International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

15/12/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Phước Hưng Cổ Tự là một trong những ngôi chùa cổ kính, khang trang, tọa lạc tại trung tâm thị xã Sa Đéc. Chùa này do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất Sa Đéc sanh cơ lập nghiệp dựng nên cách nay hơn một thế kỷ để thờ Phật. Thời gian sau được đồng bào Hoa - Việt trùng tu lại đầy đủ và tiện nghi hơn, nay còn gốc hai chữ chùa Hương.

Chùa Hương đẹp rực rỡ, kiến trúc hài hòa giữa nội và ngoại thất. Chùa có 08 mái và 02 cấp, được lợp ngói âm dương tạo gợn sóng, chót mái lơi ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miểng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, qui, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc nắng mặt trời.

 

Qua cửa Đông Lang để vào chánh điện du khách sẽ gặp hai câu đối nghe như âm vang chí nguyện của người xưa. Bên trong Đông Lang là phòng tiếp đón khách thập phương, kế đến là tổ điện gồm 05 gian bố trí 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày. Giữa tổ điện phía trong trai đường là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trỗ hoa văn rất sắc sảo. Trước tổ điện treo một bức hoành phi cạm trỗ rất công phu, giữa là 03 chữ Bát Nhã Đường nổi bật trên nền mai, lan, trúc, bướm, quạt, cuốn thư, giấy bút… Phía trái của chánh điện là Tây Lang vừa để tiếp tăng khách và cũng là nơi lưu giữ các sách kinh. Trước Tây Lang là một hồ sen trắng tỏa hương, sau là khu tháp mộ của các vị trụ trì.

 

Cách thức thờ phượng của chùa theo lối cổ, tôn nghiêm gồm hai bộ Tam Thánh Tây Phương cực lạc (Phật A-Di-Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí), đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay.

 

Trong số các pháp khí có giá trị phải nói đến chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư tuyệt đẹp và một chiếc mõ khác nặng khoảng 15kg được Hòa Thượng Vĩnh Tràng phát nguyện ra đến Hà Nội thỉnh về…

 

Sa Đéc hiền hòa, cây lành trái ngọt, nước sông trong mát, hoa kiểng thanh lịch. Có dịp về đây mời du khách đến với cổ tự Phước Hưng nằm trên đường Hùng Vương, con đường chính đẹp nhất giữa lòng thị xã. (Nguồn: dulichvn.org.vn)

Người đăng: admin

15/12/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Khu du lịch sinh thái Suối Lương nằm phía nam hầm đèo Hải Vân, phường Hoà Hiệp Bắc (Liên Chiểu – Đà Nẵng), cách trung tâm TP Đà Nẵng 15km về hướng tây - bắc. Đến đây, bạn sẽ được dịp hoà mình vào không gian xanh ngắt của rừng. Khu du lịch sinh thái Suối Lương với diện tích trên 6ha, là một điểm du lịch lý tưởng với những công trình kiến trúc độc đáo, hội tụ nét đẹp văn hoá ba miền của dân tộc Việt Nam.

Ngay từ cổng vào Khu du lịch, hồn Việt với cánh chim Lạc cùng biểu tượng trăm trứng của mẹ Âu Cơ được bài trí khá ấn tượng. Bên trong, nhà hàng trung tâm được thiết kế theo kiểu kiến trúc Chăm với những đường nét hoa văn nguyên mẫu, độc đáo, cùng những vật dụng Chăm khá lạ mắt, mang đậm dấu ấn văn hóa Chămpa một thời. Bên cạnh đó một không gian thuần Việt cũng được khéo léo tái hiện bằng các kiểu nhà của những dân tộc ít người, như nhà sàn người Mường, Tày, K’tu, Dao, Nùng... Tại đây, du khách có thể nghỉ ngơi, tham quan, mua hàng lưu niệm, ghé thăm những ngôi nhà cổ kính xứ Quảng, nhà rường Huế,.. Càng tuyệt vời hơn nữa, khi màn đêm buông xuống, du khách được vừa ngắm trăng tại nhà nghỉ Nguyệt Đình, vừa nâng chén rượu Hồng Đào, ngâm thơ, nghe nhạc...

Dưới cầu treo là con suối Lương nước trong ngần với các đàn rùa, voi được nghệ nhân làng đá Non Nước (Đà Nẵng) tạc từ những hòn đá ngay bên dòng suối...

Suối Lương còn có một “chợ quê” với hồ Cô Tấm và Quả Thị, chày giã gạo bằng nước cùng những sản phẩm truyền thống như đèn lồng Hội An, đất nung Cẩm Hà, đồng Phước Kiều, cùng với văn hoá ẩm thực truyền thống miền Trung như: mì Quảng, bánh đúc, bánh bột lọc, bánh xèo, bánh nậm…

Đến Khu du lịch Suối Lương, du khách sẽ có dịp khám phá những điều kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng, có thể đắm mình dưới dòng nước mát lạnh để cảm nhận những giây phút yên bình, lắng nghe âm thanh của tiếng suối chảy, khơi nhẹ những tiếng róc rách vào gầm đá, hòa cùng tiếng chim, tiếng xào xạc của núi rừng.

Đặt biệt, khu du lịch sinh thái Suối Lương – Hải Vân Park đã đưa vào một chương trình du lịch mạo hiểm mới: leo núi và khám phá Hải Vân Sơn, đây là chương trình hấp dẫn dành cho những người yêu thích mạo hiểm, nhất là khu vực được mệnh danh “Hải Vân đệ nhất hùng quan”.

Sau một chuyến phiêu lưu mệt mỏi, du khách có thể lưu lại khu biệt thự cổ kính với đầy đủ tiện nghi, thức ăn ngon miệng, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau, để tận hưởng một kỳ nghỉ cuối tuần tuyệt vời cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Suối Lương quả thực sẽ mang đến cho du khách niềm vui bất tận và một không gian yên tĩnh, thoáng đãng đến không ngờ sau những bụi bặm và xô bồ của phố phường thời công nghiệp hóa.(Nguồn: dulichvn.org.vn)
Người đăng: admin

15/12/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Núi Ngọc nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc. Từ thị xã Phủ Lý, ngược sông Đáy 7km, tới bến Đanh, đi tiếp 100m là đến núi Ngọc.

Quả núi nằm sát mặt nước sông Đáy. Núi Ngọc là một ngọn núi đá vôi trong hệ thống núi đá kéo dài từ Hòa Bình xuống hướng tây bắc đông nam qua xã Tượng Lĩnh – Khả Phong – Liên Sơn của huyện Kim Bảng. Tuy nhiên núi Ngọc nằm tách riêng, ngăn cách vệt dãy núi kia bằng con sông Đáy.

 

Núi Ngọc không cao lắm. Ở đây cây cối mọc nhiều, cây to cây nhỏ mọc chen nhau cành lá xum xuê do dân địa phương có ý thức giữ gìn. Trên núi có một cây si cổ thụ, tương truyền có tới hàng trăm tuổi. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ. Ngay dưới chân núi có một ngôi đền cổ thờ một ông nghè có công với dân làng.

 

Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây lưu niên, chủ yếu là vải thiều, nhãn, tùy thời vụ có xen cả ngô lúa. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn.(Nguồn: dulichvn.org.vn)

Người đăng: admin

15/12/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Hình ảnh về D’ran, một thị trấn thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, trong lòng du khách có lẽ chỉ là vài đoạn phố ngắn ngủi trên đường từ Nha Trang đi Đà Lạt. Nhưng, nếu ở lại đây ít ngày, bạn sẽ khám phá được những nét quyến rũ rất riêng của thị trấn nhỏ bé này.

Từ vùng đồng bằng khô nóng với những đồi cát hoang vu, những bụi xương rồng lẻ loi…của Ninh Thuận,  vượt hơn 20 km đèo Ngoạn Mục, du khách sẽ đặt chân đên khu vực cao nguyên của Lâm Đồng. Chỉ cánh nhau 20 km mà khí hậu và cảnh vật trên đường đi thay đổi đột ngột: từ nóng bức chuyển sang mát mẻ;  từ hoang vu, khô cằn chuyển sang xanh tươi, ngập tràn sức sống… Thị trấn D’ran chính là nơi bắt đầu của cao nguyên.

 

Tuy nhỏ bé, nhưng cũng như Đà Lạt, D’ran cho du khách tận hưởng được cả bốn mùa trong một ngày: sáng xuân, trưa hạ, chiều thu và tối đông. Cũng huyễn hoặc sương mờ, cũng nghiêng nghiêng dốc núi, cũng xanh mướt đồi thông, chỉ không có những dòng du khách nườm nượp.  D’ran yên bình và mộc mạc hơn Đà Lạt rất nhiều.

 

Ở D’ran, hoa không nhiều như Đà Lạt. Không có sắc vàng mimosa, không sắc hồng đỗ quyên, không sắc đỏ xác pháo, không sắc tím cẩm tú cầu… Ở D’ran chỉ có màu xanh dịu mát là chủ đạo. Màu xanh của những đồi thông, của những rẫy cải, rẫy hành bạt ngàn. Điểm xuyết vào màu xanh ấy là sắc đỏ của những vườn cà chua, sắc cam vàng của trái hồng… Trừ thông, thứ duy nhất làm đẹp D’ran mà không “ăn được” là dã quỳ. Dã quỳ trải một màu vàng dịu khắp thị trấn, quấn quýt quanh từng gốc thông, từng góc phố, từng bờ tường…

 

Ở D’ran, hồng được trồng rất nhiều. Cảnh sắc của những vườn hồng thay đổi theo từng thời điểm trong năm. Mùa hè, những vườn hồng vàng rực trĩu quả, đầy sức sống. Mùa đông, hồng rụng hết lá, vươn lên trời những cành khô xám xịt…

 

 

Kề bên thị trấn D’ran là đèo D’ran, một con đường khác để lên Đà Lạt, ngoài con đường truyền thống là ngã ba Finom – đèo Prenn. Đường đèo D’ran nhỏ hẹp, quanh co với những khúc cua thót ruột. Hai bên đường là những rừng thông già bạt ngàn lẩn khuất trong mây. Đặc biệt, từ trên đèo có thể ngắm cảnh hồ thủy điện Đa Nhim. 

 

Tôi yêu những ngôi nhà gỗ vương mùi nhựa thông ở D’ran. Nó mộc mạc và yên bình như chính thị trấn nhỏ bé này. Ở D’ran, nhịp sống dường như chậm lại, như làn sương mù mãi không tan đầu ngọn thông. Ở D’ran, có những sáng ngủ dậy không muốn ra khỏi giường, cứ cuộn mãi trong chăn để nghe “cái lười” thấm trong từng bắp thịt. Ở D’ran, có những chiều “ngồi đồng” trong quán cà phê, ngơ ngẩn ngắm cảnh học sinh đi học về, từng chiếc xe đạp, từng chiếc áo len  thấp thoáng đầu dốc sương mờ. Ở D’ran, có những buổi tối bập bùng guitar nơi quán rượu bình dân với những bài hát tưởng như không bao giờ dứt…

Người đăng: saigonopentour.com

15/12/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Nằm bên vịnh Gành Rái và phía nam rừng Sác, khu di tích Nhà Lớn ở xã đảo Long Sơn, Thành phố Vũng Tàu được biết đến là một quần thể kiến trúc cổ dân gian quý hiếm. Được xây dựng từ năm 1910 và trùng tu vào năm 1991 đến nay quần thể di tích này vẫn còn nguyên vẹn và lưu giữ toàn bộ phong tục, tập quán của đạo ông Trần - người đã có công lập ấp Bà Trao, nay là xã Long Sơn...


Theo tài liệu của Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhà Lớn Long Sơn do ông Lê Văn Mưu, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vốn xuất phát từ vùng Bảy Núi, An Giang xây dựng nên. Ông Lê Văn Mưu từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do quản cơ Trần Văn Thành làm thủ lĩnh. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông đưa gia quyến về lánh nạn tại vùng núi Nứa. Năm 1910, ông khởi công xây dựng quần thể kiến trúc Nhà Lớn để thờ Trời, Phật, Tiên, Thánh... Sau đó còn xây dựng thêm hai ngôi nhà dành tiếp khách thập phương đến thăm viếng và 5 dãy nhà dài làm nơi cư ngụ cho những người dân trong buổi đầu tới Long Sơn lập nghiệp nhưng chưa có nhà ở. Hiện nay khu di tích Nhà Lớn có diện tích khoảng 2 ha, chia thành nhiều khu gồm đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần. Nhà Lớn là một trong những di tích bằng gỗ đồ sộ, được làm bằng các loại gỗ quý gồm lim, sến, trắc, bá gụ... Khu nhà trưng bày nhiều đồ vật được chạm trổ tinh xảo như bàn ghế, tủ thờ, câu đối, hoành phi đại tự... Đặc biệt, tại đây còn lưu lại bộ bàn ghế bát tiên (khắc hình 8 vị tiên ông, được cẩn hoa cương và xà cừ) .

Người dân xã đảo Long Sơn vẫn gọi ông Lê Văn Mưu là ông Trần hay ông Nhà Lớn bởi sinh thời ông thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất lao động. Khi ông mất, trong dân gian hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần. Không có kinh kệ, chuông mõ cũng như tệ mê tín dị đoan, đạo ông Trần chỉ có những lời dạy truyền khẩu giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên với 5 chữ: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Hàng năm, vào ngày vía ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch), tại Nhà Lớn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút cả hàng chục ngàn người tới dự. Đến nay, những phong tục, tập quán của đạo ông Trần vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Người dân theo đạo ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo màu đen, đi chân đất, tóc búi tó. 
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, ngày 3/8/1991, Nhà Lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hiện nay, khu di tích Nhà Lớn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi lần đến Bà Rịa – Vũng Tàu.
Người đăng: saigonopentour.com


Trở lại
Thêm địa danh

Tiep Thi Quang Cao