International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

28/12/2010 | RSS Feed

Viếng thăm đền Lâm Sơn Linh Từ, Tuyên Quang

người đăng admin | viết nhận xét

Đền Lâm Sơn Linh Từ, nằm trên địa bàn tổ 2 phường Nông Tiến (thành phố Tuyên Quang), nằm dưới chân núi Dùm bên dòng Lô lịch sử, xung quanh nhiều cây cổ thụ tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình.


Xưa kia đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ được người dân địa phương dựng lên để thờ phụng “thần núi”. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đặt ách cai trị tại Tuyên Quang, chúng tiến hành khai thác khoáng sản tại chân núi Dùm và bắt công nhân làm việc cực nhọc trong điều kiện khắc nghiệt, không được trang bị bảo hộ lao động nên có nhiều người chết, người ta cho rằng đã động vào đất thiêng làm Bà chúa Thượng ngàn nổi giận. Bởi vậy nhân dân địa phương cùng các công nhân phu mỏ đã quyên góp tiền của để dựng lên ngôi đền thờ Bà chúa Thượng ngàn hay còn gọi là Chầu Đệ Nhị.
Đền chính có kiến trúc 4 mái đao cong, nóc đền trang trí hiệu tự. Đền Lâm Sơn Linh Từ là nơi hội tụ của nhiều lớp văn hóa tín ngưỡng cổ mang tính chất bản địa và là công trình kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đền Lâm Sơn Linh Từ từ khi khởi dựng đến nay đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng luôn có được sự tôn kính của người dân thành Tuyên cũng như du khách thập phương. Ngôi đền vẫn luôn được chăm sóc, tu tạo và hiện nay còn lưu giữ được nhiều di vật, hiện vật với những đường nét, mảng khối và màu sắc mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của một giai đoạn lịch sử như hoành phi, câu đối, tượng thờ và một số hiện vật có giá trị như: Bức đại tự bằng chữ hán, đôi câu đối bằng chữ hán, lư hương và đỉnh trầm, ba quả chuông đồng trong đó có một quả nặng trên 100 kg... Cũng như bao ngôi đền thờ mẫu khác, đền Lâm Sơn Linh Từ  mới được phục dựng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân lao động. Nền tảng tâm linh của đền là thờ Mẫu.
Đền Lâm Sơn Linh Từ mở cửa đón du khách thập phương đến thắp hương, vãn cảnh vào các ngày trong tuần. Đền đông du khách đến nhất là vào các ngày lễ chính như: Ngày mồng 2 tháng Giêng lễ rước nước, khai bút; ngày 15-16 tháng Giêng lễ Thượng nguyên; ngày 15 và 16 tháng 2, lễ tiệc mẫu; ngày 15 và 16 tháng 4, lễ vào hè; ngày 15 và 16 tháng 8, lễ đón Đức Đại Vương...(
Nguồn: Báo Tuyên Quang

)






Chiêm ngưỡng tháp Po Rome – Ninh Thuận

người đăng admin | viết nhận xét

 

Tháp Po Rome thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được coi là một bản sao không hoàn hảo của tháp Poklongarai. Công trình là một tổng thể hai tháp: tháp chính thờ vua Po Rome - một trong những vị vua được người Chăm hoá thần và tháp phụ thờ Hoàng Hậu. Tháp nằm trên một trong hai quả núi nhỏ cạnh nhau, hiện nay tháp vẫn được người Chăm thường xuyên làm lễ cầu khấn vào các ngày lễ, tết của mình.
Tháp Po Rome toạ lạc trên một ngọn đồi cao, cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 15km về phía Nam, được xây dựng ở đất Chămpa vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Mặt chính của tháp quay về hướng Đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng cung được trang trí bởi hình tượng thánh Siva và hình ngọn lửa, ở các cửa giả có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi, khuôn mặt các vị thần mang đậm nét bản địa.

Tháp cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m, bên trong thân tháp có tượng vua Po Rome được thờ cúng cao khoảng 1,2m. Ngoài tượng vua, còn có một tượng bán thân nữ mà người Chăm gọi là tượng hoàng hậu Po Bia Sancan cao khoảng 0,75m, còn bên ngoài tháp là tượng bà hoàng hậu Sucih.

Nếu xét theo loại hình kiến trúc thì tháp Po Rome là ngôi tháp cuối cùng bằng gạch của người Chăm và cũng là ngôi tháp lớn cuối cùng của vương quốc Chămpa. Tuy là kiến trúc tháp lớn, nhưng nếu so với các tháp cổ hơn hiện còn thì tháp Po Rome quả là thô và nghèo nàn từ kích thước tới hình dáng Nội thất của tháp hẹp và kéo dài theo chiều Đông Tây, ở khoảng giữa và gần vách Tây là tượng vua Po Rome bằng đá, được tạo từ một Linga có 8 tay, đặt dưới một cái tán bằng gỗ, nội thất được mở ra một đoạn hành lang nhỏ ở tiền sảnh có trần được lát bằng gỗ. Mặc dầu không trang nhã và tinh tế như các tháp cổ hơn, nhưng tháp Po Rome vẫn là một kiến trúc bằng gạch bề thế, hùng tráng của người Chăm, có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, là một trong rất ít tháp Chàm còn nguyên vẹn cho đến nay

Tháp có ba tầng mái tuân theo mẫu cổ, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Bên góc lối đi vào tháp có tượng thần bò Nadin được tạc từ một phiến đá xanh đen. Công trình ở phía sau tháp là nơi thờ hoàng hậu. Khu mộ táng của vua Po Rome rất gần với công trình phụ này, là nơi chôn cất do chính vua Po Rome chọn. Năm 1992, tháp Po Rome đã được công nhận di tích.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Thắng cảnh Chùa Am Vãi (Bắc Giang)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Cách thị trấn Chũ huyện Lục Ngạn chừng 15 cây số, chùa Am Vãi tọa lạc trên sườn của đỉnh núi Am Ni hay cũng gọi là núi Am Vãi thuộc xã Nam Dương huyện Lục Ngạn.


 

Cảnh đẹp ở đây sơn thủy hữu tình và được đánh giá là một điểm linh tụ của trời đất. Chùa có cái thế lưng tựa núi, mặt ngoảnh nhìn ra thung lũng rộng mênh mông, nơi có con sông Lục Nam uốn mình như dải lụa. Chùa nằm cách xa khu dân cư, ẩn mình trong một khu rừng thưa. Để lên được Chùa, du khách có thể đi bằng đường núi từ xã Tân Mộc hay có thể đi bằng đường thủy dọc theo các nhánh của con sông Lục Nam đến bến Nam Dương và tiếp tục leo núi vào chùa. Và một con đường mới được mở mà ô tô có thể lên được đến sân chùa đó là đường từ xã Nam Dương. Theo đường này du khách đi chừng khoảng hơn 4 km trên sườn các dãy núi để đến chùa. Tuy đường lên chùa phải qua nhiều đèo dốc song bù lại phong cảnh ở đây rất nên thơ. Từ trên những đỉnh núi du khách có thể thả hồn ngắm cảnh núi non hùng vĩ của dãy Yên Tử và trải dài tầm mắt ngắm nhìn phía thung lũng, xa xa là những ngôi nhà thấp thoáng trong các đồi vải bạt ngàn, những cách đồng phì nhiêu được dòng sông Lục Nam bồi đắp...  

 

 

 

Tương truyền Chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Đông dãy Yên Tử khi đạo phật ở vào giai đoạn cực thịnh. Truyền thuyết kể lại rằng: Chùa Am Vãi vốn là một cái am nhỏ, có một vị sư trụ trì. Ở đây có một hang tiền và một hang gạo, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư này dùng mà không bao giờ chảy hơn. Đến một ngày vị sư có khách liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai người dùng. Từ đó tiền và gạo ở hai hang này không bao giờ chảy ra nữa…Nơi đây cũng từng là chốn tu thiền nhập định của công chúa nhà Trần. Tương truyền lúc bấy giờ chùa được xây dựng quy mô lớn. Bố cục mặt bằng vào thời Lê theo lối nội công, ngoại quốc gồm các tòa như tiền đường, tam bảo, hành lang, nhà tổ, nhà tăng… Song ngôi chùa này đã bị đổ nát, dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ bên trong có bài vị của một nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm được tấn phong Tỳ Kheo Như Liên hóa thân vào hàng bồ tát đã nhập cõi niết bàn. Xung quanh chùa hiện vẫn còn lưu lại dấu tích của hang tiền, hang gạo, giếng tiên và dấu hai bàn chân tiên trên hai tảng đá( một ở sân chùa và một ở trên đỉnh núi gần chùa)Theo truyền tích, xa xưa có 2 nàng tiên giáng trần xuống dãy núi chùa Am Vãi đánh cờ. Cảnh vật quyến rũ đã khiến 2 nàng ngỡ đang ở trên trời mà quên không về nhà. Ngọc Hoàng tức giận sai Thiên lôi giội sấm sét phá bàn cờ vỡ làm đôi. Trong lúc hoảng hốt bay về trời, nàng tiên đạp mạnh vào phiến đá, tạo thành dấu tích ngày nay.

 

 

Đến những năm 90 của thế kỷ 20 chùa được nhân dân và chính quyền địa phương phục dựng lại một tòa tam bảo trên nền đất cũ. Hội chùa cũng được người dân trong vùng mở lại vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm và thu hút được đông đảo khách thập phương về dự. Đến chùa Am Vãi du khách không chỉ thoả lòng thành tâm hướng phật, được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, bản làng thơ mộng…thưởng thức dòng nước ngọt ngào tuôn ra quanh năm từ những khe núi, đắm mình trong thiên nhiên cây cỏ ở khu rừng thưa tĩnh lặng phía sau chùa, tạm lánh xa những sô bồ của cuộc sống hiện đại, thư thái tìm về cõi tâm linh…(Nguồn: website Du lịch Bắc Giang

)

 





Đình Sàn (Bắc Giang) – Di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc

người đăng admin | viết nhận xét

Đình Sàn (hay còn gọi là đình Phương Lạn), nay thuộc làng Sàn, xã Phương Sơn (Lục Nam), là một trong những ngôi đình cổ có niên đại sớm ở vùng Kinh Bắc xưa. Đình Sàn nằm trên sườn phía đông nam của dải đồi thấp, gần quốc lộ 31 đoạn gần đến dốc Sàn. Từ rất xa, người ta đã có thể nhìn thấy một vùng cây cối sum suê vượt trội hẳn lên trước làng Phương Lạn, thấp thoáng mái đình sải rộng với 4 đao cong vút, cùng với chùa Sàn đã tạo thành một quần thể kiến trúc cổ kính, đẹp đồ sộ nhất vùng này.


Đình Sàn thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh và Minh Giang Đô thống, đều là những vị tướng của Vua Hùng, đã có công đánh giặc giữ nước, trừ tai diệt họa và đã được các triều đại phong kiến Lê - Nguyễn ban sắc phong thần. Hiện nay, trong hai hòm sắc của đình Sàn còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong với các niên hiệu như: Tự Đức lục niên; Tự Đức thập niên; Tự Đức tam thập Tam niên; Khải Định cửu niên; Duy Tân tam niên…

Qua cổng đình, bên phải là chùa Sàn, đi thẳng vào là Tòa Đại đình 3 gian 2 dĩ, 2 chái bề thế, uy nghiêm với 4 đầu đao cong vút. Bờ nóc đắp "Lưỡng, long chầu nguyệt", hai đầu có Kìm, bờ dải đắp nổi nghê chầu, phượng múa, sinh động vô cùng. Tất cả bờ nóc, bờ dải đều gắn hoa chanh, chạy suốt, tôn thêm vẻ đẹp uy nghiêm, to lớn, vượt trội hẳn lên, nhưng vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát bởi sự kết hợp hài hòa đến tinh xảo các đường ngang, nét thẳng với các đường cong vút lên mềm mại, sinh động.

Đình Sàn làm kiểu chữ Công (I) gồm ba gian dải muống nối liền với ba gian hậu cung và ba gian hậu cung cũng có đao chầu kẻ góc rất đẹp, khiến cho toàn bộ ngôi đình đồ sộ này vượt trội hơn hẳn các ngôi đình khác ở Lục Nam.

Với kiểu kết cấu: Thượng con chồng, giá chiêng, hạ con chồng- cốn, kẻ trường chắc khỏe, đẹp. Đặc biệt, đây là đình thời Lê còn khá nguyên vẹn, nhưng khung cột cái cao vượt hẳn lên và cột quân thấp hẳn xuống tạo cho lòng đình cao rộng mà rất thoáng đạt. Với kết cấu "Tứ hàng chân" này của hệ thống khung cột đã tạo cho mái đình có độ dốc nước lớn, mái xoải rộng làm cho ngôi đình vừa bền, chắc, vững vàng, đồ sộ, bên trong lại cao thoáng và rộng rãi mà vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát.

Về trang trí kiến trúc, cho đến nay đã gần 300 năm trôi qua, nhưng các mảng phù điêu vẫn còn khá nguyên vẹn kiểu thức của ngày khởi tạo: cốn trước, cốn sau, cốn hai bên thuận, hai trái dày đặc, mang phong cách mỹ thuật chạm lộng tinh xảo thời Lê với các đề tài phong phú như: "Cửu long tranh châu", "Long ổ",  "Long vân dạ hội", "Long hí cầu"… Xen vào đó là nhiều cô tiên xiêm áo tha thướt, với nhiều kiểu múa, lượn sinh động vô cùng. Trên cốn tai cột là nhiều mảng phù điêu lộng lẫy, 4 tai cột cái 4 góc đình có gắn mỗi bên một đôi ngựa gỗ yên cương đầy đủ, các con chồng hoành điêu khắc "Long Mã lạc thư" và "Phượng hoàng ngậm thư" rất đẹp. Cả những kẻ trường dài suốt như vậy cũng chạm lộng dày đặc họa tiết, với nhiều đề tài, hoa lá, chim muông, rồng, nghê, tiên múa… Bức cửa võng "cửu trùng" lại là biểu trưng xuất sắc nhất của nghệ thuật chạm khắc, sơn son thếp vàng thời Nguyễn. Với 4 chữ lồng "Thánh cung vạn tuế". Trên gian giữa và suốt mái trước cửa đình đều là thiết trần, lòng giếng sơn son chạm nổi "Tứ linh", "Tứ quý", "Long Mã", "Lạc thư" và hoa văn kỷ hà kéo suốt qua dải muống vào đến hậu cung. Khám thờ trong hậu cung sáng lòa, rực rỡ bởi 2 long đình sơn son thếp vàng, 2 ngai thờ, trong có hai pho tượng thần lộng lẫy, bài vị sơn thếp thời Lê cùng kiệu bát cống và rất nhiều đồ thờ khác…

Năm 1994, đình Sàn được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hoá kiến Trúc nghệ thuật cấp quốc gia.(Nguồn: website du lịch Hà Giang)





Cổ kính chùa Vạn Niên – Hà Nội

người đăng admin | viết nhận xét

 

Chùa Vạn Niên nằm soi bóng bên hồ Tây, thuộc địa phận ấp Quán La, nay là thôn Vệ Hồ của Xuân Tảo Sở, phường Xuân La, quận Tây Hồ, được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất đất Hà thành.


Hiện nay, chùa Vạn Niên thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Suốt hơn 1.000 năm lịch sử, qua bao thăng trầm, thay đổi, ngôi chùa cũng đã nhiều lần trùng tu. Đến nay, chùa Vạn Niên có phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” nhưng tên cũ của chùa là Vạn Tuế. Ngôi chùa này được xây từ trước đời Lý, đến thời Lý, chùa Vạn Niên đã là một ngôi chùa lớn có nhiều cao tăng đến trụ trì.

Mặt bằng chùa bao gồm: tam quan, chùa chính và điện mẫu, ẩn hiện dưới những vòm cây cổ thụ. Quy mô không lớn, gồm năm gian bái đường và ba gian bảo điện nối nhau thành chữ đinh. Về bài trí thì chùa cũng giống như nhiều chùa ở miền Bắc. Trên cao là Tam Thế Phật, dưới là A Di Đà Phật, dưới nữa là Quan Âm, phía ngoài là Thích ca Sơ sinh. Hai bên trên câu đối rất uy nghi.

Bộ di vật của chùa gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn được đánh giá là lớn và có giá trị lịch sử - văn hoá nghệ thuật cao được lưu giữ tại chùa. Đó là chứng cứ khoa học để đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa và góp phần đánh giá những giá trị đích thực của di tích.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Thác Dray Nur hùng vĩ

người đăng admin | viết nhận xét

 

Thác Dray Nur hay còn gọi là thác Vợ, nằm cách Buôn Ma Thuột khoảng 25km đi theo quốc lộ 14 và qua thủy điện Buôn Kuop gần 3km, một ngọn thác hùng vĩ sẽ hiện ra trước mặt bạn như là một bức tường nước khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Lắk.


Có thể nói Dray Nur là một ngọn thác hùng vĩ nhất Tây nguyên với độ cao 30m trải rộng ra khoảng 150m chia đôi hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Dòng Dray Nur là một nhánh thuộc hệ thống sông Sêrêpôk được kết hợp giữa con sông đực Krông Nô và con sông cái Krông Ana.

Với vẻ hoang sơ gần như tuyệt đối, bạn có thể hòa quyện mình vào với phong cảnh nên thơ nơi đây. Những âm thanh của dòng thác như gào thét và xé toang đi những suy nghĩ lo âu đời thường của du khách, như đưa con người trở về với thiên nhiên và quên đi những tháng ngày lao động mệt mỏi chốn đô thành, thả hồn cùng những làn sương nước.

Ngoài ra nơi đây còn có một hang động dưới lòng thác, từ một khe đá hẹp, len lỏi qua vách đá đi vào trong, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tham quan một hang động lớn nằm dưới lòng thác với sóng nước từ dòng thác luôn đổ vào và làm ướt mọi thứ ẩn mình trong nó.(Nguồn: website báo Nội Thất)





Núi Minh Đạm (Vũng Tàu) - Di tích lịch sử cách mạng

người đăng admin | viết nhận xét

 

Núi Minh Đạm thuộc địa phận huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 150km, cách thị xã Bà Rịa khoảng 30km.

Núi Minh Đạm – nơi có rừng cây um tùm, nhiều hang đá và là căn cứ kháng chiến của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

 

Từ thị xã Bà Rịa, đi về hướng biển Long Hải chừng 30km, du khách sẽ gặp dãy núi có tên Minh. Núi Minh Đạm cao trung bình khoảng 200m (ngày xưa núi có tên là Châu Long và Châu Viên).

 

Năm 1948, để nhớ ơn hai vị Bí thư và Phó bí thư huyện Long Điền là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Ðạm đã anh dũng hy sinh dưới chân núi, nên người dân đã đặt tên núi là Minh Ðạm. Minh Đạm còn là tên gọi căn cứ kháng chiến của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Núi Minh Ðạm có rừng cây um tùm xanh tươi. Trên núi có nhiều hang đá là nơi ăn ở, sinh hoạt, làm việc an toàn cho cán bộ, bộ đội. Mỗi hang đá mang tên của đơn vị đóng quân như: hang Huyện uỷ, hang Quân y, hang Quân giới...

 

Từ chân núi, một con đường trải nhựa ngoằn ngoèo đưa du khách lên tận đỉnh núi. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi ở khoảng hai phần ba đoạn đường đèo, toàn cảnh biển Long Hải bao la, với khung cảnh biển một bên, núi đồi một bên thật hữu tình, thơ mộng hiện ra trong tầm mắt. Phía dưới là khu du lịch Thuỳ Dương và con đuờng nhựa uốn lượn dưới chân núi. Ôm lấy biển là rừng hoa anh đào đỏ thắm, tuyệt đẹp. Nhiều người thích chinh phục đỉnh núi bằng cách đi bộ, để được len lỏi dưới những tán cây, gộp đá, nghe tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách. Cái mệt nhọc dần tan biến sau khi bạn được rửa mặt, ngâm chân vào nước suối mát lạnh, tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng. Năm 1993, Khu căn cứ Minh Ðạm được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng. Minh Ðạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch khá lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch: leo núi, dã ngoại sinh thái và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên...(Nguồn: website Bà Rịa Vũng Tàu)





Truyền thuyết thắng cảnh Hòn Cau và Bãi Đầm Trầu (Vũng Tàu)

người đăng admin | viết nhận xét

 

Bãi Đầm Trầu là nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Bờ cát mịn trải dài dưới chân vách đá dựng muôn hình. Trên một triền đá vươn ra tận biển nổi lên hai tảng đá lớn, chụm đầu vào nhau như đôi bạn đang trò chuyện mải mê, quên hết thời gian, năm tháng. Đặc biệt là nước biển ở đây trong và xanh hơn bất cứ nơi nào. Sắc xanh một khoảng trời, một cánh rừng đổ bóng, hòa màu xanh trong của biển trời nơi ấy.

Thuở xa, ở làng Cỏ Ống có chàng Trúc Văn Cau thông minh, tháo vát, con ông Câu và bà Tranh, cùng lứa với cô Mai Thị Trầu, con ông Đinh, bà Bèo, một thiếu nữ duyên dáng, thạo nghiệp bút nghiên. Trai tài , gái sắc, đôi bên đem lòng cảm mến. Một lần tình cờ gặp gỡ bên dòng suối vắng, chàng trai đã mượn câu ca dao ướm thử lòng người xuân nữ :
 

"Tiện đây anh môi hỏi nàng
Cau tư­ơi ăn với trầu vàng xứng không?"

Người con gái vốn thông mình đã đáp lại bằng một câu ca hợp tình, hợp cảnh :

“Mai vàng chen với trúc xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”

Chàng Cau ngỏ lời xin cha cưới nàng làm vợ. Ông Câu bèn bộc lộ cho con biết, nàng Trầu chính là kết quả mối tình vụng trộm giữa ông Câu với bà Bèo thời trai trẻ. Chàng Cau bàng hoàng như sét đánh ngang tai vì trong lúc quá yêu, chàng đã trót hái "trái cấm" nơi đứa em cùng cha khác mẹ. Trúc Văn Cau ôm hận thả bè qua một thung lũng hoang vắng trên hòn đảo cách xa làng hơn 10 dặm, ẩn dật ở đấy cho đến chết. Người đời đặt tên đảo là Hòn Cau. Nơi chàng nằm xuống sau mọc lên một rừng cau xanh tốt quanh năm, mùa trái chín đỏ rực.

Nàng Trầu đau đớn, ngày ngày ra ngóng nơi vách đá khi xưa thường hò hẹn. Khi thai nhi đã lớn, cũng là lúc nàng biết chuyện tình buồn của cha mẹ, và hiểu rằng chàng Cau không bao giờ về nữa. Hoàn toàn tuyệt vọng, nàng gieo mình xuống nước. Nơi nàng tự vận, nay mang tên là Bãi Đầm Trầu. Cảm thương đôi bạn trẻ chết vì mối tình oan nghiệt, dân làng Cỏ ống đã đặt câu ca :

“Ai về nhắn gửi ông Câu
Hòn Cau cách bãi Đầm Trầu bao xa?”

(Nguồn: website du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu)






News for 22/12/2010


View all news for 22/12/2010 on one page




Tin mới




Các tin cũ hơn

Tiep Thi Quang Cao