International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

30/11/2010 | RSS Feed

Tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ - Bắc Kạn

người đăng admin | viết nhận xét

 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn có diện tích trên 14 nghìn ha, trải dài từ các xã Vũ Muộn, Cao Sơn (huyện Bạch Thông) tới các xã Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh... (huyện Na Rì), là nơi lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú cùng với những giá trị sinh học phong phú, đa dạng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được các nhà khoa học trong và thế giới đánh giá cao về sự phong phú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm thuộc diện phải được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Trong đó phải kể đến là loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Đặc biệt, đến với khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ bạn sẽ được chứng kiến sự đa dạng của loài dơi ở đây - được coi là đa dạng thành phần cao nhất Việt Nam.

Kim Hỷ còn là nơi lưu giữ một số nguồn gien quý hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây thiết san giả hay còn gọi là thông đá mà trên thế giới hiện nay còn sót lại ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc nước ta và 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Không những thế, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn với hàng vạn cây nghiến, thông núi....

Ngoài động thực vật, khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ còn giàu về tài nguyên khoáng sản, nhất là vàng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thích hợp với những du khách ưa khám phá, mạo hiểm.(Nguồn: website Bắc Kạn)





Thăm tháp Chăm Pôshanư (Bình Thuận)

người đăng admin | viết nhận xét

Nhóm đền tháp Chăm Pôshanư tọa lạc trên đồi Bà Nài thuộc xã Phú Hải về phía Đông Bắc cách thành phố Phan Thiết chừng 7 km được người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai- một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Vương quốc Chămpa.

 

Nhóm tháp gồm 3 tháp: Tháp chính A hơi chếch về phía Nam, hai tháp phụ là B hơi chếch về phía Bắc và C chếch về hướng Đông cạnh tháp A. Tháp thờ thần Shiva (một trong những vị thần Ấn độ giáo được người Chăm sùng bái, tôn kính) biểu hiện bằng bệ thờ Linga-Yôni bằng đá hiện còn lưu giữ tại tháp chính.

 

 

Đến thế kỷ XV, người Chăm tiếp tục xây dựng một số đền thờ dạng kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pôshanư, tương truyền là con vua Para Chanh được nhân dân yêu quý về tài đức và phép ứng xử của Bà đối với người Chăm đương thời. Những cuộc khai quật khảo cổ từ năm 1992 đến 1995 đã phát hiện nền móng của những ngôi đền sụp đổ và bị vùi lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch ngói và một số hiện vật trong lòng các đền tháp có niên đại từ thế kỷ XV và tháp có tên gọi Pôshanư từ đó.

 

Pôshanư là nhóm đền tháp có vai trò quan trọng trong số các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Thuận, từ kiến trúc đến kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật trên thân tháp, các vòm cuốn, cửa chính, cửa giả, trong lòng và lên đến đỉnh tháp. Riêng kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật còn lại ở thân tháp đủ gợi lên yếu tố thẩm mỹ khá riêng biệt của phong cách Hòa Lai.

 

Tháp chính A từ trong lòng tháp lên đến đỉnh cao 15 mét, cạnh đáy mỗi bề gần 20 mét, một cửa chính dài, hướng về phía Đông mà theo truyền thuyết Chăm hướng Đông là nơi cư ngụ của thần linh. Có 3 cửa giả ở các hướng Bắc, Tây, Nam. Trên vòm cuốn ở hướng Tây hiện còn những dãy chạm khắc dày đặc với những bông hoa và hình tượng kỳ lạ. Tháp có 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại và bớt đi những yếu tố kiến trúc của tầng dưới. Trên đỉnh tháp có 4 cửa sổ hình tam giác hướng về 4 phía, bên ngoài xây bít kín, dưới mỗi cửa sổ gạch có 4 lỗ lớn để thông gió ra ngoài.

 

Tháp B nằm riêng nhích về hướng Bắc cao khoảng 12 mét, về cơ bản hình dáng kiến trúc giống tháp A nhưng đơn giản hơn. Trước đây trong tháp có thờ bò thần Namdin nhưng sau đó không còn. Năm 1995 lúc khai quật dưới lòng đất đã tìm thấy 1 bàn chân và 1 tai bò thần bằng đá. Tháp C hiện chỉ còn lại một phần tháp với chiều cao hơn 4 mét, duy nhất 1 cửa trổ về hướng Đông những kiến trúc và trang trí nghệ thuật bên ngoài đã bị thời gian bào mòn chỉ còn lại một số đường nét gốc.

 

So với những tháp Chăm khác, đến nay di tích này hàng năm vẫn có đông đảo người Chăm từ các vùng lân cận đến làm lễ cầu mưa và tiến hành những nghi lễ khác. Một điều khá lý thú là ngư dân những vùng lân cận trước khi đi biển cũng đến đây cầu cho những chuyến đi biển được bình yên.

 

 

Nhóm đền tháp Chăm Pôshanư được tu bổ, tôn tạo từ năm 1990 đến 2000 và hiện nay đã hoàn chỉnh. Di tích này được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1991.(Nguồn: Báo Gia Lai

)

 






Sức hấp dẫn của Khu du lịch sinh thái Xuân Sơn – Phú Thọ

người đăng admin | viết nhận xét

Cách Hà Nội 120 km, nằm trên địa bàn huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ là vườn quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15 nghìn ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng điển hình của miền Bắc vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ nên có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách.

 

Không khí ở khu du lịch rất trong lành, mát rượi, cảm giác như mùa hè của vùng ôn đới. Những tán cây đủ loại tầng tầng lớp lớp xanh đến ngợp mắt, phía xa xa giữa mầu xanh, thỉnh thoảng xuất hiện những con suối nước chảy lấp lánh và những nếp nhà sàn. Hệ thực vật của rừng có 32 loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có nhiều loại cây quý hiếm có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế cao như: lát, sến mật, chò chỉ, nghiến, củ dòm, rau sắng, dây ngót rừng... Hệ động vật có 46 loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài có tên trong sách đỏ thế giới.

Đi khỏi rừng đến một cánh đồng rộng giống như thung lũng bốn bề núi rừng vây quanh, vượt qua cánh đồng là đến hang Sơn Tinh có lối xuống nhỏ, hẹp, thẳng đứng chỉ đủ một người chui, nhưng khi vào trong lại rất rộng có thể chứa vài trăm người. Ở độ cao 400 m so với mặt biển, hang Lạng có suối chảy quanh năm, từ xóm Lạng ra xóm Lấp rồi vòng về xóm Cỏi, cứ qua mỗi xóm lại có một bình nguyên, ở đó có hồ rộng chừng 4-5 ha, nơi cư ngụ của những loài cá: trê, chép, quất và măng xanh. Cá măng xanh nơi đây được coi như một đặc sản vì thịt thơm và rắn chắc, có con nặng tới 7 kg.

Hệ thống núi, hang động và rừng ở đây rất tự nhiên, nhất là rừng nguyên sinh trên núi đá vôi gọi là thạch lâm xanh đã tạo thành một quần thể thắng cảnh phong phú và đa dạng. Khu vườn có ba đỉnh núi cao: Núi Voi, núi Ten và núi Cẩn. Nối ba đỉnh núi này tạo thành một "tam giác cân" với mỗi cạnh chừng 4,5 km toàn là rừng nguyên sinh. Sắp tới, tại khu vực này sẽ xây dựng tuyến cáp treo nối ba đỉnh núi, ngồi trên cáp treo, du khách sẽ nhìn rất rõ thuỷ điện Hòa Bình, thuỷ điện Sơn La, khu du lịch Tam Đảo, Ba Vì và di tích Đền Hùng.(Nguồn: website Tourdulich)





Thắng cảnh Eo Gió Quy Nhơn (Bình Định)

người đăng admin | viết nhận xét

Những nốt nhạc hòa quyện trong cung bậc của những cơn gió lùa vào các hang động, tiếng sóng biển rì rào, tiếng róc rách của những con suối nằm trong khe núi, tiếng đàn yến lao xao… Đến Quy Nhơn bạn hãy một lần ghé qua Eo Gió.

Eo Gió nhìn từ trên cao

Eo Gió  thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, nằm cách Quy Nhơn hơn 20 km về hướng đông bắc. Đây là thắng cảnh đẹp, mang dáng vẻ hùng vĩ bậc nhất ở Bình Định.

Để đến Eo Gió, mọi người hào hứng băng qua cây cầu Thị Nại. Với chiều dài ấn tượng 2.500m, đây là cây cầu bắc qua biển dài nhất Đông Nam Á, niềm tự hào của vùng đất đầy nắng và gió biển này.

Đứng trên cầu nhìn về hướng tây nam, thành phố Quy Nhơn trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Hướng về biển Đông là những vó biển của dân chài xã Nhơn Lý, phía xa nhấp nhô những cụm sa mạc cát trùng phùng hòa lẫn mây ngàn. Tất cả tạo nên một cảm giác bềnh bồng khó tả.

Đường lên Eo Gió, lối đi vẫn còn hoang sơ và không có sự tác động nhiều từ bàn tay con người. Từ trên cao nhìn ra xa, cụm dân cư thôn Hưng Lương nằm ngay dưới chân núi trông thật bình yên với những con thuyền bé nhỏ đang từ từ cập bến.

Để lên tới đỉnh phải đi theo những con đường mòn nhấp nhô đá rất khó khăn. Nhiều đoạn phải dò dẫm từng bước. Nhưng bù lại cho những vất vả là cảm giác thật tuyệt, không gì tả nổi. Trước mắt là biển trời bao la với những đường cong tuyệt đẹp của Eo Gió. Tiếng gió thổi lồng lộng rít bên tai, "nghe" chan chát mùi của biển cả.

Những âm thanh du dương phát ra từ những vách đá, tiếng sóng biển nhè nhẹ dạt dào vào chân núi, văng vẳng đâu đấy tiếng lao xao của đàn chim yến lao xao trong những hang động. Phía sâu trong khe núi là tiếng róc rách của những con suối nhỏ... Tất cả tạo thành một bản hòa tấu độc đáo.

Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy những cụm san hô ngầm to nhỏ lẫn trong màu xanh trong của nước biển. Xuống gần hơn, bạn còn có cơ hội mục kích những chú cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội dưới nước. Cách bờ một chút là hòn Mòng với những cụm đá nhấp nhô, uốn lượn. 

Người dân nơi đây ví hòn Mòng như con cá sấu lớn vươn mình ra biển cả, cũng có người bảo đó là con trâu lớn đang ngụp lặn tắm mát.

Dọc bờ biển là những viên đá lớn nhỏ được sóng biển mài phẳng lỳ gọi là bãi đá đẻ. Các ngư dân lý giải như thế vì ngày càng thấy... nhiều đá.(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)





Độc đáo chùa Thắng Phúc (Hải Phòng)

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm ở vị trí đắc địa bên cạnh sông Văn Úc, mặt hướng ra biển Đồ Sơn, lưng tựa núi Voi (An Lão)… chùa Thắng Phúc ở làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng (Tiên Lãng) vừa cơ bản hoàn thành với quy mô xây dựng lớn, độc đáo. Cùng với đền Gắm linh thiêng, di tích lịch sử cấp quốc gia ở đất Tiên Lãng được nhiều người biết đến, chùa Thắng Phúc là nơi thờ tự tôn nghiêm, đồng thời là điểm tham quan trong hành trình lễ hội văn hóa tâm linh của du khách.

 

Mô phỏng kiến trúc chùa xưa

 

Ở xã Tiên Thắng, người dân địa phương lưu truyền sự tích về ngôi chùa lớn tọa lạc ở vị trí ven sông Văn Úc. Các dấu tích, văn bia, thư tịch ghi lại cho thấy ngôi chùa có từ đời Lý, cách đây hơn 800 năm. Tuy nhiên, sau đó, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa có sự đổi thay. Tuy nhiên, nhiều người nhớ là  ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, nhất là có tới trăm gian và quả chuông lớn. Tiếng chuông chùa có thể vang xa đến những vùng lân cận.

 

Tại ngôi chùa này, ước tính có 62 vị sư từng trụ trì. Người địa phương nhớ rõ nhất vào những năm kháng chiến chống Pháp, chùa do đại đức Thích Tâm Cẩn trụ trì. Đại đức nuôi dưỡng và giác ngộ 10 đệ tử. Thời điểm này, người dân địa phương quen gọi chùa với tên Vọng Phúc. Một số phật tử ở nơi khác gọi tên chùa giống tên làng là Mỹ Lộc. Thời kỳ năm 1948 - 1953, quân Pháp tiến hành nhiều  trận càn ác liệt trên đất Tiên Lãng, chùa bị tiêu thổ kháng chiến. Các đệ tử của đại đức Tự Tâm Cẩn như Thích Nguyên Uyển, Thích Thanh Lãng, Thích Quảng Tuệ, Thích Quảng Hợp… đến tu luyện tại các chùa khác trong huyện như Dương Áo (xã Hùng Thắng), Nam Tử (xã Kiến Thiết)…Ở các chùa này, họ tích cực ủng hộ kháng chiến, lấy chùa làm cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Có một số người bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng quyết bảo vệ cách mạng, cán bộ đến cùng. Sau này, một số vị sư được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ…

 

Từ nền móng của ngôi chùa xưa, cùng với những dấu tích để lại ở khu vực bãi bồi ven sông Văn Úc, đại đức Thích Quảng Minh cùng các phật tử, nhà hảo tâm đã xây dựng chùa Thắng Phúc ngày nay, với quy mô bề thế nhưng vẫn mô phỏng nét kiến trúc xưa. Ngôi chùa có trăm gian, bài trí hàng trăm pho tượng đá… Bắt đầu khởi công xây dựng từ cuối năm 2008, đến nay, cơ bản các hạng mục công trình giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong niềm vui của ngày lễ khánh thành, hàng nghìn tăng ni, phật tử hành hương về chùa lễ Phật, vãn cảnh ngôi chùa lớn, độc đáo.

 

Từ trung tâm thành phố, qua cầu Khuể chừng 6- 7 km là đến chùa Thắng Phúc  nằm ven sông Văn Úc, trên diện tích khoảng 7 ha vừa mới hoàn thiện. Ngay bên phải cổng vào, ấn tượng đầu tiên là bức tượng A-di-đà đồ sộ, cao 11 m, nặng 100 tấn đặt phía trước hồ liên trì. Sân và chung quanh chùa đều được trang trí bằng hoa, cây cảnh. Ngôi bảo điện lớn nằm ở vị trí trung tâm chùa, phía sau là kim cương đường, tổ đường, 2 bên là la hán đường… Tổng cộng, công trình chùa Thắng Phúc đến thời điểm này hoàn thành 85 gian, 2 bên la hán đường hiện có 25 bức tượng đá. Ngoài ra trong ngôi bảo điện chính, kim cương đường, tổ đường có 25 pho tượng bằng nhiều chất liệu… Đặc biệt, có 2 pho tượng lớn được chế tác, mang từ Thái Lan, Trung Quốc về. Đại đức Thích Quảng Minh, trụ trì chùa cho biết: “Đến khi hoàn thiện, 2 bên la hán đường sẽ có khoảng 100 pho tượng bằng đá, do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề chế tác đá Ninh Vân (Ninh Bình) làm ra”.

 

 

 

Kết hợp hài hòa văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái

 

Khi xây dựng chùa Thắng Phúc, đại đức Thích Quảng Minh và các tăng ni, phật tử mong muốn nơi đây sẽ là nơi thờ tự lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của tăng ni, phật tử trong và ngoài thành phố, nơi tu học Phật pháp… Đặc biệt, do vị thế đắc địa, chùa đồng thời là nơi kết hợp phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đáp ứng yêu cầu khách du lịch tham quan các tua du lịch đồng quê kết hợp văn hóa tâm linh. Bởi vậy, quy hoạch xây dựng chùa chia làm 2 giai đoạn trên tổng diện tích khoảng 23 ha. Giai đoạn 1,  quy hoạch trên diện tích 7 ha, cơ bản xây dựng xong một số hạng mục công trình chính. Giai đoạn 2, chùa tiếp tục quy hoạch diện tích bãi bồi ven sông từ chùa Thắng Phúc lên đến đền Gắm (khoảng 15 ha). Trên  diện tích này, đại đức Thích Quảng Minh cho biết sẽ xin ý kiến ủng hộ của thành phố và địa phương để tiếp tục đầu tư kết hợp phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven sông từ chùa Thắng Phúc lên đến đền Gắm. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đầu tư các công trình tâm linh như điện tứ phủ, tam tòa thánh phủ, điện ngọc hoàng, đền thờ Việt Nam lịch đại đế vương để tạo ra quần thể công trình văn hóa tâm linh lớn ven sông Văn Úc…

 

Thời gian qua, từ khi đặt nền móng đầu tiên, công trình, chùa Thắng Phúc được sự quan tâm, tạo điều kiện của thành phố, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của tăng ni, phật tử, cùng nỗ lực, quyết tâm lớn của các vị  trụ trì chùa… Với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 40 tỷ đồng, công trình này nhận được sự hảo tâm đóng góp kinh phí của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, phật tử trong, ngoài thành phố và ở nước ngoài… Đại đức Thích Quảng Minh cho biết: “2 pho tượng xuất xứ từ Thái Lan và Trung Quốc đều do Việt kiều ủng hộ. Ngoài ra, khó kể hết tấm lòng của bà con địa phương, tăng ni phật tử khắp mọi miền đất nước với công trình này”. Đại đức nhớ lại, có những buổi lao động chuẩn bị nền móng cho công trình, có hàng trăm người dân địa phương nhiệt tình tham gia. Các cụ già trong làng không quản tuổi cao, sức yếu cũng tích cực tham gia để công trình sớm hoàn thiện.

 

 

Dù mới cơ bản hoàn thiện hạng mục công trình chính của  giai đoạn 1 nhưng hình dáng chùa Thắng Phúc đã hiển hiện quy mô đồ sộ cùng với kiến trúc độc đáo, hiếm ngôi chùa nào trong thành phố sánh kịp. Từ những nỗ lực đầu tư ban đầu, chùa Thắng Phúc tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục công trình còn lại của giai đoạn 1 và bắt đầu giai đoạn 2. Chùa Thắng Phúc mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các phật tử, doanh nghiệp, tổ chức xã hội… hảo tâm cùng chung sức xây dựng chùa. Không lâu nữa, trên quê hương Tiên Lãng sẽ có công trình văn hóa tâm linh xứng tầm các khu danh thắng tâm linh lớn trên cả nước như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phật Tích (Bắc Ninh)…(Nguồn: Báo Hải Phòng

)

 






Hùng vĩ thác Bản Giốc (Cao Bằng)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Thác Bản Giốc là thác đẹp thuộc hàng đệ nhất danh thác Việt Nam. Thác Bản Giốc nằm trên biên giới Việt Nam và Trung Quốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thị xã Cao Bằng 89 km, theo tỉnh lộ 206 về phía Bắc.

Điều thú vị trong chặng đường gần 400 km từ Hà Nội lên tới thác Bản Giốc, là du khách có thể tha hồ ngắm cảnh đẹp. Qua cửa kính xe ô tô, núi rừng hùng vĩ xen kẽ trùng trùng điệp điệp nối vào nhau. Những cánh đồng ngát xanh, vạt hoa dại bên đường, nếp nhà yên bình nép mình bên núi, bầy trâu lọt thỏm giữa cánh đồng làm nao lòng du khách.

Thác Bản Giốc nằm trong dòng chảy sông Quây Sơn, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua biên giới hai nước VN và Trung Quốc, uốn lượn quanh chân núi Cô Muông, qua những cánh đồng thuộc địa phận Đàm Thủy. Gần cuối dòng chảy, dòng sông Quây Sơn đổ từ độ cao hơn 30 mét xuống dưới chân núi tạo thành dòng thác hùng vĩ, sủi bọt trắng xóa. Thác Bản Giốc được chia làm hai phần, phía nam là thác cao, phía bắc là thác thấp. Thác thấp là thác chính, hùng vĩ hơn, tiệp mình vào núi rừng rộng lớn. Hôm chúng tôi đến, nhìn từ xa, dòng nước chảy từ trên cao xuống tựa những sợi tơ trắng xóa đang nằm vắt vẻo uyển chuyển trên núi rừng hoang sơ. Nước sủi tung bọt, ầm vang. Ánh nắng hắt trên nước, lấp lánh  sáng. Vẻ đẹp, sự thuần khiết, hùng vĩ hòa quyện vào nhau.

Dòng sông dưới chân thác khá phẳng lặng, có thể đi thuyền tham quan. Ở đây có dịch vụ chèo thuyền đưa khách tham quan toàn bộ thác Bản Giốc và những cánh rừng, đồng ruộng bên bờ Quây Sơn. Cuối chiều, mặt trời xuống, ngắm nhìn thác nước tuôn trào, cảm giác thật lạ. Gió biên cương thổi lành lạnh, nhìn mặt sông xanh ngắt, lại ngước lên  nhìn dòng nước tuôn trào, tựa như phun ra từ núi, đủ khiến niềm xúc cảm không tên trong lòng trỗi dậy.     

Ở Bản Giốc, đến nay vẫn chưa phát triển dịch vụ ăn, ngủ cho khách du lịch. Vì vậy, chiều buông, chúng tôi phải lên xe về lại thị trấn Trùng Khánh tìm chỗ nghỉ ngơi. Nhưng không vì trở ngại nhỏ đó mà du khách phiền lòng. Bởi, chính sự hoang sơ nơi ngọn thác biên cương là điều làm người ta thấy thú vị.(Nguồn: Báo Thanh Niên)





Chùa Kim Liên - Bông sen vàng bên Hồ Tây

người đăng admin | viết nhận xét


 
 

 
Trong số các đình chùa Hà Nội thì chùa Kim Liên được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp còn lưu giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ xưa nhất. Trước đây, chùa ở thôn Nghi Tàm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội và đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1962.
Xưa kia, chùa có tên là Đại Bi, Đống Long hay Từ Hoa. Từ năm 1771, chúa Trịnh Sâm cho tu bổ chùa và đã đổi tên chùa thành chùa Kim Liên. Chùa có tên chữ là ”Hoàng Ân tự”.

 

Chùa Kim Liên vừa thờ Phật, vừa thờ công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông. Chùa được làm trên nền cũ của cung Từ Hoa.
Qua năm tháng, ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt các lần trùng tu lớn là vào các năm 1445, 1631, 1639, 1771, 1792. Các lần trùng tu này đều được ghi lại trên các tấm bia. Năm 1983, chùa được trùng tu lớn nhưng vẫn giữ lại những nét kiến trúc của thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII).

 

 

 

 

 

Tam quan chùa Kim Liên là một công trình kiến trúc độc đáo với 2 tầng, 8 mái, trông như bông sen trên mặt nước Hồ Tây.

Phong cách kiến trúc của chùa Kim Liên, ảnh hưởng kiến trúc cung điện, cung đình. Bố cục của chùa bao gồm một trục đối xứng từ tam quan đến nhà Tổ. Từ tam quan đi vào một khoảng sân chùa, rồi đến chùa chính gồm ba nếp: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, xếp theo kiểu chữ "tam".

 

 

Chùa Hạ là một ngôi nhà 5 gian, 6 hàng cột, 2 tầng, 8 mái. Trên bờ nóc được trang trí hình đầu rồng. Hai bên tường đầu hồi trổ cửa sổ tròn theo chữ nhà Phật sắc sắc-không không. Bộ khung nhà chạm trổ các hình hoa sen, lá, mây, rồng theo phong cách Lê Trung Hưng.
Chùa Trung là một ngôi nhà 1 gian 2 chái, hẹp hơn nhưng cao hơn chùa Hạ. Chùa có 2 tầng, 8 mái và được nối với chùa Hạ bằng một đường ống máng chung. Lối trang trí của chùa Trung giống như chùa Hạ.
Chùa Thượng có kích thước và trang trí như chùa Hạ và được nối với chùa Trung bằng một đường ống máng chung. Nhìn từ xa thấy rõ ba tòa nhà nhưng nhìn bên trong có cảm giác là một nhà có nhiều gian.

Sau chùa Thượng là nhà Tổ 5 gian có trang trí chạm trổ đơn giản hơn các chùa. Trong 3 chùa Thượng, Trung, Hạ đều được xây bệ trên đặt các tượng Phật. Ngoài tượng Phật còn có tượng công chúa Từ Hoa, tượng chúa Trịnh Giang, tượng tam tòa Thánh Mẫu và các tượng Ngọc Hoàng, Thổ Thần, Diêm Vương.
Các đồ tế tự như bát hương, lọ độc bình, chóe, chuông, hoành phi, câu đôi... đều cổ kính và có giá trị nghệ thuật. Trong số các pho tượng Phật, tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen ba lớp và tượng Adiđà ngồi thiền trên tòa sen ba lớp cánh, đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, là những pho tượng đẹp nhất của chùa./.(Nguồn: hanoi.vietnamplus)





Truyền thuyết thắng cảnh Cư H’Lăm (Đắk Lắk)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Cư HLăm là tên gọi của di tích theo người Êđê ở Đắk Lắk. Theo tiếng của người Êđê thì Cư có nghĩa là núi, còn HLăm có hai nghĩa: một là để chỉ tội loạn luân, hôn nhân trái đạo đức giữa những người bà con gần, nghĩa thứ 2 là để chỉ một người con gái bị vùi lấp. Khu đồi Cư HLăm là ngọn núi đặc biệt có rừng nguyên sinh, gần với trung tâm thị trấn Cư Mgar và TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Cư HLăm được dân làng ở đây coi là một ngọn núi thiêng với nhiều câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn nhằm lý giải cho tên gọi đó đã tồn tại từ đời này sang đời khác. Trưởng buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk, ông Ama Xý kể lại chuyện từ rất xưa, khi vùng đầm hồ hiện nay nằm ở phía Đông ngọn núi có một buôn làng người Êđê sinh sống. Ngọn núi đã có từ lúc nào không ai biết, cũng chẳng có tên gọi, trên đồi rừng cây rậm rạp, có cả nhiều loài thú dữ như cọp, gấu…

 

 

Ở trong buôn có hai anh em họ Niê tên là Y Đin và HHoan yêu nhau, nguyện cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho đến ngày đầu bạc, răng long. Theo luật tục của người Êđê, anh em cùng họ không được lấy nhau, bởi đó là sự loạn luân, tội lỗi không thể tha thứ, ai vi phạm sẽ bị cả làng bắt tội. Vì thế nên hai người phải chịu sự trừng phạt của buôn làng, phải ăn cơm trong máng heo, làm lễ cúng Yàng (thần) một con heo trắng…

 

Nhưng kỳ lạ thay, khi già làng đang làm lễ khấn nguyện xin tha tội thì bỗng nhiên con heo trắng (đã làm thịt) đang đặt trên bàn cúng vùng dậy chạy đi mất. Con heo chạy đến đâu, tự nhiên buôn làng sụp dần đến đó trở thành vùng đầm lầy nằm ở phía Đông dưới chân đồi núi Cư HLăm hiện nay. Đến khi có dân định cư mới đến thấy vẫn còn những cột nhà họ Niê như để nhắc nhở, giáo dục cho con cháu mai sau không phạm phải sai lầm. Và họ đã đặt tên cho ngọn núi và buôn đó là Cư HLăm (núi có cô gái mắc tội loạn luân).

 

Câu chuyện ấy cũng được truyền nhau, mỗi khi ai đang đi trên núi này, nếu vô tình nhắc đến tên hai anh em họ Y Đin và HHoan thì tự nhiên không biết đường về, cây cối trên núi cũng không ai dám chặt, vì cứ chặt về làm nhà mình thì tự nhiên nhà sẽ bốc cháy. Đặc biệt là dưới thung lũng ở giữa núi thỉnh thoảng có dòng nước chảy ra như suối, xung quanh mọc những cây môn ăn được xuất hiện, người dân bảo đó là nước mắt của cuộc tình… Cây lá ở đây có nhiều màu sắc đẹp, tương truyền ấy là mùa nàng HHoan đang dệt váy áo. Những khi hương hoa rừng toả ra thơm ngát, ấy là khi nàng H’Hoan đang gội tóc trên đồi… Nàng không mất đi mà vẫn đang hiện hữu trên quả đồi, trên từng thân cây, trên từng sắc lá, trong từng mùi hương, trong từng tiếng chim hót ở khu rừng thiêng này.

 

Về Cư Mgar, du khách còn được nghe nhiều di bản khác của truyền thuyết tình yêu giữa nàng H’Hoan và chàng Y Đin. Đây quả là một câu chuyện đầy nhân văn và rất có ý nghĩa trong cuộc sống hiện nay. Rồi cứ thế câu chuyện được truyền miệng mãi, khu rừng nhờ thế vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn...

 

Thực tế Cư HLăm ngày nay nằm trên một địa hình khá bằng phẳng, trong khu vực dân cư đông đúc của thị trấn Cư Mgar. Toàn bộ khu đồi núi có diện tích 18,96ha rừng nguyên sinh, xung quanh dưới triền núi có 32ha cà phê và 0,05ha mương nước cạn không thể sử dụng được nữa. Núi có độ cao ở đỉnh là 524m, so với mặt nước biển, độ dốc bình quân 15 độ. Núi được chia làm 5 tầng, 3 tầng trên là cây gỗ rồi đến tầng cây bụi tái sinh và cuối cùng là tầng thảm cỏ. Nhìn từ hướng Bắc thấy ngọn núi Cư HLăm giống như một chiếc bát úp khổng lồ thấp dần về phía Đông. Quan sát từ trên cao xuống, ngọn núi có hình dạng như một chiếc nón cụt, ở giữa là một thung lũng lòng chảo cây cối rậm rạp.

 

Theo những người dân ở trong vùng cho rằng, đây từng là miệng của một ngọn núi lửa cũ còn sót lại cho đến ngày nay. Đặc biệt, theo nhiều người ở đây cho biết, thỉnh thoảng ở vùng núi có mưa nhẹ, và chỉ riêng ở đây mới có, trong khi đó khu vực xung quanh thời tiết vẫn bình thường. Mặc dù giữa trưa hè oi bức nhưng xung quanh núi, không khí vẫn mát mẻ trong lành. Du khách dạo bước trên núi dưới những vòm cây xanh, thỉnh thoảng điểm vài cây hoa bằng lăng tím, ngắm nhìn những thân cây cổ thụ to đến vài người ôm không xuể, không khí trong lành của thiên nhiên thật khó tả hết. Có thể ví ngọn núi Cư HLăm như chiếc máy điều hoà không khí của thiên nhiên đã ban tặng cho con người ở vùng đất này.

 

Ngoài ra, ở phía Đông của ngọn núi có một vùng đầm hồ với diện tích 15ha, nước biếc quanh năm bốn mùa gợn sóng, mặt hồ còn được tô điểm bằng sắc thắm của các loài hoa sen, súng... Mỗi khi có những đàn chim trời kéo nhau về đây tụ họp thì mặt hồ lại rộn ràng những bản nhạc của thiên nhiên. Du khách cũng có thể đến tham quan buôn Ea Măp A và buôn Ea Măp B cách di tích 1km về hướng Đông...

 

Các cán bộ quản lý di tích thuộc Trung tâm Quản lý di tích, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk khẳng định, rừng nguyên sinh ở Cư HLăm được bảo tồn là dấu ấn văn hóa tâm linh đã in đậm trong tâm khảm của đồng bào Êđê, cư dân bản địa lâu đời ở đây để nhắc nhở, giáo dục mọi thế hệ ghi nhớ ý thức tôn trọng luật tục, tôn trọng luân thường đạo lý, tránh tội loạn luân. Đây không chỉ là việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc mà sâu xa hơn chính là bảo vệ sự sống còn của con người, môi trường, khí hậu, cảnh quan trong khu vực, góp thêm cho "lá phổi xanh" Tây Nguyên. Rừng Cư HLăm còn là cơ sở để giáo dục thực nghiệm, nghiên cứu cho các lớp cán bộ lâm nghiệp, sinh thái môi trường, sinh học.

Ngày 24/9/2009, trên cơ sở xác định được giá trị to lớn nhiều mặt của rừng nguyên sinh Cư HLăm, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định công nhận Cư HLăm là "Di tích danh lam thắng cảnh" cấp tỉnh. Nếu Cư HLăm được đầu tư xây dựng, hy vọng trong tương lai không xa sẽ trở thành một nơi du lịch hấp dẫn ở Tây Nguyên, thu hút được nhiều du khách đến tham quan(Nguồn: dulichvn.org.vn)





Thác thùm thùm: Thắng cảnh đẹp của Bắc Giang

người đăng admin | viết nhận xét

 

Rời đền thượng, men theo con đường uốn lượn dài 3,5km đi qua công trình Hồ Suối Mỡ. Cảnh tượng đầu tiên tràn vào mắt du khách là vẻ đẹp kỳ diệu của thác Thùm Thùm. Là thác cao nhất trong hệ thống thác Suối Mỡ.


Thác được khoác trên mình một tấm áo choàng bằng nước từ trên cao đổ xuống tạo ra những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú và những âm thanh thùng thình, ùm ùm, nghe như tiếng trống trận của nghĩa quân Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn. Chính vì vậy từ xa xưa nhân dân nơi đây đã đặt tên cho thác là Thác Thùm Thùm.

 

Nằm ở vị trí đầu nguồn nên nước nơi đây rất trong và mát, hệ thực vật phát triển đa dạng và  phong phú có những cây rừng vươn mình che cho dòng suối giống như những cô gái đang xòe ô che nắng cho du khách đến tham quan tạo cho nơi đây một khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Đến nơi đây du khách như được hòa mình vào thiên nhiên, núi rừng suối thác để tận hưởng cảm giác thư thái, thoải mái, dễ chịu rất riêng của Suối Mỡ.(Nguồn: website dulichsuoimo)





Di tích chùa Đức La – Bắc Giang

người đăng admin | viết nhận xét

 

Chùa Đức La (hay còn được gọi là Vĩnh Nghiêm Tự) nằm cách Thành phố Bắc Giang 23 km về phía Đông Nam, chùa toạ lạc trên một đối thấp nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn là nơi hợp lưu của sông Thương và sông Lục Nam, phía trước và sau chùa là dãy núi Nham Biền và Huyền Đinh án ngữ.


Chùa Đức La là trung tâm phật giáo lớn từ thời Trần, lịch sử của chùa Đức La gắn liền với vị vua Trần Nhân Tông, là nơi đào tạo các tăng ni phật tử trong cả nước. Đến nay chùa Đức La vẫn mãi là chốn tổ, là điểm cho du khách đến tham quan vãng cảnh, thắp hương lễ phật. 

 

Chùa Đức La còn thờ 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Lễ hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu ở huyện Yên Dũng nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung. Lễ hội chùa La thu hút đông đảo khách thập phương về dự. Với những giá trị nổi bật đó, năm 1964 chùa Đức La được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử -Văn hoá cấp quốc gia.(Nguồn: website du lịch suối mỡ)





Tiên Châu cổ tự và truyền thuyết Bãi Tiên

người đăng admin | viết nhận xét

 

Chùa Tiên Châu tọa lạc trên một cù lao nhỏ, được ôm ấp bởi hai nhánh của dòng Mê Kông hùng vĩ: Sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Tên chính thức của ngôi chùa này là Di Đà tự hay chùa Tô Châu. Sở dĩ gọi là Di Đà tự vì chùa thờ Phật Di Đà, còn gọi là chùa Tô Châu là vì làng Bình Lương (nay là ấp Bình Lương, nơi tọa lạc của ngôi chùa) trước kia có phong cảnh đẹp và thơ mộng với những cây liễu rủ bóng xuống dòng sông phẳng lặng trông rất giống Tô Châu của Trung Quốc nên được gọi là chùa Tô Châu.

Chùa do hòa thượng Đức Hội lập nên vào khoảng thế kỷ thứ 19, với kiến trúc cổ gồm bốn khu: Tiền đường, Chính điện, Trung đường và Hậu tổ. Các gian được bố trí theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo hai chiều ngang, dọc nhờ các kèo dầm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương.

Nội điện chùa được bố trí rất đẹp, giữa tứ trụ là một khánh thờ tượng Phật Di Đà rất lớn. Đấu lưng với khán thờ Phật Di Đà là Phật Di Lặc. Hai bên khán thờ là nơi thờ các vị: Tiêu Diện Vương Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập Điện Minh Vương, Nam Tào Bắc Đẩu, Quan Thánh Đế Quân, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát.

Trung đường là nơi thờ các vị: Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Thích Ca Mâu Ni, Tam Tạng, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị Tổ sư tiền bối và thiện nam, Tín nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên được treo rất nhiều tranh khuyến thiện và những câu đối mang đầy ý nghĩa thâm trầm của nhà Phật.

Qua thời gian, chùa Tiên Châu đã nhiều lần xuống cấp và cũng ngần ấy lần được trùng tu, sửa chữa. Trận chiến Mậu Thân năm 1968 đã gây thiệt hại không nhỏ cho chùa Tiên Châu. Súng đạn từ thị xã Vĩnh Long và từ các tàu chiến đã gây cho chùa loang lổ vết đạn, mái ngói bị đổ sập nhiều nơi. Sau đó, Ban hộ trì Tam Bảo kết hợp với Hội Phật giáo Việt Nam quyết định trùng tu lại ngôi chùa. Theo đó, mặt tiền chùa được xây bằng bê tông, có ba giàn cửa sắt. Trên nóc có năm ngọn tháp nhọn, một tháp lớn ở giữa, bốn tháp nhỏ xung quanh, giữa tháp phía dưới là chữ “Tiên Châu tự”. Hai gian hai bên mặt tiền được xây dựng theo kiểu cổ lầu, bên trong tôn trí tượng Thiện Hữu và Ác Hữu, cũng có hoành phi, câu đối ca tụng. Bộ cửa sắt được thay mới bằng bộ cửa gỗ được đặt đóng từ kinh đô Huế do các nghệ nhân chạm trổ, tạo hình theo điển tích cổ xưa, đã được lắp ráp trang trí trong dịp tết Nhâm Ngọ (2002) tô điểm thêm cho kỳ quan một tác phẩm chạm trổ độc đáo, tinh xảo.

Chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1994. Là một ngôi chùa cổ không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long mà còn nổi tiếng cả vùng đồng bằng châu thổ. Bên cạnh sự nổi tiếng về một di tích, danh lam, kiến trúc…Tiên Châu Cổ Tự còn được biết đến nhiều bởi truyền thuyết Bãi Tiên.

Theo truyền thuyết, làng Bình Lương ngày xưa phong cảnh hữu tình, khí hậu thuận lợi nên nhiều người đến đây lập ấp. Họ rất lương thiện và có cuộc sống cộng đồng rất hòa thuận, nên nơi đây được gọi là làng Bình Lương. Ở làng Bình Lương, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm là chính.

 

Vào một đêm trăng sáng, trai tráng trong làng đều chèo thuyền ra sông đánh bắt cá. Trên bãi cồn, trong một căn lều nhỏ dưới gốc bần, một cụ già nằm thao thức. Từng cơn gió nhẹ thổi vào mát mẻ và se lạnh, mang theo mùi hương thoang thoảng của hoa lá hòa quyện với những âm thanh của côn trùng trong lòng đất tạo thành bản giao hưởng du dương trầm bổng. Cụ nhìn ra xa bãi cát trắng xóa lắp lánh ánh trăng mờ. Ánh trăng bàng bạc cùng với luồng ánh chớp lập lòe là những bóng trắng mờ ảo thướt tha uyển chuyển của bao nàng tiên nữ giáng trần, vui chơi trên bãi cát. Câu chuyện được truyền miệng trong làng và từ đó lan xa trong thiên hạ. Cũng từ đó, bãi cát trên khúc sông này được gọi là Bãi Tiên.

 

 

Ngày nay, cù lao An Bình không còn bãi cát trắng xóa ngày nào. Quang cảnh quanh chùa cũng không còn nên thơ như xưa vì nhà cửa của dân làng mọc lên san sát. Tốc độ đô thị hóa và lối sống đô thị đã phần nào cướp đi vẻ vắng lặng êm ắng của một ngôi cổ tự. Nhưng những gì mà ngày nay chùa Tiên Châu còn giữ được chứng tỏ sự phát triển kinh tế không làm phai nhòa một nơi được coi là di tích cổ xưa, góp phần làm nên địa danh lịch sử - Long Hồ dinh.(Nguồn: dulichvn.org.vn)







News for 22/11/2010


View all news for 22/11/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam