International Tourist Corp
Ngôn ngữ:
English


Vịnh Hạ LongLặn biển Phú QuốcTour Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang

06/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Đà Nẵng có rất nhiều sản phẩm để du khách mang về làm quà. Trong số đó chả bò, nem, tré là những món đặc sản được nhiều người tìm mua. Nổi tiếng nhất là chả lò bà Hường - số 4 đường Hoàng Diệu, hoặc lò chả Sài Đọi số 106/2 Ngô Gia Tự - TP Đà Nẵng. Đây là những nơi làm nghề truyền thống lâu đời và đã trở thành thương hiệu.

Để có được những đòn chả chất lượng cao, những lò chả phải tuyệt đối tuân thủ “bí quyết” cơ bản: chả bò phải được làm bằng thịt bò đùi, loại 1, tươi ngon, lọc bỏ hết gân, xay nhuyễn và không được trộn thêm bất kỳ nguyên liệu nào khác. Các phụ gia đi kèm là hành, tỏi, tiêu, ớt, đường, nước mắm và một ít chất tạo dai theo liều lượng của người thợ chính. Lá dùng để gói là lá chuối đã được rửa sạch và luộc sơ để đảm bảo độ mềm, không bị gãy khi gói. Quá trình làm chả, từ khâu lọc thịt, xay thịt, trộn gia vị, gói chả đến khi luộc xong không quá 2 giờ đồng hồ thì chả mới có được vị tươi ngọt tự nhiên của thịt bò.

Cắt khoanh chả bò Đà Nẵng, khách sẽ thấy mùi thơm của rau thì là thoảng nhẹ, miếng chả có màu đỏ hồng, vị hơi ngọt nhưng cũng rất đậm đà, giòn và dai. Ăn chả bò phải kèm với dưa chua, nem... làm món khai vị trong các đám tiệc, còn ngày thường có thể là những món nhâm nhi tuyệt vời cho quý ông, món ngon ăn kèm bánh mì và ngon hơn nữa khi ăn cùng cháo bò. Chả bò ăn kèm với tỏi, hành tươi, rau thơm, có thể chấm thêm tương hoặc nước mắm tỏi ớt tùy khẩu vị của mỗi người.

Còn một món khác là tré. Thịt để làm tré là loại thịt rẻ tiền nhất trong con heo, đó là tai, mũi, da, ba rọi. Người ta luộc chín thịt, sau đó đem thính với củ riềng, tỏi. Ủ 2 – 3 ngày cho chua và dậy mùi để đạt độ thơm ngon. Có thể đóng gói sản phẩm thịt thính riềng này trong lọ, thẩu hay gói lá chuối lá ổi. Hương vị chính không thể lẫn của tré chính là thịt chua lẫn trong hương củ riềng. Tré Đà Nẵng thường ăn kèm với tương ớt Đà Nẵng. Tương ớt Đà Nẵng có đủ vị thơm cay của ớt, của tỏi, ngọt của đường. Đây là sản phẩm của người Hoa Hội An thế kỷ 17 và nay đã được người Đà Nẵng làm bán kèm với tré.

Tại Đà Nẵng, khách có thể đến: Chả Hường: 04 Hoàng Diệu; Nem tré bà Bình: 77 Hải Phòng; Nem tré bà Đệ: 81 Hải Phòng; Nem - Chả -Tré : 96 Triệu Nữ Vương... để mua các loại đặc sản này.

Người đăng: thanhnt

06/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui

Là một loài hoa mang đậm bản sắc của núi rừng Tây Bắc. Hoa ban nở trắng ngần phủ kín khắp lưng đèo, đỉnh núi. Với người dân Tây Bắc, đặc biệt là đối với dân tộc Thái ở nơi đây, hoa ban không chỉ là một loài hoa đẹp, có vai trò rất quan trọng trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần của họ, mà là một loài hoa thể hiện khá độc đáo bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc.


Hoa ban ở Ðiện Biên có nhiều loại: ban đỏ, ban tím, ban trắng, nhưng nhiều nhất vẫn là ban trắng. Người Thái thường sử dụng loại hoa và lá ban non này để chế biến thành các món ăn phục vụ cho các bữa ăn hằng ngày trong gia đình mình: món hoa ban hầm móng giò, hoa ban xào thịt lợn rừng, hoa ban đồ chõ xôi, hoa ban nộm củ giềng, hoa ban nộm vừng, lá ban non đồ chấm chéo cá "chéo pa"... Có thể nói mỗi món ăn này đều rất ngon và dễ ăn. Biểu hiện vị ngon ở từng món rất khác nhau. Chẳng hạn món hoa ban hầm chân giò thì cái vị hơi chát, hơi ngọt, bùi của hoa ban sẽ dung hòa với vị béo ngậy của thịt chân giò khiến bát canh hầm này ăn không bị ngấy, nước canh lại ngọt đậm đà dễ ăn, trông lại rất đẹp mắt và hấp dẫn.

 

Trong những món ăn được chế biến từ hoa ban, món hoa ban đồ chõ xôi là một món ăn thông dụng thường thấy trong gia đình người Thái. Món này rất hợp với nước chấm được chế biến từ quả nhót chín (một loại quả người Thái thường trồng trong vườn nhà lúc còn xanh có rất nhiều vẩy, rất chua và chát nhưng lúc đã chín nó đỏ mọng, ăn ngọt hơi chua, rất ngon, giúp giải nhiệt rất tốt). Mùa ban nở rộ cũng là mùa nhót chín đỏ trên cây, người Thái hái quả nhót chín giã lấy nước trộn với một chút muối, ớt, mì chính, tỏi làm thành thứ nước chấm hoa ban đồ.

 

Khi lá ban còn non rất chát. Muốn ăn món lá ban non đồ chõ xôi cho thật ngon thì phải có "chéo pa" để chấm. Ðây là một thứ chấm rất đặc biệt của người Thái, thứ chấm này được làm từ muối, ớt, mì chính, rau mùi, tỏi, cá suối nướng, trộn đều với một tỷ lệ vừa đủ rồi cho vào bát giã nhỏ, thêm một chút nước sôi vị đậm đà của muối, mì chính, vị cay của ớt, vị thơm ngậy của cá nướng, hòa vị thơm của rau mùi.

 

Cũng như các loại rau khác, trong hoa ban và lá ban non chứa rất nhiều chất vi-ta-min, chất sơ và một số chất khác có ích cho cơ thể con người. Các món ăn được chế biến từ hoa ban không chỉ là những món ăn ngon mà nó còn có tác dụng điều trị một số bệnh: như bệnh đường ruột và giúp giải nhiệt cơ thể. Ðặc biệt món lá ban đồ là một loại rau thuốc rất cần thiết cho các bà đẻ, những người mới sinh ăn loại rau này rất lành dạ, lợi sữa... Hạt ban già có thể đồ lên ăn hoặc rang giòn ăn thơm ngậy như một thứ hạt đậu.

 

Các món ăn được chế biến từ hoa ban của người Thái ở Ðiện Biên rất phong phú và độc đáo. Có thể nói hoa ban và những món ăn được chế biến từ nó đã đem lại cho nghệ thuật ẩm thực của dân tộc Thái nơi đây những sắc mầu riêng thật hấp dẫn và thú vị. Tìm hiểu văn hóa ẩm thực, các món ăn được chế biến từ hoa ban, ta sẽ thấy rõ hơn cái độc đáo, tinh xảo, cái tao nhã trong nghệ thuật ẩm thực dân tộc Thái, đồng thời ta cũng hiểu rõ hơn về phong tục tập quán, tín ngưỡng, học được ở đó những kinh nghiệm dân gian trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người thông qua ăn uống.

 
Người đăng: thanhnt

05/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Từ xa xưa, Vĩnh Long là mảnh đất rộng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Với yếu tố “cố cựu” đó, dù hiện nay Vĩnh Long đã thu hẹp địa giới nhưng vẫn còn lưu giữ khá nhiều di tích của tiền nhân, trong đó có làng gạch ngói Long Hồ tồn tại khoảng 150 năm nay. Thăm làng gạch ngói Long Hồ cũng là chuyến du lịch làng nghề.

Có dịp đến làng gạch ngói Long Hồ, những năm sau ngày hòa bình trên con đường đất đá lổn nhổn, bạn sẽ được chứng kiến những lò gốm hình trứng khổng lồ nằm “úp” dọc bờ sông Cổ Chiên một cách ngoạn mục. Năm 1997, làng gạch ngói trở thành làng gốm đỏ. Đi dài theo các phường xã dọc bờ sông Cổ Chiên như: Phường 5 (TX Vĩnh Long), xã Thanh Đức (Long Hồ), các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Chánh An (Mang Thít) các cơ sở sản xuất gốm đỏ hầu như nằm liền kề bên nhau. Xe tải nhận hàng tấp nập các chuyến đến, đi. Không khí sinh động này đã thay cho làng gạch ngói nghèo nàn năm xưa.

Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, làng gốm này còn phát triển dịch vụ vận tải thủy bộ, bao bì và làm khuôn mẫu. Đất sét ở đây nhiều phèn, khi qua lửa nung sẽ cho thứ gốm không men có nhiều sắc độ “lạ kỳ” mà họa sĩ tài ba cũng không thể nào phối màu được. Hiện nay, đến với làng gốm Long Hồ, đến thăm một làng nghề nổi tiếng bạn sẽ sững sờ chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc sắc hầu như có một không hai ở nước ta; đó là nhà gốm.

Cách xa hàng chục thước, bạn đã thấy dãy tường rào của ngôi nhà gốm đỏ au ánh lên trong sắc nắng. Tiếp cận, chắc chắn bạn sẽ chắc lưỡi khen những hoa văn họa tiết được khắc họa trên những cột gốm thật hài hòa. Nối giữa những cột gốm là những bức họa gốm đỏ đẹp không thua kém. Mái nhà lợp ngói đỏ. Sân nhà lót gạch tiểu với màu đỏ cố hữu, bóng lưỡng, chắc chắn, tạo hình hoa văn mỹ thuật. Toàn bộ nền nhà khách, nhà bếp đều được lót gạch tàu. Tường nhà là những hàng gạch tiểu đỏ lựng được xây hết sức khéo léo, mặt ngoài, mặt trong có nơi để trần, có chỗ che kín bằng vách gốm đỏ. Đi dọc tường nhà, bạn sẽ bị “choáng ngợp” bởi những bức bích họa; bức màu đỏ hồng độc đáo, bức màu giả đồng đen... Đó là tác phẩm gốm đỏ liên hoàn của họa sĩ Thế Đệ thể hiện bản đồ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng ba cô gái mặc trang phục truyền thống vùng miền mình: Bắc, Trung, Nam; là bức tranh hồng hạc - thể hiện thời thái bình thịnh trị. Đó là những bức bích họa đưa bạn trở về thời cha ông đổ mồ hôi, kể cả xương máu để khẩn hoang vùng “nê địa” Đồng bằng sông Cửu Long này; những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, qua nét bút tạo hình không lẫn vào đâu của họa sĩ Lê Triều Điển. Bạn sẽ sững sờ chiêm ngoạn những bức phù điêu màu đồng đen. Nhưng không, đó chỉ là những bích họa gốm đỏ được phủ đồng đen cho thêm phần giá trị. Chưa hết, gốm Long Hồ còn được thể hiện qua những bình, những chậu nhiều sắc màu bóng láng, lấp lánh, tinh khôi như sơn mài. Mà, sơn mài thật. Người ta đã chuyển những chậu, những bình gốm đỏ thành sản phẩm đặc thù của sơn mài để làm tăng thêm giá trị ngôi nhà gốm.

Để gia chủ tiếp khách còn có bộ bàn trà, với bốn chiếc đôn, đều bằng gốm đỏ. Giữa nhà là chiếc đi-văng, nhưng không phải được làm bằng cẩm lai, gõ đỏ, thao lao, mà hoàn toàn bằng gốm có màu vàng sậm, mát lạnh tay sờ.

Tại đây, khách có thể đặt mua chiếc đi-văng gốm rộng 1,6 mét dài 3 mét, bốn gờ xung quanh trang trí hoa văn mỹ thuật với cả chân quỳ. Sản phẩm được làm bằng đất sét cùng hóa chất, không cho vô lò nung như các sản phẩm gốm khác, thoạt nhìn giống như đi-văng bằng gỗ quý như căm xe, cà chất, gỗ đỏ hoặc thao lao.... Đi-văng gốm có tuổi thọ như đi-văng gỗ. Đang mùa nắng gắt, nằm đi-văng gốm thì khỏi phải nói. Bạn sẽ nghe cảm giác mát mẻ, sảng khoái lan thấm vào thớ thịt, giúp bạn đi sâu vào giấc ngủ lúc nào không hay. Giá 45 triệu đồng/chiếc. Đây là sản phẩm độc đáo ở “vương quốc gốm đỏ” Long Hồ này.

Chặp tối, bạn thư thả ngồi trên một trong bốn chiếc đôn gốm của chiếc bàn trà đặt trong căn nhà mát. Nhà mát là loại nhà được các giới chức hoặc nhà giàu địa phương xưa kia xây dựng bên bờ sông. Bây giờ, nhà mát được kết cấu bằng gốm đỏ, vừa đẹp vừa bền, vừa giữ được phong vị xa xưa cho những tâm hồn hoài cổ. Ngồi trong nhà mát gốm, bạn vừa thưởng thức đặc sản quê hương vừa cùng anh em nhỏ to tâm sự, tính toán chuyện làm ăn tương lai, trong những cơn gió mát lành từ bờ sông thổi vào, thật là hạnh phúc!

So với nhà được xây dựng bằng gỗ, nhà gốm và nhà mát có giá rẻ hơn. Trung bình, một căn nhà gốm để ở có giá khoảng 150 triệu đồng, còn nhà mát thì chừng 80 triệu đồng. Bàn trà gốm có giá 1,8 triệu đồng.

Nhà gốm là “kiệt tác” xuất sắc của làng gốm Long Hồ, được kết cấu hoàn toàn bằng gốm nung đỏ, kể cả rui, mè, đòn tay, đòn dông, kèo, cột..., tất cả đều vững chắc và hài hòa dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ mỹ thuật, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đảm trách. Nhìn đại thể, nhà gốm cấu trúc giống nhà chữ “đinh”, là một trong những kiểu nhà truyền thống của Nam bộ. Nó là nơi lưu giữ dấu ấn không gian sinh sống của một tầng lớp cư dân khá giả xưa, là nét văn hóa bản địa độc đáo, sang trọng, phù hợp với sự phát triển theo đà tiến hóa của dân tộc trên nền tảng truyền thống. Chính vì vậy mà nhà gốm là điểm thu hút khách tham quan.

Nguồn: TCDL

Người đăng: thanhnt

05/05/2009

Moi chuyen di la mot niem vui
Người dân Gia Lai vẫn quen gọi với cái tên “Đèo cổng trời”, quãng đường đèo không dài nhưng độ dốc đứng tạo cho ta cảm giác như lên với trời xanh, có lẽ vì đặc điểm này mà nó thích hợp với tên gọi đó.

Nếu ai từng lên phố núi Pleiku theo quốc lộ 19 và lại vào 2 mùa mưa-nắng rất đặc trưng của Cao nguyên này chắc hẳn sẽ không ngỡ ngàng trước 2 vẻ đẹp rất riêng, rất nên thơ của phong cảnh nơi đây. Nếu bạn đến vào mùa nắng sẽ như lạc vào rừng cúc quỳ vàng rực rỡ dọc theo đoạn đường lên đến đỉnh trời, và nếu là mùa mưa bạn càng không khõi ngỡ ngàng trước làn sóng nhấp nhô của cỏ tranh đuổi nhau trên sườn núi.

 

Cảnh quan của “Đèo cổng trời” vừa hùng vĩ vừa nên thơ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Người đăng: thanhnt

05/05/2009

Mỗi khi người ta nhắc đến hay nói về Huế có nghĩa là đã nói đến cái đẹp cái mơ, cái thơ mộng tuyệt vời của đất Thần Kinh, nhưng làm thế nào để cảm nhận được cuộc sống đầy thơ mộng và thú vị ấy trong cái cảm giác lúc ta sống ở Huế chỉ với một thời gian thật ngắn ngày trong chuyến du hành. Bởi vì Huế tuyệt đẹp, thật duyên dáng với nét dáng riêng của cố đô, nó có vẻ đẹp kết hợp giữa thiên nhiên với tĩnh lặng siêu nhiên, hài hoà với tâm tư và trạng thái con người đem lại bình yên cho tâm hồn ta một cách thanh thản.


Cố đô Huế không có sự ồn ào náo nhiệt của những hãng xưởng lớn, công nghiệp và thương nghiệp ở Huế rất bình thường nên như có một sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên.

Nhưng không phải sự ít ồn ào náo nhiệt mà người ở đây khi đi xa Huế mà không nhớ những xóm làng  thôn dã. Chính sự thương nhớ  khi xa Huế mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đã trách những người đã ở Thôn Vỹ Dạ khi đi xa ít về thăm nơi xưa chốn cũ:  

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai neo bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà.

(Thơ Hàn Mạc Tử - Nhạc Phạm Duy) 

Ý thơ thì như vậy, lại được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mà khi ca sĩ Hà Thanh gốc người Huế cất lên tiếng hát thật não nùng ai oán.

Ta hãy nhìn về phía Tây, một dẫy núi chạy dài từ Bắc xuống Nam, vào những buổi chiều nắng nhạt luôn đổi mầu sắc, lúc thì mầu lam đục, khi thì trắng như dải lụa trải dài, lúc này hoàng hôn tối dần lại đổi thành mầu tím, một mầu trầm và buồn rồi lịm tắt.

Có con suối lớn như một dòng sông nhỏ, nước chảy róc rách dịu dàng như tiếng nhạc chứ không ầm ầm thác đổ, nằm nghiêng gối đầu lên dẫy núi cao, ven hai bờ suối có những cây phượng vĩ nở hoa đỏ rực khi mùa hạ về, khi hoa phương tàn thì để lại ven bờ suối thảm cỏ xanh mầu bích ngọc, cách đó không xa lắm có những mái nhà  mọc lên điểm thêm phần duyên dáng  nằm bên cạnh con sông Hương  hiền hoà có màu nuớc trắng bạc.

Cầu Trường Tiền  thơ mộng phất phơ những tà áo trắng nữ sinh Đồng Khánh khi tan trường về.

Người mê vẻ đẹp Sông Hương vì nó  nên thơ mờ ảo đắm mình trong lúc sương sớm bồng bềnh, có khi ẩn khi hiện trong màu tím của  những lùm cây  ngọn cỏ mọc hai bên bờ, nên khi ta nhìn thấy mà ảo giác không biết ta mơ hay thực trong khi dòng nước cứ lững lờ trôi chuyên chở thêm những con thuyền nhỏ bé điểm tô như bức tranh thuỷ mạc đẹp tuyệt vời.

Giữa khung cảnh đẹp đẽ hữu tình ấy, các lăng tẩm, chùa chiền chen vào như điểm tô thêm cho cảnh vật được tuyệt vời khiến lòng người cảm thấy đắm say trong khung cảnh thiêng liêng khi nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tiếng chuông chiều như ru hồn người về với một chốn quê hương xa vời nào đó trong một thế giới siêu nhiên.

Du khách đến thăm xứ Huế thì không khỏi say mê những giọng nói Huế nhỏ nhẹ, êm dịu dễ thương của những cô gái thật dễ thương, những ánh mắt đưa tình khiến lòng mình xao xuyến. Xa xa nghe vọng lại giọng hò mái nhì miên man xao xuyến làm rung động lòng người. Người của Huế rất yêu thiên nhiên, với vẻ trần tĩnh nội tâm, sống trong khung cảnh nghiêm ngặt của lễ giáo các đạo Khổng, Nho giáo, và  Phật giáo. Huế có những nét nghiêm trang trong phóng khoáng có chừng mực, có một sắc thái cô đọng của hoàng tộc trí thức, các cụ đồ nho đã làm cho Huế  có vẻ trầm lặng không phô trương ồn ào như các đô thị khác trong nước, Huế thật là chân chất, tế nhị, dễ thương nhưng đa sầu đa cảm khiến người phương xa bái phục nhưng không muốn buồn lây cái buồn của Huế tâm hồn mình.

Chính cái buồn bàng bạc của Huế có một sắc thái riêng biệt đó của Huế đã làm xiêu lòng biết bao tao nhân mặc khách và đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều thi nhân, nhạc sĩ làm để sáng tác thi nhạc phẩm của mình. Ta hãy nghe nhạc sĩ Hà Lan Phương  nức nở  kể chuyện Huế qua thơ của Cao Nguyên : 

Mai em về Vĩ Dạ

nhặt hương nhớ hoa cau

hứng mưa đầu mái rạ

theo nón lá qua cầu !


Nắng Nam Giao cuối Hạ

Thu ngược quá Văn Lâu

đời Mệ buồn vật vã

con cháu đã về đâu ?


 Mốt về thăm Đập Đá

ngắm bến lạ sông quen

đổi thay chừ hối hả

thương nhớ biết mô tìm ?

 

Bờ ni và Bến nớ

khoảnh khắc đã là mơ

Huế qua mùa trăn trở

đã cháy vỡ trời thơ !


Đêm ghé về Thiên Mụ

trăng sáng tụ lầu chuông

soi nghiêng hồn cổ ngữ

kinh rót chữ bi thương !


trầm hương gieo cổ tích

theo tĩnh mịch ngược nguồn

âm u đường hoang phế

lễ mễ những hồn oan !

 

Nửa đời em háo hức

về thăm chốn chôn nhau

Huế đêm mơ . ngày thực

chuông vọng thức kinh cầu !

(Huế Buồn - Nhạc Hà Lan Phương, lời thơ Cao Nguyên) 

Ấy là chưa kể đến ca Huế với nét độc đáo riêng của nó vì chỉ chú trọng khai thác kỹ năng đàn và hát chứ không phai như hát ả đào thì chi có lời thơ là quan trọng. Vả lại ca Huế thì chỉ có người gốc Huế ca mới hay, mới đúng điệu bởi vì các người miền khác không thể bắt chước giọng Huế để mà ca nhuần nhuyễn giọng Huế được. Cái độc đáo của ca Huế là như vậy, nên người ta nói ca nhạc Huế chỉ dành cho Huế mà không nơi nào có được, nó hài hoà trong cung cách của Huế cố đô.

Nguồn: TCDL.

Người đăng: thanhnt


Trở lại
Thêm địa danh

Fasolla - Cong ty thiet ke web hang dau Viet Nam