International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

25/04/2009 | RSS Feed

Lễ hội của toàn dân

người đăng admin | viết nhận xét

CôngThương -  Hướng vào 2 chủ đề chính

Lễ hội diễn ra trên phạm vi rộng: Tại khu du lịch Bãi Cháy và Trung tâm thành phố Hạ Long cùng nhiều chương trình đồng thời được tổ chức ở các Trung tâm du lịch Móng Cái, Vân Đồn, Uông Bí… Ông Lê Toán - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh cho biết: Lễ hội du lịch Hạ Long 2009 là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn với sự tham gia chủ yếu của quần chúng nhân dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, khách du lịch trong nước và quốc tế. Nội dung của Lễ hội bao gồm hàng loạt chuỗi các sự kiện quan trọng như: Lễ hội Carnaval, Lễ hội Hội ngộ Di sản, Lễ hội văn hóa ẩm thực… Sự kiện “mở màn” cho lễ hội là: Hội chợ triển lãm quảng bá thương hiệu sản phẩm tỉnh Quảng Ninh khai mạc vào tối 24/4 và khép lại vào ngày 2/5/2009… Lễ hội du lịch Hạ Long năm nay còn là nơi hội tụ và giao lưu của các đoàn nghệ thuật vùng duyên hải và kinh tế trọng điểm phía Bắc, cùng với sự giao lưu của các đoàn nghệ thuật quốc tế Gang Won (Hàn Quốc), Pháp, Nhật Bản, Lào, Thái Lan và các đoàn nghệ thuật đến từ khu tự trị dân tộc Choang- Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam (Trung Quốc)… Tất cả chuỗi các sự kiện và mọi hoạt động của Lễ hội năm nay đều hướng vào 2 chủ đề chính: “Kỳ quan Hạ Long - Điểm hẹn” và “Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên thế giới”.

Thông điệp từ “Đêm Hội ngộ Di sản”

Trong hàng loạt chuỗi các sự kiện diễn ra tại Lễ hội đáng chú ý có sự kiện “Đêm Hội ngộ Di sản” được tổ chức vào ngày 2/5 - ngày cuối cùng khép lại Tuần lễ Du lịch Hạ Long 2009. Ông Ngô Hùng - Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho hay: Đây là lần đầu tiên “Đêm hội ngộ Di sản” được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội du lịch. Sở dĩ năm nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đưa nội dung “Đêm Hội ngộ Di sản” thành một sự kiện quan trọng là vì một lần nữa tỉnh Quảng Ninh muốn gửi một thông điệp tới cộng đồng: “Hãy bình chọn Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thế giới”. Hiện Vịnh Hạ Long đang đứng trong số 261 kỳ quan trên thế giới được tiếp tục lọt vào “vòng 2” dự kiến sẽ kết thúc bình chọn vào cuối tháng 7/2009. “Đêm Hội ngộ Di sản” được trình diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các vùng di sản đến từ Việt Nam và nhiều nước. Tuy là sự kiện tổ chức cuối cùng khép lại tuần Lễ hội du lịch Hạ Long 2009, nhưng có ý nghĩa mở ra một tương lai, vận hội mới cho du lịch Hạ Long nói riêng và của cả nước nói chung. Ông Ngô Hùng nhấn mạnh: Hiện tại dù chưa chính thức được xếp hạng, nhưng Hạ Long thực sự đã là một kỳ quan của nhân loại. Danh tiếng của Hạ Long đã bay cao, bay xa và tỏa rạng khắp 5 châu. “Đêm Hội ngộ Di sản” một lần nữa là điểm nhấn quan trọng tôn vinh những giá trị ngoại hạng về thẩm mỹ, địa chất địa mạo cũng như bản sắc văn hóa của Vịnh Hạ Long, khẳng định vị thế của danh thắng Hạ Long trong lòng bè bạn và du khách bốn phương…

Đi đầu “Trả lễ hội về cho dân”

Là địa phương đầu tiên được tổ chức lễ hội du lịch quốc gia vào năm 2003, từ đó, trở thành thường niên, năm nào Quảng Ninh cũng tổ chức Lễ hội Du lịch Hạ Long và năm nào cũng có những đổi mới về nội dung. Tuy nhiên việc đổi mới cách làm, đổi mới nội dung chương trình được thực hiện mạnh mẽ nhất từ năm 2007, trong đó thể hiện rõ nét nhất thông qua Lễ hội Carnaval. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên tổ chức lễ hội du lịch bằng hình thức Lễ hội Carnaval. Cũng là lễ hội đường phố nhưng ở Quảng Ninh, các nhà tổ chức đã biết phát huy thế mạnh có một không hai là hình ảnh Vịnh Hạ Long hùng vĩ để tổ chức lễ hội Carnaval cả trên đường phố và cả trên biển. Hàng ngàn ngàn người, bao gồm cả diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp, cán bộ công nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp, rồi học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân và du khách khắp nơi cùng tham gia lễ hội dài hàng cây số ở Trung tâm du lịch Bãi Cháy. Độc đáo, đặc sắc hơn khi hàng trăm tàu thuyền đủ loại, đủ thương hiệu cùng thực hiện các vũ điệu Carnaval trên biển. Nói như Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng với báo giới trong một cuộc họp về xúc tiến du lịch tổ chức mới đây tại Hà Nội: Từ Lễ hội Carnaval cho thấy, Quảng Ninh là địa phương đi đầu về thực hiện xã hội hóa việc tổ chức lễ hội, thu hút nguồn lực ngày càng lớn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội cho tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch hay nói cách khác là “trả được hội về cho dân”. Quan trọng hơn, cũng chính Lễ hội Carnaval đã tạo cho Quảng Ninh xây dựng được thương hiệu mới, sản phẩm mới về du lịch, để hàng năm, cứ đến dịp 30/4 và 1/5, du khách trong nước và quốc tế lại được tham gia một Carnaval Hạ Long hấp dẫn và đặc sắc.

Mọi hoạt động đều nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Lễ hội du lịch Hạ Long 2009 Nhữ Thị Hồng Liên, khẳng định: Ngoài mục đích kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ, thu hút ngày càng đông du khách đến với Quảng Ninh, Lễ hội này còn nhằm mục tiêu quan trọng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp kích cầu, tập trung sức ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì và khắc phục lại đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành đổi mới nội dung hội chợ triển lãm, tập trung cho tôn vinh quảng bá thương hiệu sản phẩm, đồng thời mở rộng quy mô Lễ hội văn hóa ẩm thực… để thúc đẩy việc tiêu dùng sản phẩm hàng hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Toán cho biết: Năm 2003 - năm đầu tiên tổ chức Lễ hội du lịch quốc gia, doanh thu từ du lịch của Quảng Ninh mới đạt chưa đến 500 tỷ đồng, nhưng đến năm 2008, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đã là 4,2 triệu lượt người, trong đó có 2,6 triệu khách quốc tế, tổng thu xã hội về du lịch tăng gấp 5 lần so với năm 2003. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2009, đã có 2,6 triệu lượt khách đến Quảng Ninh và doanh thu du lịch đạt trên 700 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ về lượng khách và 3,5% về doanh thu thông qua các lễ hội văn hóa lịch sử tâm linh trên địa bàn. Dự kiến dịp lễ hội năm nay sẽ đón 500 ngàn lượt khách, doanh thu xấp xỉ 200 tỷ đồng.

Yếu tố tạo nên thành công thì nhiều, nhưng quan trọng nhất là hiệu quả mang lại từ các hoạt động quảng bá xúc tiến, xây dựng thêm thương hiệu sản phẩm mới về du lịch, dịch vụ tại trọng điểm du lịch Hạ Long và các trung tâm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

                                  

              Ông Trần Chiến Thắng -
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Quảng Ninh đang phát triển rất mạnh về công nghiệp, kinh tế biển, vận tải biển và dịch vụ du lịch (có nghĩa Quảng Ninh cùng lúc phải giải quyết 3 vấn đề: vận tải biển, công nghiệp khai thác than và vinh danh du lịch). Muốn phát triển bền vững, thì 3 mũi nhọn này của Quảng Ninh phải bảo đảm cân bằng. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, di sản Vịnh Hạ Long là vấn đề hết sức lớn. Bộ VH-TT-DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh xác định các tài nguyên văn hoá, tài nguyên nhân văn là tài sản quý giá để phát triển du lịch bền vững, để xây dựng các sản phẩm du lịch.

                                   

                  Bà Nhữ Thị Hồng Liên -
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Năm là năm thứ 3 Quảng Ninh tiếp tục khai mạc Lễ hội du lịch bằng lễ hội Carnaval. Lần này, chúng tôi cũng có nhiều cố gắng đổi mới cách làm. Tuy nhiên, nghĩa đổi mới cũng nên hiểu rộng hơn, trước hết phải xác định đó là cái khát vọng thương hiệu. Hình thức Carnaval là không thay đổi và thường niên, nhưng cái quan trọng là đổi mới về nội dung và chất lượng tăng dần, tiếp cận ngày càng nhiều với du khách với quần chúng nhân dân, chứ không phải hôm nay làm cách này, ngày mai cách khác mới được gọi là đổi mới. Quan trọng là gắn được việc quảng bá giới thiệu hình ảnh Vịnh Hạ Long ngày càng đậm nét. Việc gắn được những hình ảnh sống động của Vịnh Hạ Long vào hoạt động của quần chúng du khách tham gia Lễ hội Carnaval sẽ tạo được một không gian hoành tráng, tạo ra sản phẩm du lịch riêng biệt, đặc thù “có một không hai”.

Thu Hiền - Xuân Phú - Báo Công Thương




Chủ tịch huyện Hoàng Sa: 'Sẽ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ'

người đăng admin | viết nhận xét

Sáng nay, tại trụ sở UBND TP Đà Nẵng, tổ chức lễ công bố quyết định Chủ tịch UBND của 45 phường và Chủ tịch UBND của 8 quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng. Đây là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện thí điểm việc bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, xã phường theo Nghị quyết Quốc Hội.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa đối với ông Đặng Công Ngữ. Động thái này của chính quyền Đà Nẵng được ví giống như việc nối bước tiền nhân, cắm mốc cho Hoàng Sa, dù chỉ trên đất liền và trong lòng dân.

Trả lời phỏng vấn ngay sau nhậm chức, vị tân Chủ tịch huyện đảo cho biết: "Tôi rất phấn khởi khi được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Thực ra, đây cũng là công việc mà trước đây chúng tôi đã làm. Tuy nhiên, do vướng một số luật bầu cử HĐND, UBND nên chưa chính danh tên gọi. Nay, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm bỏ cấp Hội đồng nhân dân, UBND TP Đà Nẵng mới chính thức ra quyết định bổ nhiệm".

Ông Ngữ trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau lễ nhậm chức. Ảnh: Trà Bang.
Ông Ngữ trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau lễ nhậm chức. Ảnh: Trà Bang.

Theo quyết định do Chủ tịch Trần Văn Minh ký ngày 21/4, ông Đặng Công Ngữ được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trong nhiệm kỳ 5 năm (2009-2010) bên cạnh công việc kiêm nhiệm là Giám đốc Sở Nội Vụ Đà Nẵng. Theo ông Đặng Công Ngữ, bộ máy cán bộ chuyên trách của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa sẽ được thiết lập theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Văn Minh cũng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chính quyền UBND huyện đảo Hoàng Sa làm việc, trong đó có cả việc phân bổ kinh phí, ủng hộ các chương trình, kế hoạch đề ra của huyện Hoàng Sa trong thời gian sắp tới.

"Trước hết, với tư cách công dân, cũng như bao người dân Việt Nam, tôi cũng có lòng yêu nước, có quyền và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nói chung, biển đảo nói riêng, Nay, với cương vị Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa tôi thấy rõ hơn trách nhiệm của mình nặng nề hơn trước nhân dân. Đây là mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc, là máu thịt của tôi, của dân tộc và của tổ quốc mình. Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biển đảo. Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng tôi đang triển khai xây dựng cuốn kỷ yếu, sách viết về Hoàng Sa", ông Ngữ nói.

Trước mắt, chính quyền huyện đảo Hoàng Sa sẽ hoạt động tại trụ sở của Sở Nội Vụ Đà Nẵng. Về lâu dài sẽ xúc tiến đề án xây dựng trụ sở riêng. Nói về kế hoạch giáo dục, tuyên truyền về Hoàng Sa, ông Ngữ cho biết: "Biển đảo Việt Nam đã có trong lịch sử, địa lý của nước nhà từ bao đời nay. Giáo dục cho học sinh, sinh viên, thế hệ mai sau về lịch sử, địa lý, tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân đối với nền độc lập, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, toàn dân. Và đặc biệt với Hoàng Sa, Đà Nẵng chúng tôi càng coi trọng trách nhiệm này".

Trà Bang - vnExpress





Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

người đăng admin | viết nhận xét

Nằm cách đất liền gần 18 hải lý, đảo Lý Sơn hay còn gọi là Cù Lao Ré -một vùng đất nổi tiếng với nghề trồng hành tỏi. Chính vì vậy nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”. Lý Sơn còn là một nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn. Một trong những tiềm năng thu hút khách du lịch là nơi đây còn nhiều di tích lịch sử-văn hoá với những kiến trúc đình, chùa độc đáo.

 Huyện Lý Sơn hiện có 9 di tích lịch sử-văn hoá được công nhận bảo vệ; trong đó có 3 di tích xếp hạng di tích Quốc gia gồm Đình làng An Vĩnh; Chùa Hang; Âm Linh tự. Du khách đến Lý Sơn mà chưa đến Chùa Hang cũng như chưa đến đảo xinh đẹp này. Chùa Hang là hang động lớn nhất trong hệ thống hang động ở đảo Lý Sơn. Hang đá này được tạo thành từ một vách đá dựng đứng, cao gần 20 mét ở ngọn núi Thới Lới, do bị nước biển xâm thực tạo thành một hàng động. Hang có bề ngang 30 mét ăn sâu hơn 25 mét vào núi theo kiểu hàm ếch, ngoài cửa cao 15 mét, thấp dần vào phía trong. Ở trong đó có những kỷ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hang là những cây bàng cổ thụ, cành lá xum xuê. Chùa Hang là nơi thờ Phật nên trước cửa Chùa có tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự; ở đây còn kết hợp thờ 7 vị tiền hiền làng Lý Hải, An Hải. Ngoài chùa Hang, Lý Sơn còn có đình làng Lý Hải –là một trong những di tích xếp hạng Quốc gia. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách thời nhà Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1820) ở xã Lý Hải. Đây còn là ngôi đình thể hiện kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, sống động qua các ô trang trí. Ngòai ra, ở Lý Sơn còn có hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, Âm linh tự, dinh bà Roi, giếng vua; những hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Sa Huỳnh Ðại Việt. Ðặc biệt, trong lòng đất Lý Sơn còn ẩn chứa nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa ChămPa với các hiện vật có niên đại cách chúng ta khoảng 2 - 3 nghìn năm đã được Viện khảo cổ học và Bảo tàng Quảng Ngãi khai quật. Trên đảo Lý Sơn còn có 5 ngọn núi là Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai, dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước. Đứng trên những ngọn núi này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hành, tỏi xanh mướt trải rộng sát bờ biển quanh năm dập dìu sóng vỗ. Ra Lý Sơn vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch, du khách còn được dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ truyền thống của người dân Lý Sơn để tri ân những người đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển Đông, cùng Lễ Cầu siêu cho nghĩa sĩ trận vong, Lễ tế Thanh minh, Lễ phóng đăng và bắn hỏa châu, lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu ngư, các trò chơi dân gian... được tổ chức thường xuyên vào dịp Tết Nguyên đán mà nơi khác không có.

 

Có thể nói, toàn cảnh đảo Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa một vùng trời biển bao la rất đẹp. Lý Sơn là một hòn đảo có tiềm năng văn hóa vô cùng phong phú, trong đó các di tích lịch sử văn hóa chiếm một vai trò quan trọng. Đây là tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, nhưng tiềm năng này vẫn chưa được đánh thức. Năm 2007, Sở Thương mại-du lịch trước đây mở tuyến du lịch sinh thái biển đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, du khách đến Lý Sơn rất ít và nhỏ lẻ, không theo tuyến. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng , dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được khách tham quan. Đó là chưa nói, ban ngày trên đảo xinh đẹp này vẫn chưa có điện, phương tiện đi lại khó khăn…Trong khi đó, các di tích lịch sử- văn hoá- là điểm đến của khách tham quan ngày càng xuống cấp. Đặc biệt là các di tích được xếp hạng Quốc gia.

 

Huyện Lý Sơn xác định phát triển du lịch là một trong những chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong những năm đến. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trong khi chờ sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng phục vụ du lịch, huyện Lý Sơn sẽ tuyên truyền cho nhân dân phát triển “du lịch cộng đồng”; đồng thời chú trọng đến việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá; khôi phục làng nghề; giữ các giá trị văn hoá phi vật thể…

 

Phát triển du lịch không chỉ từ sự vận động nhân dân nâng cao ý thức mà cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ; sự liên kết giữa các vùng miền, trong khu vực. Có như thế, du lịch Lý Sơn sẽ được khai thác có hiệu quả và hy vọng sẽ nằm các trong tuyến du lịch của miền Trung.





Costa Rica - Thiên đường Du lịch sinh thái

người đăng admin | viết nhận xét

Quốc gia này có một thảm rừng xanh quý giá với hàng ngàn loài chim lạ, hơn 15 ngàn loài bướm, 3.000 loài hoa lan đẹp cùng nhiều loại thú quý hiếm... Các nhà khoa học đến đây nghiên cứu cho biết không nơi đâu trên thế giới có thảm rừng phong phú về sinh vật và thực vật lạ như ở đây. Nhờ vậy mà Costa Rica thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.



Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Costa Rica nên chính quyền đã có chính sách bảo vệ thiên nhiên một cách hữu hiệu. Họ đã dành hơn 30% diện tích đất đai cho thiên nhiên, muông thú và con người chỉ được thăm viếng giới hạn, tuyệt đối không được sinh sống, khai phá và săn bắn trong vùng này. Điều này khiến cho du khách yêu thiên nhiên rất hài lòng.

Vườn quốc gia Toruguera là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá đất nước Costa Rica. Nằm trong vịnh Caribbe, vườn quốc gia Toruguera là tổ ấm được bảo vệ cho loài rùa xanh đến sinh sản đầu mùa hè đến cuối mùa thu hàng năm. Du khách chỉ có thể đến thăm vùng này bằng máy bay thủy động cơ hay bằng tàu nhỏ. Nếu đi bằng tàu, du khách sẽ được len lỏi vào những con rạch nhỏ, tận hưởng cảnh vật thiên nhiên, muôn thú đủ loại hiện ra trước mắt. Dọc hai bên bờ, rừng cây soi bóng trên mặt nước trong veo, đàn cò nhởn nhơ tìm mồi, đàn cá sấu lười biếng nằm bất động trên cồn cát phơi nắng. Trên cành cây, tiếng chim ríu rít gọi đàn, từng đàn khỉ leo trèo, chuyển động vang cả góc rừng... Để giúp du khách thăm rừng, các cơ quan du lịch ở Costa Rica cho làm những cây cầu treo dài và chắc chắn, giúp du khách “đi trên ngọn cây” xuyên rừng, tha hồ ngắm cảnh, chụp ảnh... Phong cảnh, cây cối và hoa sắc nơi đây tương tự như vùng Hawaii. Với du khách thích cảm giác mạnh thì có những thang đu hoặc dây đu chắc chắn để đu mình như kiểu Tarzan từ cây này qua cây khác...

Rời vườn quốc gia Toruguera, du khách đến tham quan khu bảo tồn Monteverde. Khu bảo tồn thú hoang dã này bao gồm 6 hệ sinh thái khác nhau với tổng diện tích là 4 ha. Đi bộ từ cổng vào khu bảo tồn đến ranh giới lục địa bắc và nam Mỹ, du khách sẽ chứng kiến sự thay đổi của hệ sinh thái từ rừng khô ráo cho đến rừng ẩm ướt. Có đến 2.000 loài thực vật bản xứ sống tại khu vực này, đáng chú ý nhất là phong lan. Ngoài ra còn có khoảng 350 loài chim và 100 loài thú có vú. Du khách sẽ thú vị và kinh ngạc khi đến thăm khu vườn bướm Monteverde. Khu vườn này bao gồm một hệ thống nhà lưới và hai khu nhà kính. Khu nhà kính thứ nhất mô phỏng môi trường của các cánh rừng vùng hạ lưu, còn nhà kính thứ hai giống với môi trường rừng vùng trung du. Hai khu nhà kính này chứa đến hàng trăm con bướm nhiệt đới thuộc 40 loài khác nhau.

Công viên quốc gia Manuel Antonio là rừng bảo tồn nhỏ nhất và đẹp nhất của Costa Rica. Khu bảo tồn được bao bọc bởi những bãi cát trắng trải dài theo bờ biển Thái Bình Dương nổi tiếng nhờ sự đa dạng về hệ động thực vật: có đến 184 loài chim và 109 loài thú có vú trú ngụ. Đây là nơi duy nhất trên thế giới du khách có thể tìm thấy loài khỉ Titi. Trong khi đi dạo trong rừng Manuel Antonio, du khách có cơ hội được trông thấy loài giông mào, khỉ và nhiều loài chim rực rỡ sắc màu. Vào ngày thứ bảy hằng tuần, Công viên quốc gia Manuel Antonio còn tổ chức các hoạt động như: đi bè qua các thác nước, câu cá, tham quan rừng đước, cưỡi ngựa...

Đến Costa Rica, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi lửa Arenal, rừng rậm Monteverde ẩn trong sương, thác nước huyền bí La Paz... mà còn được nghỉ ngơi trong những khách sạn sinh thái (không máy lạnh, không truyền hình và không điện thoại) ẩn mình trong các khu rừng nhiệt đới bên bờ Thái Bình Dương.






News for 24/04/2009


View all news for 24/04/2009 on one page




Các tin cũ hơn

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam