International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

23/12/2009 | RSS Feed

Độc đáo múa lao của tộc người Stiêng

Người đăng admin | Viết nhận xét

Già Griêm của tộc người Stiêng nói đầy tự hào: "Khi mặt trời ngủ, khi lửa cháy to, khi cái chân liêu xiêu thì trai tráng trong làng múa lao mới hay. Đây là điệu múa truyền đời chỉ được thể hiện khi làng có đại lễ hoặc đón chào, tiễn biệt khách quý".

Ngày cuối cùng lưu lại sóc Bom Bo (nay là xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) trong chuyến điền dã tìm hiểu về văn hóa của tộc người Stiêng, chúng tôi được già làng Điểu Griêm cùng dân làng khoản đãi món cơm lam ăn với canh lá bép (một loại lá rừng vốn là món khoái khẩu của loài tê giác).

Già Griêm thúc giục "Ăn cho no, uống cho say đi" rồi hứa hẹn: "Khi mặt trời ngủ, khi lửa cháy to, khi cái chân liêu xiêu thì trai tráng trong làng múa lao mới hay. Đây là điệu múa truyền đời chỉ được thể hiện khi làng có đại lễ hoặc đón chào, tiễn biệt khách quý".

Đêm mỗi lúc một sâu. Trước khi đích thân vỗ nhịp cồng chiêng cho điệu múa lao hồng hoang, già Griêm cùng các già làng đồng niên nhắc đến lợi ích của cây lao trong đời sống tộc người vào những ngày xưa cũ.

Không chỉ người Stiêng, điệu múa lao còn được nhiều tộc người vùng cao thể hiện đậm nét trong lễ hội đâm trâu.

"Lao có cấu trúc gồm hai phần, phần mũi làm bằng sắt và cán lao làm bằng gốc tre già. Mũi lao dẹp, dài từ 30-40cm, có độ thuôn từ nhỏ đến lớn giúp khi đâm có sức xuyên sâu. Trong lao động sản xuất, lao là dụng cụ săn thú. Khi thú dữ mắc bẫy, người ta dùng lao đâm vào chỗ hiểm cho con vật chết trước khi đến gần. Trong đánh nhau lao là vũ khí đâm trực tiếp đối phương hoặc chống đỡ kẻ thù đấy".

Theo già làng Điểu Len, đàn ông, thanh niên Stiêng ngày trước giữ cái lao là giữ sinh mạng của mình. "Chiến binh mất lao như con cọp không có nanh vuốt. Còn có lao trong tay là còn giữ được mạng sống, còn kiếm được lương thực lo cho gia đình". 

Qua quan sát những tính năng của cây lao, tộc người Stiêng đã có sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật, sáng tạo ra điệu múa lao vô cùng độc đáo. Người múa lao chính hôm nay là nghệ nhân Điểu Long. Người làng cho biết cách đây 2 thập kỷ, khi rừng còn dày, thú còn nhiều, Điểu Long là thợ săn tài giỏi được nhiều cô gái xinh đẹp muốn bắt làm chồng. Giữa màn đêm đỏ rực ánh lửa, trong tiếng cồng chiêng lay động không ngừng, Điểu Long cùng các trai làng đóng khố để ngực trần múa lao quanh bếp lửa khiến người thưởng lãm như có cảm giác sống lại thuở hồng hoang, cái thời mà các chiến binh Stiêng tay nắm chắc ngọn lao bao quanh mãnh hổ, hoặc ngược những con sông ngồi trên thuyền độc mộc phóng lao săn những con cá lăng khổng lồ.

Tối hôm ấy chúng tôi còn được các nghệ nhân Stiêng cho thưởng thức điệu múa lao trong nghi lễ múa rước khách ở lễ hội quay đầu trâu kết bạn. Tay cầm khiên, tay cầm lao, theo nhịp gõ cồng chiêng dồn dập, các nghệ nhân Stiêng với ngực trần vạm vỡ lúc này trở thành những chiến binh kiêu dũng đang giáp mặt với kẻ thù. Người sau nhón bước theo dấu chân người trước, rồi những bước chân dồn dập nện xuống đất, những mũi lao đồng loạt chĩa thẳng về phía trước, điệu múa đang dần tiến đến cao trào… lại một lần nữa khiến người thưởng lãm ngây ngất!

Từ lâu, câu chuyện, hình ảnh về những chàng trai người Stiêng vạm vỡ ở sóc Bom Bo chỉ với bẫy chông, lao ná nhưng khiến giặc Mỹ bao phen hồn xiêu phách lạc qua bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" đã đi sâu vào tâm khảm của những người con đất Việt. Là thế hệ lớn lên sau chiến tranh, chúng tôi rất ngưỡng mộ tinh thần quả cảm của các chiến binh Stiêng năm nào.

Dù rất mong muốn nhưng chúng tôi biết mình khó có thể gặp được những hình ảnh xưa cũ, hình ảnh các chiến binh đóng khố tay cầm khiên, tay cầm lao với ánh mắt rực lửa sẵn sàng nghênh chiến với xe tăng, bà đầm thép. Ai ngờ đêm nay, những khát khao chảy bóng đã trở thành hiện thực.

Già làng Điểu Griêm nói về điệu múa lao rực lửa với ánh mắt tự hào. Theo già ngày trước, khi các loại vũ khí như súng, gươm của các tộc người khác chưa đến thay thế, cái lao là vũ khí có khả năng giết chết kẻ thù hay thú dữ. Do đó khi múa lao, nghệ nhân nếu không thể hiện được tinh thần dũng mãnh, tự hào của chiến binh xem như không thành công. Bởi đấy là điệu múa của lòng quả cảm

Thành Dũng - cand.com.vn

Đăng bởi: Fasolla - Quảng bá website






Các tin khác


Xem tất cả các tin




Tin trong ngày


Xem tất cả các tin




Tin mới nhất




Tin đã đăng

Tiep Thi Quang Cao