International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

22/12/2010 | RSS Feed

Thăm khu di tích lịch sử Ấp Bắc (Tiền Giang)

người đăng admin | viết nhận xét


Khu di tích lịch sử quốc gia Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú (huyện Cai Lậy-Tiền Giang) cách trung tâm huyện lỵ 10 km về hướng đông. Tại đây, bia kỷ niệm có ghi: Chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963 đã đánh bại các chiến thuật: bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận  mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ.
Chiến thắng Ấp Bắc nói lên đầy đủ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân; là tiếng chuông báo hiệu sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. 

Từ trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Tân Phú đến khu di tích chừng 500m. Chính tại nơi đây hơn 40 năm về trước, đã diễn ra trận đánh ác liệt, dồn dập, đi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Đống Đa hay Chi Lăng. Khu di tích là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên chừng 2 ha bao gồm: tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép, xe bọc thép, máy bay lên thẳng những chiến lợi phẩm sau trận đánh, pháo 105 ly, mộ 3 chiến sĩ gang thép, nhà quản trang, xen kẻ trong khu vườn hoa lúc nào cũng khoe sắc và toả hương thơm ngát. Cạnh vườn hoa là những ao nhỏ, bên dưới trồng hoa súng đỏ. Từng đàn cá rô phi, điêu hồng vô tư lội tung tăng dưới làn nước trong vắt. Du khách có thể ngồi trên những chiếc băng đá phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật nơi đây. Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên này là tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép cao sừng sửng, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch, làm cho ta phảng phất hình ảnh của những chiến sĩ cầm cờ Tổ quốc trên nóc hầm tướng De Castrie ở trận Điện Biên Phủ năm nào. Tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Hải, do cơ sở đúc đồng Phương Nam(Thủ Đức -  TPHCM) thực hiện, khánh thành nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng Ấp Bắc. Hình ảnh uy nghi của các anh như đưa chúng tôi trở về cảnh súng nổ, bom rền hơn 40 năm về trước.

Sáng sớm ngày 02/01/1963, khi Tỉnh Uỷ đang họp tại xã Hưng Thạnh(thuộc huyện Tân Phước Tiền Giang ngày nay) thì được tin địch mở cuộc càn quét do Bộ Tư lệnh sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Cuộc càn quét diển ra trong phạm vi xã Tân Phú(thuộc vùng giải phóng liên hoàn nối liền hai huyện Cai Lậy Châu Thành, tiếp giáp vùng căn cứ của tỉnh) để vây diệt trung đội địa phương của ta mà chúng phát hiện đang trú quân tại đó. Điểm cụ thể mà chúng đổ quân bao vây diệt lực lượng ta là Ấp Bắc. Lực lượng của ta chỉ có đại đội 1 tiểu đoàn 514 và đại đội 1 tiểu đoàn 261. Năm giờ sáng ngày 2/1/1963, tiểu đoàn A của địch chia làm 2 cánh tiến vào Ấp Bắc bị ta chặn đánh buộc chúng phải gọi tăng viện. Cùng thời gian này, trận địa công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại Vàm kinh 3 và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9g30 bọn chúng đã cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc. Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Bảy Đen, đại liên ta được lệnh nổ súng vào đội hình địch. Số chết, số bị thương, số còn lại chạy tán loạn. Địch tiếp tục tăng quân tấn công vào đội hình đại đội I/514. Đợi địch tới gần, toàn đại đội nổ súng diệt hơn 50 tên, số sống sót tháo chạy trở lại. Đến 13g30, tiểu đoàn B và xe M113 của địch mở đợt tiến công vào đội hình đại đội I/261. Tình hình lúc này khá gay go, ba xe M113 và một tốp bộ binh tiến tới sát công sự. Do địa hình lồi lõm nên hoả lực của ta chi viện không kết quả. Trận địa có nguy cơ bị địch chọc thủng. Anh Nguyễn Văn Đừng, một tiểu đội trưởng của đại đội I/261, cùng hai bạn chiến đấu bí mật bò cặp bờ ranh rồi cả 3 áp sát vào ngôi mộ cổ.

Anh Đỗ Xuân Chinh người phụ trách khu di tích chỉ vào ngôi mộ cổ chằng chịt vết đạn, phía dưới chân tượng đồng, kể: Theo những cụ cao niên ta kể lại thì đây là ngôi mộ của một bà Cả. Ba chiến sĩ Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ) đã nấp ở ngôi mộ này cầm cự suốt, không cho địch tiến vào trận địa rồi bất ngờ nhảy lên xe M113 ném thủ pháo phá huỷ 1 xe, diệt 5 tên địch trên xe, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra. Khi 3 đồng chí quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Nhân dân đặt cho tổ cái tên trìu mến và đầy tự hào Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng, riêng 3 chiến sĩ ấy tôn vinh Ba chiến sĩ gang thép.

Địch tiếp tục tăng quân tiến công nhiều đợt nữa và dùng máy bay L19 bay trên trận địa gọi ta ra hàng. Đích thân tên Cao Văn Viên, tư lệnh lữ đoàn dù, ngồi trên trực thăng quan sát cuộc tiến công. Tiều đoàn dù được 16 chiếc Dacota thả xuống trận địa đại đội I/514. Đợi địch xuống thật gần, toàn đại đội nổ súng, một số tên bị diệt ngay trên không. Ta, địch xen kẻ cách nhau từng bờ mương, liếp chuối. Bọn lính dù đứa bị mắc lủng lẳng trên ngọn cây, đứa bị kẹt trên mái nhà bị nhân dân ta phát hiện báo cho chiến sĩ ta tiêu diệt. Đến 20 giờ, địch tổ chức thêm một đợt tiến công nữa nhưng cũng bị ta đẩy lùi.

Rời khu vực tượng đài, anh Chinh dẫn chúng tôi đến khu mộ 3 chiến sĩ gang thép. Ba ngôi mộ nằm song song nhau, phía trên lúc nào cũng nghi ngút khói hương của khách tham quan, các anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sát ngôi mộ là bảng thành tích của trận đánh Ấp Bắc: 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trục thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm. Về thăm Ấp Bắc, nguyên chỉ huy phó Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM Trần Xuân Trí đã xúc động viết nên những vầng thơ, trong đó có đoạn:

Những Ấp Bắc, Củ Chi, Bến Cát

Địa danh này được Bác biểu dương.

Đã rộn ràng những bài ca, câu hát

Tên tuổi anh cả nước biểu dương.

 

Từ khi khu di tích được khánh thành đến nay đã đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Đây cũng là nơi giáo dục cho học sinh trong tỉnh về truyền thống đấu tranh bất khuất của tổ tiên trong sự nghiệp giữ nước. Rời khu di tích, nhìn hai bên đường, chúng tôi không khỏi vui mừng trước những cánh đồng lúa trĩu hạt, những rẫy dưa chi chít quả căng tròn. Lác đác trên cánh đồng, nhiều mô hình bằng xi -măng xác máy bay, xe M113 bốc cháy. Tất cả như minh chứng cho một sức sống mới trên mảnh đất anh hùng.(Nguồn: Tiền Giang)

 






Đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương)

người đăng admin | viết nhận xét

Đảo cò Chi Lăng Nam có diện tích gần 3.000m2, là nơi trú ngụ của 170 loài. Một số loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: tổ đỉa, rái cá, cá măng kìm, cò lửa, vạc xám...


Du khách thăm Đảo cò

Chi Lăng Nam là một xã của huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, cách TP. Hải Dương khoảng 30km. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên của một vùng ngập nước ven sông Hồng, có đầm hồ mênh mông, đất sình lầy với lau sậy hoang vu. Theo người dân địa phương, trên đảo cò Chi Lăng Nam hiện có đến 9 loại cò, gồm: cò trắng, cò lửa, cò hương, cò nghênh, cò ngang, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen và 3 loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Nepal.

 

Hằng năm vào tháng chín, khi gió heo may thổi về thì hàng ngàn con cò, vạc và các loài chim nước từ nhiều xứ khác dồn dập bay về sinh sống kiếm ăn, đông đúc nhộn nhịp cho đến tận tháng Tư năm sau. Sáng sớm và chiều tối là lúc chúng tạo nên một bức tranh thiên nhiên cực đẹp với hàng trăm đàn cò, đàn vạc bay đi, bay về phủ kín cả khoảng không mặt hồ, tiếng kêu inh ỏi làm huyên náo cả một vùng quê yên tĩnh. Người dân coi đây là vùng nước thiêng, không bao giờ tát cạn được nên đã sống dạt ra phía ngoài hồ. Theo nhịp thời gian, cò và vạc bắt đầu đến trú ngụ ở đảo mỗi ngày một nhiều. Và Đảo cò Chi Lăng Nam cũng bắt đầu hình thành từ khi đó.

 

Có dịp về xã Chi Lăng Nam, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh cò trắng chao nghiêng trên bầu trời hay đậu vắt vẻo trên những ngọn tre xanh mướt. Vào lúc sáng sớm hay hoàng hôn, trên chiếc thuyền bồng bềnh giữa sóng nước của hồ An Dương, du khách có thể thả mình vào không gian hữu tình của sông nước và cảnh “giao ca” thú vị giữa cò và vạc trong cuộc mưu sinh hằng ngày. Nếu từng đàn cò trắng đi kiếm ăn vào buổi sớm, bay kín cả mặt hồ và hòn đảo thì đàn vạc nâu lại lặng lẽ kiếm ăn vào lúc chiều muộn, cất tiếng kêu thỏ thẻ, lúc trầm lúc bổng tạo nên những bản hòa tấu nhịp nhàng phát ra từ những lùm cây, bụi rậm.

Tre là nơi cò thích dừng chân

Đến Đảo cò, trên những chiếc thuyền Thiên Nga, thuyền Vịt dành cho các đôi tình nhân, thuyền dành cho một gia đình, thuyền dành cho đoàn tham quan... du khách chỉ cần đi một ngày là có thể thăm hết đảo. Để quan sát cò tốt nhất thì nên chọn một chiếc thuyền cỡ nhỏ để không làm náo động không gian sống của cò. Thời điểm để xem được nhiều cò nhất là lúc hoàng hôn.


Trong nắng chiều vàng vọt, ngồi trên thuyền nhỏ bập bềnh giữa lòng hồ bao la sóng nước, hòa trong tiếng gió thổi vi vu mát lạnh, du khách sẽ được thả sức ngắm những cánh cò, cánh vạc chao lượn trên không trung, đồng thời lắng nghe những truyền thuyết kỳ bí về đảo cò qua chất giọng thỏ thẻ, tâm tình của những người chèo đò xứ Đông.

 

Cò con hai tuần tuổi

Nhờ sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, với sự tài trợ của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF/SGP), Đảo cò Chi Lăng Nam đã được mở rộng và trồng thêm nhiều cây cối. Vì thế cò, vạc và các loài chim nước khác về ngày càng nhiều hơn, đông về số lượng cá thể, đa dạng về thành phần loài. Nếu được bảo vệ tốt, Chi Lăng Nam có thể là cảnh quan nguyên sơ duy nhất còn giữ lại của vùng đất ngập nước ven sông Hồng xa xưa, trở thành điểm du lịch sinh thái đặc sắc của Hải Dương. Vừa qua, ngành du lịch Hải Dương đã đưa tour thăm Đảo cò Chi Lăng Nam thành một sản phẩm du lịch mới của tỉnh.(Nguồn: Báo Hải Dương

)




Đền Bà Roi - Di tích lịch sử, văn hóa ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Đền Bà Roi tọa lạc ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đây là một ngôi đền khá đặc trưng cho lối kiến trúc kiểu tôn giáo tín ngưỡng thời nhà Nguyễn.


Theo người dân Lý Sơn, mới đầu đền Bà Roi chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đơn sơ. Đến năm Thành Thái thứ 9 - năm 1897,

được xây dựng khang trang, gồm một nhà tiền bái, một chánh điện và một hậu cung, theo dạng chuôi vồ, hoặc hình chữ "Đinh".

Theo một số tài liệu bằng chữ Hán (gồm phả hệ, sắc phong, thần tích) mà tộc họ Phạm Văn còn giữ được đến ngày nay, Bà Roi tên thật là Phạm Thị Lôi, tên chữ là Phạm Tiên Điều, sinh năm 1629, thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, là thứ nữ của ông bà thuỷ tổ họ Phạm Văn - một trong 6 tộc họ tiền hiền đến khai khẩn đất Lý Sơn nhiều trăm năm trước.

Theo truyền thuyết còn lưu truyền đến ngày nay, Bà Roi vốn là một người con gái xinh đẹp, nết na nổi tiếng trong vùng. Vào một buổi trưa ngày rằm tháng 5 (âm lịch), nàng phát hiện ra giặc Tàu Ô đang đổ bộ vào đảo Lý Sơn, nên vội chạy đi tìm để báo cha biết, sau đó cùng dân làng tìm cách đối phó. Nhưng không may Phạm Tiên Điều bị giặc phát hiện. Chúng truy đuổi nàng đến tận vũng Thầy Tu - nơi mà ngày nay người dân Lý Sơn thường tổ chức đua thuyền vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm thì cùng đường.

 

Vì sợ bị sa vào tay giặc, càng không chịu để bị tấm thân ô uế, nàng nhảy xuống biển tự vẫn, với tư thế tựa như ngồi thiền, tóc xõa phủ vai, mặc cho sóng chao, gió lớn. Bà con trong làng tiếc thương, đem xác Phạm Tiên Điều về chôn cất  lập đền thờ, và gọi đền thờ này là Trinh Tịnh Đường, tức dinh Bà Roi, miếu Bà Roi. Nàng Roi tuẫn tiết vào đúng ngày rằm tháng 5, thời Chúa Nguyễn Phúc Lan, tức năm Ất Dậu - 1645, niên hiệu Phúc Thái thứ 3, đời vua Lê Chân Tông  cách đây tròn 365 năm, lúc mới tròn 16 tuổi.


Hàng năm vào ngày 16 tháng 5 (âm lịch), tộc họ Phạm Văn và bà con các tộc họ khác trên huyện đảo Lý Sơn hết sức chăm lo đến việc tế tự Bà Roi, xem Bà không chỉ là bậc cao tổ Cao Bình quận Phạm Tiên Điều của tộc họ Phạm Văn, mà còn là vị phúc thần cho cả làng An Vĩnh. Ngoài Trinh Tịnh Đường là ngôi đền thờ chính, Bà Roi còn được phối thờ trong đình An Vĩnh ngày trước, trong Lân An Hòa và nhiều dinh, miếu khác.(
Nguồn: Báo Quảng Ngãi

)

 






Khám phá rừng dừa Bảy Mẫu (Quảng Nam)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Ở nơi “hội thủy” của 3 con sông lớn Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng, có một rừng dừa nước ngập mặn đang là điểm đến thú vị…


 

 

Sắc xanh trong vùng lõm


Cách khu phố cổ Hội An chừng 5km về phía đông, rừng dừa nước ngập mặn Bảy Mẫu (thuộc địa bàn thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh) được bao bọc bởi sông nước. Nước trải ra giữa mênh mông trời mây. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến và là một trong những phần lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm. Ông Trần Bừa, cán bộ cách mạng ở thôn 2, kể: “Nhờ địa hình kín đáo mà từ thời kháng Pháp, ta đã tổ chức lực lượng du kích địa phương đánh bại nhiều trận càn của địch”.


Từng bị giặc Pháp “cày trắng” nhưng với sức sống mãnh liệt, những ngọn dừa bị chặt đi lại mọc lên xanh. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng nhưng du kích địa phương đã dựa vào rừng dừa gây cho địch nhiều tổn thất. Sau Hiệp định Giơnevơ, giai đoạn khó khăn của cách mạng, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi che chở, trú ẩn cho nhiều cán bộ cách mạng của Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam trong những đợt “tố cộng, diệt cộng”.

 


Đêm 27/9/1964, nhân dân Cẩm Thanh đã đứng lên nhất tề đồng khởi, rừng dừa Bảy Mẫu đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Với kế nghi binh dùng súng bẹ dừa và hành quân rầm rộ khiến địch hoang mang, hốt hoảng, quân ta đã đánh úp đồn phòng vệ dân sự, bắt gọn một trung đội nghĩa quân và nhiều tên ác ôn, tuyên bố giải phóng hoàn toàn Cẩm Thanh.


Bà Võ Thị Hóa, nguyên cán bộ du kích Cẩm Thanh, nhớ lại: “Sau 1965, dọc theo 2 tuyến của rừng dừa là hệ thống hầm hố, chướng ngại vật cản đường, hệ thống giao thông hào, các lớp hàng rào được xây dựng chằng chịt với các bãi chông tre, hầm chông để ngăn bước tiến của quân thù vào vùng giải phóng”. Nhằm tiêu diệt khu căn cứ địa này, Mỹ - ngụy đã tổ chức tấn công nhiều lần, kể cả dùng chất độc hóa học làm trụi lá rừng dừa. Nhưng bất chấp mọi thủ đoạn, căn cứ này vẫn gây ra nhiều tổn thất cho quân địch. Rừng dừa đã thực sự trở thành nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của Hội An và là bàn đạp để quân ta xuất kích tiến đánh nội ô Hội An, làm nên những trận thắng lừng lẫy.

 

Khám phá


Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, đây còn là vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập nước có thắng cảnh hữu tình. Trước những năm 1980, rừng dừa trải rộng trên các thôn 1, 2, 3, 8 của xã Cẩm Thanh với diện tích lên tới hàng trăm héc ta. Ngày nay, tuy đã bị thu hẹp chỉ còn 58ha nhưng rừng dừa vẫn là nét đặc trưng hiếm có ở vùng sông nước. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý - bảo tồn di tích Hội An cho biết: “Thành phố đã đề nghị công nhận khu di tích này và có kế hoạch quản lý, bảo tồn nghiêm ngặt. Đây còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều đặc điểm độc đáo và hiếm có”.

 


Tại vùng này, trên các cồn gò và các vực nước chung quanh có hệ sinh thái cỏ biển. Đây còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi của nhiều loài hải sản. Các hệ sinh thái ngập mặn này còn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, tích tụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển. Năm ngoái, UNESCO đã công nhận Hội An - Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn này.


Khai thác du lịch ở vùng sinh thái này phải phù hợp với tiêu chí thân thiện, gần gũi với môi trường. Du khách vừa khám phá hệ sinh thái ngập nước của rừng dừa, bơi thuyền thúng, đạp xe đạp hoặc câu cá trong rừng dừa vừa tham gia thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. “Năm năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tổ chức khai thác tour du lịch khám phá rừng dừa này. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý di tích và khai thác du lịch phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp” - bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Nam)






News for 07/12/2010


View all news for 07/12/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao