International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

04/06/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Nét đẹp như bồng lai tiên cảnh của Hòn Đá Bạc sẽ khiến cho du khách có một cảm giác thanh bình, như cùng hòa mình vào với thiên nhiên .

Hơn chục cây số từ thị trấn Trần Văn Thời đến Hòn Đá Bạc (xã Bình Khánh Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), một bên là kênh nước với xuồng ghe tấp nập, một bên là nhà cửa và đồng lúa xanh ngút tầm mắt. Những ngôi nhà thấp thoáng dưới bóng dừa, bụi chuối với mái lợp ngói, tôn, lá dừa… mỏng manh chứ không quá kiên cố. Trải dài theo con đường là những luống rau, giàn mướp, luống cải bung hoa vàng rực rỡ, những cây cầu khỉ bắc ngang qua dòng kênh, những đồng lúa phía xa xa.

Đảo có hai cụm đảo chính. Cụm thứ nhất - nơi bạn đặt chân đến ngay khi vượt qua cây cầu 400m vượt biển nối từ đất liền ra đảo - có nét đẹp của rừng nguyên sinh hoang sơ, của đá núi sừng sững cao, của bờ biển vòng quanh tung bọt sóng vỗ. Nơi đây thích hợp cho những ai thích khám phá nét hoang sơ,  mạo hiểm.

Cụm đảo thứ hai ngoài vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của đá, của nước biển xanh trong,  còn có những kiệt tác nhuốm vẻ “thần tiên” như sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay năm ngón bằng đá nguyên sơ. Bàn tay năm ngón bằng đá sừng sững chỉ lên trời (bị sứt mất một ngón) là một trong những ví dụ điển hình về vẻ đẹp đầy mê hoặc đối với chúng tôi tại Hòn Đá Bạc này. Điểm đặc biệt là bao quanh toàn bộ khu Hòn Đá Bạc (rộng hơn 6 ha) đều là bờ đá granit chồng chất lên nhau. Tất cả như được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, sắp xếp thành dãy, thành bãi trải dài vây tròn quanh bờ biển càng tăng thêm vẻ thần tiên của đảo. Rồi chúng tôi chọn một tảng đá dưới một tán cây, “đánh” một giấc nồng. Nếu đi theo nhóm, bạn có thể bày những bàn tiệc với mồi nhâm nhi .

Người đăng: thanhnt

21/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Trong số cổ vật của đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô hoặc Cổ Pháp điện, nơi thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý, có một thứ đặc biệt quý, đó là tấm bia cỡ lớn, cao 190 cm, rộng 103 cm, dày 17 cm, đặt ở đầu phía đông đền, mang tên “Cổ pháp điện tạo bi”.

 

 

Bia được khắc, dựng năm Giáp Thìn - Hoằng Định (năm 1604) thời vua Lê Kính Tông, chúa Trịnh Tùng, để ghi lại sự kiện nhà Lê cho trùng tu ngôi đền ngay trên đất tôn miếu cũ và khắc văn bia ghi công đức các vị vua nhà Lý.

Bia được chạm khắc tinh xảo, trán bia khắc hình Lưỡng long chầu nguyệt, tức hai con rồng đang chầu vào mặt trăng ở chính giữa. Mặt trăng tròn được chạm nổi, xung quanh có các hào quang tỏa chiếu. Đối xứng hai bên có đôi rồng chầu vào trong tư thế nằm ngang. Rồng tạo tác đẹp, có dạng thú, miệng há to, đầu ngẩng cao về phía trước, râu tóc bay trải, thân rồng thon dài về phía đuôi, phần lưng nhô cao, sống lưng có đao và vây nhọn. Diềm bia hình chữ nhật đứng, được trang trí hoa văn cách điệu là rồng chầu mặt nguyệt, kéo hết diềm bia. Phía dưới trán bia trạm hình rồng là tên bia được chạm nổi 5 chữ Hán lớn là “Cổ Pháp điện tạo bi”. Người soạn văn bia chính là tiến sĩ Phùng Khắc Khoan.
 
Trong thời kỳ tạm chiếm ở Đình Bảng, giặc Pháp đã tàn phá nhiều di sản văn hóa ở quê hương các vị vua triều Lý. Năm 1952, chúng phá hủy hoàn toàn đền Đô, đem tấm bia Cổ Pháp ra giữa sân đền làm bia để tập bắn.

Năm 1989, khi khởi công xây dựng lại đền Đô, nhân dân làng Đình Bảng đem tấm bia quý này về vị trí cũ, xây nhà bia như xưa để bảo vệ. 405 năm đã trôi qua, dẫu mang trên mình những vết thương chiến tranh nhưng tấm bia vẫn đứng vững, những câu chữ trên văn bia vẫn không bị mất đi.

Theo ông Nguyễn Đức Thìn, thành viên ban quản lý đền Đô, tấm bia này không chỉ là cổ vật quý hiếm của đền Đô còn lại sau hai cuộc tàn phá của kẻ thù xâm lược mà còn là nguồn sử liệu quan trọng. Nó là tư liệu chính thống cho biết nhà Lê đã tu bổ, mở rộng khu thờ phụng các vị vua triều Lý với ý thức trân trọng, thể hiện trách nhiệm của hậu thế đối với việc gìn giữ, phát huy những công tích mà ông cha đã làm trong lịch sử đất nước.

Người đăng: thanhnt

21/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 30 km có một ngọn thác tên gọi Dray Sáp, khá đẹp được nhiều người đến thăm quan du lịch. Truyền thuyết kể về Thác Khói - Dray Sáp như sau : Có một nàng con gái tên H Mi hàng ngày vẫn cùng người yêu đi làm rẫy bên nhau.

Một hôm, trong lúc họ đang ngồi nghỉ trên một hòn đá, bỗng thấy một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài răng nhọn và toàn thân có vảy lấp lánh như bạc hiện trên bầu trời, rồi bất ngờ sà xuống đất. Chiếc vòi của nó cắm xuống.

Bỗng một cột nước khổng lồ từ dưới mặt nước phun lên. Con quái vật xòe đôi cánh lớn lượn mấy vòng, rồi phun nước tạo thành một cơn mưa dữ dội và bay mất. Cô gái trong giây phút khiếp đảm, giờ đã tan biến vào lớp mây mù. Chàng trai đã biến thành một gốc cây lớn, cắm sâu vào ghềnh đá. Chỗ ấy ngày nay là Thác Khói - Dray Sáp...

Những cơn mưa rừng bất chợt ào xuống rồi lại bất chợt tạnh. Những tia nắng xuyên qua cây lá rừng càng làm cho dòng nước Dray Sáp thêm kỳ ảo, lung linh. Chút mờ ảo biến hóa ở con suối tựa như mây nước tỏa khói Mang không khí lạnh, dễ chịu cho du khách khi đặt chân đến đây.

Dray Sáp được thiên nhiên ưu đãi với cảnh đẹp của rừng cây ngọn nước, cùng với huyền thoại về sự hình thành của thác nước, chuyện về tình yêu bất tử của đôi trai gái có từ xa xưa ... nay lại được con người đầu tư tu bổ khiến Dray Sáp càng thêm đẹp, thêm xinh. Nếu có dịp, mời bạn hãy một lần về bên đầu nguồn Dray Sáp.

Trong sự thanh khiết của thiên nhiên Dray Sáp về đêm, hoặc đợi mặt trời lên buổi sớm, buổi chiều nghe tiếng chim gọi bạn bay từng đàn ta mới thấy cuộc sống thật đẹp, thật thanh bình.

Nguồn TCDL

Người đăng: thanhnt

12/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Cao Bằng là một tỉnh vùng núi cao Đông Bắc nước ta. Tỉnh có đường biên giới dài 311 km giáp với Trung Quốc, hầu hết là đồi núi với hệ thống núi đá vôi. Cao Bằng còn có núi cao, sông hồ, thác ghềnh và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.

Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc: đông nhất là người Tày rồi đến Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa, Sán Chỉ. Con sông Bằng Giang uốn khúc ôm lấy thị xã như một dải lụa lững lờ. Thị xã Cao Bằng cách Hà Nội chừng 286 km.

Lên Cao Bằng, du khách trước nhất thường ghé thăm Pắc Pó, bởi đây chẳng những là một danh thắng rất nổi tiếng và còn là một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt. Địa danh nầy gắn liền với một giai đoạn lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nơi đây, Bác Hồ đã mở nhiều lớp huấn luyện về chính trị, quân sự, dịch và viết nhiều tài liệu quan trọng. Bác đã chủ trì hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại lán Khuối Nậm - Pắc Pó từ ngày 10/5 đến 19/5/1941, quyết định thành lập mặt trận Việt Minh, lập các căn cứ địa cách mạng.

Pắc Pó có phong cảnh hùng vĩ, hữu tình. Trong hang Cốc Pó có một nhũ đá được Bác Hồ đặt tên là Các Mác, bên ngoài hang có dòng suối đẹp, Người đặt tên là suối Lê Nin. Rừng Pắc Pó hoang sơ, thơ mộng. Ngày nay Pắc Pó đã trở thành di tích lịch sử thiêng liêng, niềm tự hào của mỗi người Việt Nam và là địa chỉ du lịch đặc sắc của tỉnh Cao Bằng. Ở núi rừng, ven các sông suối của Pắc Pó, có rất nhiều hoa ban với sắc màu hồng tím nở suốt mùa xuân trông rất lãng mạn... Các loài chim rừng với giọng hót hay rất nhiều.

Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim huyện Nguyên Bình. Đứng giữa núi rừng hoang sơ, lộng gió, bạn sẽ thấy dâng lên mối cảm xúc dạt dào, nhớ rằng nơi này ngày 22/12/1944 đã chứng kiến sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, chỉ huy .

Tượng đài Bác Hồ ở giữa trung tâm thị xã Cao Bằng là một công trình điêu khắc mỹ thuật mang tính nghệ thuật cao. Tượng đài đứng giữa vườn hoa tươi đẹp. Công trình nầy được khởi công từ năm 1999 và khánh thành vào gần cuối tháng giêng của thiên niên kỷ mới ( 28/1/2000).

Có dịp đến Cao Bằng, bạn đừng bỏ qua dịp tham quan Thác Bản Giốc thuộc xã Đạm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách Cao Bằng 86 km theo tỉnh lộ 206 về phía Bắc. Đây là một thác đẹp vào bậc nhất Việt Nam . Trên độ cao khoảng 53m, những khối nước lớn đổ ào ào qua nhiều tầng, bậc đá vôi cuồn cuộn bắn tung lên thành bức màn sương mờ ảo bao phủ cả một vùng rộng lớn trông như chốn bồng lai tiên cảnh. Từ xa, du khách đã có thể nghe thấy tiếng ầm ì của thác Bản Giốc vang động cả một vùng núi non hùng vĩ. Giữa thác có một ốc đảo nhỏ có nhiều cây chẽ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng lượn lờ. Vào mùa hè nắng nóng, nơi đây không khí vẫn mát lạnh. Mỗi buổi sáng ban mai, ánh nắng mặt trời chiếu xiên qua làn hơi nước trên mặt thác, ánh lên thành dải cầu vồng bảy sắc lung linh, huyền ảo.Thác Bản Giốc là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ .

Hang Ngườm Ngao là một kỳ tích của thiên nhiên. Hang khá rộng có ba cửa, dài trên 2.000 m nằm giữa lòng dãy núi đá vôi bị phong hóa và xâm thực cách đây hàng triệu năm. Trong hang có rất nhiều thạch nhũ với muôn vàn hình dạng kỳ ảo như một mê cung. Nhũ đá lung linh nhiều sắc màu mang hình dáng tiên, phật ,người, loài vật trông rất sống động. Cảnh sắc trong hang kỳ vĩ thay đổi theo mỗi bước chân của du khách.

Đầu mùa xuân, ngược lên Cao Bằng, đến vùng bà con dân tộc Tày ở Đông Khê bạn sẽ có dịp tham gia vào lễ hội “mời Mẹ Trăng” kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Mọi nhà trong bản đều nô nức tham gia. Lễ hội mang mục đích cầu Mẹ Trăng ban điều tốt lành cho dân bản, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi nảy nở... Giữa núi rừng hoang sơ, thiên nhiên kỳ vĩ, không khí của lễ hội như hòa trộn giữa cõi thực và cõi tiên trong mối giao hòa của đất trời, vạn vật. Trong lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, đu quay, đánh còn... Lễ kết thúc gọi là “Slống Hai”, có nghĩa là lễ tiễn trăng về trời. Sau cùng là bữa cơm tập thể, vui mừng hội làng kết thúc tốt đẹp và bạn bè, trai gái giao ước, hẹn mùa sau.

Ngoài những thắng tích trên, Cao Bằng còn có nhiều di tích, thắng cảnh đẹp khác như: Đền Xuân Lĩnh, thành Nà Lữ ,Chùa Viên Minh, đồn Pai Khắt, mộ Kim Đồng, Hồ Thăng Hen, đền Kỳ Sâm, Pháo Đài , Phja Đén... mỗi nơi có một nét đẹp riêng...

Non nước Cao Bằng đã ghi đậm những dấu ấn lịch sử của thời kỳ cách mạng vô cùng gian khổ nhưng cũng lắm vẻ vang, anh hùng. Mỗi địa danh, mỗi khu rừng, mỗi thôn xóm dường như đều gắn liền với những chặng đường phát triển lịch sử của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu kháng chiến.

Cao Bằng với non xanh, nước biếc hữu tình là một điểm đến của du lịch sinh thái, về nguồn, còn rất nhiều điều hấp dẫn để bạn khám phá.

Người đăng: thanhnt

06/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Dân tộc Dao có bản sắc văn hoá riêng biệt, độc đáo. Dân tộc Dao trên đ ịa bàn tỉnh Bắc Kạn gồm các nhóm như Dao Tiền, Dao Thanh Y, Dao Đỏ… Trong những năm gần đây, đồng bào dân tộc Dao Đỏ trên địa bàn tỉnh ta đã thực hiện cuộc vận động định canh, định cư, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên họ vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc mình. Những phong tục tập quán của người Dao Đỏ có rất nhiều, song trước hết phải kể đến nét riêng về ẩm  thực vào những dịp lễ tết đồng bào thường gói nhiều loại bánh, bánh chưng dài được gói khum, gù ở 2 đầu chứ không giống như bánh chưng dài của người Tày. Bên cạnh đó bà con cũng chế biến xôi nhiều màu sắc từ một số loại cây rừng và bột nghệ. Trong các ngày lễ tết các món xương, thịt, lòng lợn, gà được chế biến thành nhiều món với những loại gia vị khác nhau. Chính vì thế mâm cỗ ngày tết của dân tộc Dao Đỏ khá phong phú đa dạng nhiều màu sắc. Đồng bào Dao Đỏ có những điểm rất khác với người Tày và người Kinh là trong dịp lễ tết phụ nữ chỉ có một việc là gói bánh và đồ xôi, còn những việc chế biến, nấu nướng là do đàn ông đảm nhiệm.

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, đồng bào Dao Đỏ cũng có bàn thờ cúng tổ tiên nhưng duy nhất chỉ có một bát hương, trong những ngày tết các loại bánh đều được đưa lên bàn thờ cúng cùng với thịt lợn, gà và rượu…Đồng bào Dao Đỏ có một kiêng kỵ là ăn xong không được để đũa ngang bát vì họ quan niệm đó là bát cơmcủa nhà có người chết. 

Vào những ngày lễ tết đồng bào dùng các loại rễ cây, thân, lá, một số thảo mộc làm men ủ rượu. Lương thực dùng để nấu rượu sau khi được trộn men, đem ủ kỹ trong các chum vại lớn, thời gian ủ kéo dài từ vài tháng đến một năm… Khi chưng cất rượu bà con dùng chảo gang và chõ gỗ cho nên rượu chưng cất rất thơm ngon, có hương vị riêng, đậm đà, người ta gọi là rượu men lá, uống vào rất êm, ngọt làm người uống say lúc nào không biết. Mọi người uống rượu men lá dù say cũng không bị đau đầu.

Hoạt động văn hoá chủ yếu của thanh niên Dao Đỏ trong dịp tết là đánh yến, đây là loại trò chơi có từ lâu. Đồng bào Dao Đỏ quy định trong khi chơi đánh yến đội nào thua thì phải uống rượu, người ở nơi khác đến du xuân nếu muốn về thì phải đánh thắng nếu thua phải ở lại qua đêm. Đây cũng chính là thể hiện sự mến khách của người Dao Đỏ Bắc Kạn, nhờ vậy mà nhiều đôi nam nữ nên vợ nên chồng. Phong tục không thể thiếu của đồng bào Dao Đỏ trong những ngày lễ, tết là họ chuẩn bị mặc cho mình những bộ trang phục đẹp nhất và trang điểm đẹp nhất để du xuân. Trang phục của đồng bào rất đẹp, có những đường thêu hoa văn tinh tế thể hiện được bản sắc riêng của dân tộc Dao Đỏ. Phụ nữ Dao Đỏ có nghề làm dây túi (Sùi địp). Họ thường tạo hoa văn bằng cách lấy hai miếng ván gỗ khắc thành hoa nhỏ để kẹp vải, nấu sáp chảy ra, rồi trút vào trong lỗ khắc, sau mới bỏ miếng vải ra, lấy vải nhúng vào chàm. Vải đã thấm chàm rồi thì đem nấu cho chảy sáp ra sẽ được hoa văn sặc sỡ rất tinh tế, đẹp và sáng. Kỹ thuật vẽ chàm đó gọi là vẽ bằng sáp ong. Ngoài ra họ cũng thêu họa tiết trên vải, nhưng không vẽ mẫu trước và tự tạo theo trí tưởng tượng của mình. Cách tạo họa tiết xem ra đơn giản nhưng đòi hỏi người phụ nữ phải hết sức kiên nhẫn và khéo léo thì sản phẩm làm ra mới đẹp và độc đáo.

Nếu là những bộ quần áo thường thì mặc thì người Dao Đỏ cũng không quá chăm chút nhưng đó là lễ phục thì lại khác. Lễ phục được làm rất cầu kỳ, công phu với nhiều màu sắc rực rỡ chủ yếu là màu đỏ. Chiếc áo lễ phục được xẻ ngực, nẹp áo được thêu, cài bằng khuy bạc, hai ngực áo đính nhiều bông len đỏ. Cổ áo phía sau đính nhiều chuỗi hạt màu. Hai ống quần được thêu hoa văn từ đầu gối trở xuống. Dây lưng được làm từ mảnh vải dài khoảng hai sải tay. Những bộ lễ phục như thế thường là tốn rất nhiều thời gian nên người phụ nữ chỉ làm khi rảnh rỗi và các cô gái đến tuổi cập kê thì phải chuẩn bị cho mình.

Đến với đồng bào người Dao Đỏ Bắc Kạn du khách sẽ bị chinh phục bởi nét văn hoá độc đáo, tinh tế và tấm lòng mến khách của những người dân bình dị, thẳng thắn và đầy chân tình.
Người đăng: thanhnt


Trở lại
Thêm địa danh

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam