International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

07/12/2010 | RSS Feed

Núi Vọng Phu (Thanh Hóa): Biểu tượng chung thủy của người phụ nữ

người đăng admin | viết nhận xét

Ðến Thanh Hóa, bạn sẽ thấy trên đỉnh núi Nhồi một cột đá đứng sững cao khoảng 20m giống hình người phụ nữ ôm con, dân địa phương gọi là hòn Vọng Phu. Thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hoá 3km về phía Tây Nam, hình tượng này gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hoá đá.

Trước kia núi này gọi là núi Khế - Nhuệ Sơn (thôn Nhuệ), chu vi khoảng 4.000m, là một ngọn núi đá vôi được thiên nhiên tạo nên hình một người phụ nữ đang quay mặt về phía biển Đông. Theo truyền thuyết kể rằng: ngày xưa có một "chàng tuồi trẻ vốn dòng hào kiệt " yêu một cô gái nết na, xinh đẹp nhất vùng. Họ kết duyên với nhau và sống quấn quít bên nhau rất hạnh phúc, nàng dệt cửi quay tơ, chàng dùi mài kinh sử chờ ngày ra kinh đô ứng thí.

Khi nàng sanh được 1 đứa con gái xinh xắn thì quân giặc tràn đến xâm lấn cõi bờ. Chàng trai đành xếp bút nghiên, từ tạ người vợ trẻ lên đường ra biên ải rồi hy sinh ngoài chiến địa. Ở quê nhà nàng chinh phụ ôm con đợi chờ rồi hóa đá thành núi Vọng Phu, những giọt lệ của nàng rơi xuống hóa thành sông, có tên là sông Cái chảy vào sông Dinh để ra biển. Hình ảnh núi Vọng Phu cũng vì thế mà trở thành biểu tượng đẹp, thành đề tài trong các câu hát dân gian xưa cũng như trong những sáng tác văn chương, nhạc hoạ của các nghệ sĩ sau này.

Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời, bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này tương tự hình người, từ xa khoảng 50km vẫn còn trông rõ hình tượng người mẹ hoá đá đang bồng đứa con, phóng tầm mắt ra biển khơi mong chờ người chồng trong vô vọng.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Vẻ đẹp Pu Sam Cáp (Lai Châu)

người đăng admin | viết nhận xét

 

 

 

Đến với Lai Châu du khách không những đắm mình trong khung cảnh núi non hùng vĩ, những cung đèo quanh co uốn lượn ngụp lặn trong những đám mây, hay say sưa khám phá những nét văn hoá của 20 dân tộc anh em, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của quần thể hang động Pu Sam Cáp.


 

Quần thể hang động Pu Sam Cáp gồm 3 động: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh; nằm cách thị xã Lai Châu chừng 7km men theo đường tỉnh lộ 129 đi Sìn Hồ. Hoang sơ, huyền bí, động Thiên Môn hiện ra với vòm cửa lớn, trong sâu hun hút. Dò dẫm trong khoảng tối huyền bí ấy ta như cảm nhận được hơi lạnh từ đá toả ra, sự hứng thú trên mỗi bước chân với trò đùa của màn đêm. Từng giọt nước từ nhũ đá nhỏ xuống nghe tí tách, có khi rơi vào mặt, vào tóc du khách tạo cảm giác như đi trong cơn mưa đầu mùa hạ. Khi đến trung tâm động Thiên Môn, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi vòm hang cao, rộng, nền động như mặt hồ gợn sóng với hàng nghìn nền bĩ nhũ. Những giọt nước từ vòm hang rơi xuống tí tách như một bản giao hưởng thính phòng êm ái. Đến cuối động một cột sáng chiếu xuống tạo nên một khoảng không gian tương phản sáng tối mờ mờ ảo ảo. Vượt qua khoảng sáng ấy, du khách lại được thưởng thức một cảm giác mạo hiểm. Lối đi men theo vách đá trơn trượt chỉ đủ cho một người, làm cho du khách phải tỉ mỉ và cẩn thận đến từng bước chân nếu không thì sẽ ngã.

Đi hết động Thiên Môn, chúng ta đến với động Thiên Đường. Động hiện ra trước mắt với đường xuống thật cheo leo, hiểm trở, du khách sẽ tìm được cảm giác mạnh bởi phải bám vào một sợi dây leo mem theo những sườn vách đá. Động Thiên Đường như món quà kì diệu được tạo hoá ban tặng để trí tưởng tượng của du khách sẽ được phát huy khi bắt gặp những nhũ đá được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí. Những đường cong uốn lượn như những thửa ruộng bậc thang. Đi sâu vào bên trong, ta cảm giác như lạc vào tiên bồng, với nhiều hình thù kỳ vĩ những nhũ đá như một giàn hoa với đủ các loài của vùng đất Tây Bắc như: hoa lan, hoa ban... tất cả tạo nên một sức hút. Những cột nhũ đá với hoa văn uốn lượt quanh hồ nước trong vắt được tạc bởi “bàn tay” thiên nhiên. Một cột nhũ vàng đứng sừng sững, phía trên xoè ra rồi rủ xuống như hình chiếc lọng, mọi người vẫn gọi đó là "thiên lọng". Tiếp tục đi vào phía trong du khách bắt gặp một suối nhũ hiện ra với những hình thù kỳ lạ. Mỗi người có thể tưởng tượng ra một hình khác nhau như: ông phúc, ông thọ, cột chống trời, cột vàng, cột bạc hay trống đồng... Đến cuối động ta choáng ngợp bởi một cung điện nguy nga, lộng lẫy, với những cột nhũ cả mấy người ôm như được dát vàng óng ánh của tạo hóa.

Hiện nay Công ty Cổ phần Pu Sam Cáp chưa mở cửa khai thác động Thủy Tinh. Động Thủy Tinh hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn với du khách ưa mạo hiểm chinh phục.

 

Khoảng nửa ngày khám phá hang động đầy hứng thú, du khách còn được thả hồn mình vào thiên nhiên hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh và thưởng thức tiếng nhạc rừng của buổi chiều tà được tạo nên bởi tiếng chim hót véo von trên những cánh rừng nguyên sinh. Quần thể hang động Pu Sam Cáp đầy bí hiểm đã để lại trong lòng mình một ấn tượng tuyệt vời.(Nguồn: Báo Lai Châu)






Phú Riềng Đỏ (Bình Phước)- Nét son lịch sử chói lọi

người đăng admin | viết nhận xét

Phú riềng đỏ hiện nay thuộc Làng 3, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, năm 1930 chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo công nhân của đồn điền cao su đấu tranh với chủ sở để chống áp bức bóc lột, phong trào đấu tranh trong công nhân lao động phát triển rất mạnh buộc bọn chủ đồn điền cao su Pháp phải nhượng bộ.

 

Đầu năm 1928 Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội Bắc kỳ cử đi “ Vô sản hoá” ở đồn điền cao su Phú Riềng, vào đây đồng chí đã cùng đồng chí Trần Tử Bình (nguyên là chủng sinh viên Hoàng nguyên) lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội (có 05 đồng chí) vào tháng 4/1928 để lái phong trào đấu tranh chống chủ hữu hiệu hơn.

Chi bộ thanh niên của đồn điền Phú Riềng đã nhanh chóng lãnh đạo công nhân cao su đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt là cuộc bãi công của công nhân cao su vào năm 1930 làm nên Phú Riềng đỏ anh hùng phá tan “Địa ngục trần gian”.

Sau 8 ngày (từ ngày 30/1/1930 - 6/02/1930) cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn ảnh hưởng sâu rộng và để lại nhiều bài học sâu sắc cho cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh Phú Riềng đỏ đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lên một bước thắng lợi.

Đây là một di tích lịch sử nói lên được giá trị và tầm quan trọng của đường lối đúng đắn và phát triển mạnh mẽ của tồ chức Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chi bộ đã lãnh đạo phong trào công nhân cao su từ đấu tranh tự phát chuyển sang tự giác để làm nên một Phú Riềng đỏ anh hùng.

 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, trên một đỉnh đồi có địa hình tương đối bằng phẳng, Công ty cao su Đồng Phú đã xây dựng đài tưởng niệm cao 10m, chân tượng dài 3,4m ngang 1,7m trên đỉnh tượng đài có biểu tượng búa liềm. Xung quanh tượng đài là những lô cao su non và dưới đồi là con suối chạy uốn quanh.

Ngày 12/2/1999 Nhà nước ta đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.(Nguồn: Bình Phước

)

 





Di tích hang Lưu trữ Quốc gia, Tuyên Quang

người đăng admin | viết nhận xét

Hang Lưu trữ Quốc gia nằm trên dãy núi dài khoảng 1 km của các thôn Văn Sòng, Thiện Phong và xóm Đá, xã Thiện Kế (Sơn Dương). Nơi đây vừa thuộc an toàn khu của cách mạng, vừa tiện giao thông liên lạc, bảo đảm an toàn bí mật.

Hang là nơi sơ tán tài liệu của Trung ương, tiền, vàng của Ngân hàng Trung ương và là nơi cất giữ kỷ vật, quà tặng, di vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nơi cất giữ, lưu trữ hồ sơ của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương từ năm 1966 đến năm 1976.

Năm 1966, hang bắt đầu được xây dựng theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Việc chỉ đạo kỹ thuật xây dựng hang do Bộ Xây dựng phụ trách, với hơn 200 công nhân. Đã có hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng được vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ để xây dựng hang. Lòng hang được mở rộng, xây 2 tầng kiên cố với hệ thống phòng kho lưu trữ, phòng làm việc, nơi để máy phát điện, nhà ăn, công trình phụ, hệ thống thông hơi.

Năm 1967, hang được xây dựng xong. Hồ sơ, tài liệu của các cơ quan Trung ương Đảng; tiền, vàng của Ngân hàng Trung ương bắt đầu được chuyển đến. Có khoảng 30 cán bộ phụ trách riêng các loại hồ sơ, 20 cán bộ phụ trách việc bảo quản tiền, vàng. Phía ngoài hang có khoảng 100 người làm các việc cấp dưỡng, y tế, lái xe, công an bảo vệ. Để đảm bảo an toàn, có 1 trung đội bảo vệ được bố trí canh gác vòng trong và một đại đội phòng không canh gác vòng ngoài. Tại Cầu Bâm (cách hang khoảng 1 km) còn bố trí 1 trạm gác.

Cuối 1969 và 1970, các di vật và đồ lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cán bộ Văn phòng Trung ương chuyển đến hang Thiện Kế lưu giữ, bảo quản. Năm 1974, để thuận lợi cho công việc lãnh đạo của Trung ương Đảng, phục vụ việc kiến thiết xây dựng đất nước, bộ phận lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu từ hang về Hà Nội. Cơ quan cuối cùng của hang được chuyển về Hà Nội năm 1976 là bộ phận Ngân khố Trung ương.

Nét độc đáo ở hang Lưu trữ Quốc gia là có một ngôi chùa cổ ở phía ngoài hang, nhân dân gọi là chùa Thiện. Ngày6 tháng Giêng hàng năm, chùa mở tiệc khai xuân. Ngày 8 tháng 4 là ngày chùa mở tiệc xuống đồng làm vụ mùa và tắm Phật. Ngày 12 tháng 7 chùa cúng tiệc thượng điền. Ngày 15 tháng 8 cúng cơm mới. Ngày 11 tháng 11 là ngày tiệc cả. Ngày 15 tháng 12 là tiệc hết năm. Ngày 29 tháng 12 cúng thần, Phật, đóng cửa chùa hết năm. Ngoài các ngày lễ trên thì ngày 1 và rằm hàng tháng, nhân dân địa phương và khách thập phương thường đến chùa lễ Phật, cầu mong mọi điều may mắn, tốt lành. Hiện chùa vẫn chưa có trụ trì, mọi hoạt động cúng tế đều do bà con nhân dân tự tổ chức.

Cụ Bàng Văn Thắng, 73 tuổi, nguyên Chủ tịch xã Thiện Kế hiện được UBND xã giao trông coi, bảo quản cảnh quan di tích, chùa và vùng xung quanh. Theo cụ, mấy năm gần đây, chùa Thiện được nhiều người biết đến, mang lễ vật đến dâng tiến chùa. Năm Canh Dần này, có phật tử tận Vĩnh Phúc xin cúng tiến chùa 1 chiếc kiệu để chùa làm lễ đầu xuân. Riêng các ngày đầu xuân năm nay, chùa đã đón hàng chục nghìn du khách đến chùa lễ Phật, cầu may.

Được biết, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ, lý lịch di tích hang Lưu trữ Quốc gia ở Thiện Kế, nêu phương án bảo vệ và sử dụng di tích để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Đảng ủy, UBND xã Thiện Kế cũng mong muốn sớm có phương án sử dụng di tích hang lưu trữ, và tu bổ chùa Thiện để hình thành tua du lịch chùa Thiện - chùa Đá - đền Bà - hồ Tân Dân - núi Tam Đảo. Được như vậy, Thiện Kế sẽ có thêm một hướng phát triển mới, nâng cao đời sống bà con trong xã.(
Nguồn: Báo Tuyên Quang)





Du ngoạn hồ Ba Bể, Bắc Kạn

người đăng admin | viết nhận xét

Ngập trong khung cảnh núi non hùng vĩ, xuôi dòng sông Năng thơ mộng, chiếc thuyền độc mộc của các cô gái Tày áo chàm, khăn vấn, khoan thai lướt nhẹ mái chèo thấp thoáng các soi ngô, bãi mía. Thi thoảng, ta lại gặp những chàng trai ngực trần lực lưỡng đang kéo vó, quăng chài mê đắm trong bức tranh thuỷ mặc thiên nhiên tô vẽ tự bao giờ, đó là Ba Bể, lung linh và thấm đẫm huyền thoại, nằm trên quê hương giàu truyền thống cách mạng Bắc Kạn

Lướt nhẹ trên sông, chẳng mấy chốc, du khách sẽ đến động Puông. Không biết từ bao giờ, dòng sông Năng hiền hoà là thế mà đục thủng cả vách núi đá vôi để thành một dòng chảy với những hang động kỳ vĩ. Động Puông với vòm cao hàng chục mét, dài hơn trăm mét như hàm cá mập khổng lồ há miệng nuốt từng áng thuyền độc mộc cứ nối đuôi nhau xuôi dòng. Chìm trong cảm giác đê mê mà xuôi tiếp sông Năng là đến thác Đầu Đẳng; từ độ cao trên 30 mét, suối nước tuôn trào dội vào muôn ngàn mô đá lô nhô. Lẫn dòng thác đổ, bọt tung trắng trời, thấp thoáng những tán lá xanh gầy, xoè ra chao mình qua bóng nước. Hồ Ba Bể, đích đến của chuyến đi cứ thế hiện ra lung linh, huyền ảo.

Mặt đất như đột ngột hạ thấp xuống, những ngọn núi xung quanh đã đứng thành vách, tương phản âm dương, không khí như lắng lại, mát dịu và thoang thoảng hương hoa lá. Du khác sẽ cảm thấy quá đỗi đột ngột bởi vẻ hoang sơ, trầm mặc, man mác của nước non muôn tuổi giữa núi rừng Việt Bắc trập trùng.

Người dân nơi đây vẫn truyền rằng: tích xưa có một bà tiên giả làm người ăn mày để thử lòng người trần gian. Đi đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Mãi gần tối, đến cuối một làng nhỏ, người ăn mày được mẹ con một bà goá cho vào nhà ăn cơm và ngủ nhờ. Ăn xong, người ăn mày trao cho mẹ con bà goá một hạt thóc, một túm tro và dặn khi nào có lụt thì rắc tro quanh nhà, bóc vỏ trấu ra làm thuyền. Nửa đêm, bỗng nhiên mặt đất rung chuyển, sụt lở ầm ầm. Mẹ con bà goá thức dậy không thấy người ăn mày đâu cả. Nhớ lời dặn, bà goá đem gói tro ra rắc xung quanh nhà. Trời đất vần vũ đảo điên, mưa suốt 7 ngày, 7 đêm, nước bắt đầu ngập, bà goá bóc hạt thóc lấy vỏ trấu thả xuống nước, vỏ trấu biến thành chiếc thuyền độc mộc. Và cũng lúc đó, mặt đất tụt xuống, chỉ còn lại nhà bà goá trở thành hòn đảo giữa mênh mông nước, đó là gò Giả Mải bây giờ, còn hồ ấy được gọi là hồ Ba Bể.

Du ngoạn trên hồ, du khách không thể bỏ qua ao Tiên bồng bềnh trên mặt nước trong xanh với những triền đá hai bên vách núi nhô cao như chọc rách tấm thảm da trời xanh ngắt. Tương truyền, đó là nơi các vị thần tiên chơi cờ. Cứ theo lối này mà ngược lên dốc đá khoảng 200m là đến ao Tiên. Ao Tiên hình tròn, rộng hơn nghìn mét vuông, cách biệt với hồ, không có nguồn nước chảy vào hay thoát ra vì thế mà khi ông trời đổ giận trút ngập cả vùng hồ thì ao tiên nước vẫn trong leo lẻo.

Lọt thỏm trong khu bảo tồn vườn quốc gia Ba Bể, rộng gần 500ha, trải dài 8km, là nơi hội tụ của 3 dòng sông Năng, Tả Han và Nam Cường, với vẻ hoang dại mà thiên nhiên hào phóng ban tặng, hồ Ba Bể được thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.

Ở làng du lịch nhà sàn Pác Ngòi, khách tham quan sẽ có một buổi tối tuyệt diệu trong những căn nhà sàn thoáng mát, thăm làng người Dao Khưa Quang, nơi xuất xứ loại rượu ngô nổi tiếng nhâm nhi với cá quả nướng mà người dân giăng lưới trong hồ…

Một vòng quanh hồ để hứng trọn cảm giác đê mê, Ba Bể không chỉ là hồ thiên tạo lớn nhất của nước ta, mà còn như một bài thơ tuyệt tác do trời đất viết nên bằng đá, nước, mây trời và muôn loài cỏ cây hoa lá, muông thú. Ba Bể là kiệt tác mà thiên nhiên đã ưu ái dâng tặng cho loài người.(Nguồn: dulichvn.org.vn)





Chùa Phước Minh Cung (Trà Vinh): Di tích kiến trúc nghệ thuật cổ của người Hoa

người đăng admin | viết nhận xét

Trà Vinh - một thị xã xanh và cổ kính vào loại bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành là thành phố trực thuộc tỉnh. Ở Trà Vinh không chỉ có các danh thắng đẹp như Ao Bà Om, Biển Ba Động, những con đường rợp mát bóng cây sao, dầu, me cổ thụ hàng trăm năm tuổi mà còn có nhiều công trình kiến trúc cổ mang đậm nét văn hóa của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sống chan hòa cùng nhau từ thuở “khai đất lập làng”.

Trong số 14 di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng, chùa Phước Minh Cung là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo - một “biểu tượng” văn hóa đáng tự hào của hơn 10 vạn đồng bào Hoa đang sinh sống tại địa phương.

Từ cửa ngõ TP. Trà Vinh đi vào trung tâm nội ô khoảng 3 km, chùa Phước Minh Cung nằm uy nghi bên đường Điện Biên Phủ, vươn mái cong vút rực sắc đỏ, vàng. Hiện nay, không còn tư liệu nào ghi chép về lịch sử ngôi chùa. Tuy nhiên, trong chùa vẫn còn lưu giữ 2 bia ký, một bằng đá và một bằng gỗ có khắc chữ Hán: “Phước Minh Cung – Phước Kiến toàn thể kiến thiết nhất ngũ lục niên”. Theo bia ký này thì ngôi chùa có thể được tạo lập vào năm Bính Thìn 1556. Những năm đầu thế kỷ 20, Phước Minh Cung đã được cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Trà Vinh biết đến là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Người dân trong tỉnh quen gọi Phước Minh Cung với cái tên là chùa Ông. Bởi Phước Minh Cung cũng giống như nhiều ngôi chùa của người Hoa thờ tự vị thần chính là Quan Công. Quan Công có tên thật là Quan Vũ tự Quan Vân Trường và còn gọi là Quan Đế, Vũ Đế, Xích Đế. Ông sinh năm 162, ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc và mất năm 219. Quan Công là nhân vật nổi tiếng thời Tam quốc hậu Hán, hội đủ các đức tính trung dũng, nghĩa tình độ lượng và công minh chính trực.

Phước Minh Cung được kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Chùa gồm 3 tòa nhà nằm ngang song song với nhau gồm Tiền điện, Trung điện và Chính điện. Dọc hai bên ngôi chùa là hai dãy Tả điện, Hữu điện hướng vào 3 tòa nhà tạo thành một công trình khép kín hình chữ Khẩu. Mái chùa được thiết kế theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” lợp ngói âm dương, diềm mái bằng ngói táng tráng men màu xanh ngọc. Trên các gờ mái, mặt dựng đầu hồi được trang trí Lưỡng long tranh châu, Bát tiên, tứ linh, muông thú... Khung sườn chịu lực đỡ lấy ngôi chùa là những cột tròn và vuông bằng loại gỗ quý. Chân các cột được kê bởi những tảng đá hình cánh sen, bát giác. Tiền diện của Phước Minh Cung có thể nói là đặc sắc về tính mỹ thuật với 3 cửa ra vào: Chính môn, Tả môn, Hữu môn. Cửa chính hơi lùi vào trong được thiết kế theo kiểu ô hộc, phía trong 2 bên có 2 cửa phụ tạo thành “Ngũ môn kín”. Cửa chính được làm bằng gỗ với 4 cánh được trang trí hình tượng hai vị môn thần Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung. Hai bên vách là 2 bức phù điêu Thanh long, Bạch hổ. Ở giữa bên trên là biển đại tự Phước Minh Cung cùng các mảng phù điêu với đề tài Song tiền; Kết nghĩa đào viên của ba huynh đệ Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi; Tứ dân (sĩ, nông, công, thương); điển tích cổ Trung Quốc cùng bao lam Lưỡng phụng tranh châu. Trên các rường cột đều được chạm trổ sắc sảo họa tiết Long, Lân, hoa lá và tiểu tượng Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa là 2 vị tiên trong Bát tiên.

Ngôi Chính điện là nơi quan trọng nhất về sự tín ngưỡng gồm có ba gian thờ: Quan Thánh Đế Quân, Mẹ Thai Sanh và Phước Đức Chính Thần. Các gian thờ này đều được chạm khắc đẹp, tỉ mỉ và bày trí thật hài hòa, toát ra vẻ uy nghiêm. Gian giữa thờ Quan Thánh Đế Quân, khánh thờ được sơn phết, chạm khắc rất tinh xảo. Kỹ thuật chạm khắc được sử dụng chạm thủng, chạm bông, chạm nổi với mảng đề tài Lưỡng long tranh châu, Long vân, Hoa điểu... Ở gian trái là nơi thờ Mẹ Thai Sanh hay Chúa Sinh Nương Nương hoặc Kim Huê Thánh Mẫu. Khánh thờ ở đây được chạm hình Lượng long tranh châu cùng câu đối:

“Chúa chí đào hoa kết thành kim phượng vũ

Sinh hương tự triện thổ xuất ngọc long phi”

Riêng ở gian phải là nơi thờ Phước Đức Chính Thần hay còn gọi là Thần Tài. Khánh thờ có bốn chữ Hán là Phước Đức Chính Thần và câu đối:

“Phước đức bảo ngã tử tôn an thả kiết

Thần đàn vi dân phụ mẫu thọ nhi khang”.

 

Nội thất ngôi chính điện được bố trí ba dãy gồm bàn thờ, tượng thờ, bàn thờ ngũ sự, bàn thờ hoa quả cùng hai bộ nghi trượng. Đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chạm trỗ thật độc đáo, rất hiếm thấy hiện nay. Nói chung, Phước Minh Cung là công trình kiến trúc còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Hoa rất đáng được gìn giữ và chiêm ngưỡng.

 

Tháng 11/2005, Phước Minh Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật. Nhiều năm nay, Phước Minh Cung đã đón khá nhiều khách đến tham quan cúng bái, nhất là vào dịp lễ, hội của đồng bào Hoa, Tết Nguyên đán.(Nguồn: website báo Cần Thơ

)






Núi Minh Đạm (Bà Rịa Vũng Tàu): Điểm du lịch sinh thái

người đăng admin | viết nhận xét


Cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 150km, cách TX.Bà Rịa khoảng 30km, là một điểm du lịch sinh thái, điểm về nguồn lý tưởng: Núi Minh Đạm.


 

 

 

 

 

Núi Minh Đạm gồm nhiều núi có tên gọi riêng đó là núi Đá Dựng, Hòn Thung, núi Ngang, núi Điện Bà, núi Châu Viên và núi Trương Phi (còn gọi là núi Thùy Vân hay núi Kỳ Vân). Những ngọn núi trên hợp thành dãy Châu Long - Châu Viên. Đây là nơi có rừng cây um tùm, nhiều hang đá và là căn cứ kháng chiến của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

 

Từ TX.Bà Rịa đi về hướng biển Long Hải, du khách sẽ gặp dãy núi có độ cao trung bình khoảng 200m này.

Năm 1948, để nhớ ơn hai vị Bí thư và Phó bí thư huyện Long Điền là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã anh dũng hy sinh dưới chân núi, nên người dân đã đặt tên núi là Minh Đạm. Minh Đạm còn là tên gọi căn cứ kháng chiến của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Núi Minh Đạm có rừng cây um tùm xanh tươi. Trên núi có nhiều hang đá là nơi ăn ở, sinh hoạt, làm việc an toàn cho cán bộ, bộ đội. Mỗi hang đá mang tên của đơn vị đóng quân như: hang Huyện ủy, hang Quân y, hang Quân giới...

Từ chân núi, một con đường trải nhựa ngoằn ngoèo đưa du khách lên tận đỉnh núi. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi ở khoảng hai phần ba đoạn đường đèo, toàn cảnh biển Long Hải bao la, với khung cảnh biển một bên, núi đồi một bên thật hữu tình, thơ mộng hiện ra trong tầm mắt. Phía dưới là khu du lịch Thùy Dương và con đường nhựa uốn lượn dưới chân núi. Ôm lấy biển là rừng hoa anh đào đỏ thắm, tuyệt đẹp. Nhiều người thích chinh phục đỉnh núi bằng cách đi bộ, để được len lỏi dưới những tán cây, gộp đá, nghe tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách. Cái mệt nhọc dần tan biến sau khi bạn được rửa mặt, ngâm chân vào nước suối mát lạnh, tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng. Năm 1993, Khu căn cứ Minh Đạm được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Minh Đạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch khá lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch: leo núi, dã ngoại sinh thái và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên...

Căn cứ Minh Đạm gồm bốn khu: Chùa Viên, Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch, Đá Chồng. Các hang trọng yếu, mà du khách cần tham quan đó là: hang Huyện ủy, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Thị xã Cấp, hang Quân giới (Giếng Gạch), hang Binh vận, hang B2, hang xã Phước Hải.

 

Ngày nay núi Minh Đạm và Căn cứ Minh Đạm đang có sức hấp dẫn đối với du lịch. Nơi đây hàng ngày đã đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch đến thăm lại chiến trường xưa và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi non hùng vĩ và bãi biển Long Hải, Thùy Vân, Kỳ Vân đầy chất thơ.(Nguồn: Báo Đồng Nai)

 






Khám phá khu mộ cổ Đống Thếch, Hoà Bình

người đăng admin | viết nhận xét


Nằm giữa núi rừng thâm u, những cột đá gần 400 năm tuổi vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Đó là điểm độc đáo của khu mộ cổ Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) - một “kho báu” mang đậm bản sắc văn hóa xứ Mường Động.
 
Có câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để chỉ sự giàu có và độc đáo trên mỗi mảnh đất xứ Mường. Mường Động là một trong những mảnh đất ấy. Với đam mê khám phá những vùng đất mới, từ Hà Nội, theo quốc lộ 21B chúng tôi đi ngược lên huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình - cái nôi trung tâm của văn hóa Mường Động.

Cung đường đèo dốc với độ gập ghềnh, hiểm trở khiến sau gần 3 giờ cả nhóm mới tới nơi. Ấn tượng dọc đường là hình ảnh tuyệt đẹp của con sông Bôi mùa cạn với những tảng đá núi nhấp nhô khỏi mặt nước xanh thẳm, hai bên đường lơ thơ những cây phượng hình dáng kỳ lạ... Thi thoảng làn gió đông thổi mạnh càng gợi nên cảnh sắc thanh bình, thâm u của chốn sơn cước.  

Đến đất Kim Bôi, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, không khó để chúng tôi tìm được vị trí của khu mộ cổ Đống Thếch. Tấm bia chỉ dẫn khu mộ bằng đá lấm láp bụi đất và cỏ dại ven đường. Men theo con đường đất nhỏ, “thánh địa” của nhà lang thoáng hiện dần giữa ruộng ngô xơ xác sau vụ thu hoạch.

Những cột đá tảng, cái cao lênh khênh, cái thấp lè tè, tròn hoặc dẹt cắm quanh những ngôi mộ. Trước đây khu này rất rộng với hàng trăm ngôi mộ và hàng ngàn cột đá xanh được chôn xung quanh mỗi mộ giống như một rừng đá. Những cột đá xanh được lấy từ Thanh Hóa, cột đá to nhất có chiều rộng hơn 1m, cao khoảng 4m.

Tất cả được dựng theo hình tròn có quy luật, ẩn dưới mỗi nấm mộ là những đồ tùy táng có giá trị khảo cổ… Phía đầu mộ chôn ba khối đá cao to nhất thành một hàng, phía chân mộ chôn ba khối nhỏ hơn, thấp hơn đối xứng với đầu mộ. Cách bố trí của những cột đá có thể liên tưởng đến những bức tượng moai trên đảo Phục Sinh (ở Chile), có điều những cột đá ở đây không được tạc đẽo thành tượng hình người.

Soi xét kỹ từng cột đá khổng lồ, chúng tôi còn thấy những dòng chữ nho vuông vức hằn in trên mặt đá.

Đem bức hình chụp mặt đá và hỏi người biết chữ Hán - Nôm, mới biết nó giống như một văn bia ghi lại công trạng của quận công Đinh Công Kỷ, người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính.

Nội dung văn bia tạm dịch là "Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13-10-1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22-2-1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...".

Lật giở kho sử người Mường, người có công dựng nên xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương, người vùng Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Do có công với triều đình nên ông đã được vua Lê, chúa Trịnh phong tước, đổi thành họ Đinh Công, cho cai quản xứ Mường Động, một trong những phên dậu phía tây bảo vệ kinh thành Thăng Long. Nổi bật trong dòng họ Đinh có Đinh Công Kỷ, một vị tướng giỏi của vua Lê, được phong tước quận công.

Để con cháu đời sau không quên công đức, dòng họ danh giá này đã xây dựng mộ đá để mong tên tuổi các vị sẽ trường tồn cùng tuế nguyệt.

Khu mộ cổ Đống Thếch ngày nay vẫn còn giữ vị trí độc đạo như xưa, với thế rồng cuộn, hổ ngồi, đầu hướng lên trời, thân gối vào núi. Chỉ tiếc hàng trăm gốc cây cổ thụ đã không còn, thay vào đó trong khuôn viên rộng 3 ha của khu di tích là những ruộng ngô, sắn do người dân đang tự ý canh tác…

Ngậm ngùi cho báu vật đang “ngủ quên” bên cánh rừng đại ngàn trước mặt, chỉ mong sao một ngày gần nhất khu mộ cổ Đống Thếch sẽ sớm trở thành điểm đến nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử, khoa học trên cánh cung du lịch phía đông của tỉnh Hòa Bình, xứng đáng là “thủ phủ” của xứ Mường.

Năm 1997, khu mộ Đống Thếch được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều hiện vật dưới mộ, đáng chú ý, những chiếc trống đồng loại nhỏ có niên đại từ thế kỷ 2-12 cùng nhiều đồ gốm sứ có xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc có niên đạ từ thế kỷ 11-16.

Điều này đã khẳng định sự giao lưu, buôn bán của người Mường Động đã phát triển thịnh vượng và mở rộng giao thương với nhiều nước trong khu vực.(Nguồn: Tuổi Trẻ Online)






News for 02/12/2010


View all news for 02/12/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam