m, dài 58m. Tọa lạc tại phía đông bắc Tử Cấm Thành.

Thái Bình Lâu được vua Khải Định ra lệnh xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành để nhà vua có thể nghĩ ngơi lúc rảnh rang, cũng là chỗ để nhà vua đọc sách.

Công trình là một tòa nhà kép, gồm tiền sảnh, chính doanh, hậu doanh nối liền nhau bằng hai máng thoát nước. Mặt nền cao hơn đất 1m, mặt trước là bốn cột xây bằng gạch trát vữa. Phía trước có 3 chữ Thái Bình Lâu và hai bên là hai bài văn do vua Khải Định ngự chế.

 

Sau tiền sảnh là chính doanh. Đây là một ngôi nhà 2 tầng cao 9.55m, mái được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng với nhiều trang trí rất đẹp và lộng lẫy như hình những con dơi tượng trưng cho Ngũ Phúc và hai bờ nóc đắp nổi hai hình hồi long đầy uy lực.

Hậu doanh có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói liệt, hai đầu hồi có đắp nổi đề tài Hải ốc thiêm trù với hình ảnh ba ông già chúc thọ cho nhau.(Nguồn: website festivalhue)






Cửu Đỉnh (Huế) - Tượng đài văn hóa Việt

người đăng admin | viết nhận xét


Ở  trước Hiển Lâm Các - đối diện với Thế Miếu trong Đại Nội Huế có 9 cái đỉnh đồng lớn, gọi là 9 đỉnh Triều đại. Dân gian thường gọi là Cửu Đỉnh. Mỗi cái nặng trên dưới 2 tấn, được khởi đúc từ cuối năm 1835, hoàn thiện xong tháng 6-1837.
 
 
Theo sử sách nhà Nguyễn, ý tưởng thiết kế Cửu Đỉnh là của vua Minh Mạng. Ông là một người tinh thông văn võ, là kiến trúc sư về ý tưởng cho việc xây dựng Kinh đô Huế, sau này là Di sản Văn hóa Thế giới. Vua dụ rằng “Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy.

Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết”. Vua trực tiếp chọn các hình ảnh và giao cho Bộ Công  chỉ đạo hàng trăm thợ đúc đồng Phường Đúc Huế và thợ giỏi khắp nước về thực hiện.

Chỉ dụ của Vua đặt tên cho từng Đỉnh theo thứ tự : Đỉnh lớn ở giữa là Cao Đỉnh, đỉnh cao 2,02m, đường kính 1,61m; Nhơn Đỉnh cao 1,9m, đường kính 1,62m; Chương Đỉnh: 1,88m và 1,6m; Anh Đỉnh 1,875m và 1,61m; Nghị Đỉnh: 2,08m và 1,63m; Thuần Đỉnh: cao 1,88m và 1,60m; Tuyên Đỉnh: 1,98m - 1,60m; Dụ Đỉnh; Huyền Đỉnh: cao 1,88m và 1,61m. Về ý nghĩa các đỉnh theo ý tưởng của vua Minh Mạng, mở đầu là Cao, tức người khởi dựng, tượng trưng cho sự Vĩ Đại; Nhân (Nhơn) là lòng tốt, tượng trưng đức, Chương là sự gương mẫu, là ánh sáng; Anh là tài giỏi vinh hạnh, hiển đạt; Nghị là ý chí kiên cường, cương nghị; Thuần là sự hoàn thiện, phong phú; Tuyên là sự hài hòa, tinh thông; và Dụ là nền tảng sự thịnh vượng; Huyền, ứng với nơi sâu thẳm. Chính bởi vậy, mà những đôi chữ trên mỗi đỉnh được khắc nổi thành khối vuông vức, nét chữ vừa sắc khỏe vừa mềm mại. Từng đôi chữ tên đỉnh đẹp sâu sắc, có thể coi như một bức tranh chữ vậy.

Có ý kiến cho rằng, “Cửu đỉnh” mỗi đỉnh tượng trưng cho một vị vua Triều Nguyễn, nhưng theo chúng tôi, vua Minh Mạng cho đúc 9 cái đỉnh vì số 9 luôn được coi như là biểu trưng của sự quyền uy và sức mạnh: Ngai vua thường đặt trên 9 bậc. Trong dân gian số 9 được gắn cho sự hoàn thiện tuyệt đối: voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao. Số 9 được tượng trưng cho Trời, ngày sinh của Trời là ngày 9 tháng giêng, số 9 được ghép cho ngôi vị Hoàng đế. Tất cả các đồ dùng trong cung đình cùng dùng số 9 để đặt tên như Cửu Long Bôi (9 cốc rồng), Cửu Đào Hồ (ấm 9 quả đào), Cửu Long Trụ (cột 9 rồng)...

Cũng chưa ai giải thích vì sao chiều cao, đường kính và khối lượng của các đỉnh sau Cao Đỉnh lại khác nhau và không theo một trật tự ưu tiên nào. Như về khối lượng, Cao đỉnh, đỉnh lớn nhất nặng 2.603 kg, còn Anh đỉnh, đỉnh thứ tư lại nặng 2.757 kg? Những sự lạ ấy dành cho các nhà khoa học lịch sử. Vua xuống chiếu: “Trên các đỉnh phải khắc các hình núi, sông, người và động vật. Không chỉ phải khắc cho đủ mà còn phải chạm rõ ràng đúng vị trí để ghi nhớ tài liệu và cho rõ là của ai”.

 

Ngoài tên đỉnh bằng chữ Hán, trên Cửu Đỉnh có 17 mô típ (nhóm hình ảnh) vừa cụ thể vừa tượng trưng nhằm kỷ niệm năm Minh Mạng thứ 17. Các nhóm hình ảnh gồm có trời, đất, núi sông, sản vật, vũ khí... Trời trên Cửu đỉnh gồm các hình tượng mặt trời, mặt trăng, gió, mây, sấm, sét, các sao kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đối diện với Trời là Đất gồm các hình ảnh Sông (Tiền Giang, Hậu Giang, sông Mã, sông Hồng, Bạch Đằng, sông Hương...), Núi (Hồng Lĩnh, Tản Viên, Đèo Ngang, núi Đại Lãnh, Hải Vân...). Sau sông núi là các loại gỗ quý, cây ăn quả, cây thực phẩm, muông thú trong rừng, chim chóc trên cây, tôm cá dưới nước, hoa cảnh, vật nuôi, cây thuốc, thuyền buồm... Nhóm hình ảnh thứ 17 là vũ khí gồm kiếm, cung, giáo, súng thần công...

 

Cây lòn bon của Quảng Nam được khắc trên Cửu Đỉnh. 

Tổng số các hình ảnh trong 17 nhóm trên là 153 hình ảnh (cộng lại thành 9 nút!) chạm khắc nổi với hàng ngàn đường viền, đường lượn, hoa văn vô cùng tinh xảo. Trên Cửu Đỉnh có núi sông, sản vật, hoa chim, muông thú Việt Nam khắp ba miền Bắc -Trung - Nam, từ Móng Cái địa đầu Tổ quốc đến đồng bằng sông Cửu Long. Trên Cửu Đỉnh cũng có những hình ảnh sản vật liên quan đến thời cam go của Nhà Nguyễn như cây Nam trân mà người dân Quảng Nam gọi là cây lòn bon.

Thời Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) và tùy tùng bị quân Tây Sơn truy đuổi phải trốn vào rừng, nhờ trái cây lòn bon mà khỏi chết đói. Cây lòn bon được chạm nổi, đặc tả từ thân cây, cành lá và chùm quả. Đáng chú ý là vua Minh Mạng cho khắc cây và quả lòn bon ngay trên Nhân đỉnh là một trong đỉnh làm biểu tượng của chính mình. Có lẽ đây là một hình ảnh để tưởng nhớ vua cha.

Để làm được 9 đỉnh này, phải huy động hàng trăm nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng khắp nước về Kinh đô làm việc trong suốt hơn năm trời. Tổng số đồng để đúc 9 đỉnh là 22.473kg. Mỗi đỉnh người thợ phải hiệp 60 lò nấu đồng lại, mỗi lò chỉ nấu chảy được 30 - 40 cân đồng. Khuôn đúc lật ngược và người thợ rót nước đồng nóng chảy vào chân đỉnh. Đúc xong đỉnh mới gắn quai và các hình chạm nổi. Nhà nghiên cứu người Pháp P. Chovet nhận xét: “Nhìn chung toàn bộ giống hệt hình thu gọn hệ thống hiện đại của lò đúc sắt hiện nay ở Pháp (1914)... Cách làm của các thợ chạm An Nam không khác biệt các phương pháp áp dụng của thợ chạm Châu Âu. Có một chi tiết khá thú vị là các đũa và dao chạm đều do thợ tự làm bằng tay một cách thô sơ bằng cách dùng búa tán!”.

Cửu Đỉnh là cụm tượng đồng đạt đến trình độ tinh xảo nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam thế kỷ XIX. Bằng tất cả sự khéo léo tài nghệ, thợ đúc đồng Huế đã đúc nên tuyệt tác Cửu Đỉnh làm cho người Châu Âu phải kinh ngạc thán phục suốt gần 200 năm qua!

Cửu Đỉnh là tượng đài Độc Lập, tượng trưng cho sự trường tồn của Vương quốc Đại Việt và uy quyền của Vương triều Nguyễn.  Cửu Đỉnh là một cụm tượng đài hoành tráng nhất, là “bách khoa thư” về nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX, là công trình văn hóa lớn nhất, để đời của Vua Minh Mạng. (Nguồn: Baos CAĐN)







News for 26/10/2010


View all news for 26/10/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao