International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

14/11/2009 | RSS Feed

Đậm đà bản sắc Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

người đăng admin | viết nhận xét

Mới qua hai ngày diễn ra Festival cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều hoạt động sôi động, để lại ấn tượng thật sâu đậm. Điều đó cho thấy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là tài sản văn hóa qúy giá của các dân tộc Tây Nguyên, dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản văn hóa vô giá của nhân dân các nước Đông Nam á và nhân loại.
Mấy ngày nay trời Gia Lai rất đẹp. Buổi sáng thức dậy, sương mù giăng giăng như những sợi tơ sáng lấp lánh muôn màu dưới ánh nắng mặt trời. Còn từ chiều về đêm gió se se lạnh. Bầu trời quang đãng trong xanh. Trên các đường phố Pleiku rợp cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào đón Festival cồng chiêng. Các quán xá, nhà hàng lúc nào cũng đông người. Khách sạn, nhà nghỉ đều kín chỗ. Anh bạn đồng nghiệp ở Báo Quân đội nhân dân còn cho biết tất cả các nhà khách của Quân đoàn 3, Binh đoàn 15, Tỉnh đội Gia Lai cũng được tận dụng đón khách. Nghe anh Hải tài xế -một người dân địa phương ở đây cho biết, chưa lúc nào thành phố Pleiku lại náo nhiệt, tưng bừng rộn rã như lúc này kể cả những ngày tết Nguyên đán.

Nhớ buổi chiều ngày 12/11/2009, theo lịch trình của Ban Tổ chức, đúng 20 giờ khai mạc Festival tại Quảng trường 17/3, nên anh em chúng tôi cứ đủng đỉnh 19 giờ 30 phút mới đi. Thế mà vừa ra khỏi đường Trần Hưng Đạo đã thấy cả rừng người. Xe ô tô chúng tôi không thể nhúc nhích được. Chúng tôi đành phải đi bộ chen lấn giữa dòng người đông nghịt.

Lễ khai mạc thật long trọng hoành tráng. Có lẽ Ban Tổ chức cũng không ngờ rằng với Quảng trường 17/3 sẽ đủ sức chứa mấy ngàn người đến dự buổi lễ. Thế nhưng, theo chúng tôi ước tính số người đến dự có thể lên tới cả chục ngàn. Không gian của Quảng trường 17/3 như bị bó hẹp bởi các dòng người liên tục nối nhau về đây. Ban Tổ chức liên tục phải dùng loa để yêu cầu mọi người giữ trật tự. Cánh báo chí thật khá vất vả để tác nghiệp, nhiều phóng viên phải đứng từ rất xa để phóng ống kính máy ảnh về phía khán đài.

Trước giờ khai mạc 15 phút là một màn trình diễn nghệ thuật tổng hợp với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên, nghệ nhân. Đồng chí Phạm Thế Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế 2009 đọc diễn văn khai mạc, nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các đoàn cồng chiêng trong và ngoài nước tham dự Festival. Diễn văn khai mạc nêu rõ, việc tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Để các dân tộc anh em chia sẻ đặc sắc văn hóa của nhau.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự Festival cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai, đồng chí Hà Thị Khiết – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, cồng chiêng là nhạc cụ hết sức độc đáo mang đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã rất quan tâm đến các dân tộc Tây Nguyên trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Để hôm nay các di sản văn hóa phi vật thể qúy báu này được bảo tồn, phát huy đem lại những giá trị to lớn với đời sống các dân tộc Tây Nguyên và các dân tộc Việt Nam. Đánh giá cao những giá trị văn hóa nghệ thuật cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên, năm 2005, UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân lọai. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là tài sản văn hóa qúy giá của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, dân tộc Việt Nam mà là tài sản văn hóa qúi giá của nhân dân các nước Đông Nam Á và nhân loại. Trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong xu thế hội nhập hiện nay để tài sản qúi báu này còn đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn hòa bình trong khu vực và thế giới.

Tại Lễ khai mạc, đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên cùng thắp chung ngọn lửa Festival. Sau đó là những đợt bắn pháo hoa kéo dài 15 phút. Bầu trời Pleiku sáng rực, lung linh những ánh sao muôn màu. Lòng người dự lễ rạo rực, lâng lâng và liên tục reo lên mỗi khi thấy pháo hoa được bắn lên, nét mặt ai cũng rạng rỡ. Biết họ là sinh viên trường đại học Tây Nguyên, tôi hỏi chuyện: “Các bạn thấy Festival cồng chiêng thế nào?”; “Dạ, vui quá chú ạ! Ở trường cháu cả tháng nay ai ai cũng nói đến Festival cồng chiêng lần này. Hôm nay sinh viên tụi cháu đi đông lắm!”. Một bạn trai trong nhóm đã trả lời tôi một cách rất tự nhiên như vậy. Phía bên kia một chút tôi nghe có nhiều tiếng nói rồi nhiều cánh tay chỉ trỏ lên phía sân khấu khán đài khi các đoàn diễn viên, nghệ nhân biểu diễn “Ồ! Con Nay H’Giang kìa!” “Đúng rồi! Có cả thằng H’Tup nữa! Giỏi qúa! Hay quá!”. Đó là những bà con người dân tộc đến xem lễ khai mạc. Trông họ thật chân thật và chất phát, gần gũi thân thương.

Đêm khai mạc Festival khép lại. Mọi người ùn ùn kéo nhau ra về. Trên các đường phố tiếng cười nói, tiếng còi xe inh ỏi. Gần một giờ đồng hồ sau chúng tôi mới “thoát” ra được Quảng trường 17/3. Cả thành phố Pleiku suốt đêm hôm ấy hầu như không ngủ.

Ngày 13/11/2009, là ngày đầu tiên trình diễn cồng chiêng. Xe ô tô của Ban Tổ chức đưa đoàn nhà báo chúng tôi đến Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Khu Du lịch sinh thái Về Nguồn, dự chương trình trình diễn cồng chiêng của các đoàn. Đến Công viên Đồng Xanh chúng tôi đã bị cuốn hút níu lại cả ngày. Ở đây chúng tôi được xem một chương trình biểu diễn cồng chiêng đầy ấn tượng của các diễn viên, nghệ nhân các đoàn cồng chiêng trong và ngoài nước. Hàng ngàn lượt người đã đến xem. Sân khấu ngoài trời dưới ánh nắng vàng trong trẻo, gió nhè nhẹ, các chàng trai cô gái đoàn cồng chiêng tỉnh Hòa Bình biểu diễn tiết tục “Mừng lúa mới”, đoàn cồng chiêng tỉnh Gia Lai biểu diễn tiết mục “Đâm trâu mừng chiến thắng”, đoàn Campuchia biểu diễn tiết mục “Lễ hội làng”, … Tiết mục nào cũng toát lên nét đặc trưng tiêu biểu của một nền văn hóa dân tộc. Ống kính máy ảnh, camera quay truyền hình của hàng chục phóng viên chớp lia lịa. ..

Thấy có một đoàn người nước ngoài đang đứng xem tôi đến hỏi chuyện. Anh Toàn quê ở Đăk Đoa, Gia Lai, Việt kiều ở Mỹ cùng bố mẹ vợ và hai em ruột vợ là người Mỹ mới từ Mỹ về nước dự Festiavl là người tôi gặp đầu tiên. Anh Toàn cho biết: “Tôi sang Mỹ từ đầu năm 1975 lúc đó tôi mới 15 tuổi, lấy vợ người Mỹ, làm việc ở Mỹ. Tôi hiểu biết rất ít về Việt Nam, nhưng từ năm 1990 đến nay tôi đã về Việt Nam ba lần. Mỗi lần về tôi thấy Việt Nam phát triển nhanh quá, ấn tượng quá. Như ở công viên Đồng Xanh này, lần đầu tiên tôi về nước còn là một khu đất sình lầy heo hút, bây giờ đã là một công viên sầm uất, khang trang. Hôm nay được xem những tiết mục biểu diễn cồng chiêng của các đoàn Việt Nam, tôi càng hiểu hơn về đất nước, con người, về nền văn hóa phong phú của dân tộc ta. Hiểu hơn về khẩu hiệu đại đoàn kết dân tộc mà báo chí Việt Nam hay nói. Tôi rất hãnh diện là người con của dân tộc Việt Nam, quê hương Việt Nam!”. Anh Toàn còn cho biết bố vợ anh là một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông đến Việt Nam lần này là lần thứ hai, mỗi lần về Việt Nam ông đều rất thích, sức khỏe ông khá lên hẳn. Đã nhiều lần ông tâm sự với vợ chồng anh về lỗi lầm của ông trong cuộc chiến Việt Nam. Ông căn dặn vợ chồng anh nên bố trí thường xuyên về thăm quê hương Việt Nam, nên làm “một cái gì đó” cho Việt Nam. Tôi hỏi: “Vậy anh chị đã làm gì chưa?”; anh Toàn trả lời ngay: “Lần này chúng tôi sẽ gặp chính quyền để đề đạt nguyện vọng anh ạ!”.

Qua hai ngày diễn ra Festival cồng chiêng quốc tế 2009, chúng tôi được chứng kiến nhiều điều thật tốt đẹp. Điều đó cho thấy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là tài sản văn hóa qúy giá của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, dân tộc Việt Nam mà là tài sản văn hóa qúy giá của nhân dân các nước Đông Nam Á và nhân loại. Trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong xu thế hội nhập hiện nay để tài sản qúy báu này còn đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn hòa bình trong khu vực và thế giới. Như đồng chí Hà Thị Khiết – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định.


(Ngô Hiền – Minh Hiền – Văn Biên) (ĐCSVN)





News for 20/10/2009


View all news for 20/10/2009 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam