International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

24/04/2009 | RSS Feed

"Nội xâm" văn hóa

Người đăng admin | Viết nhận xét

Tan tác lễ hội hoa Hà Nội 2009.

Trong cuộc trò chuyện bàn tròn trên VietNamNet gần đây, nhà báo Hữu Thọ nêu lên sự cần thiết của việc bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc và đề cập đến nguy cơ “xâm lăng” văn hóa từ bên ngoài, trong đó ông bày tỏ sự lo lắng về sự xuống cấp của văn hóa và sự sùng ngoại…

Để làm tốt việc này, cũng trên diễn đàn đó, nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh đến việc phải coi trọng giữ gìn tốt các công trình văn hóa.

Ông cũng đưa ra những thí dụ khá thú vị về việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc khỏi sự “xâm lăng” về văn hóa từ bên ngoài bằng câu chuyện về người Mexico đã giữ gìn nền “văn hóa hoa quả” hay người Pháp bảo vệ nền “văn hóa rượu vang” của họ như thế nào trước nguy cơ “xâm lăng” của đồ uống CocaCola đến từ nước Mỹ.

Chen lấn, chồng chéo lô cốt gây tắc
đường ở TP HCM. Ảnh: VnE
Nhưng khái niệm văn hóa không chỉ bao gồm các công trình văn hóa cụ thể, các di tích thắng cảnh hay những làn điệu dân ca nổi tiếng, hoặc những món ăn, thức uống đặc sắc mà chúng ta có thể tự hào với thế giới về một nền ẩm thực “đậm đà bản sắc” Việt.

Nếu khái niệm văn hóa không chỉ là như vậy mà còn là sự ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường, là ý thức trách nhiệm của cả hệ thống, là ý thức cộng đồng thì tôi lại thấy vấn đề “nội xâm văn hóa” có vẻ đã rất nghiêm trọng trong xã hội ta hiện nay.

Và khi xét văn hóa theo nghĩa rộng như thế thì trong nhiều trường hợp,  sự “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài thậm chí lại rất cần được khuyến khích vì nó mang ý nghĩa tích cực góp phần tác động để từng bước đẩy lui họa “nội xâm” này.

"Nội xâm" văn hóa

Có lẽ chẳng thiếu ví dụ về những trường hợp như thế.

Chẳng hạn như việc vượt đèn đỏ khi không có mặt công an, phóng nhanh vượt ẩu khi tham gia giao thông có thể được xem là một thứ “nội xâm” làm xấu đi hình ảnh các đô thị ở Việt Nam trong mắt người nước ngoài hiện nay.

Hay cùng với hàng loạt những tai nạn chết người do sập hố ga hay bị điện giật do dây điện ngoài đường rơi phải thì người ta cũng đồng thời nhận ra sự thiếu vắng của một thứ văn hóa mà ở những xứ sở khác là chuyện bình thường, có thể tạm gọi đó là “văn hóa nhận trách nhiệm”, “văn hóa từ chức” hay “văn hóa xin lỗi”.

Rồi chuyện bẻ cành, vặt hoa tại lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội năm ngoái đã dẫn đến một cuộc tranh cãi khá quyết liệt rằng liệu đó là “văn hóa” của Hà Nội hay là sự “xâm lăng” của “văn hóa ngoại tỉnh”.

Nhưng dù cuộc tranh cãi này có đưa đến kết luận gì thì chắc chắn nó cũng là một hiên tượng “nội xâm văn hóa” giữa những người trong nước với nhau chứ không phải là một thứ “văn hóa ngoại lai” đến từ nước ngoài.

Hoặc là chuyện các “hung thần xe buýt” coi thường tính mạng của hành khách và người đi đường, đã trở thành nỗi ám ảnh đối với dân lành, với học sinh sinh viên mà điều này đã được phản ánh trong hàng chục bài báo thời gian qua. Chắc đây cũng không phải là sự “xâm lăng” về văn hóa đến từ bên ngoài.   

Còn nhiều thí dụ khác nữa, từ việc xà xẻo tiền Tết của dân nghèo hay tiền cứu trợ của những nạn nhân thiên tai, thái độ vô cảm của nhân viên y tế với người bệnh, sự thiếu nụ cười và thừa lạnh nhạt ở những công chức chốn công đường, sự thiếu ý thức cộng đồng cho đến sự thờ ơ đối với những vấn đề xã hội, rồi tệ chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp…

Có chọn lọc

Tan tác lễ hội hoa Hà Nội 2009.
Ảnh: VNN

Thật khó mà có thể kết luận là các hành vi trên phát sinh từ kết quả của một sự “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài. Và nếu không thể kết luận được như thế  thì “nội xâm văn hóa” có lẽ là cái tên thích hợp nhất để đặt cho chúng.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện được báo Tuổi Trẻ đưa năm ngoái kể về một phụ nữ nước ngoài khi chở con gái bằng xe máy lưu thông trên đường tại Tp.HCM và phát hiện một vệt cát xây dựng nằm giữa đường, bà đã dừng xe lại, mượn xẻng ở gần đó và lẳng lặng thu dọn đống cát này. Theo những người dân ở đây cho biết thì trước đó nhiều người đi xe máy đã trượt ngã nhưng chẳng được ai quan tâm.

Việc này có lẽ hiếm có ở ta nên nó nhanh chóng được nhiều báo và trang mạng khác đăng lại và trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong khi người phụ nữ nước ngoài đó khi được hỏi tên thì từ chối trả lời mà nói rằng việc làm của bà là rất bình thường và ai cũng làm được như vậy.

Xã hội ta mà cứ “bị xâm lăng” bởi các hành vi như thế của những người nước ngoài, để chúng cũng trở thành bình thường, không còn là “của hiếm” nữa thì sẽ tuyệt biết bao!

Và đến bao giờ văn hóa nhường đường, tôn trọng luật giao thông từ nước khác sẽ “xâm lăng” để đánh bại nạn “nội xâm” vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu tại các đô thị của nước ta? Đến bao giờ tệ “nội xâm” vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm bị “những kẻ xâm lăng” là “văn hóa xin lỗi”, “văn hóa từ chức” và “văn hóa nhận trách nhiệm” đánh bại?

Đến bao giờ “văn hóa tôn trọng tính mạng hành khách” mà chúng ta thấy ở những nước văn minh sẽ “xâm lăng” hoàn toàn vào ngành xe buýt của nước ta để không còn cảnh hành khách chưa kịp bước lên, xuống thì xe đã chạy? Bao giờ tệ phong bì sẽ hoàn toàn bị “xâm lăng” bởi “văn hóa niềm nở” hay “văn hóa nụ cười” tại các công sở… ?

  • Hà Vũ Hiển - Tuanvietnam.Net






Các tin khác


Xem tất cả các tin




Tin đã đăng

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam