International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

22/10/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Địa đạo Vịnh Mốc  là một công trình đặc biệt thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa đạo nằm trong một quả đồi đất đỏ ba gian sát bờ biển, cách bãi tắm Cửa Tùng  khoảng 7km về phía Bắc, cách thị xã Hồ Xá chừng 13km về phía Đông Nam, cách đảo Cồn Cỏ ngoài khơi khoảng 30km về phía Tây. Địa đạo Vịnh Mốc như một bảo tàng vô giá, từng ngày từng ngày đón khách tới thăm.

Vào năm 1965, không quân và pháo binh Mỹ liên tục đánh phá ác liệt, dã man vào khu vực Vĩnh Linh, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho Miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng, Vịnh Mốc và hầu hết các làng quê khác trên đất lửa Vĩnh Linh đã bị đánh phá huỷ diệt.
 
Với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", bám trụ bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu chi viện cho tiền tuyến, quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất. Họ đã kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo mà địa đạo Vịnh Mốc là một minh chứng sinh động nhất.
 
Cuối năm 1965, các chiến sĩ đồn biên phòng 140, nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía Nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh ra làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này. Làng hầm như một toà lâu đài cổ nằm trong lòng quả đồi đất đỏ, có độ cao gần 30m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm.

Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15m là nơi sống và sinh hoạt của dân làng; tầng 3 có độ sâu hơn 30m là nơi trung chuyển hàng hoá, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ.
Khoét dọc hai bên đường hầm là những căn hộ gia đình, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra trong đường hầm còn có hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, trạm gác, máy điện thoại… đặc biệt có nhà hộ sinh. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại (từ 1965 - 1972), có 17 đứa trẻ ra đời an toàn, không một người nào bị thương đã nói lên sự lựa chọn đúng đắn, là sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây.
 
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, quân và dân Vịnh Mốc tổ chức hàng trăm chuyến thuyền nan tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ vững vàng chiến đấu. Đảo Cồn Cỏ được Nhà nước tuyên dương anh hùng 2 lần, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của quân và dân làng hầm Vịnh Mốc.

Đây thực sự là một công trình trí tuệ và sự nỗ lực phi thường của quân và dân Vịnh Mốc. Ròng rã 18 tháng trời dưới mưa bom, bão đạn, trong điều kiện thiếu ánh sáng, thiếu phương tiện, với chiếc cúp trong tay, họ đã làm nên một kỳ tích cho sự tồn sinh để sống và chiến đấu giành độc lập, tự do. Làng hầm ra đời đã tạc vào lịch sử của quân dân Vĩnh Linh - Quảng Trị một nét son rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả.

Chiến tranh đã lùi xa, còn đó một làng hầm huyền thoại ngày ngày truyền lại niềm tin, ý chí cho thế hệ hôm nay và mai sau về sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Từ đây, tất thảy bạn bè và những người từng là "kẻ thù" đều phải thừa nhận sự thần kỳ của một đất nước, một dân tộc mà sự tồn tại và chiến thắng của nó là tất yếu. Có rất nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này đều công nhận: " Địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra".

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có Quyết định công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Địa đạo Vịnh Mốc là điểm thu hút du khách ngày càng nhiều, cả khách trong nước và nước ngoài. Ngày nay, địa đạo Vịnh Mốc đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng và luôn được trân trọng.
 
Những ai chưa một lần đến thăm địa đạo Vịnh Mốc hãy dành thời gian đến đây để khám phá, chiêm ngưỡng, cảm nghĩ, hồi tưởng về cuộc chiến đấu giành giật cuộc sống đầy khâm phục của quân dân Vĩnh Linh. Các bạn sẽ có thêm những giây phút tự hào về dân tộc mình, quê hương mình. Địa đạo Vĩnh Mốc là một minh chứng hùng hồn về khát vọng sống mạnh liệt và yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam.
 
 
                                                                                          Phan Thanh Quyên 
                                                                                     Trung Tâm Thông tin Du lịch - TCDL
Người đăng: admin

01/10/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Thôn Đìa vốn xưa là một làng cổ có tên chữ là “Bồng Trì” thuộc tổng Nhân Hữu, huyện Gia Bình; nay là một thôn thuộc xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Làng xã nơi đây gắn liền với bề dày lịch sử và văn hiến của dân tộc. Song bề dày lịch sử và văn hiến của làng Đìa đã được hội tụ và phản ánh ở ngôi đình làng, bởi đây chính là hồn của quê hương, đất nước

Thôn Đìa thuộc xã Bình Dương là vùng đất cổ bên bờ Nam sông Đuống. Con sông Đuống cách xã Bình Dương chừng 3km về phía Đông. Phía Đông Nam xã Bình Dương là con sông Ngụ, một nhánh của sông Móng. Con sông Móng bắt nguồn từ vùng trũng của huyện Thuận Thành nơi các con sông cổ Nghi Khúc, Đoan Bái, Bái Giang của huyện Thuận Thành đổ vào, chảy qua một loạt các làng xã phía Đông Nam của huyện Gia Bình và chảy qua địa phận làng xã nào thì được đặt tên riêng của địa phương đó.

Vùng đất này có các con sông dòng chảy cổ bao bọc, không những tạo điều kiện thuận lợi cho các làng xã phát triển nghề nông trồng lúa, màu, đánh bắt thủy sản, giao lưu buôn bán, mà còn tạo điều kiện cho dân cư giao lưu văn hóa; nên từ ngàn xưa đã thu hút người Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp tạo dựng nên những làng xóm. Trải nhiều thời đại, cộng đồng cư dân nơi đây đã xây dựng nên những làng xã trù phú và văn hiến. Dấu ấn về các làng Việt cổ ở vùng đất này còn để lại ở tên đất, tên làng, phong tục tập quán và đặc biệt là trong tín ngưỡng hội hè: Phùng Xá gồm 2 thôn (Bùng Thượng và Bùng Hạ) vẫn còn đó ngôi đền thờ Côn Nương là nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh giặc Tô Định (Đông Hán). Bồng Trì gồm 2 xóm (Đìa Trên và Đìa Dưới) có 2 miếu cổ (còn gọi là Nghè) truyền rằng là nơi 2 vị “Sơn Thần” có công phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Các làng trên thờ phụng các vị Thần có công phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc hoặc thờ phụng các danh tướng của Hai Bà Trưng, đã cho biết làng xã nơi đây có từ thời Hùng Vương và đến đầu công nguyên nhân dân đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống giặc Đông Hán.

Trong lịch sử, làng xã nơi đây từng là đất khoa bảng với tên tuổi và giai thoại của tiến sĩ Trần Danh Tân. Tên tuổi của ông được lưu danh ở văn bia Văn miếu Bắc Ninh cho biết như sau: Trần Danh Tân sinh  năm 1708 là người xã Bồng Trì, thuộc gia tộc có truyền thống khoa bảng; năm 18 tuổi thi Hương đỗ đầu; năm 29 tuổi thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời Lê ý Tông. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ, về trí sĩ. Mặt khác, căn cứ vào “bia hậu” của thôn Gia Phú, bia “hội tư văn” của thôn Phương Độ và bia “văn chỉ” của thôn Đìa thì làng xã nơi đây còn có nhiều người đỗ cử nhân, tú tài, sinh đồ; làm quan hàng tỉnh hay triều đình đều là những người có công với dân với nước.

Dẫu bao biến cố của lịch sử, song các dòng họ sinh sống ở làng Đìa bao giờ cũng giữ được truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau để cùng chung xây quê hương mình ngày thêm giàu đẹp. Những thành quả văn hóa cộng đồng của bao thế  hệ người làng Đìa xây dựng, gìn giữ và phát huy chính là quần thể di tích đình, đền, chùa cổ kính thâm nghiêm. Đình làng Đìa nằm ở giữa làng là nơi thờ Thành hoàng làng, vị thần bản mệnh che chở phù giúp cho cộng đồng làm ăn người khang vật thịnh. Chùa làng Đìa có tên chữ là “Quang Linh tự” nằm ở phía Tây là nơi dân làng thờ Phật nhằm cầu may, sống hướng thiện. Hai ngôi miếu cổ nằm ở phía Đông và phía Tây của làng và truyền rằng: Miếu Hiền Nhân thờ vị thần là “Đại tướng quân” có công đánh giặc. Miếu chợ Đìa truyền rằng thờ “Thổ Thần”, phía ngoài có giếng cổ nên còn thờ “Bà Chúa giếng”. Xưa trên Đường Văn Chỉ còn có một Văn chỉ tổng Nhân Hữu là nơi thờ các vị tiên hiền tiên triết khoa bảng của quê hương. Hiện đình làng Đìa còn bảo lưu được một văn bia của văn chỉ hàng tổng này. Làng Đìa còn có 2 miếu (còn gọi là Nghè) ở phía Đông và phía Tây của làng, truyền rằng là nơi 2 vị quan “Sơn Thần” địa phương linh hiện phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán.

Song bề dày lịch sử và nét văn hiến tiêu biểu của làng Đìa đã được hội tụ và phản ánh ở ngôi đình làng. Đình làng Đìa vốn được khởi dựng từ lâu đời thờ Thành hoàng làng. Đến thời Nguyễn được trùng tu tôn tạo và còn để lại dấu ấn ở Hậu cung năm trùng tu trên câu đầu với dòng chữ Hán “Tự Đức thập nhị niên” (1859) và vì nóc ván mê chạm nổi mặt Hổ phù. Thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, ngôi đình cổ ấy bị phá dỡ, chỉ còn giữ lại một phần Hậu cung. Năm 1992, dân làng phục dựng tạm mấy gian Tiền tế. Đến năm 2000, dân làng cùng nhau công đức trùng tu tôn tạo lại ngôi đình theo quy mô và dáng vẻ truyền thống.

Căn cứ vào bản Thần tích chữ Hán của thôn Đìa có niên đại gốc “Hồng Phúc nguyên niên” (1572) và được sao lại vào năm Vĩnh Hựu 6 (1740) thì đình thờ các vị “Sơn Thần” có công phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Việc tôn thờ các vị thần trên không những phản ánh bề dày lịch sử của làng xã nơi đây, mà còn góp phần soi sáng trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Giá trị của đình làng Đìa còn được thể hiện ở những tài liệu, cổ vật quý giá như: bia đá có tên “Phả lục bi ký” niên đại “Duy Tân 9”, ghi khắc lại   bản Thần tích của đình làng; bản Thần phả chữ Hán niên đại Vĩnh Hựu 6 (1740); bản “Thần tích thần sắc” được kê khai năm 1938, cho biết về lai lịch công trạng của Thành hoàng làng, những ngày sự lệ của đình làng và còn cho biết thông tin về 5 đạo sắc phong của người được thờ với các niên đại: “Tự Đức 6”, “Tự Đức 33”, “Đồng Khánh 2”, “Duy Tân 3”, “Khải Định 9”; bản Hương ước được Lý trưởng kê năm 1944; các bia đá có tên và niên đại như sau: bia có tên “Hậu thần bia ký” niên đại Tự Đức 5 (1852), bia có tên “Hậu tự bi ký” niên đại Tự Đức 16 (1863), bia có tên “Văn chỉ tòng bi ký” niên đại thời Nguyễn (đây là một trong những tấm bia thứ 3 của Văn chỉ của tổng Nhân Hữu). Giá trị của đình làng Đìa còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống: Theo tục lệ làng Đìa, hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch), đình làng lại được mở hội. Vào hội, từ mùng 9 đình đã được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt, buổi chiều làm lễ nhập tịch. Sáng mùng 10, hai xóm Đìa Trên và Đìa Dưới tập trung để rước bát hương của các Thần từ nghè trên và nghè dưới về đình để tế lễ và mở hội. Đám rước bao giờ cũng phải đầy đủ cờ kiệu, siêu đao, bát bửu, tàn lọng, chiêng trống và các quan viên tế lễ. Trong những ngày lễ hội, sau phần tế lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí thu hút đông đảo nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh.

Đình thôn Đìa là công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng gắn liền với bề dày lịch sử, văn hiến của cộng đồng làng xã nơi đây. Đình còn bảo lưu được những di sản văn hóa vật thể là những cổ vật quý như thần phả, sắc phong, bia đá và di sản văn hóa phi vật thể như truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội, không những đã phản ánh bề dày lịch sử, văn hiến của quê hương, mà còn góp phần làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Người đăng: saigonopentour.com

15/09/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Hà Giang là mảnh đất hội tụ của đa dạng nền văn hoá. Đó là mảnh đất của 22 tộc người cư trú và mỗi dân tộc mang đến cho Hà Giang một nét văn hoá độc đáo riêng.

Người Mông

Người Mông ở Hà Giang có khoảng 194.483 người với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa. Người Mông ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc... Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp... Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông. Nhà của người Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong. Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp. Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn... màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.

Người Dao

Người Dao ở Hà Giang có khoảng 95.959 người với các ngành Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần trắng, Dao áo dài, Dao lô giang. Họ sống bằng nông nghiệp nương rẫy, ruộng bậc thang. Người Dao có một số nghề thủ công mang dấu ấn riêng độc đáo như rèn đúc làm đồ trang sức, thêu in hoa trên vải bằng sáp o­ng... Người Dao Hà Giang ở nhà sàn, nhà đất hoặc nửa sàn, nửa đất. Họ thường ở gần nguồn nước.Trang phục của họ có nhiều yếu tố truyền thống như hoa văn chỉ màu, các loại khăn, áo, váy quấn của phụ nữ rất đa dạng. Văn hoá tín ngưỡng truyền thống của người Dao rất phức tạp thể hiện quan niệm, ý thức tâm linh cộng đồng. Thờ cúng và ma thuật là một phương diện chứa đựng màu sắc riêng, có chiều sâu văn hoá, đó không đơn giản là những hình thức mê tín dị đoan bình thường. Văn nghệ dân gian Dao rất phong phú bao gồm những thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca, tục ngữ, câu đố phản ánh trong đó là quan niệm của cộng đổng về vũ trụ, nhân sinh quan, thế giới quan.

Người Tày

Với khoảng 157.757 người sinh sống ở Hà Giang. Họ sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước tại các chân ruộng ở ven núi, sông và trồng trọt trên nương rẫy. Các nghề thủ công gia đình khá phát triển như đan lát, sản xuất nông cụ, đóng đồ gỗ, làm đồ gốm... Nghề dệt vải của người Tày khá phát triển, đặc biệt là các loại chăn, khăn thổ cẩm với hoa văn phong phú được nhiều người yêu thích. Làng người Tày thường ở chân núi và có từ 20 đến 30 nóc nhà. Họ ở nhà sàn, lợp gianh hoặc cọ. Trang phục của họ chủ đạo là màu chàm, nữ chít khăn mỏ quạ, mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc. Văn hoá tín ngưỡng người Tày rất phong phú với các loại lễ nghi và các bài cúng tế lễ liên quan đến sản xuất, vòng đời con người, cưới hỏi, tang ma, lễ mừng nhà mới... Văn học dân gian Tày là một kho tàng về các loại thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca... Dân ca Tày nói tiếng với các làn điệu "lượn"- đây là một hình thức văn hoá như hát ví, hát đối đáp ở người Việt.

Người Nùng

Họ sinh sống ở Hà Giang với khoảng 61.312 người. Họ sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước với kỹ thuật canh tác, tưới tiêu khá cao. Chăn nuôi gia súc khá phát triển. Đa dạng về nghề thủ công như rèn, đúc, đan lát, nghề mộc, làm giấy bản đặc biệt là nghề dệt vải. Người Nùng thường sinh sống ở các thung lũng bên sườn đồi hoặc ven sông, suối. Trang phục của họ được nhuộm chàm, phụ nữ mặc áo năm thân, cúc cài nách phải. Nam giới mặc áo cổ đứng xẻ ngực với hàng cúc vải và 4 túi không nắp. Họ ở nhà sàn khá to, rộng. Nhà ngoài dành cho nam giới và là nơi thờ cúng tổ tiên, nữ giới ở nhà trong. Người Nùng không làm giỗ sau khi chết mà làm sinh nhật (lễ mừng thọ) cho người sống từ 50 tuổi trở lên và cúng chay cho người chết vào rằm tháng 7 âm lịch. Lễ cưới của người Nùng còn bảo lưu nhiều tập quán cổ và người cậu bên mẹ có một vai trò rất quan trọng thay mặt nhà trai đi dạm hỏi và tổ chức các công việc có liên quan đến tục lệ cưới xin. Văn nghệ dân gian người Nùng nổi tiếng nhất là điệu Sli, là cách hát giao duyên của thanh niên nam nữ.

Người Giáy

Người Giáy ở Hà Giang có khoảng 61.312 người. Họ sống bằng nguồn chính là nghề trồng lúa nước, ngoài ra còn làm nương. Hàng năm người Giáy có lễ Roóng poọc để mở đầu việc làm ruộng. Chuồng trại của họ xa nhà mà lại gần nương rẫy. Nghề thủ công của người Giáy đáng chú ý là nghề dệt và đồ đan lát từ tre lạt. Trang phục của họ đơn giản, hầu như không có hoa văn thêu thùa. Nam phục gồm có quần dài chấm gối, xẻ nách phải, ống tay rộng và chiếc quần ống rộng. Nữ phục gồm áo dài che kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng, trên cổ tay đắp miếng vải khác màu. Kiến trúc của họ là nhà sàn, gian thờ ở chính giữa. Bàn thờ có 3 bát hương thờ thần đất, thần bếp và tổ tiên. Khi trong nhà có người chết phải làm ma, con cháu trong nhà kiêng ăn thịt, không vui đùa, không ngồi ghế cao, ngủ giường cao. Khi đưa đám phải đi nhanh như chạy vì "sợ bị cướp xác". Trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng thường phải làm thủ tục xem lá số, xem mệnh nếu hợp mới được lấy. Văn nghệ dân gian Giáy rất phong phú , thơ ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đối của họ nhiều về số lượng và phong phú về nội dung. Dân ca Giáy có 3 hình thức rất phổ biến là Vươn há lản (hát bên mâm rượu), Vươn chăng hằm (hát tỏ tình) và Vươn sroỏng răn (hát tiễn đưa).

 


Người La Chí

Người La Chí duy nhất chỉ có ở Hà Giang còn có tên gọi khác là Cù Tê, Thổ Đen, Mán Xá. Cộng đồng người La Chí chỉ có khoảng 10.361 người. Họ rất giỏi canh tác ruộng bậc thang và làm nương với các loại cây trồng chủ yếu như lúa, ngô, khoai, sắn...nhưng có một điều đặc biệt là những nương rẫy màu mỡ nhất bao giờ cũng được dùng để trồng bông và cây chàm. Làng bản La Chí thường nằm ở trên các sườn núi cao. Nhà ở loại nửa sàn, nửa đất, phần đất dùng làm bếp và phần sàn dùng làm nhà ở. Trang phục của họ không cầu kỳ. Đàn ông mặc áo dài nhuộm chàm, cài khuy cách trái. Phụ nữ chủ yếu mặc quần, bộ nữ phục đáng chú ý có chếc váy thêu, bên ngoài là chiếc áo dài xẻ ngực không cài cúc, dùng thắt lưng vải để giữ vạt áo. Người La Chí coi mọi vật đều “có hồn”, trong đó đáng chú ý là “hồn lúa”. Trong nhà có nhiều bàn thờ của nam giới xếp theo thứ tự từ bố đến con trai út, con thứ và con cuối cùng là con trai cả. Khi có người chết, quan tài được rửa bằng xương gà để chọn đất chôn. Trong hôn nhân họ có tục lệ “trói” chú rể cùng với bạn bè, bà mối dẫn cô dâu ra khỏi buồng về nhà chú rể. Văn học nghệ thuật La Chí là những câu chuyện kể, giải thích nguồn gốc con người, nguồn gốc dân tộc và nguồn gốc mặt trời, cây lúa. Trong các dịp lễ hội, có nhiều trò chơi vui nhộn như thú ném còn, đánh đu và đặc biệt là bài hát “Ní ca”, đánh đàn tích, chiêng, trống.

Trên đây chỉ là một phần nhỏ văn hoá của 6 dân tộc đông dân ở Hà Giang. Họ còn nhiều nét văn hoá rất độc đáo khác cần tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá. Các dân tộc khác chưa kịp nhắc đến như người Cờ lao, Pu Péo, Lô Lô, Phù Lá, Người Hoa, Pà Thẻn…cũng có đời sống văn hoá, sinh hoạt riêng khá độc đáo góp phần cùng các dân tộc trên tạo ra một Hà Giang đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc.  - Nguồn TCDL

Người đăng: saigonopentour.com

15/09/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Chùa Đất Sét còn có tên là Bửu Sơn Tự nằm ở khóm 1, phường 5, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa nổi tiếng bởi những vật được tạo hình từ đất sét. Từ tháp Đa Bảo 13 tầng, tháp Bảo Tòa cao hai mét, đến Lục Long Đăng và nhiều thứ khác đều làm bằng đất sét, sau đó được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ. Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam.

 

Ở Sóc Trăng, phần lớn các ngôi chùa đều xây theo kiểu Khơ-me, duy có ngôi chùa người Việt có một không hai ở nước ta, nổi tiếng từ Nam ra Bắc, đó là chùa Đất Sét, còn gọi Bửu Sơn tự. Chùa Đất Sét đuợc xây dựng từ rất lâu để thờ Phật tại gia của dòng họ Ngô do ông Ngô Kim Tòng, sinh 1909, mất 1970, xây dựng từ năm 1928 và sau 42 năm thì hoàn thành; Tất cả từ tháp Đa Bảo 13 tầng, tháp Bảo Tòa cao hai mét, đến Lục Long Đăng và hàng ngàn bức tượng lớn, nhỏ làm bằng độc một chất liệu: đất sét! sau đó được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ và dầu bóng nên trông giống như làm bằng chất liệu đồng. Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam.

Đất sét phơi khô đập nhỏ, giã thành bột, rây bỏ tạp chất, nhào với chất keo đặc biệt gồm bột nhang và ô đước cộng với trí tưởng tượng phong phú, bàn tay tài hoa khéo léo của mình, ông Ngô Kim Tòng đã ra cột, kèo, phù điêu, tượng... thật kỳ công. Tổng cộng chùa có 1.991 tượng Phật lớn nhỏ, 2 ngôi tháp, 1 tòa sen, 4 con thú linh thật lớn. Tháp Đa Bảo cao 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật. Tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị Phật và 156 con rồng đỡ cho 13 tầng tháp. Toàn bộ tháp này cao chừng 4,5 mét. Kế đó Tháp Bỏa Tòa để thờ Phật cao chừng 2 mét, phía trên theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái: Càn - khảm - cấn - chấn - tốn - ly - khôn - đoài. Trên cùng của tháp là một tòa sen có 1.000 cánh, mỗi cánh có một tượng Phật ngự, hết thảy 1.000 tượng Phật với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Ngoài ra, ông Tòng còn tạo hình các danh thú như Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã, Bạch Tượng... có ba cái đỉnh, mỗi cái cao 1,5 mét, bảy cái lư hương nhỏ.
Tuy nhiên, điều gây ngạc nghiên và nể phục với khách tham quan chính là 4 cặp nến cao 2,6m trong chùa. Ba cặp nến lớn, mỗi cây nặng 200kg, bề ngang bằng 1 vòng tay người ôm; còn cặp nhỏ mỗi cây nặng 100kg được đốt cháy liên tục suốt ngày đêm kể từ năm 1970 khi ông Tòng mất. Hơn 30 năm mà cặp đèn cầy vẫn còn cao hai tấc và còn khả năng cháy thêm 3 năm nữa, thật là chuyện xưa nay hiếm! Đó là chưa nói trong chùa còn 3 cây nhang lớn, mỗi cây nặng 50kg chưa sử dụng, cao 1,5m, nếu thắp lên chắc sau vài năm mới tàn. Một chùm đèn gọi là Lục Long Đăng với sáu con rồng quay đầu ra chung quanh, đuôi chụm vào với nhau, phía dưới là một bông sen để các bóng đèn.
Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Chùa Đất Sét nằm trên đường Lương Định Của, gần trung tâm thị xã. Ngôi chùa bình dị như một ngôi nhà miền quê nhưng bên trong nó là cả một sự sáng tạo miệt mài để làm nên tác phẩm kỳ thú, xứng đáng là điểm tham quan hấp dẫn nhất thị xã Sóc Trăng. - TCDL

Người đăng: saigonopentour.com

06/08/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Xưa kia, làng cổ Lộc Yên thuộc huyện Tiên Phước (Quảng Nam ), có hàng trăm ngôi nhà rường (nhà Việt cổ) quay mặt tiền ra hướng ruộng bậc thang. Ngày nay, làng còn lại hơn 20 ngôi nhà cổ, vẫn nguyên vẹn một vẻ đẹp như tranh.

Ngoài những cây trái đặc trưng phối cảnh cho những ngôi nhà cổ là những con đường lát toàn bằng đá núi dẫn vào nhà. Nhưng điều đặc biệt nơi làng là nhà nào cũng có ngõ đá. Mỗi ngõ đá có mỗi kiểu dáng khác nhau mang nét riêng của từng ngôi nhà. Xen lẫn những ngôi nhà cổ là những ngôi nhà xây mới hơn nhưng ngõ đá thì vẫn còn đó, đầy ắp rêu phong.

 

Người dân làng cổ Lộc Yên vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện xưa có thật nhưng cũng đầy màu sắc huyền thoại. “Làng này ngày xưa cọp hay về bắt người, bắt lợn gà lắm, nên nhà nào cũng có mõ, trống… cứ mang ra ngõ đá khua lên là cọp bỏ chạy” - ông Huỳnh Sào (80 tuổi) kể. Ông Sào vẫn còn lưu giữ những bức bình phong, những tranh vẽ, những bức ảnh đen trắng… diễn tả lại cảnh săn bắt cọp ngày xưa mà ông được tham trực tiếp.

 

Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Nãi (80 tuổi), mới vừa đến ngõ đá đã nghe mùi thuốc bắc thơm thoang thoảng, ông Nãi làm thầy bắt mạch, bốc thuốc từ hồi còn rất trẻ. Ngoài đống lưới vây bắt cọp ngày xưa, ông mang ra nào giáo mác, mõ, tù và… rồi say sưa kể về những năm tháng cả làng vây bắt cọp do chính bố ông là người chỉ huy. Mỗi khi có người đi rừng phát hiện thấy cọp trong núi Dương Rọ hoặc núi lân cận chạy về báo là ngay lập tức, tiếng tù và, mõ của bố con ông vang lên khắp các ngõ đá và cả làng truyền nhau chạy vào rừng vây bắt cọp. Có khi cọp trốn ở trong núi lâu cả tháng trời mới bắt được.

 

Ông còn cho xem đầu heo rừng do ông săn bắt cách đây vài năm, ông nói đó là con heo rừng độc chiếc, có bộ nanh dài hơn gang tay, tàn phá hoa màu khủng khiếp. “Tôi đảm bảo, cọp có đói nhưng thấy con heo ni là không dám lại gần”.

 

Tiễn tôi ra ngõ đá trước nhà, tay ông cầm tù và. Và để nhớ lại thời xưa ấy, ông thổi một hồi cho vui. Tiếng tù và vàng vọng vào từng con ngõ đá cổ trong làng.

Người đăng: saigonopentour.com


Trở lại
Thêm địa danh

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam