International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

08/12/2009 | RSS Feed

Du lịch đường sông - tiềm năng lớn bị thả nổi

Người đăng admin | Viết nhận xét

TP HCM cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn về tài nguyên, cảnh quan khi nằm trên địa bàn giao nhau của nhiều con sông và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Thế nhưng, nguồn du lịch đường sông này chưa được khai thác hợp lý.

Đó là một vấn đề được nhiều đại biểu bộ, ngành du lịch đưa ra trong hội thảo về vấn đề phát triển du lịch đường sông Việt Nam tại TP.HCM cuối tháng 11.

Hiện TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn, cũng là điểm trung chuyển khách từ các tỉnh thành trong cả nước và khách quốc tế đến với các tỉnh ĐBSCL. Trong đó lưu vực của các hệ thống sông ĐBSCL có thiên nhiên khá trù phú, quanh năm hoa trái, tôm cá là điều kiện tốt phát triển du lịch miệt vườn.

 

Các chuyên gia về du lịch cho hay việc xây dựng các cầu bắc qua sông cũng
cần phải tính, sao cho tàu thuyền lớn có thể đi qua, giúp cho việc đón khách du lịch
cũng như giao thông được thuận lợi. Ảnh: VnExpress

Song, có nhiều tiềm năng thế nhưng nguồn tài nguyên du lịch này đến nay vẫn chưa được phát triển, chỉ có một số doanh nghiệp lữ hành đầu tư và hoạt động một cách lẻ tẻ, mà hơn hết vẫn chưa được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo các cấp ngành.

"Sản phẩm du lịch đơn điệu, chủ yếu là hình thức nhà hàng trên sông. Du khách lên tàu chỉ để ăn uống, thay đổi không khí quen thuộc trong phòng máy lạnh hay khách sạn trên bờ. Riêng TP. HCM chỉ mới khai thác một số tuyến du lịch đường sông tầm ngắn như từ bến Bạch Đằng đến Nhà Bè (quận 7), tầm trung và dài như Sài Gòn - Bình Dương - Tây Ninh (Hồ Dầu Tiếng) - Đồng Nai; Sài Gòn - Nhà Bè - Lâm Viên (Cần Giờ). Nhưng tất cả vẫn rất thưa thớt", Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM Lã Quốc Khánh nhận xét.

Ngay cả các tuyến đã đi vào hoạt động cũng tỏ ra kém hiệu quả khi suốt hành trình dường như không có điểm dừng chân nào cho khách nghỉ ngơi, hoặc nếu có như cù lao Ba Xê (Đồng Nai) cũng chỉ là trạm nghỉ thông thường mà không có gì hấp dẫn, thu hút du khách khi xuống tàu. Theo ông Khánh, điều đó gây trở ngại trong việc phát triển du lịch đường sông của TP HCM đi các tỉnh lân cận bởi chưa có chính thức một bến cảng nào dành cho tàu du lịch. "Cho đến nay việc vận chuyển trên sông vẫn chủ yếu là hàng hóa, chưa có điểm nào dành riêng cho tàu du lịch. Cảnh quan khu vực cảng còn khá phức tạp, xây dựng lấn chiếm ra cả hai bờ sông nhưng đáng nói lại không có cầu cảng nào. Hệ thống báo hiệu đường sông cho khách du lịch không có, môi trường hai bên bờ sông dường như chưa được quan tâm. Nhu cầu của khách là có thật nhưng nhiều nhà đầu tư băn khoăn không biết có nên đầu tư tiếp hay không", ông Khánh trăn trở.

Đại diện của nhiều doanh nghiệp cũng đồng ý kiến. "Chúng tôi sẵn sàng đầu tư hàng chục con tàu để khai thác du lịch nhưng tìm đâu ra cảng để đậu. Đậu trong bờ thì thủy triều xuống, sình lầy bám vào nghiêng tàu. Còn đậu ở ngoài thì không an toàn vì cản dòng chảy", đại diện một doanh nghiệp trình bày. Chính vị này cũng khẳng khái cho rằng, việc neo đậu hỗn hợp nhiều loại tàu trong cùng một khu vực dẫn đến nhiều tai nạn đường sông. Cụ thể là tại bến Bạch Đằng đã xảy ra tai nạn xà lan cát trôi đụng phải tàu cánh ngầm gần đây.

Bà Trần Thị Huyền, Giám đốc tàu Nhà Hàng Sài Gòn hoạt động trong khu vực cảng Bạch Đằng, chia sẻ thêm khó khăn về việc thiếu bến đỗ. "Việc đón khách gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi khách đã đến bến đợi, nhưng tàu vẫn không được vào bến. Mỗi lần cập cảng, tàu chỉ được mấy phút đón khách rồi lại phải đi ngày. Trên sông thì tàu chạy thế nào cũng được, không có người quản lý về tốc độ an toàn. Sự cạnh tranh không lành mạnh khiến du khách mất lòng tin. Tôi nghĩ cần phải có một hội liên hiệp của ngành du lịch đường sông để giúp loại hình này phát triển mạnh hơn", bà giám đốc kiến nghị.

 

Điểm dừng hiếm hoi tại cù lao Ba Xê trên sông Đồng Nai, tuy nhiên còn khá
đơn sơ chưa có các dịch vụ cho du khách nghỉ dưỡng. Ảnh: VnExpress

Trước những bức xúc của các doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Thế Bình thừa nhận, nhận thức của lãnh đạo các sở ngành về thế mạnh của đường sông chưa mạnh.

Ông Bình thẳng thắn nhận xét: "Có vẻ như khái niệm về công tác quản lý đường sông chưa được nhận thức đúng. Đến cả Vịnh Hạ Long, nơi có số lượng lớn du thuyền đang được khai thác du lịch, cũng chỉ có duy nhất một bến ở Bãi Cháy và cũng chưa có ban quản lý. Tàu thuyền thì chạy lung tung, không ai quản. Đêm đến tàu lang thang trên biển, đến đâu thì thả neo ở đó, không có bến đậu an toàn".

Để khắc phục, nhất thiết phải xây dựng một đề án quản lý đường sông về giao thông lẫn du lịch. Ông Bình cũng đưa ra định hướng phát triển cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc xác định thị trường chiến lược: "Phần lớn các doanh nghiệp đều đầu tư cho khách quốc tế, nhưng nguồn khách này thì không được bao nhiêu so với 86 triệu dân Việt Nam hiện có. Đây mới chính là nguồn khách hàng chiếm vị trí quan trọng, tiềm năng cần được nhắm tới để phát triển du lịch nội địa, nhất là trong tình hình, khả năng phục vụ du khách quốc tế của chúng ta còn hạn chế".

Hải Duyên ( VnExpress)






Các tin khác


Xem tất cả các tin




Tin trong ngày


Xem tất cả các tin




Tin mới nhất




Tin đã đăng

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam