International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

17/12/2009 | RSS Feed

Khai Trung (Yên Bái) - Vẻ đẹp nguyên sơ

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm trên độ cao 700 m so với mực nước biển, xung quanh lại có núi đá cao bao bọc, xã Khai Trung trở thành một bình nguyên giữa miền rừng núi trùng điệp của huyện Lục Yên (Yên Bái). Nét riêng có từ buổi khai thiên lập địa ấy đã cho mảnh đất “thâm sơn cùng cốc” này nhiều lợi thế, đặc biệt về du lịch.

Qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông chếch dần độ cao lên trời. Thấp thoáng đâu đó sự kỳ bí của mảnh đất Khai Trung, một cái tên mới nổi bên cạnh những cái tên khác của những tua du lịch ở Yên Bái.

Cổng các bản làng ở Khai Trung hình vòm như một chiếc cầu vồng hiện ra trên đỉnh dốc và cũng từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu xanh của nương, của ruộng, của cây, của sắc trời, sắc núi.

Điều đầu tiên đến Khai Trung có thể cảm nhận được ngay chính là khí hậu. Gió trời không thể thông thốc thổi vào Khai Trung. Trước khi đến với bình nguyên này, nó phải hòa quyện với khí núi đá trên độ cao lưng chừng, tạo nên cái mát dịu mà không một máy điều hòa nào làm ra được.

Khí hậu ở đây là mẹ đẻ ra màu xanh Khai Trung, sinh sôi những làn da mịn màng, nên tính tình con người hiền dịu, nên hương vị trong từng món ẩm thực. Người Khai Trung cũng giống như những người miền núi khác, không cầu kỳ phối hợp các gia vị khi chế biến món ăn mà cẩn trọng chọn gia vị cho một món ăn. Như món thịt gà, có thể luộc, rang, nấu canh nhưng mỗi món chỉ dùng một loại gia vị. Gà thả ngoài bãi chắc thịt, béo vừa phải, chỉ cần luộc chín tới là dậy hương thơm. Bí quyết lại ở chỗ, khi mổ, người ta không phanh gà, xả nước mà rửa thật sạch bên ngoài rồi mới mổ từ mỏ đến diều rồi moi ruột sao cho khi bỏ ruột ra không một vết máu. Rồi gà được cho vào nồi đã rửa thật sạch, đổ nước, đậy vung bắc lên, trên bếp lửa không một sợi khói. Thật ra cách luộc gà ấy không mới, cái mới là mổ moi chứ không mổ phanh và đã lâu lắm người đô thị không còn được ăn thứ thịt gà thơm nguyên sơ như thế nữa. Gà đã nuôi nhốt, đã cho ăn cám con cò thì có chế biến khéo đến đâu cũng chỉ có thể có kiểu ngon khác, chứ cái hương vị gà tơ, gà thiến, gà mái ghẹ phảng phất trong từng miếng thịt thì đã không còn nữa.

Nói đến món thịt gà phải kể đến món canh gà Khai Trung. Gà làm sạch, chặt ra nấu canh gừng. Mùi gừng thơm cay như đội quân công binh khai phá con đường tiêu hóa của con người, để cho mùi thơm dịu của thịt gà dần dần lan tỏa. Canh gà vừa ngon vừa có tác dụng giải cảm, nghe đâu còn là một vị thuốc tăng cường sinh lực, đặc biệt có tác dụng khi trái gió đổi mùa. Thịt lợn, thịt dê, cá bống cũng được chế biến theo nguyên tắc ấy và đó cũng là nét ẩm thực riêng của Khai Trung.

Đến với Khai Trung là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, với rừng sồi tự nhiên rộng trên 2 ha, những vườn cam trĩu quả, những hang động kỳ thú trên Núi Diêm, Nặm Trọ, Tắc én... Ngoài ra, Khai Trung còn nổi tiếng bởi các sinh hoạt văn hóa. Cũng là câu khắp, câu lượn nhưng âm sắc tiếng Tày của người Khai Trung làm cho câu hát thêm tình tứ thiết tha, điệu múa khăn, múa hoa thêm uyển chuyển.

Tất cả những tiềm năng ấy, nét đẹp văn hóa ấy mới bừng lên từ năm 1999, khi tiềm năng du lịch rất riêng của xã vùng cao này được phát hiện. Ngay lập tức, con đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được khởi công. Người Khai Trung không có tiền đóng góp lớn nhưng công thì tháng rộng ngày dài, thu xếp là có được. Thế là công thức: Nhà nước cho xi măng, nhân dân đóng góp cát, sỏi, công, sức được thực thi bền bỉ suốt từ đó đến nay và 16 km đường từ Cầu Bến Lăn vào xã đã hoàn thành.

Với 212 hộ, 1.096 khẩu, Khai Trung đã làm cho trên 100 ha ruộng nước, 90 ha đỗ tương, 30 ha lạc, 35 ha ngô năng suất ngày càng cao. Mặt khác, Khai Trung đẩy mạnh quy hoạch bảo vệ rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng mới, nuôi cá bống, chăn nuôi đại gia súc. Việc phát triển các hoạt động văn hóa dân tộc cũng chính là nền tảng vững chắc cho du lịch Khai Trung ngày thêm phát triển.(Theo TCDL)





Du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh vào dịp cuối năm

người đăng admin | viết nhận xét

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2009 đạt gần 388.000 lượt, tăng 70,2% so với tháng trước, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung cả năm 2009, ướt tính khoản 3, 4 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 12, 3% so với năm 2008.

Khách nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc với 64.700 khách, Nhật Bản 34.600 khách, Mỹ 33.000 khách, Hàn Quốc 30.000 khách, Đài Loan 24.000 khách, sau đó đến Australia, Pháp... Sự tăng trưởng số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam vào dịp cuối năm là nhờ kinh tế có dấu hiệu hồi phục và Việt Nam tổ chức các chiến dịch quảng bá cả trong nước và nước ngoài hiệu quả. Cho đến nay, các khách sạn loại 3 đến 5 sao ở khu vực miền Trung trở vào Nam đã có tỉ lệ đặt phòng rất cao. Đây là dấu hiệu khả quan cho ngành du lịch nước nhà, nhiều hãng lữ hành báo về Tổng cục là lượng khách cuối năm đang có chiều hướng gia tăng. 


Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du Việt Nam, cho biết chỉ trong năm 2009, Tổng cục Du lịch đã tổ chức rất nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến điểm đến ở trong nước và các thị trường nước ngoài trọng điểm. Đáng kể nhất là chương trình Ấn tượng Việt Nam (Impressive Vietnam), nhờ liên kết hàng không, khách sạn, nhà hàng, lữ hành giảm giá tour trọn gói từ 30- 50% đã thực sự kích cầu nội địa (khách nội địa tăng từ 20,8 năm 2008 lên 25 triệu lượt người năm 2009), thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Doanh thu du lịch tăng hơn năm 2008 khoảng 8-10%. Sắp tới, hướng đến các ngày nghỉ lễ lớn: Noel, Tết Dương lịch... lượng khách du lịch trong và ngoài nước có thể tăng lên.


Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, năm 2010, Tổng cục Du lịch có 4 đề án lớn sắp tới sẽ trình Bộ VHTTDL và Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030: Phát triển du lịch biển đảo; Phát triển du lịch các tỉnh biên giới; Phát triển du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 25 tỷ đồng là khoản tiền mà ngành Du lịch đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá du lịch trong năm 2010, dự kiến chương trình xúc tiến du lịch quốc gia sẽ được bổ sung khoảng 15 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động quảng bá tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch cũng sẽ ưu tiên tổ chức các sự kiện lớn trong năm 2010 như Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và gắn với Năm Du lịch quốc gia tại Hà Nội; kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Du lịch. (Nguồn: TCDL)





Vịnh Hạ Long trong top 3 danh thắng đứng đầu về tổng lượng phiếu bầu

người đăng admin | viết nhận xét

Với tổng lượng phiếu bầu cao, Vịnh Hạ Long lại tiếp tục là 1 trong 3 danh thắng đứng đầu đồng thời đạt mức tăng mạnh về lượng phiếu bầu so với gần 1 tháng trước đó.

Thông tin chính thức trên được cập nhật từ trang web : http://www.vote7.com của Newopenworld ngày 16/12. Theo đó, thống kê này chia 28 ứng viên ra làm top 14 danh thắng đứng đầu và 14 danh thắng đứng sau theo tiêu chí tổng lượng phiếu bầu. Trong top 14, Vịnh Hạ Long là 1 trong 3 danh thắng có tổng lượng phiếu cao và tăng mạnh trong thời gian 1 tháng gần đây. Đa số các ứng viên còn lại trong top 14 thường xuất hiện ở những vị trí cao từ khi cuộc bầu chọn được phát động nhưng giảm mạnh về lượng phiếu bầu như: Thác Iguazu (Braxin – Achentina), Động pha-lê Jeita (Libăng): Công viên quốc gia Komodo (Indonexia)…hoặc không tăng (như: Rạn san hô Great Barrier Reep (Australia), hẻm núi kỳ vỹ Grand Canyon (Mỹ) ...

 

Thống kê này là sự đánh giá chính xác về tổng lượng phiếu bầu mà Vịnh Hạ Long và 27 danh thắng nhận được trong suốt thời gian phát động bầu chọn của Newopenworld.





Tuần Văn hóa Campuchia năm 2009 tại Việt Nam

người đăng admin | viết nhận xét

Tuần Văn hóa Campuchia năm 2009 tại Việt Nam do Trung tâm tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật, Bộ VHTTDL Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra trong các ngày từ 23 – 29/12/2009 tại 2 thành phố là Hà Nội và Hải Phòng với sự tham gia của 30 nghệ sĩ đến từ Đoàn nghệ thuật Campuchia.

Với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày triển lãm và chiếu phim, Tuần Văn hóa Campuchia 2009 tại Việt Nam nhằm giới thiệu tới công chúng Việt Nam nền văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú, đặc sắc của Campuchia; đồng thời góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giao lưu văn hóa truyền thống Việt Nam-Campuchia.

Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Campuchia và buổi biểu diễn nghệ thuật đầu tiên sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 23/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại đây, các nghệ sĩ Campuchia sẽ giới thiệu những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của người dân Campuchia như điệu múa cung đình Tevet, múa khèn Suoy truyền thống, múa bông Tes của các dân tộc thiểu số, múa bọ ngựa vui nhộn Kandob Ses...

Buổi biểu diễn thứ 2 sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 25/12, tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội) và buổi biểu diễn thứ 3 vào lúc 20 giờ ngày 27/12, tại Nhà hát Tháng Tám (Thành phố Hải Phòng).

Được biết, Tuần văn hoá Campuchia tại Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2007 với nhiều hoạt động diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ và Sóc Trăng đã thành công tốt đẹp.




Trao danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới cho Mộc bản triều Nguyễn

người đăng admin | viết nhận xét

Ngày 16/12/2009, tại Hà Nội, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - bà Catherine Muller Martin đã trao danh hiệu Di sản tư liệu Thế giới cho Mộc bản Triều Nguyễn. Đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã đón nhận tấm bằng này.

Mộc bản là bản khắc gỗ chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra sách trong thời kỳ phong kiến. Tài liệu Mộc bản hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 ở Đà Lạt bao gồm những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn và các sách kinh điển.

Mộc bản là kho tài liệu quý giá với 152 đầu sách gồm nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ… Trong thời kỳ phong kiến, Mộc bản được coi là quốc bảo và chỉ có những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và sử dụng chúng. Mỗi bộ sách chỉ được khắc in khi có lệnh của Vua.

Tài liệu Mộc bản có nhiều tác phẩm quý hiếm: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… ngoài ra còn có các tác phẩm của Ngự Chế Văn, Ngự Chế Thi do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác.

Được biết, hồ sơ mộc bản triều Nguyễn được Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước trình lên UNESCO năm 2007. Ngày 31/7/2009, tại cuộc họp của Ủy ban tư vấn quốc tế về chương trình Ký ức thế giới, UNESCO đã quyết định đưa mộc bản triều Nguyễn vào danh sách di sản tư liệu thế giới. Tháng 10/2009, mộc bản triều Nguyễn được ký bằng công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng và đệ trình thành công hồ sơ di sản tư liệu cấp quốc tế.




Sắp mở đường bay thẳng Myanmar và Việt Nam

người đăng admin | viết nhận xét

Phó Tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines Dương Trí Thành đã tới Nay Pyi Taw để thảo luận với Thứ trưởng Giao thông Myanmar Colonel Nyan Tun về việc mở đường bay thẳng, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Theo Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Myanmar, đường bay thẳng Yangon-Hà Nội sẽ góp phần thu hút du khách quốc tế tới Myanmar nhiều hơn nữa, thúc đẩy ngành công nghiệp "không khói" của nước này.

Myanmar đã có đường bay thẳng với Thái Lan, Malaysia, Singapore và Trung Quốc. Hầu hết du khách quốc tế, đặc biệt từ châu Á và châu Âu, tới Myanmar qua Bangkok.

Tháng 11/2009, phái đoàn đại diện các bộ của Việt Nam, do Thứ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nguyễn Thanh Biên dẫn đầu, đã có cuộc gặp Liên minh các phòng thương mại và công nghiệp Myanmar (UMFCCI) để bàn về những vấn đề liên quan đến các cơ hội hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước cũng như trao đổi các đoàn nghiên cứu.

Theo số liệu chính thức, kể từ khi Myanmar mở cửa đón đầu tư nước ngoài cuối năm 1988 tới cuối tháng 8 năm nay, đầu tư của Việt Nam tại nước này đạt 23,4 triệu USD, trong đó riêng đầu tư vào lĩnh vực dầu khí trong tháng 9/2008 đạt 20 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực khách sạn và nghề cá tại Myanmar.

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar trong 9 tháng đầu năm nay đạt 60 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Myanmar vào Việt Nam là 42 triệu USD và nhập khẩu đạt 18 triệu USD.






News for 08/12/2009


View all news for 08/12/2009 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao