International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

22/11/2010 | RSS Feed

Chùa Thập Tháp Di Ðà: Một danh lam thắng cảnh ở Bình Định

người đăng admin | viết nhận xét


Chùa Thập Tháp Di Đà nằm giữa một vùng quê xanh tươi và yên ả, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 28km về phía bắc, thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngôi chùa cổ kính này do Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập vào năm 1683, tính đến nay đã hơn 300 năm tuổi, trên ngọn đồi mang tên Long Bích, mặt trước chùa là hồ sen rộng 500m2 được xây bằng đá ong, quanh năm sen nở thơm ngát một vùng, bao bọc sau lưng và phía bắc chùa là sông Côn và sông Bàn Khê. Năm 1691, chùa được vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề “Thập Tháp Di Đà tự” và mang tên đó cho tới bây giờ. Bước qua cổng chùa, du khách sẽ đi qua khoảng sân rợp bóng mát của những cây cổ thụ có niên đại hơn 200 năm để vào chùa chính. Chùa được kiến trúc theo hình chữ khẩu, bốn vày, ba gian, hai chái, có hai lớp tường bao bọc xung quanh. Khu vực chính của chùa gồm chính điện, khu phương trượng, khu tây đường và đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, lát gạch vuông với nhiều loài hoa cảnh. Chính điện chùa kết cấu chủ yếu bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo, công phu với hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự. Ngoài kiến trúc bên trong, chùa Thập Tháp còn làm du khách ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc của nhiều thời khác nhau. Như nhiều ngôi chùa ở Đàng trong, chùa Thập Tháp thờ Tam thế Phật, hai bên thờ Tôn Giả A Nan, Ca Diếp, Quan Thế Âm Bồ Tát và Bồ Đề Đạt Ma; chùa còn thờ Thập Bát La Hán và Thập điện Minh Vương. Các pho tượng không chỉ là những tác phẩm độc đáo về nghệ thuật mà còn mang nét dung dị đời thường. Nụ cười, ánh mắt của mỗi pho tượng đều hàm chứa lý thuyết về cõi nhân sinh, cuộc sống và sự vĩnh hằng. Ngoài ra, chùa còn có đôi câu đối do chính chúa Nguyễn Phúc Chu viết ban vào năm 1691 và ba tạng kinh giấy khổ rộng, chữ to bằng ngón tay út. Bộ kinh hết sức cổ, có lẽ được Thiền sư Nguyên Thiều thỉnh từ Trung Hoa sang lúc phụng mệnh chúa Nguyễn về nước vào cuối thế kỷ XVII... Đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Trong tất cả các chùa chiền ở miền Trung được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn thì chùa Thập Tháp ở Bình Định là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, dù cái cũ và cái mới đan xen nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, trang nghiêm. Năm 1990, chùa Thập Tháp Di Đà được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.(Nguồn: website Tourbalo

)




Những ngôi đền nổi tiếng ở Tuyên Quang

người đăng admin | viết nhận xét

Đền Cấm, xã Tràng Đà (thị xã Tuyên Quang), nằm trên nền đất cao, không gian thoáng đãng bên bờ sông Lô, phía sau tựa lưng vào núi Cấm. Từ một ngôi miếu nhỏ, qua nhiều đợt trùng tu, nâng cấp, nay đền Cấm có kiến trúc khang trang.
Gian giữa đặt tượng Bà chúa Thượng ngàn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu; phía trên án thờ treo bức Đại tự Linh Lâm miếu bằng gỗ. Tiếp đến là bức cuốn thư với ba chữ “tối linh từ” (Đền rất linh thiêng). Trước án đặt hai bức tượng ở thế đứng, kích thước như người thực, mặc võ phục, tay cầm kiếm. Đó là tượng Khuyến thiện và Trừ ác. Hai vị đứng đó như khuyên bảo khách thập phương hãy vứt bỏ tà tâm, giữ lòng thanh bạch trước khi bước vào cõi linh thiêng. Bà Chúa Thượng ngàn tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ tì lư, khoác áo choàng màu xanh của núi rừng. Khuôn mặt bà chúa toát lên vẻ vị tha, nhân ái. Phía dưới án là ban thờ ngũ hổ tướng quân, oai phong lẫm liệt, thể hiện sức mạnh thiên nhiên, quan niệm về âm dương ngũ hành. Hằng năm đền có các ngày lễ: Mùng 10 tháng Giêng là lễ Thượng nguyên, giải hạn; mùng 2 tháng 5, ngày Bà chúa bản đền mở tiệc; ngày mùng 10 tháng 4 lễ vào hè, cầu mát; ngày 16 tháng 2 và tháng 7 lễ hoàn cung, có rước tượng Mẫu.

 

Rước mẫu đền Ỷ La.


Đền Thượng
, xã Tràng Đà (thị xã Tuyên Quang), thờ Mẫu thần, được xây dựng năm 1801. Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Ngày lễ lớn của đền là ngày 12-2 âm lịch hàng năm, rước mẫu từ đền Thượng về đền Hạ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hòa, phía sau là những dãy núi trùng điệp. Đến đền Thượng, du khách vừa đi lễ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của phong cảnh nơi đây.


Đền Hạ,
phường Tân Quang (thị xã Tuyên Quang) được xây dựng vào năm 1738, thờ Mẫu thần. Đền có mái đao cong duyên dáng với những biểu tượng rồng phượng đắp nổi trên lớp mái ngói vẩy. Các ngày lễ lớn được diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch. Khu đền nằm bên bờ sông Lô, nơi có khúc sông uốn lượn hình rồng. Di tích mang đậm nghệ thuật kiến trúc tôn giáo. Hiện nay, trong đền còn có nhiều pho tượng cổ có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử cùng nhiều bức tranh chạm khắc có giá trị nghệ thuật cao. Đền Hạ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia năm 1992.


Đền Cảnh Xanh
, phường Minh Xuân (thị xã Tuyên Quang) được xây dựng năm 1935-1936. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ngoài ra, đền còn thờ Đức Thánh Mẫu Thượng ngàn. Bà là vị chúa cai quản vùng núi. Ngày lễ lớn của đền là ngày lễ Thượng nguyên 11-12 tháng Giêng âm lịch, thu hút rất đông khách thập phương. Phong cảnh của đền kỳ thú và trang nghiêm, có cây cổ thụ hàng nghìn năm uy nghi, tuyệt mỹ.


Đền Kiếp Bạc
, phường Tân Quang (thị xã Tuyên Quang), nằm bên bờ sông Lô ở thế địa linh, đầu tựa sơn, chân đạp thủy, phong cảnh hữu tình, tạo cho đền vẻ thanh tao. Đền được xây dựng cuối thế kỷ 19, thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông. Đền được xây dựng theo thuyết phong thủy “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, lấy dòng Lô uốn khúc làm tiền minh đường là nơi tụ thủy, tụ phúc, những mong làm ăn phát đạt, dân khang, vật thịnh; lại lấy ngọn La Sơn làm hậu chẩm tạo thế vững chắc. Hiện đền còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như 2 quả chuông đồng, 13 pho tượng thờ, 4 đạo sắc phong của các triều vua, 2 bức hoành phi, 2 đôi chân đèn, đôi câu đối và bộ bát bửu. Năm 2007, đền Kiếp Bạc được tiến hành trùng tu, tôn tạo, trở thành công trình văn hóa tiêu biểu, là nơi thu hút khách thập phương đến tham quan.


 
Đền Pác Tạ.


Đền Đồng Xuân
, phường Minh Xuân (thị xã Tuyên Quang), được xây dựng cuối thế kỷ 19, thờ Đức Thánh Mẫu Thượng Thiên. Đền lấy núi Cố làm hậu chẩm. Đền ở thế đất cao, cây cối tốt tươi. Đền có kiến trúc hình chữ “Đinh” gồm tòa Tiền đường và Thượng điện, phía ngoài là cổng tam quan. Tòa Tiền đường của đền là công trình kiến trúc ba gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp nổi hình đôi rồng chầu mặt trời. Kiến trúc của tòa Tiền đường khá đơn giản. Tòa Thượng điện là nơi đặt ban thờ Thánh Mẫu Thượng Thiên cùng bộ Tam tòa Thánh Mẫu của đạo thờ Mẫu Việt Nam. Đền Đồng Xuân được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2007.


Đền Ỷ La
, phường Ỷ La (thị xã Tuyên Quang) được xây dựng năm 1747, theo kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau nhiều lần trùng tu, đền hiện còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật quý hiếm có niên đại từ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong hậu cung có bộ tượng Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải Phủ, Mẫu Sơn Trang); trung cung có bộ Ngọc Hoàng (tượng Ngọc Hoàng, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu, Long Vương); bộ Quan Hoàng (quan Hoàng Ba, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười; hệ thống khán thờ, câu đối, sắc phong, chuông đồng… Đền Ỷ La là một di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay, đền Ỷ La đã trở thành một trong những điểm du lịch của thị xã để du khách thập phương đến thăm viếng, lễ đền tỏ lòng thành kính.


Đền Pác Tạ
, xã Vĩnh Yên, thị trấn Nà Hang. Đền được xây dựng vào thế kỷ 14, đền nằm dưới chân núi Pác Tạ, cửa đền quay ra hướng nam trông ra dòng sông Gâm tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đền thờ phụng vị hôn thê của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai - năm 1285. Người dân đến với Pác Tạ linh từ để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong cuộc sống bình yên, dân khang, vật thịnh. Núi Pác Tạ, đền Pác Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn.


Đền Bắc Mục
, xã Nhân Mục (Hàm Yên) được xây dựng năm 1738 thờ phụng vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Đây cũng là nơi thờ Thánh Mẫu theo truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương. Đền được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền Bắc Mục không chỉ là dấu tích văn hóa lịch sử lâu đời mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm, tôn thờ những người có công với nước.


 
Đền Thác Cái.

Đền Thác Cái, xã Yên Phú (Hàm Yên) được xây dựng từ thế kỷ 19. Lúc đầu là một miếu nhỏ nằm sát bờ sông Lô. Năm 1905, được trùng tu, xây dựng lại. Đền có bia đề “Đại than thủy khẩu cảm ứng long mẫu Quỳnh Nương thần vị”. Do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đền còn được thờ thêm Bà chúa Thượng ngàn. Đền có địa thế đẹp, mặt tiền nhìn xuống dòng Lô, lưng tựa vào núi Đền hùng vĩ có nhiều cây cao cổ thụ, không khí trong lành mát mẻ, tĩnh mịch, tạo cho du khách đến tham quan, vãn cảnh nghỉ ngơi, tu nhân tích đức.(Nguồn: Báo Tuyên Quang)


 





Vãn cảnh Tử Trầm Sơn – Hà Nội

người đăng admin | viết nhận xét

 

Chỉ rẽ phải một cây số tính từ đường 6 giữa thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) là du khách đã phảng phất một cảm giác xưa cũ...Con đường nhỏ cuốn vòng theo chân quả núi thấp (người dân trong vùng gọi là núi Con Phượng), đưa ta đến dãy núi đá vôi trổ lừng lững và uyển chuyển giữa một vùng đất phẳng: Núi Tử Trầm, còn gọi là núi Con Rồng.

Nhìn từ xa đến gần, từ các hướng khác nhau vào các thời điểm trong ngày, "con rồng" đều có những hình thù và ánh sắc kỳ lạ. Gióng sang từ núi Phượng, núi Rồng là núi Lân, núi Rùa, hợp hình thế tạo nên một vùng sơn thanh cảnh tú của vùng Phụng Châu, Chương Mỹ. Chỉ cách trung tâm thủ đô chừng hai chục cây số mà màu xanh và cảnh quan nơi đây đã xua tan những mệt nhọc.

Núi Tử Trầm có chùa Trầm xây dựng từ thế kỷ 16, hài hoà bên đá lớn hoang sơ, có đình văn bia, đền mẫu, hang Long Tiên tối thẳm, mát lạnh, có hệ thống tượng cổ phong phú và "đường lên trời" le lói sáng. Gióng sang một chút ở phía Bắc, một núi đá nhỏ um tùm cây lá đứng đơn lẻ, theo bậc đá xoắn ốc lên đỉnh là Vô Vi - ngôi chùa rất nhỏ, tương truyền có từ thế kỷ X. Bên vách chùa, chênh vênh gần ngọn núi là đình Nghinh Phong vi vút gió.

Xuống núi theo đường nhỏ đi giữa cỏ cây và nước trong bến Long Châu ở thôn Long Châu, người đi sẽ lại hoà vào một đời sống êm lặng, có hơi thở xa xưa. Rải rác trong làng, chỗ này là ban thờ đá còn nguyên cặp voi đá, khuất đằng kia, sau chùa Long Tiên là giếng đá cổ nước trong vắt. Gần đấy, đình cổ trên nền đất cao có nhiều mảng đắp hình voi, ngựa, rồng và gắn sứ trên mái hết sức uyển chuyển, sinh động. Một giếng cổ nhỏ nữa chạm hoa văn trên miệng ở cuối đoạn đường này, ngay phía trước một chiếc cổng đá rất đẹp.

Từ chốn "thâm sơn" này, lại có những con đường đưa người ham chơi sang chùa Trăm Gian, đi nữa lại đến được động Hoàng Xá giữa thị trấn Quốc Oai, rồi tiện đường mà sang chùa Thầy huyền thoại, ở trong cả một xứ Đoài với hàng trăm chùa chiền, đình đền văn hiến...(Nguồn: website Quê hương)





Huyền ảo động Thiên Long - Hòa Bình

người đăng admin | viết nhận xét

Ðộng Thiên Long nằm ở lưng chừng núi đá thuộc xã Lạc Lương, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Ðộng gồm có một động chính (chính cung) và hai ngách động nhỏ (tả cung và hữu cung). Cửa động hơi chếch lên đỉnh núi nên ánh sáng trời lọt vào tầm 15 mét, tạo cảnh mờ ảo càng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên trong động.

 

Từ cửa hang xuống lòng động phải bước qua chiếc thang dài 15 mét. Vòm động cao, lòng động gồ ghề dốc về phía trong, đất bồi lòng động màu vàng thẫm. Chính cung như một toà lâu đài vừa trang nghiêm, vừa huyền bí, mờ mờ, ảo ảo làm du khách đắm mình trong suy tưởng về cái đẹp "thiên hình, vạn trạng" của đá núi, của chốn thần tiên. Sâu vào trong, du khách dừng chân bên thềm đá, nhìn chếch lên sẽ thấy nhiều nhũ đá nối tiếp nhau tầng tầng, lớp lớp trông mềm mại như những bậc thang mây. Giữa lòng động- ngay chính diện là bàn thờ Quan âm bồ tát cùng các tượng phật uy nghiêm. Ðáng chú ý là những khối nhũ đá buông lửng, trông sừng sững như bức tường thành che chắn. Khi đến gần, bức tường thành mở ra, không ngờ ta lại thấy một thế giới khác lạ.

Rời chính cung, du khách lần đi chầm chậm xuống tả cung. Tả cung không có ánh sáng lọt vào, một không gian tĩnh mịch bao trùm lên tất cả. Các khối đá to, nhỏ xếp đặt một cách hài hoà, khối thì trông tựa một dòng thác hung dữ đang chảy ào ạt từ trên dội xuống, khối thì giống con voi, con ngựa, con chim lạc, con sư tử... Từ giữa tả cung, du khách lần đi chầm chậm lách mình trườn lên thềm hữu cung. Dưới nền hữu cung là cả một bãi san hô vươn trải ra, lớp nọ nối lớp kia, óng ánh như những hạt sương rơi, lại có đoạn như những thửa ruộng bậc thang, các bờ ruộng tựa con rồng lượn quanh co bên hồ nước.

Thiên nhiên đã tạo lập và ban phát cho động Thiên Long những khối nhũ đá kỳ lạ như hiện thân của cuộc sống sôi động, hoang dã cách hàng triệu năm về trước. Những kiệt tác của thiên nhiên làm đắm say lòng người như muốn níu kéo bước chân du khách.

Ðộng Thiên Long nằm trong một quần thể các điểm di tích của huyện Yên Thuỷ như chùa Hang, đền Vó- Xăm, Hang nước và động Thiên Tôn. Ðặc biệt, gần tuyến với Vườn quốc gia Cúc Phương, vì thế động Thiên Long sẽ là thắng cảnh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.(Nguồn: website Tourdulich)





Thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

người đăng admin | viết nhận xét

Bảo tàng Dân Tộc Học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý giá về văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam mà còn là một điểm đến hết sức lý thú đối với chính những người Việt Nam.
Ý định thành lập bảo tàng đã có từ năm 1987 nhưng mãi đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ mới ra quyết định chính thức về việc xây dựng bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngày 12 tháng 11 năm 1997, bảo tàng chính thức được khánh thành. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam toạ lạc trên một khu đất rộng, cách trung tâm thủ đô chừng 8km.

Về chức năng, Bảo tàng là nơi nghiên cứu khoa học về các dân tộc Việt Nam, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu và khai thác những giá trị lịch sử - văn hóa của các dân tộc, đồng thời cung cấp tư liệu dân tộc học và đào tạo cán bộ. Bảo tàng bao gồm một nhà triển lãm lớn là một toà nhà 2 tầng có dáng mô phỏng hình trống đồng - biểu tượng của nền văn minh Việt Nam.

Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quí giá về văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam gồm 15.000 hiện vật, 42.000 phim. Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, đồ trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác...

Ở ngay trong lòng thủ đô Hà Nội, với một chuyến tham quan khoảng 2 giờ đồng hồ tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bạn không chỉ được ngắm tranh, ảnh, xem phim tư liệu mà còn được tận mắt chứng kiến những hiện vật sống động và những nét đặc sắc nhất trong văn hóa các dân tộc Việt. Ngoài những cổ vật đắt tiền, ở đây trưng bày nhiều hiện vật rất bình thường trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu...phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sáng tạo văn hoá của mỗi cộng đồng dân cư.

Ngoài ra còn có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo - tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác… Mỗi hiện vật đều có chú thích ghi rõ tên gọi hiện vật, đồng thời cho biết dân tộc và xứ sở sản sinh ra nó. Những nét văn hóa truyền thống từ ăn, ở, đi lại, sinh hoạt của các dân tộc đều được giới thiệu thông qua những chi tiết tiêu biểu nhất, giúp người xem nhận ra nét đặc trưng của mỗi dân tộc.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn là điểm dã ngoại ngoài trời thú vị đối với những gia đình trong những ngày cuối tuần. Khu trưng bày ngoài trời với những mẫu nhà đặc trưng của mỗi dân tộc thực sự là nét sinh động cho việc học tập, nghiên cứu của các em học sinh cũng như những người nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục, tập quán của các dân tộc. Để phục vụ đầy đủ khách tham quan, các bài viết cũng như các chú thích được viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật…

Bên ngoài là một khuôn viên khá rộng và đẹp được dùng làm không gian trưng bày ngoài trời, giới thiệu những phong cách kiến trúc đặc trưng nhất của các dân tộc ở Việt Nam. Có 9 công trình kiến trúc dân gian như: nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Ê Đê, nhà sàn của người Tày, nhà Rông…

Để giúp đỡ khách tham quan, trong mỗi khu nhà đều có nhân viên hướng dẫn hoặc các tình nguyện viên rất thân thiện và cởi mở. Du khách có thể ghi lại những ấn tượng của mình vào những cuốn sổ ghi cảm tưởng đặt tại mỗi địa điểm, hoặc có thể ghi lại những bức hình thật độc đáo tạo chuyến thăm quan.

Với cảnh quan đẹp, không gian thoáng mát, lại có nhiều góc rất ấn tượng. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn múa rối nước, góp phần vào việc bảo lưu vốn văn hóa dân tộc. Với những hoạt động đã đang và sẽ được thực hiện trong tương lai, có thể nói Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

 

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa là một cơ sở khoa học vừa là một trung tâm văn hóa có tính khoa học cao và tính xã hội rộng lớn . Đây là nơi hội tụ tất cả những giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần của hơn 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam. Với những giá trị vừa cổ điển, vừa hiện đại, thể hiện nét điển hình của dân tộc Việt, nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn, thú vị của du khách không chỉ trong và ngoài nước quan tâm đến văn hóa và các dân tộc Việt Nam.(Nguồn: Báo Bắc Kạn)

 






Định Hóa (Thái Nguyên) - mảnh đất của lịch sử

người đăng admin | viết nhận xét


 

Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn huyện có tám dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày đông nhất chiếm gần 50% dân số. Mặc dù nhiều dân tộc với phong tục, tập quán khác nhau nhưng nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết vượt qua khó khăn xây  dựng và bảo vệ quê hương.

 


 

Định Hóa nằm ở trung tâm vùng Việt Bắc, có nhiều đường bộ đi các địa phương có thể lên biên giới phía Bắc, đi Tây Bắc, Đông Bắc tới trung du, xuống đồng bằng thuận lợi. Từ xa xưa về mặt quân sự Định Hóa luôn là địa bàn chiến lược quan trọng,  tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Để tồn tại và phát triển, nhân dân Định Hóa ngoài việc phải đấu tranh chế ngự thiên nhiên còn phải thường xuyên đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Trong  gần 10 thế kỷ (thế kỷ I đến thế kỷ X) dưới ách thống trị của phong kiến Trung Quốc nhân dân Định Hóa góp phần cùng nhân dân cả nước kiên cường, bền bỉ chống lại ách nô dịch và âm mưu đồng hóa của chúng. Gần 10 thế kỷ tiếp theo (thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII) các dân tộc Định Hóa lại cùng nhân dân cả nước đánh bại nhiều cuộc xâm lược của ngoại bang.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau khi chiếm thành Thái Nguyên tháng 5/1884 và bình định các vùng lân cận, tháng 10/1886 Pháp đánh chiếm Định Hóa. Trước sự xâm lược của thực dân Pháp nhân dân Định Hóa lại đoàn kết vùng lên chống Pháp. Sau khi Đảng ta ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Định Hóa phát triển mạnh mẽ. Cùng với nhân dân cả nước tháng 8/1945 nhân dân các dân tộc trong huyện nổi dậy giành chính quyền cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc, do có vị trí chiến lược đặc biệt Định Hóa được chọn làm căn cứ địa nơi các cơ quan đầu não kháng chiến, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, và Nhà nước ở và làm việc. Tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa, người đặt đại bản doanh ở đồi Khau Tý xã Điềm Mặc. Xã Phú Đình là nơi Bác ở nhiều lần trong nhiều năm tháng, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh có những quyết định quan trọng: Nà Lọm là nơi Bác chủ trì họp Hội đồng Chính phủ, làm lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đồi Tỉn Keo dưới chân đèo De là nơi Bác chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi Nà Đình, Khuôn Tát là nơi Bác ở và làm việc nhiều thời kỳ, nơi các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… thường đến làm việc với Bác…Tại ATK Định Hóa, Tổng bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng chủ yếu làm việc trong các bản làng, các vạt rừng ở xã Điềm Mặc, xã Phú Đình…Nhiều cơ quan Trung ương đều ở và làm việc tại Định Hóa…

Mảnh đất ATK Định Hóa trong những năm kháng chiến còn là nơi ra đời nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ, Mặt trật Việt Minh, mặt trật Liên Việt…Trong những năm tháng ấy, nhân dân các dân tộc Định Hóa đã nhường nhà, giúp đỡ bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên 3.000 con em nhân dân các dân tộc Định Hóa đã lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, hàng trăm người đã chiến đấu hy sinh anh dũng hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Định Hóa và nhiều xã trong huyện được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Đến với Định Hóa là đến với vùng đất của lịch sử. Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa trong thời kỳ chống Pháp nơi ở và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh, nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân, Nhà tù Chợ chu… đã được xếp hạng cấp Quốc gia, được phục hồi tôn tạo để hàng năm đón tiếp lớp lớp du khách hành hương về nguồn cội.(Nguồn: Báo Thái Nguyên)

 






Những hang động kỳ bí trên núi Chi Đảy - Sơn La

người đăng admin | viết nhận xét

Từ Quốc lộ 6, rẽ vào con đường đi qua xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, rồi tiếp tục vượt qua đèo Cà Nài khoảng 15km đường trải nhựa phẳng lỳ thì đến bản Đán thuộc xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ở đây có những hang động tuyệt đẹp, còn mang nét nguyên sơ mới được phát hiện trên núi Chi Đảy, là một thắng cảnh thiên nhiên kì thú, thật sự là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Sơn La. Nằm trên độ cao khoảng 100m kể từ chân núi, hang động 1 và 2 nằm kề nhau, cách khoảng 200m là hang động 3, nhưng phải vượt lên đỉnh núi qua sườn bên kia mới tới cửa hang.


Hang động 1 và 2, điện được kéo đến thắp sáng đến từng ngách nên việc thưởng lãm khá dễ dàng. Dưới ánh điện, những cụm nhũ đá trắng rủ từ nóc hang xuống lung linh, tực rỡ sắc màu óng ánh. Dưới lòng hang có khá nhiều hòn đá tròn hình thù giống hệt quả na với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau nằm rải rác dưới nền đá. Đi sâu vào bên trong, bên những khối nhũ lớn là vô số hòn đá tròn nhỏ như quả mận rải khắp nơi, phía dưới là những thửa đá có bờ trông giống như ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao và xen kẽ là những vũng sâu hơn, nhìn tựa ao hồ.

Dọc lối đi có những khối đá hình thù giống con rùa, cây bụt mọc, tòa sen. Trên nóc hang những chùm nhũ đã rủ xuống trông như những chiếc đèn chùm lộng lẫy. Rời động 1 và 2, bạn phải bám đá leo lên đỉnh núi, rồi theo hàng lan can buộc tạm bằng các cây gỗ nhỏ để đến động 3. Cũng như những hang động trước, ở đây được bố trí một bàn nhang khá lớn để khách đặt lễ, thắp hương cầu may mắn và đóng góp công đức. Hiện nay, 3 động được đặt tên mới là: động Trình, động Mẫu Giáng Thiên và động Thiên Cung.

Để đến tận cùng động 3, nhiều chỗ phải lách qua ngách đá chỉ lọt đủ một người, nhưng sau đó hang lại mở ra không gian rộng lớn, tỏa xuống là những dải nhũ lấp lánh. Điểm thu hút nhất phía cuối động là khối đá trắng với hàng trăm dải nhũ đá rủ xuống tựa con voi trắng khổng lồ, Mỗi khi ánh sáng chiếu vào, khối đá lại ánh lên tia lấp lánh Những thanh nhũ đá lớn như bàn phím của chiếc đàn khổng lồ, gõ nhẹ, những âm thanh phát ra âm vang tiếng cồng chiêng, ước chừng động này dài tới gần 0,5km.

Hệ thống hang động trên núi Chi Đảy là một tuyệt tác thiên nhiên, trong hang lúc nào cũng ấm áp, nhiệt độ cao hơn các hang khác vài độ C. Trong hang còn có rất nhiều cột đá hình nét hoa văn, cao đến tận trần hang cứ như ai đó dựng nên những cái cột chống trời rất hùng vĩ đẹp lạ lùng. Hang có bốn khoang lớn ngăn cách nhau bằng những khe cửa đá hẹp, cứ như những căn phòng của các tiên nữ giáng trần trú ngụ.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai – Phú Yên

người đăng admin | viết nhận xét

 

Từ TP.Tuy Hoà đi về phía Tây khoảng 80 km theo quốc lộ 25, đến địa phận xã Suối Trai và Krông Pa của huyện Sơn Hoà, du khách sẽ gặp những cánh rừng bạt ngàn của Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai.

Khu bảo tồn có tổng diện tích tự nhiên trên 22.000 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm 12.340 ha. Nơi đây có những hệ sinh thái chuyển tiếp giữa vùng Đông và Tây dãy Trường Sơn, nên hệ động thực vật khá phong phú và đa dạng. Đồng thời, nơi đây vẫn còn bảo tồn nhiều nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (Chăm, ê đê, Ba na): lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ hội mùa, lễ mừng sức khoẻ và các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian đặc sắc.  Với vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, nên Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hoá.(Nguồn: website du lịch Phú Yên)






Thác Nà Khoang: Di tích danh lam thắng cảnh của Bắc Kạn

người đăng admin | viết nhận xét

Thác Nà Khoang nằm ở chân Đèo Gió, cạnh Quốc lộ 3, cách trung tâm thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn 6 km. Khu vực thác có diện tích khoảng 12 ha, là nơi hợp thành của 2 con suối lớn, đó là dòng suối Nà Đeng chảy qua khe núi Lũng Chang, con suối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh núi Phia Sliểng chảy từ hướng Tây Nam xuống khoảng 88 m thì hợp thủy với dòng suối Nà Đeng, với độ dốc lớn đã tạo thành hệ thống thác 4 tầng dài khoảng 600m, chiều rộng trung bình 15m, sau đó chảy xuống suối Bản Mạch.


Phía trên thác còn có một hồ nước nhỏ trong xanh là địa điểm tắm lý tưởng cho những ai muốn tránh sự ồn ào, đắm mình trong thiên nhiên. Khu vực xung quanh thác chủ yếu là rừng tái sinh, có độ che phủ trung bình từ 75 đến 85%, về động vật có nhiều loài chim, sóc, bò sát, cá sinh sống. Cư dân ở đây đều là dân tộc Mông, Dao hiện đang lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống như trang phục, tín ngưỡng, các làn điện dân ca, dân vũ, tạo thêm sự đa dạng, phong phú làm sinh động môi trường văn hóa nơi đây.

Với phong cảnh đẹp, hấp dẫn, khí hậu mát mẻ, trong lành và có giá trị nghiên cứu về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái, thác Nà Khoang đã được UBND tỉnh công nhận là di tích danh lam thắng cảnh của tỉnh. Hiện nay, khu vực thác Nà Khoang đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn Bắc Hải Hà đầu tư xây dựng một số hạng mục và khai thác phục vụ khách du lịch như xây kè, mở đường mòn theo hai bờ suối, đường đến bãi tắm, nhà ăn, nhà nghỉ tạm...; trong tương lai, sẽ đầu tư nâng cấp thành nhà nghỉ hiện đại, khu vui chơi thể thao giải trí lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ mát của du khách gần xa.(Nguồn: website Bắc Kạn)





Cổ kinh chùa Nôm – Hưng Yên

người đăng admin | viết nhận xét

 

Theo truyền thuyết thì xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ. Phải chăng sự linh thiêng của ngôi chùa, cũng như của đạo Phật, cộng với sự tốt tươi của ngàn thông trên mảnh đất này, mà có tên “Linh thông cổ tự”.

Tiếng ve râm ran giữa ngày hè oi ả như bản hoà tấu của thiên nhiên trong khu vườn chùa xanh đậm bóng cây cổ thụ.

Chùa Nôm, tên tự là “Linh thông cổ tự” ngự ở làng Nôm, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thuộc thiền phái Lâm Tế. Chùa trước đây là ngôi đại tự hoành tráng thuộc miền Kinh Bắc, nay là Hưng Yên.

Chùa nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Đó là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức, nâng bước chân thiện nam tín nữ đến với chùa.

Đó là làng nghề đúc đồng truyền thống nên trước cổng chùa từ xưa đã trở thành nơi họp chợ mua bán các nguyên liệu phục vụ làng nghề. Người dân ở đây vẫn lưu truyền câu ca: “Đồng nát thì về cầu Nôm. Con gái nỏ mồm về ở với cha”.

Chùa Nôm được xây dựng từ bao giờ không ai còn nhớ. Hiện nay chùa còn bảo tồn được hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu vô cùng quý báu: Thời Hậu Lê, đời Chính Hoà, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa này.

Tiếp theo vào các năm Nhâm Thân (1692), Giáp Tuất (1694), Đinh Sửu (1697), Mậu Dần (1698), Kỷ Mão (1699) tiếp tục tu sửa lại tiền đường, Hậu cung và hành lang. Năm Chính Hoà thứ 21 (1700) chùa được sửa lại các cột trụ, tạo thêm tượng, mở rộng sân chùa. Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) chùa xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hàng lang.

Thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa Nôm lại được trùng tu thêm một lần nữa. 100 năm sau lần trùng tu này, qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử cũng như sự phá huỷ của thiên nhiên bão tố, Chùa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tháng 9/1998, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm đại đức Thích Đồng Huệ về trụ trì tại chùa. Từ đó đến nay, đại đức đã cùng Chính quyền, đoàn thể và nhân dân xây dựng lại ngôi chùa ngày càng khang trang, phù hợp với cảnh quan và quần thể di tích tại ngôi làng cổ.

Quần thể di tích làng Nôm cổ kính có những ngôi nhà cổ, có chợ Nôm, Cầu Nôm, đình Tam Giang và đặc biệt là Chùa Nôm – nơi bảo tồn gần như nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ.

Đây chính là một quần thể di tích lịch sử văn hoá có các yếu tố cơ bản tạo thành một làng quê tiêu biểu của Việt Nam.

 

Ngày 12/2/1994, Bộ Văn hoá thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cho quần thể di tích này.(Nguồn: website báo Tây Ninh)

 

 






Sức hấp dẫn khác lạ của gành đá Lộ Diêu (Bình Định)

người đăng admin | viết nhận xét

Gành đá Lộ Diêu với bãi cát vàng Bang Bang hoang sơ chạy quanh gành đá và những sản vật thiên nhiên sẵn có đã tạo cho nơi đây sức hấp dẫn khác lạ.

 

Mất chừng 20 phút đi xe máy từ cầu Bồng Sơn, theo đường giao thông ĐT 639 liên xã Hoài Mỹ về phía biển, qua con đèo được làm bằng bêtông ximăng là bạn có thể đến chân gành đá Lộ Diêu, thuộc địa phận thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Nơi đây, trước khi chưa có con đường bêtông ĐT 639 chạy ven biển, để có thể qua phía bên kia đèo đón xe đò, người dân phải đi bộ qua đèo Lộ Diêu từ 2g sáng và mất đến 4 tiếng đồng hồ mới ra được đến đường cái. Vì đường xe cách trở như vậy nên Lộ Diêu vẫn giữ được vẻ hoang sơ của mình suốt hàng trăm năm nay.

Với địa hình 3 phía là núi, trước mặt là biển, nên trong kháng chiến chống Mỹ, Lộ Diêu được chọn là nơi tàu không số của cách mạng đưa một lượng lớn súng ống, đạn dược và lương thực từ miền Bắc tiếp tế cho bộ đội ta tiến vào miền Nam, giải phóng đất nước. Trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù, Lộ Diêu được xem là vùng “đất thép”, cái nôi của cách mạng với hàng trăm liệt sĩ đã anh dũng hi sinh nơi mảnh đất này.

Nhìn từ xa, cảnh đẹp hoang sơ, sạch sẽ đến không ngờ của bãi Bang Bang và gành đá Lộ Diêu còn giữ được nguyên vẹn do chưa có bất kỳ một dịch vụ nào phục vụ cho du lịch. Quá trình hình thành và mài mòn của tự nhiên đã biến các gành đá nơi đây thành nhiều hình thù kỳ thú và lạ mắt. Hòn Trông, với hình tượng người phụ nữ cùng con trông ngóng chồng trong mỗi mùa đi biển là biểu tượng đặc trưng của gành đá Lộ Diêu.

Trên sườn núi chạy dài ra biển, Lăng Ông - miếu thờ cá Ông (cá voi - PV) - được người dân trông giữ cẩn thận. Theo lão ngư Nguyễn Văn Nghiềm, Lăng Ông có từ bao giờ không rõ, nhưng theo các cụ cao niên trong thôn thì từ khi sinh ra đã thấy có Lăng Ông. Và cứ hai năm một lần, ngư dân các nơi về đây làm lễ thờ cúng rất linh thiêng, từ lễ Cầu ngư đến hát Bả trạo, lễ Ra khơi… Trong chiến tranh, ngọn núi nơi Lăng Ông án ngữ bị bom giội đứt làm đôi, bom cháy ngay sau miếu mấy ngày, nhưng Lăng Ông chỉ bị cháy xém 1 góc rồi tự tắt, mặc dù lăng làm toàn bằng gỗ. Hiện Lăng Ông đang lưu giữ trên 5 bộ xương cá Ông được ngư dân chôn cất, cải táng rồi đưa về đây.

Mùa nào thức ấy, nơi đây đã nuôi sống bao thế hệ người dân Lộ Diêu. Theo ngư dân bản địa cho biết, cứ đến tháng 7 hàng năm, là mùa mối đất bay về, nhiều đến mức chỉ cần để một chậu nước dưới bóng đèn, một lúc sau ta có thể vớt lên được một rổ mối, con nào con nấy to bằng đầu đũa, chỉ cần rang lên với hành và mỡ, ăn cùng với bánh tráng là ta có ngay một bữa nhậu. Ngoài ra, con còng (dã tràng) nơi đây nhiều không kể xiết, tối đến chỉ cần một chiếc đèn pin là có thể dễ dàng bắt được chú còng to bằng chén uống trà. Chính vì vậy, còng rang me hay nấu bún riêu cũng là sản vật đặc trưng của Lộ Diêu. 

Còn cá tươi thì luôn sẵn có, du khách chỉ cần vác cần câu ra biển, ngồi trên gành đá ngắm cảnh vật cũng có thể có ngay rổ cá chang đem nấu với lá giang hái sau hè (một loại lá cây dây leo có vị chua như lá me nhưng thanh và mát hơn chỉ có ở miền Trung - PV), hay cá hồng nướng, ốc đá trộn...với vài lon bia là ta đã có ngay bữa ăn mang đủ các hương vị biển, dân dã nhưng không kém phần bổ dưỡng. Có lẽ thức ăn dễ kiếm như vậy, nên chợ ở đây không mấy phát triển và rất nghèo nàn. Người dân bao đời sống đơn giản với sóng nước, không khó khăn để kiếm miếng ăn nhưng lại không giàu được.

Mặc dù hiếm có nơi nào còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như gành đá Lộ Diêu, nhưng để phát triển nơi đây thành điểm du lịch biển rất cần sự đầu tư của ngành du lịch tỉnh Bình Định và ý thức tự bảo vệ của người dân.  (Nguồn: Báo LĐ)






News for 09/11/2010


View all news for 09/11/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao