International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

08/04/2010

Bánh quai vạc có thể được xem là một trong những món “ăn chơi” mang đậm hương vị của vùng biển miền Trung. Người ta sử dụng bột mì tinh để làm vỏ bánh. Bột được nhồi cho thật dẻo, cắt từng phần nhỏ rồi dùng chai thủy tinh cán mỏng tạo thành miếng vỏ bột trong veo.

Nhân bánh chủ yếu là tôm biển tươi và thịt ba rọi. Những miếng bánh ửng hồng màu tôm, xanh xanh màu mỡ hành khiến thực khách mới nhìn đã muốn cắn thử. Nước chan, chấm bánh quai vạc là nước mắm Phan Thiết pha chế với nước cốt chanh, tỏi, đường cát, ớt. Gắp bánh bày ra đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành với tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, vắt tí chanh. Độ dai của bánh quai vạc Phan Thiết là yếu tố làm nên hương vị độc đáo. Du khách sẽ cảm nhận được cái vị ngọt, dai, béo, cay, đậm đà hấp dẫn.

Món ngon ở Bình Thuận còn phải kể đến cá mòi dầu. Từ con cá này, người ta chế biến canh nấu với dưa hường, bầu, mướp... hay muối sơ đem nướng ăn với cơm nguội! Người ta có thể ăn với bánh tráng cuốn rau sống chấm mắm nêm. Còn cá mòi hầm măng khô là món ăn truyền thống ở Nam Trung bộ trong những ngày Tết.

Cá mòi còn được làm mắm để ăn sống hay chưng. Cá mòi được muối trong thời gian 60 ngày thì vớt ra, rửa cá bằng nước muối, đánh vẩy, xếp trong lu nhỏ mỗi lớp cá rắc thính (bắp rang trộn muối giã nhuyễn) chen một lớp lá vông nem. Mắm cá mòi ăn với bánh hỏi, cuốn bánh tráng rau sống, khế chua, cà tím...

Phan Thiết còn có nhiều món ăn lạ như: cá nục nướng lá mướp, ốc vú nàng, sò điệp, chang chang, gỏi cá mai, gỏi cá lồi, cháo hàu... Khu ẩm thực nhộn nhịp và phong phú các loại hải sản tập trung ở Bờ Kè dọc bờ Bắc sông Cà Ty dài ra phía biển Thương Chánh, Đồi Dương.

Đi du lịch Phan Thiết, bạn có thể mua thanh long, cốm hộc, mắm ruốc, nước mắm nhỉ, rong biển khô, mực một nắng, mực hai nắng...(Nguồn: Báo Cần Thơ)

Người đăng: admin

08/04/2010

Mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có phong tục, tập quán, những nét đặc trưng riêng. Bắc Kạn - tỉnh miền núi phía bắc cũng có không ít những nét đẹp riêng, những đặc sản mà ta khó có thể tìm thấy ở bất cứ đâu . “ Măng ngâm ớt “ - Đặc sản nổi tiếng ở Bắc Kạn là một minh chứng cho điều đó.

Măng ngâm ớt đặc biệt ở chỗ người làm ngâm măng cùng với quả mắc mật, đây là loại quả chỉ mọc trên vùng núi đá phía bắc.


Măng thái nhỏ, ớt và mắc mật để cả quả, rửa sạch để ráo.Tất cả được ngâm chung với nước muối có độ đậm vừa.Màu trắng của măng xen lẫn với màu đỏ tươi của ớt và màu xanh nâu của mắc mật thơm nồng là món quà thắm đượm hương vị quê nhà mà người dân Bắc Kạn dành là quà cho người thân và du khách đến thăm quê mình. Măng ngâm ớt thường được dùng cho vào nước chấm và hay ăn kèm với những món ăn chóng ngấy như chân giò hầm, khau nhục…

Đến với Bắc Kạn, nghỉ ngơi một đêm bên bếp lửa nhà sàn và thưởng thức những sản vật của núi rừng nơi đây, hẳn du khách sẽ không thể quên được hương vị đặc trương của món ăn này: Món măng ngâm ớt. (Nguồn: website Bắc Kạn)

Người đăng: admin

21/01/2010

Moi chuyen di la mot niem vui

"Mùa Xuân có lễ Khai ấn, mùa Thu có lễ hội Trần". Người quê Nam Định dù đi đâu về đâu vẫn nhớ về những lễ hội truyền thống trên vùng đất tổ của các vua nhà Trần với các di tích văn hóa lịch sử như chùa Phổ Minh, đền Trần và đền Cố Trạch.


Đền Cố Trạch nằm cách quốc lộ 10 khoảng 300 m, thuộc địa phận xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định, thờ Đức thánh Trần: Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông cùng với vua Quang Trung, đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là danh tướng. Ngôi đền này nằm sát với đền Trần thờ các vua nhà Trần, cùng chung hàng cây lưu niên, hàng tường bao, cửa vào, sân gạch, hồ sen với 6 con rồng đá trườn xuống nước như sắp vẫy vùng. Được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đến năm 1962, đền Cố Trạch được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp nhà nước. 


Cố Trạch có nghĩa là "nhà cũ". Tục truyền vào giữa thế kỷ XIX, nhân dân đào được trên đất đền hiện nay một phần bia ghi rõ là đất ở nhà cũ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bước chân vào đền, du khách sẽ gặp ngay ở cung đệ nhất bức đại tự khắc gỗ năm Đinh Dậu (1897). Trên đó ghi "Hưng Đạo Thân Vương Cố Trạch", nghĩa là nhà cũ của Hưng Đạo Vương. Qua cung đệ nhất, đến cung đệ nhị, khách sẽ gặp "vật báu" có một không hai. Đó là bộ cánh cửa gỗ. Khi khép lại nó tạo thành những bức tranh lịch sử liên hoàn chạm khắc tỷ mỉ, công phu. Mỗi cánh cửa mở ra là một sự kiện, một nhân vật lịch sử của thời Trần hiện về. Từ hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt đến cảnh Trần Thái Tông lên ngôi hoàng đế. Rồi các Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than, trận Chương Dương-Hàm Tử, trận Bạch Đằng Giang nổi tiếng, cảnh Thoát Hoan chui ống đồng tháo chạy hiện lên sinh động qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân. 


Sau hai cung là khu "Tại Thiên hương". Hưng Đạo Vương và các quan văn, võ được thiết kế thờ trong không gian không có mái che để trời đất hòa tụ. Tòa Tiền Đường có ban thờ, bài vị 3 vị danh tướng có công trong chống giặc Nguyên Mông là Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Phạm Ngộ. 


Hè qua thu tới, về với mảnh đất Thiên Trường, dự lễ hội Trần, du khách sẽ có dịp bước vào thế giới lịch sử, được sống lại với hào khí Đông A trong 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông của dân tộc.

 

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website

Người đăng: admin

21/01/2010

Moi chuyen di la mot niem vui
Nem chợ Huyện là một trong những món ăn đặc sản của đất Bình Ðịnh. Mỗi lần có hội hát tuồng là người dân đất võ còn có thú ăn uống. Món ăn tuy nhiều nhưng nổi bật nhất là "nem chợ Huyện", nem nổi tiếng từ xưa cho đến bây giờ.
 
Nem Chợ Huyện đã có từ khoảng trăm năm nay. Chợ Huyện nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước quê hương của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn. Bởi vậy, ca dao bình Định mới có câu:
 
                                    Ai về Vĩnh Thạnh quê em
                          Ăn nem Chợ Huyện, đêm xem hát tuồng.

Nem Chợ Huyện ngon chủ yếu là nhờ khâu chọn thịt. Thịt, phải là thịt heo cỏ 6-8 tháng tuổi, cân nặng chừng 60kg trở lại. Heo có thịt săn nhiều nạc, màu đỏ sẫm. Một con heo nặng cỡ đó nhưng để làm nem, chỉ lấy được chừng 15 kg thịt nạc lọc từ bốn cái đùi.

Thịt được cắt theo chiều ngang chừng 3cm rồi thái nhỏ, để ráo nước, sau đó cho vào cối đá để quết (giã), dứt khoát không xay thịt bằng máy. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, cỡ chừng 20-30 phút. Trong lúc quết, phải gia thêm đường và muối theo một tỷ lệ chính xác (tuyệt đối không dùng hàn the). Khi thịt đã chín, nhuyễn, người ta gia thêm tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ.
Có hai loại nem, nem tươi và nem chua. Nem tươi là nem nướng ăn ngay. Còn nem chua thì để được lâu. Những chiếc nem chua nho nhỏ, xinh xinh, vuông vắn được gói bằng lá chuối chát xanh, miếng nem bên trong được gói bằng lá vuông hoặc lá ổi để hút ẩm. Sau khi gói ba ngày là có thể đem ra dùng.
Nem Chợ Huyện có vị ngon rất riêng và độc đáo: không mềm như nem Thủ Đức, cũng không ngọt như nem Lai Vung, nem An Cựu. Lột mấy lớp lá bên ngoài, chiếc nem chua đỏ au hiện ra. Cắn một miếng ngập răng, ta cảm nhận ngay vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn, vị thơm béo khó diễn tả. Ăn nem phải kèm nước chấm được nhiều người khoái khẩu là nước mắm ngon pha loãng với đậu phụng giã nhỏ, có thêm chút xíu đường và ớt tỏi. Người không cầu kỳ thì chỉ cần vài trái ớt hiểm dằm tương, là có thể vừa ăn vừa xuýt xoa. Nem hoàn toàn bằng thịt nạc nên ta có thể ăn no mà không sợ hàn. Cứ một miếng nem tợp một ngụm rượu Bàu Đá trong vắt, thơm nồng thì không có gì bằng.
Nem là món ăn được người dân Bình Định dùng khá phổ biến, từ những chiếc nem được cắt tỉa trang trọng trong các lễ cưới hỏi, giỗ chạp đến những chiếc nem bày đơn sơ nhắm cùng rượu Bàu Đá, nem chợ Huyện đã tạo nên một "thương hiệu" đặc sản và ẩm thực của miền đất võ.
Nem Chợ Huyện còn là một thứ quà thấm đẫm chất quê theo chân du khách, người làm ăn xa lan tỏa đi khắp nơi, sang cả nước ngoài. Ai đi đâu về đâu, cũng tranh thủ xách theo một xâu nem Chợ Huyện làm quà tặng. Nếu bạn chưa một lần thưởng thức nem Chợ Huyện, hãy về Bình Định một lần để thưởng thức vị ngon không thể quên của món ăn này.

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website

Người đăng: admin

21/01/2010

Moi chuyen di la mot niem vui

Ai có dịp ghé qua vùng núi Tây Bắc, chắc hẳn sẽ được thấy những cọn nước của các bản người Thái, người Mường, người Dao, người Tày, người Nùng...

Bên dòng suối, những cọn nước như những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như một người nông dân hết mực cần mẫn. Cọn nước được ví như “động cơ vĩnh cửu”, quay suốt ngày đêm và có thể đưa nước lên cao tới hàng 7 đến 8 mét, giúp bà con các dân tộc vùng Tây Bắc đưa nước vào các ruộng trồng lúa nước, đưa nước về tận chái nhà để sinh hoạt... Cùng với những phong cảnh tự nhiên, cọn nước đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của vùng núi Tây Bắc.

Trong một góc thẳm sâu tĩnh lặng dành cho quê hương của nhiều người con dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có một phần kí ức vòng xoay của những chiếc cọn miệt mài quay theo con nước vơi đầy. Đã từng gắn bó như là không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của bà con miền núi những ngày còn gian khó, cọn nước mang sứ mệnh thiêng liêng, giúp con người duy trì sự sống và các hoạt động sản xuất. Cái thời chưa điện chưa đường, cối nước hoạt động được nhờ sức nước do cọn nước tạo ra, đã giúp người dân bớt đi bao mỏi mệt của những đêm nhẫn nại từng nhịp cối giã chân để bữa hôm sau có gạo tra nồi. Mùa đến, cọn cõng nước lên đồng cho người cày cấy cho xanh tươi bờ bãi ngút ngàn.

Hàng năm trước khi vào vụ mới người dân bắt đầu chỉnh sửa hoặc làm mới chiếc cọn nước của gia đình mình. Muốn làm được cọn, phải có một quá trình chuẩn bị vật liệu cẩn thận. Tất cả vật liệu đều được lấy từ rừng, trước hết phải chọn một thanh gỗ thẳng có khả năng chịu nước tốt để làm trục giữa của cọn. Tiếp đó chọn những cây vầu già thân thẳng nhỏ làm nang cọn. Tuỳ kích thước của cọn mà quyết định số nang và độ dài ngắn của nang. Nhưng thường một chiếc cọn trung bình có từ 36 đến 40 nang, mỗi nang dài chừng 1 đến 1,5 mét. Người ta cũng lấy thêm một vài cây nứa đan thành một tấm hình chữ nhật để làm cánh quạt cho cọn. Đồng thời cũng phải có những cây vầu già nhỏ dài để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi sử dụng. Theo kinh nghiệm dân gian thì trục cọn, nang cọn và cánh quạt thường được làm bằng cây đã để khô. Mỗi lớp cọn người ta buộc cố định hai chạc làm giá đỡ cọn. Sẽ có hai thanh gỗ chắc chắn có hai núm chẽ mà khi làm cọn người Tày gọi là chân ếch được chọn làm nhánh chạc đỡ từ phía dòng nước chảy về. Tiêu chuẩn của một chiếc cọn tốt là sau khi làm xong thân cọn phải chắc chắn nhưng nhẹ nhàng để dễ vận chuyển lắp đặt và chuyển dời khi cần thiết. Đồng thời phải cân đối quay đều tải nước tốt. Chính vì vậy yêu cầu đặt ra cho người làm cọn là phải có óc tưởng tượng tốt có kinh nghiệm và tính kiên trì tỉ mỉ trong công việc.

Không phải ngẫu nhiên mà cọn tự thành hình bên dòng nước chảy. Những cặp nang được phân bố cân đối này dường như mang dáng dấp của một chiếc ách trâu cày đã được cách điệu. Những chiếc ống nghiêng nghiêng hay chính là những bằng huyết trĩu vai bà vai mẹ treo ngang sườn dốc năm nào. Từ cành cây thô ráp, cọn tròn trịa duyên dáng đến với bản làng cần mẫn múc nước tưới khắp cánh đồng. Cũng từ những vòng xoay chứa đựng bao tìm tòi trăn trở gửi gắm bao ước vọng đổi đời, cha ông bước lên vững chãi với niềm say mê sáng tạo và khẳng định bản lĩnh làm chủ trên quê hương xứ sở của mình. Nếu như nói rằng công cụ bằng đồng ra đời gắn với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng, thì cũng có thể nói rằng cọn nước chính là chứng nhân của văn minh lúa nước ở vùng núi. Cọn chính là một nét bản sắc văn hoá của đồng bào miền núi phía Bắc. Bên chiếc cọn thân thương, đã có bao đôi lứa nên vợ nên chồng sau những đêm trăng hẹn hò. Cọn cũng là nút thắt sợi tình đoàn kết bản trên làng dưới thêm thắm đượm. Mỗi khi mùa vụ đến bà con lại gọi nhau ra suối dựng cọn dẫn nước về.

Tiếp bước cha ông có bao người trẻ ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã và đang làm cọn trên các con suối chảy qua bản làng. Mỗi chiếc cọn làm xong người dân thêm một niềm vui có nước cho cánh đồng và thêm tự hào về bức tranh quê tiếp tục được điểm xuyết những nét chấm phá độc đáo không dễ có ở những vùng miền khác.

Trân trọng và nâng niu những giá trị văn hoá từ cọn nước nay đã có những cọn nước thu nhỏ lại đưa về gia đình nơi phố thị trong sự chau chuốt sớm chiều của người yêu rừng nhớ suối. Những vòng quay mải miết như ấp ủ câu chuyện từ thủa ấu thơ mẹ se sợi nhuộm chàm chàm. Như những vòng ô xoay tròn kín đáo che mặt người thương buổi đầu gặp gỡ, như những vòng xoè rực rỡ trong đêm hội vùng cao. Đi suốt tháng năm vẫn không thể mờ phai những vòng xoay mềm mại kiên trì nhẫn nại và mộc mạc như người dân quê chịu khó, chịu thương trong mưa sớm nắng chiều.

Những năm qua nhờ các chương trình, dự án, miền núi đã và đang có thêm nhiều kênh mương bêtông cốt thép tưới nước cho các cánh đồng, sẽ có ít người duy trì cách lấy nước thủ công từ những chiếc cọn làm bằng vật liệu thô sơ. Mặc dù vậy, người miền núi vẫn sâu nặng một niềm tin còn cọn quay là còn những nốt nhạc vui mang hồn cây hồn suối, ngân mãi bản tình ca về một miền quê giàu bản sắc đang tươi mới từng ngày từ những gì xưa cũ mà nặng lòng với bao thế hệ...

Nguồn: dulichvn.org.vn - Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website

Người đăng: admin


Trở lại
Thêm địa danh

Tiep Thi Quang Cao