International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

18/06/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Qua các làng quê vùng sông nước Nam Bộ, ở đâu cũng thấy xuồng ba lá trên dọc ngang kênh rạch. Từ nhiều đời nay, phương tiện chủ yếu để đi lại, làm ăn của người dân vùng sông nước Cửu Long Giang là ghe xuồng, mà chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo. Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một chiếc xuồng ba lá.

Xuồng ba lá được coi là phương tiện mang tính văn minh sông nước ở một vùng phù sa trẻ, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.

Xưa, vùng đất sình lầy quanh năm ngập nước này đường bộ rất ít, kênh rạch thì dọc ngang. Kênh rạch đi vào tận trước cửa mỗi nhà. Mùa lũ và những đợt triều cường càng khó khăn cho người dân đi lại. Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nhớ câu hò quen thuộc: Dẫu xuồng ba lá lênh đênh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Anh ơi chớ ngại ngần chi/ Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên. Nơi đây, tại các vùng làm ăn, cư trú, sinh hoạt của người dân hầu như quanh năm sình lầy, ngập nước, đường bộ khó bồi đắp và hiếm hoi, chỉ có xuồng ba lá làm phương tiện đi lại hữu dụng, phổ biến ở mọi vùng quê.

Từ nhà ra vườn cũng phải đi bằng xuồng. Hàng xóm đến với nhau cũng bằng xuồng. Ở những làng quê nghèo, thông dụng nhất vẫn là xuồng ba lá. Người ta gọi xuồng ba lá là đôi chân của người dân vùng sông nước Nam Bộ. Và cũng như thế, còn gọi là " đi bằng tay ", chỉ cần hai tay chèo xuồng là đi gần đi xa đều có xuồng nâng bước. Có những chàng trai, cô gái miệt vườn siêu nghệ, chỉ cần ngồi trên xuồng dùng hai bàn chân chèo xuồng ba lá, cho xuồng lướt nhẹ trên dòng nước trong xanh và thơ mộng. Nhà ai không sắm được xuồng ba lá, cứ như bị cột chân. Nghèo đến mấy, tối thiểu trong nhà cũng phải sắm được một chiếc xuồng ba lá.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, công lao của chiếc xuồng ba lá thật khó kể hết. Xuồng chở quân lương, vũ khí. Xuồng đưa bộ đội, du kích qua sông. Nhiều đoàn quân tác chiến trên kênh rạch chỉ có thể nhờ dân giúp đỡ mới hành quân được – như thế gọi là hành quân đường xuồng. Xuồng còn nhẹ nhàng khoả sóng trong đêm, đưa đặc công, trinh sát tiếp cận đánh đồn địch, len lỏi đến mọi rừng tràm, xẻo đước, rạch nhỏ đều luồn lách đưa du kích và quân giải phóng đi đánh đồn địch. Xuồng ba lá giấu lực lượng, giấu cán bộ trong đám lục bình trên sông. Đi biểu tình, đấu tranh, địch vận, tiếp đạn, chở quân lương cũng bằng xuồng ba lá...

Xuồng ba lá nguyên gốc ban đầu, theo chiều dọc chiếc xuồng, được đóng bằng ba mảnh ván phẳng, đẹp và chắc. Một mảnh rộng (to bản) hơn được dùng làm đáy xuồng, hay còn gọi là lồng xuồng. Hai mảnh hai bên làm mạn xuồng, địa phương gọi là be xuồng. Thế là ba lá. Có một nhà thơ đã viết: Chiếc xuồng ba lá quê ta/ Mảnh mai như chiếc lá đa giữa dòng/Liềm trăng sông nước cong cong/ Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng…

Riết rồi, theo bao thời cuộc và năm tháng, gỗ rừng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, người đóng xuồng ba lá buộc phải nghĩ cách ghép nhiều mảnh ván lại, mới đóng được chiếc xuồng, cũng vẫn gọi xuồng ba lá. Công nghệ cao hiện nay, người ta còn làm ra xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại. Gần đây đã thấy trên kênh rạch có khá nhiều xuồng làm bằng vật liệu compozite.

Tuy làm bằng nhiều cách thức khác nhau, tác dụng của chiếc xuồng ba lá đối với người dân vùng sông nước Nam Bộ vẫn nguyên giá trị, vẫn là truyền thống được kế thừa, vẫn giữ được nét độc đáo trong làm ăn và sinh hoạt của người dân nơi đây. Có một tờ báo đăng ảnh chiếc thuyền thúng trên sông, lại chú thích: " Trên sông nước Nam Bộ ". Như thế là nhầm lẫn với vùng ven biển miền Trung rồi. Nam Bộ chỉ dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, không ai dùng thuyền thúng.

Nhiều người vẫn nhớ câu ca được cải biên từ một điệu lý: ... Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch / Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím / Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá / Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em / Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá / Đêm trăng hai đứa mình ... hò ơ .. mới thực đêm trăng ...

Nay khắp vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang đã mở mang nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã. Dọc theo hai bên bờ kênh nay cũng đường bộ, cầu bê tông, xe honđa, xe đạp chạy vèo vèo. Thế nhưng, trên kênh rạch, nhất là các bến đò, chợ nổi vẫn không thể vắng bóng xuồng ba lá. Du khách mọi miền đất nước và cả khách du lịch nước ngoài về với miền Tây Nam Bộ có nhiều người muốn ngồi trên xuồng ba lá đi du ngoạn trên dòng kênh thanh bình, khỏa tay xuống dòng nước mát lành, hoặc trong đêm miệt vườn ngắm trăng soi dòng kênh lấp lánh. Khu du lịch Phù Sa (thành phố Cần Thơ) có dòng kênh dành cho du khách bơi xuồng ba lá, rất được du khách ưu chuộng. Hữu dụng là thế, thơ mộng là thế, đậm sắc miền quê là chiếc xuồng ba lá khắp các vùng Nam Bộ. Một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương, ai đi xa cũng nhớ về.

Người đăng: thanhnt

18/06/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Với người thành phố, cảm nhận khi mùa sen về giản đơn quá đỗi. Sen về phố thong dong trên những gánh hoa lặng lè, thơm ngát mùi hương quyến rũ từ những nhà làm chè. Với những người bận bịu không cầu kỳ phải phóng xe máy ra vùng ngoại ô, hay lên mạn Hồ Tây ngắm nghía đầm sen mênh mang mới cảm nhận những đổi thay của mùa trong từng hương vị thanh cao thoang thoảng.

Vẫn hương vị thơm ngan ngát đến khó tả nhưng chè ướp sen thơm đã là cả một sự kết tinh cái hồn và cốt cách của loài hoa đệ nhất quân tử này từ lâu rồi. Trà sen có ở khắp nơi và mỗi nơi có một cách thưởng khác nhau nhưng không hiểu sao chỉ ở Hà Nội mới cảm thấy hương vị hòa quyện của hai sản vật đất trời này lại nguyên sơ một vẻ mộc mạc và tài hoa tinh tế đến thế.

Hà Nội vẫn còn mấy nhà còn cặm cụi ướp chè những ngày tháng 7 như ngày xưa.  Ngay từ những ngày đầu tháng khi giống sen trăm cánh Tây Hồ bắt đầu trổ hoa cũng là lúc các nhà buôn trên phố bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho một mùa ướp trà mới. Những bông sen ngát hương phải được cầu kỳ kén chọn  từ lúc những mầm hoa mới trổ lên lấp ló sau xanh um ngút ngàn lá của giống sen trăm cánh Tây Hồ


Muốn có “gạo sen” ưng ý để ướp thì hoa sen phải được cất lên từ lúc mặt trời chưa mọc. Tất cả những công đoạn từ cất sen, đến ủ hương đều phải được làm bằng một thái độ trân trọng như một nghi thức nếu không sợ khi nắng lên gạo sen sẽ bị ôi, không thể cho ra một  hương thơm  thơm như ý.

Công đoạn tuốt lấy “gạo sen” cũng đòi hỏi làm một cách khéo léo, nhẹ nhàng để không làm tổn hại đến mùi thơm. 100 bông sen mới được non một lạng “gạo sen”. Nếu ướp 1kg chè thì phải mất ngàn bông sen, chè sen chỉ thực sự thơm ngon khi qua ít nhất 3 lần ướp, 3 lần sấy.

Để gói trọn được túi hương của đất trời vào trong những chén trà thì công đoạn sấy đòi hỏi như một nghệ thuật thực thụ. Chè và hoa khi đã ướp xong tất cả được sấy trong một chiếc bình lớn hoặc một chiếc xoong sạch, rộng miệng. Cứ một lớp trà lại rắc đều một lớp gạo sen, 1kg chè phải mất 3 lạng gạo sen, đậy kín lại trong 24 giờ mới được bỏ ra. Sau công đoạn đó trà lại được thả vào những túi bóng mờ nhỏ chuẩn bị sấy.

Cách sấy của mỗi nghệ nhân cũng có phần khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là việc khi sấy trà họ đều dùng nước sôi trong bình đậy kín, cho vào thúng và áp những túi chè vào bình nước. Sau đó, quấn chăn ủ kín cả bình lẫn trà trong khoảng 11 - 12 giờ mới được bỏ ra. Sàng lọc gạo sen rời búp trà ngon làm xong lần sấy thứ nhất, rồi tiếp tục cẩn trọng làm thêm  2 - 3 lần tương tự mới ra được 1kg chè thành phẩm không thể chê vào đâu được. 

Những mùa sen về, phố Hàng Điếu, Hàng Đường lại thấy thơm lừng hương hoa. Các nhà lại thấy cặm cụi ngồi bên những bó sen to làm cái công đoạn tách hương trời đất. Đi trên những con phố đó ngày này lại thấy từng đám cánh sen hồng cứ như thể con thuyền tuổi thơ chòng chành bao kỷ niệm. Người giữ vị thiêng liêng đất trời mải mê làm công việc của mình trong dáng vẻ kiêu sa đài các, họ thoát tục bình thản trước những con mắt tò mò của du khách.

 

Mỗi nhà lại có một bí quyết riêng để giữ hương vị mùa hạ có được quanh năm. Ngày hè đã đành, khi trời đông tháng giá thưởng trà ngát hương sen ắt hẳn lại gợi lên bao nỗi niềm với quê hương.

Người đăng: thanhnt

08/06/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Một trong những món ăn đặc sắc loại này của vùng đất phương Nam là bông của trái bí rợ có màu vàng tươi. Bông bí được ngắt cả cuống màu xanh và cột thành từng bó nhỏ bán ở chợ. Thông thường, bông bí được luộc chấm với nước cá kho hay thịt kho.

Bông bí luộc ăn ngon, “bắt” cơm, có vị nhân nhẩn, đặc biệt phần tiếp giáp giữa bông bí và cuống hơi dai dai càng ngon hơn. Người ăn chay luộc bông bí chấm nước tương giằm ớt. Hoặc có người nấu canh bông bí với cá lóc, có người xào... Nói chung, bông bí - loại rau có thể dùng với nhiều món và nhiều cách ăn khác nhau. Cách khác ít phổ biến: bông bí nhồi thịt. Món này thường được làm vào những dịp giỗ chạp, ngày họp mặt gia đình, con cháu tề tựu đông đủ, mỗi người phụ một tay.
  

Bông bí rửa sạch, cho vào rổ để thật ráo nước. Thịt dồn vào bông phải là thịt nạc tươi bằm nhuyễn chung với ít nấm mèo. Gia vị dùng ướp gồm: bột nêm, đường, nước tương, tiêu, hành, tỏi... Nếu thích, có thể thêm bún tàu. Đợi thịt bằm thấm gia vị, bốc từng nhúmthịt lăn sơ vào bột mì tinh dồn vào bông. Bột này có chức năng kết nối các thớ thịt lại với nhau không cho rơi vãi, đồng thời gắn chặt với bông bí, để khi chiên, thịt không bung ra. Cứ thế, từng bông nhồi thịt chiên đến khi thấy thịt vàng lại là được.Từng cái bông bí xếp trên dĩa trông từ xa như cái đùi gà vậy. Mùi thơm thoang thoảng mà phát thèm! Nước chấm ăn với món này đơn giản là chén nước tương giằm ớt. “Đùi gà” còn nóng hổi, cắn nghe giòn rụm, beo béo, thơm và cay nhè nhẹ, cứ thế mà hết bông này đến bông khác.

Người đăng: thanhnt

08/06/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Hải Phòng là quê hương của danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và là nơi có khu di tích Ðền Trạng nổi tiếng tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Ðây hiện là một trong những điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh thu hút đông du khách trong chương trình du khảo đồng quê của ngành du lịch thành phố.

Chương trình du lịch đồng quê Hải Phòng đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù với điểm nhấn hấp dẫn là khu di tích Ðền Trạng, thờ Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585), vị Trạng nguyên lỗi lạc, mt danh nhân văn hóa lớn của đất nước. Không chỉ được biết đến là một nhà thơ, nhà triết học, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là ông Trạng của dân gian qua 300 câu sấm Trạng lưu truyền đời này sang đời khác. Không sa vào mê tín, thần bí, nhưng việc khôi phục sự hấp dẫn về văn hóa tâm linh, cắt nghĩa một cách có cơ sở triết học, suy tôn một danh nhân văn hóa dân tộc là cần thiết để hướng dẫn du khách khi đến nơi đây thành kính thắp nén hương tưởng nhớ, tìm hiểu và nghe bình sấm Trạng, lôi cuốn du khách với mục đích hướng thiện. Ðã nghe và từng đọc về Trạng Trình, chắc chắn nhiều du khách mong muốn hơn một lần được đến tận nơi để mắt thấy, tai nghe và có những giây phút thư thái: cày mây, cuốc nguyệt, gánh yên hà để đắm mình vào không gian lịch sử mà sinh thời Trạng từng trải.

Ðền Trạng được xây dựng từ khoảng năm 1586, sau đó đã được trùng tu qua các đời và đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1991. Cuối năm 2000, kỷ niệm 415 năm Ngày mất của Trạng Trình, UBND Thành Ph Hải Phòng đã phê duyệt kế hoạch nâng cấp quần thể di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm với các hạng mục công trình: Quán Trung Tân, mộ phần cụ Nguyễn Văn Ðịnh (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm), khu vực tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm, chùa Song Mai, nơi phu nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tu hành. Ðường đi được làm lại, khuôn viên, vườn cây lưu niệm được quy hoạch với cảnh quan đẹp và khang trang. Việc quy hoạch, trùng tu, xây dựng khu di tích Ðền Trạng thể hiện cao nhất tính lịch sử, giá trị văn hóa, đồng thời nắm bắt được những nhu cầu hàng đầu của du khách khi về thăm Ðền Trạng. Tham quan các di tích, du khách có thể hiểu phần nào về một nhà nho ưu thời, mẫn thế, lấy chí trung là chí thiện Chí thiện tư vi cực, để cắt nghĩa về một đời tài hoa, xuất xử linh hoạt đến kỳ lạ, ở ẩn trước khi làm quan: Thánh 40 tuổi chẳng còn ngờ/ Ta tuổi 40 vẫn líu lô/ Ðảo lý nẻo xa đen như mực/ Văn chương nghề cũ xác như vờ. Và "hưu tại chức, quan tại nhà", 45 tuổi mới đi thi, làm quan vào hàng đầu triều tám năm lại rũ áo ra về ở ẩn, về mà: "Xa vua đâu phải đã nguôi lòng", vẫn "Phù trì xã tắc ngửa nghiêng, Ruổi rong há chịu ngồi yên phận già", đến "Quá bảy mươi tư mới Mừng được về nhà, thăm chốn xưa". Ðây còn là nơi đã tạo nguồn cảm hứng của 1.000 bài thơ Hán, Nôm, nói lên sự thanh bạch, trong sáng của lòng trung, nơi đã từng đào tạo hàng trăm nhân tài cho đất nước. Dân làng Trung Am đã khéo chọn hoành phi "An nam Lý Học", và đôi câu thơ treo dọc chính giữa Ðền như hai câu đối: Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Ðắc Quốc ưng tri tại đắc dân (Xưa nay nước lấy dân làm gốc, được nước nên biết bởi được dân)... Thăm khu di tích, nghe về thơ văn, thân thế sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, du khách còn được thưởng thức cả hương vị ẩm thực của quê hương Trạng. Người dân Vĩnh Bảo khéo tay, hay làm, chế biến nhiều món ăn đồ uống địa phương đa dạng, sẽ làm hài lòng du khách.

Phác họa đôi nét như vậy để thấy được sức hấp dẫn của chương trình du lịch thăm khu Ðền Trạng. Chương trình được nghiên cứu với một hàm lượng văn hóa cao, trên cơ sở tôn trọng lịch sử, lôi cuốn du khách qua những di tích, di sản còn lại, đặc biệt là qua thơ văn, bia, sấm Trạng và nội dung hướng dẫn, thuyết minh về thân thế, sự nghiệp, tài thơ văn, tài tiên tri, phong cách, lối sống, đạo đức, tấm lòng đau nước thương dân của danh nhân văn hóa Trạng Trình, đúng với "tiếng tăm lừng lẫy như sấm rền, năng lực như cột trụ chống trời, tài năng kiệt xuất, dung mạo rực rỡ như tiên nơi trần thế" của Trạng Nguyên Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khu di tích Ðền Trạng được giữ gìn, trùng tu, xây dựng và khai thác trong phát triển du lịch, đã và đang là trọng tâm của tuyến du lịch du khảo đồng quê Hải Phòng với các điểm du lịch phụ cận phong phú như xem rối cạn Bảo Hà, rối nước Nhân Hòa, thăm Ðình Nhân Mục, làng nghề tạc tượng Ðồng Minh ở Vĩnh Bảo và kéo dài tuyến ra Núi voi Kiến An, Ðồ Sơn, Cát Bà, làm nên nét đặc sắc không đâu có ngoài Hải Phòng.

Sau khi dự án đường 10 hoàn chỉnh, tuyến du lịch từ quốc lộ 1 nối sang quốc lộ 10, liên kết những điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thái Bình, sang Cát Bà, Ðồ Sơn (Hải Phòng), Hạ Long, Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc qua Ninh Giang (Hải Dương) về Hà Nội. Ðiều này góp phần đưa di tích Ðền Trạng trở thành tâm điểm của tuyến du lịch quốc gia và đang được nhiều hãng lữ hành quốc tế quan tâm đưa vào chương trình du lịch. Rượu Trạng Trình, cơm niêu, mái rạ, đàn bầu quê Trạng cùng những lời thơ, bia ký, Sấm truyền của Trạng và mở rộng hơn là những giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng nông thôn duyên hải đang theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước, đến với bầu bạn năm châu, làm rạng danh quê hương, con người đất Trạng, góp phần phát triển du lịch Hải Phòng.

Người đăng: thanhnt

04/06/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Thời gian ra đảo không lâu nhưng lại mất nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị, nhất là việc di chuyển từ bờ lên tàu. Do chưa có bến nên người ra đảo đa phần phải dùng tàu đánh cá của ngư dân. Du khách lên thuyền thúng, đi từ bờ ra rồi lên thuyền đi tiếp.Một chiếc thuyền thúng thường chở được 5 hành khách mặc áo phao, chưa tính người điều khiển thúng. Để tiện cho việc "lái" thúng, hiện các tàu sử dụng dây luồn qua thúng và... kéo. Cách này nhanh hơn việc chèo truyền thống.
Đứng trên bờ mà ngắm thì không thể hiểu hết cảm giác thú vị của người ngồi trên thúng. Nó bồng bềnh, dập dềnh và xoay tròn, chỉ một con sóng vỗ vào là nước có thể ào vào theo. Thế mà đa phần ngư dân đều sử dụng loại thuyền thô sơ này để lặn biển, câu cá, câu mực, di chuyển vào bờ… và nhiều việc không tên khác.

Tàu nổ máy, ra khơi. Đi được hơn 10 phút là đến khu vực ngư dân lặn, bắt cá, câu cá. Mỗi người một thúng, ngư dân mặc đồ bơi và dụng cụ rồi lặn xuống biển. Tại vị trí này, cù lao Câu đã ở ngay trước mặt, ngày một rõ hơn. Theo yêu cầu của du khách, tàu sẽ đi một vòng quanh đảo. Du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng vô vàn đá với đủ hình dạng và không khỏi phải thốt lên: “Hệt như vương quốc đá”. Đúng vậy, đá bạt ngàn, những lùm cây xanh chen vào đá, pha sắc xanh vào màu nâu bóng của đá.
 Để lên được đảo, du khách lại tiếp tục phải xuống thúng di chuyển vào bờ. Một bãi cát trắng mịn màng chạy dài uốn cong bao bọc đảo, làn nước trong xanh có thể nhìn tận đáy biển, nơi từng đàn cá tung tăng bơi lội… Đảo còn nguyên dáng vẻ hoang sơ với thảm thực vật phong phú, đa dạng và khí hậu trong lành, mát mẻ. Nhìn qua làn nước, những viên đá cuội, sỏi, vỏ ốc ẩn hiện đầy bí ẩn. Di chuyển một đoạn là đến nhà nghỉ của các ngư dân từ trong đất liền ra đảo lập quán để buôn bán. Trong những nhà nghỉ tạm này có võng và nhiều loại bánh, nước uống. Bố trí xong chỗ đặt ba lô, du khách có thể chạy bộ ngay ra biển tận hưởng làn nước mát lạnh.

Theo chân các chiến sĩ hải quân trên đảo, du khách sẽ được bắt đầu hành trình khám phá. Dọc hai bên con đường mòn là cỏ và hoa dại nhìn đẹp mắt. Loài hoa màu trắng muốt, hương thơm ngây ngất nở đầy trên đảo. Bao quanh đảo là hàng vạn khối đá nhiều màu sắc và hình thù, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ.... Do vẫn còn hoang sơ nên nhiều khu vực trên đảo chưa có tên gọi. Ngoài quần thể đá đủ hình dáng từ chim se sẻ đến rùa, gấu…, đảo còn có những hang, khe thiên tạo dáng rất lạ mà theo địa thế của từng khu, nhiều cái tên mới ra đời như hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt… Trên đảo còn có cái giếng được trân trọng gọi là giếng Tiên cung cấp nước cho cả đảo.

Ngoài cảnh đẹp, đảo còn có rất nhiều loại ốc, hải sản đặc biệt. Theo lời người hướng dẫn, trên đảo thỉnh thoảng vẫn bắt được dông (một đặc sản của đất Bình Thuận) và nếu muốn, khách có thể thưởng thức ốc đủ loại ở nhà nghỉ trên đảo. Về đêm, nếu trời sáng trăng, việc đi dạo dọc theo bờ biển trong ánh trăng dìu dịu sẽ mang đến cho du khách một cảm giác thật khó quên.

Hoang sơ, đầy bí ẩn và thú vị là ấn tượng mà cù lao Câu mang đến cho những ai đã từng một lần đến đảo. Đây là nơi thích hợp cho những người thích khám phá vẻ đẹp của biển, yêu cảm giác mạo hiểm, hứng thú với các hoạt động như đi câu mực đêm, đánh cá, ngắm san hô…  Thời gian ra đảo không lâu nhưng lại mất nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị, nhất là việc di chuyển từ bờ lên tàu. Do chưa có bến nên người ra đảo đa phần phải dùng tàu đánh cá của ngư dân. Du khách lên thuyền thúng, đi từ bờ ra rồi lên thuyền đi tiếp.

Người đăng: thanhnt


Trở lại
Thêm địa danh

Tiep Thi Quang Cao