International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

04/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Không phải thị xã nào cũng được thiên nhiên ban tặng cho một địa thế đẹp như vậy. Thị xã Hà Giang đã được sự ưu ái đến hậu hĩnh, ngay giữa lòng thị xã “Cấm Sơn” nổi lên như một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ. “Cấm Sơn” thuộc phường Nguyễn Trãi.

Theo kết cấu địa chất núi được chia thành hai vùng riêng biệt. Phía từ đỉnh núi chạy dài theo dốc Mã Tim chủ yếu là núi đá vôi tai mèo với địa hình hiểm trở, hang sâu vách đá dựng đứng, như con Sư Tử với dáng oai vệ. Từ trên đỉnh núi trải dài về phía sông Lô là rừng núi đất, sườn núi vách dốc trải dài suốt từ đường 19/5 đến Quảng trường 26/3. Dưới chân núi “Cấm Sơn” là những phố phường đông đúc dân cư làm ăn sầm uất.

 

Nhưng chắc rằng người dân Hà Giang ít ai có thể hiểu, thấy hết được những vẻ đẹp tự nhiên, song cũng đầy huyền bí của “Cấm Sơn”, vì là núi đá hiểm trở nên có rất ít đường lên núi, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất có thể leo lên đỉnh núi. Trên đỉnh núi, nơi có một hang sâu thẳm, thẳng đứng như một cái “giếng trời”. Chính với địa thế hiểm trở và độc đáo này mà khi thực dân Pháp xâm lược, đã chọn nơi đây là chốt canh giữ chính, để bảo vệ thị xã.


Theo truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian, đội quân “cờ đen” của Lưu Vĩnh Phúc, khoảng những năm 1870 - 1875, địa hạt Hà Giang có đội quân “cờ vàng” của Hoàng Sùng Anh kéo đến để cướp bóc, chúng bị đội quân của đồng bào các dân tộc là “Quân cờ trắng” đánh trả quyết liệt, bao vây truy kích, năm 1875, quân “Cờ vàng” của Hoàng Sùng Anh bị co cụm, đội quân của mình lên núi Cấm để cố thủ, lương thực cạn kiệt dần, xung quanh núi Cấm lại bị bao vây chặt chẽ, biết không thể thoát, cả tướng lẫn quân “Cờ vàng” đã nhảy xuống hang sâu trên núi tự vẫn. Với tấm lòng bao dung và nhân ái nhân dân địa phương đã lập ngôi miếu thờ nhỏ, cầu nguyện cho những linh hồn oan khuất được siêu thoát. Núi đã trở thành nơi linh thiêng ít có người dám lên, núi “Cấm sơn” càng trở nên huyền bí. Trải qua những năm tháng thăng trầm của thời gian miếu thờ cũng không còn nữa dân địa phương đã đưa về thờ tại “Cấm Sơn Linh Từ” dịch là ngôi đền núi Cấm(nay là đền Mẫu). Trên đỉnh núi hiện vẫn còn vết tích của những hang đá sâu, hệ thống hầm hào, lô cốt của Pháp.


Trong những năm gần đây, với chủ trương khai thác tiềm năng của núi Cấm phục vụ cho việc phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội. Núi cấm đã được đầu tư xây dựng tháp truyền hình lớn của tỉnh, và một số thiết chế văn hóa du lịch. Từ dưới chân núi (cầu Yên Biên II) ta có thể đi lên núi bằng xe máy, ô tô đến lưng chừng núi, tiếp tục đi bộ theo con đường bậc thang đổ bê tông ngoằn nghèo cạnh sườn núi, luồn lách qua những kẽ đá tai mèo dựng đứng, bên là vực sâu thăm thẳm với những dây song mây rậm rạp đưa ta trở về ngược dòng thời gian, tìm thấy những dấu ấn lịch sử của “Cấm sơn”. Từ trên đỉnh núi ta có thể nhìn thấy toàn bộ phong cảnh thị xã Hà Giang thơ mộng. Năm ngả đường đổ về thị xã, hoà quyện cùng với hai dòng hợp lưu của sông Lô và sông Miện trong xanh chảy giữa lòng thị xã, xung quanh thị xã là những dãy núi thế Rồng chầu Hổ phục, bao quanh những công viên cây xanh và những khu đô thị sầm uất, thể hiện sự bền bỉ và trường tồn của một thị xã đầy tiềm năng du lịch.


Hiện nay “Cấm sơn” hàng ngày đón nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của thị xã Hà Giang đầy thơ mộng.

Với nét đẹp kỳ vĩ của núi Cấm và sự đầu tư khai thác phát triển du lịch, hy vọng núi Cấm sẽ là một kỳ quan, điểm du lịch hấp dẫn nhất của thị xã trong tương lai.

Người đăng: thanhnt

04/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Đây là một thác nước đẹp, hùng vĩ vừa được tôn tạo thành khu du lịch sinh thái mới ở xã Liên Đầm, huyện Di Linh (Lâm Đồng). Bobla là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước, trên lộ trình hoặc trong những tour du lịch từ TP.HCM lên Đà Lạt.
Nằm cách không xa quốc lộ 20, nên ngay từ xa đã có thể nghe tiếng thác vọng cả núi rừng. Ấn tượng đầu tiên khiến du khách phải ngỡ ngàng là dòng thác cao 50 m như một dải lụa trắng tinh đổ sầm sập xuống lòng hồ, tung bọt trắng xoá. Thiên nhiên ở đây đẹp như tranh vẽ, thác nước nằm gọn trong khu rừng nguyên sinh còn lưu giữ nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi; hai bên thác là vách đá cao phủ rong rêu, rễ cây cổ thụ buông xuống; dòng suối chảy lặng lờ, len trong những tảng đá, hai bên bờ cây cỏ, hoa dại nở quanh năm chạy tít tắp về phía buôn làng, hơi sương bay khắp một vùng trời... Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa nguyên sơ, vừa huyền hoặc của núi rừng cao nguyên Di Linh. Đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất này đã xem thác Bobla là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của cư dân miền sơn cước, quê hương của chàng Liang Dăm, người đã có công đánh đuổi quân Chăm từng kéo lên quấy nhiễu, giày xéo buôn làng. Đến Bobla du khách có thể vượt thác, thám hiểm núi, câu cá, cắm trại..
Người đăng: thanhnt

29/04/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Cuộc sống hiện đại đã len lỏi đến các bản làng vùng cao mang đến nhiều điều mới lạ. Thế nhưng, người Mông ở Sa Pa vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, một trong số đó là nghề nhuộm chàm.

Người phụ nữ Mông đôi bàn tay lúc nào cũng xanh màu chàm, đó là dấu ấn sau những lần nhuộm chàm - công việc mà họ gắn bó cả đời. Phải mất khá nhiều thời gian trong việc nhuộm chàm mới có được màu đen cho bộ trang phục.

Người Mông khi đi ở nơi mới một thứ không thể thiếu khi mang theo đó là cây chàm giống. Chàm được trồng vào tháng 2 và háng 7 là mùa thu hoạch. Chàm cắt về, đem vò nát để lấy nước. Thứ nước cốt đó được đổ vào thùng gỗ thông, qua một lớp tro bếp để trong bao tải rồi pha thêm nước ngâm khoảng 1 tuần. Theo kinh nghiệm của đồng bào phải có tro bếp thì chàm mới giữ màu được lâu, không phai.

Qua một hai nước chàm, vải có màu xanh, liên tục như vậy trong khoảng một tháng thì tấm vải có màu đen thẫm và sau đó chuyển sang công đoạn mài bóng vải.

Vải được đặt trên một miếng gỗ và mài bằng một tấm đá. Để tạo độ trơn khi mài, người ta bôi sáp ong lên vải. Đôi chân người phụ nữ khéo léo đẩy đi đẩy lại tấm đá, khi vải sáng bóng lên là được. Những tấm vải này dùng để làm áo khoác ngoài cho đàn ông và vạt áo trước cho phụ nữ với ưu điểm đẹp và rất bền.

Người đăng: thanhnt

29/04/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Không chỉ được biết đến là một địa điểm du lịch biển, đảo đặc sắc với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ và những danh lam thắng cảnh kỳ thú, huyện đảo Vân Đồn còn được nhiều du khách thích thú đến tìm hiểu về du lịch văn hoá tâm linh với những dấu ấn của một thương cảng sầm uất bậc nhất một thời, hay những đền thờ các vị tướng tài của dân tộc.

Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt địa lý cũng như việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ yêu cầu nên du lịch Vân Đồn chưa có bước bứt phá xứng với tiềm năng, thế mạnh. Để thay đổi điều này, trong những năm gần đây Vân Đồn không ngừng được đầu tư nâng cấp cả về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 786 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn thì mục tiêu xây dựng Vân Đồn trở thành khu trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao đã không còn xa nữa.

Trong 3 năm trở lại đây, huyện Vân Đồn đã không ngừng đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện nhiều tuyến đường chính cũng như cải thiện hệ thống thông tin liên lạc. Một trong hai tuyến đường quan trọng của Vân Đồn đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, đó là: đường từ huyện đảo ra quốc lộ 18A và tuyến đường 334, đoạn từ cầu Vân Đồn đến thị trấn Cái Rồng. Ngoài ra, ở hầu hết các xã đảo nhiều con đường đã được nhựa hoá, bê tông hoá; các bến cập tàu cũng được đầu tư xây dựng…. tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Tại thị trấn Cái Rồng các tuyến xe khách liên tỉnh, liên huyện hoạt động liên tục; tuyến xe buýt từ trung tâm du lịch Bãi Cháy đến khu du lịch Bãi Dài đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân từ các địa phương khác đến Vân Đồn và ngược lại. Cùng với giao thông, hệ thống thông tin liên lạc trên huyện đảo đã được thông suốt, không còn tình trạng mất sóng, hay nghẽn sóng như trước đây nữa.

Nhằm đáp ứng tốt hơn về nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện đều đã và đang được đầu tư nâng cấp. Tính đến nay toàn huyện đã có khoảng 50 cơ sở lưu trú với trên 640 phòng nghỉ; các bãi tắm có đầy đủ dịch vụ ăn uống, điểm vui chơi thể thao như chèo thuyền, dù bay, bóng chuyền bãi biển... Hướng tới một trung tâm du lịch mang đẳng cấp, huyện đảo còn chú trọng phát triển một số ngành nghề, trong đó có nghề nuôi trồng thuỷ hải sản đang rất phát triển. Với những mô hình này, không những đem lại nguồn kinh tế đáng kể cho người dân mà còn từng bước tạo ra một thị trường nguyên liệu sạch phục vụ cho nhu cầu của ngành Du lịch.

Đầu tháng 10/2008, Tập đoàn Giải pháp toàn cầu thiên niên kỷ (MIGS) đã có báo cáo phương án lập quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn lần thứ nhất với tầm nhìn phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch hàng đầu Việt Nam. Bản báo cáo đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: thiết lập và phát triển Vân Đồn trở thành điểm đến du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và khu vui chơi giải trí cao cấp; xây dựng sân bay quốc tế hiện đại phục vụ sự phát triển của Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc; thiết lập một cảng biển hiện đại phục vụ chủ yếu cho du lịch và dịch vụ; thiết lập định hướng lâu dài hướng tới sự bền vững; củng cố an ninh và bình ổn trong khu vực; thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đông Bắc nói chung cũng như tỉnh Quảng Ninh nói riêng… Có thể nói, những phác thảo trong hành trình Vân Đồn hướng tới trung tâm du lịch cao cấp đã ngày một rõ nét hơn. Từ đây theo đề xuất của nhà đầu tư trên đảo Cái Bầu xây dựng sân bay quốc tế, khu kinh doanh trung tâm, khu nghỉ dưỡng phức hợp, cảng thương mại; có đảo công viên quốc gia; đảo Bản Sen và Trà Ngọ làm du lịch sinh thái; đảo Thắng Lợi làm khu nghỉ dưỡng, cảng cầu cá kết hợp du lịch sinh thái; đảo Cảnh Cước là khu di tích lịch sử, bảo tồn rùa biển; đảo Ngọc Vừng phát triển khu nghỉ dưỡng… Với mục đích khai thác bãi biển đẹp tại các đảo trên Khu kinh tế nên mạng lưới giao thông sẽ được thiết kế liên hoàn giữa các khu chức năng trên đảo, quy mô đường trên các đảo được thiết kế nhỏ vừa phải (2 làn xe) nhưng có khoảng lùi xây dựng lớn. Đối với đảo Cái Bầu sẽ xây dựng mới 2 cầu chính gồm cầu Vân Tiên nối sang khu vực Mũi Chùa (Tiên Yên) và cầu Đoàn Kết nối sang khu vực Mông Dương (Cẩm Phả). Ngoài ra theo quy hoạch này còn có hệ thống đường sắt từ tuyến Lạng Sơn - Tiên Yên qua đảo Cái Bầu dọc theo hành lang tuyến đường vòng đảo và kết nối với đường sắt đi Hạ Long. Có tuyến cáp treo từ đảo Cái Bầu ra đảo Trà Ngọ kết hợp xây dựng các công viên chủ đề ở cả 2 đảo để khai thác hiệu quả hơn tuyến cáp treo này… Trong một tương lai không xa khi Khu kinh tế đã hoàn chỉnh, Vân Đồn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và vùng Trung Đông.

Để hướng tới một Trung tâm du lịch cao cấp xứng tầm, Vân Đồn còn rất nhiều việc cần làm. Tuy nhiên, với những gì đã và đang đạt được, tin rằng trong tương lai không xa, cái tên Vân Đồn sẽ trở nên quen thuộc đối với nhiều du khách trong và ngoài nước trong các hành trình du lịch đặc sắc.

Người đăng: thanhnt

27/04/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay, vùng núi đá cực bắc của tỉnh cực bắc Hà Giang đã trở thành điểm đến của nhiều tour du lịch khám phá. Vùng đất được mệnh danh là cao nguyên đá này quá ấn tượng đối với du khách bởi phong cảnh thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ. Nhưng không chỉ có cảnh quan, món ăn ở đây cũng rất lạ lùng...

Từ thị xã Hà Giang, qua những con đèo cao ngất tới Quản Bạ, rồi Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Phong cảnh vừa hùng vĩ vừa trữ tình dần hiện ra ngoài cửa xe như trong một bộ phim du lịch khám phá. Đầu xuân, những vườn mận, vườn đào hoa nở trắng xoá hoặc hồng rực. Đầu hè, những triền ngô xanh nõn bám trên các sườn núi đá. Trễ hơn chút nữa, mùa lúa duy nhất trong năm bắt đầu, từ trên những sườn núi cao nhìn xuống thung sâu, thấp thoáng các khu ruộng bậc thang loáng nước, ở đó, người Mông đang hối hả cày cấy...

Trong không gian như mơ như thực ấy, không khi nào thiếu những vạt cải hoa vàng rực rỡ. Và thật thú vị, đó chính là món ngon đầu tiên mà người viết bài từng được ăn khi lần đầu tiên đến với vùng cao nguyên đá Hà Giang. Cải ngồng Hà Giang rất lạ, cọng mũm mĩm như đọt măng tây, điểm những chấm hoa vàng tươi rói cả khi còn tươi lẫn khi đã luộc chín. Ngọt, chắc, bùi là những cảm giác rõ mồn một khi thưởng thức món ngồng cải luộc rất bình dân nhưng cực kỳ khoái khẩu với người miền xuôi vốn thèm rau sạch khi đến Hà Giang!

Khí hậu quanh năm mát mẻ của núi cao, nhất là vùng "lõi của cao nguyên đá" là hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc khiến nơi đây trồng được những loại rau, đậu rất ngon và lạ. Trái "dưa mèo" mũm mĩm như chú chuột bạch cỡ lớn, đậu Hà Lan xanh mượt, giòn và ngọt lạ lùng. Dẫu không nổi tiếng như ở Định Hoá (Thái Nguyên) hay Mường Thanh (Điện Biên), lúa gạo trồng trong những thung lũng lọt giữa ngút ngàn núi đá ở Đồng Văn, Quản Bạ vẫn làm nên những nồi cơm ngon nhất. Cơm gạo mới ở Đồng Văn, Mèo Vạc luôn nấu bằng nồi nhôm đúc và vùi trong than củi nên thơm dẻo khác hẳn cơm nấu trong nồi điện dưới xuôi.

Thường thì muốn đi hết một vòng bốn huyện miền núi cao, du khách phải nghỉ lại Hà Giang sau khi vượt qua 320km đường xe từ Hà Nội. Sáng hôm sau, lại đi trên những con đường chênh vênh trên sườn núi cao ngất. Đi theo hành trình ấy, thì ăn trưa tại thị trấn Yên Minh là hợp lý. Chặng về cũng vậy, khởi hành từ Đồng Văn hoặc Mèo Vạc vào buổi sáng thì tầm trưa cũng lại đi qua "cửa ải" Yên Minh. Thị trấn cửa ngõ của hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc có hai quán ăn nhỏ nằm bên chợ huyện Yên Minh đã sẵn sàng đón khách. Món ăn ở đây khá "độc". Ngồng cải luộc vừa ngọt vừa bùi, bó ngô non nhồi thịt thơm phức, tôm suối xào lá chanh giòn tan. Đặc biệt vào mùa lạnh, món lạp xường và thịt xông khói trở thành đặc sản. Quy trình làm lạp xường nhiều người đã biết, thịt băm nhỏ trộn gia vị nhồi vào ruột heo non và nướng trên than hồng cho chín rồi trên trên gác bếp. Thịt xông khói được làm theo cách khác. Thịt mông, vai, ba chỉ của con lợn cắp nách xẻ thành miếng dài đem ướp muối chừng một tuần rồi đem treo lên gác bếp. Đem làm món, vị mặn của muối quyện với chất béo của mỡ khiến người mới ăn không biết đằng nào mà lần!

Lõi của vùng cao cực Bắc là thị trấn Đồng Văn. Thủ phủ của cao nguyên đá khiến ta nao lòng bởi vẻ đẹp u hoài của khu phố cổ bên ba dãy chợ mà người Pháp khi xâm chiếm Đồng Văn đã xây từ những năm 30 của thế kỷ trước. Vào các buổi sáng chủ nhật, dưới những mái ngói thâm nâu ấy là cả một thế giới kỳ lạ của ẩm thực! Rượu ngô người Mông 8.000 đồng/ lít, uống say tràn cung mây. Một dãy nhà ngang của chợ được dành riêng cho hàng ăn uống với rất nhiều quán phở thịt lợn. Trước dãy nhà này, xôi bảy màu của người Tày xếp thành dãy. Xế vào phía uỷ ban huyện Đồng Văn là những phản thịt lợn và kế bên là các lò thắng cố thơm phức vị thảo quả lẫn với mùi khói gỗ nghiến hệt mùi gỗ pơ mu.

Nếu đã một lần đến cao nguyên đá, bạn hãy cố tìm để được ăn món "gà mèo", một giống gà đặc biệt chỉ có ở vùng cao núi đá này và xứng đáng được liệt vào hàng đặc sản. Con gà mèo không khác gì gà thường nhưng chân đen, mặt đen, mào đen, da đen, thịt đen và xương cũng đen nốt. Luộc, rang và nấu canh gừng là cách người vùng cao nguyên đá "ứng xử" với gà mèo. Thịt gà mèo rất lạ: không béo, không nát, chắc mà không dai, nạc mà không xác. Tóm lại, nếu một lần đã được xơi món thịt gà đen như bánh gai ấy, thì một ngày đẹp trời nào đó, ta sẽ lại khao khát được leo cao nguyên đá lần thứ hai, rồi lần thứ ba!

Người đăng: thanhnt


Trở lại
Thêm địa danh

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam